Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

đọc & bình SUỐI NGUỒN TÂM THỨC / thơ THÁI TÚ HẠP / Cao MỴ Nhân [25/3/ 1939 - ] -- nguồn: blog Cao MỴ Nhân

 đọc & bình
SUỐI NGUỒN TÂM THỨC/ THÁI TÚ HẠP

cao mỵ nhân


Tập thơ dày cộp ” SUỐI NGUỒN TÂM THỨC ” của nhà thơ THÁI TÚ HẠP với hơn 700 trang, do nhà xuất bản Sông Thu phát hành vào cuối năm 2019, nhìn thật là đồ sộ, nói lên sự nghiệp thơ ca của nhà thơ khá tên tuổi ở đất địa linh nhân kiệt Quảng Nam.

Tất nhiên không thi sĩ nào định sáng tác nguyên một tập thơ trên 500 trang, nếu không muốn nói là chuyện tổng hợp tất cả hay một phần các tác phẩm, cho tiện việc lưu trữ, dễ sưu tập, và cũng là kỷ nệm để đời vậy
 .
Từ lâu rồi , tôi có ý định viết về Thái Tú Hạp và thơ của anh. Song, cũng từ lâu đó, tôi lại nghĩ là tôi chưa nhận định đầy đủ, riêng biệt đường hướng Thơ Thái Tú Hạp một cách chính xác .

Có lẽ tại tính hơi kỹ càng, lại quá lười biếng của tôi, nên tôi cứ hẹn lần lữa mãi .

Nhưng hôm nay, tôi được biết một điều là phu nhân nhà thơ Thái Tú Hạp,  dịch giả danh tiếng về Đường Thi + các cuốn tiểu thuyết nữ sĩ Quỳnh Dao từ nhiều năm nay, đã viết trên trang đề tặng cuốn thơ:

 ” SUỐI NGUỒN TÂM THỨC ” dòng chữ thân tình chí cốt:
” Thân tặng nhà thơ Cao Mỵ Nhân, chị là người đầu tiên nhận tập thơ này . ”

Tôi cảm thấy tôi chưa đầy lòng với bạn bè, nên giữa CHỐN BỤI HỒNG mênh mông, tôi không thể rong chơi ta- bà mãi, mà hãy lắng lòng, đọc thơ rồi đưa ra cảm nghĩ chân thực của mình, gởi bạn thơ cố hữu từ thủa chúng tôi trưởng thành ở Đà Nẵng thương yêu xa vời .

THÁI TÚ HẠP làm thơ từ cuối thập niên 50 thế kỷ trước, anh hay gởi bài đăng ở tất cả các báo chí, đặc san trong Saigon: Bách Khoa, Văn , Văn Học, Gió Mới, Tự Do …vv…

Sau này vô Quân Đội, anh đăng thơ trên 2 tờ báo chuyên văn lính : Chiến Sĩ Cộng Hoà Tiền Phong .

Một lượt với tôi, nhưng tôi còn ”ham hố ” xuất hiện các bài truyện nhi đồng và thơ thiếu nhi trước anh mấy năm .

Có thể chúng tôi quen tên nhau, nhưng chưa hạnh ngộ .

Cho tới khi chúng tôi đều mặc áo lính , và cùng phục vụ ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I / Quân Khu I .

Tính tình Thái Tú Hạp rất hiền hoà, chân chất, nên ngôn ngữ thơ Thái Tú Hạp cũng biểu lộ tính nết người .

Mặc dầu là  sĩ quan chuyên ngành Tâm Lý Chiến cao cấp, anh cũng không hề lộ ra những hiện tượng tàn sát, nghiệt ngã trong đấu tranh tâm lý ,và thực tế ngoài mặt trận .

Trên 700 trang thơ của Thái Tú Hạp trong hợp tuyển của nhiều tập đã xuất bản như:

1/ Quê Hương & Người Tình 1969
2/ Thèm về. 1970
3/ Chim quyên lạc ngàn. 1982
4/ Miền yêu dấu phương đông. 1987
5/ Hạt bụi nào bay qua . 1995

Vốn liếng thi ca vững vàng như vậy, Thái Tú Hạp vẫn tỏ ra bình thản, an nhàn trong sáng tác, lặng yên ngồi một góc khuất nơi những chiếu thơ thời đại .

Đức tính khiêm tốn, hài hoà Thái Tú Hạp đã mặc nhiên đi bên cạnh nhóm văn thơ vốn dĩ của Bộ Tư Lệnh QĐI /QKI  bấy giờ 1965 -1975, với những Duy Lam
 ( chánh Văn phòng Tư Lệnh ), Cao Mỵ Nhân ( Trưởng phòng Xã Hội ) cùng mấy nhà thơ Quân Đội thân quen của Phòng Tâm Lý Chiến như Cuồng Vũ ( Hữu Hoàng ), Huyền Vũ ( Dương Thuần ) v.v…

Song le, thủa đó, riêng tôi thân với Thái Tú Hạp, cùng chuyên thơ, nhưng bận công tác xã hội nhiều quá, tôi chưa hề đặt câu hỏi tại sao không thấy thơ văn Thái Tú Hạp trên đặc san HOẢ TUYẾN, cơ quan ngôn luận của đơn vị, do trung tá Trịnh Thiên Khoa (Trưởng phòng Tâm Lý Chiến ) phụ trách .

Bên cạnh đó, thiếu tá Đỗ Đăng Bộ, Trưởng ban Báo chí Quân Đoàn I, nơi tập trung khách khứa văn chương , báo chí từ trung ương ra công tác hay thăm viếng thường xuyên .

Hoàng Vũ Đông Sơn có thời gian làm việc tại Ban Báo chí này.

Qua 2 chiến dịch lịch sử LAM SƠN 719  ( Mùa Xuân 1971 ở miền Nam
nước  Lào { Hạ Lào]  ) và MÙA HÈ ĐỎ LỬA ( Mùa Hạ 1972 ), Phòng Tâm Lý Chiến QĐ I /  QKI quay cuồng với những công tác và sinh hoạt Chiến tranh Chính trị các đơn vị miền bắc đèo Hải Vân, đặc san Hoả Tuyến đã tăng lên hàng ngàn số để phục vụ quân nhân các cấp tham chiến, thì Ban Biên Tập chỉ có 4 người : trung tá Trưởng phòng Tâm Lý Chiến, thượng sĩ Dương Thuần ( Huyền Vũ ) trung sĩ I Hữu Hoàng ( Cuồng Vũ ) và tôi Cao Mỵ Nhân tha hồ viết lách .

Sao Thái Tú Hạp, đại uý trực thuộc Phòng Tâm Lý Chiến lại đóng chốt binh vận tại Bộ Tư Lệnh Tiền Phương không gởi bài về ?

Điều này cũng mãi sau, tôi mới biết .

Tuy nhiên , tất cả chúng tôi, vẫn tôn trọng tình huynh đệ chi binh, và nhất là mọi hoạt động Tâm Lý Chiến đều phục vụ công tác ” Tất cả cho chiến thắng ” , nên có lẽ cái điều đăng thơ chỉ là thứ yếu .

Tính hoà hoãn, ôn nhu  thi sĩ THÁI TÚ HẠP nơi trường văn , trận bút, thật đáng ngợi ca .

…Thơ mộng quá dòng sông quê tri kỷ
Ta thả hồn theo cánh gió diều bay
Trên tay người không còn mang vũ khí
Ta thấy đời thanh khiết mộng tình say …
( Mùa xuân trên quê hương / Thái Tú Hạp )


(...) - tạm lược một số câu . (Bt)

Đa phần những bài thơ trong SUỐI NGUỒN TÂM THỨC là để nói lên tinh thần từ bi hỉ xả, nên những mái chùa, những cõi thiền, câu kinh lời kệ rải ra suốt tập thơ .

Nếu trở về thế giới người muôn ngả , thơ Thái Tú Hạp biểu hiện tính vị tha, thân ái, và cũng rải rác khắp tập thơ là HỘI AN , Phố Cổ, với nguyệt lãng, hoa khai, theo nhau về chốn bình an, hưởng hạnh phúc an nhiên tự tại :

Anh đi lòng cứ ngẩn ngơ
Tóc mây em phủ đôi bờ tương tư
Nến khuya nhoà mấy trang thư
Lệ sao trên ánh mắt tu nữ buồn …
( Nẻo về / Thái Tú Hạp )

Nhìn ánh mắt người nữ tu đã thấy buồn, thì cũng gọi là bạo dạn lắm rồi .

Thế nên tôi đã tìm ra được bài nhận thua cuộc không phải của những khách sa trường mang tiếng ” Kỷ nhân hồi “ -- mà là vị sư lãng tử đã cam đành thua cuộc thế này :

Cuối cùng ta đã chịu thua
Thiền sư xuống núi bỏ chùa theo em …
( Thua cuộc / Thái Tú Hạp )

Có lẽ đủ rồi, không cần bẻ kiếm , quăng đao mất công, chỉ hình ảnh ” em thôi ” là đã tàn mùa khói lửa …

Nhận định về tập thơ tuyển SUỐI NGUỒN TÂM THỨC/ Thái Tú Hạp, một lần nữa tôi sẽ trở lại CHỐN BỤI HỒNG này đan cử những vần điệu tha thiết hơn .

Hôm nay 15 -3 , nhân dịp kỷ niệm bà soeur tổ của ngành Cán Sự Xã Hội Pháp, mà tôi là đệ tử nhiều đời sau này , cũng là ngày tôi từ Việt Nam qua định cư ở Hoa Kỳ theo diện tị nạn cộng sản cách đây 28 năm.

Đôi bạn uyên ương văn chương, nghệ thuật ÁI CẦM – THÁI TÚ HẠP đã hỗ trợ tôi phụ trách mục CHỐN BỤI HỒNG tuần báo SAIGONTIMES/ USA .

Bài đầu tiên mục này mang tên ĐỊNH MỆNH đăng ngày 15 – 3 – 1992, và từ đó cho tới nay, tôi vẫn hiện diện ở CHỐN BỤI HỒNG này, mà dịch giả ÁI CẦM cùng số đông độc giả Saigontimesusa thường gọi tôi cái tên đầy kỷ niệm thương mến :
 ” Thi sĩ Chốn Bụi Hồng ” vậy .

Bài viết này xin chuyển tải lời cám ơn của tôi đến ông bà chủ báo, nhà thơ Thái Tú Hạp và dịch giả Ái Cầm thân quý nêu trên .

Hawthorne. 15 – 3 – 2020
cao mỵ nhân

(trích Blog Cao MỴ Nhân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét