t
thư của trên 30 nhà văn trong nước + ngoại quốc
gửi Thế Phong, ở thập niên 90 ' s , thế kỷ XX :
Băng Sơn
...
...
...
thư Băng Sơn gửi Thế Phong
Hà nội 15- 12- 1995
Thế Phong thân
Đã nhận được thư T.P. đề ngày 10 - 12 và cả 1 lá thư trước đó . Chậm trả lời, bởi phải kéo cày trả nợ các báo, bỏ lỗi cho mình nhé.
Rất cảm ơn Ông là Ông vẫn nhớ đến ngày 18 - 12 sinh nhật của thằng cha này ; trong khi có những bạn thân ở Hà nội cũng chẳng nhớ đến . Thì ra khi đã có tình với nhau rồi thì nó khiếp thật đấy, vượt cả thời gian và không gian .
Bạn báo tin về thơ xuân và bài tuỳ bút, mừng lắm . Nhưng mừng hơn , có lẽ là cuốn sách về Hà nội của 1 người sau 40 năm mới trở về ( Hà nội 40 năm xa . . . / Thế Phong ) , hẳn nhiều cảm xúc ,nhiều suy nghĩ mà những đứa ở lì 1 chỗ như mình, có hơi chai lỳ ra, không viết được . Liệu bao giờ có
sách ?
Tôi gửi ông cuốn sách này, mà hôm ông ở ngoài này, chưa có . Sau khi ông về, 10 ngày sau NXB mới mang sách đến mình. Đọc cho vui nhé . Đây cũng là 1 nét Hà nội đấy . Mình dùng gần hết số nhuận bút để mua sách tặng bạn bè , nhưng cũng chỉ biếu được mấy chục người thật thân, thật quí mà thôi . T.P. là một trong số những người ấy .
May ra, cuối năm mình ra được một cuốn khác nữa , nếu có , sẽ gửi biếu ông sau .
BS. vẫn đang là quán quân trong số ít người có bài đăng đều trên các báo ở ngoài này . ông xem, có ai, từ đầu năm đến giờ ( còn 15 ngày nữa mới hết năm ) đã in được 335 bài trên nhiều báo không ? Khoe 1 chút cho vui, nhưng không phải là nói khoác đâu. Tuy vậy, có lẽ vẫn còn thua xa thằng cha T.P. đấy nhỉ , vì nó viết ghê lắm , có hơn tháng mà xong cuốn sách về Hà nội thì đáng gờm đấy . B.S. xin thua .
Xin tạm coi cuốn sách này là quà Giáng sinh nhé, vì mình có thói quen mà một ' anh nhà quê " ít dùng thiếp chúc mừng trong các dịp lễ, tết .
Sơ qua mấy dòng, chúc cậu và gia đình hạnh phúc, vui vẻ cả Nô- En và tết tây tết ta, cho mình cáo lỗi với Mai Anh, vì không được gặp cậu ấy . Mong được liên hệ thuồng xuyên với T.P. hơn nữa .
Mình đã gửi bài xuân và tết của khoảng 40 tờ báo , thì tết mới có bao nhiêu bài được đăng ( mới có 10 tờ trả lời là dùng bài . )
Nhớ cậu nhiều
BĂNG SƠN
( ký tên )
66 Lê văn Hưu Hà nội
thư Băng Sơn gửi Thế Phong
Thân gửi Thế Phong (*)
Nguyệt san Lao Động Thủ Đô số ra ngày 20 / 10 có in bài này ( chủ yếu là in và để bán ở SG .) tôi gửi cậu đọc cho vui bài này có 1 câu nhắc đến cậu.
Mình vẫn khoẻ . Bắt đầu cày bài TẾT .
Chúc cả nhà vui mạnh
chờ thư cậu nhiều
BĂNG SƠN
( ký tên )
------
(*) không đề ngày tháng, năm, nhưng phong bì có dấu bưu chính 22. 10. 99 .
NHÂN NGÀY KỶ NIỆM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ
( đăng trên LAO ĐỘNG THỦ ĐÔ ( nguyệt san ) tháng 10 - 1999 ) .
CHIỀU SÂU HÀ NỘI
BĂNG SƠN
Thạch Lam viết " Hà Nội băm sáu phố phường " . Con số 36 chỉ là ước lệ , vì chỉ riêng chữ HÀNG đã có đến con số hơn 70, vì đổi tên, mà đã mất đi mười phố có chữ HÀNG.
Trước thềm Nghìn năm, Hà Nội đã có trên 400 phố , gấp mười lần thành phố của Phạm Đình Hổ , Nguyễn Siêu , Thạch Lam ... với những đường phố to rộng , khang trang mà 45 năm trước , ta mơ ước khát khao chẳng có .
Hà Nội ít nhà vườn hơn Huế , không bao giữ được vẹn toàn nét cổ như Hội An , không có cây xanh bằng thủ đô nhiều nước châu Âu , không có con đường nào dài trên 40 cậy số như Stalingrad ... nhưng nếu bảo ta đổi Hà Nội đi để lấy một nơi nào khác , chắc chắn chẳng đời nào ta chịu . Mẹ nghèo , áo vá chân trần , vẫn al2 Mẹ ta , Mẹ đời đời yêu dấu .
ta vẫn còn một Hồ Gươm xanh biếc như con mắt giai nhân vạn tuổi và chiếc lược đỏ đón bình minh với 15 đôi chân cắm xuống lòng hồ , nơi rùa thiêng trú ngụ . Ta vẫn còn một Hồ Tây nơi ông Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan gặp tiên mà làm thơ thù tạc . Nơi Phủ Tây Hồ thờ Bà Liễu Hạnh , thấp thoáng cánh chim sâm cầm trong hoàng hôn thu muộn óng ánh bóng thuyền thoi ...
Trường Đại học đầu tiên đã trải gần nghìn năm vẫn còn đây với hàng cây cổ thụ nói tiếng nói thời gian thăng trầm đầy tịch mịch cho khách rũ hết bụi phồn hoa mà thanh thản tâm hồn . Tượng đồng Trấn Võ uy nghi , mòn cả ngón chân " lấy phước " , gần kia trên bán đảo Ngũ Xá có pho tượng khác sinh ra từ những bức tượng thực dân bị quật đổ , do thị trưởng đầu tiên Trần Văn Lai cho dẹp bỏ . Pho tượng còn lại như một minh chứng về Hà Nội ý thức tinh thần độc lập từ thuở Thăng Long : Phật Di Đà , lòng thành tâm thiện , bao dung .
Những con đường trải ra trước mặt là vật chất cụ thể , nhìn thấy và đi được trong lòng nó . Nhưng còn bao nhiêu tầng sâu ta chưa biết ,chỉ có Hà Nội hoài thai không mỏi mới đo được bằng cái thước đo tâm hồn văn hiến , nói như nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ .
Từ thuở mang gươm đi giữ nước
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long
... Làng hoa cổ Ngọc Hà, Hữu Tiệp có từ thời nhà Trần cũng đã lùi xa xuống Vĩnh Tuy , sang Đông Anh , lên Tây Tựu để thừa hoa cho người Hà Nội hàng ngày tươi rói từ hồng Đà Lạt, lan Thái Lan , cúc Hà Lan , Lili mới nhập . Các cô gái bán hoa rong trên đường phố , nhà cô ở đâu , cô có gánh nước trong cái hồ ngập xác máy bay B. 52 hay đã dùng máy bơm làm mưa nhân tạo cho óng ánh bảy sắc cầu vồng bằng bàn tay chăm chút ; để các cửa hàng bán hoa tươi còn mở tới khuya cho người Hà Nội mua hoa tặng nhau mùa cưới , tặng ca sĩ , trao sinh nhật ? Một Hà Nội muôn màu nghìn vẻ , mang cốt cách tài hoa trao nhã vào một Hà Nội hiện đại , không cần nhiều tầng cao, nhưng vẫn đủ những tầng sâu cho hồn ta say đắm khôn cùng .
Tà áo dài Hà Nội lại lên ngôi , mà chắc đàn bướm rừng Cúc Phương không thể nào ghen
tị . Không đâu có tà áo dài đẹp như Hà Nội , nó lả lướt , mó thướt tha , nó mềm như
mây , ngọt như tình , mộng ảo như như Liêu Trai và có ai mà chẳng muốn bị cướp mất hồn trong nó , nếu là người trai Hà Nội ?
Có một lần , người viết bài này chơi với một người bạn xa Hà Nội 40 năm đi rong phố, rẽ vào ngõ Phất Lộc, uống tách cà phê thơm lựng , thơm như dĩ vãng , thơm như tuổi dậy thì từng uống , sau đó đưa ra ngoại ô . Đó là một nhà văn từng tung hoành tưởng tượng thế mà cũng phải ngạc nhiên trước một Hà Nội rộng rãi ngoài tưởng tượng .
Con đường Hoàng Quốc Việt có Viện Khoa Học nguyên chỉ là bãi lầy và ruộng nước cây hoang . Con đường từ chợ Bưởi sang Cầu Giấy từng có " cái đấu đong người " để đếm quân thời xưa ấy , nay là bờ sông Tô Lịch với vườn ươm bát ngát xanh rờn , người xe như hội ...
Cuốn sách " Bốn mươi năm đi xa " của nhà văn Thế Phong ở Sài Gòn , (*) chính là nói về Hà Nội của chúng ta đang tự đổi thay mình , từ xưa cũ đi vào hiện đại , như huyền thoại kề rằng : con chim phượng hoàng thiêng , đủ nghìn tuổi thì lao vào ngọn lửa để sinh ra con phượng hoàng sơ sinh đấy sức mạnh và hào khí . Hà Nội vừa là thế vừa là không thế . Cốt cách của ngõ Tràng An lặng lờ , một Hàng Đào đua chen , một chợ Đồng Xuân tíu tít vẫn đan xen vào một Hà Nội đêm đêm âm vang tiếng còi tàu , ngày ngày đang tự làm đẹp bằng con đê xi-măng cốt thép , bằng những thế hệ người Hà Nội mới , vừa đài trang , vừa mộc mạc , vừa tài hoa , vừa cần cù , mà rõ nhất là thế hệ lớn lên từ sau ngày giải phóng , đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực đời sống , từ kinh tế đến văn hoá ...
----
(*) - Hà Nội 40 năm xa/ Thế Phong ( nxb Thanh Niên, Hà Nội in lần đầu 1999, tái bản lấn 1, 2006 ) .
(TP chú thích ) .
Thật tiếc cho những ai sớm " ra đi " , không được có mặt mà chứng kiến ngày Hà Nội tròn 990 năm và 1000 năm sắp tới . Tảng sâu hà Nội đang cựa mình , mà mỗi năm , đến ngày 10 - 10 , ngày thủ đô được giải phóng , ta lại bồn chồn như đang đứng trước vườn hoa , đầy những nụ bán khai chờ nở rộ .
Hoa hoàng lan đang thơm ngát phố Phan Đình Phùng , hoa sữa đường Nguyễn Du còn chờ sương cuối thu mà nồng nàn tình ái . Cây lộc vừng chín gốc bên Hồ Gươm đang thả những tua đen đỏ tưng bừng ... ta đi , ta hãy đi để Hà Nội thấm vào lòng ta mối tình thành phố quê hương ; vừa là nghìn xưa cũng là hiện đại trộn lẫn với tương lai . ./.
10. 99
BĂNG SƠN
thư Băng Sơn gửi Thế Phong
- 1 bài điểm sách NƯỚC VIỆT HỒN TÔI của B ĂNG SƠN - Phạm Hồ Thu viết .
( báo NGƯỜI CÔNG GIÁO số 4 ngày 27 - 1- 1996 ) .
- 1 tuỳ bút HỒ GƯƠM CHIỀU ĐÔNG / BĂNG SƠN đăng trên báo
HÀ NỘI MỚI CHỦ NHẬT ngày 28 - 1- 1996 .
- 1 tuỳ bút XUÂN VỀ TRÊN PHỐ CỔ HÀNG BUỒM / BĂNG SƠN đăng
trên báo NGƯỜI HÀ NỘI số 5 .
- 2 trang thơ trên giấy pelure " THƠ TỨ TUYỆT BĂNG SƠN "
THƠ TỨ TUYỆT BĂNG SƠN
THƯ NẮNG
tặng Thế Phong
Thư bạn phương Nam gửi nắng về
Ta cầm lên sưởi - trước mà mê
Bồng bềnh mây trắng trên trang giấy
Gió bấc trong hồn tạnh tái tê .
1 - 1996
TRONG CHÉN
tặng Thế Phong
Nay ta trồng cây thì sau đậu quả
Nay ta trồng giận thì mai gặt hờn
Bạn ở phương trời - đêm đêm hằng hiện
Ta đọc trong chén thấy Trương Chi hồn .
1 - 1996
MẮT CƯỜI
Chang chang bạn nắng - đầm đìa mưa tôi
Nghìn cây số cách - hai cùng nổi trôi
Chén suông nước lã cũng say nghiêng ngả
Còn chút hoàng hôn mắt soi mà cười ...
1 - 1996
LÁ TUỔI
Tờ lịch đêm đêm tự đốt mình
Tàn tro nhuộm bệnh tóc thôi xanh
Chỉ riêng sỏi đá không cần tuổi
Mặc lá ngày nghiêng phủ mộ tình .
1 - 96
CHỞ
Ma đi suốt đêm không tiếng động thầm
Ta tự quỉ doạ mình trong máu đập
Hoang nghiã trong lòng - cỏ vàng mộ tóc
Hãy một lần hiển hiện hỡi hồn xưa .
1 - 96
VƯỚNG
Đêm trầm tư tôi mặc niệm cho mình
Xuân thảng thốt ghé bờ cây ẩm gió
Ai vướng tóc vào lưới đêm ngoài đó
Tôi thả hồn ra gỡ ... rối mình luôn .
1 - 96
TỰ CHÁY
Biết mình hư hao nến vẫn ra đời
tự đốt cháy ròng ròng lệ đỏ
Tôi tự gập ghềnh những mùa lá đổ
để xuân về mong lại hoàn sinh .
1 - 96
XUÂN TÂN
tân xuân đào cũng phù du
Mưa nhàu cánh lụa - trăng lu cành già
Mười hai cái nguyệt còn xa
Hồn cây lim bóng ... đâu là tri ân .
1 - 96
TRĂNG NGOẠI TỈNH
Khoác thân tẩm mưa - không gian càng lạnh
Chia sẻ bẽ bàng ta với đêm sâu
Trăng lạc đường đi ngoại tình phương khác
Cây não nề lá khóc hộ trôi đau ...
1 - 96
CHỢ ĐÀO BỜ ĐÊ
Chỗ bờ đê hoang dại gió quanh năm
Khi xuân đến đào rủ nhau vũ hội
Người đã chết một phương trời lầm lụi
Khi xuân về ... tình ái rủ ai đây ?
1 - 96
PHÍ HOÀI
Chén khuya trà lạnh, băng phương Bắc
Bút cóng - hồn ngây - chẳng nẻo về
Óc rỗng - lưỡi cùn - thua lũ mọt
Phí trà - nghe dế tiễn đêm đi .
1- 96
XA GẦN
Bạn gần là chiếc bút gầy
Bạn xa là bóng những ngày mai sau
Giận gì - không ủng hộ nhau
Chỉ toàn gió thổi vào sâu trống tuềnh .
1 - 96
BĂNG SƠN
( còn tiếp )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét