Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

TRÀ, truyện ngắn của SAKI ( 1870- 1916) -- source: trang VHNT Phạm Cao Hoàng



THURSDAY, JULY 30, 2020

1692. TRÀ Truyện ngắn của nhà văn Anh SAKI (1870-1916) - THÂN TRỌNG SƠN dịch và giới thiệu

Nhà văn Saki (1870-1916)


Saki là t hiệu của nhà văn Hector Hugh Munro (1870-1916), sinh tại Miến Điện ( nay là nước Myanmar ) khi nước này còn là thuộc địa của Anh. Mẹ mất sớm, Ông được gởi sang Anh sống với hai bà cô. Học xong trung học, Ông trở về Miến Điện làm việc trong ngành quân cảnh. Do bệnh tật, chỉ hơn một năm sau, Ông lại trở về Anh và bắt đầu sự nghiệp làm báo, viết văn.Những tác phẩm đầu tiên ra đời là những bài châm biếm chính trị khi Ông viết cho tờ The Westminster Gazette. Sau khi xuất bản hai tác phẩm The Rise of the Russian Empire và The Westminster Alice, ông chuyển sang viết truyện ngắn, ban đầu đăng trên các báo The Westminster Gazette, The Morning Post, và The Bystander

Khi Thế Chiến thứ I bùng nổ, tuy đã quá tuổi động viên Ông vẫn tình nguyện nhập ngũ để cuối cùng hy sinh tại chiến trường Pháp bởi một viên đạn bắn tỉa của lính Đức.
     
Tác phẩm Ông để lại gồm 138 truyện ngắn, 5 vở kịch, 2 tiểu thuyết, và hàng chục kịch bản, tác phẩm châm biếm chính trị và tiểu luận. Trong thể loại truyện ngắn, tên tuổi Saki thường được thừa nhận như là một trong những tác gia nổi bật. Ông viết nhiều đề tài khác nhau, với một bút pháp trau chuốt, ngôn từ chọn lọc, có chút dí dỏm. Thủ thuật quen dùng của Ông là cách kết thúc truyện bằng một câu ngắn gọn, đưa ra một tình tiết mới lạ, bất ngờ, khiến người đọc luôn ngạc nhiên thú vị.

Truyện ngắn TRÀ ( Tea ) giới thiệu dưới đây, cùng với Cánh cửa sổ mở ( The Open Window ), Người kể chuyện ( The Story - teller ), là ba trong số những truyện hay nhất của Saki.


James Cushat - Prinkly là một chàng trai trẻ luôn có một niềm tin chắc chắn là sẽ kết hôn một ngày gần đây, cho đến tuổi ba mươi tư anh vẫn chưa làm gì để xác minh niềm tin đó. Anh ưa thích và ngưỡng mộ rất nhiều phụ nữ một cách chung chung và không say đắm mà không chọn được một ai để tiến tới hôn nhân, chẳng khác gì có người ngưỡng mộ dãy núi Alps mà không cảm thấy muốn có một đỉnh đặc biệt nào như là tài sản của riêng mình. Việc anh thiếu chủ động trong vấn đề này khiến cho đám phụ nữ giàu tình cảm chung quanh anh tỏ ra nôn nóng; bà mẹ, các chị em gái, một bà dì ở chung nhà, và hai hay ba người bạn đoan trang thân thiết, tất cả đều nhìn nhận việc anh xúc tiến chuyện hôn nhân chậm trễ thế kia với một thái độ không bằng lòng chẳng chút che đậy.
      
Những lần tán tỉnh vô tư nhất của anh được theo dõi với sự háo hức cuồng nhiệt, hệt như cảnh mấy con chó săn chưa được rèn luyện tập trung vào từng cử động nhỏ của một người có vẻ sắp dẫn chúng đi dạo chơi. Không một con người lương thiện nào có thể cưỡng lại ánh mắt cầu khẩn của các chú chó. James Cushat - Prinkly cũng không thể cố chấp, thản nhiên đối với ảnh hưởng của gia đình để lờ đi cái mong muốn rõ ràng của cả nhà rằng anh nên say mê một cô gái dễ thương đến tuổi lấy chồng. Và khi bác Jules của anh từ trần để lại cho anh một món thừa kế kha khá, điều hợp lẽ lúc này là thu xếp để kiếm ra một người nào đó để cùng anh chia sẻ tài sản.
      
Quá trình tìm kiếm được thực hiện bằng sức mạnh của lời gợi ý và sức nặng của ý kiến tập thể, nhiều hơn là bằng sự chủ động của chính anh. Nhóm đa số áp đảo trong số bà con phái nữ và những người bạn nghiêm trang nói trên đã chọn cô Joan Sebastable là một phụ nữ thích hợp giữa những mối quan hệ để anh cầu hôn. Và James dần dà quen với ý tưởng rằng anh với Joan cùng nhau trải qua những màn chúc tụng theo thủ tục, nhận quà, ở khách sạn tận Na Uy hay Địa Trung Hải và cuộc sống gia đình sau rốt. Tuy nhiên, điều cần thiết là hỏi ý kiến cô gái xem cô nghĩ thế nào về chuyện này, vì trước nay, gia đình đã hướng dẫn và chỉ đạo việc tán tỉnh một cách khéo léo và thận trọng, nhưng lời cầu hôn thực sự phải là một nỗ lực cá nhân chứ.
    
Cushat - Prinkly đi ngang qua công viên, hướng về phía dinh cơ nhà Sebastable trong tâm trạng phần nào tự mãn. Vì mọi việc sắp hoàn tất, anh vui cảm thấy rằng mình ổn được việc này và khỏi phải bận tâm nữa từ chiều nay. Việc cầu hôn, kể cả đối với một cô gái dễ thương như Joan, là một việc hơi tẻ nhạt, nhưng không ai có thể hưởng tuần trăng mật ở Minorca và một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc sau đó mà không có bước mở đầu này. Anh tự hỏi Minorca nơi anh lưu lại sẽ như thế nào, trong đầu anh nghĩ nó là hòn đảo lúc nào cũng trầm buồn, với những con gà mái Minorca trắng và đen chạy quanh. Có lẽ nó sẽ chẳng giống như thế nếu đến tận nơi xem xét. Những người đã đi tới Nga cho anh biết họ cũng chẳng nhớ có nhìn thấy những con thiên nga ở đó không, vậy cũng có thể sẽ không có gà Minorca trên hòn đảo này.

      
Những mơ màng về Địa Trung Hải của anh bị gián đoạn bởi tiếng chuông đồng hồ gõ mỗi nửa tiếng. Bốn giờ rưỡi. Trên mặt anh thoáng một nét cau mày khó chịu. Anh sẽ đến biệt thự Sebastable đúng vào giờ uống trà chiều. Joan sẽ ngồi ở bàn thấp, dàn bày trước mặt những ấm bạc, hũ kem và tách trà sứ tinh xảo, bên sau nàng sẽ cất giọng ngân nga vui vẻ với một loạt câu hỏi thân thiện về trà loãng hay đặc, có muốn cho thêm, và thêm ít hay nhiều, đường, sữa hay kem, vân vân. " Một viên đường phải không anh? Em quên mất. Anh có dùng sữa, phải vậy không? Anh có cần thêm nước sôi nếu trà quá đặc không? ".
  
Cushat - Prinkly đã đọc về những điều như thế trong hàng chục tiểu thuyết và hàng trăm kinh nghiệm thực tế cho anh biết chúng đã thực sự đi vào cuộc sống. Hàng ngàn phụ nữ, vào cái giờ buổi chiều trọng thể này, ngồi sau những đồ sứ và đồ bạc thanh nhã, với giọng nói ngân nga vui tươi tuôn ra như thác một loạt câu hỏi nhỏ ân cần như trên. Cushat - Prinkly ghét toàn thể hệ thống uống trà chiều. Theo quan niệm sống của anh, một phụ nữ nên nằm ngả trên đi văng hay ghế dài, chuyện trò với vẻ duyên dáng không thể so sánh được, hoặc chờ đợi những ý nghĩ không bộc lộ rõ, hoặc chỉ lặng thinh như một hiện vật để ngắm nhìn, và từ phía bên sau một bức màn lụa, một hầu gái Bắc Phi sẽ lặng lẽ mang ra chiếc khay đựng tách và đồ ngọt, lặng lẽ chờ tiếp nhận, và đương nhiên là sẽ không có lời lẽ huyên thuyên dai dẳng về kem và đường và nước nóng gì cả. Nếu linh hồn ai đó đã thực sự bị khuất phục dưới chân một người tình, làm sao họ còn có thể nói năng mạch lạc về trà pha loãng được?

Cushat - Prinkly chưa bao giờ giải bày với mẹ quan điểm của anh về vấn đề này, suốt đời bà chỉ quen với việc vui vẻ ngân nga trong bữa trà chiều, sau những đồ sứ và đồ bạc xinh xắn, và nếu anh có nói với bà về những chiếc đi văng và hầu gái Bắc Phi thì hẳn bà sẽ giục anh đi nghỉ cuối tuần ở bờ biển. Giờ đây, khi anh đang đi qua một góc những con đường nhỏ quanh co dẫn đến khoảng sân Mayfair, nơi anh định nhắm tới, ý nghĩ chạm trán với Joan Sebastable tại bàn uống trà của cô khiến anh bất chợt thấy ghê sợ. Lối thoát tạm thời bỗng dưng xuất hiện, Rhoda Ellam, một cô em họ xa, sống trên một tầng nhà nhỏ ở khu vực náo nhiệt cuối đường Esquimault, cô ta kiếm sống bằng nghề làm mũ từ những vật liệu đắt tiền.  Những chiếc mũ trông giống như nhập về từ Paris, nhưng những tấm sec thanh toán, tiếc thay, chẳng thấy đâu, chừng như đang bay về Paris cả vậy. Tuy thế, Rhoda vẫn cứ vui vẻ và hài lòng với cuộc sống, mặc cho hoàn cảnh túng thiếu. Cushat - Prinkly quyết định leo lên tầng lầu cô ở và trì hoãn việc quan trọng phía trước chừng nửa tiếng gì đó. Bằng cách kéo dài cuộc thăm viếng này, anh có thể xoay xở để đến biệt thự nhà Sebastian sau khi những vết tích cuối cùng của đồ sứ tinh xảo đã được dọn sạch.  
      
Rhoda tiếp anh trong một căn phòng có vẻ như vừa là nơi làm việc, phòng khách và nhà bếp kết hợp lại, và có vẻ sạch sẽ và thuận tiện tuyệt vời.
       
- Em đang dùng bữa picnic, nàng thông báo. Có trứng cá muối trong cái lọ chỗ khuỷu tay anh. Anh dùng tạm miếng bánh mì bơ nâu kia trong khi em cắt thêm. Anh tự kiếm cái tách nhé, còn bình trà thì sau lưng anh đó. Xong rồi thì kể cho em nghe đủ thứ chuyện đi.
      
Nàng chẳng bóng gió gì thêm lời nào về thức ăn, nhưng nói chuyện vui vẻ, khiến cho khách cũng vui vẻ nói chuyện. Cùng lúc, nàng cắt bánh mì bơ thành thạo, bày ớt đỏ và chanh thái lát ra, trong khi nhiều phụ nữ sẽ viện ra những lý do và tỏ ra tiếc nuối vì chẳng có gì đãi. Cushat - Prinkly nhận ra là mình đang thưởng thức một tách trà tuyệt vời mà không phải trả lời nhiều câu hỏi như vị bộ trưởng nông nghiệp phải trả lời nhân vụ bùng phát dịch gia súc.     

- Bây giờ thì nói cho em nghe vì sao anh đến em, Rhoda bất ngờ nói. Anh khơi dậy cả trí tò mò lẫn bản năng làm ăn của em nữa đó. Hy vọng anh đến vì mấy cái mũ. Nghe nói anh mới được hưởng thừa kế, và tất nhiên em sẽ xúc động vì điều tuyệt vời, đáng ao ước là anh ăn mừng sự kiện bằng cách mua những cái mũ đắt tiền  lộng lẫy cho tất cả chị em gái. Có thể họ chẳng nói gì nhưng em tin chắc là   họ đã nghĩ đến chuyện như thế. Tất nhiên lễ hội Goodwood tới nơi rồi, chúng em sẽ phải chạy đua, nhưng trong nghề, chúng em đã quen như thế rồi, lúc nào cũng như bị rượt đuổi.
      
- Anh đến không vì chuyện mũ đâu, người khách nói. Thực sự anh không đến vì một chuyện gì rõ ràng. Anh chỉ đi ngang qua, chợt nghĩ ra việc ghé vào thăm em. Tuy nhiên vì chúng ta đã ngồi nói chuyện với nhau khá lâu, một ý tưởng khá quan trọng đã đến với anh. Và nếu em quên đi lễ hội Goodwood trong giây lát và nghe anh,  anh sẽ cho em biết đó là chuyện gì.
      
Khoảng 40 phút sau, James Cushat Prinkly trở về với gia đình, mang theo một tin quan trọng.
      
Anh tuyên bố: " Con đã đính hôn! ".  
      
Những tiếng chúc  tụng và tán thưởng mừng rỡ vỡ oà.
      
- À, chúng ta biết mà. Biết là chuyện đang đến mà. Ta đã đoán trước mấy tuần nay rồi!
      
- Con cược là cả nhà không tiên đoán được. Nếu vào lúc ăn cơm trưa nay, có ai nói với con là con sẽ cầu hôn Rhoda Ellam và cô ấy sẽ nhận lời, thì con sẽ cười vào mũi người ấy!   
      
Sự bất ngờ lãng mạn của sự việc trong chừng mực nào đó đã đền bù cho những người phụ nữ trong nhà James về  việc anh bác bỏ hết những nỗ lực bền bĩ và tài ngoại giao của họ. Cũng phải khá gay go mới chuyển sự nhiệt tình từ Joan Sebastable sang Rhoda Ellam sau thông báo chớp nhoáng đó, nhưng dù sao, vấn đề là vợ của James,  ý thích của  anh cũng là một yêu cầu để xem xét   chứ.
       
Vào một chiều tháng chín cùng năm đó, sau khi tuần trăng mật ở Minorca kết thúc, Cushat Prinkly bước vào căn phòng của ngôi nhà mới ở quảng trường Granchester. Rhoda ngồi ở chiếc bàn thấp, sau bộ đồ sứ tinh xảo và đồ bạc bóng lộn. Có chút âm vang thú vị trong giọng nói khi nàng đưa anh cái tách: " Anh thích loãng hơn thế này, phải vậy không? Em thêm vào chút nước sôi nhé? Không à? "


THÂN TRỌNG SƠN
dịch từ nguyên tác tiếng Anh
TEA của H.H. Munro ( SAKI )


source: trang Văn học Nghệ thuật Phạm Cao Hoàng

                                      
                                          =========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét