Về tình hình nghiên cứu Phan Bội Châu ở nước ngoài ... / Chương Thâu -- trích : GIAO BLOG
GIAO BLOG
CANH ĐỘC NHÀN TRUNG TẠP LỤC 耕讀閑中雑録
Home
23/01/2017
Về tình hình nghiên cứu Phan Bội Châu ở nước ngoài những năm gần đây (Chương Thâu, 2008)
Bản chép này là lấy về từ trang của Bảo tàng Nhân học (trang bên Viện Văn học thì đã mất, không thấy lại).
Chương Thâu
Về tình hình nghiên cứu Phan Bội Châu ở nước ngoài những năm gần đây |
1. Ở Pháp
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã có những công trình chuyên khảo về Phan Bội Châu của nhà “Việt Nam học” quen thuộc là G. Boudarel như:
- “Bibliograhic des œuvres relation à Phan Bội Châu éditées en Quốc ngữ à Hanoi depuis 1954” (B.F.E.O. vol.56 (1969)
- “Mémoires de Phan Bội Châu” (Phan Bội Châu niên biểu) France-Asie/Asia N0194 et 195 Paris - 1969.
- “Phan Bội Châu et la société vietnamienne de son temps” France-Asie/Asia XXIII-4 (1969)(1).
Các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu này, sau đó được tác giả nâng lên thành luận án Tiến sĩ về đề tài Phan Bội Châu và đã bảo vệ thành công tại Đại học Paris VII.
Sau Boudarel là Feray Richard, năm 1997 cũng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Quốc gia Pháp về đề tài “Le Vietnam au XX siècle”. Trong đó ở Phần thứ nhất có 2 chương: “Việt Nam những năm 20” (Le Việt Nam des années 1920) và “Chế độ thuộc dịa” (L’ ordre coloniale) đề cập khá nhiều đến Phan Bội Châu và phong trào Phan Bội Châu. Bản luận án này cũng đã được xuất bản thành một cuốn sách, được giới sử học đánh giá cao.
Và gần đây, hồi tháng 5-2007, tại cuộc Hội thảo Quốc tế về Phong trào Duy tân ở Việt Nam tại thành phố Aix-en Provence, nhà nghiên cứu Ives Le Jariel, trong bản tham luận của mình, đã đề cập một trường hợp cụ thể, có tựa đề: “Phan Bội Châu: một cánh tay chia ra cho những người Công giáo” (la main tendue au Catholiques): “Giám mục Pineau phụ trách giáo phận ở một tỉnh phía Nam Bắc Kỳ đã nỗ lực bảo vệ 80 cố đạo người Việt bị buộc tội làm “partisan” của Phan Bội Châu. Một số người theo đạo Thiên chúa trong vùng giáo phái Tin lành Tây Ban Nha cũng bị nghi ngờ có quan hệ với Đề Thám.
Như vậy, Ives Jariel kết luận: “Nếu như Thiên chúa giáo Việt Nam không phải tất cả là những người dân tộc chủ nghĩa, thì một tỷ lệ cũng không phải là không đáng kể đã ủng hộ phong trào Duy tân” (Theo lược dịch của Vũ Thế Khôi).
Cũng tại Cộng hòa Pháp, Nguyễn Thế Anh có bài nghiên cứu “Phan Bội Châu et les débuts du mouvement Đông du” in trong cuốn sách do Vĩnh Sính chủ biên và Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á ở Mỹ xuất bản năm 1989. Bài này đã được dịch là “Phan Bội Châu và bước đầu của Phong trào Đông du” và in trong Niên san Nghiên cứu Huế tập 5-2003.
2. Ở Mỹ
Từ những thập kỷ cuối thế kỷ XX, đã có nhà “Việt Nam học” David G. Marr nghiên cứu về “Phong trào chống thực dân ở Việt Nam từ 1885-1925”. Đó cũng chính là luận án Tiến sĩ quốc gia được bảo vệ tại Đại học Berkeley - California. Trong đó, tác giả đã dành 2 chương (IV và V) nghiên cứu về Phan Bội Châu và Phong trào Đông du. David Marr đánh giá cao Phan Bội Châu: “là một nhà yêu nước làm trụ cột cho tất cả công cuộc vận động độc lập của người Việt Nam từ sau khi đảng Cần Vương tan rã cho đến hết thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những sự tận tụy, hy sinh, nghĩa khí của Phan Bội Châu và các đồng chí của ông còn in đậm trong trí nhớ của mọi người Việt Nam và làm phấn chấn được một đôi phần những trang sử rất tiêu điều của Việt Nam trong thời kỳ ấy. Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã thí xả thân mệnh trong sự nghiệp cứu nước thời Cần Vương trước đó, là kết tinh của 2000 năm nho học để đối phó với một tình cảnh quốc tán gia vong của giống nòi vậy”.
Năm 2005, tại một số thành phố và một số bang có nhiều Việt kiều cư trú như Little Saigon, San Diego, Houston, Florida, Washington DC đã tổ chức các cuộc Hội họp, Hội thảo khoa học tại một số trường Đại học có cả người các nước tham dự, nhằm kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông du 1905-2005, có nhiều học giả, nhà nghiên cứu trình bày các đề tài khá sôi nổi, như:
- Đỗ Thông Minh: Kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông du: Phan Bội Châu Cường Để.
- Trần Đức Thanh Phong: Những kinh nghiệm rút ra từ Phong trào Đông du.
- Trần Đức Giang: Từ Vương Dương Minh học đến Minh Trị duy tân, v.v...
Dịp “kỷ niệm” này, các bài báo, đài phát thanh, truyền hình của các nước phương Tây đưa tin khá rầm rộ và đậm đặc về việc nghiên cứu, giới thiệu Phan Bội Châu. Cùng với những bài phỏng vấn của các ký giả, còn có không ít trang báo đăng quảng cáo về “sự kiện lịch sử” này, đại loại như:
“Kỷ niệm 100 năm (1905-2005) Phong trào Đông du - Phan Bội Châu đánh dấu sự khởi đầu cuộc vận động cứu nước nối cuộc đời hơn 30 năm tranh đấu lẫy lừng của Cụ Phan Bội Châu với những trước tác của Cụ gồm hàng ngàn trang thơ văn. Qua cuộc kỷ niệm này, ta sẽ biết được công cuộc đấu tranh thoát ách thực dân của nhân dân Việt Nam 100 năm trước của một chí sĩ tìm hướng đi cho quê hương và dân tộc”.
Điều đặc biệt là tại một số diễn đàn Hội thảo khoa học ở Mỹ và tại trường Đại học George Mason ở Washington “đã có một số đông người Việt và thân hữu ngoại quốc đang ráo riết vận động để cơ quan UNESCO vinh danh Cụ Phan Bội Châu là danh nhân văn hóa thế giới”(2).
Tại đây, có một thính giả người Việt xa nước lâu ngày đã phát biểu một câu cảm động: “Cụ Phan Bội Châu là một nhà Nho tiết tháo, một nhà cách mạng yêu nước chân chính. Cụ Phan Bội Châu chính là người Việt Nam đầu tiên nghĩ đến việc xuất dương để tìm con đường cứu nước. Cụ Phan Bội Châu luôn mang viên ngọc sáng (Bội Châu có nghĩa là mang ngọc) để soi đường cho hậu thế noi theo. Dù bôn ba nơi xứ người nhưng Cụ Sào Nam luôn luôn đau đáu hướng về quê hương nguồn cội, luôn khắc ghi tư tưởng “Việt điểu Sào Nam chi” (Chim Việt làm tổ ở cành Nam). Tên hiệu của Cụ đã nói lên tất cả về nhân cách, về tư tưởng, về lòng yêu nước của Cụ. Là một hậu bối rất khâm phục Cụ Phan, tôi luôn tìm tòi sưu tập và trân trọng tất cả những tài liệu liên quan đến Cụ. Vì thế rất mong các nhà sử học Việt Nam có thêm nhiều công trình nghiên cứu giới thiệu về cuộc đời hoạt động của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu”.
3. Ở Cộng hào liên bang Đức
Năm 1987, người ta biết rằng tại Viện Nghiên cứu Lịch sử Đông Nam Á của trường Đại học Passaw, giáo sư Bernard Dam và trợ lý của ông là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu đã có một số đề tài về lịch sử Việt Nam và đề tài “Phan Bội Châu - nhà văn hóa lớn của Việt Nam”. Nhưng đáng chú ý hơn cả là, trước đó, vào năm 1978, tại Viện Nam Á của Đại học Heidelberg đã có một nhà “Việt Nam học” tên là Jorgen Unsselt bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ mang đầu đề: “Vietnam: Die nationalistische und marxislische Ideologie im Spatwerk von Phan Bội Châu, 1867-1940” (Việt Nam: những tư tưởng yêu nước và mácxít trong những tác phẩm cuối đời của Phan Bội Châu, 1867-1940). Về công trình nghiên cứu này, tác giả Unsselt đưa ra một số ý kiến nhận định đánh giá tư tưởng Phan Bội Châu nhằm trao đổi với các nhà sử học Việt Nam như sau: “... Đến nay, sau 18 năm (ông đã suy ngẫm về Phan Bội Châu 18 năm - CT) tôi có điều kiện đến Hà Nội, đến Nghệ Tĩnh - quê hương của Phan, tôi hi vọng sẽ “minh oan” được phần nào cho Phan Bội Châu và đánh giá đúng được con người cách mạng của ông. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ coi Phan Bội Châu là một nhà yêu nước chung chung thì chưa đủ. Không thể nhìn Phan Bội Châu theo góc độ “tĩnh”, mà phải thấy được quá trình nhận thức vận động theo hướng đi lên của ông.
Tôi cho rằng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Phan Bội Châu là một lãnh tụ đã tự nhận ra nguyên nhân thất bại của những hoạt động cách mạng của mình. Từ đó, Phan Bội Châu thấy cần phải có một con đường mới. Sự diễn biến trong tư tưởng của Phan Bội Châu là từ tư tưởng phong kiến đến tư tưởng tư sản dân tộc dân chủ và đã tiếp cận tư tưởng mácxít. Sự thay đổi về tư tưởng đó là do sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử trong nước và trên thế giới. Năm 1925, chính Phan Bội Châu đã nói ông sẽ chọn bất kỳ con đường nào phù hợp với ý muốn của nhân dân để đi đến một xã hội nhân đạo hơn, tốt đẹp hơn.
Trong luận án của mình, tôi đã tự hỏi tại sao các nhà sử học Việt Nam, các đảng viên cộng sản Việt Nam lại chưa quý trọng đúng mức, chưa chú ý đầy đủ đến tư tưởng mácxít Lêninnit của Phan Bội Châu, đến sự thống nhất giữa Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh về tinh thần và về tấm lòng vì nhân dân. Sự đánh giá tốt nhất của các nhà sử học Việt Nam về Phan Bội Châu cho đến nay mới chỉ dừng lại ở chỗ coi ông là một người có nhiều tư tưởng tiến bộ.
Phải chăng lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản III đã coi tất cả những lãnh tụ truyền thống (cũ) đều chỉ có tư tưởng phong kiến? Nếu thế thì Phan Bội Châu theo tôi sẽ là một ngoại lệ, một ngoại lệ duy nhất về sự thay đổi ý thức hệ. Nguyễn Ái Quốc và Phan Bội Châu thuộc hai thế hệ khác nhau vì vậy Nguyễn Ái Quốc không cần phải chuyển ý thức hệ như Phan Bội Châu.
Có những cơ sở để nói rằng Phan Bội Châu đã chuyển từ ý thức hệ phong kiến đến ý thức hệ Mác-Lênin. Tôi dã tự hỏi nhiều lần: Tại sao Phan Bội Châu lại viết tác phẩm Truyện Phạm Hồng Thái vào đúng dịp kỷ niệm 7 năm Cách mạng Tháng Mười Nga? Và tôi cũng đã có dịp đọc một số tài liệu của Mật thám Pháp về Phan Bội Châu. Các báo cáo đó nói rằng “Ông già Bến Ngự” đã có nhiều ảo tưởng về tư tưởng bôn sê vích của mình, rằng nhà cách mạng già đó vẫn quyết tâm thực hiện tư tưởng bôn sê vích ngay cả trong thời gian bị giam lỏng ở Huế...”.
Tiến sĩ J. Unsselt còn viết thêm: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước Việt Nam đang Đổi mới. Trong số những việc làm đổi mới có cả việc đánh giá, xem xét lại một số hiện tượng lịch sử. Tôi biết rằng giới nghiên cứu phê bình văn học đã làm như vậy, ví dụ đã đánh giá lại các tác giả và tác phẩm văn học lãng mạn trước đây. Tôi hi vọng rằng với các nguồn sử liệu mới, với cách nhìn mới, chúng ta sẽ đánh giá đúng hơn vai trò của Phan Bội Châu trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Theo tôi, sự phát triển từ Phan Bội Châu đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là sự phát triển lô gích liên tục và theo xu hướng tiến bộ”(3).
Và tác giả luận án còn viết tiếp những nhận định đánh giá về sự nghiệp của Phan Bội Châu, rằng:
“Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của tư tưởng dân tộc của nhân dân Việt Nam, là sự cụ thể hóa về một nền văn hóa tiến bộ, một xã hội tốt đẹp. Trong lịch sử phục hưng của dân tộc Việt Nam giai đoạn nào cũng phải có những nhân tố mới (Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung...) có tác dụng quyết định, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của dân tộc. Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh là những người kế tiếp và phát triển lịch sử đó của dân tộc.
Hai giai đoạn cách mạng của hai lãnh tụ Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh là hai giai đoạn kế tiếp nhau. Nếu không có những kinh nghiệm của Phan Bội Châu thì cũng không thể có sự thành công của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một sự kế thừa biện chứng. Vì vậy, giá như có một đài kỷ niệm Phan Bội Châu đặt ở Hà Nội cùng với lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sẽ tốt đẹp biết bao! Và tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ rất hài lòng. Bởi vì theo tôi tinh thần và tấm lòng của Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh là một, là đồng nhất, và đó cũng chính là linh hồn của nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”(4).
4. Ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu
- Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ở Liên Xô có một số nhà nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, văn học Việt Nam tìm hiểu nghiên cứu và giới thiệu Phan Bội Châu cho độc giả Xô Viết. A. Vôrônhin đã dịch Phan Bội Châu niên biểu (1973). A. Niculin cũng dành cho Phan Bội Châu và thơ văn Phan Bội Châu một chương sách của cuốn Lịch sử văn học Việt Nam xuất bản ở Matxcơva năm 1971. Tại các trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm ở Matxcơva và ở Lêningrat những năm 1980-1990 cũng có những “luận văn nghiên cứu” hoặc “luận án Phó tiến sĩ” sử học và văn học đề cập đề tài Phan Bội Châu. Năm 1987, tại Đại học Lêningrat, nghiên cứu sinh người Việt Nam, chị Lê Thị Kim Liên đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ sử học, đầu đề “Phan Bội Châu với Phong trào châu Á thức tỉnh”...
- Ở Ba Lan có Edward Maliki năm 1980 sau khi sang Đại học Tổng hợp Việt Nam nghiên cứu, trở về nước đã bảo vệ luận án Tiến sĩ mang tựa đề: “Thơ văn yêu nước và cách mạng của Phan Bội Châu”.
Ở Liên Xô cũ và ở các nước Âu Mỹ khác còn có nhiều học giả, nhà nghiên cứu viết nhiều luận văn đăng trên các Tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội- Nhân văn, chúng tôi đã tập hợp trong tập sách “Tổng mục lục chú giải khoa học về Phan Bội Châu” sẽ xuất bản nay mai.
5- Ở Trung Quốc
Từ mấy chục năm qua, tại các Học viện Sư phạm và trường Đại học... như ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hà Bắc, Bắc Kinh đã có nhiều tác giả nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại, đều có đề cập nghiên cứu giới thiệu Phan Bội Châu như Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Thẩm Quân Nho, Hoàng Dật Cầu, Trần Ngọc Long, v.v... Năm 1981 lại có tác phẩm của Từ Thiện Phước: Nghiên cứu Phan Bội Châu đăng 2 kỳ 3 và 4 (1981) học báo Đại học Ký Nam (Quảng Châu) dài ngót 50 trang báo khổ lớn. Tác giả đánh giá rất cao sự nghiệp cứu nước và trước tác thơ văn của nhà chí sĩ Việt Nam, một gương mặt sáng giá của văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XX.
Gần đây nhất, tháng 10-1998, Giáo sư Đới Khả Lai, chủ nhiệm khoa lịch sử trường Đại học Trịnh Châu (Hà Nam) sau khi sang Việt Nam nghiên cứu, đã cho biết thêm là ở Hội Nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc mà ông là Phó Chủ tịch, đang tiến hành biên soạn cuốn sách Lịch sử mối quan hệ Trung-Việt thời cận đại, trong đó đã dành một chương sách nói về “Phan Bội Châu với Trung Quốc” và “Trung Quốc với Phan Bội Châu”. Trong sách này, các tác giả cũng cung cấp thêm một số tư liệu lịch sử về giai đoạn Phan Bội Châu hoạt động ở Trung Quốc trước năm 1925.
6. Ở Nhật Bản
Cũng như ở Trung Quốc, đất nước có mối quan hệ nhiều năm hoạt động của Phan Bội Châu và đã có nhiều học giả nghiên cứu về Phan Bội Châu, thì ở Nhật Bản, các nhà nghiên cứu Khoa học xã hội- Nhân văn của nước này cũng sớm có nhiều công trình giới thiệu về nhà chính khách, nhà yêu nước và cũng là nhà tư tưởng, nhà văn hóa Phan Bội Châu.
Trên sách báo Nhật Bản 60 năm nay, chúng ta đã đọc thấy có rất nhiều luận văn, bài báo, tư liệu văn sử... về Phan Bội Châu của nhiều tác giả người Nhật. Họ là các nhà nghiên cứu về văn, về sử, về chính trị, v.v... là những giáo sư có tên tuổi của ba thế hệ đã nghiên cứu về Việt Nam và Phan Bội Châu. Mảng thông tin này thật phong phú, khó mà tóm lược được đầy đủ. Chúng tôi xin mượn đoạn lược thuật sau đây của GS.TS. Shiraishi Masaya, một nhà “Việt Nam học” đồng thời là một nhà “Phan Bội châu học” của Nhật Bản, vừa qua có nhiều dịp sang Việt Nam trao đổi khoa học đã trình bày tại Viện Sử học về đề tài Phan Bội Châu ở Nhật Bản. Xin dẫn nguyên văn: “Tôi xin trình bày về thực trạng nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản đặc biệt là những hoạt động nghiên cứu về Cụ Phan Bội Châu và Phong trào Đông du và lịch sử quan hệ giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam thời cận đại.
- Những năm đầu sau khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc, người Nhật không có điều kiện tiếp tục nghiên cứu về tình hình nước ngoài, tại vì đời sống khó khăn, tài chính thiếu thốn và không có chủ quyền độc lập, ngoại giao với các nước khác. Cho tới những năm 1960, một số nhà nghiên cứu mới bắt đầu nói đến những vấn đề liên quan tới Phan Bội Châu và tới Phong trào Đông du. Trong số những tác phẩm trong thời kỳ này, cuốn sách quan trọng nhất là cuốn do các GS. Nagaoka Shinjiro và Kawamoto Kuniê biên soạn. Trong đó gồm có một số tác phẩm của Phan Bội Châu được dịch sang tiếng Nhật và một số bài giải thích của hai tác giả đó...
Cũng trong thời gian này, GS. Tanigawa Yochihiko cũng trình bày về những hoạt động của Phan Bội Châu. Ông Tanigawa căn cứ vào dịch văn tiếng Trung Quốc cuốn Lịch sử Việt Nam của ông Trần Huy Liệu và đánh giá vai trò lịch sử của Phan Bội Châu theo ý kiến của giới sử học miền Bắc Việt Nam hồi đó. Ông Tanigawa là nhà nghiên cứu lịch sử cận đại Đông Nam Á.
Ông Torado là một nhà nghiên cứu lịch sử cận đại Trung Quốc cũng có viết một luận văn và sự liên hệ giữa nhóm Phan Bội Châu và nhóm Trung Quốc có khuynh hướng vô chính phủ ở Nhật Bản.
- Trong những năm 1970, nhóm nghiên cứu Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai, bắt đầu phát biểu một số bài trên các tạp chí khoa học. Trong số những người đó có chị Sakai Izumi và tôi (Shiraishi Masaya).
Chị Sakai căn cứ vào những tài liệu của miền Bắc, đánh giá rằng mặc dầu Phan Bội Châu là một người lãnh đạo hoạt động giải phóng dân tộc và đoàn kết dân tộc, nhưng Phan Bội Châu không có quan điểm rõ rệt sâu sắc về chủ nghĩa phản đế (?) và vấn đề liên minh công nông.
Còn tôi (Shiraishi) thì tôi cho rằng những sách báo, tài liệu của miền Bắc và sách báo của cả miền Nam cũng như những tài liệu sưu tầm được ở Nhật Bản, những sách báo liên quan đến Phan Bội Châu có được từ Mỹ, từ Pháp... Tôi bắt đầu đi sâu nghiên cứu và lần lượt phát biểu một số luận văn về tư tưởng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Đồng thời, tôi cũng cố gắng tìm hiểu kỹ hơn hoàn cảnh xã hội, kinh tế, chính trị chung quanh những hoạt động của thế hệ Phan Bội Châu.
- Những năm cuối 1970 và những năm đầu 1980, GS. Gotokiupei đã viết một cuốn sách phê bình xu hướng chủ nghĩa châu Á trong một cuốn sách khác viết về lịch sử quan hệ Nhật - Việt thời cận đại.
Một số người Nhật khác cũng tìm ra một số tài liệu quý về các ông Assaba Sakitaro và Kashiwabara Buntaro là hai người Nhật đã từng giúp đỡ Phan Bội Châu và Phong trào Đông du.
Riêng tôi thì tôi tiếp tục phát biểu khoảng hơn 20 bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề Phan Bội Châu và Phong trào Đông du. Căn cứ vào những tài liệu bằng chữ Hán, chữ Việt, Nhật, Pháp và Anh... tôi đã trình bày nhiều phương diện của hoạt động Phan Bội Châu và Phong trào Đông du, gồm có tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu, nhận định đánh giá vai trò của Phan Bội Châu và của Phong trào Đông du trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, mối quan hệ giữa Nhật Bản và thực dân Pháp, sự liên kết giữa người Việt Nam, Trung Quốc và những chí sĩ các nước châu Á khác lưu trú và hoạt động tại Nhật Bản hồi đó, v.v... Và tháng 7 năm nay (1991), tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Quốc gia về đề tài “Phan Bội Châu và Phong trào Đông du” trên cơ sở tập hợp, bổ sung thêm và khái quát từ những bài tôi đã viết và phát biểu từ trước” (Trích từ Báo cáo Tình hình nghiên cứu Việt Nam và nghiên cứu Phan Bội Châu tại Nhật Bản của GS.TS. Shirashi Masaya tại Viện Sử học ngày 24-12-1991).
Shirashi Masaya sau đó lại trở sang Việt Nam tiếp tục tìm kiếm thêm tài liệu tại Hà Nội, Nghệ An, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc, phỏng vấn các thân nhân Phan Bội Châu, các nhà nghiên cứu Việt Nam nhằm bổ sung và hoàn thiện bản luận án, nâng lên thành một cuốn sách khá bề thế để xuất bản tại Tokyo nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Phan Bội Châu (1992). Cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt(5). Đây là một “tập đại thành” các công trình nghiên cứu về Phan Bội Châu của tác giả Shirashi Masaya, nhà “Việt Nam học” tầm cỡ của Nhật Bản hiện nay.
- Nhưng vấn đề nghiên cứu Phan Bội Châu ở Nhật Bản không dừng lại đây. Trong năm 2005, nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông du, ở đất nước “mặt trời mọc”, nơi mà cách đây hơn 100 năm các chí sĩ yêu nước Việt Nam đã được ảnh hưởng bởi ngọn “gió Duy tân từ Đông hải thổi vào” và đã đến với “người anh em” “đồng văn đồng chủng” này vẫn tiếp tục có nhiều học giả tiếp tục tìm hiểu giới thiệu về Phan Bội Châu. Do vậy mà đã lại có nhiều cuộc Hội thảo khoa học, Hội họp kỷ niệm được tổ chức trên đất Nhật tại các thành phố như Tokyo, A saba, Shizouka, Kobe... từ tháng 4 đến 10-2005 tập hợp đông đảo nhân sĩ, trí thức Nhật Bản và Việt kiều tại Nhật Bản tham dự. Có nhiều đề tài của các diễn giả nổi tiếng như:
- Trần Đức Thanh Phong: Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Phong trào Đông du.
- Triệt học Trần Đức Giang: Hoạt động của cụ Phan Bội Châu ở Trung Quốc: tiếp thu tư tưởng các nhà cách mạng Nhật-Hoa.
- Đỗ Thông Minh: Hoạt động của Phong trào Đông du ở Nhật Bản.
- Masaya Shirashi: Phan Bội Châu và Phong trào Đông du.
- Chihiro Miyazawa: Hậu Phong trào Đông du, hoạt động của Cường Để từ 1915-1951.
- Shiro Momoki: Phong trào Đông du trong lịch sử châu Á và thế giới.
- Tatsuya Mori: Chung quanh vị hoàng thân Cường Để, v.v...
Những bài “diễn thuyết” trên đây đều đã được tập hợp in trong kỷ yếu “Kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông du - Phan Bội Châu và Cường Để” do Nxb. Tân Văn / Mekong Center ấn hành 2005.
Ngoài ra, một số học giả Nhật Bản còn được mời sang Việt Nam dự các Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông du” ở Đại học Quốc gia Hà Nội 21-11-2005, ở Vinh 10-9-2005 và ở Huế 27-10-2005. Họ đã có những tham luận liên quan đến Phan Bội Châu và Phong trào Đông du như:
Akihito Hashimoto: Hướng tới 100 năm Đông du.
Shimao Minora: Nhìn lại nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản.
Mori Erría: Cường Để ở Nhật Bản và tình cảm của người Nhật đối với Cường Để.
Ouchi Akira: Hội thảo kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông du và giao lưu văn hoá Nhật-Việt.
Amma Yukiho: Lịch sử bia kỷ niệm Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu và Giao lưu Nhật-Việt.
Kawamoto Kuniê: Về tác phẩm Việt Nam vong quốc sử...
Trong số các tham luận trên, có bản của GS. Kawamoto Kuniê đặt vấn đề nghi vấn: Việt Nam vong quốc sử là của Ẩm Băng Thất hay chủ yếu là của Ẩm Băng Thất (Lương Khải Siêu) vì được in nhiều lần trong Chuyên tập, Toàn tập của Lương Khải Siêu. Đây là một vấn đề “văn bản học” có thể gây tranh cãi (về tác giả là người thuật và người biên soạn) nhưng theo chúng tôi cũng có thể giải quyết ổn đáng vì sách này được in ở Trung Quốc (những năm 1905... và nhiều năm sau) rồi sau đó đã đưa vào “Toàn tập Lương Khải Siêu” là khi Lương Khải Siêu đã qua đời. Hơn nữa nếu đọc kỹ hơn thì thấy văn khí của Phan Bội Châu là rất rõ (lại có cả thơ chữ Nôm nữa) thì không thể cho rằng đây là tác phẩm của Lương Khải Siêu. Mà thực ra Lương Khải Siêu chỉ viết phần “Tiền lục” (Lời nói đầu) và phần cuối “Việt Nam tiểu chí” mà thôi. Còn lại các chương chính của Việt Nam vong quốc sử là của Phan Bội Châu thuật và Lương Khải Siêu là người biên soạn lại và giúp cho việc xuất bản. (Chúng tôi sẽ trở lại “trao đổi ý kiến với GS. Kawamoto” trong một bài sau).
7. Ở Hàn Quốc (Triều Tiên)
Người Triều Tiên cũng sớm biết đến Phan Bội Châu. Từ thuở Đông du cầu học tại Nhật Bản (1905-1909) Phan Bội Châu từng là Phó Chủ tịch “Hội Đông Á đồng minh”, trong Hội này có khá nhiều nhà yêu nước Triều Tiên hồi đó có mặt tại Tokyo. Các chí sĩ cũng từng dịch tác phẩm Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu và phổ biến tại Triều Tiên (năm 1906 đã có hai bản dịch tiếng Triều Tiên) và mới đây, năm 1980 lại in lại bản dịch Việt Nam vong quốc sử đó một lần nữa). Theo GS. Kim So Un (1908-1982) cho biết thì tư tưởng yêu nước trong Việt Nam vong quốc sử đã thức tỉnh ông căm ghét chế độ thực dân Pháp: “Sách này nói về nỗi đau khổ không bút nào tả xiết mà dân tộc An Nam đã phải chịu dựng dưới ách đô hộ của người Pháp. Mỗi cái cửa sổ cũng bị đánh thuế, khi kết hôn cũng bị đánh thuế ba lần. Biết người An Nam dùng nhiều muối trong thức ăn, họ tăng giá muối lên 10 lần hoặc 20 lần. Sở dĩ tôi khó chấp nhận một cách vô tư rằng, nước Pháp là quê hương của nghệ thuật và trung tâm của văn hóa cũng vì cuốn Việt Nam vong quốc sử đã để lại một ấn tượng quá sâu sắc trong tôi từ buổi thiếu thời”(6).
Sách Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu có tác dụng tốt đối với giáo dục tinh thần yêu nước chống đế quốc xâm lược, nên mới đây, trong cuộc Hội thảo Quốc tế tại Hà Nội ngày 20-8-2005 GS. Choi Ki Young đã có bản tham luận “Việc phổ cập Việt Nam vong quốc sử đầu thế kỷ XX và ảnh hưởng của nó. Tác giả kết luận: “Cuốn sách này được xuất bản ở Trung Quốc chưa đầy một năm thì đã được tờ báo “Hoàng Thành” dịch ra và đăng thành nhiều kỳ, sau đó đến tháng 11-1906 nó đã được dịch ra tiếng Quốc Hán, và cuối năm 1907 bản dịch tiếnG Quốc ngữ được xuất bản và được người Hàn Quốc đón đọc rất rộng rãi. Đặc biệt, cuốn Việt Nam vong quốc sử còn được sử dụng làm sách giáo khoa cho các trường tư lập, góp phần giúp cho người Hàn Quốc quan tâm đến việc phục quốc hơn. Ngoài ra, cuốn sách này còn có ảnh hưởng đến việc bài trừ Thiên chúa giáo vốn được biết đến như là tôn giáo của Pháp. Nói tóm lại, cuốn Việt Nam vong quốc sử được biên dịch đã khuếch tán sự quan tâm cũng như hoạt động phục quốc của người Hàn Quốc. Do đó mà năm 1909 Phủ Thống giám của Đế chế Nhật và chính quyền thân Nhật đã cấm bán cuốn sách này và ra lệnh tịch thu.
Bản dịch tiếng Hàn Quốc của cuốn Việt Nam vong quốc sử không chỉ đơn thuần được hiểu là cuốn sách lịch sử nước ngoài giới thiệu các kiến thức về quá trình mất nước cho xã hội Hàn Quốc vốn đang bị Nhật tước mất chủ quyền đất nước cuối những năm 1900, mà cuốn sách này còn giúp Hàn Quốc nhận thức được tình cảnh mà Hàn Quốc đương gặp phải để tìm ra con đường thoát khỏi tình trạng đó. Đó cũng chính là lý do tại sao sự quan tâm và các hoạt động phục quốc của nhân dân Hàn Quốc đã có liên quan sâu sắc đến Việt Nam vong quốc sử như vậy”(7).
Trở lên trên chúng tôi chỉ mới lược thuật một số “thông tin” về tình hình nghiên cứu Phan Bội Châu ở nước ngoài, chắc chắn là chưa đủ, nhưng qua đây, chúng ta cũng có thể lẩy ra được nhiều vấn đề về “nghiên cứu, giới thiệu Phan Bội Châu” của giới học thuật. Và chúng ta cũng có thể tranh luận với các học giả nước ngoài một số ý kiến, luận điểm khoa học nào đó.
“Sự nghiệp” nghiên cứu Phan Bội Châu còn cần được nhiều người trong giới khoa học xã hội và nhân văn chú ý tìm hiểu, bổ sung thêm, đặng rồi đây chúng ta có thể phục dựng được một chân dung toàn diện, đích thực về nhà yêu nước lớn - nhà văn hóa lớn khả kính này1
_____________
(1) Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông. Nxb. Văn hóa- Thông tin, H, 1997.
(2) Theo bản tin của đài BBC 30-7-2005 và bài viết của Đỗ Hiểu, phóng viên đài RFA 6-8-2006.
(3) Xem Chủng diệt dự ngôn. Tiến sĩ Jorgën Unsselt (CHLB Đức). Nxb. KHXH, H, 1999, 134 trang.
(4) Sđd, tr.20.
(5) Phong trào Dân tộc Việt Nam và Quan hệ của nó về cách mạng và thế giới. In làm 2 tập (490 trang + 524 trang) do Nxb. Chính trị Quốc gia - Hà Nội xuất bản năm 2000.
(6) Vĩnh Sính: Việt Nam và Nhật Bản - giao lưu văn hóa. Nxb. Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr.339.
(7) Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế: Quan hệ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam xuất bản, 8-2007.
Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4.2008
Nguồn: http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=435&menu=118
***
-------------------------------------------------------------
chúc mừng
nhà nghiên cứu sử học tài danh
CHƯƠNG THÂU
vào tuổi 85
Đường Bá Bổn
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, August 22, 2020
------------------------------------------
|
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:16 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ