Thứ Năm, 23 tháng 7, 2020

vế tác giả VŨ ANH TUẤN [ 1937- ] -- source: Việt Văn Mới (France)


NÓI CHUYỆN SÁCH ĐẸP





Nhân tiết xuân, tôi xin được phép trình bày một vài hiểu biết nho nhỏ về các bản sách đẹp, các bản sách đặc biệt.
Trong mỗi lần xuất bản, việc các tác giả và nhà xuất bản hợp tác làm một số bản đẹp và đặc biệt là một điều rất phổ biến từ lâu ở nước ngoài. Tuy nhiên, là người Việt, tôi xin được phép viết về người mình trước đã.
Khoảng năm 1930 tới 1945, thời mà những người yêu sách gọi là thời tiền chiến thì các bản đẹp và đặc biệt rất phổ biến.
Xin được phép đưa ra hai thí dụ: trước nhất là cuốn Đàn bà mới, kịch ba hồi của tác giả Vũ Đình Long (chủ nhân Nhà in Tân Dân) xuất bản hồi năm 1944 và kế đó là cuốn Lều chõng của tác giả Ngô Tất Tố do Nhà xuất bản Mai Lĩnh cho ra đời ngày 15-11-1941.

Cuốn Đàn bà mới của tác giả Vũ Đình Long có dành nguyên trang 137 trong sách để nói về “Các bản Đàn bà mới”. Đọc trang sách này ta thấy rằng tác giả đã để riêng ra ba bản coi như “không có thứ hạng” và “không bán” để đề các chữ tắt của chính tên mình (tên tác giả) và tên hai người thân nào khác (có thể là vợ hoặc con, hay chí ít là những người bạn thân tình nhất). Kế đó là những bản gọi là bản in “trên giấy lụa dó thượng hảo hạng” và có đánh số La Mã từ 1 đến 20, mà tác giả không bán và chắc chỉ để tặng cho các bạn bè quan trọng nhất. Kế đó là những bản cũng đánh số La Mã nối tiếp vào 20 bản đã kể trên từ số XXI (21) tới số L (50) và 30 cuốn này được đem bán với giá 50$00 (vào thời điểm năm 1944, ai cũng biết đó là một số tiền không nhỏ). Một điều đáng chú ý là các bản bán với giá 50$00 này đều có mang chữ ký của tác giả. Kế đó là còn một loại nữa cũng được in hai màu mực trên giấy trắng “nghệ thuật” thượng hảo hạng được bán ra với giá 5$00 (bằng 1/10 bản có đánh số La Mã và có chữ ký tác giả). Sau chót mới tới bản dành cho quảng đại quần chúng in một màu mực cũng trên loại giấy trên, nhưng giá bán ra chỉ là 2$00 (1/25 của bản đánh số La Mã và có chữ ký).
Với cách thức phân chia sắp hạng như vậy, người ta dễ dàng nhận thấy sự quý giá và mức độ tình cảm của tác giả dành cho những người được tặng những cuốn loại không bán là to lớn chừng nào, còn với những người được tặng thì đương nhiên những cuốn sách đó là vô giá. Còn đối với những người chơi sách, yêu quý sách thì việc bỏ ra một số tiền gấp 25 lần giá một cuốn thường đủ biết những con người may mắn đó yêu quý cuốn sách của mình biết chừng nào.
Bản tôi hiện có trong tay là một bản mà ông Vũ Đình Long tặng ông bà Nguyễn Khánh Đàm, chủ nhà sách thời danh ở đường Sabourain thuở nào, nhà sách đầu tiên tổ chức một cuộc triển lãm sách thật tuyệt vời. Bản này có lời đề tặng và chữ ký của ông Vũ Đình Long, khi ông đang ở Mục Xá để tránh bom đạn.

Cuốn Lều chõng của cụ Ngô Tất Tố do nhà Mai Lĩnh xuất bản năm 1941, in 3.000 cuốn giấy bản thường và 273 cuốn thuần dó (vì thuần dó nên nó dày độ 9 phân, nghĩa là dày gấp đôi mọi bản thường). Bản số 234 có mang chữ ký rất đẹp của cụ đồ Tố và chữ ký của chủ nhân Nhà xuất bản Mai Lĩnh. (Xem hình bên trang 65)

Bây giờ tôi xin được phép nói qua về vấn đề bản đẹp, sách đẹp ở các nước, đặc biệt là ở Pháp. Khi làm các bản đẹp, các tác giả Pháp cũng ghi rõ là bản đẹp, cũng ký tên và cũng đề tặng. Và tùy theo nhân vật được tặng là ai, tác giả thuộc loại tác giả nào, nhất là cuốn sách được minh họa bởi họa sĩ nào, cũng như được đóng bởi nghệ nhân đóng sách nào mà giá tiền bán ra ngày nay có thể không ít hơn một gia tài nhỏ. Ở Pháp có một số nghệ nhân đóng sách được gọi là “nghệ sĩ” và các tác phẩm của họ (chỉ nói về cái bìa không) cũng có giá hàng trăm ngàn quan, chứ chưa kể đến nội dung cuốn sách và những minh họa trong sách được thực hiện bởi các danh họa.
Là một trong số những người chơi sách khá hiếm hoi ở nước ta, điều ước mong duy nhất của tôi trong những ngày xuân này là mong sao trong tương lai gần các sách nghiêm túc khi được xuất bản sẽ có những bản sách đẹp, những bản đặc biệt.

VŨ ANH TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét