Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

' nhạc của tôi [phạm duy] đi vào lòng người thỉ dễ, nhưng đi vào lòng ông ĐỖ MƯỜI sao khó thế" -- lời nhạc sĩ Phạm Duy/ bài viết: Bùi Văn Phú -- BBC tiếng Việt

'VN hai câu nói sau cùng khi lìa đời'


Cập nhật: 09:56 GMT - thứ ba, 29 tháng 1, 2013


" cuối tháng Tư 1975, tôi [ Phạm Duy] rời Việt Nam trên một con tàu không máy được kéo ra khỏi bờ sông Sài Gòn từ bến kho 5. Khi tàu tách bến, nhìn thành phố bập bùng khói lửa, nước mắt rưng rưng và lòng thầm hát:

Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha rán trời
Sóng Đà giang thuyền qua xứ người…

Lời ca theo tôi trên một hành trình vô định. Cho đến khi tới được Hoa Kỳ và biết rằng nhạc sĩ Phạm Duy, tác giả của “Thuyền viễn xứ”, cũng đã bỏ nước ra đi.

Với ông, đó là một lần nữa bỏ quê hương, sau lần rời Bắc vào Nam sinh sống hơn 20 năm trước đó. Lần xa quê này ông chỉ mang theo được người bạn đời là ca sĩ Thái Hằng và những cô con gái là Thái Hiền, Thái Thảo và Thái Hạnh, còn các con trai Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, và Duy Cường đều kẹt lại.

Nơi quê người, khởi đầu định cư ở Pensacola, tiểu bang Florida. Sau một thời gian ngắn Phạm Duy đưa gia đình về Midway City – mà ông gọi là “Thị trấn Giữa đàng” – nằm ngay cạnh Westminster, thủ phủ của người Việt ở miền nam California. Ở đó gia đình Phạm Duy thường" đi rong hát xẩ ", là cách gọi của ông khi nói về những chuyến ôm đàn đi hát cho đồng hương ở Mỹ nghe.

Những năm ở nước ngoài Phạm Duy viết được một số ca khúc và đã thu âm vào những băng, đĩa nhạc: Ngục ca, Bầy chim bỏ xứ, Rong ca, Thiền ca, Hàn Mặc Tử ca.

Sống đời lưu vong ông luôn hướng về quê nhà. Năm 1978 ông viết lên ca khúc “Ở bên nhà em không còn đứng chờ đợi anh” là những cảm xúc sâu lắng được nhiều người tị nạn chia sẻ:



Ở bên nhà đôi tay ngà em vục bùn đen
Ở bên nhà đôi môi mềm thu vạn tủi oán
Ở bên này sống với ác mộng
Từng đêm ngày anh ra biển rộng khóc thương em.

Hai lần phải bỏ quê hương ra đi được ông ghi lại trong ca khúc: “54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước”:

Một ngày 54, cha lìa quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày 75, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!...
Một ngày 75, con bỏ hết giang sơn
Hai mươi năm tình, yêu người yêu cuộc sống
Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui
Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người…
Đời hai lần ta bỏ quê bỏ nước
Phải nuôi ngày sau về ôm Tổ Quốc.

Đầu năm 2004 trong một cuộc phỏng vấn dành cho người viết bài này, khi hỏi cảm nhận và so sánh giữa bỏ quê hương ra đi trong “Thuyền viễn xứ” và “54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước”, Phạm Duy từ chối trả lời câu hỏi này như để tránh rắc rối cho việc nhạc sĩ đang chuẩn bị chuyến trở về sống hẳn ở cố hương.

Sau ba mươi năm lưu vong, tháng 5-2005 Phạm Duy đ㠓về ôm tổ quốc”. Quyết định của ông được nhà nước Việt Nam hoan nghênh. Một số người Việt hải ngoại lên án ông.

"Một ngày 54, cha lìa quê hương Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường Một ngày 75, đứng ở cuối đường Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!..."

Phạm Duy, lời bài hát '54 cha bỏ quê, 75 con bỏ nước'

Từ khi ông trở về, trong nước thỉnh thoảng có những chương trình nhạc Phạm Duy tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn. Một vài đầu sách và đĩa chương trình ca nhạc của ông cũng được phát hành. Tuy nhiên vẫn có những văn nghệ sĩ, nhà báo trong nước chỉ trích quá khứ của Phạm Duy, nào là đã bỏ kháng chiến về thành, vào nam sinh sống, đã ca ngợi chế độ Việt Nam Cộng hoà, rồi lại bỏ nước ra đi khi chiến tranh chấm dứt, như thế Phạm Duy – “tên phù thủy âm nhạc” như cán bộ văn hoá từng đặt cho ông – không xứng đáng được vinh danh là một nhạc sĩ tài ba của nền âm nhạc Việt Nam.

Với cả ngàn bài ca, núi nhạc của Phạm Duy sừng sững như dãy Trường Sơn mà người Việt nào cũng thấy bóng hình mình ẩn hiện trên đó. Đó là “Bà mẹ quê”, “Em bé quê” là “Tuổi ngọc”, Tuổi biết buồn”. Đó là đồng lúa, là tà áo dài, vòng quay xe đạp, là mảnh áo nâu, là quang gánh trên vai. Không như Trịnh Công Sơn viết về thân phận và huyền thoại quê hương trong một giai đoạn chiến tranh nhất định, nhạc Phạm Duy dạt dào tình yêu quê hương, nổi bật với những hình ảnh thật gần gũi với mọi người. Hãy nghe ông viết về đất nước:

Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê.
Quê hương ơi bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi nằm mộng gì
Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi…

Không nhạc sĩ nào đã đưa sông nước, đồng lúa, trâu cày, bóng đa đầu làng vào lòng người một cách êm đềm và tình tự như Phạm Duy để rồi những ai sống xa quê hương khi nghe mà không thương, không nhớ.
Hay như hình ảnh tà áo dài, chiếc xe đạp của tuổi thơ sao thật dễ thương:



Xin cho em một chiếc áo dài
Cho em đi mùa xuân tới rồi
Mặc vào người rồi ra
Ngồi lạy chào mẹ cha
Hàng lụa là thơm dáng tiểu thơ.
Xin cho em môt chiếc xe đạp
Xe xinh xinh để em đi học
Từng vòng từng vòng xe
Là vòng đời nhỏ bé
Đạp bằng bàn chân gót đỏ hoe.

Ca từ của ông vẽ lên quê hương, lịch sử nước nhà như một bức hoạ đẹp tuyệt vời qua trường ca “Con đường cái quan”:

Tôi đi từ Ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ
Chia đôi một họ trăm con đã lên đường…
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi
Về Cà Mau ta đốt biết bao lửa vui.

Nhạc Phạm Duy đến với tôi vào những năm giữa thập niên 1960 khi còn học cấp 2. Đầu tiên là tiếng dân ca “Qua cầu gió bay” với nét vui đùa, là “Giọt mưa trên lᔠmang mang buồn, trước khi biết rung động theo những bóng hình ở sân trường, biết mơ mộng một mối tình vu vơ qua “Nghìn trùng xa cách”, “Thà như giọt mưa”, “Trả lại em yêu”, “Còn chút gì để nhớ”, “Con đường tình ra đi”, “Nha Trang ngày về”, “Tóc mai sợi vắn sợi dài”…
Khi có nhận thức và hiểu biết về lịch sử nước nhà, về văn hoá dân tộc thì nhạc Phạm Duy như xoáy xoay vào hồn với trường ca “Mẹ Việt Nam”, trường ca “Con đường cái quan” với 10 bài “Đạo ca” với bài “Tình ca” bất hủ:

Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời…



Tiếng nước tôi
Bốn nghìn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…

Trong nửa thế kỉ qua, nhạc Phạm Duy đã theo bước chân người Việt đi khắp nơi với yêu thương qua những cuộc tình, với quê hương biết bao niềm nhớ, với tình tự dân tộc nơi quê người hay ngay cả trên quê hương đã sinh ra ông, dù vẫn còn những ngăn cấm.

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5-10-1921 tại phố Háng Cót, Hà Nội và qua đời tại Sài Gòn hôm 27-1-2013, thọ 93 tuổi.

Như thế ông đã trọn vẹn với ước nguyện thể hiện khi ông viết bản đồng ca – mà ông gọi là chung khúc “Việt Nam, Việt Nam” – trong trường ca “Mẹ Việt Nam” đã được rất nhiều người Việt biết đến:

Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam, hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi…
Việt Nam, Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời.

Năm 1995, trong dịp đến Đại học Berkeley nói chuyện với sinh viên nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu: "Nhạc của tôi đi vào lòng người thì dễ, nhưng đi vào lòng ông Đỗ Mười sao khó thế!”.

 Lúc đó ông Đỗ Mười là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mười tám năm sau, hầu hết nhạc của ông dường như vẫn chưa dễ gì lọt được vào lòng giới lãnh đạo Hà Nội.
Dù ông đã hồi tịch, được cấp chứng minh nhân dân, mua nhà ở. Dù ông đã nhiều lần phát biểu hết lòng ca ngợi chính sách hoà giải của nhà nước, nhưng cho đến lúc nhắm mắt lìa trần, gia tài âm nhạc của Phạm Duy với cả ngàn bài ca cũng mới chỉ có chưa đến 100 bài được phép phổ biến trong nước.  ./.

bùi văn phú


-tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Độc giả có thể đọc bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy trên Blog Buivanph


--------------------------------------------------
       trích từ  BBC tiếng Việt
--------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ