Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

về nhà văn CUNG GIỤ NGUYÊN [ 1909- 2008 nha trang] -- bài viết: Phan Sông Nhân -- nguồn: tuổi trẻ online

Nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên vừa từ trần tại Nha Trang

07/11/2008 15:43 GMT+7

.

fYN54uCa.jpg
Di ảnh nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên
TTO - Tin từ gia đình của nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên cho hay ông vừa ra đi lúc 3g15 sáng nay (7-11) tại nhà riêng ở số 60 Hoàng Văn Thụ, thành phố Nha Trang.

Nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên sinh tại Huế vào ngày 28-4-1909, nếu tính theo tuổi ta thì ông “trụ thế” được 100 tuổi. Theo Từ điển văn học (bộ mới, NXB Thế Giới 2004) thì Cung Giũ Nguyên là một nhà giáo dục, nhà báo, nhà văn Việt Nam. Ngoài ra ông còn có tên trong danh sách các nhà văn thế giới viết văn bằng tiếng Pháp.
Cả cuộc đời nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên có khoảng 70 năm trực tiếp dạy học. Ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại Trường Nam tiểu học Nha Trang vào năm 1928.
Từ 1975 về trước nhà giáo Cung Giũ Nguyên đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, Latin, Pháp văn, Anh văn, sử địa, kinh tế học, triết học, văn học tại các trường ở Nha Trang như: Kim Yến, Trường dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô, Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn. Đồng thời ông đã 20 năm làm hiệu trưởng Trường trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn (Nha Trang,1955-1975) và làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học cộng đồng Duyên Hải, Nha Trang trước đây và giảng dạy môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang (1989-1999).
Về văn chương, Cung Giũ Nguyên được đánh giá là có “đóng góp lớn cho văn học Việt Nam”. Ông là một nhà văn viết thuần thục nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tiếng Pháp; viết nhiều thể loại khác nhau (tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, tản văn, khảo luận...). Tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản ở Pháp, Đức, Canada, Hoa Kỳ, Việt Nam phát hành. Trong đó có những tác phẩm được chú ý nhiều như, về tiếng Việt: Một người vô dụng (Tín Đức Thư Xã, Sài Gòn, 1930); Nhân tình thế thái (tập truyện ngắn, Phổ Thông Văn Xã, Gia Định, 1931); Nợ văn chương (Nhà in Châu Tịnh, Vinh, 1934), Những ngày phiêu bạt (ký), Nửa gánh tang bồngMột chuyến về
Về tiếng Pháp, Cung Giũ Nguyên có những tác phẩm nổi tiếng được thế giới biết đến nhiều vào những năm 1950-1960 như: Le fils de la Balaine (tiểu thuyết, Paris, 1956 - dịch sang tiếng Việt là Kẻ thừa tự ông Nam Hải, NXB Văn Học, Hà Nội 1995), LeDomaine Maudit (tiểu thuyết, Fayard, Paris, 1961); tiểu luận Volontés d’existence (France-Asie, Sài Gòn 1954; dịch sang tiếng Việt là Những ý chí sinh tồn); Le Boujoum (do roman Dallas, Tesax, USA, tái bản 2002; dịch sang tiếng Việt là Thái huyền); tập thơ Texte Profane (Bản văn trần tục)…
Cung Giũ Nguyên còn là nhà báo đã viết hàng ngàn bài cộng tác trên nhiều tờ báo trong, ngoài nước. Ông đã cùng với Raoul Serène - tiến sĩ khoa học từng làm giám đốc Viện Hải dương học Đông Dương - chủ trương ra nguyệt san Tạp Chí Tuổi Trẻ (Le Cahiers de la Jeunesse; 1938-1940) ở Nha Trang; làm chủ bút nguyệt san song ngữ Tương Lai Tạp Chí, Nha Trang (1939) và làm chủ bút nhật báo Châu Á Buổi Chiều (Le Soir d’Asie, Sài gòn; 1939-1942) và chủ bút tuần báo Báo Chí Viễn Đông (La Presse d’Extrême - Orient, Sài Gòn; 1954)…  ./.
PHAN SÔNG NGÂN

                                                  ***

                        -----------------------------------------------
                                           tưởng nhớ
                             nhà giáo, nhà báo, nhà văn
                                   CUNG GIỤ NGUYÊN



                                      blog Virgil Gheorghiu
                                     Saigon, Aou^t, 1st, 2020
                        --------------------------------------------------------
                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét