Lại Nguyên Ân
Về tiểu thuyết "Ba người khác"
Cuốn tiểu thuyết 250 trang của nhà văn Tô Hoài (NXB Đà Nẵng vừa ấn hành) đang làm xôn xao dư luận trong và ngoài giới văn học. Cuộc toạ đàm về tiểu thuyết này do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại trụ sở Viện Văn học sáng ngày 22 tháng 12 năm 2006 đã hầu như một cuộc vinh danh lão tướng văn chương 87 tuổi. talawas sẽ lần lượt đăng tải những phát biểu quan trọng của các nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn tham dự toạ đàm này.
talawas
Tôi được đọc tác phẩm này tương đối sớm, trong dạng bản đánh máy, kiểu đọc “samizdat”, vào khoảng sau khi đọc Cát bụi chân ai, trước khi đọc Chiều chiều. Hàng chục năm nay chỉ biết nó vẫn chưa được đến với công chúng. Bây giờ nó đã được in ra, rất mừng! Quả thật, vào cái buổi sáng mà nhà báo Thu Hà của báo Tuổi Trẻ cho tôi biết tin cuốn này ra mắt, tôi còn ngạc nhiên và chưa tin!
Ngành xuất bản ở Việt Nam bây giờ có thể in đủ thứ, nhưng những cuốn như Chuyện kể năm 2000 hoặc cuốn này thì thường thường vẫn bị ngăn chặn, cho nên mỗi khi có một cuốn như cuốn này ra mắt được thì tức là tự do trong xuất bản lại được nới rộng thêm một ít.
Phải nói đây là một tiểu thuyết lịch sử, chẳng những vì đã 50 năm từ sau Cải cách ruộng đất (CCRĐ) mà còn vì tác phẩm nói thẳng về sự kiện đó, một sự kiện rung chuyển đời sống của hàng triệu người Việt, một sự kiện không thể tẩy xoá được của lịch sử nước Việt.
Cái không khí nó gợi ra rất ghê. Nó đưa người đọc vào bên trong sự kiện, theo gót một nhân vật, một “anh đội”. Chợt nhớ, Ác mộng của Ngô Ngọc Bội (ra hồi đầu đổi mới) cũng mô tả thời CCRĐ, nhưng nhân vật chính được đưa thêm nét ảo tưởng đến độ “anh đội” ấy ngay đương thời đã nhìn thấy cái sai của CCRĐ; anh ấy có vẻ khôn hơn cái thời của mình, mà chính điều ấy lại làm giảm cái thật của sự kiện lịch sử bao trùm kia. Nhân vật chính của Ba người khác thì ngang tầm, có khi thấp hơn, nhưng nói chung là vừa tầm cái thời của anh ta, là nhân vật bình thường trong cuộc, ngang tầm sự kiện; ngay đến khi đội sửa sai về thay đội cải cách, anh ta vẫn còn chưa biết chưa thấy cải cách có gì sai.
Những sự biến thời ấy, nghĩ lại thấy rất ghê gớm. Thời đó tôi là đứa trẻ 11-12 tuổi. Những cảnh vui của CCRĐ mà mình biết, ví dụ các nhà bần cố nông làm biển đề tên nhận ruộng thì được phản ảnh nhiều rồi qua phim ảnh. Nhưng còn các cảnh khác mà ở miền Bắc nơi nào cũng có, để lại sự kinh hoàng khó phai trong đầu óc non trẻ, ấy là những cảnh đấu tố, dựng rạp xử án, bắn người bị quy là địa chủ, cường hào. Ba người khác khiến tôi nhớ lại mấy cuộc mít-tinh đấu tố có xử bắn mà mình xem hồi ấy, từ háo hức đến hãi hùng.
Viết về một nhân vật, một xã nhưng Ba người khác khái quát về cả cái cuộc CCRĐ đó, cả khoảng thời gian đó. Quả thật là một tiểu thuyết cho đến giờ phút này là ấn tượng nhất về sự kiện CCRĐ.
Tôi nghĩ, đối với xã hội ta, sự xuất hiện những cuốn sách như cuốn này là một cách giải toả cho một trong những chấn thương của xã hội ta. Sự kiện CCRĐ để lại một chấn thương trầm trọng ai cũng biết, nhưng những người giữ quyền ăn quyền nói ở xã hội ta lại muốn xoá đi bằng cách cấm mọi người nhắc đến. Và đó là một giải pháp sai lầm hiển nhiên, vì các chấn thương tinh thần không thể được chữa khỏi bằng bắt buộc người ta im lặng; ngược lại, chỉ bằng việc thường xuyên nhắc nhớ, ôn lại, phân tích nguồn cơn, tính đếm thiệt hại, v.v… mới là phương cách tốt, chẳng những làm nguôi chấn thương mà còn đề phòng khả năng lặp lại những tai hoạ tương tự cho cộng đồng.
Trước hội thảo này, tôi có gửi đến ban tổ chức một đề cương tham gia thảo luận; nhân tiểu thuyết Ba người khác, tôi nêu 2 điểm:
1. Có một “chủ nghĩa đồ vật” (chosisme) trong văn xuôi Việt Nam từ trước 1945 và được tiếp tục sau thời gian đó.
Đây là một nhận xét do nhà nghiên cứu Phan Ngọc nêu lên hồi 1987- 88 khi nói về sáng tác của Nguyễn Tuân. Tôi nghĩ cũng có thể nói đến một thứ chosisme trong sáng tác văn xuôi của Tô Hoài mà Ba người khác không hề là tác phẩm duy nhất.
Chosisme hay “chủ nghĩa đồ vật” nói đây, nếu cần sơ bộ “định nghĩa”, thì đó là một mỹ cảm được định hình trong tâm thức tác giả và một kỹ năng văn chương thể hiện mỹ cảm ấy.
Tính đồ vật ở văn xuôi Nguyễn Tuân là rất rõ. Nhà văn thường cảm nhận cuộc đời thông qua các đồ vật, sự vật. Miêu tả, nhìn ngắm, sờ nắn đồ vật, là những thao tác nghệ thuật thường thấy trong văn Nguyễn Tuân.
Ở Tô Hoài cũng thấy một xu thế tương tự. Ý hướng nhìn ngắm con người như những “vật thể” lạ, thậm chí những “con thú” lạ, đã có ở văn xuôi Tô Hoài từ trước 1945.
Ngay ở văn xuôi ông viết đầu kháng chiến 1946-54 cũng vậy. Tôi nhớ trong một bài phê bình tập truyện Núi Cứu Quốc (của Tô Hoài), nhà phê bình văn nghệ Nguyễn Đình Thi cảm thấy nhà văn này luôn “đứng ngoài”, “đứng quá xa” để đưa “cái nhìn tinh ác” “nhận xét sắc mắc” về những tập tục, những màu sắc lạ ở những người và vật mình gặp trên đường; Nguyễn Đình Thi thậm chí còn bảo rằng một đôi đoạn trong tập truyện ấy khiến người ta muốn so sánh với “những tiểu thuyết thực dân của Jean Marquet, Emile Nolly”(xem tạp chí Văn nghệ, số 11&12, Văn nghệ bộ đội, tháng Tư 1949). Ý nhà phê bình Nguyễn Đình Thi là mong ở cây bút cán bộ Tô Hoài khi ấy sớm có thêm nhiều nét ấm cúng yêu thương đối với người và vật mình miêu tả, cho phù hợp với tính chất của “văn nghệ kháng chiến”, “văn nghệ nhân dân”.
Nhưng phải nói dứt khoát: cái nhìn “đồ vật hoá” vị tất đã là bất lợi trong tay nhà văn.
Thật ra, kỹ năng “đồ vật hoá” có thể dùng cho những mục đích khác nhau. Ở một vài truyện ngắn của Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) viết tại chiến trường những năm 1960 chẳng hạn, ta bắt gặp lối diễn tả những con người, nhất là trẻ nhỏ, ở phương diện những cảm nhận chập chờn giữa lý tính và bản năng, bằng cách đó ghi nhận lòng yêu nước, ghi nhận ý muốn tham gia đánh giặc giữ làng như những tình cảm và nguyện vọng hết sức tự nhiên ở con người miệt ruộng vườn Nam Bộ đương thời.
Trong văn xuôi Tô Hoài, như ở tiểu thuyết Ba người khác này, tính chất “đồ vật hoá” được khai thác từ một hướng khác. Có lẽ khoảng cách thời gian từ cuộc CCRĐ đến nay là nửa thế kỷ, đã đủ để nhận ra những đường nét chính, ngẫm nghĩ về thuộc tính của một trong những cuộc nổi dậy mang tính quần chúng trong cái thế kỷ nhiều cuộc nổi dậy mang tính quần chúng nhất từ xưa tới nay. Có vẻ như nhà văn, với tiểu thuyết này, đã nhận thấy rằng cuộc nổi dậy của lớp người dưới đáy xã hội cũ ấy, đã kéo theo sự nổi dậy của chất đồ vật, của chất loài vật nơi những con người dưới đáy. Chất “đồ vật”, “loài vật” được nhấn mạnh trong sự thể hiện nhiều nhân vật, nhiều cảnh sống ở đây, đặc biệt là về hai phương diện ăn uống và tính giao, tuy được mô tả tự nhiên như rút lấy từ trải nghiệm, thật ra là đáp ứng sự “lý giải”, “cắt nghĩa” của nhà văn về sự kiện rung trời chuyển đất những năm 1950 trên đất Việt, khi mà cơn thác bùn này cho thấy nó có thể làm tha hoá con người đến mức nào.
2. Về chất “quỷ” như một phẩm chất nên có ở nhà văn, nhà tư tưởng
Tôi chợt nhớ, trong một vài lần chuyện phiếm với nhau, chúng tôi đã từng nói tới “cái tinh anh của quỷ” nơi nhà văn Tô Hoài.
Ở các nền văn học khác, người ta sớm thấy hình tượng “con quỷ”, “quỷ sứ”, chẳng hạn trong thơ Pushkin, Lermontov (Nga), trong văn Goethe (Đức). Yếu tố quỷ với ý nghĩa “tượng trưng cho một sự thiên khải cao hơn các chuẩn mực thông thường, khiến cho con người có thể nhìn được xa hơn và chắc chắn hơn với cái nhìn không thể quy lại thành lý lẽ”, “cho phép con người vi phạm các quy tắc của lý trí nhân danh một thứ ánh sáng siêu việt không chỉ thuộc về tri thức mà còn thuộc về số mệnh” (Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, bản dịch, Nxb. Đà Nẵng và Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997, tr. 755)
Thật sự thì việc nhìn một cách tọc mạch, “tinh ác”, “hiểm ác” vào con người và xã hội, phát hiện và tố cáo những tai ách, tai họa, những xấu xa ghê tởm không xứng đáng với con người, v.v… đó luôn luôn là phẩm chất cần có của các nhà tư tưởng, nhà nghệ sĩ ở bất cứ thời đại nào; vì đó là cách nhà tư tưởng hay nhà văn thực hiện thiên chức bảo vệ tính nhân bản, tố giác những vi phạm, những nguy cơ làm giảm thiểu tính nhân bản trong cộng đồng người.
Không nên nghĩ rằng chỉ những tác gia bị thế quyền đương thời bạc đãi thì mới có những phẩm chất trên đây, ngược lại, nhà tư tưởng hay người nghệ sĩ nào vì được trọng đãi mà từ bỏ những trọng trách, từ bỏ thiên chức cao, chỉ giữ vai trò người tung hô vỗ tay đơn thuần, thì mới càng đáng chê trách. Dư luận xã hội chúng ta, nay có thể xem là đã trưởng thành hơn, đã có thể đem bàn những điều không đơn giản, không dễ hiểu, như điều đang nói đây chẳng hạn.
Ở nhà tư tưởng và nhất là ở nhà văn, chất “quỷ”, “chất Mephisto” là nên có, cần có. Những phát hiện “tinh ác”, “hiểm ác” về cộng đồng mình, về nhân loại quanh mình, rõ ràng là điều đem lại thành công cho một số tác giả người Việt chúng ta đã biết, từ Vũ Trọng Phụng trước kia cho đến Nguyễn Huy Thiệp ngày nay. Sáng tác của Tô Hoài, ví dụ tiểu thuyết Ba người khác này, hẳn cũng thuộc trường hợp như thế.
Không nên chấp nhận lối nghĩ đơn giản và sai lầm theo đó thì dường như nhà văn kiểu này lập công bằng cách nói xấu con người, nói xấu cộng đồng mình (!). Nên nhìn nhận chiều sâu của sự khám phá do nhà văn thực hiện được bằng sáng tác nghệ thuật. Nhìn ra, giúp con người cùng nhận ra chiều sâu, uẩn khúc của những tai ách đã và đang chặn đường đi tới, đó đã là một sự thắng lợi, thắng lợi của nhận thức. Còn hành động để đạt tới thắng lợi cho nhận thức đó trên thực tế đời sống xã hội, đó là việc không phải của một mình nhà văn. ./.
18/12/2006
Ngành xuất bản ở Việt Nam bây giờ có thể in đủ thứ, nhưng những cuốn như Chuyện kể năm 2000 hoặc cuốn này thì thường thường vẫn bị ngăn chặn, cho nên mỗi khi có một cuốn như cuốn này ra mắt được thì tức là tự do trong xuất bản lại được nới rộng thêm một ít.
Phải nói đây là một tiểu thuyết lịch sử, chẳng những vì đã 50 năm từ sau Cải cách ruộng đất (CCRĐ) mà còn vì tác phẩm nói thẳng về sự kiện đó, một sự kiện rung chuyển đời sống của hàng triệu người Việt, một sự kiện không thể tẩy xoá được của lịch sử nước Việt.
Cái không khí nó gợi ra rất ghê. Nó đưa người đọc vào bên trong sự kiện, theo gót một nhân vật, một “anh đội”. Chợt nhớ, Ác mộng của Ngô Ngọc Bội (ra hồi đầu đổi mới) cũng mô tả thời CCRĐ, nhưng nhân vật chính được đưa thêm nét ảo tưởng đến độ “anh đội” ấy ngay đương thời đã nhìn thấy cái sai của CCRĐ; anh ấy có vẻ khôn hơn cái thời của mình, mà chính điều ấy lại làm giảm cái thật của sự kiện lịch sử bao trùm kia. Nhân vật chính của Ba người khác thì ngang tầm, có khi thấp hơn, nhưng nói chung là vừa tầm cái thời của anh ta, là nhân vật bình thường trong cuộc, ngang tầm sự kiện; ngay đến khi đội sửa sai về thay đội cải cách, anh ta vẫn còn chưa biết chưa thấy cải cách có gì sai.
Những sự biến thời ấy, nghĩ lại thấy rất ghê gớm. Thời đó tôi là đứa trẻ 11-12 tuổi. Những cảnh vui của CCRĐ mà mình biết, ví dụ các nhà bần cố nông làm biển đề tên nhận ruộng thì được phản ảnh nhiều rồi qua phim ảnh. Nhưng còn các cảnh khác mà ở miền Bắc nơi nào cũng có, để lại sự kinh hoàng khó phai trong đầu óc non trẻ, ấy là những cảnh đấu tố, dựng rạp xử án, bắn người bị quy là địa chủ, cường hào. Ba người khác khiến tôi nhớ lại mấy cuộc mít-tinh đấu tố có xử bắn mà mình xem hồi ấy, từ háo hức đến hãi hùng.
Viết về một nhân vật, một xã nhưng Ba người khác khái quát về cả cái cuộc CCRĐ đó, cả khoảng thời gian đó. Quả thật là một tiểu thuyết cho đến giờ phút này là ấn tượng nhất về sự kiện CCRĐ.
Tôi nghĩ, đối với xã hội ta, sự xuất hiện những cuốn sách như cuốn này là một cách giải toả cho một trong những chấn thương của xã hội ta. Sự kiện CCRĐ để lại một chấn thương trầm trọng ai cũng biết, nhưng những người giữ quyền ăn quyền nói ở xã hội ta lại muốn xoá đi bằng cách cấm mọi người nhắc đến. Và đó là một giải pháp sai lầm hiển nhiên, vì các chấn thương tinh thần không thể được chữa khỏi bằng bắt buộc người ta im lặng; ngược lại, chỉ bằng việc thường xuyên nhắc nhớ, ôn lại, phân tích nguồn cơn, tính đếm thiệt hại, v.v… mới là phương cách tốt, chẳng những làm nguôi chấn thương mà còn đề phòng khả năng lặp lại những tai hoạ tương tự cho cộng đồng.
Trước hội thảo này, tôi có gửi đến ban tổ chức một đề cương tham gia thảo luận; nhân tiểu thuyết Ba người khác, tôi nêu 2 điểm:
1. Có một “chủ nghĩa đồ vật” (chosisme) trong văn xuôi Việt Nam từ trước 1945 và được tiếp tục sau thời gian đó.
Đây là một nhận xét do nhà nghiên cứu Phan Ngọc nêu lên hồi 1987- 88 khi nói về sáng tác của Nguyễn Tuân. Tôi nghĩ cũng có thể nói đến một thứ chosisme trong sáng tác văn xuôi của Tô Hoài mà Ba người khác không hề là tác phẩm duy nhất.
Chosisme hay “chủ nghĩa đồ vật” nói đây, nếu cần sơ bộ “định nghĩa”, thì đó là một mỹ cảm được định hình trong tâm thức tác giả và một kỹ năng văn chương thể hiện mỹ cảm ấy.
Tính đồ vật ở văn xuôi Nguyễn Tuân là rất rõ. Nhà văn thường cảm nhận cuộc đời thông qua các đồ vật, sự vật. Miêu tả, nhìn ngắm, sờ nắn đồ vật, là những thao tác nghệ thuật thường thấy trong văn Nguyễn Tuân.
Ở Tô Hoài cũng thấy một xu thế tương tự. Ý hướng nhìn ngắm con người như những “vật thể” lạ, thậm chí những “con thú” lạ, đã có ở văn xuôi Tô Hoài từ trước 1945.
Ngay ở văn xuôi ông viết đầu kháng chiến 1946-54 cũng vậy. Tôi nhớ trong một bài phê bình tập truyện Núi Cứu Quốc (của Tô Hoài), nhà phê bình văn nghệ Nguyễn Đình Thi cảm thấy nhà văn này luôn “đứng ngoài”, “đứng quá xa” để đưa “cái nhìn tinh ác” “nhận xét sắc mắc” về những tập tục, những màu sắc lạ ở những người và vật mình gặp trên đường; Nguyễn Đình Thi thậm chí còn bảo rằng một đôi đoạn trong tập truyện ấy khiến người ta muốn so sánh với “những tiểu thuyết thực dân của Jean Marquet, Emile Nolly”(xem tạp chí Văn nghệ, số 11&12, Văn nghệ bộ đội, tháng Tư 1949). Ý nhà phê bình Nguyễn Đình Thi là mong ở cây bút cán bộ Tô Hoài khi ấy sớm có thêm nhiều nét ấm cúng yêu thương đối với người và vật mình miêu tả, cho phù hợp với tính chất của “văn nghệ kháng chiến”, “văn nghệ nhân dân”.
Nhưng phải nói dứt khoát: cái nhìn “đồ vật hoá” vị tất đã là bất lợi trong tay nhà văn.
Thật ra, kỹ năng “đồ vật hoá” có thể dùng cho những mục đích khác nhau. Ở một vài truyện ngắn của Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) viết tại chiến trường những năm 1960 chẳng hạn, ta bắt gặp lối diễn tả những con người, nhất là trẻ nhỏ, ở phương diện những cảm nhận chập chờn giữa lý tính và bản năng, bằng cách đó ghi nhận lòng yêu nước, ghi nhận ý muốn tham gia đánh giặc giữ làng như những tình cảm và nguyện vọng hết sức tự nhiên ở con người miệt ruộng vườn Nam Bộ đương thời.
Trong văn xuôi Tô Hoài, như ở tiểu thuyết Ba người khác này, tính chất “đồ vật hoá” được khai thác từ một hướng khác. Có lẽ khoảng cách thời gian từ cuộc CCRĐ đến nay là nửa thế kỷ, đã đủ để nhận ra những đường nét chính, ngẫm nghĩ về thuộc tính của một trong những cuộc nổi dậy mang tính quần chúng trong cái thế kỷ nhiều cuộc nổi dậy mang tính quần chúng nhất từ xưa tới nay. Có vẻ như nhà văn, với tiểu thuyết này, đã nhận thấy rằng cuộc nổi dậy của lớp người dưới đáy xã hội cũ ấy, đã kéo theo sự nổi dậy của chất đồ vật, của chất loài vật nơi những con người dưới đáy. Chất “đồ vật”, “loài vật” được nhấn mạnh trong sự thể hiện nhiều nhân vật, nhiều cảnh sống ở đây, đặc biệt là về hai phương diện ăn uống và tính giao, tuy được mô tả tự nhiên như rút lấy từ trải nghiệm, thật ra là đáp ứng sự “lý giải”, “cắt nghĩa” của nhà văn về sự kiện rung trời chuyển đất những năm 1950 trên đất Việt, khi mà cơn thác bùn này cho thấy nó có thể làm tha hoá con người đến mức nào.
2. Về chất “quỷ” như một phẩm chất nên có ở nhà văn, nhà tư tưởng
Tôi chợt nhớ, trong một vài lần chuyện phiếm với nhau, chúng tôi đã từng nói tới “cái tinh anh của quỷ” nơi nhà văn Tô Hoài.
Ở các nền văn học khác, người ta sớm thấy hình tượng “con quỷ”, “quỷ sứ”, chẳng hạn trong thơ Pushkin, Lermontov (Nga), trong văn Goethe (Đức). Yếu tố quỷ với ý nghĩa “tượng trưng cho một sự thiên khải cao hơn các chuẩn mực thông thường, khiến cho con người có thể nhìn được xa hơn và chắc chắn hơn với cái nhìn không thể quy lại thành lý lẽ”, “cho phép con người vi phạm các quy tắc của lý trí nhân danh một thứ ánh sáng siêu việt không chỉ thuộc về tri thức mà còn thuộc về số mệnh” (Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, bản dịch, Nxb. Đà Nẵng và Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997, tr. 755)
Thật sự thì việc nhìn một cách tọc mạch, “tinh ác”, “hiểm ác” vào con người và xã hội, phát hiện và tố cáo những tai ách, tai họa, những xấu xa ghê tởm không xứng đáng với con người, v.v… đó luôn luôn là phẩm chất cần có của các nhà tư tưởng, nhà nghệ sĩ ở bất cứ thời đại nào; vì đó là cách nhà tư tưởng hay nhà văn thực hiện thiên chức bảo vệ tính nhân bản, tố giác những vi phạm, những nguy cơ làm giảm thiểu tính nhân bản trong cộng đồng người.
Không nên nghĩ rằng chỉ những tác gia bị thế quyền đương thời bạc đãi thì mới có những phẩm chất trên đây, ngược lại, nhà tư tưởng hay người nghệ sĩ nào vì được trọng đãi mà từ bỏ những trọng trách, từ bỏ thiên chức cao, chỉ giữ vai trò người tung hô vỗ tay đơn thuần, thì mới càng đáng chê trách. Dư luận xã hội chúng ta, nay có thể xem là đã trưởng thành hơn, đã có thể đem bàn những điều không đơn giản, không dễ hiểu, như điều đang nói đây chẳng hạn.
Ở nhà tư tưởng và nhất là ở nhà văn, chất “quỷ”, “chất Mephisto” là nên có, cần có. Những phát hiện “tinh ác”, “hiểm ác” về cộng đồng mình, về nhân loại quanh mình, rõ ràng là điều đem lại thành công cho một số tác giả người Việt chúng ta đã biết, từ Vũ Trọng Phụng trước kia cho đến Nguyễn Huy Thiệp ngày nay. Sáng tác của Tô Hoài, ví dụ tiểu thuyết Ba người khác này, hẳn cũng thuộc trường hợp như thế.
Không nên chấp nhận lối nghĩ đơn giản và sai lầm theo đó thì dường như nhà văn kiểu này lập công bằng cách nói xấu con người, nói xấu cộng đồng mình (!). Nên nhìn nhận chiều sâu của sự khám phá do nhà văn thực hiện được bằng sáng tác nghệ thuật. Nhìn ra, giúp con người cùng nhận ra chiều sâu, uẩn khúc của những tai ách đã và đang chặn đường đi tới, đó đã là một sự thắng lợi, thắng lợi của nhận thức. Còn hành động để đạt tới thắng lợi cho nhận thức đó trên thực tế đời sống xã hội, đó là việc không phải của một mình nhà văn. ./.
18/12/2006
LẠI NGUYÊN ÂN
---------
(Trong toạ đàm 22/12/2006, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chỉ phát biểu một ý nhỏ của bài viết này. Báo Thể thao & Văn hoá ra ngày 22/12/2006 cũng trích đăng một đoạn ngắn trong bài viết. Toàn văn bài viết do ông gửi trực tiếp cho talawas.)
© 2006 talawas
==========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét