Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Di5h giả HUỲNH PHAN ANH qua đời tại Mỹ / Lam Điền -- nguồn : tuổi trẻ online

Dịch giả Huỳnh Phan Anh qua đời tại Mỹ

31/08/2020 15:46 GMT+7

TTO - Dịch giả Huỳnh Phan Anh vừa qua đời lúc 16h45 ngày 30-8 tại San Jose, California, Hoa Kỳ (tức 6h45 sáng 31-8 - giờ Việt Nam) sau một thời gian nằm bệnh, hưởng thọ 81 tuổi.


Dịch giả Huỳnh Phan Anh qua đời tại Mỹ - Ảnh 1.
Dịch giả Huỳnh Phan Anh (trái) chụp chung với nhà thơ Yves Bonnefoy tại Paris năm 1999 - ảnh tư liệu
Dịch giả Huỳnh Phan Anh tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, sinh năm 1940 tại Bình Dương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Lạt và là giáo sư triết học tại miền Nam. Nhưng sự nghiệp của ông gắn liền với hoạt động dịch thuật và phổ biến tác phẩm văn chương triết từ các nước đến với người đọc Việt Nam từ trước 1975.
Theo những bạn bè của ông từ hồi còn gặp nhau ở tòa soạn báo Văn tại Sài Gòn, tác phẩm phê bình văn học đầu tay của Huỳnh Phan Anh là Văn chương và kinh nghiệm hư vô (NXB Hoàng Đông Phương, 1968), sau đó ông có tập truyện Người đồng hành (Đêm Trắng xuất bản 1969), kế đó là tập tiểu luận - phê bình Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp, 1972); ngoài ra ông còn truyện vừa Những ngày mưa (Đêm Trắng xuất bản), và tập truyện Phía ngoài viết chung với Nguyễn Đình Toàn.
Nhưng sự nghiệp dịch thuật của Huỳnh Phan Anh mới thật đáng nể, ông đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm quan trọng, cả những tác phẩm kinh điển của văn chương và tư tưởng thế giới được in và tái bản nhiều lần trong mấy chục năm qua:
Một mùa địa ngục (thơ Arthur Rimbaud, NXB Văn Học), Tuyển thơ tình yêu (Paul Eluard, NXB Hội Nhà Văn), Thơ Yves Bonnefoy (NXB Hội Nhà Văn), Chuông gọi hồn ai (tiểu thuyết, Ernest Hemingway, NXB Văn Học), Tình yêu bên vực thẳm (tiểu thuyết, Erich Maria Remarque, NXB Trẻ), Sa mạc (tiểu thuyết, J.M.G Le Clézio, NXB Hội Nhà Văn), Lạc lối về (tiểu thuyết, Heinrich Boll, NXB Văn hóa Văn Nghệ), Tình yêu và tuổi trẻ (tiểu thuyết, Valery Larbaud, NXB Trẻ), Những cuộc đời tỏa sáng (nghiên cứu, André Maurois, NXB Trẻ), Ảo ảnh (Thomas Mann, Văn học), Cỏ (Claude Simon, Hội nhà văn), Thế giới của Sophie (Jostein Gaarder, Văn hoá thông tin, Nhã Nam tái bản), Bãi hoang (Jean-René Huguenin, Đồng Nai, Dtbook tái bản), Rimbaud toàn tập (Arthur Rimbaud, Văn hóa Sài Gòn), Thời gian của một tiếng thở dài (Anne Philipe, NXB Văn nghệ TP.HCM).
Một số tác phẩm quan trọng đã được ông sớm dịch từ trước 1975 như Tình yêu và lý tưởng (Thomas Mann, Ngày Mới, 1974), Chuyến viễn hành trong đêm (Heinrich Böll, Vàng Son, 1973), Tình cuồng (Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật, Ngày Mới, 1973)…
Tất cả cuộc sống của ông là ở đây, nó quá đẹp với đủ vui buồn của một chàng trai sớm già dặn và buồn bã vì bị văn chương chiêu dụ, bị triết học mê hoặc; một ngòi bút tài hoa sớm thành danh; một tên tuổi nức tiếng, nhưng ít ai thấy mặt, nghĩa là cô đơn trong chốn đông đảo, như một cách nói của ông
Nhà văn - dịch giả MAI SƠN
Theo nhà thơ Phạm Chu Sa, một bạn văn của Huỳnh Phan Anh, ở độ tuổi 30, Huỳnh Phan Anh đã "cùng với các nhà văn - nhà phê bình Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Hữu Trí và Đặng Phùng Quân quy tụ thành nhóm Đêm Trắng.
Đêm Trắng là nhóm văn học có khuynh hướng hiện sinh, đi tìm cái mới trong văn chương để làm mới văn chương. Hầu hết thành viên của nhóm là nhà văn kiêm nhà giáo dạy văn học và triết học. Huỳnh Phan Anh rất ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng của Jean Paul Sartre, nhà văn - nhà triết học người Pháp, người có công xiển dương chủ nghĩa hiện sinh".
Cũng theo Phạm Chu Sa, "năm 2002, Huỳnh Phan Anh sang Mỹ định cư tại San Jose, một TP ở Bắc California có hơn 100.000 người Việt nhưng anh sống gần như khép kín, cách biệt, cả với giới văn nghệ sĩ - bạn bè cũ của anh. Phần do anh bị bệnh tim, phần không biết lái xe".
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo trong nước, dịch giả Huỳnh Phan Anh bộc bạch: "Trước hết, tôi xin khẳng định một điều là cho dù tôi có sống tại Mỹ một vài năm hay trong suốt phần còn lại của cuộc đời, tôi cũng khó hội nhập được vào nước Mỹ! Tôi không bao giờ là một nhà văn lưu vong".
Một cuộc đời sống và làm việc hết mình cho văn chương, phê bình và dịch thuật với lượng tác phẩm đồ sộ rất có giá trị, tên tuổi Huỳnh Phan Anh chắc chắn còn sống mãi với những người trân trọng ngôn ngữ và văn chương.
Nhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh: Tôi đã và vẫn sẽ là một người VNNhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh: Tôi đã và vẫn sẽ là một người VN
"Tôi nghĩ rằng sống còn chưa ra con người mà muốn trở thành nhà văn thì hơi khó. Anh phải là con người có giá trị thì những gì anh viết ra, người ta mới tin được. Tôi nghĩ trong khi chờ đợi làm nhà văn thì hãy làm người đã. Điều đó cũng có ích cho xã hội", nhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh trò chuyện.
LAM ĐIỀN



***



---------------------------------------------------------




tưởng nhớ


dịch giả HUỲNH PHAN ANH






Thế Phong
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, September 2nd, 2020

------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét