Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

... tử tế bí mật của cô chủ quán cà-phê cóc Sài Gòn / Tuấn Khanh [ 1968- ] -- source b áo Tiếng Dân

Sự tử tế là có thật
Tuấn Khanh


(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

Người đánh giày xuất hiện mỗi buổi sáng, qua lại trước mắt tôi đến quen thuộc. Hình ảnh đó tạo thành một thói quen, là cứ mỗi khi bước vào quán cafe cóc, tôi lại nhìn xem ông ở đâu.

Người đánh giày, có một gương mặt thật điềm đạm và nhẫn nại. Ông luôn xuất hiện với chiếc áo bộ đội màu xanh lá mạ cũ mềm, quần tây sẫm màu đã sờn và đôi dép tổ ong, tay xách theo chiếc hộp đồ nghề.

Ông ít khi mời tôi đánh giày. Cái lối ăn mặc xuềnh xoàng của tôi, có lẽ khiến ông tin rằng đánh giầy đánh dép là chuyện miễn cưỡng của tay đầu trọc kính cận ấy, vốn chỉ luôn chăm chú nhìn vào máy điện thoại.

Có một lần, ông ghé qua hỏi chỉ vừa đủ nghe “anh đánh giầy không?”. Giọng ông trầm, nhẹ nhàng, phảng phất chất Bắc mà ông thầy dạy nhạc của tôi vẫn hay nói. Giọng nói của một người tử tế, kiếm sống với tự trọng. Có thể ông cầm bút trước khi phải cầm súng.

Không hiểu sao tôi rất thích nhìn theo ông. Công việc của ông chỉ loanh quanh ở khu vực có quán cóc mà tôi ngồi. Có khách mới đến thì ông đứng lên mời, rồi cười, khi bị từ chối và quay về góc nhà, nơi có chiếc ghế nhỏ của ông. Trong trang phục rất biểu trưng bộ đội, giống như hàng hàng đàn ông khác nói giọng Bắc và từ phương khác đến miền Nam, nhưng với ông có cái gì đó rất khác khi ông im lặng, ngồi nhìn ra đường lúc chờ khách.
Ông làm tôi nhớ đến những ngày đến trường, chuẩn bị thi đại học. Con đường băng qua ngã tư nhỏ gần công viên Tao Đàn để đến chỗ luyện thi, tôi hay nhìn thấy một người đàn ông đạp xích lô với mái tóc hoa râm, đeo kính dày chắc phải trên chục diop. Có vẻ như ông không thích công việc của mình vì gương mặt ông rất ít khi có được nụ cười. Ông cũng nhẫn nại ngồi chờ khách, lưng áo đẫm mồ hôi vào những trưa hè bức bối. Chỉ biết ông là một người miền Nam sa cơ, trong thời cũng đầy bức bối.

Ấn tượng cuối cùng của tôi về ông (mà sau này không gặp lại) là một buổi trưa đi sớm, tôi bắt gặp ông nằm ngủ ở vỉa hè, trước cửa ngôi nhà ai đó đang khóa bằng xích. Ông lót đầu bằng một cuốn sách. Bên cạnh, mắt kính của ông đặt trên một cuốn sách tiếng Pháp, như ông đang đọc nửa chừng. Tôi đọc được tên tác giả là Marcel Proust, một nhà văn lớn của thế kỷ 20.

“Chú biết tiếng Pháp?” Tôi hỏi trong buổi chiều hôm đó. Ông ừ nhỏ trong miệng, báo hiệu không muốn nói gì thêm, cũng như không muốn nối tiếp một cuộc chuyện trò có thể dẫn đến khai mở đời mình.

Người đánh giày và người đạp xích lô đó, là những cuốn sách đóng kín đối với tôi – dù không thể mở ra, không đọc được – Nhưng tôi tin chắc đó là những ghi chép ít niềm vui và hiện thực nhất của đất nước này.

Người đàn ông mặc chiếc áo bộ đội, sau khi chấm dứt chuyện phải mang vác sứ mạng giải phóng của mình, đã chọn ở lại, sống với người dân ở vùng đất mình cầm súng đến ngày hôm qua, phong kín đời mình bằng nụ cười và im lặng.

Người đàn ông đạp xích lô đọc sách tiếng Pháp đã không thể rời đi nơi nào khác, nhưng lại bị buộc phải dịch chuyển một cách bất đắc dĩ vào một thân phận không quen, với dấu vết tri thức như một căn cước của dày vò về nơi chốn.

Số phận những con người Việt như vậy đó, vẫn tồn tại âm thầm, bí mật lơ lửng chung quanh quỹ đạo sống náo nhiệt của chúng ta, qua rất nhiều ngày tháng. Số phận như hạt li ti aerosol không hại nhưng thỉnh thoảng vẫn khiến ta hắt hơi và chợt chạnh lòng khi nghĩ về hai chữ Việt Nam.

Vào một ngày, tôi thấy người đánh giày ngồi im lặng trước một ly cafe. Mắt ông hướng ra đường, trầm tư, nhìn mà không nhìn gì cả. Tôi gọi cô chủ quán và nói khẽ là sẽ trả tiền luôn cho cả ông. Cô chủ quán, có người nhà từng đi học tập cải tạo sau 1975, cười và thì thầm “anh đừng lo, mỗi khi chú ấy gọi cafe, em vẫn mời và không nhận tiền“.

Thật thú vị. Tôi đã tưởng chừng mình là một người tử tế, nhưng có đầy những người tử tế – im lặng – hơn tôi ngoài kia.

Người Việt vẫn luôn đáng yêu, khi họ không bị xích xiềng vào một lý tưởng hay xô vào một cuộc chiến do bọn làm chính trị dựng nên, sơn phết nên.

Người Việt vẫn nghĩ đến nhau bằng tấm lòng, tử tế khi trái tim không bị cấy đặt thù ghét hay sợ hãi, khi ý thức mình chỉ là nạn nhân, bị xô vào những khát vọng không có gương mặt con người.

Tôi băng qua ngã tư về nhà, nhìn thấy chiếc thùng đựng nước miễn phí mát lạnh, mỗi ngày vẫn được lặng lẽ đặt ở vỉa hè. Không ai biết được sự tử tế ấy đều đặn đến từ đâu, kể cả trong những ngày bị giãn cách vắng hoe vì dịch Covid-19. Và chắc cũng không ai đặt thùng nước ở đó, để đếm xem bao nhiêu người đã nhận được. Chỉ nghĩ cho nhau thôi đã là đủ. Sự tử tế có thật, không phân loại hay chọn lựa. Sự tử tế mở lòng đợi chờ. Tử tế như nụ cười bí mật, hiền lành của cô chủ quán cafe.


Và bất chợt, tôi lại nhớ đến người đàn ông đạp xích lô có cuốn sách tiếng Pháp. Ông đã nhận được sự tử tế nào trong những ngày tháng cay nghiệt và bức bối ấy? Và giờ ông đã về đâu?        ./.

Tuấn Khanh

(trích  : web. T.Vấn & Bạn Hữu
t-van.net)


                                                                        ***

vài dòng tiểu sử:

Có 2 nhạc sĩ  đều mang tên TUẤN KHANH.
 1) TUẤN KHANH sinh năm 1933, di cư vào Nam năm 1954, tác gi nhiều ca khúc nổi tiếng,thời VNCH ,  hiện sống ở M. (Bt)

2) TUẤN KHANH Nguyễn  sinh năm 1968 , trong nhóm nhạc MTV và Trio 666.
   - 1990 bắt đầu viết báo, ông trở thành phóng viên báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Người lao động ( t.p. HCM)
  - từng được đài truyền hình Rai International ( rai Italia) treo giải thưởng cho các  bài của ông dàn dựng trên nền tảng alternative va modern rock. 
- năm 2001 được chọn là 1/10 nhân vật  Đông Nam Á. 
- năm 2007 kết hôn (lần 2)  với một giọng ca nữ trong nhóm Trio 666, ca sĩ Bích Châu. Họ có 1 con gái.  ./.
                                                                                                           ( Wikipedia Tiếng Việt). 


                                                                        ================
   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét