Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

về tác giả NGUYỄN THỊ HẬU [ 1958 - ] -- nguồn: thanhnien.vn/

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu:

Làm việc gì tử tế thì đều có ích


 bài phỏng vấn 
 báo THANH NIÊN
 0
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu trở thành gương mặt quá quen thuộc trong giới khảo cổ học cả nước.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với nữ tiến sĩ khảo cổ học hiện đang sống và công tác tại TP.HCM.
* Chị có thể chia sẻ cơ duyên của mình với nghề khảo cổ và quan điểm về sự sáng tạo trong khoa học?
- Sau khi đất nước thống nhất, tại TP.HCM, khảo cổ học là một lĩnh vực khá mới mẻ, ít người lựa chọn. Vì thích, tôi đã học và gắn bó cho đến bây giờ. Tôi nghĩ sự sáng tạo phải luôn luôn hướng đến cuộc sống, góp phần giải quyết được các vấn đề thực tiễn, liên quan đến cộng đồng. Vì thế khoa học quay về với cuộc sống mới luôn tạo nên sức sống của nó.
* Dưới góc độ khảo cổ học, chị thấy vùng đất Nam bộ nói chung và TP.HCM có đặc điểm gì?
- Vùng đất Nam bộ và vùng đất Sài Gòn - TP.HCM trước nay vẫn được hiểu như là một “vùng đất mới 300 năm” từ thế kỷ 17 với công lao khai phá, xây dựng của lưu dân người Việt và một số tộc người khác như người Hoa, Chăm, Khmer. Tuy nhiên kết quả phát hiện và nghiên cứu về khảo cổ học đã cho thấy nơi đây từng có một nền văn minh rực rỡ từ những thế kỷ đầu Công nguyên, đó là văn minh Phù Nam mà cụ thể là nền văn hóa Óc Eo. Trước đó, thời tiền sử là văn hóa khảo cổ Đồng Nai tương đương với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung. Như vậy, lịch sử vùng đất Nam bộ cần được tính từ khi có con người sinh sống và tạo dựng nên những nền văn hóa cổ xưa, tức là khoảng từ 3.000 năm trước tới nay.
Hãy làm những gì mà các bạn thấy đúng và cần thiết, đừng so đo chuyện đó lớn hay nhỏ vì bất cứ mình làm việc gì tử tế thì đều có ích.
- Chị đã gắn liền cuộc đời mình với 2 địa danh này như thế nào? Những phát hiện khảo cổ học nào về 2 địa danh này có giá trị nhất và làm chị ấn tượng, thích thú nhất?
- Ba má tôi là người miền Tây, năm 1954 tập kết ra Bắc và tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Cùng gia đình tôi trở về Sài Gòn từ năm 1975, học đại học, đi làm, lập gia đình… và có lẽ sẽ sống hết đời ở nơi này. Hà Nội là tuổi thơ của tôi còn Sài Gòn là nơi tôi trưởng thành. Nam bộ là quê hương của tôi.
Những phát hiện khảo cổ độc đáo và có ý nghĩa lớn ở vùng đất này khá nhiều, nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là kết quả nghiên cứu về văn hóa Óc Eo,  văn hóa Đồng Nai, mối liên hệ nguồn gốc của hai nền văn hóa khảo cổ này cũng như sự đa dạng, phong phú do mối liên hệ với các nền văn hóa cùng thời ở Đông Nam Á và xa hơn. Nó cho chúng ta hiểu hơn về đặc điểm lịch sử - văn hóa Nam bộ trong bối cảnh chung của lịch sử - văn hóa Việt Nam.
* Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu khảo cổ học bình dân, chị có thể chia sẻ đôi nét về lĩnh vực này?
- “Khảo cổ học bình dân” là một phần của “khảo cổ học cộng đồng” - hiện đang trở thành một hướng phát triển mới của khảo cổ học trên thế giới: “Khảo cổ học cộng đồng (community archeology) là khái niệm chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Đây là một cách quan trọng để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản văn hóa”. Tuy nhiên, trước khi tham gia, hay là cùng với việc tham gia làm khảo cổ (nói rộng hơn là tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa), cộng đồng cần được biết những kiến thức khoa học cơ bản về nơi mình sống.



Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu: Làm việc gì tử tế thì đều có ích - ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Ảnh: nhân vật cung cấp
Các nghiên cứu theo phương pháp “khảo cổ học bình dân” không chỉ gắn liền với khảo sát thực địa và điền dã, gặp gỡ người dân bình thường, mà các bài viết khoa học còn hướng đến mục tiêu phổ cập kiến thức trong xã hội, vì vậy cần dễ đọc đối với người có trình độ trung học, phù hợp để đăng trên báo chí và các phương tiện truyền thông, giúp quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học đến nhiều tầng lớp dân chúng, khơi gợi lòng yêu thích lịch sử và di sản văn hóa. Tôi đi theo hướng này cũng từ việc giảng dạy về khảo cổ và văn hóa, nhận thấy nhu cầu của sinh viên và nhiều người muốn hiểu biết hơn về ngành khảo cổ học nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng.   ./.
source : bài phỏng vấn báo THANH NIÊN

                                                           ***

                               ------------------------------------------------------

                                                  chúc mừng

                                       tiến sĩ khảo cổ học,  nhà văn
                                         NGUYỄN THỊ HẬU
                                                     tác giả
                                       SÀI GÒN BAO GIỜ CŨNG THẾ


                                                    vào tuổi 62


                                          blog Virgil Gheorghiu
                                          Saigon, July 8, 2020

                                 ---------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ