Thái Tuấn, người hoạ sĩ của những khoảng trống
TRỊNH THANH THỦY
Tháng chín, trăng thu về vằng vặc, đẹp trội, sáng hơn bao giờ, soi rọi tâm tư hoài nhớ của những người tương tư cố hương. Tháng chín năm nay cũng là năm giỗ thứ 8 của hoạ sĩ Thái Tuấn, người được xem là một trong những tay cọ đã tạo nên một dấu mốc quan trọng đối với sinh hoạt hội họa ở Miền Nam Việt Nam. Người mà nhà phê bình hội hoạ Huỳnh Hữu Ủy gọi là “một bóng dáng lớn của nền nghệ thuật Việt Nam”. Vào những năm sau khi hiệp định Genève chia cắt đất nước làm hai miền được ký kết, văn học nghệ thuật miền Bắc bắt đầu chịu sự chi phối và định hướng của nhà cầm quyền. Mọi sáng tác, nghệ thuật đều bị đặt vào khuôn phép và kiểm soát với mục đích chính trị phục vụ chủ nghĩa xã hội, khiến những sản phẩm tinh thần được tạo ra trở nên nghèo nàn, đơn điệu, đồng dạng, đến buồn thảm. Trong khi ở miền nam, nhờ không khí tự do và sự khát khao đổi mới, sinh hoạt văn học nghệ thuật rực lửa hơn bao giờ hết. Bộ ba Thái Tuấn, Duy Thanh và Ngọc Dũng đã xuất hiện như một luồng gió mới của ý thức tự do sáng tạo, thổi và góp phần thành tựu cho nền mỹ thuật hiện đại Miền Nam. Vào những thập niên 60-70, nhóm Sáng Tạo và Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam ra đời.
chân dung tự hoạ, 1960 -- (Sáng Tạo bộ mới, Sài Gòn)
Tên thật của Thái Tuấn là Nguyễn sinh Công. Sinh 1918 tại Hà nội. Theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, rồi bỏ dở. Sau hiệp định Genève 1954, ông cùng gia đình vượt tuyến vào Nam, sống bằng nghề vẽ quảng cáo vào những năm 1955- 1956. Triển lãm đầu tiên của ông vào 1958 ở Pháp văn đồng minh hội, gồm 40 họa phẩm sơn dầu. Những bức tranh như, Người Thiếu Phụ Cầm Quạt, Lễ Phục, Thôn Nữ, Người Phu Trạm…được nhắc nhở nhiều đến trong cuộc triển lãm như một đặc trưng của nỗi lòng tư hương. Sau này trong hầu hết những tác phẩm khác, ý niệm hoài hương vẫn bàng bạc trong tranh ông, từ Bắc vào Nam, từ Việt qua Pháp. Ngoài việc vẽ tranh, Thái tuấn còn là một nhà nhận định và phê bình mỹ thuật xuất sắc nhất Sài Gòn thời đó. Ông thường có mặt trong các Hội đồng giám khảo mỹ thuật quốc gia. Và dĩ nhiên lá phiếu của ông có tầm rất quan trọng cho các tài năng mới như Nguyễn Trung, Nghiêu Ðề, Nguyễn Phước, Ðinh Cường, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Trịnh Cung… Triển lãm sau cùng của ông được tổ chức ở phòng tranh Tự do tại Sài Gòn. Ông ra đi vào ngày 26 tháng 9 năm 2007, tại chính căn nhà, nơi ông từng bắt đầu sống những ngày đầu tiên ở Sài Gòn sau cuộc di cư năm 1954.
Tháng chín, đêm xuống, gió nhớ ai, mà vườn sau, ngát hương chanh, hương bưởi. Trăng giữa mùa động tình ôm trọn bờ ngực xanh của những trái đồi xao xác đám lá uá rụng đêm. Hữu tình làm sao, người hoạ sĩ năm nào lại chọn đúng tiết thu, trăng sáng mà ra đi nhỉ? Nàng Hằng trên cao, như rực rỡ cười, chào đón người hoạ sĩ đi về chốn thâm trầm, tịnh mặc, xa cuộc đời xao động. Hay nàng vừa xuống trần gian mà lung linh bước vào tranh Thái Tuấn như những ngày tháng cũ? Phải nói là những người thiếu nữ trong tranh Thái Tuấn có một nét u mặc, mơ huyền, dịu dàng, đằm thắm, vừa xa vắng, mông lung, vừa như ẩn như hiện tựa vầng trăng.
Sống trong thời đại kỹ thuật cao với khối óc người thưởng ngoạn mở rộng nhờ liên mạng và máy vi tính ngày nay, có lẽ hơi khó cho chúng ta trở về thời điểm năm mươi mấy năm xưa để sống cái không gian mà những người hoạ sĩ tiền phong Thái Tuấn đã sống. Xem tranh Siêu thực của Salvador Dali, Frida Kahlo hiện đại, chúng ta nhớ tới cội nguồn tranh biểu hiện Cezanne, Van Gogh. Xem tranh của Thái Tuấn để hay, để biết về một cột mốc quá khứ của mỹ thuật Việt Nam ngày xưa cũng là một nhắc nhớ rất gợi hình. Đặc biệt là tranh thiếu nữ của ông.
- khăn Quàng-- sơn dầu, 1992
Hầu như tất cả các nam hoạ sĩ, ai cũng có tranh vẽ thiếu nữ. Thái Tuấn không ngoại lệ. Người phụ nữ Việt Nam đặc trưng có mặt trong tranh ông, lại nhiều hơn bao giờ hết. Họ thường xuất hiện trực diện, một mình, với một vài nét phác, đôi mắt, cái miệng, mái tóc và phần lớn không gian còn lại chừa cho màu sắc và tà áo cùng dáng dấp làm chủ. Ông chuộng màu xanh(yên bình, trang nghiêm), xám(tĩnh lặng, ôn hoà), và những màu buồn, như trong bức này. Người thiếu nữ mặc áo dài đứng trước gió(chân dung Khánh Ly), màu xám của lá và màu xanh của nền tranh làm nổi bật màu trắng tinh khiết(gợi sự quyền uy) của chiếc áo và viền sọc đen của chiếc khăn quàng. Có vẻ như Thái Tuấn thích khăn quàng, tôi bắt gặp khăn quàng hiện diện trong tranh ông, ít nhất là 9,10 bức. Chiếc khăn quàng bằng lụa hay len là một vật làm dáng rất được ưa chuộng ở phương Tây được du nhập vào Việt Nam. Trong nghệ thuật tạo hình, nó cũng là biểu tượng của sự thanh lịch, trữ tình và nhất là sự linh động khi bay. Khí lạnh của Hà Nội, Thanh Hoá, Orléans (Pháp), trong những nơi ông đã sống qua cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tranh ông. Sự giao duyên văn hoá giữa Âu và Á thể hiện đều đặn như nét đẹp và buồn lãng mạn(Romanticism) phảng phất đâu đó trong tranh biểu hiện(expressionism) của ông. Ông đã cô đọng hết tinh túy Á Đông vào hội hoạ Tây Phương để hình thành một phong cách riêng và trung thành với một lối vẽ trong suốt một đời cầm cọ, cho tới khi nhắm mắt.
- thiếu nữ, 1992
Em tôi đi
Màu son lên đôi môi
Khăn san bay
Lả lơi trên hai vai.
Màu son lên đôi môi
Khăn san bay
Lả lơi trên hai vai.
Gởi người em gái/Đoàn Chuẩn-Từ Linh
Chiếc khăn san trắng buông hờ, quàng nhẹ bên vai ngiêng đã tạo nên một dáng ngồi khoe duyên trong tà áo dài vàng nổi bật trên nền xanh của tranh vẽ. Tranh ông giản dị, người phụ nữ của ông kín đáo, đơn sơ nhưng sang cả, thùy mị, đoan trang và sâu sắc. Cô gái Hà Thành một thời, mặc áo dài, vai quàng khăn san, tóc vén mai cặp buông lơi sau lưng, dáng mảnh mai trong mưa xuân đã là giấc mơ của nhiều chàng trai Hà Thành hào hoa năm xưa. Ông đã thể hiện giấc mơ và những nét rất duyên của người con gái đất ngàn năm văn vật ngày còn vang bóng. Ông cắt nghĩa cho lối hoạ thiếu nữ của mình “Tôi chủ trương ít màu, ít nét. Khoảng trống bao la. Ðể nhờ chiếc áo dài tuyệt đẹp nói hộ sự đoan trang về tâm hồn sự sâu sắc nên thơ của mọi người nữ Việt Nam. Chiếc áo dài của ta, lạ lắm. Khi người đàn bà mặc vào, lúc đi lúc đứng lúc ngồi, nằm, mọi đường nét của chiếc áo chuyển động tạo nên những đường nét khác nhau vô cùng duyên dáng. Chẳng cần phải vẽ thêm màu mè, hoa lá.”
Trăng khi ẩn, khi hiện, chiếc mũi là mùi hương, ông đem dấu đi, ông thường vẽ thiếu nữ không mũi, không mùi, chiếc cổ thanh tân thay bằng khăn san. Trong khi vào thập niên 60, 70, tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh Tây Phương thâm nhập vào không khí hội hoạ miền Nam. Những Nguyên Khai, Đinh cường vẽ thiếu nữ với chiếc cổ dài quá khổ. Ảnh hưởng của Amedeo Modigliani lan tràn khắp thế giới tạo hình. Các hoạ sĩ trẻ Sài Gòn đã một thời tôn ông làm thần tượng(Hoạ sĩ Trịnh Cung tiết lộ), đến nỗi nét đặc trưng của Nguyên Khai trong tranh thiếu nữ là chiếc cổ dài.
Thơ và nhạc ảnh hưởng rất lớn trong tranh Thái Tuấn, trong hoạ có thơ, trong tranh có nhạc. Ông thích thơ Jacques Prévert, Quách Thoại, nhạc Phạm Duy, nhạc Trịnh Công Sơn. Ông vẽ chân dung của họ qua phong cách, hình ảnh của chính mình mà ông gọi là hoá thân.
Từng chiếc ba cây diêm phựt cháy trong đêm
Cây thứ nhất để nhìn trọn khuôn mặt em
Cây thứ hai để nhìn đôi mắt em
Cây cuối cùng để nhìn môi em
Và bóng tối dầy đặc để anh nhớ lại tất cả
Khi ôm em trong tay.
(Paris at night/ Jacques Prévert)
- hoá thân 2, 1982 -- (Trịnh Công Sơn)
Ngoài tranh thiếu nữ và chân dung, ông còn vẽ tranh phong cảnh và tĩnh vật. Thế giới thiên nhiên và tĩnh vật trong tranh ông thường dạt dào tâm cảm, lặng lẽ và u hoài. Vì chủ trương đơn giản đến tận cùng, hình khối, âm ngữ là chính nên khoảng trống trong tranh ông lại càng mênh mông hơn. Ông tâm sự trong một buổi phỏng vấn “Về lối vẽ của tôi, tôi chú trọng đến tinh thần đơn giản, thanh đạm, muốn dùng rất ít đường nét, rất ít màu sắc và ưa để những khoảng trống lớn trong tranh.”
Cuối cùng, ông cũng đã lên đường ra đi về nơi những khoảng trống trong tranh ông. Những khoảng lặng chất đầy thơ mộng và giấc mơ trần gian đó, giờ là chất “rỗng”, an nhiên và thảnh thơi ở cõi tịnh. Nhân ngày giỗ ông, tôi xin thắp nén hương cho khói toả đến khoảng chân trời xa ấy một lời cầu nguyện chân thành.
Trịnh Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét