Hay tin Nhà thơ Quang Huy mất, tôi bỗng thấy mình có lỗi với anh – một người anh, một người bạn vong niên mà tôi vô cùng kính trọng. Tôi cũng thấy mình có lỗi với cả chị Mai Sương vợ anh, một người đẹp không chỉ về hình thức mà tâm hồn chị mang chứa đầy đủ vẻ đẹp công dung ngôn hạnh của người phụ nữ xứ Nghệ quê tôi. Ấy là cả năm qua không hiểu sao tôi lại không đến thăm anh chị. Tôi đến thăm anh chị không nhiều, nhưng lần nào đến, anh chị cũng mừng rỡ, cưng chiều đủ thứ. Lần nào đến cũng giữ lại ăn cơm cho bằng được. Có chai rượu nào quý nhất cũng mang ra. Từ 2003 anh bị tai biến phải kiêng bia rượu, vẫn có rượu cho tôi, và thấy tôi uống được là anh chị chuyện trò vui rôm rả. Vậy mà cả năm rồi tôi không ghé thăm anh chị. Mãi đến khi nhận được tin nhắn của cháu Mai Anh, tôi mới biết anh đã mất đúng ngày mồng Một tết, đã 3 ngày rồi. Tôi lặng sững. Nước mắt ứa ra. Những giọt nước mắt thương anh, cũng là những giọt nước mắt mặc cảm tội lỗi của tôi.
Tôi viết tin này để báo cho bạn bè biết là Nhà thơ Quang Huy đã không còn nữa:
Nhà thơ Quang Huy, sinh ngày 5-6-1936 tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm 1950 anh theo học ở Khu Học Xá Trung ương Trung Quốc, 1958 về dạy học và viết văn ở Nghệ An. Năm 1978 anh ra Hà Nội làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học; Giám đốc Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, rồi nghỉ hưu. Sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù được gia đình hết lòng chạy chữa, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã qua đời vào lúc 15 giờ 34′ ngày mồng Một tết Ất Mùi (tức ngày 19.2.2015) khi vừa bước vào tuổi 80. Lễ viếng được tổ chức từ 13 đến 14 giờ 30′ ngày 9 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 27/2 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nhà thơ Quang Huy & vợ
Tôi đọc thơ anh từ nhỏ, và thuộc nằm lòng bài thơ ĐỒI SIM của anh. Bài thơ chỉ đọc vài lần là thuộc:
Nhớ hồi lên chín lên mười Chiều chiều hai đứa lên đồi hái sim Anh ngồi trao nón cho emHàm răng tím ngắt màu sim nhoẻn cười
Xa nhau hơn chín năm rồi Anh về, sim đã thành đồi sắn xanh Em ngồi nướng sắn cho anh Hàm răng trắng, nét mi thanh mỉm cười
Anh ăn củ sắn em lùi Còn ngon gấp mấy cái hồi ăn sim!
Năm 1969 tôi hành quân qua Yên Thành nơi Hội Văn nghệ Nghệ An sơ tán, gặp lúc đơn vị nghỉ giải lao, tôi tìm nhà thơ Trần Hữu Thung và gặp anh Quang Huy. Rồi quen anh từ đó.
Thời tôi giữ chuyên mục “Hộp thư văn nghệ cho báo Tiền Phong, có bài trả lời bạn đọc hỏi về anh:
NHÀ THƠ QUANG HUY CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI NGHỆ?
Phan Đăng Quang (tập thể Kim Liên – Hà Nội):Tình cờ tôi được nghe nhạc sĩ Ngọc Đại hát bài “Hư vô” vừa phổ thơ của Quang Huy rất hay, khiên tôi nhớ ngay câu: “Cái gì rồi cũng hư vô – Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi”. Hôm sau lại tình cờ xem trong sổ tay cô bạn gái thấy chép bài thơ “Khoảng trời em” của Quang Huy có câu “Cơn mưa giận cơn mưa thương biết mấy – Nhớ nhung gì mà ướt áo người xa” thật dễ thương. Đứa em của tôi lại vừa mượn được tập truyện “Chuyện xóm Lèn” của Quang Huy. Và đêm nay nghe đài, bỗng nghe giọng hát Quang Huy… Nhiều Quang Huy như vậy có phải là sự trùng tên hay chỉ là một? Đọc “Chuyện xóm Lèn” thấy anh viết đúng về quê tôi ở Nghệ An. Chắc anh là người xứ Nghệ?
Trả lời: Những cái tên hay và đẹp thường được rất nhiều người dùng. Riêng tên Quang Huy thì nước ta có vô khối. Nhạc sĩ Trần Quang Huy nổi tiếng với bài hát “Ngõ vắng xôn xao”. Ca sĩ Quang Huy có giọng hát rất ngọt ngào, giảng dạy thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội. Gần đây cũng có mấy cây bút trẻ viêt văn, làm thơ ký là Quang Huy hoặc Nguyễn Quang Huy… Còn 2 bài thơ và tập truyện mà bạn nhắc đến là của nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB Văn hóa Thông tin, kiêm trưởng ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Quang Huy sinh ngày 5-6-1936 tại Hải Dương, từng học ở khu học xá trung ương (Trung Quốc) và về dạy học ở Nghệ An. Do sáng tác văn học nên ông đã thôi nghề dạy học, để tham gia thành lập Hội Văn nghệ Nghệ An từ năm 1967. Năm 1978, ông chuyển ra công tác ở Hà Nội.
Nhà thơ Quang Huy nổi tiếng khá sớm với bài thơ “Trưa vàng suối biếc” (giải thưởng văn nghệ 1960) và năm 1968 ông đoạt giải nhất văn học thiếu nhi với tập truyện vừa “Hoa Xuân Tứ”. Ông là một tác giả viết cho thiếu nhi rất xuất sắc với các tập thơ: “Gió từ đâu”, “Đêm mùa Hạ”, “Kể chuyện chim”, “Dòng suối thức” và các tập văn xuôi: “Hoa Xuân Tứ”, “Chuyện xóm Lèn”, “Ngôi nhà trống”, “Bến sông”, “Thuyền trưởng số 6”, v.v… Nhưng thơ viết cho người lớn của ông cũng rất tinh tế, duyên dáng và độc đáo. Hai tập thơ “Sao và đất” (in chung với Thạch Quỳ) và “Nơi giáp mặt” (in chung với Trần Nhật Thu, Cảnh Trà) còn để lại nhiều ấn tượng một Quang Huy thông minh, hóm hỉnh và trữ tình. Những năm gần đây do bận công tác quản lý, ông sáng tác ít đi, nhưng những bài thơ của ông vẫn để lại nhiều suy nghĩ cho độc giả như “Nỗi niềm thị Nở”, “Hư vô” hay “Một thoáng Sài Gòn”… Nhưng ông không chỉ có tài về thơ văn, mà còn là một giám đốc giỏi. Ông là giám đốc giữ nhiệm kỳ lâu nhất của NXB Văn hóa Thông tin từ trước tới nay (hơn 12 năm) và đã cùng NXB cống hiến cho độc giả nhiều cuốn sách đồ sộ về văn hóa Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên khi tôi hỏi trong đời sống ông muốn làm gì nhất, ông vui vẻ trả lời rằng: “Làm thơ. Bởi làm ra được một bài thơ hay có thể sung sướng đến trọn đời”.
Cho dù sinh ra ở Hải Dương, nhưng ông đã gắn bó máu thịt với xứ Nghệ, không chỉ vì ông có gần 20 năm sống và viết ở đây, mà ông còn bị một người đẹp xứ này “hớp hồn” cho mãi tới hôm nay. Đấy là chị Mai Sương, vợ ông. Chị là một cô giáo dạy sử. Cũng vì sau khi tốt nghiệp đại học, chị ở lại Hà thành dạy học, nên ông mới phải rời xứ Nghệ để được “tòng” vợ con trên đất thủ đô.
HƯ VÔ
thơ QUANG HUY
Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi
Cái gì rồi cũng rụng rơi
Quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng
Quả trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ
Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi có hư vô như mình
Bài thơ rồi có hư vô như mình
QUANG HUY
***
-----------------------------------------------
tưởng nhớ
1 - nguyên giám đốc Nxb Văn hóa- thông tin
NGUYỄN QUANG HUY
[1937 -- 2015 hà nội]
[1937 -- 2015 hà nội]
NGUYỄN TRỌNG TẠO
[1947 -- 2019 hà nội]
blog Virgil Gheorghiu
Saigon, June 15, 2020
----------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét