TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN xem VĂN HỌC THỰC DÂN MỚI là ... / bài viết: Trần Trọng Cát Tường -- source : www.bbc.com>
Hành trình nhận thức di sản văn học miền Nam
Một thời, văn học miền Nam 1954 - 1975 thường quy gọn vào mấy chữ "phản động và suy đồi", "thù địch với nhân dân"... Nhưng khu vườn văn chương đó là thực thể không thể gạt khỏi di sản văn hóa dân tộc.
Điểm danh phương châm tiếp vật xử thế với văn học miền Nam, chúng ta thấy gì?
Thấy cương lĩnh trong nghị quyết các kỳ đại hội và hội nghị Trung ương Đảng kết liễu sinh mệnh nền văn nghệ "bên kia chiến tuyến". Từ hành động quyết liệt: "(...) quét sạch ảnh hưởng tư tưởng và thực dân mới ở miền Nam (...)" (1976) cho đến ý chí riết róng: "(...) Không vì khôi phục lại vị trí và giá trị tác phẩm cho một số văn nghệ sĩ trước đây mà đề cao họ quá đáng (...)" (1989).
Những năm 1990 chuyển sang chiều hướng giảm nhẹ. Lời giới thiệu của một số sách tái bản thường nhấn mạnh: "(...) dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác và đường lối đổi mới của Đại hội VII (...), chúng ta có thêm công cụ có ích (...)" hay trích in mệnh đề: "(...) phát huy tự do tư tưởng tạo mọi điều kiện cần thiết cho hoạt động nghiên cứu (...)" (Nghị quyết số 01-NQ-TW, 28.3.1992).
Xem chừng sợi dây ràng buộc không dễ gì cởi bỏ một sớm một chiều.
Thấy văn học miền Nam rã rời và quay quắt bởi những văn bản pháp quy. Ngay những ngày đầu khi đất nước thanh bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành Thông tri số 218/CT.75 (28.8.1975) và số 15/TTVH/MCTH (8.3.1976) cấm cửa "nọc độc văn hóa đồi trụy".
Thế rồi, Sở Thông tin Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm chiến dịch thu hồi các loại văn hoá phẩm phản động bằng Thông tri số 12030/STTVH/XB (3.5.1977).
Và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dồn tiếp Chỉ thị 22/CT-UB (29.4.1981) còn Sở Văn hoá và Thông tin cho ấn hành danh mục sách cấm và tạm được lưu hành (6.1981)...
Thấy dòng thác cuốn phăng những di hại của thứ văn hóa ấy. Như Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng (1980). Mỗi bài viết trong công trình hợp soạn này nghị án một gương mặt khác hội khác thuyền. Hãy đọc Phan Đắc Lập khinh miệt Hồ Hữu Tường, một quái tượng trong bọn cầm bút chống phá cách mạng. Còn Huy Khánh không tiếc lời mạt sát Duyên Anh, tuổi trẻ, bịp và thực.
Ấy là chưa kể Thùy Dương men theo Những bước đường sáng tác tội lỗi của Nhã Ca... Lời nào cũng cường điệu. Ý nào cũng khô khốc. Lời và ý nào cũng hãi hùng. Vũ Khắc Khoan, tác giả Thần tháp rùa, Thành Cát Tư Hãn, Mơ Hương Cảng..., chiếu rọi thân phận con người cùng nghệ thuật với cuộc đời mà tỏ hiện cùng khắp trang viết là những "luận điệu mẹ mìn", "ý đồ chính trị phản động", "thủ đoạn chống phá tinh vi", "nọc độc triết lý hiện sinh sa đọa"...
Những người có quyền ấy đắc thắng quá. Những con chữ ấy ngoa ngoắt quá. Những dạy dỗ ấy "có gang có thép" quá. Tất cả là chứng tích gợi nhắc đến những "yêu ngôn" tạt qua sinh hoạt trí thức ngày nào.
Hãy tìm đến giọng điệu có phần nhẹ nhàng hơn trong Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại (1986) của Phạm Văn Sĩ. Nhẹ nhàng là vậy nhưng không giấu được sự quy chụp thô vụng và khiếm nhã. Ở đây, nhà nghiên cứu định danh dòng văn chương nữ lưu... của những Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng... là "loại văn chương tính dục hạ cấp". Là của con người ăn chơi trụy lạc, vô lý tưởng và mục đích. Là của xã hội tha hóa hưởng thụ, phá hoại nền đạo đức cổ truyền.
Nhưng sự "Trở về mái nhà xưa" (Chủ đề buổi trò chuyện nhân dịp ba tập truyện ra mắt ngày 19.1.2013) của Trần Thị NgH và mới đây, ngày 19.3.2017, của Nguyễn Thị Thụy Vũ... chứng thực giá trị thời đại và ý nghĩa xã hội trên trang viết của những cây bút nữ này.
Kẻ trước người sau góp thêm, bày ra, nối lời, nói tiếp... về "lũ bồi bút, không phản động, chống cộng thì cũng dâm ô, đồi trụy" hay "mánh lới, ngón nghề của tay sai chủ nghĩa thực dân mới".
Có thể kể ra đây vài cây bút "trấn thủ lưu đồn" nơi hiểm yếu của đường lối văn nghệ.
Đó là Trần Độ với Khẩn trương và kiên trì xóa bỏ hậu quả của văn hóa thực dân mới (1981). Đó là Hà Xuân Trường với Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân mới (1979).
Đó là Lữ Phương với Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1981, tái bản 1985)... Giờ đây, niềm tin in dấu trong từng trang viết hẳn đã đi đằng nào. Giờ đây, con chữ tranh hơn tranh thua đã rỗng nghĩa, chỉ còn giữ được cái vỏ âm thanh, chẳng mấy ai để ý đến.
Nhưng đáng kể hơn là "tập đại thành" Văn hóa, văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954 - 1975 của Trần Trọng Đăng Đàn. Theo như Lời giới thiệu, đây là kim chỉ nam để xây dựng tủ sách: "(…) có tập sách này sẽ dễ dàng hơn trong việc biết (...) những sách gì là tốt, sách gì là xấu, sách nào bị cấm, sách nào được lưu hành, sách nào, văn hóa phẩm nào từ thời Mỹ-ngụy còn lại cần được sử dụng theo phương hướng nào (…)".
Trần Trọng Đăng Đàn không cho phép xem "văn học thực dân mới" là "một giai đoạn, một phần của văn nghệ Việt Nam hiện đại". Những "con ranh con lộn" ấy không thể nối tiếp dòng chảy văn học từ 1954 trở về trước và hiện diện trong đồ biểu, bảng lược đồ hay cuốn sổ văn học hiện đại. Ông dụng công kết tội các nhà nghiên cứu miền Nam nhập nhèm trắng đen với chính tà. Đây là Uyên Thao trong Thơ Việt hiện đại 1900 - 1960 (1969) tùy tiện phối kết dòng thơ Việt từ Phan Bội Châu, Nguyễn Thiện Thuật, Tản Đà... đến "các cây bút phục vụ đắc lực nhất cho Mỹ Ngụy". Chép lại mà ngờ ngợ cái sai, cái quấy, cái kỳ lạ này. Dẫu Nam Bắc phân tranh thì lịch sử văn học cứ là dòng chảy không hề đứt đoạn và vẫn là sự tổng hòa những mảnh ghép của bức tranh toàn cảnh. Chẳng phải vậy sao?
Xin trở lại danh mục sách cấm và được phép lưu hành tập hợp trong "tập đại thành" kể trên. Riêng tác giả với toàn bộ tác phẩm bị cấm lên đến hàng trăm. Người ngoài cuộc Flemming, Gheorghiu, Sagan... cũng như kẻ mang vòng nguyệt quế Nobel như Pasternak, Solzhenitsyn "ngẩng lên trông trời" không khỏi ngỡ ngàng vì sao bản thân bị liệt lên đầu bảng "nô dịch, lai căng, lạc hậu...". Cây bút đồng chủng đồng văn Quách Lương Huệ, Kawabata Yasunari, Natsume Sōseki... cũng như danh gia Somerset Maugham, Stephan Zweig, Kahlil Gibran... "cúi xuống nhìn đất" cũng không khỏi bối rối vì sao trước tác của mình "có hại trong việc giáo dục đạo đức và thẩm mỹ".
Danh mục mang ý nghĩa lịch sử này là dẫn liệu gợi mở vài ý niệm sơ khởi về tác phẩm, tác giả và phong khí thời đại. Nó có thể mách bảo rằng việc cấm kỵ, một phần phụ thuộc vào nội dung và quan trọng hơn, vào nhân thân. Trong tình thế chẳng đặng đừng, danh mục này trở thành thư mục đầu tiên (dẫu chưa đúng quy cách) tổng kê hàng loạt dữ kiện có giá trị tham khảo. Riêng với giới chơi mảng sách trước 1975 là cẩm nang dò tìm sách cần sưu tập, đo lường mức độ quý hiếm...
Một chính thể không chỉ có lãnh thổ, con người, bộ máy hành chính... mà còn có cả nền văn nghệ nữa. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phải kiến tạo một nền văn học. Các yếu nhân đặt viên gạch nền móng hầu hết từ đất Bắc vào chi viện. Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên (1955) bây giờ là Nguyễn Trung Thành cùng Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1969). Ca Lê Hiến từng viết Tiếng gà gáy (1965) trở thành Lê Anh Xuân với Hoa dừa (1969). Hay Lê Khâm với Bên kia biên giới (1958) chuyển thành Phan Tứ cùng Gia đình má Bảy (1968)... Mà nơi đó, còn có thêm những Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi), Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Văn Bổng (Trần Hiếu Minh)...
Cuộc chiến chưa kết thúc, Phạm Văn Sĩ đã kịp tổng kết thành quả đó bằng công trình Văn học giải phóng miền Nam (1975, tái bản 1976). Không những tán dương "quang cảnh tươi sáng rực hồng ban mai" của "nền văn học của nhân dân miền Nam thời chống Mỹ". Mà còn hơn thế nữa. Văn học giải phóng miền Nam ý chừng là giải pháp "đào thải" văn học miền Nam 1954 - 1975 và ươm ghép vào chỗ khuyết vắng đó trong cây phả hệ văn chương nước nhà.
Đôi chút ngần ngừ. Không lẽ mục từ "văn học giải phóng miền Nam" hay "văn học chống Mỹ" có thể thay cho "văn học miền Nam 1954 - 1975" trong các từ điển văn học?
Đã hơn bốn mươi năm trôi qua. Nhận thức chưa rẽ chiều đổi hướng rõ rệt nhưng thước đo thẩm định giá trị nghệ thuật có phần đong đưa và co duỗi. Sau một thời gian lặng lờ giữa chiều tà bóng khuất, từng tác phẩm được xem xét ngưỡng tốt xấu và cấp thị thực thông hành. Vậy là bỗng dưng bừng sáng bao nhiêu chân dung của thời đoạn 1954 - 1975 trên lãnh thổ phía Nam vĩ tuyến 17.
Cũng phải, với Phạm Công Thiện, trước tác sau 1975 ngao du nơi chân trời góc bể nay quay về đứng cạnh một ít tác phẩm trước 1975 đã được hồi sinh trong nước. Như dấu gạch nối những mảnh hình hài cách trở của một đời văn. Như một minh chứng rằng đời sống văn chương học thuật là một mạch ngầm chuyển động không ngừng, có thể chạy dài đến những bến bờ xa xôi.
Theo ước tính của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương (2012), chừng 160 tác gia miền Nam được phục dựng.
Từ cuối những năm 1980, bao nhiêu tiểu thuyết và sách dịch chiếm lĩnh thị trường chữ nghĩa. Và sang thế kỷ XXI, văn thơ và các nghiên cứu văn sử triết gắn với "tàn tích văn hóa Mỹ Ngụy" công khai trùng phùng trên quê hương.
Những Bùi Giáng, Nguyễn Vỹ, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương từng bị vạch mặt là buông thả, sa đọa, cuồng loạn...
Những Nhất Hạnh, Dương Nghiễm Mậu, Tràng Thiên (Võ Phiến).... từng bị cáo buộc là "biệt kích văn hóa".
Giờ đây, họ vai sánh vai duyên hành cùng đời sống nghệ thuật nước nhà. Và rồi báo chí đăng tải các nghiên cứu về tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn học... Không ít khóa luận, luận văn, luận án và chuyên khảo... chọn "đứa con hoang" đó làm đối tượng khảo sát, cắt nghĩa, thẩm định, bình giá...
Trang sách cũ chưa gấp hẳn và trang sách mới còn lưỡng lự... Hoa trái của văn học miền Nam 1954 - 1975 chính thức đâm chồi, nảy lộc trong khu vườn văn chương ngát hương hãy còn là một chặng đường nhọc nhằn. ./.
TRẦN TRỌNG CÁT TƯỜNG
Bài viết bày tỏ quan điểm riêng của tác giả.
source: BBC NEWS I Tiếng Việt
***
-------------------------------------------------------
chúc mừng
nhà nghiện cứu văn học
TRẦN TRỌNG ĐĂNG ĐÀN
tác giả VĂN HÓA VĂN NGHỆ ...
NAM VIỆT NAM 1954 -- 1975
sống & viết ở TP. HCM
vào tuổi 84
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, August 4, 2020
-------------------------------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ