Bạn Văn Nghệ xin được đăng lại bài của tạp chí Sóng Văn (1997) , phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Yến, phu nhân nhà văn Trần Hoài Thư, về Trần Hoài Thư-- bài trích từ trang mạng Vuông Chiếu Luân Hoán.
Xin chân thành cảm ơn!
BVN
bà Nguyễn Ngọc Yến nói về
nhà văn Trần Hoài Thư
- vợ chồng nhà văn Trần Hoài Thư
SV: Trong cơ duyên nào bà đã đến với người bạn đời của mình ? Và trong chiều dài thăng trầm của cuộc sống, bà có thể giới thiệu một kỷ niệm buồn, vui.
Nguyễn Ngọc Yến (NNY): Cũng vì yêu mến văn chương, nên duyên văn nghệ đã đưa chúng tôi gặp nhau.(nhà văn Nguyễn Lệ Uyên là ông mai). Chúng tôi có những kỷ niệm đầy vui buồn theo vận mệnh thăng trầm của đất nước. Nhưng kỷ niệm tôi mang theo đến lúc tàn sinh là những ngày bồng con đi xin ăn ở một làng hẻo lánh bên bờ Thái Lan, sau những ngày đói khát, lênh đênh trên biển cả.
SV: Nhiều người thường quan niệm rằng: các ông bà tác giả, dù sinh hoạt ở bộ môn nghệ thuật nào, cũng thường có tính lơ là đối với những công việc gia đình. Theo bà, nhận xét này đúng được bao nhiêu phần trăm ? Và riêng ông nhà thì sao ?
NNY: Đối với anh Thư, đi làm việc về hầu như “đóng đinh” trước computer, gõ ‘lóc cóc”, ít khi để ý đến công việc gia đình. Nhưng tôi thấy việc nhà là trách nhiệm của một người vợ, nên không có gì phiền hà trong lòng cả.
SV: Ngoài những môn sở trường, xin cho biết ông nhà còn thích hoạt động giải trí thêm với những bộ môn nào khác?
NNY: Nhà tôi chỉ có một đam mê duy nhất là viết, coi như là cái nghiệp rồi.
SV: Xin cho biết một ít thói quen của ông nhà trong lúc sáng tác?
NNY: Lúc nào viết cũng có ly cà phê và điếu thuốc để trước mặt, anh nói: có hút thuốc thì nguồn cảm hứng mới dồi dào. Tôi rất sợ mùi thuốc lá, nhưng đành chịu chớ biết sao giờ.
SV: Bà đã từng có những đóng góp vào công việc sáng tác của ông nhà ?
NNY: Tôi không hề đóng góp hoặc có ý kiến gì về việc sáng tác của nhà tôi. Ngay cả những truyện tình đầy nhân vật nữ cũng là chuyện tự nhiên của nhà văn.
SV: Bà có những nhận xét tổng quát nào về toàn bộ tác phẩm của ông nhà đã được giới thiệu rộng rãi trong quần chúng ?
NNY: Vào tháng 12 năm 1995, anh Thư có xuất bản tập truyện Ra Biển Gọi Thầm lần đầu tiên ở Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng lo lắng. Nhưng chỉ ra mắt một lần ở New Jersey, vài tháng sau thì hoàn toàn tiêu thụ hết. Độc giả khắp nơi ủng hộ hết mình, thành thử cũng an ủi lắm. Nhiều độc giả còn gửi thư về tỏ ý mến mộ Trần Hoài Thư. Một trong những lá thư của độc giả mà tôi rất thích, (anh Lê Sang), xin được chép ra đây:
“... Anh Thư, tuy xa mà gần
thấy thì gần nhưng vẫn còn quá xa
tuy rất lạ
nhưng dường như quen
tuy mình chẳng hề biết nhau
nhưng đã biết anh như lâu lắm rồi
tuy chẳng hề biết mặt anh
nghe tên anh, thì nghe quen thuộc
tuy cùng chiến tuyến, nhưng không cùng một hỏa tuyến
...”
-vợ chồng Trần Hoài Thư và con trai Trần Quý Thoại
SV: Xuyên qua việc phát hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật của ông nhà, bà có những nhận định gì về tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay tại hải ngoại?
NNY: Tôi xin được phép miễn trả lời câu hỏi này.
SV: Cá nhân bà đã và đang sinh hoạt trong lãnh vực nào ? Những sinh hoạt đó có gây trở ngại hoặc hổ tương trong việc sáng tác của ông nhà?
NNY: Hiện nay việc làm của tôi thuần về kinh tế, nên không có trở ngại đến việc viết của nhà tôi. Những trở ngại nếu có, là đến từ phía bên ngoài, vì đôi khi viết “chùa” mà cũng gặp nhiều phiền hà lắm. Bởi viết cho báo này có thể bị báo khác “đập”.
SV: Nếu có thể được, xin bà vắn tắt cho đôi dòng tiểu sử của ông, những tác phẩm của ông ấy, và đôi dòng về cá nhân bà, đại khái quê quán, hoài bão...
NNY: Nhà tôi tên thật Trần Quí Sách. Bút hiệu khởi sinh từ cái tên này. Anh sinh ngày 06-12-1942, tại Đà Lạt. Bắt đầu viết từ 1960. Cựu sĩ quan thám kích. Nghề tay phải hiện là chuyên viện điện toán (Cao học toán Hoa Kỳ)
Đã xuất bản:
Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang (1968)
Những Vì Sao Vĩnh Biệt (1970)
Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi (1971)
Một Nơi Nào Để Nhớ (1974)
Ra Biển Gọi Thầm (1995)
Sợi Tóc Nhớ Nhung (1996).
Trừ Sợi Tóc Nhớ Nhung là tập thơ, tất cả là truyện ngắn.
Còn tôi, Nguyễn Ngọc Yến, sinh tại Cần Thơ. Trước 1975, nguyên là chủ sự phòng thống kê viện Đại Học Cần Thơ (giáo sư Nguyễn Duy Xuân, viện trưởng, đã chết trong trại tù miền Bắc. Tôi bồng con vượt biên sau chồng một năm, đến trại tị nạn Song Kha Thái Lan. Đoàn tụ cùng chồng, 1980. Hiện đang kéo cày trả nợ tại một hãng điện tử thuộc tiểu bang New Jersey. Ước muốn duy nhất: Việt Nam được tự do như xưa, để được trở về sống trên mảnh đất quê hương.
Xin chân thành cảm ơn tập san Sóng Văn và gởi lời thăm hỏi tốt đẹp đến tất cả bạn đọc.
Nguyễn Ngọc Yến
(Sóng Văn, số 6, Xuân 97, tháng 1 & 2-1997)
----------------
----------------
ghi chú:
ảnh 1: Ông Bà Trần Hoài Thư cắt bánh mừng tạp chí TQBT bước qua năm thứ 11.
ảnh 2: Trần Hoài Thư tốt nghiệp Master in Applied Math, năm 1995tại NJ - người con trai, Trần Quý Thoại đã tốt nghiệp bác sĩ.
Trần Hoài Thư
Viết văn làm thơ. Tên thật Trần Quý Sách, sinh ngày 16 tháng 12 năm 1942 tại Đà Lạt. Theo học tại Quốc học Huế, đaị học Huế, đại học Sài Gòn. Giáo sư Toán trường trung học công lập Trần Cao Vân Tam Kỳ từ 1964-1966. Nhập ngủ khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Giải thưởng sinh viên sĩ quan báo chí xuất sắc của khoá. Ra trường phục vụ trên 3 năm tại đại đội 405 thám kích / Sư Đoàn 22 BB thuộc vùng 2 Chiến thuật. Ba năm cuối, trước khi rã ngủ làm phóng viên chiến trường vùng IV. Hai lần bị thương: Lần thứ nhất, Tết Mậu Thân, khi tham dự giải cứu Qui Nhơn, Lần thứ hai, 1969, khi tấn công lên đồi Kỳ Sơn Bình Định. Bốn năm 'cải tạo' dưới chính thể Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Vượt biển. Năm 1980 định cư tại Hoa Kỳ. Đi học lại, tốt nghiệp Cao Học Toán. Trở thành chuyên viên điện toán cho công ty điện thoại AT&T và IBM. Hiện nay đã hưu trí. Khởi viết năm 1964 trên các báo: Bách Khoa, Văn, Bộ Binh, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức, Đời, Trình Bày, Thời Tập...Tại hải ngoại có bài trên NhânVăn, Hồn Việt, Dân Quyền, Độc Lập, Lửa Việt, Phụ Nữ Diễn Đàn, Sóng,Văn Học, Quê Mẹ, Đời Mới, Sóng Văn, Văn, Chủ trương đặc san Thư Quán Bản Thảo, nhà xuất bản Thư Ấn Quán từ năm 2001 đến nay (2011) tự in và tự phát hành theo phương pháp Book-On-Demand tác phẩm của mình và của nhiều văn thi hữu, trong và ngoài nước, trên cả trăm đầu sách. Chủ trương Tủ Sách Di Sản Văn chương miền Nam với Bộ Văn Miền Nam gồm 4 tập tổng cọng 2300 trang và Thơ Miền Nam gồm 5 tập tổng cọng trên 3000 trang…..
tác phẩm đã xuất bản :
trước 1975:
Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang (tập truyện,Ý Thức,1968),Những Vì Sao Vĩnh Biệt (tập truyện, Ý Thức,1970), Ngọn Cỏ Ngậm Ngùi (tập truyện,Tiếng Việt,1971), Một Nơi Nào Để Nhớ (tùy bút, Con Đuông, 1974)
sau 1975:
Ra Biển Gọi Thầm (tập truyện,1995)
Ban Mê Thuộc Ngày Đầu Ngày Cuối (tập truyện,1997)
Về Hướng Mặt Trời Lặn (tập truyện,1998)
Thơ Trần Hoài Thư (thơ,1998)
Mặc Niệm Chiến Tranh (tập truyện)
Thủ Đức Gọi Ta Về (hồi ức, tái bản lần thứ tư)
Đại Đội cũ và Trang sách cũ (hồi ức)
Đánh Giặc ở Bình Định (hồi ức)
Đêm Rừng Tràm (tập truyện)
Thế Hệ chiến tranh (tập truyện)
Hành Trình của Một Cổ Trắng (truyện vừa, tái bản)
Ở Một Nơi trên Trường Sơn (tập truyện)
Qua Sông Mùa Mận chín (thơ)
Quán (thơ)
Ô Cửa (thơ tuyển toàn tập, tái bản nhiều lần)
Xa Xứ (thơ, 2010)
Truyện từ Bách Khoa (2011)
[]
-------------------------------------------------
trích lại từ https://banvannghe.com/
-------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét