Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ : " Gió thổi về người lính trước, trong & sau cuộc chiến " -- Phạm Huy -- nguồn : báo Thể thao & Văn hóa
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà:
"Gió thổi về người lính trước, trong và sau cuộc chiến "
PHẠM HUY
(...)
Trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nữ nhà văn gốc Thừa Thiên Huế cho biết:
- Thực ra, với những nhà văn như tôi, nói “tái xuất” không chính xác lắm. Tôi tránh không đi theo lập trình kiểu mỗi năm lại xuất bản 1 tập truyện. Như thế sẽ làm cho bạn đọc cảm thấy nhàm chán chăng? Hay là chính tôi thấy nhàm chán? Năm 2017 lẽ ra tôi đã xuất bản tập truyện ngắn Chuyện của các nhân vật có thật trên đời. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay tập này vẫn chưa ra mắt bạn đọc.
Tập truyện ngắn Gió thổi lần này là sách nằm trong Chương trình đầu tư sáng tác Văn học của Bộ Quốc phòng năm 2018. Vì vậy là tập truyện ngắn chứa đựng nội dung về người lính.
* Vậy chị chọn viết về người lính của thời nào?
- Tôi chọn đề tài về người lính trước, trong và sau những cuộc chiến. Cái tên “Gió thổi” gắn với hình ảnh người mẹ còng lưng tiễn con ra trận rồi lại ngồi bên bậu cửa ngóng đợi những người con trở về - mà đa phần chỉ là sự trở về của những linh hồn,bằng những cơn gió thổi.
* Nhìn rộng ra đời sống văn chương nước nhà, chị thấy các cây bút, đặc biệt là các cây bút trẻ thời gian qua viết lách thế nào, và xu hướng của văn học trẻ bây giờ là gì?
- Suốt vài ba thập kỷ qua, lớp nhà văn hậu chiến và thời kỳ đổi mới vẫn là lớp nhà văn sung sức, trẻ trung, đầy nội lực. Họ vẫn đang chiếm lĩnh văn đàn với những tác phẩm sâu sắc ẩn chứa những nội hàm rộng lớn, vạm vỡ và tinh tế.
Tuy nhiên với tôi các cây bút trẻ luôn là nhân tố mới và là chất xúc tác trẻ trung của nền văn học dân tộc. Bỏ qua những tác phẩm câu khách nhạt nhẽo, hời hợt của thể loại văn học “cá nhân hóa” – personalization, là những khám phá mới về thể loại, bút pháp, câu từ. Và xu hướng “cá nhân hóa” vẫn là xu hướng được các tác giả trẻ hiện nay khai phá.
* Chị từng nói: "Nhà văn không được phép nghèo!". Có khi nào chị thấy mình nghèo và nghĩ đến việc bỏ văn chương quay lại làm cô giáo dạy toán - nghề mà chị được đào tạo hẳn hoi - chứ không “tay ngang” như văn chương?
- Tôi được đào tạo để dạy Toán. Nhưng nếu nói “tay ngang văn chương” mà không được đào tạo thì cũng không chính xác lắm. Tôi học Tổng hợp Văn, rồi sang học Khóa 4 Viết văn Nguyễn Du (khóa đại học chính quy), mục đích làm vốn kiến thức để viết. (sau này tôi còn học Chính trị Cao cấp cũng để có kiến thức mà viết). Thời tôi đi dạy, thường dạy thêm cho học trò không thu tiền.
Khi tôi chuyển sang đi học về văn học để chuẩn bị cho viết văn thì nghề dạy học thay đổi chóng mặt. Các đồng nghiệp thay xe đẹp, ăn mặc diêm dúa. Còn các “nhà viết” như tôi sấp ngửa vừa học vừa viết, vừa làm thêm lấy tiền học và viết…
Những khi quá cạn kiệt tiền, tôi nghĩ đúng là “nhà văn không được phép nghèo”. Bởi nghèo thì sẽ hèn. Nghèo không có tiền học thêm, không mua được sách để đọc. Không đứng được ở một “đỉnh” nào đó để quan sát xã hội. Thì sao có thể viết ra những tác phẩm cho thiên hạ đọc? Chưa nói tác phẩm tạm coi là “đỉnh”!
Vì thế gia đình tôi từng lập Công ty xuất bản Sách. Và bây giờ tôi vẫn mở quán cà phê, dù gặp hết trắc trở này đến trắc trở khác. ./.
PHẠM HUY
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ