Dịch COVID- 19 ở Mỹ: Người Việt lo đến bạc đầu / Nguyễn Hữu Tài ( Bang Maryland/ Hoa Kỳ) -- nguồn: tuoitre.vn
Dịch COVID-19 ở Mỹ: Người Việt lo đến bạc đầu
28/03/2020 11:01 GMT+7
TTO - Mấy ngày gần đây, khi các sự kiện thể thao, âm nhạc bị hoãn, mở tivi hay radio lên, hầu như kênh nào cũng nói về vấn đề kinh khủng: dịch bệnh COVID-19.
Xa lộ thưa vắng bóng người. Sân bay trống trơn giữa thời điểm nghỉ xuân. Dân chúng đã bớt tụ tập. Hàng triệu người ở nhà. Trăm ngàn người mất việc. Chứng khoán liên tục đỏ sàn...
Hầu hết các bang ở Mỹ đã đóng cửa trường học. Hơn 20 bang đang thực hiện chế độ "shelter-in-place", "lockdowns" hay "stay-at-home" (nôm na là giới nghiêm) và nhiều bang hạn chế việc ra ngoài tụ tập, ăn uống. Chỉ có những công ty, cửa hàng thiết yếu như ngân hàng, siêu thị, nhà thuốc, sân bay... mới được mở cửa.
Có thể nói trong 20 năm ở Mỹ, đã "sống sót" qua bao trận cuồng phong, bão tuyết kinh hoàng, đã gồng mình trước khó khăn trong suốt thời khủng hoảng kinh tế 2008, lần đầu tiên tôi mới thấy một nước Mỹ xung quanh lo lắng, u buồn và mất niềm tin đến vậy.
Phần lớn người Việt ở Mỹ sống bằng nghề làm nail, hớt tóc và nhà hàng. Từ chủ tới thợ giờ đều đang bạc đầu vì lo. Làm móng và hớt tóc thuộc ngành nghề "không thiết yếu", nên bắt buộc phải đóng cửa không biết bao giờ mở lại.
Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền lẫn tước giấy phép kinh doanh. Nhà hàng tuy không nằm trong danh sách này, được mở nhưng cũng không có khách tới ăn, chỉ được mang giao hay khách tới mua rồi mang đi. Mà mùa dịch nên bà con cũng ngại ra đường, thế là ngồi bó gối.
Nếu làm cho công ty hay hãng xưởng Mỹ, người lao động có ngày nghỉ du lịch hay nghỉ bệnh, nhưng phần lớn thợ làm nail, tóc và phục vụ nhà hàng không có quyền lợi này. Đi làm mới có tiền, ở nhà chẳng có đồng nào ra vô.
Tuy người Việt luôn biết vun vén tiết kiệm, để dành chút đỉnh phòng khi trái gió trở trời, nhưng nếu tình hình này kéo dài, tiền nhà, tiền xe, tiền hóa đơn các dịch vụ sẽ sớm thành gánh nặng mệt mỏi.
Trong khi chờ gói cứu trợ 2.000 tỉ USD của Quốc hội Mỹ, điều chúng tôi có thể làm lúc này là an ủi, động viên nhau qua mùa dịch. Sau bao năm duy trì cường độ làm việc 6 đến 7 ngày/tuần quanh năm suốt tháng không dám nghỉ ngơi, thôi thì coi đây như dịp để mình sống chậm lại.
Sáng nhắc ghế ra bancông uống cà phê, ngắm hoa nở, nhìn mây bay, nghe chim kêu ríu rít. Trưa nấu cho gia đình bữa ăn ngon. Chiều chơi với con, cả nhà quây quần cùng nhau, thay vì ngày nào cũng tối mịt mới về, tắm rửa qua loa rồi lo đi ngủ.
Trường đóng cửa, những ai ở gần nhau, nếu bận đi làm không ai coi con thì cứ mang qua một nhà cho tụi nhỏ chơi với nhau, tiết kiệm được cả "mớ tiền" gửi người khác trông coi ở nhà trẻ.
Người Việt thường lo xa, trước khi bùng dịch đã mua cá, gạo, mắm muối, rau củ trữ sẵn, đủ ăn từ hai tuần đến một tháng nên không cần san sẻ thức ăn.
Bạn bè ở xa, bang này nhắn bang kia chỉ thường hỏi thăm nhau có đủ thuốc tylenol (giảm đau, hạ sốt), khẩu trang, nước rửa tay không. Chưa có thì gửi cho nhau một ít để xài, vì giờ ra siêu thị tìm mua cũng chẳng ra, quý hiếm vô cùng.
Tuy bang Maryland đang giới nghiêm, nhưng do tính chất công việc, tôi vẫn đi làm rồi tranh thủ ra công viên đi bộ một vòng. Vận động cũng là một cách để tăng cường sức đề kháng bệnh tật. Bà con tập luyện cũng khá đông và luôn giữ khoảng cách 2 m như khuyến cáo.
Xung quanh công viên, thủy tiên, anh đào, mộc lan, tulip nở rộ, cỏ bắt đầu xanh, nắng ấm dần lên, mùa xuân đã trở về nước Mỹ.
Người dân Mỹ đang trông mong đất nước trở lại nhịp sống bình thường, trong khi các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để mong sớm tìm ra văcxin hay phương thuốc điều trị hữu hiệu nhất. ./,
NGUYỄN HỮU TÀI
(trích báo Tuổi trẻ tp. HCM >
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ