(Lưu trữ của THT)
Căn nhà nhỏ nằm giữa một khu xóm đông đảo mà muốn tới nơi người ta phải đến phố Yên Đỗ rồi đi sâu vào cái ngõ chừng hơn trăm thước nữa. Ở đấy một gia đình đã sống yên vui từ ngày di cư vào Nam đến giờ. Cứ kể ra thì căn nhà ấycũng giống như trăm ngàn căn nhà bình dân khác nếu trên vách không có những bức tranh đầy màu sắc treo sát bên nhau cùng mang một chữ ký quen thuộc: Thái Tuấn. Nếu có ai bước vào thì từ ngưỡng cửa đã thấy bên những hàng sách xếp trên giá gỗ, bình bút sơn gầy guộc vươn lên cùng với chiếc bảng pha màu nằm hiền hòa bên cạnh.
Thì ra “rất gần gũi với cuộc đời”, căn phòng nhỏ bé này vừa là phòng khách mà cũng là nơi làm việc của họa sĩ Thái Tuấn.
Tôi đến thăm họa sĩ một buổi sáng khá đẹp. Rất giản dị trong bộ quần áo bà ba đen họa sĩ đã niềm nở trong câu chuyện nghệ thuật lý thú. Một đôi mắt sáng hóm hỉnh, một cái mồm thiếu mất hai răng cửa, một bàn tay nắm chiếc tẩu thuốc lá. Đó là cái hình ảnh đầu tiên mà tôi thấy ở Thái Tuấn. Có ai ngờ rằng trong con người hòa nhã, mảnh khảnh đó lại chứa một sinh lực sáng tác, một quan niệm nghệ thuật vững chắc. Có thể nói trong số những họa sĩ ở Sàigòn thì Thái Tuấn có một căn bản về hội họa vững vàng nhất. Điều tôi đã nhận thấy trong lúc nói chuyện cũng như nhận thấy trong các tác phẩm của họa sĩ.
Là con trưởng trong gia đình có sản nghiệp, có đức tin, Thái Tuấn sinh tại Hà Nội năm 1918 với tên thật là Nguyễn Sinh Công. Ông đã từng theo học ở trường Mỹ Thuật Hà Nội khoảng 1939-40. Nhưng vì sớm nhận thấy rằng tất cả những lý thuyết trường qui không mang lại cho ông một ý niệm gì mới mẻ, trái lại chỉ làm cằn cỗi thêm những tâm hồn đáng lẽ cần được trau dồi một cách khác, để phát triển cái cá tính tiềm ẩn bên trong, vì thế ông đã thôi không theo học ở trường nữa. Bắt đầu từ đấy Thái Tuấn chỉ còn biết đơn thương độc mã trong rừng nghệ thuật sống. Ông đọc sách, làm quen với các khuynh hướng nghệ thuật cổ kim thế giới, những trường phái mới ở Âu châu đã khuynh đảo cả nền hội họa cổ điển như Dã Thú, Lập Thể, Ấn Tượng… và cũng từ đấy những tên tuổi của các bậc thầy bên trời Âu đã bắt đầu được Thái Tuấn ghi nhận trong đáy lòng: Van Gogh, Gauguin, Picasso, Matisse, Modigiliani… toàn là những nguồn ánh sáng, những tinh hoa của nền họa cận đại. Trong thâm tâm, họa sĩ có lẽ đã thầm nhủ rằng một ngày kia sẽ vượt lên cái mức tầm thường, cái phạm vi nhỏ bé của trường Mỹ thuật để tới một cái gì. Trong những năm ấy Thái Tuấn còn đau khổ trong tình trạng dò dẫm một con đường đi, giữa lúc mà bao nhiêu lý thuyết khoa trường còn ăn sâu trong iềm thức. Ông đã chứng tỏ một thái độ can đảm mặc dầu tác phẩm của ông hồi ấy chưa mang một sắc thái rõ rệt. Dầu cho con đường nghệ thuật còn dài nhưng nếu có một ý chí và một tâm hồn thì đạt tới cái đẹp thuần túy cũng không mấy xa xôi. Nhất là qua mười năm chiến tranh tàn hại, Thái Tuấn lại có dịp suy ngẫm thêm về đường lối nghệ thuật của mình cộng thêm với bao nhiêu kinh nghiệm mà ông đã sống.
Cho khoảng cuối năm 1954, sau khi ký hiệp định Genève, Thái Tuấn cùng gia đình vượt tuyến vào Nam. Đã đành không thể ở lại với cộng sản vì chế độ nhưng điểm chính hẳn là sự bất đồng trên bình diện nghệ thuật.
1955/1956: Sinh sống bằng nghề quảng cáo tại Sàigòn. Lẻ tẻ một vài tác phẩm ra đời. Trong thời gian này, Thái Tuấn gặp Duy Thanh, rồi Ngọc Dũng. Họ cảm thấy hợp nhau vì cùng một quan điểm nghệ thuật. Thế là có bạn đường. Thái Tuấn bắt đầu sáng tác nhiều hơn trước. Đồng thời ông còn cộng tác cùng Mai Thảo và viết một loạt bài về hội họa cho tạp chí Sáng Tạo.
Đầu năm 1958, Thái Tuấn triển lãm lần đầu tiên tại Hội quán Pháp văn Đồng minh với 40 họa phẩm sơn dầu. Và chính cuộc triển lãm này đã gây một tiếng vang trong giới yêu nghệ thuật. Nhà phê bình Huỳnh Văn Phẩm đã viết về những tác phẩm Thái Tuấn như sau trong tạp chí Sáng Tạo:
“Dưới áp lực một cường độ sáng tạo, một sức cự tuyệt dồi dào phong phú, Thái Tuấn đã chắt lọc những hình sắc ấy dưới những chiều ánh sáng mới mẻ - ánh sáng của khiêm nhường của niềm tin - cấu tạo nên những tác phẩm trong đó họa sĩ Thái Tuấn như không kịp tìm tới những sảo diện. trung thực với những biểu hiện sơ yếu, ngẫu phát, tác phẩm biểu lộ dưới những hình sắc đột ngột, trần trụi, trong một đơn phác không sảo diện nhưng tinh diệu như thần khải. Theo dòng thần khải ấy, những hình sắc tin yêu đã biểu lộ như những mẫu tượng (madone) mới, khuôn theo niềm tin trong trình hạn hiện tại của Thái Tuấn. Thần tượng tươi cười măng trẻ, mặc dầu trong khung cảnh trần trụi nhất cũng lộng lẫy yếm thắm má hồng đỏ da thắm thịt.
“Đó là một khía cạnh của tác phẩm Thái tuấn, coi như khía cạnh khiêm nhường của người tín đồ Thái Tuấn.
“Thực vậy, rũ bỏ hiện thực, Thái Tuấn như mang một hoài vọng vượt giới vật, đi sâu vào bản nghĩa để tới vũ trụ vô biên, vượt qua những tìm tòi, qua những tháng năm, vươn lên cấu tạo hình sắc trên bình diện tác phẩm lấy làm nơi gặp gỡ tốt lành của những chiều sâu ảo diện vô hạn với những bề rộng tung hoành vô biên. Như vậy để tiếp nối với truyền thống cao đại của hội họa Đông-Tây.”
Nói tới tranh của Thái Tuấn thì những ai theo dõi nghệ thuật ông đều nhớ tới những dáng người (phần đông là đàn bà) được họa sĩ ưa diễn tả. Quả vậy, về cảnh vật họa sĩ vẽ tương đối rất ít. Về màu sắc họa sĩ ưa dùng những “gam” màu xám, những màu dịu dàng hợp với lối vẽ hiền hòa của ông.
Tôi bỗng hỏi: Trong lúc vẽ họa sĩ có cần người ngồi kiểu mẫu hay không?
- Tôi chỉ ghi lấy những dáng điệu, những khuôn mặt, những khung cảnh mà tôi thích bằng một vài nét chì trên giấy. Lúc sáng tác tôi dùng trí tưởng tượng để bổ khuyết thêm vào. Như thế theo ý tôi linh động hơn.
Tôi nhìn quanh phòngngạc nhiên thấy họa sĩ không có cả giá vẽ. Hỏi, thì Thái Tuấn hóm hỉnh trả lời: Tôi chỉ cần dựa tranh vào tường, trên cái giá sách kia là có thể vẽ được rồi. Vì nhà thì hơi chật mà tôi lại có bốn cháu trai.
Tôi nói thêm: Có lẽ họa sĩ nên nói thêm về quan niệm sáng tác để đọc giả “Trẻ” hiểu thêm về đường lối vẽ chẳng hạn.
Đôi mắt bỗng sáng lên, Thái Tuấn nhìn một lượt những tranh của mình và nói bằng một giọng say mê:
- Nói đến hội họa là nói đến sáng tạo. Sáng tạo không phải là chép lại sự vật, bắt chước đúng như thiên nhiên, vì nói đến sự bắt chước là nghĩ tới chuyện làm giả. Làm bạc giả, làm rượu giả, làm, thuốc giả hay giả thiên nhiên cũng vậy. Tác phẩm hội họa nào cũng bắt buộc phải có một phần rút ở sự thực và một phần lý tưởng. Vậy cái phần thực ở hội họa là gì? Thí dụ một bức họa vẽ một người. sự thực con người ở đây không phải bằng xương bằng thịt nhưng chỉ là những hình ảnh con người nói chung. Nghĩa là khi họa sĩ nhìn vào một người, nhận lấy cảm xúc do con người mang lại cộng thêm vào đó phản ứng của tâm hồn mình, tư tưởng mình. Đó là cái thực, một cái thực chủ quan. Cái phần thứ hai là phần lý tưởng. Khi đã thu nhận được cái phần thực của chủ quan mình thì trí tưởng tượng của nghệ sĩ nương theo đấy, lấy đấy làm điểm khởi hành để xây dựng và thực hiện một ý niệm, một lý tưởng mong muốn.
Tôi đã gặp nhiều người học vẽ, ngồi trước cảnh vật hết sức chú ý để ghi chép, say mê để ghi chép đến nỗi quên nhìn cảnh vật. Những người này nếu lấy sự vẽ làm thú tiêu khiển, hoặc là một thứ giải trí sau khi làm việc mệt nhọc thì những kẻ đó chắc là những con người sung sướng. Nhưng nếu họ muốn hành nghệ hẳn hòi thì thực đáng buồn vì họ sẽ là những con ngừoi khổ sở đáng thương hại. Bước đầu mới bước chân vào địa hạt văn nghệ thì thấy dễ. Người ta rất có thể tạo một số bản nhạc vui tai sau khi đã chịu khó học tập luật lệ ký âm pháp. Người ta cũng rất có thể nặn một bức tượng coi được nếu học qua về điêu khắc. Còn về văn chương cũng có thể viết được nếu đọc nhiều, bắt chứơc lối hành văn cho giỏi. tất cả những sản phẩm đó: hoặc là bức tranh vui mắt, một bản đàn êm tai, một bức tượng xinh xắn hay một cuốn tiểu thuyết đọc để giết thì giờ thì cũng vẫn chẳng là cái gì cả. Làm công việc hội họa mà chỉ bó tròn, thu hẹp trong phạm vi kỹ thuật, nguyên tắc là tự hạn chế kìm hãm mình trong vai trò của một người thợ, của một văn công. Muốn tiến tới xa hơn và sâu hơn trong địa hạt nghệ thuật tôi cho rằng không thể đứng riêng rẽ trong phạm vi hội họa mà tìm được đường lối. Tất cả các bộ môn văn nghệ đều bổ khuyết cho nhau. Phải nương tựa vào nhau và tìm hiểu lẫn nhau. Hội họa không có âm nhạc là hội họa điếc. Âm nhạc không có hội họa là âm nhạc mù.
Đến đây Thái Tuấn cười và tiếp:
- Tất nhiên là công việc về nghệ thuật không thể giao phó cho một người thợ, dù là bác thợ giỏi. Người thợ làm nhiều suy nghĩ ít. Còn người nghệ sĩ suy nhĩ nhiều hơn làm.
Họa sĩ còn cho biết thêm rằng từ mấy năm nay ông chỉ sáng tác được chừng non trăm tác phẩm. Có nhiều bức vẽ đi vẽ lại nhiều bận. Kết quả có khi một bức mang theo hai, ba bức tranh cũ dưới tầng sơn mới vẽ.
Sang tới năm 59, Thái Tuấn bắt đầu dễ chịu vì nghề vẽ của mình, vì có một số người ngoại quốc hâm mộ tài nghệ tới mua tranh đều đặn. Ngoài ra họa sĩ còn viết giúp cho đài phát thanh Quốc gia trong những mục nói về nghệ thuật.
Tôi lại hỏi một câu cuối cùng:
- Hoạ sĩ dự định triển lãm nữa?
- Có chứ. Hoặc là cuối năm nay hoặc là đầu năm 1960 nếu có trường hợp thuận tiện. Tôi sẽ bày một số tranh mới nhất, vẽ từ hai năm na
source: Trẻ, số 5/1959
--------------------------------------
trích lại từ Du Tử Lê's blog
--------------------------------------
trích lại từ Du Tử Lê's blog
--------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét