Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

' vài bài đăng trên blog Nguyễn Minh Nữu: -- blog Nguyễn Minh Nữu

Tuesday, January 30, 2018

79 -thơ PHẠM CAO HOÀNG Tôi đang vẽ tâm hồn của bạn



 ảnh: họa sĩ Trương Vũ – photo by Phạm Cao Hoàng - Virginia, 6 December 2015


tặng anh Trương Vũ

khi tôi ngồi trước giá vẽ
bắt đầu những nét chấm phá phác thảo chân dung bạn
đôi mắt của bạn có thể mơ màng hay đầy nghị lực
khuôn mặt của bạn có thể dịu dàng hay cương trực
nụ cười của bạn có thể ưu tư hay hồn nhiên
vai của bạn có thể thẳng hay nghiêng
sao cũng được
miễn là bạn phải là bạn

tôi là họa sĩ tự nguyện chọn những nhân vật mà mình muốn vẽ
khuôn mặt mỗi người có thể khác nhau
nhưng những nhân vật tôi chọn đều có một điểm giống nhau:
các bạn là người có một tâm hồn đẹp
tôi tin điều đó
và khi vẽ chân dung bạn
có nghĩa là tôi vẽ tâm hồn của bạn
tôi vẽ tấm lòng nhân hậu của bạn
và nếu cuối cùng chúng ta có được bức chân dung đẹp
thì chính bạn là người góp một phần rất lớn trong việc sáng tạo ra tác phẩm đó

khi tôi ngồi trước giá vẽ
bắt đầu những vệt sơn dầu  vẽ chân dung bạn
bạn ngồi đó nhiều tiếng đồng hồ
trên chiếc ghế dành cho người mẫu
có lúc bạn sẽ rất mệt mỏi và ngủ gục
thì cứ ngủ, không sao đâu
vì tôi đang vẽ tâm hồn bạn mà
một tâm hồn luôn luôn tỉnh thức
và lúc này đây
bạn hãy nghĩ về những người mà bạn yêu thương nhất
đất nước của bạn
gia đình của bạn
bạn bè của bạn
những ân nhân trong cuộc đời bạn
để khuôn mặt của bạn trên bức chân dung
sẽ là một khuôn mặt tràn đầy yêu thương và thánh thiện

Phạm Cao Hoàng
Virginia, October 12, 2017

họa sĩ Trương Vũ – photo by Phạm Cao Hoàng - Virginia, 6 December 2015

78 MINH NGỌC Duyên văn nghệ FACEBOOK và cô giáo cũ




Tôi ở New York, không có cộng đồng người Việt, nói gì tới sinh hoạt văn nghệ, hoàn toàn cô lập với thế giới sách báo chữ nghĩa. Năm 1998, một người bạn của má tôi ở California gởi mấy món đồ ăn gói bằng giấy báo Người Việt. Tôi ghiền đọc tiếng Việt nên kéo mấy trang báo cho thẳng để đọc và sửng sốt thấy Phân ưu cho nhà văn Mai Thảo từ “Nguyễn Xuân Hoàng và tạp chí Văn”, thứ nhất là vì tin buồn về một nhà văn tôi vẫn ái mộ, hai là vì ngạc nhiên không ngờ Văn tục bản ở hải ngoại. Tôi liên lạc với nhật báo Người Việt để hỏi thông tin về nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, email cho ông để đặt mua báo. Gia đình tôi cất giữ lại và mang theo khá nhiều số Văn cũ trước 1975 nên tôi có dịp trò chuyện với ông về những bài cũ và chúng tôi bắt đầu mối quan hệ vong niên rất văn nghệ. Trong một số Văn mới có một bài viết làm tôi chú ý, tôi viết một email dài phân tích và nhận xét về bài đó, ông Hoàng có vẻ rất thích thú, ông gọi cho tôi, bảo “Ngọc viết văn chắc được lắm, viết thử cái gì đi”. Từ chỗ “viết thử cái gì đi” tôi bắt đầu có bài đăng gần như mỗi số. Sau một thời gian, thấy tôi siêng đọc báo chí ngoại quốc, ông bảo tôi kiêm luôn mục "Văn nghệ thế giới”. Lúc đó còn độc thân rảnh rang, đang đi residency trong bệnh viện, ở chung với ba má, tôi hết giờ về chỉ ăn rồi đọc sách chuyên môn, còn thì viết văn. Cũng qua Văn tôi “tái ngộ” nhà văn Song Thao, cây bút tôi ái mộ nhất trong bộ Thời Nay gia đình. Nhà báo Bùi Bảo Trúc tôi được quen từ trước cũng nhờ một cơ duyên văn chương. Ông Hoàng có ý muốn giới thiệu tôi quen biết với các văn nghệ sĩ khác, nhưng tôi nghĩ phận con cháu đâu dám leo trèo ngồi chung chiếu với các vị trưởng thượng, nên chỉ giới hạn liên lạc với ba vị mà thôi.

Sau khi lấy chồng, sinh con gái đầu lòng, đi làm chính thức sau fellowship, tôi cố gắng duy trì việc viết lách một thời gian rồi bỏ cuộc. Văn đình bản ít lâu sau đó. Tôi rất buồn và tiếc nhưng nghĩ đó cũng là một tất yếu trong tình hình “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, người viết vẫn đầy tâm huyết nhưng độc giả rơi rụng dần, tôi có cảm tưởng chỉ còn người viết chúng tôi đọc lẫn nhau. Bù đầu với công việc giảng dạy và nghiên cứu trong bệnh viện đại học, đi làm về phải soạn bài, viết đề án, đọc tài liệu, hộp thư của tôi đầy nhóc email từ học trò, đồng nghiệp, bộ môn, phòng nghiên cứu khoa học, chẳng còn thì giờ tán dóc chuyện văn chương như xưa. Ông Hoàng và ông Trúc biết vậy nên chỉ liên lạc tôi khi cần tài liệu quá kẹt kiếm không ra, tôi lâu lâu gửi một cái thư chúc Tết và chỉ liên hệ nhà văn Song Thao khi ông ra một cuốn sách mới.

Thời gian qua mau, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng mắc bạo bệnh và mất, may mà tôi còn gặp được ông lần cuối. Rồi con gái lớn vào lớp honors ở middle school bài vở quá nặng, tôi bỏ bệnh viện đại học về làm bệnh viện tư gần nhà, ít giờ hơn, đi làm về chỉ kèm con học, lo cơm nước và xem TV. Tôi nghĩ đến ông Trúc đã lâu không liên lạc, định sau khi con gái thi midterm xong sẽ gọi hỏi thăm, thì bất ngờ được tin ông mất đột ngột vào một ngày cuối năm. Những ngày sau đó, tôi hụt hẫng vô cùng, cứ nghĩ về những cái “phải chi”. Vòng đời cứ quay, không chờ đợi những lời thất hứa, những lần lỗi hẹn.

Tháng bảy năm nay tôi đi nghỉ hè ở Quebec City, ghé Montreal hai ngày và gặp được nhà văn Song Thao. Ông nói chuyện văn chương rất vui và xui tôi viết lại, tôi cười trừ. Ông không tha, đăng một truyện cũ của tôi đã in trên Văn lên facebook và dần dần tôi bị lôi cuốn vào cái thế giới vui vui của các tác giả cho sáng tác của mình lên facebook ở thời đại mà các tạp chí văn chương nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng gọi là “sân chơi chữ nghĩa” đã đi vào dĩ vãng. Hồi trước phải chờ báo tới bằng bưu điện, bây giờ sáng dậy mở facebook có thơ văn đọc tha hồ. Danh sách “bạn” của tôi có thêm tên một số nhà văn nhà thơ. Vì còn giữ một số tạp chí cũ, tôi bắt đầu gửi lại những tác giả Sài Gòn xưa sáng tác của họ đã thất truyền vì thời cuộc và chiến dịch “biệt kích văn nghệ”, “kiểm kê văn hoá”. Qua các hoạt động này, nhà văn Nguyễn Minh Nữu chú ý và request trên facebook tôi. Tôi biết tên tuổi ông đã lâu, hồi nhà báo Bùi Bảo Trúc còn ở Virginia có gợi ý muốn giới thiệu tôi với ông và một số văn nghệ sĩ vùng DC, tôi nhát nên thoái thác. Nay thấy tên ông tôi accept ngay. Sau đó tôi sực nhớ một truyện ngắn của ông trên Văn Tân Niên 1973 nên scan cho lên facebook. Ông rất vui mừng vì đó là truyện đầu tay của ông trên Văn và chúng tôi trò chuyện đôi chút qua messenger. Tưởng chỉ có vậy, nhưng tôi tình cờ thấy trên facebook của ông có hình chị của ông từ Việt Nam sang chơi, nhìn rất giống cô giáo thân yêu dạy tôi môn Văn lớp 12 là cô Nguyễn thị Bội Cẩn, và có bạn học lớp tôi là con trai cô cũng “like” tấm hình. Put two and two together, tôi hỏi lại Phong cho chắc, Phong bảo cậu Nữu là em ruột của cô – mẹ Phong. Tôi mừng vui khôn xiết vì gần ba mươi năm tôi chưa gặp cô. Chẳng những vậy, thầy nhà cô là thầy Chu Hoài Nhân dạy tôi môn Anh văn lớp 8 và lớp 9, em rể cô là thầy Nguyễn Hữu Luận dạy tôi môn Địa ba năm trung học, con thầy Luận tên Hồng Vân là bạn thân tôi từ nhỏ. Tôi vội vàng hỏi nhà văn Nguyễn Minh Nữu số điện thoại liên lạc với cô ở Virginia và gọi cô ngay. Nghe giọng nói quen thuộc ấm áp, âu yếm của cô, tôi xúc động vô cùng, thấy mình nhỏ lại ba mươi năm, là cô bé nữ sinh ngồi nghe cô giảng bài. Trong trường tôi, không chỉ học trò mà các thầy cô giáo đều yêu quý kính trọng cô như người mẹ thứ hai vì tấm lòng và tình thương cô dành cho bọn quỷ sứ chúng tôi. Chúng tôi mê lối giảng văn lôi cuốn hấp dẫn của cô, nhất là khi cô giảng ca dao. Khi giảng bài “ Tát nước đầu đình” mà chàng trai hứa giúp từ xôi, lợn, rượu, chiếu, chằm, cheo cưới, cau… cô kết luận “Thế là anh giúp cả cái đám cưới rồi còn gì!”. Cả lớp cười rộ. Cô luôn luôn mặc áo dài đi dạy, rất dịu dàng, luôn tươi cười dù cuộc sống có khó khăn thế nào.

Thật là một bất ngờ cuối tuần đáng nhớ. Tôi không biết do giác quan thứ sáu, duyên may hay trái đất tròn như Galileo nói. Thôi tôi cảm ơn facebook vậy!

Minh Ngọc
tháng 10/2017

77 NGUYỄN MINH NỮU: Vĩnh biệt Huy Trâm

Vĩnh Biệt Huy Trâm.
nhà văn HUY TRÂM

Năm 2004 sau khi sưu tập được một số thơ văn của Phó Bảng Nông Sơn Nguyễn can Mộng, các anh chị em trong nhà quyết định ấn hành Nông Sơn Toàn Tập. Tôi đem được gần 100 quyển qua Mỹ. Tôi gọi điện cho Huy Trâm và nói rằng: - Chú không có ý định bán, nhưng chú muốn phổ biến tác phẩm này ở Cali, Nhuận Tam cần bao nhiêu cuốn, chú sẽ gửi cho Tam.
Huy Trâm trả lời là : Chú cứ đem hết qua Cali cho cháu, ở đây cháu biết nhiều người yêu thích thơ văn Hán Nôm của Ông, cháu sẽ tổ chức một buổi ra mắt sách để phổ biến tác phẩm của Ông.
Sau đó, tháng 9 năm 2004, tôi qua California dự buổi sinh hoạt ra mắt sách tại hội trường báo Người Việt. Hôm đó, nhà văn Hoàng Khởi Phong , nhà văn Nguyễn Nam đã làm diễn giả giới thiệu tác phẩm và nhà văn Huy Trâm làm người giới thiệu thân thế sự nghiệp của Phó Bảng Nguyễn Can Mộng. Buổi ra mắt sách rất đông và ngay tại đó , đã phát hành hết số sách đem qua.




Tôi với Huy Trâm là ruột thịt. Thân phụ tôi có ba dòng con, dòng thứ hai chỉ có một con trai là Nguyễn Mạnh Nhụ, anh Nhụ làm ngành Tư Pháp , chức vụ cuối cùng là Chánh Thẩm tòa Thượng Thẩm Saigon.
Huy Trâm là con trai thứ của anh Nguyễn Mạnh Nhụ. Còn tôi là con trai út của dòng ba, cho nên dù là chú nhưng tôi kém Huy Trâm 12 tuổi. Tôi thường xưng hô với Huy Trâm theo kiểu ruột thịt nghĩa là gọi Huy Trâm là Nhuận Tam và xưng Chú. Tam là tên gọi trong nhà khác với Nhuận Tâm là tên trên giấy tờ.
Huy Trâm làm thơ, soạn nhạc, viết văn và nổi tiếng từ khi tôi còn là thiếu niên. Còn nhớ khoảng năm 1962 gì đó , hai gia đình có thời gian ở gần bên nhau ở đường Trương Minh Giảng, buổi trưa, trời nắng tôi chạy qua nhà chơi gặp lúc Huy Trâm đang tiếp bạn văn nghệ, đông lắm khoảng năm bảy người gì đó trò chuyện đàn hát. Thấy tôi lững thững từ cửa bước vào, Huy Trâm kêu lên, chú vào đây cháu nhờ một chút, chú ra đầu ngõ mua cho cháu gói thuốc lá nhe. Tôi cầm tiền chạy đi mua, rồi đem vào đưa cho Huy Trâm, Huy Trâm vui vẻ: tiền thối lại cháu cho chú mua bánh nhé. Huy Trâm vui vẻ cho và tôi cũng vui vẻ nhận, nhưng mẹ của Huy Trâm là chị dâu tôi bước ra mắng Huy Trâm sao anh lại sai chú như vậy, Bà mà biết thì chết, rồi chị dâu dắt tay tôi vào phòng trong lấy thức ăn ra cho ăn và dặn dò đừng kể lại cho Bà nghe chuyện Huy Trâm sai đi mua thuốc lá nhé. Tôi ngạc nhiên sao vậy, em đang rảnh thì đi mua cho Tam có sao đâu? - Ấy chết, không được đâu, chú không hiểu thôi, nhưng đừng kể cho Bà nghe nhé.
Rôi khi tôi lớn lên, khoảng năm 1974 đi lính và đổi về Mỹ Tho. Lúc đó Huy Trâm đang làm Biện Lý Tỉnh Gò Công, Tên tuổi của Huy Trâm bấy giờ đã khá lớn sau khi tác phẩm Những Dòng Châu Ngọc đoạt giải thưởng Văn Chương toàn quốc năm 1963. Huy Trâm lái xe qua Mỹ Tho và đưa tôi về Gò Công chơi, và đó là lần đầu tiên hai chú cháu nói chuyện về văn chương.
Sức viết của Huy Trâm rất mạnh và bền bỉ, cho đến cuối đời ông đã để lại 28 tác phẩm đủ loại như Thơ, Truyện, Dẫn giải văn học. Những truyện rất ngắn trong tập "Rì Rào Sóng Vỗ" là những hình ảnh rất thực của cuộc sống người Việt ở hải ngoại, có buồn có vui, có bi thiết và có hạnh phúc được nhìn bởi cái tâm thanh tịnh và hiểu đời. Từng truyện nho nhỏ thôi mà rung động dạt dào.
Huy Trâm không xử dụng email và computer, ngay cả điện thoại cũng ít dùng cho nên liên lạc gia đình chỉ là mỗi năm một cái thư ngắn chúc tết với hàng chữ nghiêng nghiêng trìu mến.

Vĩnh biệt Huy Trâm một nhà văn nhân hậu và mộc mạc thể hiện ra suốt từng trang viết xuống, Vĩnh biệt Huy Trâm, người sáng lập chương trình nhạc Chủ Đề, là một kho tư liệu văn học một thời mà chưa viết ra hết và Vĩnh Biệt Nguyễn Hồng Nhuận Tam một ruột thịt thân quý, một bạn văn trong vòng gia tộc.

76 TRẦN VĂN NAM : Văn học miền Nam 1954-1975 của Nguyễn Vy Khanh.

Văn Học Miền Nam 1954-1975 của Nguyễn Vy Khanh:
Động cơ thực hiện công trình và ý thức hạn chế
Sách của tác giả Nguyễn Vy Khanh.



Thoáng đọc những trang đầu dẫn khởi vào sách, cũng gần như Mục Lục (chưa ghi trang của từng chương đoạn), ta đã có cảm tưởng nội dung sách rất phong phú, gần như bao gồm gần hết những vấn đề cần biết về Văn Học Miền Nam 1954-1975. Vào thời kỳ mà độc giả thường tìm đọc sách trên internet, trên E.books và tuổi trẻ hải ngoại phần lớn theo hướng học hỏi kỹ thuật hoặc kinh tế; vào thời kỳ mà những người lớn tuổi tại hải ngoại dần dần thưa thớt chỉ còn một ít người lưu tâm về văn học và biết ít nhiều văn chương thời kỳ 1954-1975; vào thời kỳ mà 40 năm qua các thế hệ trẻ trong nước đa số không biết gì có sự hiện diện của nền văn học đó ở quá khứ; thì cuốn sách đồ sộ hơn 1530 trang của Nguyễn Vy Khanh được cho ra đời quả là một công lao biết trước sự trống vắng trước mắt. Vậy mà tác giả cứ tiến hành việc xuất bản, còn thêm hạn hẹp về phổ biến hoặc quảng cáo do quen biết hay ở nơi có đông người Việt cư ngụ, vì tác giả hiện ở Canada; chỉ in và bán sách qua hệ-thống Amazon. Những trang đầu sớm hé lộ cho ta biết rõ động cơ thúc đẩy tác giả quyết chí thực hiên, và khiến ta nghĩ nên cố gắng đọc hết cuốn sách. Nói vậy, nhưng người viết bài này chỉ mới đọc kỹ và đọc hết cuốn sách đầu gồm 760 trang (cuốn thứ hai 768 trang). Vì thời gian giới hạn phải thực hiện việc khác và vì trong cuốn đầu tác giả cũng đã hé lộ cho ta biết cuốn thứ hai sẽ chứa đựng những riêng phần mỗi tác giả mà Nguyễn Vy Khanh đã từng là độc giả và văn chương của họ đã “ở lại” như thế nào trong tâm hồn của Nguyễn Vy Khanh. Có những tác giả nổi tiếng trong Văn Học Miền Nam 1954-1975 mà chưa thấy hiện diện trong phần “Quyển Hạ: Tác Giả”, nếu ta đọc kỹ thì các tác giả tưởng như quên lãng ấy thực sự đã được đề cập đến trong “Quyển Thượng: Tổng Quan”, nghĩa là nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh không bỏ sót, mà vì theo lời Dẫn Nhập đã nói rõ công trình đồ sộ này vẫn chưa xong trọn vẹn: “Bắt đầu từ năm 1995, chúng tôi đã dự định sẽ viết tổng quan về từng tác giả thuộc Văn học Miền Nam thời 1954-1975; nay hơn 20 năm sau, chúng tôi chỉ mới viết về một phần nhỏ các tác giả này, nhưng quyết định xuất bản công trình này vì nhiều lý do, xem như đánh dấu chấm dứt cho một công việc, một đoạn đời.” (trang 16). Như vậy, ta đã hiểu Tổng Quan trong Quyển Thượng là tổng quan cho một nền văn học quá khứ, còn Tổng Quan cho từng tác giả thì ở Quyển Hai (còn dở dang mà cũng đã đạt tới 768 trang).

Vậy thì ta nên liệt kê ngay những động cơ nào đã khiến nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh đã dầy công biên soạn cuốn sách, như đã nói trên, dù biết trước công trình của mình sẽ được đón nhận không mấy cân bằng với công sức bỏ ra thực hiện. Tạm kể như khám phá nhưng thực ra những hé lộ soạn giả đã sớm báo hiệu cho ta nhận ra: - Động cơ lòng Yêu Thích Văn Chương Đã Ở Lại Với Tác Giả Khi Còn Học Bậc Trung Học – Động cơ sẵn vốn kiến thức Triết Học Tây Phương khiến tác giả đào sâu triết học một thời gây ảnh hưởng vào Văn học Miền Nam – Động cơ liệt kê sắp xếp sao cho trọn vẹn do quen với nghề nghiệp chuyên viên thư viện – và cuối bài xin bàn về ý thức có sự hạn chế cho công trình của mình… Ở động cơ thứ hai, người viết bài này nhận định tác giả có xu hướng nghiêng về Triết Học Tây Phương, nhận định như vậy có phần nào căn cứ vào thành quả một thời theo học trước năm 1975 của soạn giả: Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học (1973) và Cao Học Triết Tây ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Đọc thấy ngay ở trang 18, tác giả phân chia các Giai Đoạn Văn Học Miền Nam trước 1975 thành 2 phần bao quát: 1954-1963 và 1964-1975. Bao quát như vậy là do tác giả căn cứ vào hai biến cố lịch sử: Hiệp Định Genève cấu tạo thành nước Việt Nam Cộng Hòa từ vỹ tuyến 17 đến Mũi Cà Mau nằm dưới chế độ Ngô Đình Diệm. chỉ có vài tháng đầu còn ở dưới ảnh hưởng Pháp quốc; và chế độ gọi là Đệ Nhị Cộng Hòa với cuộc chiến tranh lớn có Mỹ tham dự trực tiếp, chỉ hai năm sau cùng thì Mỹ mới phủi tay ràng buộc. Tính chất của hai phần này (theo tác giả) cũng bao quát hai điều dễ nhận ra do hệ tư tưởng có những nét chi phối trong xã hội Miền Nam 1954-1975: “thời gian từ đầu năm 1954 là con người Thần-tính, chuyển sang con người Hiện-sinh; và kế đó là con người Dấn-Thân” (trang 590). Ba tính chất này không song hành theo biến cố lịch sử như hai phân chia giai đoạn kể trên mà vận hành theo ba ảnh hưởng lớn: Triết Lý Nhân Vị phát huy dưới chính thể Ngô Đình Diệm; và thứ hai là ảnh hưởng Triết học Hiện sinh do các giáo sư du học ở Tây phương trở về giảng dạy trong các trường Đại Học, song hành với lối sống buông thả không thấy tương lai thời chiến tranh chẳng biết bao giờ mới chấm dứt; và thứ ba là là Con Người Dấn Thân cũng do một vài Giáo sư Đại học gây tác động; một phần nào do có những người Dấn Thân cho bên này hoặc bên kia từ sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968. Phân chia tính chất con người như vậy thì theo thiển nghĩ tác giả Nguyễn Vy Khanh có tầm nhìn theo hướng hệ-trọng-hóa Triết Học Tây phương, thấy ở đâu cũng có ảnh hưởng của nguồn Triết học Hiện sinh. Con người Hiện sinh cũng từ nguốn đó; Con người Dấn Thân cũng từ nguồn đó. Theo thiển nghĩ, nguồn ảnh hưởng đời sống người Việt Nam; về mặt tiêu cực do thời thế chiến tranh không lối thoát, do xã hội dần dần chuyển hóa theo hướng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ; do khía cạnh xấu của kiến thức. Còn về mặt tích cực thì do khía cạnh tốt của kiến thức, bao gồm đan xen nhiều hệ tư tưởng đạo đức và tôn giáo đã sẵn có hoặc mới phổ biến sau năm 1954. Liên hệ đến các Giai đoạn Văn học và sự hình thành con người văn hóa giới hạn từ 1954 đến 1975 là điều còn phải bàn sâu bàn rộng.

1/ Động Cơ Yêu Văn Chương Ở Lại Mãi Từ Khi Vào Trung Học: Ngay khi vào sách, nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh đã bộc lộ động cơ tiềm tàng suốt cả một đời, chính sự âm ỉ ấy khiến ông gắn bó viết được cuốn sách đồ sộ này, không phải viết một lúc mà lần hồi quy tụ các bài viết rải rác, đã đăng trên báo, đã từng hiện diện một số đoạn trong các cuốn sách xuất bản trước đây của ông. Dù quy tụ qua thời gian, nhưng tài liệu phong phú, nhận định với quan điểm khách quan có khi chủ quan theo hướng tâm hồn thưởng ngoạn những điều gì hay đẹp của văn chương. “Nghiên-cứu, Sưu-tầm, Nhận-định” này… đáng được kể như một công trình đồ sộ văn học, cho dù chưa chắc được chấp nhận với cả trong nước và ngoài nước. Sẽ xin nói sau trong phần Ý hướng Thống Nhất Nhân Tâm Về Văn Học và Ý thức Hạn chế. Trở lại động cơ khởi đầu làm nhà biên khảo một đời gắn bó với văn chương, tác giả đã giải bày ở những trang đầu khi vào sách nơi trang 13 và 14: “…Văn học Miền Nam cũng như nắng ấm miền Nam, đã đến và ở lại với chúng tôi, từ những năm đầu trung học… cái còn lại cuối cùng vẫn chỉ là văn chương”. Xác định như vậy đã cho biết Nguyễn Vy Khanh ở thế hệ tuổi rất nhỏ lúc di-cư vào Nam năm 1954 (ông sinh năm 1951), chỉ mới 3 tuổi, nhưng khi vào các lớp trung học tiếp thu văn chương chữ nghĩa thì ở vào thời thế đầy biến động về chiến tranh; đầy tác động về ý thức hệ. Có thể do ảnh hưởng từ cha mẹ thuộc thành phần trí thức, trong nhà có nhiều sách báo văn chương xuất bản ở Sài Gòn, ông sớm tiếp thu thêm nhiều hiểu biết về văn học, song hành với những tiếp thu từ nhà trường mà đa số giáo sư văn chương cũng từ miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Chắc ông có đọc qua báo Đời Mới, báo Nhân Loại và báo Thẩm Mỹ, ba tờ báo nhiều tính văn học hơn hết hiện diện giữa thập niên 1950, nhưng lưu dấu sự hiện diện đến đầu thập niên 1960, nhờ vậy thế hệ Nguyễn Vy Khanh có dịp tiếp xúc, nhất là đối với thơ. Có ai nhắc lại thì ông nhớ ra mình từng biết các báo ấy. Chẳng hạn như ông đã có nhắc đến nhà thơ Hồ Hán Sơn từng có những bài thơ hay đăng trên báo Đời Mới, hoặc nhà thơ Vân Long cũng từng hiện diện trên tờ tuần báo này, hoặc biết được một số chi tiết về nhân sự của báo Nhân Loại (ở trang 50 và 132) mà ít ai biết đến. Dĩ nhiên càng về sau, khi ở tuổi thanh niên rồi trưởng thành rồi già dặn thì văn chương ở lại trong tâm hồn ông càng nhiều nhớ tưởng, càng nhiều chi tiết, càng rõ nét về khuynh hướng yêu văn học miền Nam đa dạng và phức tạp chen lẫn những vận động ý-thức- hệ. Có phải ý-thức-hệ của nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh thì khá rõ ràng thiên về Văn hóa Tây phương (sẽ nói đến ở phần “Động Cơ Do Kiến Thức Triết Học Tây Phương Đưa Vào Biên Khảo” của Nguyễn Vy Khanh). Cái còn ở lại với Nguyễn Vy Khanh là văn chương, nhất là thi ca. Do đó, ông trích dẫn rất nhiều câu thơ hay trong phần thơ chiến tranh (ông phân biệt ra ba tiểu-đoạn: “thơ chiến tranh-thơ binh lửa-thơ phản chiến”. Ta nhận ra chỉ có một chút khác biệt: thơ chiến tranh có ý nghĩa như chiến tranh là một tai ương cho nhân loại; thơ binh lửa dường như thơ của những quân nhân có tham dự vào cuộc chiến như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Phạm Ngọc Lư, Cao Hoành Nhân…; và thơ phản chiến dường như là thơ của những người ngoài cuộc mà suy tư về chiến tranh”. Theo thiển nghĩ, phân biệt như vậy có sự giống nhau giữa thơ chiến tranh và thơ phản chiến; trong khi những người tham dự trực tiếp thì phần trích dẫn thiếu thơ của Trần Hoài Thư (quân nhân thuộc đội thám báo của sư đoàn trách nhiệm các tỉnh từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Quảng Ngãi trước năm 1975); hoặc thơ của Lâm Hảo Dũng (quân nhân thuộc binh chủng pháo binh trấn đóng ở vùng ba biên giới). Tuy nhiên trong Quyển Hạ thì có những nhận định hai nhà thơ này.Có thể còn vài nhà thơ nhà văn quân nhân không thấy có tên. Ta nghĩ tác giả không cố tình quên mà vì số lượng các nhà thơ văn trong thời chiến khá đông… Ông nêu ra những người làm thơ lục bát mới (từ ngữ tân kỳ, ngắt câu bất ngờ) tưởng như khá ít ỏi, thực ra thì dồi dào, sở dĩ ta thấy ít ỏi vì ông có thiện ý nhắc nhở một số nhà thơ, tuy ít quen tên, mà lục bát của họ đã ở lại trong tâm hồn ông, Còn lục bát tân kỳ thời Văn học Miền Nam 1954-1975 đã ở lại trong tâm hồn đa số người, trong đó cũng có ông, thì đã không hiếm gì trong sách báo vẫn tồn lưu đến giờ, nhất là được lưu lại ở hải ngoại. Thơ tình cũng một cách thiện ý ấy; nhắc đến thơ tình của một số tác giả dường như ít được biết đến như thơ Lâm VỊ Thủy (thuộc nhóm Tạp chí Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ), hoặc một khía cạnh trong thơ Nhã Ca: vài bài thơ tình lấy cảm hứng từ kinh sách Cựu Ước của Thiên Chúa Giáo (trang 289). Người cùng thế hệ, cùng trong bầu khí chiến tranh, ông nhớ đến nhiều những số báo đặc biệt của Tạp chí Văn, những số báo thỉnh thoảng lại trở lại chủ-đề “Những Người Viết Trẻ” và “Thơ Văn Có Lửa”. Điều này cho thấy nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh như có khuynh hướng đề cập nhiều hơn Văn học Miền Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa từ 1964 đến 1975, đó là thời kỳ chiến tranh khốc liệt mà Văn Học lại không phản ánh đầy đủ sự phong phú của nó. Bởi thành phần nhà văn nhà thơ góp phần sáng tác thì không có báo chí trong tay để phổ biến, vì họ là những quân nhân trực tiếp tham dự nơi tiền tuyến, hoặc ở các ngành nghề cũng liên hệ đến chiến tranh nhưng không là nghề làm báo. Báo liên hệ đến quân đội đều thuộc về chính quyền; họa hoằn mới có báo quân đội không cần chịu quy chế nạp bản cho kiểm duyệt trước khi phát hành, chẳng hạn như tờ tuần báo “Khởi Hành”. Thời chiến tranh cao điểm, âm nhạc giữ vai trò tác động tâm hồn quần chúng, mà nhạc này thì cũng đều được sáng tác từ những nhạc sĩ ở nơi đô thị có lẽ không phản ánh tính hiện thực nhiều chiều cạnh của chiến tranh, của xã hội nơi khói lửa tràn lan; chỉ có tính đau buồn chung chung về đất nước, ảnh hưởng đến người sống nơi đô thị nhiều hơn ở nơi hẻo lánh ruộng đồng. Văn thời chiến tranh đã ở lại trong tâm hồn nhà biên khảo rải rác ở những tiểu thuyết, truyện ngắn, của những tác giả muốn gửi lại cho đời những thông điệp về nhân bản, về sự bất công, về sự hy sinh mất mát, như ở cuốn “Vòng Đai Xanh” của Ngô Thế Vinh, “Dấu Binh Lửa” của Phan Nhật Nam, “Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang” của Trần Hoài Thư… Truyện của Văn học Miền Nam dĩ nhiên ông không thể không nhắc đến Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Viên Linh, Nhật Tiến, Thế Uyên, Y Uyên... Ông còn đề cập đến truyện của các nhà văn sau này mới biết là “nằm vùng” hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chống chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Những người ấy là Vũ Hạnh, Ngụy Ngữ, Thế Vũ, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên (từ trang 202 đến 205). Nhà văn nhà thơ thời Văn Học Miền Nam phải nói là quá nhiều, vì lẽ đó ông cũng quên không nhắc đến văn truyện của Doãn Dân và Hoàng Ngọc Hiển, mà ở hải-ngoại mới thời gian gần đây nhà văn Trần Hoài Thư đã thực hiện hai số báo đặc biệt để tưởng niệm, một người thì tử trận mất xác, một người thì suốt thời kỳ quân ngũ trấn đóng nơi rất nguy hiểm ở ven quốc lộ 13, vùng mật khu của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Về kịch bản, văn chương có vẻ ở lại tâm hồn ông qua những vở kịch có bối cảnh vùng sa mạc Trung Á thời quân Mông Cổ một thời oanh liệt, như “Người Viễn Khách Thứ Mười” của Nghiêm Xuân Hồng, “Thành Cát Tư Hãn” của vũ Khắc Khoan (từ trang 359 đến 363).

2/ Động Cơ Do Kiến Thức Triết Học Tây Phương Đưa Vào Biên Khảo: Về bộ môn biên khảo, như đã nói ở đoạn trước, nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh như nghiêng nhiều về kiến thức Triết học Tây phương. Còn lại trong tâm hồn, văn chương có lẽ nặng hơn triết học, vì lẽ đó nên nhà biên khảo biểu hiện sự thông cảm phần nào với cách thức “triết học nhào nặn vào văn chương” của một số tác giả đa số vốn là giáo sư triết học: những từ ngữ thoát thai từ trộn lẫn hai môn học này nghe thật hay được nhắc lại, khiến ta lưu tâm trước vẻ kỳ ảo của nó. Ví dụ Trần Nhựt Tân với các tựa đề: “Đi Tìm Ca Dao Trên Tọa Độ Không Thời”, hoặc “Đinh Hùng Trên Lưng Cánh Chim Dĩ Vãng”; “Nguồn Nước Ẩn Của Hồ Xuân Hương” (Đỗ Long Vân); “Một Lối Tìm Về Triết Lý Cuộc Đời Trong Ca Dao Việt Nam” (Lê Tuyên); “Thiên Nhiên Trong Thi Ca Holderlin” (Hoàng Châu Thanh, có lẽ đây là bút hiệu của Giáo sư Lê Tôn Nghiêm); “Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất” (Phạm Công Thiện); “Vũ Trụ Thơ” (Đặng Tiến); “Sa Mạc Lan Dần” (Bùi Giáng)… Trong đó là những nhào nặn giữa văn chương và triết học của Nietzche; của Hiện Tượng Luận Husserl và Merleau Ponty; của Sartre, Camus, Heidegger, Bachelard… Những trang nhiều thi tính của Camus trong “Kẻ Xa Lạ” và của Sartre trong “Buồn Nôn” khiến ta cũng không thể không kể đến tính thẩm mỹ trong văn các nhà văn với khuynh hướng Dấn Thân này. Nhận định của Sartre qua Nguyễn Vy Khanh trích dẫn, ta biết thêm văn chương nhào nặn vào Hiện Sinh như thế nào. Trước đây ta chỉ biết Hiện Sinh biểu hiện trong nội dung, không rõ thể hiện như thế nào bằng hình thức, nghĩa là cách bộc lộ qua chữ nghĩa. Cách làm cho Hiện Sinh nhào nặn vào văn chương theo Sartre như sau: “… lối chấm câu, xuống hàng, một cách tạo hình ảnh… sử dụng những yếu tố ngôn ngữ, ngữ pháp… lựa chọn ẩn dụ, hoán dụ, so sánh… sau đó sẽ khai triển Ý Nghĩa Hiện Sinh của bút pháp hiểu như một Lối Viết Riêng Biệt…”(trang 425). Đọc trọn vẹn Quyển Thượng của bộ sách biên khảo đồ sộ này, có một điều độc giả dễ nhận ra hơn hết: Tác giả Nguyễn Vy Khanh biết rất nhiều tư liệu và đề cập khá dồi dào về nhóm Hành Trình, nhóm Trình Bầy, nhóm Tinh Việt Văn đoàn, các nhà văn Công Giáo (có vài vị xem như Thiên Tả); và các giáo sư viết sách cho đến nay được coi là học giả về Triết học Hiện Sinh như Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm; các giáo sư Đại học Văn Khoa xuất thân từ các trường đại học ở Âu Tây như Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Nam Châu; Lê Thành Trị, Bùi Xuân Bào, Nguyễn Khắc Hoạch, Thanh Lãng… Nói như vậy, nhưng trong sách của Nguyễn Vy Khanh cũng dồi dào phần đề cập đến các nhà văn nhà thơ, các nhà biên khảo, các tập san, một thời nổi tiếng như Tuệ Sỹ, Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, Tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ của nhà xuất bản An Tiêm; các sách biên khảo của nhà xuất bản Lá Bối. Dồi dào kiến thức phía Công Giáo xem như Thiên Tả trong sách của Nguyễn Vy Khanh, nhiều chi tiết mà trước đây người viết bài này chỉ thoáng biết mơ hồ như Tạp chí Đất Nước, Tạp chí Hành Trình của nhà xuất bản Nam Sơn; hoặc Tạp chí Trình Bầy gồm những ai điều hành và cộng tác. Các sách biên khảo Văn Học Miền Nam khác mà người viết bài này từng đọc qua, thấy không đầy đủ điều cần muốn biết về các Tạp chí thuộc khuynh hướng Dấn Thân. Đây là điều rõ nét riêng trong sách này, còn về những vấn đề thuộc Văn học Miền Nam khác thì dĩ nhiên phải dồi dào trong bộ sách. Từ trang 71 đến 76, ông Nguyễn Vy Khanh kiểm điểm khách quan sự du nhập tư tưởng Tây phương như sau đây: “ Ngay từ khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được chính thức thành lập ngày 26/10/1956, chủ trương văn hóa duy linh và nhân vị đã được nâng cao lên hàng quốc sách… chủ nghĩa Nhân vị được các vị lãnh đạo đề xướng và thực thi… để phê phán các vấn đề triết học, sử học, luân lý, văn nghệ và giáo dục… Cũng từ năm 1957, Nguyễn Nam Châu  (tốt nghiệp Đai học Louvain ở nước Bỉ) đã nói đến sứ mạng văn nghệ trong “Những Nhà Văn Hóa Mới” và “Sứ Mệnh Văn Nghệ” (cả hai do Đại Học xb.1958 tại Huế)… đặt lại vấn đề văn nghệ (chủ đích, ảnh hưởng, cái Đẹp, văn nghệ và vấn đề siêu hình)… Bài diễn văn của Camus (Camus nói đến một sự tự nguyện nhập cuộc, dấn thân và tinh thần đồng đội trong một tình cảnh không lựa chọn)… giáo sư Nguyễn Văn Trung (cũng tốt nghiệp ở Đại học Louvain) sử dụng (triết học Sartre) như quan điểm hiện đại, hợp thời… văn chương hôm nay không thể không vị-nhân-sinh, tức đã là dấn thân…”. Tác giả Nguyễn Vy Khanh tiếp tục kiểm điểm dấu vết của Triết học (nhất là Tây phương) thấy có 2 nhóm: nhóm du nhập tư tưởng do các người tốt nghiệp từ những Đại Học ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ; ngoài hai người đã kể trên, còn các vị như Trần Văn Toàn, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyên Sa, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Lý Chánh Trung. Nhóm thứ hai du nhập kiến thức từ các vị tốt nghiệp ở Anh hay Nhật Bản hoặc Ấn Độ như Đỗ Khánh Hoan, Lê Văn, Thích Minh Châu, Lê Xuân Khoa… Càng về sau, Triết học Hiện Sinh của Sartre và Camus, của Karl Jaspers và Gabriel Marcel, của Nietzche và Heidegger, Triết lý Phân Tâm học Vật chất của Gaston Bachelard, Cấu Trúc Luận của Claude Levi Strauss… càng được phổ biến trong báo chí Văn học Miền Nam, và Nguyễn Vy Khanh không phải chỉ đôi lần viết đến trong sách của ông. Dĩ nhiên song hành với Triết lý Đông phương, nhất là ảnh hưởng Triết học Phật giáo, trong Văn học Miền Nam thời kỳ 1964 đến 1975 (theo sự phân chia thành hai giai đoạn Văn học Sử Văn học Miền Nam của Nguyễn Vy Khanh). Nguyễn Vy Khanh trình bày rõ nội dung bài viết “Rời Bỏ Nền Văn Chương Trú Ẩn” của Nguyên Sa đăng trong tạp chí Đất Nước (số 2 năm 1967). Bài “Phê Bình quan điểm cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung” do Nguyễn Trọng Văn viết dưới bút hiệu Nguyễn Văn Bảy); bài “Văn Nghệ Trước Mưu Đồ Bất Chính Của Hệ Thống Chiến Tranh Lạnh” của Thế Nguyên… cũng đã được Nguyễn Vy Khanh tóm tắt cho ta biết nội dung (ở trang 97). Tác giả Nguyễn Vy Khanh có liên hệ đến cuốn sách “Văn Hóa Văn Nghệ Miền Nam Dưới Chế Độ Mỹ Ngụy” xuất bản năm 1977 ở trong nước của ông Trần Hữu Tá (phê bình ảo tưởng của nghiên cứu xã hội chủ nghĩa thời Văn học Miền Nam). Một đoạn được Nguyễn Vy Khanh trích ra như sau ở trang 118: “… nghiên cứu về Mác Luận (Marxologie), một thứ triết thuyết xuyên tạc chủ nghĩa Mác chân chính, tước bỏ hết nội dung cách mạng… và Mác biến thành một nhà triết học tư biện”. Cũng nên nhớ, trước khi có sự du nhập Triết học Tây phương từ các giáo sư tốt nghiệp chuyên ngành, ta cũng từng biết đến những tư tưởng này khá sớm qua vài bài viết của các nhà văn Tam Ích, Nghiêm Xuân Hồng, tuy rằng rời rạc chen lẫn với văn chương, tuy vậy cũng một thời làm độc giả lưu ý tinh chất tân kỳ trong những lập luận, nhất là những đoạn về tri giác cụ thể hay Trực quan hiện sinh của Sartre; hoặc con người bị kết án tự do có vẻ lạ lùng cũng của Sartre (“l’homme est condamné à être libre”- Nguyễn Vy Khanh nhắc đến ở trang 95) . Đi vào chi tiết du nhập triết học Tây phương góp phần hình thành Văn học miền Nam, tác giả Nguyễn Vy Khanh lần lượt nêu ra: Du nhập Phê bình Hiện sinh với Giáo sư Nguyễn Văn Trung qua phân tích truyện của Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Thế Nguyên. Du nhập Phê bình Hiện Tượng Luận của Husserl (đồ đệ của Husserl gồm khá nhiều triết gia danh tiếng như Heidegger, Bachelard, Sartre) cho nên phê bình theo hướng trên là nói chung, trong đó phảng phất ảnh hưởng của triết gia này hay triết gia khác trong bầu khí Hiện Tượng Luận: như Lê Tuyên (Một Lối Tìm Về Triết Lý Cuộc Đời Trong Ca Dao Việt Nam); Đỗ Long Vân (Nguồn Nước Ẩn của Hồ Xuân Hương); Bùi Xuân Bào (không phải bài báo mà là Luận án Tiến Sĩ Văn chương trình ở Đại học Sorbonne Paris: Biện Chứng Thời Gian-Le Dialectique de la Durée); Trần Nhựt Tân (Tôi Đi Hái Trái Tim Đinh Hùng Theo Địa Bàn Không Gian và Thời Gian); Đặng Tiến (Vũ Trụ Đinh Hùng), Nguyễn Châu (cũng không phải bài báo mà là Luận án Cao Học Triết Tây: Ảnh Tượng Trong Triết Học Bachelard). Hoặc hướng phê bình theo thiển nghĩ gần như là “Giải Cấu Trúc”của Hùynh Phan Anh qua cuốn “Văn chương và Kinh Nghiệm Hư Vô”, cũng như qua sách “Tác phẩm Văn Chương”. Có thể nghĩ ông bàn luận theo hướng Giải Cấu Trúc, vì Hùynh Phan Anh đã có nhận định như sau: “… tác phẩm không là một trạng thái, nó là một vận hành… tác phẩm là khả thể, vô số những khả thể. Nó mở ra vô cùng… tác phẩm ước muốn hư vô, ước muốn cái không có gì…” Những phê bình này được Nguyễn Vy Khanh trình bày rõ ở trong sách, từ trang 394 đến trang 458. Các phê bình nhận định thơ văn Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Ngô Trọng Anh, thì cũng không hiếm trong sách của Nguyễn Vy Khanh. Chủ điểm của phần viết này muốn nêu ra động cơ kiến thức Triết học Tây phương có phần nào giúp Nguyễn Vy Khanh làm nên công trình biên khảo. Những nhà biên khảo phê bình thuần túy văn học như Lê Văn Siêu, Nguyễn Hiến Lê, Cao Huy Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Phạm Thế Ngũ, Phạm Việt Tuyền, Lê Ngọc Trụ, Lê Huy Oanh… qua nhận định của Nguyễn Vy Khanh thật là thiết yếu cho ta biết những nét đại cương trong sách của họ; cùng hơn 40 nhà nhân định phê bình khác được liệt kê đầy đủ làm rõ sự phong phú của Văn Học Miền Nam (từ trang 451 đến 456). Riêng về người viết bài này thời Văn Học Miền Nam cũng có dự phần đóng góp một số biên khảo nhận định, nhất là từng sáng tác Thơ Văn Xuôi, được nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh xếp vào loại phổ biến tư tưởng Siêu Hình và cổ động Văn chương theo hướng Hiện Đại (trang 84 và 220 trong sách của Nguyễn Vy Khanh)… Tương tự như nhà phê bình Đặng Tiến trong nguyệt san Tin Sách năm 1963, khi điểm qua tập thơ của Trần Văn Nam, có nhận định “điều đáng trách” của TVN là đề cập đến một số tư tưởng không nên biết với tuổi trẻ thời ấy, như  tư tưởng của Sartre (?) của Feuerbach (?). Lúc xuất bản hạn chế tập thơ, mặc dầu in ấn lối Typo, TVN vừa tròn tuổi 23 vào năm 1963.Và người viết bài này cũng đã đôi lần cải chính: Đem vài đoạn ngắn tư tưởng trừu tượng làm thành các văn ảnh hay huyền truyện (theo thể Thơ Văn Xuôi) thì chủ đích thiên về nghệ thuật hơn là nghiêng về tư tưởng… Tiếp tục, do động cơ lưu tâm Triết học Tây phương, nên Nguyễn Vy Khanh nhắc đến sự công nhận đã phổ biến Triết Học Hiện Sinh ở Miền Nam trong Bản Kiểm Thảo của Giáo sư Nguyễn Văn Trung trình bày cho chính quyền mới sau năm 1975 (trang 446). Giáo sư Trung nói những người phổ biến Triết Học Sartre vào Văn Học Miền Nam gồm có vài giáo sư Đại học, trong đó có ông và Giáo sư Linh Mục Trần Thái Đỉnh. Giáo sư Đỉnh cải chính: chỉ Giáo sư Trung mới là người phổ biến sâu rộng tư tưởng của Sartre (theo thiển nghĩ: Giáo sư Nguyễn Văn Trung phổ biến khuynh hướng Dấn Thân của Sartre nhiệt tình hơn khuynh hướng Trực quan Hiện Sinh từng áp dụng qua cuốn “Ca Tụng Thân Xác”). Giáo sư Đỉnh quả là người đã “nghiêm khắc phê phán Triết Học của Sartre”. Đọc nơi cuốn “Triết Học Hiện Sinh” (xb, trước 1975; Nxb. Văn Học ở Hà Nội tái bản năm 2005), Linh Mục Đỉnh có viết về Sartre trong 49 trang - từ trang 298 đến 346 - trình bày khúc chiết khía cạnh chuyên môn Triết Học rất khó hiểu của Sartre ở tác phẩm “Hữu Thể và Hư Vô” (L’être et le néant). Linh Mục Đỉnh đánh giá như sau: “Các học giả công nhận đây là kỳ công của Sartre: triết nhân đã gửi vào cuốn sách này tất cả những gì là tinh hoa của tư tưởng ông. Trong hơn bảy trăm trang giấy đen nghịt những chữ, qua những phân tích đôi khi rất tinh vi về những cảnh huống sinh tồn, Sartre đã vạch trần những dự tính thầm kín của con người, cả những ý hướng mà con người vì “ngụy tín” đã tự bịt mắt để khỏi nhìn nhận”. Đây là đoạn Giáo sư Đỉnh khen Triết học Sartre, khen những mô tả Hiện-Tượng-Luận hay Trực quan Cụ thể Hiện sinh (Sartre khởi đầu áp dụng Trực quan này trong Tiểu thuyết “Buồn Nôn”); còn đoạn ông nghiêm khắc phê phán Triết học Sartre ở chỗ Triết Học Sartre không có Giai Đoạn Tổng Hợp Đề khi giải quyết Biện Chứng Mâu Thuẫn giữa hai điều gì đối nghịch (ví dụ Mâu thuẫn giữa Tinh Thần và Tự Nhiên của vạn vật, Hegel tổng-hợp-đề bằng Giai đoạn Thuần Lý sau cuộc Hành Trình Hiện Tượng Hóa của Tinh Thần để thăng hoa thành Tinh Thần Tuyệt Đối. Còn Mâu thuẫn giữa Tư bản và Vô sản, Marx tổng-hợp-đề bằng Cần lao đưa tới chế độ Cộng Sản. Triết Học Sartre không có giai-đoạn Tổng-hợp-đề giữa “être en-soi và être pour-soi”, tức là giữa chủ-thể và khách-thể nói cho dễ hiểu.Thực ra thuật-ngữ être-ensoi và être pour-soi theo cách dùng của Sartre thì chính Giáo sư Đỉnh cũng xác nhận Sartre viết quá chuyên môn về Triết học nên rất khó hiểu. Không có giai-đoạn tổng-hợp-đề nên Triết học Sartre chủ trì Tất Cả Vũ Trụ Con Người Vạn Vật đều Phi Lý. Từ Phi lý trong chuyên môn Triết học đưa tới Phi lý trong đời người, trong xã hội, nên Triết học Sartre bị Giáo sư Đỉnh nghiêm khắc phê phán như sau đây: “Ông coi cái chi cũng tồi, xấu, nôn, y như kiểu con nhà giàu ngồi trước mâm cơm đầy cao lương mỹ vị mà vẫn ngoảnh đi không muốn ăn… chúng tôi không phủ nhận giá trị văn học của Sartre, nhất là phần phân tích tâm lý học. Chúng tôi chỉ phê bình triết nhân sinh của Sartre thôi… Hễ hết nếp sống trưởng giả, thì cái nọc hiện sinh của Sartre cũng sẽ hết thời. Dân cần cù Việt Nam đòi một triết học hợp với sinh hoạt của mình hơn.”

3/ Động Cơ Phải Thực Hiện Nghiêm Túc Do Quen Nghề Chuyên Viên Thư Viện: Phần tổng quan của một nền văn học là phần khó nhất trong bất cứ một cuốn sách biên khảo nào. Tâm trí của tác giả đầu tư vào phần này, vì nó đòi hỏi sư hiểu biết nhiều chiều cạnh để tổng hợp, chương nào phải là chương khởi đầu, chương nào kết thúc, chương nào đào sâu nhiều hơn hết. Đường hướng của nhà biên khảo lần lần rõ nét trong phần tổng quan này, vì tác phẩm không chỉ là toàn là tài liệu gom góp. Chính phần ý hướng này đưa tác giả vào ý thức có hạn chế dành cho công trình của mình. Tác giả Nguyễn Vy Khanh đã hoàn tất công trình qua ba động cơ như đã trình bày ở trên, phần gần cuối của Quyển Thượng biểu hiện động cơ thứ ba: muốn tác phẩm này là một tài liệu tham khảo cần thiết về mọi khía cạnh làm nên Văn học Miền Nam, gồm có đủ mọi ngành có liên hệ đã hình thành một nền Văn học phong phú do nằm lọt vào thời kỳ xảy ra cuộc chiến tranh lớn giữa hai ý thức hệ. Kiểm điểm mới thấy rằng ngoài bộ sách này, không còn thấy ở cuốn sách nào đầy đủ những liệt kê mọi yếu tố thuộc về văn học (đôi khi ngoài văn học nhưng có liên hệ nào đó). Trong hai động cơ (đã trình bày như trên) thúc đẩy Nguyễn Vy Khanh thực hiện bộ sách, ta đã thấy rồi những ghi chú chính xác về thời gian lịch sử, những trích dẫn đầy đủ cần thiết do công phu đọc sách đọc báo; những xuất xứ rõ ràng đoạn văn hay đoạn thơ hay ở tài liệu nào… Không những liệt kê thứ tự mà tác giả Nguyễn Vy Khanh còn giới thiệu cho ta biết qua. Chẳng hạn nhật báo hay tuần san hay tạp chí có khuynh hướng ra sao, ngày tháng nào có mặt và ngày tháng nào đình bản với những lý do. Hoặc báo của những người chủ trương có khi bí ẩn giấu tông tích; hoặc cuốn sách viết những điều gì, nghĩa là không chỉ nhắc đến nhan đề. Các tác giả, dù không nổi tiếng lắm, cũng không phải chỉ ghi lại cái tên, mà còn đôi dòng giới thiệu. Rồi còn liệt kê Văn Chương Xám, tức những sách báo chỉ lưu hành không kiểm duyệt, hoặc chỉ in roneo là phương tiện in ấn thủ công khá phổ biến trong thời Văn Học Miền Nam không có những phương tiện tối tân điện tử như bây giờ. Quen nghề xếp đặt thứ tự, quen nghề kê khai công phu, quen nghề lưu trữ những tài liệu cổ xưa hiếm quý… Cộng với ước mong gìn giữ di sản Văn Học Miền Nam mà ông nói văn chương của nó đã ở lại với tâm hồn ông từ thời còn ở bậc Trung Học… từ đó Nguyễn Vy Khanh quyết định tổng-liệt-kê mà ta nghĩ chưa có sách biên khảo Văn Học Miền Nam nào đã từng thực hiện đầy đủ công phu sưu tầm hơn. Xen kẽ với những đoạn nhận định hay viết phụ lục, hoặc viết Sơ Kết, ta thấy có những phần Liệt Kê sau đây. Chương 6:  Liệt kê về Dịch Thuật và Văn học Nước Ngoài: Nguyễn Vy Khanh đã liệt kê kèm những lời nhân định về văn học mỗi nước và đặc điểm mỗi dịch giả. Như  dịch thuật Văn Học Pháp, Văn Học Anh, Văn học Hoa Kỳ, Văn học Đức, Văn Học Nga, Văn Học Nhật Bản, Văn Học Ấn Độ, Văn chương Trung Hoa, và Văn chương Thức Tỉnh gồm các tác giả Solzhenitsyn, Milovan Dijlas, Koestler, Kafka. Dịch giả gồm 19 vị, với những lời giới thiệu khá chi tiết. Ngoài ra có 4 nhà xuất bản chuyên về sách dịch  (từ trang 461 đến 484). Chương 7 Liệt kê về Báo chí Miền Nam: Tác giả Nguyễn Vy Khanh liệt kê có đến 95 tờ báo định kỳ gồm tạp chí, tuần san, nguyệt san, đặc san… Tác giả giới thiệu các báo văn chương với rất nhiều hiểu biết, kèm theo những nhận đinh khá tường tận các chủ nhiệm chủ bút của các Tạp chí Văn Học ấy. Những Tạp chí Văn Học sau đây được ông viết nhận định gồm một hai trang: Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ 20, Văn Nghệ, Vui Sống, Bách Khoa, Văn Hóa Á Châu, Đại Học, Nghiên Cứu Văn Học, Văn Học, Văn, Nghệ Thuật, Vấn Đề, Thời Tập, Khai Phá, Ý Thức, Thế Đứng, Tin Sách, Hành Trình, Trình Bầy, Đất Nước, Thái Độ, Đối Diện, Lập Trường, Hải Triều Âm, Tư Tưởng, Giữ Thơm Quê Mẹ (từ trang 485 đến trang 554)… Ông liệt kê đến 60 tờ Nhật báo. Cũng trong chương 7 này, ông liệt kê 48 nhà xuất bản sách (từ trang 573 đến 589). Chương 8: Đặc biệt liệt kê Biên-Niên Lịch Sử và Văn Học. Phần này chưa từng thấy ỏ đâu trong các sách biên khảo Văn Học, họa hoằn mới có thể hiện hữu trong các sách về Lịch sử đất nước. Chương 8 liệt kê gần như tất cả sự kiện xảy ra từ 1954 đến 1976, từ sự kiện lịch sử, chính trị, quân sự, đến sinh hoạt báo chí, sinh hoạt văn chương (từ trang 593 đến 634).

4/ Ý hướng thống nhất nhân tâm và ý thức hạn chế của bộ sách biên khảo: Nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh thực hiện một công trình lớn, đầu tư rất nhiều thời gian tìm tòi, đúc kết, lao tâm tổng hợp, sau đó tự ý thức có sự hạn chế mà vẫn cứ tiến hành. Xuất bản một cuốn sách dầy đến 1530 trang trong hoàn cảnh nơi hải ngoại không có độc giả nhiều, số người lớn tuổi hiểu biết Văn học Miền Nam ngày càng hao hụt; tuổi trẻ nơi hải ngoại chỉ có một số ít lưu tâm, lại thêm ở thời kỳ phương tiện điện tử dần dần thay thế sách báo in ấn. Vậy tác giả Nguyễn Vy Khanh có mong ngóng sách của mình sẽ được phổ biến ở trong nước? Nếu có điều mong ngóng ấy thì chắc là mong ngóng trong tương lai. Từ 1975 đến 1990, trong 15 năm dưới chế độ mới, có ai tiên đoán một số sách của vài tác giả thuộc Văn Học Miền Nam lại được tái bản; nhạc vàng không còn bị cấm đoán; người về nước không còn nhiều phiền phức trình báo chính quyền… Có thể có mong ngóng ở tương lai, vì trong bài “Phụ Lục 1”  từ trang 640, tác giả liệt kê vài dáng vẻ như sau: “… các tác phẩm của các tác giả thuộc Tự Lực Văn Đoàn và tiền chiến được in lại lần đầu trong tuyển tập “Văn xuôi Lãng Mạn Việt Nam”… sau đó có bộ “Văn Chương Tự Lực Văn Đoàn”… một số giáo sư, nhà văn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa được tham khảo, lên tiếng hoặc nghiên cứu công khai trở lại… sách dịch của các nhà văn sống thời Việt Nam Cộng Hòa từng bị cấm, nay được tìm kiếm để in lại… nhiều nhà văn hải ngoại đã in sách ở trong nước… mảng văn chương thuần túy, vị-nghệ-thuật đã có nhiều giao luu, hợp tác… Những từ Ngụy, Mỹ Ngụy, bù nhìn, thực-dân-mới dần mất trong diễn văn chính thức… thế thời có thế nào thì văn học vẫn là hy vọng…”.Tuy vậy vẫn chỉ là mong ngóng trong tương lai thôi, còn bây giờ thì chính tác giả cũng vạch ra một ranh giới ý thức hệ, hoàn toàn đứng về phía Văn Học Miền Nam từ 1954 đến 1975, đầu tư sự hiểu biết cho Văn học Miền Nam khiến ông đã hoàn thành được bộ sách đồ sộ, vậy kỳ vọng “thống nhất nhân tâm và địa lý” (như nhận định của ông Mai Anh Tuấn, ở trang 1520) cũng phải bị hạn chế. Ý nguyện “thống nhất nhân tâm” đối với những phức tạp trong Văn học Miền Nam mà thôi. Từng đọc qua vài bộ sách biên khảo về Văn học Miền Nam khác, người viết bài này nhận thấy không ở đâu (trong số các sách đã biết) có dồi dào tài liệu hơn về Tạp chí Hành Trình, tạp chí Trình Bầy, tạp chí Đối Diện, Tạp chí Đất Nước, Nhóm Tinh Việt Văn Đoàn (từ trang 536 đến trang 546). Trong khi đó, kiến thức về các Tạp chí Tư tưởng, Giữ Thơm Quê Mẹ, Hải Triều Âm, trong sách của Nguyễn Vy Khanh cũng cung cấp khá đầy đủ sự hiểu biết mà bấy lâu đôi người vẫn chỉ nhớ lờ mờ (từ trang 550 đến trang 552). Những phức hợp do phân biệt “chiếu trên chiếu dưới” trong văn học mà ông Nguyễn Vy Khanh muốn đừng mắc phải; có lắm trang nhận định cho “các người viết trẻ” thời Văn Học Miền Nam; cho các nhà văn ngoài trận mạc; cho các tạp chí văn chương ngoài Sài Gòn. Sự thật những đóng góp ấy không nhiều lắm. Chính tác giả Nguyễn Vy Khanh bỏ vào sách thật dồi dào tài liệu cùng với những tận tình nhận định cho các nhà văn thơ thuộc các tạp chí, thuộc các nhóm văn nghệ, phần lớn quy tụ ở Sài Gòn. Có một điều ta cũng thắc mắc tại sao Văn Học Miền Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, kể  từ 1964 đến 1975, tức là thời chiến tranh ác liệt, mà văn chương phản ánh lại ít được nhắc nhở hơn nền Văn Học Miền Nam từ 1954 đến 1963. Tác giả như muốn không bỏ sót một ai trong những thơ văn đóng góp vào Văn Học Miền Nam, do đó ông sưu tầm liệt kê tất cả 16 Tuyển Tập Thơ văn 1954-1975 (từ trang 456 đến trang 458), nhờ vậy mà nay chỉ đọc đến nhan đề tuyển tập thì ta muốn tìm đến để thưởng thức, chẳng hạn tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta” (xb. 1974); như “Ba Miền Mười Khuôn mặt” (xb. Năm 1966); hoặc “Hai Mươi Nhà Văn, Hai Mươi Truyện Ngắn” (xb. năm 1962). Nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh có lòng nhắc nhở hết tất cả các giải thưởng văn chương thời Văn học miền Nam 1954-1975 (từ trang 635 đến 638). Nhà biên khảo còn thêm một điều nhắn gửi cho đời đừng quá thành kiến, đừng có theo thói thường “chạy theo hơi hướm của những người đã từng nổi danh một thời… không mở tầm thưởng thức nghệ thuật rộng ra…” (trang 70). Những điều trên là ý hướng thống nhất nhân tâm cho một nền văn học nay chỉ còn là di sản. Trong khi đó, với lập trường tận tình cho Văn Học Miền Nam, nên ý-thức sự hạn-chế dành cho bộ sách biên khảo này thuộc về chính trị thì ông biết dĩ nhiên là như vậy.
Trần Văn Nam

City of Walnut, California, tháng 12 năm 2016

75 NGUYỄN MINH NỮU : Khu Nancy ở Saigon



- góc đường Trần Hưng Đạo và Cộng Hòa đầu thập niên 1960. 
nguồn: Manhhaiflicks


Với những người khó tính thì Saigon chỉ là thành phố với 11 quận ngày xưa. Nhưng với tôi, Saigon không chỉ có vậy, mà bao quát hơn nhiều, chẳng những bao gồm 19 quận nội thành, 5 huyện ngoại thành như nghị định năm 2003 của chính phủ, mà còn kể thêm rất nhiều tỉnh , thành phố chung quanh từ phía bắc như Bình Long, Biên Hòa xuống tận cực nam như Rạch Giá, Cà Mâu....ở đâu đó, mọi người có thể nói quê quán là một địa danh xa xa như Mỹ Tho, Bình Chánh , nhưng trong nỗi nhớ thì lại mênh mông là nhớ Saigon.

Gia đình tôi cư trú ở khu Nancy. Khu này có một cái chợ lâu đời và rất nổi tiếng là chợ Nancy, chợ nằm giữa ranh giới quận 5 và quận 1, hai quận ngăn cách nhau bởi con đường Cộng Hòa , bây giờ gọi là Nguyễn văn Cừ.

Chợ Nancy bây giờ đã giải tỏa, chỉ còn một số người buôn bán lặt vặt ven đường, còn khu chợ cũ  đã phá bỏ. Phía bên quận 1 là phường Cầu Kho, phía bên quận 5 là phường Chợ Quán. Khu Nancy coi như mọi người mặc định là khu dân cư bao quanh bốn con đường, phía mặt sông là Bến Hàm Tử, chạy song song là đường Trần Hưng Đạo, đường Phan văn Trị, xa hơn nữa khoảng 700 mét là đường Nguyễn Trãi. Còn cắt ngang là đường Nguyễn Cảnh Chân bên quận 1, rồi tới đường Cộng Hòa , ranh giới giữa quận 1 và quận 5, song song nữa  khoảng 700 mét là đường Nguyễn Biểu . Khu tứ giác này giữa hai dịa danh Cầu Kho và Chợ Quán.

Trong hồi ký Mặc Khách Saigon của Tô Kiều Ngân nhắc đến khu vực này vì có một thời ông cư ngụ tại đây đồng thời với Họa sĩ Tạ Tỵ, nhạc sĩ Văn Phụng, nhạc sĩ Hoàng Trọng.

Nhắc đến Hoàng Trọng thì phải nói tới điệu Tango. Trước Hoàng Trọng, Tango không thông dụng ở Việt Nam, không thông dụng bởi vì không có bài hát hay, nên ít người hát và cũng từ đó không phổ biến tổng quát.  Hoàng Trọng chính là nhạc sĩ đưa điệu Tango vào nhạc Việt, ngay bản đầu tiên viết điệu Tango là "Khúc Chia Ly" do ông viết nhạc và Nguyễn Túc viết lời năm 1948 được phổ biến là một khởi đầu cho liên tục nhiều ca khúc khác để được giới yêu nhạc gọi ông là Ông Hoàng Tango của Việt Nam. Tôi gặp lại ông ở Hoa Kỳ khoảng năm 1996 tại một địa điểm kỳ thú ở vùng Hoa Thịnh Đốn, đó là tư gia nhạc sĩ Nguyễn Túc. Một người bạn thân của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Túc sinh năm 1923 tại Hà Nội, dáng người thấp và nụ cười luôn nở nhẹ trên môi. Ông viết khá nhiều ca khúc nhưng lại rất ít phổ biến, nên ông nổi tiếng nhờ chơi nhiều loại nhạc cụ và rất am tường về hòa âm. Những bạn thời trẻ sinh hoạt âm nhạc cùng nhóm với ông như Hoàng Trọng, Nguyễn Cầu, Đan Thọ, Văn Phụng , Nhật Bằng, Tạ Toàn , Thanh Hùng ....mà sau này khi cùng định cư quanh vùng Hoa Thịnh Đốn đã thường xuyên có mặt ở nhà ông vào buổi sáng ngày thứ năm hàng tuần trong cái  sinh hoạt gọi là "câu lạc bộ ngày thứ năm" (Club du Jeudi) do Nguyễn Túc thành lập.

Nhà riêng của Nguyễn Túc thực ra chỉ là một căn Apartement nhỏ nằm ở Arlington. Ông cư ngụ ở đó năm 1975 cho đến khi từ trần, ngay trong khoảng thời gian đầu vừa định cư tại Mỹ, món ăn mọi người nhớ đến nhiều là Phở. Lúc bấy giờ, vùng Hoa Thịnh Đốn không có một tiệm phở nào, và công thức nấu được một nồi phở còn có vẻ bí truyền, hơn vậy, gia vị cho phở từ rau húng quế, ngò gai , giá sống cho đến nước mắm còn là một cái gì đó khó kiếm.  Nguyễn Túc biết nấu phở và biết chỗ tìm mua được các gia vị cần thiết, mới đầu đo lòng yêu phở một cách đặc biệt ông đã tìm kiếm và nấu thành công nồi phở cho gia đình, kế tới là bằng hữu của ông ......rồi lan rộng ra tới những người yêu phở . Phở ông nấu và rất tự nhiên đưa ra cho những người có mặt, tới trước ăn trước , tới sau ăn sau.  Nhưng không phải ai cũng đến đó ăn được, vì ông không tính tiền, cho nên phải là dân liên quan tới  văn nghệ, thơ ca, nhạc họa, thì mới được vào nhà. Số người tới ăn có khi lên tới ba chục người, và ai cũng kín đáo để lại trên cái bàn nhỏ gần bếp một ít tiền để cho nồi phở tuần sau.

Ngoài khả năng âm nhạc, Nguyễn Túc còn hai đam mê nữa cũng rất dễ thương là nhiếp ảnh và lưu giữ bài đăng báo. Nhiếp ảnh là ông thường xuyên tham dự các sinh hoạt cộng đồng, một mình một máy ảnh ông đi từ trước ra sau, lên sân khấu, vào hậu trường, đi vòng các bàn tiệc và đưa máy lên nhắm vào một khuôn mặt nào bất kỳ , một hoạt động nào bất kỳ mà ông thích và chụp. Nên nhớ là thời điểm từ 1975 đến 1995 lúc đó chưa có máy ảnh digital, chưa có Iphone, Ipad nên máy chụp hình bằng phim và phải đi rửa , thế rồi một sinh hoạt sau, ông gặp lại những người ông chụp, thỏa mái đưa ảnh. Người nhận được ảnh cũng có thể thỏa mái cám ơn rồi bỏ đi, nhưng những người biết ông, đều hiểu rằng phim phải mua, mà rửa ảnh cũng phải trả tiền nên bao giờ cũng gửi lại ông một chút. Ông cũng không khách sáo, nhưng chỉ nhận đúng con số ông cho là hợp lý : 2 đồng cho mỗi tấm ảnh, tấm nào không lấy, không tính tiền.

Cái đam mê lưu trữ bài đăng báo còn cầu kỳ hơn. ông sưu tầm báo chí tiếng Việt, tiếng Pháp , tiếng Anh, trong đó có bài viết nào giá trị về văn hóa hoặc ông yêu thích, ông cắt ra, và dán vào cuốn sổ lớn kích thước cỡ  ngang 40 cm , cao 60 cm, dầy cả tấc .....khi tôi tơi chơi vào khoảng năm 1996, thì trong nhà ông đã có khoảng mười mấy cuốn như vậy.

Những người thường tới chơi đó vào ngày thứ năm, ăn phở xong ít ai về liền, mà là trò chuyện tới chiều, có khi ngồi lại ăn thêm một tô nữa buổi chiều. Những người  quen mặt ở đó như nhạc sĩ Văn Phụng, Nhạc sĩ Hoàng Trọng, Nhạc Sĩ Nhật Bằng, Thi sĩ Vương Đức Lệ, thi sĩ Hoàng Song Liêm  người nào cũng ở lứa tuổi ngót nghét 80, vào buổi trưa, ngồi yên lặng nghe các đại thụ của thơ ca và âm nhạc trò chuyện nhắc nhớ nhau một thủa Saigon xưa thật thú vị vô cùng.

Ở đây không ai giới thiệu ai với ai, ai biết ai thì ghé tới gần trò chuyện thôi. Có lần tôi bước vào, và ngồi ngay cái bàn sát góc, cạnh một ông cụ  rất quen mặt, tôi ngần ngừ một chút rồi nhớ liền, cũng đã mấy mươi năm không gặp, ngày xưa ông cụ gầy hơn, người thanh mảnh nhưng nhanh nhẹn, mái tóc bềnh bồng đi chiếc xe Lambretta ở gần xóm với tôi, nay lớn tuổi, nhưng vẫn đôi mắt vẫn rất tinh thần. Tôi thưa có phải bác Hoàng Trọng không? Ông cụ gật đầu đưa mắt nhìn tôi khá lâu rồi nói thấy cậu quen quen  mà chưa nhớ ra.

Cháu ở gần nhà, ngày xưa có chạy qua chơi với Hoàng Cung Fa...

Mặt ông cụ sáng lên à.......Xóm Lan Chi....

-Dạ không phải, ngày xưa ở khu gần chợ Nancy  đường Cộng Hòa...

Ông cụ bật cười, cậu còn trẻ , nên không biết đấy thôi, khu đó gọi là xóm Lan Chi, cái tên của Nguyễn Bính đặt đấy.

Hoàng Trọng là một tên tuổi lớn trong nên âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc Tango của ông như Dừng bước giang hồ, Hai phương trời cách biệt, hoặc Tiễn bước sang ngang là những ca khúc in dấu vết vào tâm khảm người nghe từ nửa thế kỷ trước. Mà tôi là một người yêu thích và ngưỡng mộ từ thời trai trẻ. Dịp này  nghe Hoàng Trọng kể về một giai thoại đẹp của ca khúc Tiễn Bước Sang Ngang , Hoàng Trọng kể rằng : Một hôm đang ngồi ăn ở một nơi gần chợ Đà Lạt thì gặp một cô bé xinh xinh ngồi ăn với gia đình ở một bàn gần chỗ tôi ngồi. Cô ngó tôi hoài và sau đó không biết đã bàn gì với ông bố và cô đã từ từ sang bàn tôi và lễ phép hỏi có phải tôi là nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Đài Phát Thanh không? Tôi gật đầu: "Vâng". Nàng bèn nói:" Ba em mời nhạc sĩ sang cùng bàn để nói chuyện cho vui, vì thấy nhạc sĩ đi có một mình và sao buồn thế!". Tôi đã sang bàn gia đình nàng và sau đó đuợc biết Ông thân sinh ra nàng là một nhà trí thức lớn và cũng là một chính trị gia nổi tiếng của Sài Gòn! Ông có ý muốn mời tôi khi nào về Sài Gòn thỉnh thoảng ghé thăm Ông và nếu có thể được, dạy con Ông hát và đàn guitar. Tôi cũng nhận lời  ông trước mặt người đẹp nhưng sau khi về Sài Gòn tôi bận liên miên. Vài ba tháng sau tôi mới đến thăm ông và mong gặp lại nàng sau nhiều giấc mơ về nàng. Lúc đó, tôi biết nàng sắp thành hôn với một người bạn đồng nghiệp của tôi... Thật là vỡ mộng! Và chuyện này tôi cũng chỉ nói lại với bạn Hồ Đình Phương, người viết lời cho bảnnhạc Nhớ Về Đà Lạt của tôi. Và sau đó, bản nhạc Ngỡ Ngàng và Tiễn Bước Sang Ngang cũng được thành hình và kỷ niệm cho đến bây giờ ..."

Trở về với khu tứ giác xóm Nancy, nơi đây ngày xưa có một cái rạch nhỏ chảy từ kênh Tàu Hủ chạy vào, gọi là rạch Bà Đô.

Ca dao còn ghi lại :

Kể từ Rạch Sỏi trở vô,
Xóm Lá là chợ,thị Đô là cầu.

Cầu bà Đô nằm trên đường Hàm Tử,  ngay khoảng ngã ba  đường Cộng Hòa và Hàm Tử, bên dưới là con rạch chảy yếu ớt quanh co giữa xóm nhỏ nghèo ra phía đường Trần Hưng Đạo....nhưng khi tôi lớn lên, khoảng năm 1970 thì cái rạch đã chỉ còn nhỏ như một con mương nước thải, dân cư chung quanh đã lấp dần từng khúc rồi mất hẳn.

Thời thơ ấu của tôi trong con hẻm này và những con đường rợp bóng cây Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu. Khu Cầu Kho dọc theo bờ sông là những căn nhà cổ lâu đời, theo lịch sử ghi nhận thì tên Cầu Kho là do ngày xưa, thời mới mở dất phương Nam, dân cư thưa thớt, triều đình nhà Nguyễn mới lập chín nhà kho để thu thuế suốt từ Gia Định, Mỹ Tho cho đến Biên Hòa.

Cầu Kho là tên gọi của khu vực có Kho Quản Thảo là kho được lập đầu tiên trong loạt 9 kho thu thuế. Dân cư cũng từ đó tụ tập cư trú gần bên. Tác giả Lục Vân Tiên là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu chào đời năm 1822 tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương tỉnh Gia Định đã được các nhà nghiên cứu đời sau xác định chính là khu vực Cầu Kho hiện nay.  Tác giả TS Hồ Trường có viết một bài trên báo Tuổi Trẻ kể lại : "Khu vực Cầu Kho có gia đình họ Võ hứa gả con gái là Võ Phi Loan cho Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau không gả vì Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa sau khi hay tin mẹ mất.  Hồi làm ở Nhà truyền thống quận 1 những năm 1986-1987, đi thực địa khu vực Cầu Kho, chúng tôi ghé một con hẻm lớn ở đường Trần Đình Xu – con đường trung tâm của phường Cầu Kho hiện nay, thuộc Q. 1, TP.HCM), bà con tại chỗ chỉ chúng tôi vô một căn nhà xưa, cất theo lối năm gian, hai chái, mái lợp ngói âm dương rêu phong, trong nhà còn nhiều đồ đạc cổ xưa. Người giữ nhà lúc đó chỉ là người làm còn chủ nhà thuộc dòng họ Võ đã định cư nước ngoài. Người giữ nhà cho biết đó đúng là căn nhà xưa kia từng kết thông gia với cha mẹ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, nhưng sau đã từ hôn.".

Cũng trong khu Nancy, phía bên Chợ Quán, còn lưu lại hai di tich lịch sử đáng nhớ, thứ nhất là nhà thờ Chợ Quán, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở  vùng Chợ Lớn. Nhà thờ Đức Bà xây dựng năm 1877, nhà thờ Chợ Quán xây dựng sau đó 10 năm , năm 1887. Cũng là kiến trúc Gothic, nhưng nhà thờ Đức Bà là được xây dựng và trang trí nội thất là do Soái Phủ Nam Kỳ đài thọ, còn nhà thờ Chợ Quán đầu tiên xây dựng do công sức đóng góp khá lớn của các giáo dân là dân di cư từ miền bắc và miền trung mới vào định cư nơi vùng đất mới xây dựng lên. Có truyền thuyết kể rằng khi đắp đất làm nền phải xử dụng cả bày voi dẫm đạp cho bằng. Nhưng ngôi nhà thờ đó bị phá hủy vì chiến tranh nhiều lần, tới năm 1882, một vị linh mục tên Hamm mới quyết định xây dựng lại nhà thờ mới là ngôi nhà thờ ta nhìn thấy bây giờ. Khi ông mất, Linh mục Hamm được an táng trong nền thánh đường, ngay trước bàn thờ Đức Mẹ.

Trong khuôn viên nhà thờ Chợ Quán, thời trước 1975 có một trường trung học tư thục rất lớn là Trung Học Chí Thiện.  Đây là Trường trung học đầu tiên ở Việt nam hồi đó dạy theo chương trình mới , phía nữ có giờ học về May Thêu, Âm Nhạc, Nữ Công Gia Chánh, phía nam có giờ học về Máy Móc Điện Tử. Bây giờ cơ sở vật chất đã đổi thành trường tiểu học Trần Bình Trọng .

Còn nhớ, bên hông nhà thơ Chợ Quán có một con hẻm lớn, xe hơi chạy vào được, trong đó có một lớp dạy nhạc với nhiều loại nhạc cụ đời mới , và đám học sinh trường Chí Thiện học lớp buổi chiều có thể nghe được tiếng các âm thanh nhạc cụ vang vọng của trống đàn đủ loại. Lớp nhạc này của nhạc sĩ Trúc Giang quy tụ khá đông học trò, và rất nổi tiếng là nơi đào tạo nhạc công ở Saigon. Con út nhạc sĩ Trúc Giang  là Trúc Hồ, nối nghiệp ông và là một nhạc sĩ tài ba với nhiều ca khúc nổi tiếng sau này.

Cách nhà thờ Chợ Quán vài trăm thước, ngay ngã tư Trần Bình Trọng và Trần Hưng Đạo là một di tich mà tới giờ vẫn còn hoang phế là khu nhà mồ của học gỉa Trương Vĩnh Ký. Học giả Trương Vĩnh Ký là người có ba điều đặc biệt: 1/ là một người theo tây học , làm thông ngôn cho phái đoàn Việt Nam qua Pháp  đàm phán nhưng ngay đến cuối đời vẫn không vào Pháp tịch. 2/ Một người Việt Nam thông thạo tới 26 ngôn ngữ trên thế giới. và thứ ba là người chủ báo đầu tiên ở nước ta, khi ông đảm nhiệm toàn quyền tờ "Gia Định Báo" vào năm  1869. Khi làm người quản trị toàn quyền "Gia Định Báo", Trương Vĩnh Ký đưa ra ba chủ trương :

-Truyền bá chữ quốc ngữ trong nhân dân
-Cổ động tân học trong nước
-Khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ.

Tờ báo là tờ báo của chính quyền Pháp, viết bằng chữ quốc ngữ và chủ trương là nhắm vào nhân dân đó là lý do mà sau này cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, tâm huyết và những biên khảo rất giá trị của Trương Vĩnh Ký bị đánh giá là thiếu bóng dáng của đất nước  quê hương.

Năm 2017, một tác phẩm công phu của Học giả Nguyễn Đình Đầu được in ra. Tác phẩm : "Petrus Ký- Nỗi oan Thế Kỷ" được xuất bản và đã phát hành được vài tháng , nhưng khi xin phép tổ chức ra mắt sách, trước thì đồng  ý,  nhưng phút chót phải hủy bỏ. Cuốn sách không bị thu hồi và sửa chữa nhưng coi như không được khuyến khích. Nhà sử học Nguyễn Nhã  là người được dự trù làm diễn giả trong buổi ra mắt sách đó, đã nhận xét :  

“Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam. Ông sống ở thời kỳ Pháp thuộc, nơi đó lại là Nam kỳ, thuộc Pháp. Mà khi mình sống thời kỳ Pháp thuộc, mình sống như thế nào trong giới học thuật đó, mà để mãi với thời gian thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Ông Trương Vĩnh Ký đã làm được điều đó. Những công trình nghiên cứu và con người, nhân cách của ông là muôn đời.”

Một học giả đời sau là Vương Hồng Sển khẳng khái nhận xét bậc tiền bối của mình : Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng.

Nằm trong khuôn viên mỗi bề khoảng hơn trăm mét, chính giữa là một nhà mồ xây cao, cửa nhà mồ xây vào phía Trần Bình Trọng, bên trong là ba ngôi mộ đắp bằng, chính giữa là Trương Vĩnh Ký, hai bên một là phu nhân của ông nhũ danh Vương thị Thọ và người trưởng nam Trương Vĩnh Thế. Ba ngôi mộ là ba phiến đá cẩm thạch, Thời gian đã làm các phiến đá có chỗ rạn vỡ.  Khi từ trần, Trương Vĩnh Ký để lại 121 tác phẩm tiếng Pháp và tiếng Việt, trong đặc sắc nhất là tập Truyện Đời Xưa  và Tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du lần đầu tiên được viết ra bằng chữ quốc ngữ.

Chung quanh ngôi nhà mồ đã thành một nghĩa trang gia tộc họ Trương, trong đó, có mộ con trai thứ của cụ là Trương Vĩnh Ny,  Tôi có tình bạn với Trương thị Diệu là cháu nội cụ Trương Vĩnh Ny  và có nhà cư trú ngay trong khu đất mộ này nên thời đi học rất nhiều lần chạy chơi trong khu vực nhà mồ này, Diệu chỉ ngôi mộ thân phụ là cụ Trương Vĩnh Tích, mộ ông nội là cụ Trương Vĩnh Ny. Trong khuôn viên nhà mồ còn có bốn gia đình trong dòng tộc cư ngụ và gìn giữ nhà mồ.

Viết về học giả Trương Vĩnh Ký (1837- 1898) Nhà văn Thanh Lãng nhận định: Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn.

Cuộc đời , sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký còn quá nhiều tranh cãi khen chê ,nên các tác phẩm của ông vẫn chưa được nhìn đúng giá trị và cũng vì vậy, nơi ông cư trú lúc sống và an táng lúc chết vẫn chưa được bảo trì và tôn vinh như nơi ghi dấu một người được công nhận là nhà Bác Học Ngôn Ngữ của thế giới từ năm 1874. Câu nói ghi trên nhà mộ bằng tiếng Pháp : Fons vitae eruditio possidentis có nghĩa là "Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó". Phải chăng câu đó như một lời tiên tri, nhắn gửi đời sau là những gì ông viết xuống bằng tâm huyết yêu thương để truyền rao kiến thức một đời thu thập, gửi tới người Việt sẽ chỉ có giá trị cho những ai hiểu được, biết được và thụ nhận được những tri thức đó.

Khu Nancy nằm giữa đoạn đường từ Saigon vô Chợ lớn, bây giờ khi đường Nguyễn văn Cừ mở rộng kéo dài từ ngã sáu Saigon , xuyên qua cầu Nguyễn văn Cừ để qua quận 8, chạy thẳng tới khu Trung Sơn qua quận Bình Chánh, thì khu Nancy  lại trở thành một giao điểm nối bắc nam đông tây của Saigon. Về lại nơi đây, ở lại nơi đây mấy ngày để gặp lại biết bao bạn bè kỷ niệm của thời ấu thơ,  phần sau sẽ kể tiếp.

Nguyễn Minh Nữu
tháng 1.2018 

-----------------------------------
     trích từ blog Nguyễn Minh Nữu
-----------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ