Nhà văn Ngọc Linh và ngôi nhà của chính mình
VHSG- Xuất thân là một người miền Nam: sinh tại Mương Điều, Cà Mau nhưng trưởng thành tại Vĩnh Long rồi sau đó sinh sống tại Sài Gòn. Văn nghiệp của ông bắt đầu cũng tại mảnh đất Sài Gòn năm 20 tuổi. Và từ đó ông chỉ sống bằng ngòi bút và viết như tằm trả nợ dâu cho đến khi mất… Ông thể hiện một lối viết như đa số cây viết miền Nam từ thời Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương cho đến Sơn Nam, Trang Thế Hy: Đơn giản, trong sáng, không lý giải dài dòng, không miêu tả rườm rà… Một lối viết mà người Nam Bộ gọi là bình dân. Những tác phẩm của ông đa số đều từ bối cảnh vùng sông nước Nam Bộ hoặc những nhân vật lịch sử của thời mở nước. Ngôn ngữ kịch của ông thuần là ngôn ngữ Sài Gòn, của miền Nam…
Vào những năm đầu thập niên 1980, Ngọc Linh và Lê Duy Hạnh được gọi là trẻ trong sân khấu cải lương vì cả hai đều mới viết nên có nhiều hăng say và dự tính. Cả hai đều khai thác các truyện lịch sử của danh nhân miền nam. Riêng Lê Duy Hạnh là một tác giả trẻ, còn Ngọc Linh đã từng là cây bút sáng tác tiểu thuyết nổi tiếng Sài Gòn từ trước.
Không dọ dẫm, không đánh hơi, chờ đợi xem khuynh hướng của sần khấu cách mạng ra sao Ngọc Linh đã thâm nhập vào giới sân khấu từ những ngày đầu hòa bình lập lại. Thực ra, đối với giới sân khấu Sài Gòn xưa không nghệ sĩ nào lạ lẫm với tên tác giả Ngọc Linh hay Kim Đồng Tử – phóng viên sân khấu kịch trường. Nhưng thời gian đó, Ngọc Linh chỉ là một nhà văn dù những quyển tiểu thuyết nổi tiếng của ông như ‘Đôi mắt người xưa’, ‘Ngả rẽ tâm tình’, ‘Mưa trong bình minh’, ‘Như hạt mưa sa’, ‘Về một chỗ nào’… được chuyển thể thành phim truyện và cũng thành công không kém…
***
Thành phố Sài Gòn – đất của cải lương với những đại ban và tác giả lừng lẫy trở nên im ắng vào những ngày đầu giải phóng. Thời kỳ nầy sáng tác mới còn quá ít, nên các đoàn cải lương, kịch nói đã phải dàn dựng lại những vở cũ như ‘Đời Cô Lựu’, ‘Lỡ bước sang ngang’ ‘Tấm lòng của biển’, ‘Lá sầu riêng’ , ‘Dưới hai màu áo’, ‘Sân khấu về khuya’… Những tác giả nổi tiếng của sân khấu ngày xưa như Hà Triều – Hoa Phượng, Điêu Huyền, Hoàng Khâm, Nguyễn Phương, Thu An… chưa bắt kịp với nhịp sống chuyển đổi, những vấn đề mới do cuộc sống mới đòi hỏi nên chưa có những kịch bản cải lương như kịch nói phản ánh được con người và hiện thực đời sống đang đặt ra. Để có những kịch bản cho sân khấu thành phố năm 1976, Hội Nghệ sĩ sân khấu miền Nam đã tổ chức một trại sáng tác ở Vũng Tàu tập họp hầu hết đội ngũ tác giả sân khấu cải lương kịch nói như Điệu Huyền, Thiếu Linh, Hoa Phượng, Hà Triều, Hoàng Khâm, Vĩnh Điền, Trường Xuân Trúc, Lê Duy Hạnh, Ngọc Linh trong sáu tháng trời.
Vào tuổi 41 (1976), lứa tuổi nằm trong phạm trù ‘bất hoặc’ nhưng Ngọc Linh đã nhảy sang lãnh vực, dù quen thuộc nhưng vẫn khá mới mẻ trong sự nghiệp cầm bút của ông: Sáng tác kịch bản sân khấu. Không lý giải một cách cụ thể tại sao lại xông vào lĩnh vực mới mẻ nầy, nhưng ông cho rằng ‘Nhiều tiểu thuyết gia đến một tuổi nào đó sẽ lại viết kịch, khi họ đạt đến trình độ ý tưởng súc tích, ngôn ngữ cô đọng. Kịch là cuộc sống đậm đặc, là tư tưởng ở tầm cao’ (Nguyễn Mẫn – ‘Người đi… để lại tơ vương’).
Trong trại viết nầy, ông rất tâm đắc với câu nói của đạo diễn Bích Lâm – người phụ trách trại ‘Không viết được trong hoàn cảnh xã hội mới, không ai nhìn nhận các anh là tác giả đâu! Viết được, điều đó mới quan trọng. Tác giả cần nhất là phải có tác phẩm’. Thế là, từ trại viết nầy ông viết kịch bản phim. ‘Như Thế Là Tội Ác’ (viết chung với Thiếu Linh) đoạt bằng khen của Liên hoan Phim toàn quốc lần thứ 5. Sau đó, ông viết vở kịch nói ‘Cho tình yêu mai sau’ (1978-Bông Hồng dựng), ‘Xa Thành Phố Yêu Dấu’ (1979-Đoàn Cửu Long Giang) tiếp đó là ‘Tiếng Sóng Rạch Gầm’ (1980), ‘Nàng Hai Bến Nghé’ (1982), ‘Muôn dặm vì chồng’ (1984), ‘Ba Người Mẹ củ Hoàng Oanh (kịch đoàn Bông Hồng-1985) , ‘Mùa Thu trên Non cao ‘Đoàn Văn Công Thành phố’ Khúc Hát Đọan tình (1986 Đoàn Văn công TP), ‘Mùa Xuân Trên Non Cao’ (1986), ‘Lời Tâm Sự Của Một Người Đàn Bà’ (1993), ‘Đất lỡ (1995). Nhưng thử thách thách thật sự là viết cải lương. Năm 1977, vở ‘Bóng Tối và Ánh Sáng’ (Hoa Phượng chuyển thể cải lương ra đời rất thành công (Đoàn Thanh Nga dàn dựng). Ông tâm sự ‘Muốn biết bài bản cải lương tôi phải thụ giáo với soạn giả Điêu Huyền cũng như nghe lời góp của các tác giả tài danh về cải lương khác. Vở ’Bóng Tối và Ánh Sáng’ đã thúc đẩy ông tiếp tục viết kịch bản cải lương. Trong khoảng thời gian 1976-85, sự đóng góp kịch bản của ông cho các đoàn kịch, cải lương TPHCM và kể cả Hà Nội không phải là nhỏ.
***
Viết, theo ông, trước hết là bày tỏ nhiệt tình, là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người cầm bút. Viết còn có ý nghĩa lớn hơn: góp sức mình cải tạo và xây dựng cuộc sống mới. ‘Tôi luôn luôn viết với một nỗi day dứt đè năng tâm hồn. Tôi thường xuyên tự hỏi: Cuộc sống, xã hội đang đề ra những vấn đề gì? Mình phải tìm cách giải đáp ra sao? Tôi tìm câu giải đáp trong xã hội mà chúng ta đang sống, tôi tìm cả trong lịch sử dân tộc. Có đựợc hướng giải đáp rồi, tôi suy nghĩ cố tìm cách tạo ra các xung đột để dựng thành kịch bản. Cách giải quyết những xung đột kịch cũng chính là hướng đề nghị của mình. (Sài Gòn Giải Phóng 30/4/1982).
Thật ra, thái độ của Ngọc Linh chính là tìm cách lý giải của những vấn đề của việc cải tạo và xây dựng con người tìm ra nhân vật trung tâm trong cuộc sống mới. Bởi vì, chính ông là người cũng đã từng có thái độ đứng về nhân dân và cách mạng trong ngòi bút, trong hoạt động sân khấu và với những cây bút nội thành từ những năm cuối của thập niên 1950. Ông từng là Thư ký tòa soạn của tờ Nhân Loại năm 1956-57, một tuần báo đã tạo chỗ đứng cho Lê Vĩnh Hòa, Trang Thế Hy cũng như đã dám in tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa khi nhà văn nầy đã vào khu – một hành động được xem là liều lĩnh, dễ bị lộ mặt “thân cộng” trong giai đoạn khốc liệt. Do đó, trong tư tưởng, ông không thay đổi nhận thức mà chỉ thay đổi cách nhìn nhận và giải quyết những vấn đề do xã hội mới với những chuyển biến trong tư tưởng con người tạo nên.
Năm 1978 và 79 ông viết nhiều kịch bản, như ‘Cho Tình Yêu Mai Sau’ và ‘Ba Người Mẹ của Hoàng Oanh’ do Đoàn kịch nói Bông Hồng dựng, ‘Xa Thành Phố Yêu Dấu’ do Đoàn kịch Cửu Long Giang dựng (đoạt giải thưởng lớn trong Hội diễn Sân khâu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980)… Các vở kịch nhằm lên án cả hai lối suy nghĩ, nhìn nhận và thái độ đối xử với những người đã từng sống và làm việc xấu, hoặc phục vụ cho chế độ cũ. Những cán bộ nếu quá khắt khe, thành kiến sẽ vùi dập luôn cả những người có thiện chí, thui chột tài năng của họ. Còn vuốt ve, mua chuộc hữu khuynh thì sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Trước năm 1975, nhân vật trung tâm của ông là những thân phận đau thương sống ngột ngạt bế tắc, ảnh hường chất lãng mạn tiểu tư sản. Tác giả chỉ bận bịu giải quyết những vấn đề riêng lẽ trong tâm tư tình cảm con người, không mang ý nghĩa xã hội cho lắm.
Còn nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của ông từ năm 1976 trở đi là ai?
Trong những năm đầu giải phóng, những nhân vật đó chính là những con người thoát thai từ xã hội cũ, vươn lên trong xã hội mới như Thuận, Quang, Thành… trong vở kịch nói ‘Cho Tình Yêu Mai sau’, ‘Xa thành Phố Yêu Dấu’. Vấn đề những con người tha hóa bước đầu chuyển biến thành con người mới là một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Và cũng không thể thiếu hình ảnh của Sáu Hạnh, Ba nữa trong ‘Xa Thành Phố Yêu Dấu’ – những cán bộ cách mạng trong người còn nhức nhói với những vết thương trong chiến tranh dã lao vào công tác cải tạo và bảo vệ thành quả cách mạng với lòng yêu thương con người.Tác giả viết vì yêu cầu xã hội đặt ra và cũng như bày tỏ thái độ và chính kiến của mình.
Sau hơn 10 năm, Ngọc Linh công nhận là từng bước trưởng thành trong tư duy sáng tác. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của ông không còn là những nạn nhân vừa thoát khỏi những tệ nạn tạo ra trong đời sống cũ mà là những người trưởng thành đang đóng góp và xây dựng xã hội mới. ‘Nhân vât trung tâm của tôi hiện nay đã bắt đầu thay đổi, chuyên chở chủ đề quen thuộc của tôi, nhằm giải quyết mối quan hệ giữa cách mạng và những người dân vùng tạm chiếm. Đã hơn 10 năm nhân vật trung tâm của tôi là những người trưởng thành trong cách mạng.’ (SGGP-14.4.85)
Những nhân vật nầy là có thể là những ông quan yêu dân, diệt bạo và phải chịu tội với triều đình như Đặng Đại Độ (Luật Trời và Lòng Người), Bùi Hữu Nghĩa trong ‘Muôn Dặm Vì Chồng’ hoặc những nông dân như ông Sáu Yến trong ‘Trên Sông Mùa Nước Lũ’ không vì ‘nước lũ’ (một cách hình thượng hóa ẩn dụ cơn lóc của đồng tiền), không vì đồng tiền mà mất đi lòng nhân nghĩa…
Qua tất cả các tác phẩm kịch nói và cải lương của Ngọc Linh, ta thấy bên cạnh vốn sống của người viết, tình cảm và thái độ của người viết cũng là môt yếu tố góp phần quyết định. Như có lần ông đã phát biểu ‘Không thực yêu thương thì không thể viết có tình. Phải yêu hết mức cái đáng yêu, ghét hết mức cái đáng ghét qua những hình ảnh mình dựng lên thì mới viết có thể tốt. Tác giả phải là con người chiến đấu. Và muốn viết tốt, trước hết anh phải là một con người tích cực. Có như vậy anh mới hiểu và rung động được với những sự việc, những con người tích cực ở chung quanh. Một nghệ sĩ chân chính phải biết phản ánh cuộc sống một cách trung thực, đấu tranh dũng cảm chống mọi thứ tiêu cực, khẳng định cái tích cực.’ Đây chính là thái độ tác giả – công dân Ngọc Linh.
***
Nhiều tác phẩm sân khấu chỉ sống được một giai đoạn vì nội dung chỉ đáp ứng được yêu cầu của xã hội lúc đó. Tính hiện đại trong tác phẩm, theo tôi, không phải phù hợp trong từng giai đoạn mà vấn đề kịch bản nêu ra, mà vấn đề ấy đang manh nha và rồi sẽ là vấn nạn trong những năm về sau. Nói nôm na, kịch của 10 năm trước, nhưng hôm nay, nếu đem diễn lại vẫn thấy đó vấn đề tác giả đặt ra vẫn là của ngày hôm nay.
‘Luật Trời Và Lòng Người’ với dũng khí của Đặng Đại Độ đâu phải đặt ra cho đời trước. Bây giờ, nhìn lại, xã hội ta đang cần rất nhiều vị quan có cái lòng yêu dân của Đặng Đại Độ. Đặng Đại Độ là một dũng tướng dưới triều Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát nổi tiếng thanh liêm, thương dân đã xử tử hai tên thị vệ tàn ác của chúa Nguyễn. Sau đó, Đặng Đại Độ đã tự mang gông đi bộ về triều để nhận tội. Dọc đường mang gông khổ sở, bệnh hoạn nhưng ông được người dân cảm kích, bảo vệ và chăm sóc. Người xem như cùng bước theo nhân vật trung tâm, chia sẻ ý chí, đức độ bảo vệ lương dân, dù phải xả thân mình. Đặng Đại Độ mang trong mình khí phách của những người đi mở cõi và tinh thần trọng nghĩa dám dấn thân vì hạnh phúc của muôn dân. ‘Giữa chúa thượng và dân lành còn biết bao kẻ tham quan ác độc. Muốn diệt chúng thì phải xử thế nào cho tròn luật pháp mà dân không khỏi oán than… Ta muốn giữ lề thói nhưng không muốn làm một kẻ ngu trung. Ta không xu nịnh quyền uy nhưng cũng không thể đạp lên luật pháp triều đình! Nỗi khổ của ta là ở đó.’ (lời của Đặng Đại Độ trong kịch bản).
Hình ảnh Đặng Đại Độ chỉ là cái cớ để Ngọc Linh nhìn nhận vấn đề rằng xã hội chúng ta cũng đang có không ít những con sâu là quan lại tham nhũng (nhưng bây giờ còn tinh vi hơn), và mong rằng có những vị quan thanh liêm chính trực dám đấu tranh để bảo vệ đường lối cách mạng là vì cuộc sống ấm no của nhân dân ‘dù rằng cũng đang mang nhiều nỗi khổ’. ‘Luật Trời Và Lòng Người’ do đoàn Nghệ thuật Sân khấu Trẻ đã được ông Trương Tấn Sang – Bí thư Thành ủy lúc đó, đến xem tại rạp Hưng Đạo. Tác giả Ngọc Linh thay mặt cho tập thể diễn viên và đạo diễn cám ơn sự có mặt của ông. Đáp lại, ông Trương Tấn Sang đã nói một câu làm mọi người đều cảm động: ‘Chính tôi phải cảm ơn anh mới đúng…’ (Cẩm Liên – tạp chí Sân Khấu số 403, tháng 10, 1998).
Những vở kịch lịch sử của Ngọc cũng chỉ là những con người miền Nam đậm chất trung hiếu tiết nghĩa. Đặc biệt, hình ảnh những người phụ nữ nam bộ cũng không kém phần trung trinh, tiết liệt. Một Nguyễn Thị Tồn ‘Muôn Dặm Vì Chồng’ để kêu oan – một hành động chứng tỏ bà, dù là thân phận nữ nhi nhưng đã đồng lòng ủng hộ chồng là Bùi Hữu Nghĩa chống lại thế lực cường hào ác bá phong kiến ngày xưa. Soi lại hoàn cảnh ngày nay đâu hẳn là đã vắng bóng ác bá cường hào. Nhận thức lịch sử, phát hiện trong lịch sử và từ những sự kiện của những nhân vật có thật trong lịch sử xây dựng thành nhân vật trung tâm để từ đó nói lên điều gì đó cho cuộc sống hôm nay và tương lai. Đó là chức năng của những vở cải lương có đề tài lịch sử của cải lương mà Ngọc Linh đã theo đuổi trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Đáng chú ý là Ngọc Linh có một chùm kịch viết về những ngôi nhà. Kịch bản đầu tiên là ‘Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông’ (1993), ‘Ngôi Nhà Thiếu Đàn Bà’ (1993), ‘Ngôi Nhà Của Chúng Ta’ (1997). Đây là những vở kịch xã hội, mỗi vở đều có vấn đề riêng của nó. ‘Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông’ lên án sự hẹp hòi cố chấp, chỉ vì suy nghĩ thủ cựu, không rộng mở tấm lòng, vô tình người nắm quyền trong gia đình nhỏ tước đi tất cả hạnh phúc của những người khác. ‘Ngôi Nhà Thiếu Đàn Bà’ với chủ đề cho rằng bằng mọi cách hãy giữ lấy hạnh phúc, dù đó là ‘hạnh phúc đắng cay. Thà có được hạnh phúc đắng cay còn hơn là vĩnh viễn mất nó. ‘Ngôi Nhà Của Chúng Ta’, ông muốn nhắc đến trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ, thầy giáo. Tuổi trẻ cần cảm thông và nâng đỡ chứ không phải xua đuổi ra khỏi gia đình và nhà trường. Ông cho rằng gia đình là nòng cốt của xã hội trong bất cứ thời đại nào. Những người cùng quan tâm lo việc xã hội họ càng phải có trách nhiệm với gia đình.
Với chủ đề gia đình, trước 1975, chủ trương dùng cái đẹp đạo lý của dân tộc để chống lại sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Sau năm 75, ông mở rộng chủ đề gắn chặt gia đình với không khí xã hội sôi động đầy những vấn đề bức thiết. Ông quan niệm gia đình có vững thì xã hội mới vững. Nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi gía trị hình như nhập nhòa, đảo lộn nên giữ vững giềng mối gia đình là cách tạo dựng xã hội tốt nhất. Nhân vật Bích Hồng trong ‘Ngôi Nhà Của Chúng Ta’ hư hỏng cũng do gia đình mà trở lại nên người cũng nhờ gia đình. Trong những vở kịch và cải lương của ông từ ‘Nàng Hai Bến Nghé’, ‘Muôn Dặm Vì Chồng’ đến những ‘Ngôi Nhà Của Chúng Ta’ ông luôn đề cao vai trò người phụ nữ vì ‘phụ nữ là người nòng cốt trong gia đình, là chỗ tựa cho chồng con làm nên sự nghiệp’.
Cách ông nhìn nhận giềng mối, chỗ tựa của xã hội là gia đình từ thế kỷ trước, cho đến nay có khác gì không? Theo tôi là không? Với cuộc sống hiện đại, hối hả chạy theo tiền như hiện nay giềng mối gia đình gần như lỏng lẻo. Từ chồng đến vợ, từ cha mẹ đến con cái mỗi người bắt đầu có một thế giới riêng tách biệt. Những vở kịch trên sân khấu ngày hôm nay đều nêu lên những bất cập trong gia đình hiện đại – cha, mẹ mải miết chạy theo làm ăn, chức tước và địa vị có khác gì cách kêu gọi của Ngọc Linh cuối thế kỷ trước không? Những nhân vật của Ngọc Linh không chỉ sống bó hẹp trong những ngôi nhà lạc lõng trong ngôi nhà lạnh lẽo. Nhà văn Anh Đức đã nhận xét ‘Tính khái quát cao trong vở kịch gợi lên ý nghĩa thời sự về xã hội chúng ta hôm nay’.
‘Cơn Mê Cuối Cùng’- Ngọc Linh rất rạch ròi phân biệt ‘thiện ác’. Bài toán của lương tri, bài toán của cuộc đời không thể tính toán ‘nhân thân’ rồi giảm trừ một cách cơ học: bao nhiêu phần trăm cái tốt sẽ được tính toán để giải quyết cái xấu bắt đầu trỗi dậy. Trong kịch, nhân vật Hai Khương là một ông ‘thánh sống’ trong làng. Nhưng trong một cơn mê của con người trần tục ông lại hãm hiếp đưa con gái nuôi. Ông đau khổ , dằn vặt nhưng tội ác là tội ác, ông không thể tự tha thứ cho mình bằng cái hào quang qua khứ kia. Thử hỏi, trong xã hội bây giờ, các quan tham nhũng, khi ra tòa sẽ được chiếu cố vì nhân thân. Có khi nào các quan tham dằn vặt với lương tâm chính mình vì ta ham tiền mà cầu gãy, đường lún, trẻ con không có trường học khi ta đi siêu xe, ăn nhậu phải có gái kèm bên là tội ác hay không? Hay vì ta đã có công nên cứ yên tâm, ta sẽ được các người xử án khấu trừ tội trạng cho… huề?
Theo tác giả Dương Linh, trong một lần cùng đi xuống miền Tây để vận động sáng tác, Ngọc Linh đã trăn trở một vở kịch về những bi kịch con người trong cơn lốc kinh tế thị trường thời mở cửa. Theo ông, đồng tiền đã bắt đầu phát huy sức mạnh của nó đủ sức làm băng hoại đạo đức xã hội, nếu ai đó xem đồng tiền như là mục đích chứ không phải phương tiện. Biết bao nhiêu bi kịch đã xảy ra – đầy máu và nước mắt-khi đồng tiền bước lên ngôi chúa tể chi phối mọi quan hệ giữa người với người. Từ những suy nghĩ dằn vặt đó, ông đã cho ra đời tác phẩm ‘Đất Lỡ’ với những con người Nam Bộ phóng khoáng cởi mở, nhân hậu thủy chung, trọng nghĩa khí, con người mà tính cách từ khi đi mở nước vượt qua muôn trùng gian nan vất vả để kến lập đến vùng đất phương Nam trù phú ngày nay. Vở kịch sau nầy có gốc từ vở cải lương ‘Trên Sông Mùa Nước Lũ’ được ẩn dụ ở tầng nghĩa ngầm: nước lũ trên sông dù có cuồn cuộn phá vở từng mảng đất lở nhưng những cù lao xanh um vẫn tồn tại mãi mãi như khí chất của con người nam bộ ‘Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng’.
***
Xuất thân là một người miền Nam: sinh tại Mương Điều, Cà Mau nhưng trưởng thành tại Vĩnh Long rồi sau đó sinh sống tại Sài Gòn. Văn nghiệp của ông bắt đầu cũng tại mảnh đất Sài Gòn năm 20 tuổi. Và từ đó ông chỉ sống bằng ngòi bút và viết như tằm trả nợ dâu cho đến khi mất (2002). Cùng thời với những Trang Thế Hy, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa, Kiên Giang, Bình Nguyên Lộc… trước là một nhà văn với rất nhiều đầu sách, một cây bút phơi ơ tông ăn khách với những chuyện nông thôn miền Nam lấy bối cảnh là gia đình cùng với những luân lý, những nghịch cảnh của nó. Tác phẩm của ông gần với đời thường. Ông thể hiện một lối viết như đa số cây viết miền Nam từ thời Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương cho đến Sơn Nam, Trang Thế Hy: Đơn giản, trong sáng, không lý giải dài dòng, không miêu tả rườm rà… Một lối viết mà người Nam Bộ gọi là bình dân. Những tác phẩm của ông, đa số, đều từ bối cảnh vùng sông nước Nam Bộ hoặc những nhân vật lịch sử của thời mở nước. Ngôn ngữ kịch của ông thuần là ngôn ngữ Sài Gòn, của miền Nam.
Như đã trình bày ở trên, sau 1975 ông xông xáo vào làng sân khấu, một lĩnh vực mới mẻ, với một bút lực sung mãn. Với 15 tác phẩm kịch nói và 10 kịch bản cải lương được nhiều đơn vị nghệ thuật và đài truyền hình trên cả nước dàn dựng, đạt tổng cộng 20 giải thưởng, huy chương vàng trong các cuộc liên hoan, hội diễn. Phải nói là ông đã đóng góp rất lớn cho diện mạo sân khấu thành phố với một tình yêu và sự cống hiến đầy đam mê, một bút lực sung mãn và đầy sáng tạo. Đó là chưa nói đến hai tập truyện ngắn và một tập thơ cũng như hàng trăm bài báo viết về sân khấu.
Sở dĩ ông có nhiều sáng tác như vậy vì luôn giữ được ngọn lửa đam mê sáng tạo. Phải xem sáng tác như cái ‘đạo’, phải ‘ngộ’ thì mới tìm ra được kết quả cuối cùng. Dường như lúc nào tôi cũng suy nghĩ vế nhân vật, cốt truyện có khi nghiền ngẫm đến 3-4 năm. Ông cũng cho biết là phải tập nhìn cái gì cũng thanh xuân. Có khi cái đã biết rồi mà nhìn lại vẫn thấy mới, thấy xúc động. Không bao giờ viết trong sự gượng ép. Phải thực sự xúc động mới cầm bút.
So với lũ trẻ chúng tôi lúc đó ông đã là một người khá đứng tuổi nhưng rất ham… đi, xông xáo vào những nơi mà ông cho rằng chứa đầy ắp những ‘vở kịch’ hay. Ông đi lên những lán trại thanh niên xung phong, đi biên giới Tây Nam, về đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu cuộc sống nông dân thời mở đất để rồi viết nên những tác phẩm như ‘Đất Lỡ’, ‘Cơn Mê Cuối Cùng’… Nghe nơi nào có chuyện hay là ông vác ba lô lên đường, cũng “xa thành phố yêu dấu” để có những ‘Cho Tình Yêu Mai Sau’….
Ông tâm sự ‘Tách rời hiện thực là chết. Người viết phải có vốn hiểu biết thực tế phong phú, có nhận thức sâu sắc, có lập trường tư tưởng rõ ràng và tiến bộ. Bệnh sơ lược ấu trĩ thể hiện trong kịch bản chính là do tác giả không chịu đi sâu vào thực tế.’ Trong các trại sáng tác sân khấu quần chúng do ông phụ trách và giảng dạy thì bài học về thực tế cuộc sống đều được ông nhấn mạnh như là một trong những yếu tố quyết định để có những tác phẩm hay. Đây có phải là bài học từ cuộc sống của cậu bé Dương Đại Tâm từ một đứa trẻ bán báo, bán thuốc tây rồi trở thành một nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch! Không chỉ lao vào thực tế cuộc sống, ông là một người đọc nhiều từ những những quyển sách giá trị đến những kịch bản, những buổi diễn vẫn còn chập chững của sân khấu kịch quần chúng.
Tôi nhớ có lần tôi đến thăm ông tại căn nhà trong hẻm đường Bùi Hữu Nghĩa, quận 5. Ông ngồi uống trà, ngậm tẩu, phía sau lưng ông là một tủ lớn chứa đầy sách tiếng Pháp. Tôi tỏ ý khâm phục thì ông cười nói: ‘May là tao đã bán bớt để ăn rồi, không thì còn nhiều nữa’. Khó khăn trong cuộc sống vật chất không làm ông nãn lòng, ngay cả những lúc những vở của ông có lời ra tiếng vào vì cuộc đời của ông là văn, là sân khấu!
Và cuối đời, với tình yêu, sự trăn trở, ước mơ và lòng vun đắp, Ngọc Linh trở về trọn vẹn với ngôi nhà của chính ông – Ngôi Nhà Sân Khấu! ./.
LÊ VĂN NGHĨA
___________________
Bài viết có tham khảo tư liệu các báo Sài Gòn Giải Phóng, tạp chí Sân Khấu, tuần báo Sân khấu TPHCM, tác giả Nguyễn Mẫn. Xin thành thật cám ơn.
***
---------------------------------------------------
tưởng nhớ
nhà văn Sài gon 1975
NGỌC LINH
[ i.e. Dương Đại Tam]
Thế Phong
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, Septmbet 1st, 2020
-----------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét