Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

bài liên quan: " TRẦN HOÀI THƯ .../ phỏng vấn : Châu Hải Châu -- source: tạp chí SÓNG số 73, tháng 6/ 1988

Trần Hoài Thư


                   Trần Hoài Thư [ i.e. Trần Quí Sách 1942-   ] 
                                                                   Google image
                                                                           (Bt)

Châu Hải Châu
thực hiện phỏng vấn


          Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt Việt Nam. Từng theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Là giáo sư toán trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập lại vào Quảng Nam) từ 1964-1966. Nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ  tại đại đội 405 Thám kích vùng II trong 7 năm. Hai năm cuối cùng, trước ngày mất nước, làm phóng viên chiến trường vùng IV. Hai lần bị thương: lần thứ nhất tham chiến trận giải cứu thành phố Qui Nhơn, tết Mậu Thân; lần thứ hai: tấn công lên đồi Kỳ Sơn Bình Định, 1971. Bị tù cộng sản hơn 3 năm. Năm 1980 tỵ nạn tại Mỹ. Hiện làm cho hãng điện thoại Mỹ AT&T với chức vụ Member of Technical Staff về Systems Engineering. Khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay “Nước Mắt Tuổi Thơ” đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Trước 1975 cộng tác với Bách Khoa, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức. Sau 1975, có truyện đăng trên Nhân Văn, Hồn Việt, Dân Quyền, Diễn Đàn, Sóng, Văn Học, Quê Mẹ, Đới Mới.
Tác phẩm đã xuất bản: Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang (truyện, 1968), Những Vì Sao Vĩnh Biệt (truyện 1970), Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi (truyện, 1971), Một Nơi  Nào Để Nhớ (truyện, 1974)


          Châu Hải Châu (CHC): Trong cuộc sống anh, thời nào đáng ghi nhớ nhất ? Và thời nào đau xót nhất ?

          Trần Hoài Thư (THT): Thời ở Thám Kích. Thời hiểu được tình sông núi, tình đồng đội,tình chiến hữu. Thời thấm thía được máu mình đã đổ. Thời biết nỗi hy sinh và chịu đựng vô bờ của người lính Việt Nam Cộng Hòa.
          Thời ở trại khổ sai . Thời biết được thế nào là con người nô lệ, mất đất nước, mất tổ quốc. Thời thấy rõ sự ngây ngô của mình. Thời thấy được những người bạn sống thật anh hùng và chết thật anh hùng. Thời "vồ chụp bát cơm dành cho heo cho chó". Thời nòng súng địch nóng hổi dí vào da thịt cháy xèo xèo.

          CHC: Cho biết những nhận xét của anh về không khí và điều kiện sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại.

          THT: Tôi ở tại một vùng đất rất vắng, hiếm không khí và điều kiện sinh hoạt nghệ thuật. Chỉ biết qua nhờ những tạp chí được gửi về qua bưu điện. Dù vậy, tôi cũng có những cảm nghĩ rất chủ quan sau đây:
          1.Nền văn học hải ngoại rất phong phú bởi sự đóng góp tích cực của những người viết mới và cũ. Năm 1975, khởi đầu cho một dòng văn học mới. Dòng văn học chất chứa những bi thảm, chia lìa, hờn căm, nhục nhằn, phẫn nộ. Dòng văn học này đang lắng sâu vào con tim của những người còn sống trong bóng tối, nhưng đang nổ bùng ở những người may mắn vượt thoát khỏi địa ngục. Tôi đã bàng hoàng khi đọc truyện ngắn của Lê Thị Phi Lai (Bốc Thăm, tạp chí Lửa Việt). Tôi đã xúc động trước những bài thơ của Thường Quán, Nguyễn Mậu Lâm, Bắc Phong, Hồ Công Tâm…và văn của Lê Đại Lãng, Thế Giang… và còn biết bao nhiêu người nữa trên các tạp chí văn học hải ngoại. Hơn thế nữa, còn có sự đóng góp tích cực của một số nhà văn, nhà thơ cũ, nhất là những người rời nước sau 1975. Họ hiểu rõ hơn bao giờ tại sao họ cần viết. Họ không cần đòi hỏi thù lao hay nhuận bút, dù họ vất vả khó khăn hơn ai hết trước cuộc sống mới.
          2. Điều kiện sinh hoạt văn học nghệ thuật bị hạn chế. Miền đất tự do đã tạo những điều kiện  dễ dàng cho ngành báo chí, xuất bản nhưng rất tiếc những điều kiện này lại nằm trong tay một số chủ báo, chủ chợ sở trường về thương mại. Người viết cho tạp chí này đôi khi bị ngộ nhận bởi tạp chí khác vì những lý do không văn học  nghệ thuật chút nào. Đó là chưa kể người viết bị lợi dụng như qua bài phỏng vấn của nhà thơ Chu Vương Miện trên Nhân Văn mới đây. Báo chí đôi khi trở thành công cụ cho một vài phần tử, dùng để tự do chửi bới, chỉ trích hay để tự đề cao mình hay nhóm của mình.
          Một trở ngại nữa là do điều kiện địa dư, đồng bào hải ngoại sống rải rác khắp thế giới. Có nơi khó khăn lắm mới tìm được một sản phẩm tinh thần của người viêt. Ví dụ người viết cộng tác với tờ Quê Mẹ bên Pháp chẳng hạn; vì chủ trương của tờ báo là bản thảo không được gởi một lúc cho nhiều tờ báo, thì làm sao độc giả bên Mỹ, bên Gia Nã Đại[ Canada] vv… có thể tìm đọc truyện thơ của người viết, niềm ấp ủ của người viết là truyền đạt đến đông đảo độc giả như vậy đã có phần bị hạn chế ! Trong cuộc sống vật lộn cùng bill đòi nợ này, sự đóng góp là sự hy sinh không nhỏ.
          Dù sao, chúng ta cũng không thể phủ nhận công sức của những người đã dám sống và chết cho văn chương chữ nghĩa. Bởi bên cạnh những tờ báo rao vặt, phát không, còn có những tạp chí đứng đắn, chọn lọc. Và những tạp chí này là kết quả của một sự cố gắng phi thường của những người chủ trương. Họ làm việc vất vả trong những hảng “mồ hôi”và thay vì bỏ tiền để dành trong saving, họ đã bỏ tiền, bỏ sức vào việc nuôi dưỡng tờ báo không  mong “sống hùng sống mạnh” nhưng sống qua ngày.
         
          CHC: Như vậy sự cộng tác của anh với các tạp chí với có lý do ?

          THT: Phải. Ở quan điểm và ở chỗ thân tình ưu ái. Tôi vốn là người lính, tôi không thể không viết cho một tờ báo nặng chủ trương về ca ngợi người lính bị bỏ quên hay bị bôi nhọ. Đồng đội tôi đã gục xuống, đã đang bị đày ải trong tù ngục. Tôi cần phải có chỗ để viết về họ. Một tờ báo chỉ có giới hạn về địa phương và số đọc giả. Tôi ước muốn tất cả những người bỏ nước ra đi này, đọc và hiểu lớp thế hệ sa cơ của tôi. Bội bạc họ là một tội ác.

          CHC: Cá nhân anh có những suy nghĩ nào khi đóng góp cho nền văn học hải ngoại ?

          THT:  Tôi không có tham vọng trở thành một nhà văn. Tôi chỉ thật sự viết văn khi 20 tuổi và viết tùy hứng. Ngày tôi ở thám kích, tôi kê giấy trên gò mả, viết dưới ánh trăng, hay trùn poncho viết trong ánh đèn pin quân đội. Đọc lại những bài viết của mình trước đây đôi khi tôi phải lạnh mình. Thú thật tôi không thể ngờ tôi là kẻ sống sót để viết  những dòng trả lời này. Qua Mỹ, tôi vừa làm, vừa học, vừa viết. Cũng tùy hứng. Tuy nhiên ngòi bút trở nên thận trọng hơn. Cái kinh nghiệm đớn đau của đất nước là một bài học cho người cầm bút phải không anh ?

          CHC: Truyện ngắn của anh đăng rải rác trên các tạp chí khắp thế giới, nhưng hình như sức sáng tác của anh giảm hơn so với thời ở quê nhà ?

          THT: Tôi đã nói về những điều kiện làm hạn chế sự  truyền đạt giữa người viết và người đọc . Thật ra tôi viết nhiều nhưng phần lớn vì giữ lời hứa, viết và gởi bản thảo cho một tờ báo. Như tờ Quê Mẹ chẳng hạn, hầu như thường xuyên. Và nhiều truyện tôi đã đăng trên Nhân Văn, Phụ Nữ Diễn Đàn, Văn Học. Không thể đòi hỏi mỗi tháng người viết  “hứng” viết ba bốn truyện ngắn để gởi cho ba bốn tạp chí khác nhau. Ngày ở quê nhà các tạp chí văn học như Bách Khoa, Văn, Văn Học, Thời Tập, Khởi Hành, Ý Thức… mỗi đầu tháng bày biện khắp các sạp báo, các tiệm sách khắp miền nam. Bây giờ nơi tôi cư ngụ chỉ thấy bày tờ Văn Nghệ Tiền Phong. Một bạn văn ngày xưa, đã thú thật với tôi: từ lâu nay anh chưa được thấy một tạp chí văn học nghệ thuật ở hải ngoại !

          CHCCơm áo có ảnh hưởng đến sự sáng tác ?

          THT: Có. Nhưng tôi nghĩ không phải là vấn đề. Người viết ở hải ngoại đã hiểu tại sao họ cầm bút. Nhất là họ đã trải qua một giai đoạn mà họ hiểu được tiếng nói của họ. Sự gởi gắm của họ là những điều căn bản tối cần cho một con người. Và điều đó đã cắt nghĩa tại sao các tạp chí trên thế giới lại tràn ngập bài vở và tác giả chẳng cần đòi hỏi một thù lao nhỏ nào. Cơm áo chỉ ảnh hưởng đến những người coi cơm áo là cứu cánh. Riêng cá nhân tôi, ngày đặt chân lên đảo tị nạn, tôi đã viết, và bây giờ tôi vẫn còn cầm bút. Dù vậy, không thể phủ nhận cái ưu tú vì xã hội mới này. Thất nghiệp, nợ nần. Chữ nghĩa, ngôn ngữ mới Chiến đấu trong lẻ loi giữa muôn ngàn khó khăn gia đình, vì trách nhiệm. Người viết văn là một người thường tình. Cảnh huống nhiều khi tạo được  những bài thơ tuyệt vời như của Cao Tần, Chu Vương Miện…

          CHC: Anh còn điều gì gởi gắm đến độc giả ?

          THT: Những gì tôi gởi gắm tôi đã trình bày. Với tôi, điều quan trọng hơn hết là câu hỏi ngược lại: Người viết có làm tròn những gì mà đọc giả gởi gắm ? Người viết có nói lên nỗi lòng của đồng bào họ, đồng đội họ ? Người viết có làm gì trước một biến động thống khổ ? trước một đất nước tan hoang ? trước những bẫy, những mưu mô của bọn tay sai của ... ở hải ngoại ?Người viết có làm gì khi hàng triệu người đã chết để cho ... còn sống, còn tồn sinh ?...Chúng ta đã làm ngơ một lần, không thể làm ngơ một lần thứ hai…  ./.

CHÂU HẢI CHÂU
thực hiện phỏng vấn


(tạp chí Sóng số 73 tháng 6 năm 1988)


--------------

Ghi chú: Hiện nay (2006), nhà văn Trần Hoài Thư đã nghỉ hưu. Ông vẫn cư ngụ tại tư gia ở New Jersey Hoa Kỳ. Trong năm sáu năm gần đây, ông cùng một vài  người bạn (Phạm Văn Nhàn, Trần Bang Thạch…) chủ trương Thư Quán Bản Thảo, một tạp chí không định kỳ, đồng thời dựng lên nhà xuất Thư Quán do chính Trần Hoài Thư in ấn, đóng cắt, phát hành. Người con duy nhất của ông, Trần Quí Thoại đảm nhiệm phần mỹ thuật (trình bày, vẽ bìa). Nhà xuất bản Thư Quán đã in, phát hành một số tác phẩm quí như:  Thơ Vũ Hữu Định, Quanh Quẩn Chuyện Đời (truyện của Trần Bang Thạch), Hương Sắc Mong Manh (thơ Hoài Khanh), Một Mình Như Cánh Lạ (thơ Hạc Thành Hoa), tập truyện của Y Uyên vv…
Riêng Trần Hoài Thư, sau 1988 đến nay đã in thêm: Ra Biển Gọi Thầm (tập truyện, 1995), Ban Mê Thuộc Ngày Đầu Ngày Cuối (tập truyện, 12997), Về Hướng Mặt Trời Lặn (tập truyện, 1998), Thơ Trần Hoài Thư (1998), Mặc Niệm Chiến Tranh (tùy bút), Thủ Đức Gọi Ta Về (hồi ức).

--------------------------------------------------------------------
   trích lại từ www.luanhoan
---------------------------------------------------------------------

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét