Hơn nửa thế kỷ “sống” với sách
THANH TÂM
báo Sài Gòn Giải Phóng
Khi biết có người giới thiệu ông là một người sưu tầm sách chuyên nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn lắc đầu. Ông nói mình chỉ là Vũ Thư Hữu (bút danh của ông), một người yêu sách, thích đọc sách và muốn làm bạn với sách thôi.
2.000 đầu sách - 200 sách cổ
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu sách, ngay từ nhỏ ông Vũ Anh Tuấn - một dịch giả kỳ cựu của TPHCM - đã rất mê đọc sách. May mắn hơn nữa là trong gia đình ông có người chú rất đam mê lưu giữ những quyển sách quý. Nhờ vậy mà nguồn sách thời ấu thơ của ông rất phong phú. Niềm đam mê càng được chắp cánh khi ông được cha tặng sách vào những dịp sinh nhật hay đầu năm học mới.
Cứ nói đến sách là đôi mắt của ông - dù đã ngoài tuổi 70 - lại đầy nét tinh anh, sáng rực. Ông thích thú khi nhắc đến những cuốn sách mình yêu thích và các tác giả mà ông tâm đắc nhất: “Từ nhỏ tôi rất thích thơ của Tản Đà. Những bài thơ của Tản Đà viết cho trẻ con rất hay và có ý nghĩa giáo dục. Còn sách trinh thám của luật sư John Grisham thì quả thật rất tuyệt vời”... Sự hào hứng của ông khiến người đối diện có cảm giác nếu có người nghe thì ông có thể nói mãi về những cuốn sách mà ông yêu thích.
Trong “thư viện” của ông, ngoài hàng trăm cuốn sách được trưng bày trong 4 chiếc tủ kính lớn, dưới sàn, từng góc nhà cũng đầy những chồng sách được xếp một cách ngay ngắn. Có rất nhiều loại sách cổ về lịch sử, truyện trinh thám, thơ, hội họa, từ điển ngôn ngữ… Có cả sách của người nước ngoài viết về Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và bản dịch sang tiếng Việt của chính ông. Ông sở hữu nhiều cuốn sách cổ mà tuổi đời có khi gấp đôi tuổi ông như Luật La Mã (Institutes de gaius) in năm 1827, và không ít sách trên 100 tuổi như Lịch sử đại cách mạng Pháp (1865), Lịch sử điện tín Thế giới (1894).
Để các quyển sách có tuổi thọ cao như vậy không vương chút bụi và “sống khỏe mạnh”, ông đã xem sách như một vật thể sống. Trong đó có lẽ ông quý nhất là cuốn Đời cô Huệ (Le mona de mademoiselle lys) của Nguyễn Phan Long viết bằng tiếng Pháp vì nội dung sách rất hay mà cả cách đóng sách cũng đẹp. Yêu sách đến nỗi nghe ở đâu có sách cổ, sách quý là bằng mọi giá ông cũng tìm đến. Giá cao quá thì ông cùng những người bạn góp tiền vào mua chứ không về tay không một lần nào. Đến nay, ông đã có 2 ngàn đầu sách, trong đó sách cổ hơn 2 trăm cuốn. Năm 2006, tủ sách của ông đã đoạt giải ba trong cuộc thi “Tủ sách gia đình” lần thứ nhất.
- “Đánh thức” sách cổ, sách quý
Cũng như bất kỳ người yêu sách nào, ông rất băn khoăn khi ngày nay người đồng điệu với ông quá ít. Xung quanh ông, người quan tâm đến sách ngày càng ít, nhất là giới trẻ. Ông nêu thắc mắc: “Tại sao nhiều sách đẹp đang được bán giảm giá một cách ồ ạt khắp nơi, từ lề đường đến các hiệu sách, nhưng vẫn không mấy người mua. Có lẽ giới trẻ ngày nay quan tâm đến truyện tranh và những trò chơi game quá”.
Từ ý nghĩ ban đầu chỉ muốn lưu giữ những quyển sách quý, sách hay, cái tâm của một người yêu sách đã giúp ông đi xa hơn để những cuốn sách không chỉ mãi nằm trên giá sách và giá trị bị mai một theo thời gian. Ông nghĩ đã đến lúc cần phải làm gì cho “người bạn sách” của mình. Tháng 6-2006, ông cùng một số bạn bè lập ra Câu lạc bộ sách Xưa và Nay và ông là chủ nhiệm. Mục đích của câu lạc bộ là nhằm chia sẻ thông tin về những quyển sách quý, trao đổi về cách gìn giữ những trang sách đã bị úa vàng và quan trọng hơn hết là giới thiệu sách quý đến nhiều người để “kéo” họ về với sách. Và cách thiết thực nhất để đạt mục đích này là tổ chức trưng bày sách. Ông tâm sự: “Để những cuốn sách quý không bị lãng quên thì mình phải đánh thức nó dậy trong lòng mọi người chứ chẳng lẽ cứ ngồi mà than thở mãi”.
Lần gần đây nhất là dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, CLB đã trưng bày nhiều tờ báo cổ như Gia Định báo, Nam Phong Tạp chí, Phụ nữ Tân Văn… Tháng 9 tới đây, CLB sẽ trưng bày, giới thiệu những cuốn sách mà CLB mới sưu tầm được. Ông nói: “Niềm khao khát cháy bỏng của tôi và các thành viên CLB là sẽ ngày càng có nhiều người đến với sách, yêu sách. CLB luôn mở rộng cửa…”.
Khi tôi hỏi ông có phải là một nghệ nhân hay không - vì có người nói sưu tầm sách cũng là một nghệ thuật và người sưu tầm sách chính là một nghệ nhân thì ông lắc đầu. “Tôi chỉ yêu sách, thích đọc sách và đang làm một vài việc để sách sống được chứ nghệ nhân gì đâu!”, ông trả lời. Ông chỉ muốn là một “Vũ Thư Hữu” mà thôi… ./.
Thanh Tâm
source: báo SGGP ( t.p. HCM)
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét