Vài hồi ức về Nguyễn Xuân Hoàng/ Phạm Chu Sa ( Tp. HCM) -- source: blog Du Tử Lê ( 11/ 10 / 2014)
Tuần trước Du Tử Lê điện bảo anh vừa đi đám ma Nguyễn Xuân Hoàng ở San Jose về lại Santa Anna, tôi không bất ngờ vì biết anh Hoàng lâm trọng bệnh đã lâu và bệnh viện đã “chê” và trả về nhà từ vài tháng nay. Tôi chỉ buồn là đã đi “thăm hụt” anh hai lần. Hồi tháng Sáu, qua Mỹ thăm con, được biết anh Hoàng bệnh nặng, tôi cùng con trai đón xe đò Hoàng từ Santa Anna lên San Jose thăm anh. Đến nơi, tôi gọi điện thoại cho Huỳnh Phan Anh, hẹn cà phê và nhờ anh đưa đi thăm anh Nguyễn Xuân Hoàng, bởi họ là bạn cố tri với nhau từ hơn nửa thế kỷ trước, nay đến xứ người lại ở chung một thành phố. Nhưng Huỳnh Phan Anh bảo, Nguyễn Xuân Hoàng mới dọn nhà mà không báo cho bạn bè hay biết. Huỳnh Phan Anh lại không biết lái xe, đi đâu cũng nhờ vợ chở. Huỳnh Phan Anh và tôi thay nhau gọi cho anh Hoàng, điện thoại reo nhưng anh không bắt máy - có lẽ anh mệt. Ăn sáng cà phê xong, chia tay vợ chồng Huỳnh Phan Anh, tôi chợt nhớ một người bạn cũ trước kia cùng làm việc tại báo Thanh Niên ở Việt Nam là Lê Đình Bì, tức Lê Vinh, đang làm tại đài truyền hình Vietoday ở San Jose có quen biết với chị Hoàng. Tôi phone nhờ Bì đưa đi thăm anh Hoàng, nhưng bạn lại đang bận lo tổ chức cuộc họp mặt đồng hương Quảng Trị của anh đúng thời điểm tôi lên đây. Đành quay về lại Santa Anna, hẹn hôm nào sẽ trở lên thăm anh và nhờ người chở đi thăm một bạn cố tri là Hà Thúc Sinh ở Sacramento luôn. Đã hơn 34 năm chưa gặp mặt Hà Thúc Sinh. Hôm vừa qua, gọi điện, nghe tiếng bạn vừa mừng vừa buồn. Sinh bảo sống một mình, phải ngồi xe lăn, chỉ loanh quanh trong nhà, không thể lái xe đón tôi được. Còn tôi mới qua Mỹ, không biết đường sá, không biết lái xe !...Mấy hôm sau, một buổi tối, Phan Nhật Nam điện thoại bảo: Cậu chuẩn bị, sáng mai moa ghé đón đi San Jose thăm Nguyễn Xuân Hoàng, bà xã ổng vừa gọi báo bệnh viện đã “chê”, trả về nhà rồi. Nhưng rồi sáng mai, anh Nam gọi lại báo là huyết áp tăng cao quá do đêm trước thức “cày “ trả nợ bài cho báo và đài truyền hình để rảnh tay đi San Jose. Vậy là lại lỗi hẹn đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng, vì vài hôm sau tôi lại phải về Việt Nam. Đành gửi lời thăm anh Hoàng qua Huỳnh Phan Anh vì anh ấy vừa báo tin đã tìm được nhà Nguyễn Xuân Hoàng…
Nửa thế kỷ trước, Nguyễn Xuân Hoàng, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật lập nhóm “Đêm Trắng”- một nhóm văn chương - triết học trẻ “rất Tây”. Về sau có thêm Nguyễn Quốc Trụ và Đặng Phùng Quân gia nhập nhóm. Nguyễn Nhật Duật mất mười mấy năm trước, bây giờ đến lượt Nguyễn Xuân Hoàng! Còn Huỳnh Phan Anh bị bệnh tim, đã đột quị vài lần và cũng đã thông tim vài lần...Trước khi quen Nguyễn Xuân Hoàng, tôi đã đọc một số truyện và tản văn của anh trên Văn. Năm 1972, tình cờ anh và tôi cùng làm việc chung tòa nhà 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Đó là tòa soạn bán nguyệt san Văn mà Nguyễn Xuân Hoàng là thư ký tòa soạn nằm ở tầng trệt, mặt tiền; còn tôi là thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Ngọc đặt trên lầu. Đó cũng là địa chỉ nhà xuất bản, nhà in Nguyễn Đình Vượng - nơi in cả hai tờ Văn và Tuổi Ngọc . Chủ nhiệm tờ Văn là ông Nguyễn Đình Vượng, nhà văn Mai Thảo đứng tên chủ bút sau khi Trần Phong Giao rút khỏi Văn để ra tờ Giao Điểm ( nhưng Giao Điểm ra được mấy số thì chết non). Ông Nguyễn Đình Vượng cũng là giám đốc nhà xuất bản và là chủ nhà in đều mang tên ông. Còn chủ nhiệm Tuổi Ngọc là nhà văn Duyên Anh. Một lần tôi “ so bì” với Nguyễn Xuân Hoàng rằng : Văn của anh là “con ruột” nên được ưu ái ở tầng trệt lại là mặt tiền, còn Tuổi Ngọc là “con ghẻ” nên bị cụ Vượng “tống” lên căn gác xép nồng nặc mùi giấy và mực in. Nguyễn Xuân Hoàng bảo, đâu chỉ Tuổi Ngọc ở trên gác, mà cả tòa soạn nguyệt san Vấn Đề cũng đặt trên cùng căn gác với Tuổi Ngọc đó thôi! Tôi quên Vấn Đề, bởi tuy là một tạp chí uy tín một thời với các tên tuổi lớn trên văn đàn: Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền…đứng tên trên măng - sét nhưng ít khi thấy mặt các vị ấy, hầu như địa chỉ Tòa soạn ghi cho có để nhận thư từ bản thảo thôi. Những lúc rảnh, tôi mò xuống tòa soạn Văn dưới nhà, chủ yếu tán dóc với anh Hoàng, chứ cụ chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng chỉ ghé tạt qua ngồi ho sù sụ, xem sổ sách gì đó. Cụ Vượng bị hen suyễn nên quanh năm lúc nào cũng khăn choàng cổ bất kể nắng mưa. Còn chủ bút Mai Thảo đến tòa soạn rất ngẫu hứng, ngồi đọc bản thảo hay lướt qua bản in thử của Văn trong khi xích lô vẫn neo chờ. Mai Thảo được gọi là “ nhà văn rong chơi”. Ông bảo ông quen biết rất nhiều bồi bàn, bồi phòng và các bác xích lô đạp ở Sài Gòn, bởi ông thường xuyên ăn nhà hàng, ngủ khách sạn và di chuyển bằng xích lô.
Thời gian này Nguyễn Xuân Hoàng là giáo sư dạy triết ở trường trung học Pérus Ký ( nay là THPT Lê Hồng Phong) và trung học tư thục Trường Sơn của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế ở đường Lê Văn Duyệt, Sài Gòn ( tọa lạc nơi bây giờ là nhà hàng - khách sạn Cathay, đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3). Ngoài giờ dạy, hầu như ngày nào Nguyễn Xuân Hoàng cũng tranh thủ đến tòa soạn, chủ yếu để gặp gỡ, trao đổi công việc với chủ bút Mai Thảo và tiếp cộng tác viên. Văn là một tờ tạp chí sáng tác phê bình văn học thuộc loại uy tín nhất miền Nam nên lượng cộng tác viên rất đông đảo, người nào được chọn đăng một vài bài thơ hay vài truyện ngắn ở Văn là được coi như nhà văn, nhà thơ trẻ đầy tự hào. Văn được thành hình khá sớm, đâu cuối 1963 đầu 1964, mà người có công đầu dựng nên tờ Văn là nhà văn - dịch giảTrần Phong Giao. Ông Giao tạo dựng và gắn bó với Văn bảy, tám năm, nhưng đến năm 1971,ông Giao có vấn đề bất đồng với chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng nên đã “dứt áo ra đi”, về dựng nên tờ Giao Điểm, tòa soạn đặt tại nhà ông ở trong một con hẻm nhỏ ở cuối đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu. Phải nói dài dòng một chút về Trần Phong Giao bởi ông viết ít và dịch cũng không nhiều, nhưng được giới viết lách ở miền Nam bấy giờ đánh giá là một người làm báo văn nghệ có tài và rất tâm huyết với văn chương. Ngoài Văn, Trần Phong Giao còn dựng nên 2 ấn phẩm phụ của Văn là nguyệt san Văn Uyển và Tân Văn mỗi tháng một kỳ, in một tác phẩm của một tác giả tên tuổi.
Khác với phong cách Trần Phong Giao tiếp cộng tác viên và bạn đọc với nét mặt lúc nào cũng nghiêm trang, đôi khi khó đăm đăm, khiến nhiều người ngại tiếp xúc ( nhưng thật ra ông Giao cực kỳ chu đáo, quan tâm sâu sát tới cộng tác viên từ chuyện văn chương tới đời riêng, ai gặp khó khăn thì ông đều giúp, nếu có thể), Nguyễn Xuân Hoàng tiếp chuyện cộng tác viên cũng như bạn đọc rất cởi mở, vui vẻ, phong cách trẻ trung, ai gặp cũng thích. Ít người biết Nguyễn Xuân Hoàng làm thơ trước khi viết văn.Trong bài trả lời phỏng vấn của tuần báo Tuổi Ngọc năm 1972, Nguyễn Xuân Hoàng đọc cho tôi chép nguyên một bài lục bát dài của anh đăng trên Tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa, năm 1960, với bút hiệu Hoàng Xuân Nguyễn. Hình như bài thơ viết thời anh còn là sinh viên Đại học Đà Lạt. Tôi còn nhớ Nguyễn Xuân Hoàng nói đùa rằng “bút hiệu của moa nghe như là con cháu nhà học giả Hoàng Xuân Hãn”!Thật ra anh chỉ viết ngược tên họ mình thôi. Rồi anh bảo, “có lẽ cái tạng của moa không hợp với thơ, nên moa bèn chuyển sang viết văn”. Tuy Nguyễn Xuân Hoàng viết không nhiều, nhưng mỗi tác phẩm là một dấu ấn, đánh dấu một giai đoạn, một tìm tòi, khám phá. Không kể những truyện ngắn cùng các tản văn in trong tập tùy bút Ý nghĩ trên cỏ thì,từ Khu rừng hực lửa tới Kẻ tà đạo là một bước đột phá, một cuộc lột xác của Nguyễn Xuân Hoàng. Nói như Mai Thảo, lúc hai người làm chung tại Văn, thì văn chương Nguyễn Xuân Hoàng như những cô gái đẹp, mỗi cô mỗi vẻ nhưng cô nào cũng đẹp…Truyện dài Kẻ tà đạo - một thể nghiệm khá thành công của Nguyễn Xuân Hoàng - đăng nhiều kỳ trên Văn, sau Nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng in thành sách. Mai Thảo và Duyên Anh hay gọi đùa Nguyễn Xuân Hoàng là “ Kẻ tà đạo”. Rồi nhiều bạn bè văn nghệ cũng gọi theo. Thế là anh “chết tên” này trong giới văn chương ở Sài Gòn bấy giờ.
Khoảng cuối năm 1972, đầu 1973, Bán nguyệt san Văn phải đổi thành Đặc san Văn để khỏi phải ký quỹ 10 triệu đồng nếu ra báo chí định kỳ theo luật báo chí mới của chính quyền Sài Gòn bấy giờ, nhưng cả nội dung lẫn hình thức đều giữ y như cũ. Tuần báo Tuổi Ngọc cũng vậy, phải “lách luật” thành đặc san, và số lượng ấn bản phát hành giảm, tài chánh eo hẹp, không kham nổi với giá công in ở nhà Nguyễn Đình Vượng, một nhà in “chơi sang” chỉ in bằng chữ đúc rất tốn kém, chủ nhiệm Duyên Anh bèn cho “di tản chiến thuật”, về in ở nhà in Xây Dựng ở gần ngã ba Ông Tạ giá thấp do in bằng chữ đổ chì. Từ đó tôi ít gặp “kẻ tà đạo” Nguyễn Xuân Hoàng - một nhà văn “ Don Juan nhất” trong làng văn như trong bảng tổng kết vui trên Văn - hình như số xuân hay tất niên năm 1973.
Sau 30 - 4 - 1975, Nguyễn Xuân Hoàng không đi dạy nữa mà chuyển sang làm báo. Anh làm ở nhật báo Tin Sáng - một tờ báo tư nhân duy nhất còn lại sau 1975. Đây là tờ báo thiên tả - dĩ nhiên - và được sự chỉ đạo của chính quyền mới. Tuy nhiên Tin Sáng chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi được cho “hoàn thành nhiệm vụ”. Nguyễn Xuân Hoàng cũng “hoàn thành nhiệm vụ” luôn. Thời gian này tôi đi bán thuốc tây chợ trời, ban đầu ở đường Nguyễn Huệ, sau dời qua đường Lê Thánh Tôn, nhưng tôi tránh tai mắt công an nên thường ngồi ở quán cà phê ngay góc đường Gia Long ( Lý Tự Trọng) và Nguyễn Trung Trực để giao dịch. Tôi gọi đùa đây là “tòa soạn báo nói Chợ Trời” vì thỉnh thoảng cũng có bạn bè văn nghệ ghé uống cà phê, đọc thơ coi như “xuất bản miệng” vì bấy giờ anh em văn nghệ miền Nam không dễ gì đăng báo hay in thơ văn nếu không thay đổi bút danh. Một hôm Nguyễn Xuân Hoàng ghé lại “ tòa soạn báo nói Chợ Trời” của tôi uống cà phê. Tôi ngạc nhiên hỏi sao anh biết tôi ở đây mà ghé? Anh bảo bà chủ quán cơm ở đường Đỗ Quang Đẩu, gần tòa soạn Văn trước kia mà anh và tôi thỉnh thoảng đến ăn trưa nên quen mặt, hôm trước anh tình cờ gặp, bà bảo có nhìn thấy tôi ngồi quán cà phê này. Cả anh và tôi đều trông xơ rơ xác rác, nhìn nhau nhắc lại chuyện mới vài năm trước mà tưởng như xa xưa lắm và lòng thì quá đỗi ngậm ngùi. Mấy năm sau nghe tin hình như anh đi vượt biên trầy trật mấy bận nhưng cuối cùng rồi cũng đến Mỹ.
Hơn mười năm trước, Nguyễn Xuân Hoàng về thăm quê, gặp gỡ một số anh em cũ và cả vài bạn văn nghệ mới quen biết. Anh bảo, ở Mỹ moa lại làm tạp chí Văn sau khi Mai Thảo mất để lại. Thời Mai Thảo lập lại tờ Văn ở Mỹ, anh mới qua nhưng cũng cộng tác thường xuyên. Thì ra cái duyên nợ văn chương vẫn kết nối hai ông từ thời Văn cũ qua đến Văn mới. Gặp Nguyễn Xuân Hoàng thấy anh đã ngoài sáu mươi nhưng còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn, năng nổ như xưa, tôi rất mừng. Chúng tôi uống lai rai với ở quán Đất Phương Nam từ chiều, khuya còn kéo nhau đi uống cà phê. Không ngờ đó lần sau cùng tôi gặp anh, bởi sau này có nghe anh về nhưng vì nhiều lý do, tôi không được gặp anh. ./.
P.C.S
=========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ