Thứ Tư, 22 tháng 1, 2020

SÀI GÒN luôn gọi EM là CƯNG / Lê Văn Nghĩa -- nguồn: vanhocsaigon



Sài Gòn luôn gọi em bằng cưng 

 Lê Văn Nghĩa


VHSG- Một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn Bình Nguyên Lộc cho biết một trong hai tác phẩm mà ông thích nhất là “Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc”. Với 18 bài viết trong tập sách, bài viết  nào của ông đều có chút tình đốt nhúm hương thơm mùi đất Sài gòn vào đấy từ “Sông Ông Lãnh”, “Mã Cũ Sài Gòn” đến “Phố Của Thành phố”. Chân ông đi lang thang nhiều thiệt. Được biết, ông được tạp chí Văn bình bầu là nhà văn “lủi thủi” nhứt trong giới năm 1974.

Lang thang, lủi thủi để khi đứng nhìn tòa nhà Chú Hỏa-Hui Bon Hoa (nay là Bảo tàng mỹ thuât TPHCM – đường Phó Đức Chính) nhà văn Bình Nguyên Lộc lại nhớ về câu thơ trong  Kiều “xập xòe én liệng lầu không” để rồi cảm thán “Đường Nguyễn Văn Sâm, cư xá họ Hui Bon Hoa có khả năng làm sống dậy quá khứ trăm năm. Là thành phố mới Sài gòn cũng có được vài xó kẹt nên thơ để an ủi những kẻ đứng đường thường phải thất vọng với những nhà hộp, những ngã tư đường thẳng góc. Một đoạn ngắn của một con phố Sài gòn giúp ta khám phá thêm được một câu thơ hay. Và chính câu thơ hay đó lại giúp ta khám phá được một xó nên thơ của một thành phố tưởng là không có gì đáng chú ý” (Én liệng lầu không. Tạp chí Văn. Xuân Đinh Mùi 1/67). Chiều lập xuân lạnh, đứng từ nhà chú Hỏa nhìn về phía chợ Bến Thành mỗi khi người xưa về chốn cũ chợt trong đầu vang lên những âm điệu mơ màng của Sài gòn đến dịp đổi mùa tuổi thơ.



nhà văn Lê Văn Nghĩa

Sài Gòn: đất của khai phá, chiến tranh tạo lập và xây dựng nên không hiếm gì nhũng mồ mã miếu đền vô danh. Mấy chị, mấy em gái nào thường hay đi chùa cúng vái chắc sẽ biết ngôi chùa góc đường Nguyễn Du và Trương Định. Nhờ sách của cái ông hay lang thang, lủi thủi nầy ta biết trước đây chỉ là cái miếu nho nhỏ mà một bà lão từ sáng đến chiều cứ dập đầu vào gốc đa, thấy vậy người ta bu lại khấn vái. Cái miễu nầy tồn tại được nhờ “một ông đô trưởng người Pháp, vùa là thi sĩ vừa là cáo già, trông thấy cảnh đó bèn cho hợp thức hóa cái miễu bất hợp pháp ấy”. (sđd)

Nhà văn là người Sài Gòn tại chỗ (hơi hiếm và hầu như không có nha) còn lại là nhà văn đến từ vùng đất chín rồng, từ miền trung nắng cháy đã “nhập cư” Sài gòn cùng chữ nghĩa. Cũng có người “nhập cư” theo diện máy bay hay tàu há mồm 1954 biến động. Vì vậy, mỗi người nhìn Sài gòn một cách khác nhau, đôi khi kỳ cục nhưng lại dê thương vì cái nhìn đa chiều, không giống con giáp nào trong 12 con giáp nhưng tổng hợp lại đó là Sài gòn. Cái hay, cái đồng cảm là cùng “hồn trao Chợ Lớn, tim trao Sài Gòn” vì họ đã trải dài cuộc sống “Sài gòn Chợ lớn rong chơi. Đi lên, đi xuống đã đời du côn’ theo thơ của trung niên thi sĩ Bàng Giúi- Bùi Giáng.

Lê Xuyên là nhà văn Nam bộ chính cống bà lang trọc. Lên Sài Gòn sinh sống, lấy vợ viết văn nhưng tuyên bố chỉ biết Sài gòn qua những hàng me xanh.

“Một hình ảnh bé nhỏ mà tôi ghi nhận hồi tôi hãy còn…bé nhỏ trong lần đầu tiên tôi được “ông già” cho đi Sài Gòn và ngụ tại một khách sạn ở đường Espagne, tức là đường Lê Thánh Tôn bây giờ.

Dưới mắt một đứa bé nhà quê của tôi lúc bấy giờ, cả Sài Gòn rộng lớn và huy hoàng như vậy mà tôi chỉ để ý đến hàng me xanh um của con đường Espagne, với tiếng lốc cốc leng keng của xe thổ mộ vào buổi sáng sớm.Cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại nhớ dai cái hình ảnh chẳng có gì huy hoàng đó. Ngày nay, hàng me, xe thổ mộ không còn nữa…” (tuần báo Khởi Hành, tháng 7/69).

Me, một loại cây che nắng, có mặt tại Sài gòn từ thời tây mới qua đã được Trầm Tử Thiêng  cùng nhớ khi “yêu me một khối tình quê”, và Nguyễn Tất Nhiên “Chiều nắng âm thầm chào biệt lũ lá me/ Lá me nhỏ như nụ cười hai đứa nhỏ”.

Sài gòn không chỉ có cây me. Nó còn có đủ thứ các loại cây che mát khắp những con đường thành phố như dầu, gió, sao, điệp, cao su…những con đường cây dài bóng mát. Nhưng ấn tượng nhất là con đường Cường Để có hai hàng cổ thụ dẫn đến bờ sông Sài Gòn –bến Chương Dương. Ấy là tôi kể chuyện ngày xưa khi con đường nầy dẫn đến xưởng Chu Sư-tức Thủy trại (Nhà Nguyễn xây dựng năm 1775) và đầu tư công nghệ châu Âu để thành xưởng Ba Son hay Arsenal (1860) . Khu Ba Son bây giờ cùng đã mất tiêu cùng với con đường trọc đầu, trụi lũi nắng cháy da người buổi trưa. Chỉ còn chăng là bài thơ ngắn của Duyên Anh- một người viết văn thiếu nhi. “Sáng sớm ra bờ sông/Nhìn về phía Ba Son/Thấy khói tuôn mù mịt/Bỗng yêu dấu Sài gòn/Biết tại sao anh thích/Những ống khói đen sì/Những hồi còi rền rĩ/ Những chuyến tàu đến đi//tương lai con mình đấy/Em ơi! đất nước nầy/Sắt thép và Nhà máy/Cuộc đời sẽ đổi thay.” (Giấc Mơ Kỹ Nghệ Hóa”, tạp chí Ngàn Khơi 11/1963). Đây có lẽ là bài thơ đầu tiên nhưng lại là cuối cùng viết về một khu đóng tàu lịch sử về độ xưa và độ lớn của vùng đông nam á. Vì là nhà văn, Duyên Anh cũng nhớ về Sài gòn qua các món đưa cay và quán nhậu tìm chút tình tri kỹ khi đi nước ngoàiCái lòng thương yêu Saigon của tôi chỉ có tôi hiểu. Nếu anh đã một lần xa Saigon, anh mới thương yêu nó dù anh vẫn hắt hủi nó. Tôi và Hoàng Anh Tuấn đi lang thang bốn buổi chiều ở Kuala Lumpur. Bấy giờ, chúng tôi thèm một dĩa “phá lấu”, một chén thịt bò viên, một con tôm nướng, một đĩa bánh cuốn xe. Và yêu Saigon vô cùng. Một tuần lễ ở Tokyo, Huy Vân và tôi tìm ra ngoại ô. Chúng tôi đã vào quán cóc nhậu bia đen với thịt gà nướng. Thua nem nướng Saigon xa. Lại nhớ Saigon. Nhớ nem nướng chợ Thái Bình…Ở Hồng Kông còn chán nữa…Không có một quán cóc gần Tổng Ngân Khố Quốc gia Saigon.” (tuần báo Khởi hành, tháng 7/69).  He he, với tư cách dân bia bọt, xin nói thêm khu Tổng Nha Ngân khố nay là khu vực Hải Triều vốn là một khu nhậu ngày xưa  rất màu sắc “Sài gòn ne.” nha nha. Cũng nổi tiếng không kém với khu Chợ Đũi từng đêm thẩm sầu giọt la ve (bia) của nhà thơ Tạ Ký. “Các bạn nào đến chợ Đũi nên ghé vào các quán xây ra mặt đường Trần Quý Cáp vì ở đây chỉ có nhậu suông mà thôi. Nếu bạn ghé vào dãy quán ngó ra đường Lê Văn Duyệt( Nay là CMTT) thì coi chừng có thể bị bắt cóc vì ở đấy là các demi-bar, cũng có nhậu, có lai rai và có các em ngồi bàn tán nhảm. Ở chợ Đũi làm gì có quán nhậu sang trọng.” Khu Chợ Đũi-ngày xưa chuyên bán loại vải đũi nổi tiếng bây giờ là một cái ngân hàng bự xự tò te.

Nhà văn thường xuyên hay đói, nhất là khi mới “Start up” khởi nghiệp bằng chữ nghĩa chứ không phải bằng “xèng” vay của mấy bố mẹ ngân hàng. Nên cơm tấm “sà bì chưởng” – Sườn bì chả nước mắm chua ngọt, mỡ hành thơm lồng lộng là một thứ rất ư là “tri kỳ vị” ngon phà phà  với các nhà văn mầm non hay già cỗi, lỡ thì quá lứa chị em. Nhà văn Dương Trữ La đã mơ đến một quán cơm tấm thảo thương khi được tòa báo Khởi Hành đề nghị viết về thành phố Sài Gòn. Cơm tấm chắc chắn là đặc sản của miền nam và chỉ có ở Sài gòn thời người Sài gòn chưa biết phở là cái chi chi.

Ngồi ở quán cơm tấm quen thuộc của những người hay đi ăn ban đêm. Quán cơm tấm bây giờ đã khác nhiều như con đường chạy ngang trước quán. Con đường Trần Quý Cáp.
Ngày xưa nó chỉ là một đoạn đường nối dài cho một con đường có cái tên rặt Phú Lang Sa. Ngày xưa quán chỉ là một mái lá ẩm mục, hàng cơm được dọn trên bộ ngựa phập phều siêu dẹo. Bà chủ quán cũng ngồi ngay trên ấy với cái rổ đựng tiền có nắp. Khách ăn ngồi quanh bộ ngựa với những chiếc ghế thấp ghép bằng ba tấm ván đơn sơ. Ăn xong, uống một tô trà quế nóng hổi và bàn chuyện nắng mưa của trời đất.
Bây giờ con đường đã khang trang sạch sẽ. Đèn điện sáng.Hai dãy phố lầu cao ngất. Quán cũng đổi thay. Hai từng lầu gạch đúc. Đèn nê ông xanh lè. Khách ngồi bàn ghế cẩn thận, ăn xong, uống trà đá, hoặc “33”.

Sự đổi thay tự nhiên của dòng đời. Không có gì lạ, không có gì ưu hoài để thương nhớ ngày xưa, vì không lẽ ta lại chặn đà tiến lên của xã hội.Thương một điều, món ăn vẫn là món cơm tấm bì chan nước mắm. “(Tuần báo Khởi Hành số 70). Tiệm cơm tấm nầy hiện nay vẫn còn ở chỗ cũ (đường Võ Văn Tần), tuy nhiên khang trang hơn ngày trước nhiều và giá cả cũng hơi chát vì có luôn cơm tấm… tôm càng, có khổ qua dồn thịt nạc.

Riêng các nhà văn thơ bắc kỳ thì khoái quán cơm Bà cả Đọi- ở con hẻm nhỏ đường Nguyễn Huệ. Quán cơm nầy có cái cầu thang nhỏ đi lên rất ư là lập thể như tranh của Tạ Tỵ. Họa sĩ Tạ Tỵ, người tiên phong đưa trường phái lập thể và trừu tượng vào lịch sử Mỹ thuật VN  đã vẽ một bức tranh thành phố Sài gòn qua bài “Màu Sắc Sè- Goòng” vào năm 1960. “…Hỡi du tử nếu bị một sự tình cờ may mắn nào người được đặt chân vào mảnh đất yêu quý của chúng tôi, người có gặp nhiều đại lộ, những đại lộ của chiều thứ 7 tôi chắc người sẽ không giữ được cảm xúc khi bắt gặp những màu sắc chuyển mình dao động trong nắng gió ban chiều. Từng đợt sóng màu xô đẩy từ hồng qua tím, từ trắng qua vàng, từ huyết dụ ngã lam biếc quyện vào mùi hương da thịt phơi phới lên tơ,  vờn nhau như một đàn bướm làm cho cặp mắt dại khờ…” Bài viết dài 6 trang A4, tôi chỉ trích một đoạn ngắn có nhiều chữ… màu.

Không thèm viết tùy bút mà lại là túy bút – viết trong cơn nhậu quá đã chăng? Vũ Khắc Khoan một cây bút, một nhà soạn kịch vào Sài Gòn năm 1954 đã nhìn thành phố này như một người đàn bà. Ngộ nha-chắc ông say-say thì hay mơ về đàn bà. He he tửu sắc mà! “Một thành phố như vóc dáng một người đàn bà. Cũng thờ ơ, lãnh đạm, vô tình, vô duyên, cũng quyến rũ, yêu, nhớ, dứt áo ra đi, trở về đột ngột. Sống, ở đó, là thôi suy nghĩ về đó, như với một người đàn bà, dấn thân vào hành trình một cơn đam mê, là dọn mình để chấp nhận tất cả: tiếng động của xe cộ, phiền toái của luật lưu thông đèn xanh, đèn đỏ, bụi bậm của một khung trời chật hẹp, rác rưởi của đầu đường xó chợ, sình lầy của ngõ hẻm, bất ngờ của  điện và nước, và thỉnh thoảng, những buổi sáng linh động, những buổi   trưa   tĩnh   vật,   những   buổi   chiều   tay muốn nắm tay, những đêm xuống thân xác tìm thân xác. Sống, ở đó, là… sống ở đó. Không đặt vấn đề. Không thẩm định giá trị. Cho nên… Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi là ngớ ngẩn, là sai lầm. Vì Sài Gòn không thể đẹp, không thể xấu đối với người Sài Gòn.Trước khi yêu, người ta có thể bình tĩnh phân tích, ngắm nghía so sánh. Yêu rồi là thôi tính toán, là chẳng thấy gì, là chuồi theo, là hết…” (‘Mơ Hương Cảng’ (NXB Kẻ Sĩ – 1971- trang 167). Cũng vậy, Hoàng Hải Thủy từ năm 1960 đã nhìn “Sài gòn sau cơn mưa lớn sạch giống như một người đàn bà đẹp vừa mới tắm xong”. (Sài Gòn Vang Bóng). Ôi chao, quả thật là tay điệu nghệ có cỡ trong chốn 50 sắc thái nha.

Thơ mộng, vốn là nghề của chàng, Nguyên Sa cho biết mình ít khi viết bài cho báo xuân vì không thể tạo cảm xúc thật cho thơ, cho bài viết. Nhưng vì nể ông Nguyễn Đinh Vựơng, ông đã viết cho tạp chí Văn một bài thơ xuân. Bài thơ không thấy xuân mà chỉ thấy bóng dáng thiếu nữ và Sài Gòn khi “tám phố Sài Gòn”. Tám phố ở đây có nghĩa là bát phố chứ không phải Sài gòn và tám con phố hay “bà tám” về Sài Gòn nha các người đẹp của Sài gòn sau cơn mưa.

“Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/Cánh tay tà áo sát vòng eo/Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo/Sài Gòn phóng solex rất nhanh/Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants/Có nghe hơi thở cài vương miện/Lên tóc đen mềm nhung rất nhung/Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm/ Tờ hoa trong sách cũng nằm im/ Đầu thư và cuối cùng trang giấy/ Những chữ y dài trông rất ngoan/ Sài Gòn tối đi học một mình/ Cột đèn theo gót bóng lung linh/Mặt trăng theo ánh đèn: trăng sáng/Đôi mắt trông vời theo ánh trăng/Sài Gòn cười đôi môi rất tròn/Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong/Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng/Hay đã đưa dần sang nhớ mong/ Sài Gòn gối đầu trên cánh tay/Những năm mười sáu mắt nhìn mây/Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn/Tiếng nhạc đang về dang cánh bay/ Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa/ Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard/ Guốc cao gót nhỏ mây vào gót/ Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ/ Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng/ Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân/ Lưng trời không có bày chim én/Thành phố đi về cũng đã xuân.”

Cũng có câu chót là an ủi cái chuyện tết chút đỉnh. Cũng được tổng biên tập đặt bài viết báo xuân nhưng không hiểu sao tôi lại lang thang quá giang bước chân của các bậc tiên sư không tiến sĩ tìm lại cái Sài gòn ngày xưa. Hay vì nó xưa mà chưa hề bao giờ cũ. Chỉ khoái nhất là câu “Sài gòn mai gọi nhau bằng cưng”. Ủa, mà tại sao không “Sài gòn luôn gọi nhau bằng cưng” hè. Cưng.Cưng. Cưng quá đi thôi…!                []
LÊ VĂN NGHĨA
trích từ vanhocsaigon


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét