hỡi linh hồn tôi / truyện thế phong ( kỳ 6) -- nguồn: t-van.net/?=3760
hỡi linh hồn tôi
thế phong
(kỳ 6)
Một buổi trưa khác, Đỗ đang giặt quần áo cho vợ, tã cho con chất đầy trong chậu; thì nghe có tiếng khách ngoài cửa gọi. Đỗ đi ra, nhìn Thấy Hùng, con bà cô ruột lên Đà Lạt chơi, tiện thể ghé thăm. Dương Mạnh Hùng nói ngay: ' mục đích đến thăm để xem mặt bà chị mày ngáng, mũi dọc ra sao dám nhận làm vợ của người anh họ hoang đàng viết văn như Đỗ'.
Hùng đậu kiến trúc sư rất trẻ , nổi tiếng trong Đại học Kiến trúc Sài Gòn , nhìn đứa cháu đang nằm bên cạnh người chị, thật bụ bẫm, nhưng nghe nói là cháu đang bị tiêu chảy.' Rất nhiều lần mua thuốc chữa trị, nhưng chẳng kết quả bao nhiêu. Đỗ tiễn Hùng ra cửa, thì nhận được thư Thế Nguyên ở Sài Gòn báo tin truyện Khu rác ngoại thành của anh sắp in xong. Thế Nguyên còn báo tin báo cho biết 'đầu nậu' Thành, người bỏ vốn in ấn, phát hành, sẽ trả bản quyền tác giả là 3 nghìn đồng.
Đỗ tính nhẩm với số tiền này, anh có thể mua được 3 vé máy bay Khứ hồi Đà Lạt- Sài Gòn. Tự nhiên trong trí anh nảy ra ý nghĩ, quả thực đất Đà Lạt này với anh thì không có cách gì kiếm ra tiền- mà anh thì đang cần tiền mua thuốc trị bệnh tiêu chảy cho con -- vậy thì hãy về Sài Gòn nhận tiền nhuận bút và sách tặng tác giả . Bây giờ không thể đi bằng đường bộ; vì bị Việt Cộng đắp mô liên tục; nhất là đoạn đường từ cậy số 135, tính từ Sài Gòn lên Đà Lạt; vậy thì phải chi mất 9 trăm đồng mua vé máy bay khứ hồi+ tiền tiêu vặt dọc đường, có dè sẻn mấy cũng mất thêm mấy trăm đồng-- vị chi chỉ còn khoảng một ngàn tám để mua thuốc trị bệnh tiêu chảy cho con. Đỗ bàn với Khuệ về việc này , nàng gật đầu đồng ý và vơ vét đâu đó còn được 5 trăm đồng đứa cho chồng làm lộ phí đi Sài Gòn.
Về đến sài Gòn, điểm đến đầu tiên là tới 291 Lý Thái Tổ, anh hí hửng là sẽ được nhận nhuận bút+ sách tặng -- và nhìn thấy diện mạo đứa con tinh thần do nhà xuất bản Trình Bày in đẹp đẽ ,hay xấu xí?
Cầm 20 cuốn Khu Rác Ngoại Thành, sách biếu; nhưng không có tiền bản quyền Đỗ nhắc lại lời của Thế Nguyên:
- biết anh cần tiền mua thuốc trị bệnh cho cháu,nên đã gửi ngay bưu phiếu cho anh từ mấy bữa rồi!
Đỗ ra về, thật tình không mấy vui, mặc dầu có bản in mới tinh Khu Rác Ngoại Thành , anh cũng không mở ra xem. Anh vội vã trở lại đường Phạm Ngũ Lão, tới văn phòng bán vé máy bay mua vé đi chuyến sớm nhất về Đà Lạt.
***
Máy bay DC 3 bay trên không phận Biên Hòa; bỗng có tiếng xì xào "máy bay hỏng hóc một động cơ, phải vậy không?".
Đỗ vẫn bình tâm, anh có ý nghĩ khôi hài 'có thể bu-gi bị đóng chấu không chừng vậy, nhưng ở trên không làm sao cạo được bu-gi như với xe gắm máy, xe hơi ở dưới đất?' Anh chẳng nay sợ hãi, dù máy bay rớt thì anh được bồi thường , với số tiền lớn để vợ anh làm vốn nuôi con ăn học .
Và thật sự thì không vậy, tin thất thiệt kia chỉ là lời dự đoán từ một khách-- và cô nữ tiếp viên hàng không trấn an, qua tiếng nói rất dịu dàng từ loa phát ra.
Vế đến Đà Lạt, vợ cho biết con trai đã bớt tiêu chảy, còn anh vội vã ra bưu điện lãnh tiền nhuận bút.
***
Trên đường Phan đình Phùng vế nhà, có tiếng ơi ới gọi của giọng nói quen quen-- quay lại gặp một số bạn cũ viết báo từ Sài Gòn lên Đà Lạt đi theo phái đoàn Chính phủ, làm phóng sự, tường trình. Cảm tưởng đầu tiên khi gặp lại một số bạn bè cũ; hình như chúng nó khá tùng rỉnh bạc tiền, một đứa lên tiếng rủ rê Đỗ đi ăn -- thì bản thân Đỗ không mấy vui, bởi lẽ ngoài túi rỗng ra, anh không có tâm trạng đi ăn uống, du hí.
Và Đỗ từ chối thẳng thừng, mặc dầu bụng rất thèm được ăn một bữa ngon miệng đã từ lâu trống vắng. Cứ mỗi lần anh nghe tin tức loan trên radio; phái đoàn này nọ sắp tới Đà Lạt, là một lần anh tránh mặt lên Khu Hòa Bình, chỉ chọn con đường vắng, tránh gặp họ.
Thường ngày, vợ chồng anh có rất ít bạn bè tới thăm, nếu có chỉ có Bùi Thức đáo qua một đôi lần, bởi anh giấu địa chỉ.
***
Buổi tối ở đại gia đình này, sau bữa ăn tới, cha mẹ, con cái ngời lại đánh chắn, tuy không sát phạt, nhưng đánh bạc vấn có nhiều cảm giác ăn thua. Về khuya, đói bụng, ai được bạc thì dùng tiền ấy ra Khu Hòa Bình mua bánh mì về nhà cùng ăn. Nhất là đêm Lạnh ở Đà Lạt, ăn bánh mì nóng cũng đủ ngon miệng.
Nhưng bữa nay, mẹ vợ Đỗ không vui như mọi lần, giọng ăn nói của bà khác
hẳ -- chẳng hạn chỉ cần mở tủ lạnh, đóng mạnh tay, vang lên âm thanh kèn kẹt là bà chau mày, khó chịu ra mặt. Đỗ đóan ra ngay lý do, đây chỉ là cái cớ để bà mẹ vợ thể hiện sự túng bấn; nhất là khi có thêm vợ chồng Đỗ + cháu ngoại, tên Mạnh. Vì vợ chồng anh đã về Đà Lạt ăn nhờ ở đậu đã 3 tháng nay, và ngày Tết Nguyên đán cận kề, thì đồng tiền lại càng cần thiết có để chi tiêu dịp này. Con cái lớn trong gia đình tuy có việc làm, thì đồng lương rẻ mạt, đóng góp chẳng là bao! Có ngày, bà mẹ vợ dự tính đi chợ, sờ đến hầu bao thì chẳng còn đồng xu, cắc bạc nào; bà bèn thu xếp từng tờ báo cũ thật ngay ngắn, vuốt thẳng thớm; cột lại rồi cho vào giỏ bán lấy tiền đi chợ. Đỗ nhìn thấy hết, nhưng ngó lơ như không hay biết gì.
Trưa hôm ấy,. Đỗ lấy cớ đau bụng không ăn trưa, bởi lòng đã no nê chán chường, buồn tủi; Đỗ rủ vợ:
- Em gửi con một lát, chúng ta đi dạo một vòng, được không?
- ... được đấy, em cũng có chuyện muốn bàn với anh -- vợ trả lời.
Gần tết ta, Đà Lạt lạnh buốt, vợ chồng đi bộ dọc theo lối tắt đường Phan Đình Phùng sang Hai Bà Trưng, Đỗ lên tiếng:
- Em có thấy thái đô của mợ bữa nay, thế nào?
-Mợ buồn vì đồng tiến eo hẹp, tết đến rất gần, lại còn phải nuôi vợ chồng+ cháu ngoại nữa. Sáng nay, mợ đem báo cũ đi bán, hình như chẳng được bao nhiêu, mắt mờ lèm nhèm, bị vấp ngã ở đầu hẻm, chân bị xưng vù một cục. Em thương mợ lắm, mà chưa nghĩ ra cách gì để có tiền đưa cho mợ. Anh có cách nào không?
- sáng qua anh nhẫn được thư một thằng bạn học cũ ở Hà Nội, nay nò là chỉ huy trưởng Lữ đoàn Phòng vệ phủ Tổng thống trả lời anh thế này ' cứ về Sài Gòn đi, no sẽ kiếm cho một chân binh bớp lính kiểng, một khi đã hợp lệ quân dịch rồi, ra ngoài làm báo, viết sách bán kiếm sống nuôi vợ con.' Anh nghĩ chẳng đi đâu thoát được Sài Gòn "cóc chết 3 năm quay đầu về núi" .
Đó là thằng Quang Dù còn tử tế với bạn bè cũ từ Hà Nội; chứ thằng Sảnh, cũng trung tá Dù, hiện chỉ huy trưởng Cảnh sát Dã chiến, không thèm trả lời một chữ, khi bạn bè cũ cậy nhờ. Anh chẳng trách thằng Phạm Huy Sảnh ở Cửa Bắc/ Hà Nội xưa, mà chỉ nghĩ tình đời đối xử với nhau lúc này mới dễ biết mà thôi.
Khuê gật đầu đồng tình ngay, một điều mà anh chưa dám nghĩ là có sự đồng tình này. Vợ anh cũng rất tỉnh táo khi nhận xét mẹ vợ khó chịu với con rể nghèo túng ăn nhờ ở đậu là có thật, chứ không bênh mẹ.
Buổi chiều hôm ấy thật đáng nhớ đời. Đó là một buổi chiều đông xám năm 1967, không gian chùa Linh Sơn, vợ chồng Đỗ đứng bên nhau, nhìn xuống phố núi. Chồng nói:
- Khuê ơi, ở tình cảnh này chúng ta không thể tiếp tục ở Đà Lạt được rồi. Chẳng thể trách ai, chỉ vì sự túng bấn đưa đến điều ra tiếng vào của mẹ vợ. Anh chắc chắn rằng một khi có tiền đưa thường xuyên cho bà, chắc hẳn những buổi đánh chắn trong gia đình còn vui hơn nhiều. Bây giờ tình cảnh chúng ta không còn con đường nào khác để đi, trừ trực chỉ về Sài Gòn.
Khuê gật đầu, nhưng nàng có một phương án chi tiết hơn chồng dự tính:
- Tiền xe, ăn đường thì em đần Bích vay mượn. Anh nhớ Bích chứ, năm 1965 anh lên Đà Lạt đến nhà tìm em không gặp; vì em đi dự đám cưới Bích lập gia đình với ông đại úy Lượt, bạn anh, cái ông trưởng đồn quân cảnh ở Vũng Tàu ấy. Bích là con gái nhà in Cộng Đồng trên đường Minh mạng là bạn thân của em. Em đến Bích vay tiền chắc chắn là được.
Đỗ không thể quên chú rể ấy là trưởng đồn quân cảnh Vũng Tàu, Lượt cũng là một trong những người si mê cô Tỵ, con chủ quán Aux Délices ở Vũng Tàu. Lượt từng nói đùa với Đỗ: 'lương Lượt có 7 ngàn, còn Đỗ thì 8, lại được nuôi cơm 2 bữa+ ăn sáng, quần áo có người giặt, ngủ ở trại Seminary Camp sang như tiêu chuẩn lính Mỹ -- đem so sánh thì cô Tỵ chọn Đỗ hơn Lượt là chắc rồi!
Đỗ nhớ có một lần Bích, vợ Lượt đến nhà tìm Khuê; thì Bích gặp Đỗ đang ôm con gà trống nhỏ bằng nắm tay dí mổ bắt con ruồi đậu trên cửa kính, đi ra mở cửa cho Bích. Chẳng hiểu sao con gà biết Bích là người lạ, nó muốn nhảy khỏi tay anh như sẵn sàng mổ Bích.
Con gà trống nhỏ này là bạn thiết của Đỗ, nó làm anh khuây khỏa trong ngày phiêu linh, sống chẳng ra sống ở Đà Lạt thời kỳ này. Anh chỉ mới nuôi nó được ít ngày, săn sóc, chăm bẵm nó-- và nó rất thích được bồng bế trên tay khi đưa nó áp vào của kính để bắt ruồi làm mồi ăn. Thức ăn bằng ruồi của nó hình như nhiều hơn cơm, gạo -- có vẻ chất tươi thực phẩm ruồi làm tấm tính nó thay đổi, nó rất dữ dằn, mỗi khi giơ mỏ lên, mổ vào cửa kính, âm thanh 'chóac' vang
lên, thì chú ruồi biến mất, không còn loay hoay bò chậm chạp trên mặt cửa kính nữa.
Đỗ tâm tình cùng vợ:
- về Sài Gòn, anh sẽ nhớ nhất là con gà trống nhỏ ở Đà Lạt [ chẳng biết nó có được ai nuôi nấng, có cho nó mổ ruồi làm mồi trên cửa kính nữa không?
Vợ chồng về đến nhà, anh đi tìm con gà, nó đang tìm ăn ở đâu đó-- khi nó nhìn thấy Đỗ, nó chạy miết tới phía anh như mừng rỡ. Và buổi chiều áp tết ta hôm ấy, không hiểu sao thời tiết vẫn lạnh như mùa Giáng sinh -- đó là một buổi chiều thật khó phai lạt trong ký ức vợ chồng anh thấm hiểu sâu sa nghĩa lý đời sống sâu đậm !
Từ trên cao nhìn xuống phố, một Đà Lạt thật buồn, với nhiều dãy nhà bậc thang; xa xa ngọn thông nhấp nhô trên đồi núi, như vẫn ưỡn mình đứng thẳng trước nhiều cơn phong ba bão táp mưa đồi, gió núi. Và mai đâu, phải xa Đà Lạt thật rồi; nhưng Đà Lạt muôn đời từ thời hồng hoang cho đến khi được bác sĩ Yersin, người Phú Lang Sa khám phá ra Đà Lạt, thác Pongour, thác Prenn, v.v. ...
- và Đà Lạt được khai sinh từ ngày ấy ...
***
Vợ chồng Đỗ giã từ Đà Lạt, thì bâu trời vừa xẩm tối, anh còn quay lại nhìn đoạn đường lùi lại khi xe chạy qua; anh bật nhớ tới con ga trống nhỏ giờ này đây đang chúi đầu đâu đó, không biết diều đã căng khi nó nghẹo đầu ngủ sớm ?
Cùng về Sài Gòn lần này với vợ chồng anh, còn một bà chị vợ. Chị bày tỏ là muốn rời Đà Lạt, chán không còn muốn làm nha công cho một nha sĩ có phòng khám trên đường Duy Tân nữa-- nhưng thục ra không phải vậy, chị muốn rời phố núi, vì chị mới trải qua chuyện tình với một sinh viên sĩ quan Võ Khoa Đà Lạt, gọi là 'có người yêu để hò hẹn vào ngày nghỉ' -- thật ra , chàng sinh viên sĩ quan tên Thành chỉ lợi dụng để 'cơm no bò cưỡi' mà thôi. Tốt nghiệp mang lon thiếu úy, Thành bỏ đi ngay, không một lời từ biệt chị vợ anh, cũng rất may là bản thân chị đã không 'cấn thai' với gã Sở khanh ấy.
***
Về đến Sài Gòn, vợ chồng Đỗ + bà chị vợ ở trên căn gác 'chuồng chim' ở hẻm đường Lê Văn Duyệt, gần rạp xi- nê Thanh Vân -- căn gác này của người bà con họ hàng xa với bà cô ruột của Đỗ thuê giùm.
Vào hẻm, đi tới căn gác chuồng chim , Đỗ phải đi ngang qua nhà nữ ca sĩ nổi danh Thanh Thúy ở phía ngoài hẻm -- ở đây ai ai cũng biết , và loan tin cho người mới đến ở' hẻm này có một danh ca đêm đêm hát ở Phòng trà Tự Do, đường Catinat đấy".
Ngày ngày, anh đi gửi bài vở cho nhật báo Sống, chủ nhiệm Chu Tử -- truyện ngắn được đăng ngay vào số cuối tuần. Anh còn thu gom bản thảo, nào là truyện dài, sách biên khảo văn học đưa đến các nhà xuất bản gạ gẫm bán, hy vọng có nguồn thu để sinh sống độ nhật.
Một hai nhà xuất bản nhận bản thảo, và thật lòng muốn xuất bản thỉ chỉ có 1 nhận in 3 cuốn, với điều kiện tác giả phải xin được giấy phép .
Đỗ thật vui, khi được bộ Thông Tin cấp 3 giấy phép :
-Nửa đường đi xuống, truyện dài
-Friederich Nietzsche, biên khảo
- Chiếc roi ngựa/ Virgil Gheorghiu, truyện dịch
Nhà xuất bản Đời Mới cho biết đang in một sê-ri truyện dài của Duyên Anh, sách bán rất chạy: Dzũng Dakao, Châu Kool v.v... , tác giả bán đứa 1 triệu đồng/ cuốn. Hỏi có bán đứa không, trả lời "không", anh chỉ bán từng lần xuất bản một. Chủ nhà xuất bản gật đấu, sẽ trả 400 ngàn đồng/ mỗi lần in 4000 cuốn truyện dài Nửa đường đi xuống.
Hàng ngày, anh đến nhà in chữa mo- rát bản in thử, bìa cuốn này Nguyễn Cao Đàm chụp một thanh niên đội nón đang đi trong vòng dây kẽm gai ; 4 chữ Nửa đường đi xuống, tựa sách là chữ viết tay của Nguyễn Cao Đàm.
Lúc này Đỗ đã được bộ Tổng tham mưu ra quyết định tuyển dụng trung sĩ đồng hóa Đỗ Mạnh Tường, số quân 56/ 600. 595 vào bộ Tư lệnh không quân để làm biên tập viên báo quân đội. Anh ra đường Lê Lợi mua lon , tự đeo trên vai chữ V ngược, rồi về doanh trai trình diện. Mọi người nhìn thấy trên trung sĩ Tường đeo lon hạ sĩ trên vai, thì đồng loạt bụm miệng cười. Một thượng sĩ lên tiếng:
- Thế ra cậu không chịu mang lon trung sĩ sao? - lời thượng sĩ Dương Hùng Cường.
Đỗ biết mình đã nhận lầm cặp lon hạ sĩ mầu trắng, thay vì mầu vàng trung sĩ; Đỗ vẫn 'vụng chèo khéo chống' :
- Bữa nay đeo lon hạ sĩ, mai này đeo lon hạ sĩ 1 , mốt kia mới đeo trung sĩ đích thực.
- Thôi cha nội, cứ nhận mình dốt nát đi, hoặc là, cha nghe tướng Tư lệnh vừa trao quyết định, vừa có lời " anh mang lon trung tá trông mới được" -- bây giờ hạ sĩ Tường 'làm mình làm mẩy' mua lon hạ sĩ đeo cho bõ ghét chứ gỉ?- vẫn lời thượng sĩ Dương Hùng Cường.
Thượng sĩ Cường viết báo Con Ong, còn là tác giả truyện dài Buồn vui phi trường mới xuất bản -- Đỗ cầm sách, đọc luôn mấy vần thơ 'tếu':
Hào hoa là lính Không quân
Anh có cái quần anh cũng bán đi
Ngày mai anh mặc bằng gì
Anh mặc cái áo anh đi khòm khòm
- kể ra lính mới lính lác mới gia nhập Không quân 'tếu' như vậy,thật đáng khen! -- thượng sĩ 'cha già dân tộc' Dê Húc Càn (bút hiệu viết báo) buông lời trịch thượng, từ môi mép của một tay 'đàn anh có nhiều năm quân ngũ'.
(còn tiếp)
t.p.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ