Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

bài liên quan : ' nhớ về anh dương hùng cường + những tháng năm ấy ... / ngọc tự ( houston) -- trích từ NGUYỆT SAN VIỆT NAM

Nhớ về anh Dương Hùng Cường + những tháng năm ấy ...

 ngọctự

clip_image002
nh : https://hoanghaithuy.wordpress.com



rượu ngày giỗ bạn

chén âm dương vỡ giữa đời
thoảng quanh men rượu ngỡ người bên mâm
cuồng say thôi cũng âm thầm
nhắp môi uống nốt mê lầm phù sinh
Sàigòn tháng 01/1989
ngọctự
(ngày giỗ đầu anh Dương Hùng Cường)
ngọc tự


Tháng 12 năm 1969, tôi thực sự bắt đầu đời lính tại văn phòng Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị/Bộ Tư lệnh Không quân Tân Sơn Nhất. Nhiều buổi sáng nơi thời gian ấy tại chỗ để xe ngay trước cửa văn phòng, khi cúi xuống khóa xong chiếc xe gắn máy và ngửng đầu lên, tôi thường được đón nhận lời chào hỏi thân mật, cùng một nụ cười vui kèm theo cái nháy mắt của một ông chuẩn úy đứng tuổi, dáng người cao to có vẻ hơi khệnh khạng, cũng vừa dựng chiếc Honda 65 mầu đen ngay bên cạnh. Cũng ông này, ngay hôm đầu tiên tôi đến văn phòng trình diện và gặp nhau ngoài hành lang của tòa nhà, đã chỉ cho tôi phòng Văn thư và bằng giọng từ tốn kẻ cả, nói với tôi rằng sao không ở nhà đi học mà lại bước nhầm chỗ vào đây. Quả thật, lúc đó tôi cũng thấy hơi hậm hực vì chẳng hiểu cái nhà ông ma cũ này muốn ra vẻ điều gì với anh chàng lính mới tò te đây. Đâu biết chức vụ của ông ở văn phòng ra sao và tôi thoáng nghĩ rất nhanh đến hình ảnh một ông thường vụ đơn vị.
Ít lâu sau khi bắt đầu thân quen với anh Dương Hùng Cường, tôi hỏi lại về chuyện cũ ấy thì anh cười, cũng nụ cười vui kèm theo cái nháy mắt, rồi nói rằng nhìn tôi khi đó giống như một cậu học sinh trung học mặc quần áo lính hơn là một ông tân chuẩn úy vừa mới ra trường về nhận nhiệm sở. Năm tháng này, tôi cũng đã hai mươi mốt hai mươi hai tuổi rồi chứ ít gì, nhưng không lẽ khuôn mặt dù có đeo cặp mắt kính cận thị, vẫn còn non trẻ quá dưới mắt nhìn của anh. Chưa hết, lúc đã được giao tiếp với anh nhiều hơn về sau, lắm hôm gặp anh trong quán bún bò dưới khu khu gia binh khi đi ăn sáng, anh hay nói với cô chủ quán quen làm thêm cho anh ly cà phê sữa, nhưng không cần đổ sữa vào vì chỉ cần nhìn mặt tôi là thấy đã có đủ sữa rồi. Đấy là sự đùa vui thân mật của anh, còn thường ra anh có thói quen vẫn hay uống một chai la de Con Cọp loại lớn vào buổi sáng, theo cách nói của anh là để súc miệng.
Cùng khi đó, tôi biết anh là ông Dê Húc Càn, người phụ trách mục Cà kê dê ngỗng của tuần báo trào phúng Con Ong mà tôi có đọc hàng tuần. Anh còn ký một tên nữa là Lão Dương nơi các bài viết khác. Cà kê dê ngỗng là trang báo châm chọc chế diễu đủ loại khuôn mặt trong xã hội đương thời với các tình tiết sự việc liên quan và có số lượng độc giả đáng kể.
Thời gian ấy, tôi cũng không hiểu do đâu mà anh lại có thiện cảm với tôi và nào biết trước được rằng từ chỗ thân quen ban đầu như thế, anh và tôi sẽ lại tiếp tục giao tình nhiều hơn với nhau cho tới mãi tới những tháng năm sau này. Một phần, chắc là anh thấy tôi hay đi chung với mấy anh em trong nhóm các cây bút của tập san Lý Tưởng Không quân như Khải Triều, Kiêm Thêm, Phan Lạc Giang Đông, Minh Triệu_Ngô Văn Đắc, Trần Kim Nho, Thanh Chương, Hoàng Bá Thủy…mà anh cũng có thân tình từ trước nên tự nhiên tôi được ăn theo chút gì đó chăng. Phần khác, có thể vì khi chuyện trò buổi sơ giao, tôi đã nhắc tới mấy chi tiết về nhân vật Pi lốt Thái Bình trong quyểnBuồn vui phi trường của anh, từ đó dễ lấy được cảm tình của ông nhà văn nhà báo, có tiếng lừng khừng và kén chọn trong việc giao tiếp với những người cùng đơn vị. Trong thâm tâm tôi đoán rằng anh nhận rõ cách cư xử biết trên dưới và trọng kính người lớn tuổi của tôi, qua việc luôn giữ một khoảng cách cần thiết, không có sự vồn vã tự nhiên thái quá như thể tự cho là ngang hàng với anh, thường thấy nơi một vài anh em khác. Đây cũng là điều tôi luôn nhắc mình khi giao tiếp với những người vai bậc, ở mọi nơi chỗ, ngay cả lúc đã có độ thân thiết gần gũi đến đâu đi nữa.
Qua mấy người cùng phục vụ ở văn phòng Chiến Tranh Chính Trị với anh từ nhiều năm trước, cũng như qua lời anh kể, tôi biết anh đã có chiều dài mười mấy năm thâm niên quân vụ và là một ông Thượng sĩ kỳ cựu, mãi rồi cũng mới lên Chuẩn úy được ít lâu. Anh nhập ngũ vào Không quân năm 1953 từ hồi còn ngoài Bắc và thoạt đầu tiên là ứng viên hoa tiêu, nhưng lúc sang Pháp học thì lại chuyển sang kỹ thuật rồi trở thành một chuyên viên Kiểm soát Không lưu. Trước khi thuyên chuyển về phòng Tâm Lý chiến / Bộ Tư lệnh Không quân hồi 1965, anh có thời gian phục vụ khá lâu tại phi trường Biên Hòa, với công việc chuyên môn là ngồi trên lầu gương (đài Kiểm soát Không lưu) hướng dẫn các phi cơ lên xuống.
Dễ dàng nhận ra anh là một con người đầy cá tính, có vẻ hơi lè phè ngang ngang, như thể bất cần đời. Nói theo kiểu nhà binh thì dễ bị xếp vào loại ba gai, nhưng thật ra anh rất phóng khoáng đầy nghệ sĩ tính, ưa đùa tếu và châm chọc người này người kia, lại còn như luôn ẩn chứa trong người một chút bất mãn nào đó thì phải. Và dường như cũng chính các điều ấy đã đem đến cho anh nhiều bất lợi và phiền phức, cùng sự rắc rối trong binh nghiệp cũng như trong sinh hoạt báo chí, nhất là qua những bài viết hàng tuần của anh trên tờ Con Ong. Người quý mến anh thì nhiều mà người ghét anh dĩ nhiên cũng không phải là ít.
Có một chuyện để hiểu thêm về cá tính của con người anh, đó là người cùng khóa khi vào lính với anh ngày nào giờ lại chung đơn vị, đã lên Thiếu tá và thời điểm ấy là ông sếp của tôi tại văn phòng (thiếu tá Bùi Hoàng Khải, Trưởng phòng Kế hoạch & Chính huấn), trong khi anh thì mãi rồi cũng chỉ mới thay được cái lon Thượng sĩ bằng lon Chuẩn úy.Tuy vậy, với anh thì vấn đề này chẳng lấy gì làm quan trọng cho lắm. Sự gập ghềnh trong đường lon lá quân ngũ của anh, còn do một nguyên nhân khác là vì anh đã không chịu tham dự việc thụ huấn các khóa tu nghiệp theo yêu cầu.
Sếp tôi kể rằng hồi ở quân trường bên Pháp, anh Dương Hùng Cường nằm giường trên và sếp tôi thì ở dưới. Và mỗi tối cuối tuần, ông khóa sinh nằm giường trên này luôn luôn về phòng lúc đã khuya, nhiều hôm có tí men nên khi chuếnh choáng leo lên giường cứ dẫm đạp bừa phứa. Gặp phải sự phàn nàn là cà khịa lại ngay, có nhiều lần suýt xẩy ra thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau đến nơi, may thay đều được can ngăn kịp thời. Hỏi anh về chuyện nơi tháng ngày đi Tây ấy thì anh nháy mắt cười hể hả khoái trá.
Khi anh được thuyên chuyển từ Biên Hòa về Phòng Tâm lý chiến Khối Chiến tranh Chính trị Bộ Tư lệnh Không quân, để góp phần hình thành ban biên tập trong vai trò phụ trách tòa soạn, và là một trong những cây bút chủ lực cho tờ Lý Tưởng Không quân ngay buổi đầu, vào năm 1965 thời Trung tá Vũ Đức Vinh. Rồi tưởng chừng sẽ gắn bó lâu dài với nơi đây, nhưng cũng chỉ được vài năm. Sau khi Trung tá Vũ Đức Vinh ra phụ trách Đài Phát thanh, tiếp đến qua những lần thay đổi nhân sự phụ trách tờ báo, anh đổi xuống Phòng Thông tin Báo chí và ngồi ở đây suốt mấy năm liền cho đến khi xẩy ra chuyện như sau này, đưa đẩy anh sang một khúc quanh khác. Tôi quen biết anh vào thời điểm ấy, lúc bắt đầu đời lính Không quân của mình.
Đây là quãng thời gian tương đối bình lặng của anh, và anh sống với thế giới văn nghệ báo chí bên ngoài nhiều hơn là với công việc đều đặn, cùng khung cảnh gò bó tại chỗ làm việc. Và chính sinh hoạt bên ngoài ấy mới giúp anh có thêm điều kiện về tiền bạc để lo toan cho một gia đình có các con còn nhỏ, trong lúc chị Vũ Hoàng Oanh, bà xã anh là cô giáo dậy đệ nhất cấp, lương bổng hàng tháng thì cũng chừng mực trong giới hạn.
Đặc biệt anh chỉ thich đội mũ calô xanh chứ không phải mũ lưỡi trai đen như số đông dân Không quân văn phòng. Anh nói đấy là thói quen lâu năm rồi, nhưng còn một lý do nữa là loại mũ này dễ cất gọn trong cốp xe. Anh mách nước cho tôi về việc nên có hai cái mũ, một sẽ để trên mặt bàn mỗi sáng khi vào làm việc và bất chợt cần lỉnh đi đâu, xuống khu gia binh tí chút chẳng hạn, thì đã có sẵn một mũ khác cất ở ngoài xe, như thế không bị để ý lắm đến sự vắng mặt trong chốc lát của mình tại văn phòng.
Tôi không biết về tâm trạng giữa các con người trong anh, một ông nhà binh tại đơn vị với những chi phối ràng buộc tất yếu về quân phong quân kỷ và một ông ký giả trào phúng của làng báo, có lối viết móc họng bạt mạng chẳng kiêng nể gì ai, bên cạnh đó còn có một ông nhà văn đã xây dựng và giới thiệu những nhân vật nổi bật qua nhiều trạng thái tình cảm tâm lý nơi từng trang truyện. Và có sự tác động lẫn lộn qua lại nào không giữa các con người ấy.
Anh em ở văn phòng kể lại rằng dạo 1968, sau biến cố Tết Mậu Thân rồi Tổng công kích đợt hai, đơn vị Cấm trại và Cấm quân liên tục. Có một tối, chắc cũng sau một chầu la de con Cọp vi vút tới nơi tới chốn dưới khu gia binh, rồi do thần tửu ma men đã bắt đầu nhập vào cùng sự căng thẳng dồn nén nào đó hay sao mà ông anh mình chỉ quần xà lỏn áo may ô, cứ giơ chân múa tay, đi tới đi lui ca hát nghêu ngao om sòm, rồi to giọng nói năng huyên thuyên đủ thứ chuyện rất dễ đụng chạm ngoài sân cờ. Ông Tướng Tư lệnh, khi đó là Thiếu tướng Trần Văn Minh (sau lên Trung tướng) đứng ở ban công trên văn phòng Bộ Tư lệnh nhìn xuống thấy hết tất cả và nhận ra anh, nên cho gọi người đưa anh vào đi ngủ. Ông Tướng cũng là một con người văn nghệ, rất yêu quý văn chương chữ nghĩa nên mới có cách giải quyết nhẹ nhàng dễ thương như vậy, chứ cứ thường ra ở nơi chỗ nào khác và cấp chi huy khác, thì không biết điều gì sẽ đến với anh.
Sau này, qua chuyện trò ở gia đình thì được biết thêm rằng cũng thời gian ấy, trên đoạn đường về gần tới nhà giữa đêm khuya vào giờ giới nghiêm, nhiều lần anh đã to tiếng cự cãi với toán Cảnh sát dã chiến trực gác tại cầu chữ Y và người thì nồng nặc hơi men. Đã quá quen mặt ông quan nhà binh có tuổi và là một ký giả tiếng tăm của làng báo, cư ngụ ở xóm nhà vùng Chánh Hưng nằm phía dưới chân cầu, vẫn thường chạy xe qua cầu rất lạng quạng trong đêm, có lần các anh em cảnh sát ở đây đã phải đưa anh về tận nhà, vì sau lúc bị chận lại tại trạm kiểm soát đã kéo công xẹc ti na (vòng rào kẽm gai hình ống xoắn), thì xe Honda cùng ông quan túy tửu đổ kềnh ra đường, coi như hết còn đi tiếp được nữa.
Khoảng cuối năm 1971, Thiếu úy Dương Hùng Cường lên trường Đại học Chiến tranh Chính trị Đà lạt theo học một khóa Sĩ quan Căn bản Chiến tranh Chính trị để điều chỉnh cấp bậc và rồi sau đấy lên Trung úy. Những tưởng từ đây mọi chuyện bắt đầu tiến triển êm xuôi tốt đẹp với anh, nhưng đến qua giữa năm 1972, anh vướng vào một vụ việc khá căng thẳng, khiến anh phải khăn gói ra Sư đoàn 3 Bộ binh ngoài Đà nẵng mất cả năm sau mới được về lại Không quân, nhưng phải đổi sang ngành khác, không còn ở Chiến tranh Chính trị nữa. Bối cảnh và đầu đuôi, cũng như diễn tiến sự việc, không nằm ngoài chuyện viết lách cùng với kiểu túy ngôn bất kể quân thần trời đất, dễ thấy nơi anh. Tôi còn nhớ ít nhiều những điều liên quan đến anh Dương Hùng Cường về chuyện ấy…
Vào thời điểm năm 1972, đất nước trải qua chiến sự mùa hè đỏ lửa, như thêm một nhắc nhớ nữa về sự vô cùng khốc liệt của chiến tranh, với mọi khổ hạnh đau thương và nỗi ám ảnh lo sợ thường trực trước những cái chết không rời. Sau dấu mốc này được vài tháng thì Không quân có đợt tuyển mộ Tân binh và Hạ sĩ quan kỹ thuật. Cũng dễ hiểu trạng thái tâm lý tự nhiên của các gia đình có con em ở vào độ tuổi động viên trong hoàn cảnh đó.Vì thế mà số lượng các bạn thanh niên tập trung tại khu vực cổng Phi Long để chờ nộp đơn ứng tuyển vào Không quân vô cùng đông đảo, có ngày dễ chừng lên tới con số hàng ngàn người. Cũng đã dự trù trước được tình trạng này và để tránh những điều tiếng dư luận không hay có thể xẩy ra, Bộ Tư lệnh Không quân đã cho thành lập một Hội đồng tuyển mộ để lo việc tiếp nhận đơn của ứng viên, tổ chức từng đợt thi cử rồi chấm thi và công bố kết quả. Ngoài Khối Nhân viên phụ trách chính, còn có đại diện của nhiều đơn vị, phần sở khác cùng tham gia. Về phía Chiến tranh Chính trị, tôi được văn phòng biệt phái tham dự Hội đồng đó.
Vào những ngày nhận đơn tại cổng Phi Long, ngoài nhiệm vụ phụ giúp việc hướng dẫn, giải thích mọi vấn đề cho các ứng viên cũng như tiếp nhận hồ sơ, tôi còn phải tiếp đón và kịp thời trả lời mọi câu hỏi hay thắc mắc của giới báo chí muốn biết mhững gì liên quan đến đợt tuyển quân này. Có thêm một sĩ quan nữa trong văn phòng ra tăng cường và được thay đổi luân phiên mỗi hai tuần. Anh Dương Hùng Cường ra ngoài cổng Phi Long với tôi trong một lần như thế. Công việc cũng khá mệt nhọc vì thời tiết nắng nóng và phải ngồi ở đó liên tục suốt ngày, từ sáng sớm cho đến chiều, khi giải quyết xong hết hồ sơ của vài trăm số thứ tự để nộp đơn đã được phát ra. Trong ngày, anh em chúng tôi chỉ kịp trao đổi với nhau vài câu lúc ra phía sau uống nước để nhấp giọng. Tôi nhớ sau một buổi chiều thật bơ phờ nơi thời gian này, anh Dương Hùng Cường rủ tôi đi ra phố uống bia, nhưng tôi đã thoái thác vì biết rằng những nơi chỗ anh thường lui tới ngoài Sàigòn với bạn hữu của anh trong giới văn nghệ báo chí, không phải là chỗ mà tôi có thể tham dự. Trước đấy, thỉnh thoảng tôi chỉ đi với anh đến những quán hàng loanh quanh trong phạm vi căn cứ Tân Sơn Nhất, mỗi khi có dịp.
Thế rồi chừng hai ba hôm sau, chưa tới đợt thay người, thì bất chợt một buổi xế trưa, có viên sĩ quan an ninh đến khu vực Ban tuyển mộ đưa giấy mời anh Dương Hùng Cường về trình diện Khối An ninh Không quân. Nét mặt anh hơi biến sắc và tôi cũng thấy giật mình, không biết chuyện gì đã xẩy ra. Rất nhanh, tự nhiên tôi thoáng nghĩ thầm, không lẽ anh lại dính dáng vào chuyện áp phe vặt gì đó trong việc tuyển mộ này.
Khỏi phải nói, văn phòng Chiến Tranh Chính Trị thật xôn xao và đủ thứ bàn luận, phán đoán. Mấy ngày tiếp theo mọi việc được rõ ràng hơn. Qua tin tức từ bên An ninh Không quân và do anh Trần Tam Tiệp dò hỏi thêm được các chi tiết, thì ra chỉ vì lời qua tiếng lại giữa anh và mấy ông Dân biểu trẻ trong Khối Quốc gia, là thành phần thân chính quyền ở Hạ viện, tại nhà hàng Thanh Thế nơi buổi chiều hôm ấy mà nên cớ sự. Và trong buổi chiều hôm ấy, chắc hơi men đã bốc lên ngất trời, rồi giữa cơn túy lúy, anh Dương Hùng Cường thốt ra vài câu nói mà những vị kia cho rằng xúc phạm nặng nề đến họ, cũng như cơ quan dân cử, đại để như thể anh sẽ bợp tai đá đít tất cả, dù có là ai hay ở đâu đi nữa gì đó…
Ngay hôm sau, lấy cớ này để làm to chuyện, các ông Dân biểu nhà mình liền thực hiện tiến trình báo cáo nội vụ sự việc đến các nơi cần thiết. Điều này chỉ là giọt nước tràn ly, vì vốn đã có sự để tâm hiềm khích anh từ lâu, qua những bài viết gây nên ân oán của anh trên tờ Con Ong, từng ít nhiều đụng chạm đến hoạt động nghị trường của họ.
Các giới chức thẩm quyền cao cấp vào cuộc với những chỉ thị gay gắt. Trong tờ trình về phía Không quân, đã cố gắng trình bầy những tình tiết mong giảm nhẹ phần nào tính chất vụ việc cho anh, nhưng rồi cuối cùng nguyên văn câu bút phê có chữ ký của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ghi bên cạnh tờ tường trình của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị như sau: “sĩ quan CTCT tuyên bố láo lếu, thuyên chuyển khỏi Quân khu”. Tôi có được nhìn thấy bản sao chụp tờ tường trình ghi hàng chữ đó gửi cho văn phòng Chiến tranh Chinh trị Bộ Tư lệnh Không quân. Trong vụ việc này còn có anh Nguyên Vũ, cũng mới thuyên chuyển về Cục Chính Huấn được ít lâu, không biết buổi chiều hôm ấy có nói năng điều gì, nhưng tôi nghĩ anh Nguyên Vũ bị vướng vạ lây vì ngồi chung bàn với anh Dương Hùng Cường trong cuộc rượu.
Thế rồi anh lên đường ra Sư đoàn 3 Bộ binh ngoài Đà nẵng và được giao cho làm sĩ quan Binh thực, đi kiểm soát các nhà ăn, thuộc Tổng hành dinh tại Bộ chỉ huy Sư đoàn. Trên thực tế, công việc chính thức như vậy nhưng một nhiệm vụ bên cạnh khác của anh là phụ trách viết bài tường thuật mỗi khi có các chiến thắng của đơn vị, rồi về gửi đăng tải trên báo chí ở Sàigòn.
Trước đó, Sư đoàn 3 Bộ binh thời Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, được biết đến như một đơn vị trừng giới, vì ngoài lực lượng quân số bình thường, còn gồm nhiều thành phần quân nhân phức tạp các cấp có vấn đề từ các nơi được thuyên chuyển về, hay những quân phạm, lao công đào binh…sau khi đã thụ án phạt kỷ luật xong được hồi ngũ, cho nên hiệu năng chiến đấu lả cả một vấn đề. Rồi trong chiến trận năm 1972 với vụ việc Trung tá Phạm Văn Đính dẫn Trung đoàn 56 của Sư đoàn đầu hàng giặc, gây nên một tổn thương lớn cho đơn vị và quân đội, đưa tướng Vũ Văn Giai đến chỗ mất chức rồi phải nhận một án phạt nặng nề.
Khi Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh về thay thế làm Tư lệnh, thì mọi việc được chấn chỉnh và cải tiến dần. Sư đoàn đã bắt đầu khởi sắc và có những chiến thắng quan trọng tại mặt trận. Điều này cần phải được giới thiệu và quảng bá rộng rãi để tạo lại uy tín cho đơn vị cũng như cổ võ sĩ khí cho quân nhân các cấp trong chiến đấu và phục vụ. Anh Dương Hùng Cường có mặt tại sư đoàn 3 Bộ binh giữa hoàn cảnh đó để nhận lấy công việc này và hoàn toàn nằm trong khả năng của anh. Cũng là điều tốt, chứ nếu không thì nào biết sẽ ra sao cho một ông Trung úy Không quân gần hai mươi năm lính, gốc ngành kỹ thuật lâu ngày, rồi ngồi ở văn phòng và chỉ cầm bút chứ chưa hề có được một ngày trực tiếp đối đầu với súng đạn.
Cũng phải nói là nhờ có thêm sự giới thiệu gửi gấm từ các giới chức thẩm quyền Không quân. Anh Trần Tam Tiệp, lúc đó còn mang lon Thiếu tá, đã lo liệu mọi chuyện trong việc này. Không những thế, ngay từ lúc nghe tin anh Dương Hùng Cường bị giữ tại an ninh Không quân, anh đã đôn đáo gõ cửa khắp nơi để dò hỏi và có thể làm tât cả những gì tốt nhất cho anh ấy. Anh Tiệp là một sĩ quan kỳ cựu, xuất thân khóa 2 Nam Định rồi đi học Không quân bên Pháp và có mặt ở quân chủng từ những ngày đầu thành lập. Đã từng trải qua nhiều chức vụ chỉ huy tại khắp các đơn vị Không quân, kể cả bên ngành an ninh, nên uy tín cũng như mối giao thiệp của anh Trần Tam Tiệp rất rộng rãi. Nhờ vào sự tận tình giúp đỡ đó mà anh Dương Hùng Cường có được nhiều dễ dàng thuận lợi hơn trong thời đoạn khó khăn đã gặp phải này.
Tôi cũng có giao tình như huynh đệ từ nhiều năm với anh Trần Tam Tiệp, qua việc cùng chung một sở thích là ham chuộng bộ môn bóng tròn. Cứ mỗi cuối tuần vào mùa tranh giải vô địch túc cầu hàng năm, hay những khi có các trận đá banh quốc tế, chúng tôi thường ngồi cạnh nhau tại sân banh Cộng Hòa để dự khán các trận cầu và trao đổi các bàn luận, đặc biệt ở những lần đội banh Không quân trực thuộc Ban Thể dục Thể thao văn phòng Chiến tranh Chính trị ra sân. Vì ông sếp của tôi tham gia vào sinh hoạt làng bóng ngoài dân sự và là Tổng Thư ký của Tổng cuộc Túc cầu, nên tôi vẫn phụ giúp ông chuyện này chuyện nọ ít nhiều trong công việc này. Nhờ đó, tôi có được một thẻ Thưòng trực để vào cửa xem đá banh quanh năm không phải mua vé. Anh Trần Tam Tam Tiệp rất thân quen với ông sếp tôi, nên cũng có một thẻ như thế. Là sĩ quan cấp tá, nhưng anh Trần Tam Tiệp thật xuề xòa bình dân đầy nghệ sĩ tính. Anh sinh hoạt văn chương báo chí và hơi kín tiếng vì khiêm hạ, nhưng là người luôn vui vẻ để sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người quen biết với tất cả tấm lòng và những gì có thể, nên ai cũng vô cùng quý mến anh. Anh không nói kể gì nhiều nhưng tôi biết được kết quả tốt đẹp của nỗ lực tích cực vận động, gõ cửa mọi nơi chỗ của anh để nhờ can thiệp, giúp đỡ cho anh Dương Hùng Cường…
Lần đầu tiên về Sàigòn sau khi ra đơn vị mới chừng vài tháng, anh Dương Hùng Cường ghé vào văn phòng thăm mọi người trong bộ quân phục tác chiến, đầu đội mũ vải rộng vành trông rất ngon lành và anh nói đang ở trong Đại đội trinh sát. Lúc ra ngoài cửa, tôi ghé tai anh hỏi nhỏ về số ruồi đã bị thanh toán, anh huých tôi và nháy mắt cười cười rồi nói khẽ… nhờ bạn mình tí, để yên cho nhau làm việc…

Khoảng một năm sau anh Dương Hùng Cường được về lại Không quân nhưng phải đổi sang ngành Hành chánh chứ không còn ở Chiến tranh Chính trị nữa và anh trở thành “học trò” của tôi.
Trước đấy, Không quân vẫn phải gửi sĩ quan Hành chánh sang thụ huấn bên trường Tổng Quản trị Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng sau rồi được phép mở riêng những khóa Sĩ quan hành chánh để kịp thời cung ứng nhân lực cho Quân chủng. Khóa sinh theo học là các sĩ quan mới ra trường và các sĩ quan hành chánh ở đơn vị, đã thâm niên cấp bậc nhưng chưa có Ám số chuyên nghiệp quân sự (danh từ nói về các ngành trong quân đội) để hợp thức hóa. Anh Dương Hùng Cường thụ huấn khóa thứ hai thì phải.
Trong nội dung chương trình huấn luyện kéo dài khoảng gần bốn tháng, ngoài phần chuyên môn Hành chánh Quản trị, hàng tuần còn có những giờ về Chiến tranh Chính trị và Lãnh đạo Chỉ huy do văn phòng Chiến tranh Chính trị phụ trách. Tôi được văn phòng phân công tham gia Ban Giảng huấn để đảm nhận các đề tài đó.
Thường ra khi theo học một khóa chuyên môn tại Sàigòn, là thời gian thảnh thơi và thư thả cho các sĩ quan khóa sinh, nhất là với những người mà gia đình ở ngay tại đây. Nhưng anh Dương Hùng Cường lại có vẻ khác mọi người đôi chút. Anh có vẻ trầm tư và rất chăm chú khi đều đặn có mặt ở phòng học, không hề vắng một buổi nào. Anh ngồi ngay bàn đầu và nói như thế để làm gương cho các sĩ quan khóa sinh trẻ và cũng khỏi mang tiếng anh em nhà với nhau. Tôi đoan chắc rằng cả năm trời phải xa mái ấm gia đình vì chuyện không đâu ấy, đã để lại trong anh nhiều suy nghĩ đắn đo hơn. Mãn khóa học anh được phân bố về sư đoàn 4 Không quân dưới Cần Thơ. Nơi đây không phải chỗ xa lạ gì lắm vì anh cũng có nhiều thân hữu quen biết ở đơn vị mới.
Lần sau cùng tôi gặp anh trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 là vào khoảng tháng mười hai năm 1974. Anh đi phép và ghé vào Tân Sơn Nhất thăm bạn hữu anh em. Xuống Khu gia binh uống cà phê, anh nói với tôi rằng đang bắt đầu chuẩn bị việc in ấn quyển Vĩnh biệt Phượng là tác phẩm thứ hai sau Buồn vui phi trường (sau đó quyển này vừa in xong chưa kịp phát hành thì 30 tháng Tư).Buổi sáng hôm ấy, tôi nhớ cũng có cả anh Nguyễn Đình Thiều, ở tờ Lý Tưởng phòng Tâm lý chiến cùng thời với anh Dương Hùng Cường dạo trước và đã thuyên chuyển đi Căn cứ Không quân Phan Rang mấy năm rồi. Thời gian đó, thiếu tá Sĩ Phú là Trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị ở đơn vị này. Anh Nguyễn Đình Thiều từ Phan Rang về và ghé qua Sài gòn trên đường ra trình diện Trại Cai nghiện ma túy của Quân đội ngoài Phú Quốc. Tôi được tin anh từ trần tại đây vào cuối tháng Giêng năm 1975.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 ập đến, tan tác chia lìa xa cách, biệt tăm tích tất cả, không một tin tức dấu vết gì của những tình thân một thời. Rồi những tháng năm tù đầy tiếp theo càng mù mịt thêm những thân quen xưa cũ.

***
Tháng Bẩy năm 1976 tôi từ Phú Quốc chuyển về Long Giao (Xuân Lộc). Tôi nghe một anh bạn tù cải tạo cùng đội, ngày trước cũng có làm báo ở Sàigòn, nói rằng đã gặp anh Dương Hùng Cường trong một lần Tổ của anh đi lao động ngoài cánh rừng cao su Cẩm Mỹ. Khu Long Giao này vốn là doanh trại cũ của sư đoàn 18 Bộ binh, được bộ đội cộng sản chia ra thành nhiều Trại và ngăn cách nhau bằng những hàng rào kẽm gai, rất khó cho việc dò hỏi tin tức qua lại.Từ đó, mỗi khi đi làm chỗ này chỗ nọ bên ngoài, tôi đều để ý nhìn sang khu vực các đội bạn chung quanh nhưng không thấy anh bao giờ.
Rồi giữa năm 1977, tôi bị đưa ra Bắc. Trong thời gian mấy năm ở các trại ngoài đó, từ Yên Bái lên Phong Quang (Lào Cai) rồi về Vĩnh Quang (Vĩnh Phú), tôi ở chung và quen biết với Dương Đức Phong, một người anh em bà con họ hàng cũng rất gần với anh Dương Hùng Cường. Qua một lần gia đình Phong ra thăm nuôi năm 1980, cho biết anh Dương Hùng Cường đã được về từ hồi 1978. Có lẽ nhờ việc anh đã chuyển sang Hành chánh, chứ nếu còn thuộc Chiến tranh Chính trị thì chắc chắn phải chịu mức tù cải tạo ít là sáu năm và cũng sẽ bị đưa ra Bắc như tôi. Được biết thêm anh chị và các cháu đã dọn nhà về một khu xóm trong hẻm trường Nữ quân nhân đường Nguyễn Văn Thoại cũ, không còn bên Chánh Hưng quận Tám nữa.
Khi được về vào cuối tháng Giêng năm 1981, nhờ có Dương Đức Phong, tôi và anh Dương Hùng Cường gặp lại nhau. Ngay lần đầu tiên, sau lúc vui mừng hàn huyên gặp gỡ, anh nói với tôi rằng anh Trần Tam Tiệp đã nhắn tìm tôi từ lâu và ghi cho tôi địa chỉ để sớm thư từ liên lạc. Anh ấy tham gia sinh hoạt báo chí bên Paris và hiện đang là Tổng thư ký Văn bút Việt Nam hải ngoại. Tôi đón nhận điều này trong tâm tình thật cảm động và cũng không để tâm hỏi anh Dương Hùng Cường có được tin tức về anh Trần Tam Tiệp từ đâu. Với anh Trần Tam Tiệp thì thời gian ở Không quân rồi quen biết anh, tôi như một đứa em thực sự và rất gần gũi anh, nhất là từ sau vụ việc của anh Dương Hùng Cường năm 1972. Tôi có nghe biết về việc bà xã anh đã đem các con sang Pháp sinh sống sau biến cố chính trị 1.11.1963, nhưng không hiểu vì lý do gì và tôi cũng không bao giờ tìm hiểu thêm về điều đó. Chỉ biết từ sau ngày ấy, anh sống lặng lẽ một mình, thật mẫu mực đức hạnh trong niềm vui công việc và tình thân hữu huynh đệ với mọi người, cách riêng với các anh em đội banh Không quân như sau này. Thời gian thân quen nhau, nhiều buổi tối, tôi vẫn hay ghé thăm anh tại căn nhà nhỏ anh ở thuê bên hông nhà thờ Tân Sa Châu. Rồi thường xuyên hơn từ dạo 1974, khi anh dọn về trong con hẻm dọc theo đường rầy xe lửa phía bên kia đường Nguyễn Huỳnh Đức, cũng gần khu cổng xe lửa số 6 nhà tôi. Thời gian này, ngoài việc vẫn cộng tác với tập san Lý Tưởng Không quân, qua bút hiệu Đạo Cù, Mai Khuê, anh có viết phiếm luận và bài cho tờ Báo Đen của người bạn là Trung tá Không quân Bồ Đại Kỳ và do anh chị Trần Dạ Từ & Nhã Ca trực tiếp phụ trách. Anh hay nói với tôi về các đề tài sẽ khai triển nơi các bài viết.Tôi giúp anh trong việc liên lạc với Phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh Dòng Chúa Cứu Thế và Linh mục Đinh Bình Định ở nhà thờ Tân Chí Linh, mà anh có tham gia nhưng không lộ diện. Ngoài ra, anh cũng bắt đầu khởi công việc thực hiện quyển Quân sử Không quân mà anh vừa được giao phó. Nhiều buổi tối, tôi đến phụ giúp anh sắp soạn và phân loại các tài liệu, hình ảnh đã có sẵn về từng nhân vật, con người Không quân cũng như các đơn vị và sinh hoạt từ những ngày phôi thai hình thành quân chủng. Thế rồi cái ngày 30 tháng Tư năm ấy…

Ngọc Tự : Lão Dương _ Dê Húc Càn và tôi – ở một đoạn đời

clip_image001
nhà văn Dương Hùng Cường--  (nh : newvietart.com)

Khoảng hơn hai tháng sau lần gặp đầu tiên, anh Dương Hùng Cường tìm tôi và nhắc về việc gửi thư cho anh Trần Tam Tiệp. Anh đang nóng lòng mong tin thư vì biết tôi đã được về. Rất thật lòng, tôi vẫn do dự và ngần ngừ mãi trong việc thư từ ra ngoại quốc, dù rằng cho một người thân quen như anh Trần Tam Tiệp, kể cả với anh chị em trong gia đình. Đây là điều tự nhiên dễ hiểu đối với một người vừa rời khỏi trại tù cải tạo, vì sợ rằng sẽ tạo cho người nhận một ý nghĩ gợi nhắc xa gần đến sự giúp đỡ gì đó.

Nhưng rồi qua cô bạn trẻ Nguyễn Thị Nhạn ở Phòng Ngoại dịch Bưu điện thành phố lúc đó, do anh Trần Tam Tiệp giới thiệu (hiện Nhạn đã định cư ở New York được vài năm nay), tuổi mới ngoài hai mươi nhưng rất lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết, thật khôn ngoan trong việc xử dụng tiền bạc vật chất để làm mờ mắt đám cán bộ chung quanh mình, khéo léo ẩn dấu việc thư đi tin lại trong những gói bưu kiện gửi đi và nhận về_tôi bắt đầu có được sự liên lạc thuận tiện với anh Trần Tam Tiệp. Kể từ đó, tôi đã gửi sang anh một số bài vở của tôi cũng như của vài thân hữu (anh Lữ T. Nguyễn Công L._hiện bên San Jose, nhạc sĩ Th. Tr., người bạn tù ở Long Giao, cũng bên Cali…và mấy người khác đang còn trong nước. Trong việc khai báo cung từ khi bị bắt sau này, tôi đã hết sức cố gắng tránh né và đã không để một ai có liên quan đến tôi phải bị liên lụy).

Và cứ cách một vài tháng, tôi nhận được gói quà 2 pounds thuốc tây mà tôi biết là có được ở khoản bớt ra từ lương tháng của anh, đã giúp tôi giải quyết được phần nào khó khăn cuộc sống cho gia đình khi ấy.

Thỉnh thoảng tôi còn được đọc vài loại báo chí hải ngoại do anh gửi về qua cô Nguyễn Thị Nhạn (tờ Kháng chiến, Nhân chứng_ở Hoa Kỳ, Nhất Việt, Nhân Bản_ở Pháp…). Tôi cũng giúp anh trong việc liên lạc với một hai nhân vật tại Sàigòn như Linh mục Thanh Lãng. Lúc ấy Cha đang bị mấy thứ bệnh và cư ngụ tại căn nhà nhỏ trong khu xóm đạo phía bên trong đường Nguyễn Văn Thoại cũ, gần với nhà thờ Chí Hòa. Một người cháu là sinh viên còn đi học sống cùng nhà với Cha và ban ngày thì có người đến giúp việc bếp núc cũng như dọn dẹp nhà cửa. Năm học đệ Tam thời trung học, tôi là học trò của Cha ở trường Lê Bảo Tịnh và khi mới lên đại học cũng có dự những giờ của thầy Thanh Lãng trong thời gian ghi danh học thêm một chứng chỉ bên Văn Khoa. Tôi mang đến mấy loại thuốc về tiểu đường và đau khớp mà anh Trần Tam Tiệp gửi về biếu Cha. Hình ảnh ông Chủ tịch Văn bút lẫy lừng một thời, cùng vóc dáng một Linh mục nhà giáo cao to đĩnh đạc, có thêm chút chải chuốt điệu đàng ở trường Văn Khoa ngày nào đã đi đâu mất tiêu. Trước mặt tôi lúc đó là một người đàn ông hom hem khắc khổ và chỉ có đôi mắt còn lại vẻ tinh anh trong thứ ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng, ở quanh vách tường là các kệ gỗ chất đầy sách. Trong chuyện trò thân tình, Cha hỏi tôi có mối liên hệ thân thuộc nào không giữa anh Trần Tam Tiệp và Linh mục Trần Tam Tỉnh, cũng đang sống bên Pháp. Cha say sưa khoe kể về mấy công trình biên khảo văn học đã thực hiện thêm sau này và việc biên soạn bộ từ điển Việt-Bồ-La đang tiến hành. Rồi bằng giọng trầm buồn, Cha cũng nói về tâm trạng day dứt khôn nguôi và nỗi ân hận dầy vò qua việc đã tham dự vào diễn tiến yêu cầu Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận phải đi khỏi Tổng Giáo phận Sài gòn dạo tháng 5/1975, chỉ sau ngày Ba mươi tháng Tư được đâu hơn tuần lễ, khi mà tháng trước đó Ngài vừa mới có bài sai về làm Tổng Giám mục phó với quyền kế vị. Nghe Cha nói, tôi nhớ lại hành động xu thời nông nổi cách quá đáng này của một số các Linh mục và mấy ông trí thức Công giáo tả khuynh nơi thời gian ấy (Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thanh Lãng, Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Huỳnh Công Minh, Nguyễn Quang Lãm, Đinh Bình Định, Vương Đình Bích…Ông Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Lý Chánh Trung…).

Cha Thanh Lãng từ trần vào năm 1990, và tôi được biết Cha có để lại Bản tạ lỗi cùng lời ăn năn sám hối với Chúa, với Hội thánh Công giáo và Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, cũng như thành tâm cúi xin Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận tha thứ cho lỗi lầm của mình.

Tôi và Nhạn còn thực hiện được một phóng sự bằng hình ảnh trong mấy cuộn phim đi săn chụp về một thành phố buồn hiu và lặng lẽ nơi tháng ngày quá sức tệ hại nhếch nhác ấy, có bóng dáng những con người thinh lặng lầm lũi qua các sinh hoạt đường phố. Cũng có cả khung cảnh hoang lạnh tiêu điều ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp và Biên Hòa, chỉ mới sau mấy năm trời bị tan tác. Anh Trần Tam Tiệp cho biết đã chọn ra một số để phóng to và giới thiệu rộng rãi bên Pháp.

Thế rồi mọi việc cũng kết thúc cho đến khi chúng tôi bị bắt rồi quy tội trong vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng” mà báo chí nhà nước Cộng sản đã gọi anh em chúng tôi là “Những tên biệt kích cầm bút” như sau này…

Trong suốt thời gian mấy năm, từ khi ra tù cải tạo tháng Giêng năm 1981 cho đến ngày cùng bị bắt trong vụ án đó vào đầu tháng Năm 1984, anh Dương Hùng Cường và tôi gặp nhau rất thường, nhất là sau lúc tôi đã liên lạc lại với anh Trần Tam Tiệp, có lâu lắm cũng chỉ cách tuần. Thỉnh thoảng chúng tôi bàn luận, trao đổi thoáng qua về bài vở gửi sang cho anh Trần Tam Tiệp cùng vài tin tức của những thân hữu đây đó. Tôi đưa anh đọc mấy bài thơ của tôi như Buổi chiều đi qua Hà nội, Khúc quân ca mới…hay tạp văn Những tiếng hát như một nhân chứng. Phụ họa với bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai của anh và do anh gợi ý, tôi có viết Khi chàng Trương Chi phải ra đi nhưng anh đọc xong nói nhẹ quá, phải cho cái thằng khốn nạn ấy thật bầm dập ê chề lúc ra khỏi cuộc đời Mỵ Nương chứ không thể nhẹ nhàng và êm thắm như tôi đã viết (nội dung bài tôi giả định những chi tiết dựa vào lời nói tiên báo của cụ Ngô Hùng Diễn trước 1975, đại ý cộng sản sẽ vào đến Sàigòn và khi vào dễ dàng thế nào thì khi ra cũng sẽ dễ dàng y như vậy).

Có nhiều hôm hai anh em đạp xe lang thang qua từng con phố, rồi tạt vào cái hẻm nhỏ khu ngã ba ông Tạ hay ngã tư Bẩy Hiền và ngồi bệt nơi thềm dẫy nhà đang xây cất dở dang lấy thuốc lá ra hút cùng với những mẩu chuyện vu vơ. Tôi biết anh có nhiều suy tư về hoàn cảnh cuộc sống của gia đình. Những buổi sáng anh vẫn đều đặn ghé đến mấy chỗ quen biết có làm vài ba loại ô mai, bánh kẹo (bên Phú Nhuận hay dưới nhà ông Lâm Tuyền) để lấy về một ít cho chị đem vào bán trongcăng tin trường học, kiếm thêm thu nhập cho gia đình.Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi với anh tại một góc quán cà phê bên đường hay cái quán cóc bình dân xập xệ, chỉ có xị rượu thuốc và đĩa đậu phụng rang, đủ cho hết một hoàng hôn của hai anh em. Nhưng nhiều hơn là vào những buổi chiều tại Thương nhớ mười hai.
Anh Dương Hùng Cường gọi chỗ này theo tên một tác phẩm của bác Vũ Bằng, vì ngẫu nhiên trùng hợp với số nhà của nơi mà bác cũng là một trong những người thường hay ghé đến. Thương nhớ mười hai thực ra chỉ là căn phố mang số 12 đường Trương Minh Ký Phú Nhuận, chỗ giáp ranh với đường Trương Minh Giảng quận Ba (thời gian đầu sau ba mươi tháng Tư, cả hai con đường này đều gộp chung một tên là Nguyễn Văn Trỗi, rồi mới đổi thành Lê Văn Sỹ, và anh Dương Hùng Cường nói cái thằng cha Chổi từng quét mất hai ông Trương), cách cổng xe lửa số 6 khoảng chừng hai trăm thước. Đây là nhà ông Lý Hoàng Phong, một nhà văn kỳ cựu và cũng là người chủ trương tạp chí Văn Nghệ những năm 1961-1962 ở Sàigòn_ một căn nhà trệt cũ kỹ với hàng cánh cửa gỗ lùa, có lẽ xây cất từ dạo mới di cư năm 1954 và chưa lần nào chỉnh trang. Bên trong nhà, có một tiệm sửa chữa radio và TV nhỏ. Phía trước cửa là cái quán cóc của chị Tâm, người phụ nữ độ tuổi ngoài bốn mươi và có một hoàn cảnh riêng tư sao đó nên sống một mình, không thấy vướng bận gia đình con cái gì cả. Khoảng lề đường rất rộng tráng xi măng bầy được bốn năm bộ bàn ghế thấp dưới tàn cây bã đậu. Quán chỉ có tủ thuốc lá lẻ, bầy trên mặt bàn vài loại nước ngọt chai và quầy dừa tươi nơi góc chân bàn, thêm nữa duy nhất loại cà phê vợt. Thế nhưng nơi đây lại là chỗ gặp gỡ của nhiều giới, như các nghệ sĩ và mấy ông nhà văn nhà báo thân quen với anh Dương Hùng Cường và các bà chị dân chợ trời tụ họp đông vui, sau những lúc ngược xuôi quanh khu chợ thuốc tây từ Nguyễn Thông cho đến Tân Định.
Tôi cũng không rõ độ thân thiết của anh Dương Hùng Cường với bà chị quán chủ như thế nào và từ bao giờ, nhưng chỉ biết là anh và tôi được đối xử cách đặc biệt mỗi khi ghé đến đây, như việc không bao giờ phải trả tiền cà phê thuốc lá. Những năm tháng sau này, khi anh chị Dương Hùng Cường đều đã quá vãng lâu rồi, thỉnh thoảng nhìn thấy tôi chạy xe về ngang qua chỗ Thương nhớ mười hai này, chị Tâm vẫn vẫy gọi tôi ghé vào để ân cần thăm hỏi về các con của anh Dương Hùng Cường rất trìu mến.

Thường khi mỗi lần anh Dương Hùng Cường và tôi vừa đến ngồi xuông ghế là chị Tâm như đã hiểu ý và bước ngay sang khu bán đồ ăn bên kia đường đem về một đĩa đồ mồi nào đó, không thì cũng một tô bò viên tả pí lù nghi ngút khói. Dĩ nhiên không thể thiếu từng xị rượu thuốc của cái quầy bầy lủ khủ hàng chục loại bình rượu thuốc ngâm đủ thứ tắc kè, bìm bịp, rắn rết các loại ngay cạnh bên.

Tôi luôn giữ một khoảng cách với những thân hữu của anh vẫn lui tới nơi đây và thỉnh thoảng chỉ chuyện trò, gần gũi bác Vũ Bằng mà tôi biết là một trong số những người anh Dương Hùng Cường đã giới thiệu với anh Trần Tam Tiệp. Bác thật xuề xòa bình dân và dễ tính. Thỉnh thoảng bác Vũ Bằng hay rủ anh Dương Hùng Cường và tôi đi ăn chỗ này chỗ nọ, như tại cái quán cháo cá ở chợ cũ, một tô phở xe trong xóm nhỏ xứ đạo An Lạc…mỗi lần rủng rỉnh tí tiền sau khi nhận được món quà thuốc tây của anh Trần Tam Tiệp bên Pháp gửi về. Một hôm, chợt nhớ đến Miếng ngon Hànộivà Miếng lạ miền Nam, tôi hỏi bác về việc cảm nhận sự ngon trong ăn uống thì bác cười và nói văn chương chữ nghĩa chỉ luận tả hoa lá cành cho vui thôi, thực ra phải vào cơn thiếu đói trong cảnh tù đầy như bọn tôi thì mới cảm nghiệm được hết ý nghĩa của từng miếng ăn thức uống.

Bác Vũ Bằng từ trần vào khoảng đầu tháng Tư năm 1984, đúng vào thời điểm bọn an ninh đã bắt đầu theo dõi rồi liên tục bám sát tôi từng ngày, nên dù có biết tin mà vẫn không dám đến viếng bác cũng như dự tang lễ. Nơi vuông cáo phó nhỏ ở trang cuối một tờ báo tại thành phố khi đó, chỉ thấy ghi sơ sài vắn tắt vài dòng về năm sinh và ngày mất của bác vậy thôi. Trong bản cáo trạng ở một lần chuẩn bị đưa vụ án “Tuyên truyền phản cách mạng” của mấy anh em chúng tôi ra Tòa rồi sau đó đình xử, chính quyền Cộng sản thật lố bịch khi vẫn để tên bác Vũ Bằng trong danh sách các bị cáo, nhưng trơ trẽn và nhân nghĩa giả dối nói rằng đã cho bác được cải tạo tại địa phương vì tuổi già sức yếu.

Một nhà văn nhà báo lẫy lừng từ thời 1930-1940, với nhiều tác phẩm ghi đậm dấu cho từng thời kỳ văn học và trường phái văn chươngViệt Nam, lúc chết thật cô đơn âm thầm lặng lẽ quá.

Sau này khi ra tù tôi có sang tìm nhà bác ở bên kia bờ sông Sàigòn, trên đoạn đường Trình Minh Thế cũ, gần đến cầu Tân Thuận, để thắp một nén tâm hương, nhưng vì không còn nhớ chính xác được địa chỉ và dọc con đường này đã chỉnh trang sửa chữa làm thay đổi hết tất cả, chẳng còn nhận ra các dấu vết cũ nên đành tạ lỗi với vong linh bác Vũ Bằng…
*
Vào những buổi chiều anh em tôi đang ngồi tại Thương nhớ mười hai mà bất chợt có đông đảo các bà chị chợ trời cùng lúc rộn rã về tụ họp với đủ thứ ngôn ngữ văng mạng bốc giời bất cần đời, như thể để giải tỏa bớt những căng thẳng dồn nén ẩn ức chất chứa trong đầu suốt một ngày qua, thì ngay lúc đó anh Dương Hùng Cường nhắc tôi đứng dậy ra về. Có ai đó tỏ vẻ ngạc nhiên và lên tiếng phản đối thì anh nói rằng sợ các bà chị ngổ ngáo này sẽ làm hư hỏng thằng em của anh. Tôi cũng hiểu là đến lúc phải để cho anh được thoải mái hoàn toàn trong khung cảnh này và cũng chẳng có gì để bận tâm. Và cuộc rượu tiếp theo sau đó của anh không biết được kết thúc ra sao vào lúc nào.

Thế nhưng nhiều lần tôi vẫn phải chịu tiếng oan về phần mình. Sau các buổi tửu sự của anh như thế, khi tôi ghé sang nhà thì đều được nghe chị Vũ Hoàng Oanh nhẹ nhàng trách rằng sao tôi lại để cho anh uống nhiều quá đến vậy. Nhìn anh thì cũng lại một nụ cười kèm theo cái nháy mắt quen thuộc. Hình như mỗi khi về nhà trong ngả nghiêng túy lúy là anh lại khai thêm tên tôi ra như một kẻ tửu đồ tòng phạm để sẽ có sự giảm nhẹ tội trạng đi thì phải.
Tổng kết qua mấy mùa đầy vơi chai nọ xị kia, thành tích của anh là làm mất tất cả ba chiếc xe đạp, một của anh vẫn sử dụng hàng ngày và hai chiếc kia mượn của các cháu. Chỉ vì sau khi đã xong chầu chén chú chén anh, rồi trên đường về ngất ngưởng qua các ngõ khuya vắng vẻ, ông anh tôi dừng xe bên bờ rào để… hay dựa lưng ngồi nghỉ một nơi chỗ nào đó, và mấy tên giang hồ vặt đã luôn có mặt đúng lúc để nẫng nhẹ chiếc xe đạp thật dễ dàng, mà chẳng gặp phản ứng gì từ khổ chủ còn đang đờ đẫn vì thần men nhập vào mất rồi. May là anh còn khật khà khật khưỡng lội bộ về được đến nhà an lành.

Cũng vì những mê mải tửu cuồng mà trong năm 1983, có lần anh phải nằm bẹp ở nhà hàng tháng trời. Chắc là ảnh hưởng do gan nên khắp người anh nổi mẩn mụn chốc lở, kèm theo từng cơn nóng lạnh bất chợt. Chị và các cháu rất lo lắng. Tôi chạy về cầu cứu anh Trần Đỗ Cẩm và không bao lâu cơn bệnh của anh đã được chữa trị khỏi. Anh Trần Đỗ Cẩm là sĩ quan bên Không lưu Khí tượng (em của Trung tá Không quân Trần Đỗ Cung, không phải thiếu tá Trần Đỗ Cẩm trùng tên thuộc quân chủng Hải quân, tác giả các bài viết về biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa ở hải ngoại sau này) và cũng có biết anh Dương Hùng Cường từ trước vì cùng ngành. Hồi ở trong căn cứ Tân Sơn Nhất, tôi cũng thân quen lui tới với anh qua chuyện văn chương chữ nghĩa. Thời gian đi tù cải tạo sau 1975, anh Trần Đỗ Cẩm có cơ duyên học được Châm cứu và thuốc Nam từ những người bạn tù giỏi về đông y và các loại cây lá thuốc. Khi về anh đã tìm hiểu nghiên cứu thêm, rồi phụ trách một phòng khám & chữa bệnh từ thiện về chuyên môn này, ở gần khu ông Tạ. Khi tôi đến báo tin và kể về bệnh tình anh Dương Hùng Cường, thật ân cần và sốt sắng, anh đã sang ngay để bắt mạch rồi bốc liền mấy thang thuốc, cũng như tận tình châm cứu, theo dõi chữa trị bệnh trạng của anh Dương Hùng Cường suốt hơn một tháng cho đến khi khỏe mạnh trở lại.
Sau cơn đau bệnh đó, anh Dương Hùng Cường chừng mực và điều độ hơn trong việc thù tạc nơi này chỗ nọ. Anh dành nhiều thời gian ở nhà chăm sóc các cháu, nhất là cháu út Dương Phượng Hoàng, cậu con trai cưng duy nhất, lúc ấy mới chừng bốn năm tuổi. Tôi bắt đầu đưa anh uống loại rượu mà tôi pha chế và vẫn thường uống với bạn hữu (Nguyễn Mai là một trong những ông bạn tôi rất ư là mê khoái thứ biệt tửu này). Đây là sự đong trộn theo tỉ lệ ba xị rượu Bách nhật và một xị rượu đậu nành Cái Bè. Mẹ một người bạn thân ở gần nhà tôi có cách nấu rượu Bách nhật gia truyền rất đặc biệt. Sau khi đã xong giai đoạn ủ rượu rồi lọc trong, bà còn cho thêm vào vài vị thuốc Bắc cùng với một ít táo tầu và cam thảo, khiến cho mầu rượu thành phẩm ánh lên sắc hổ phách thật dịu dàng. Tôi là một khách hàng quanh năm của bà và mỗi lần lấy rượu về, lại còn thêm vào phần rượu đậu nành chính hiệu Cái Bè nguyên chất, chỉ duy nhất có bán ở đường Công Lý, chỗ gần chùa Vĩnh Nghiêm, để thêm hương vị và nồng độ. Loại rượu này uống không thể đủ say nhưng có lẽ cũng tạm đủ để lãng quên sầu đời, miễn là nỗi sầu đừng quá lớn như mối sầu vạn cổ chẳng hạn. Uống mới hết một chai, anh Dương Hùng Cường cảm thấy khoái khẩu ngay nên đã đặt tên làSàigòn mỹ tửu và gọi tôi là một gã tửu sinh tại điền của Tiêu dao đạo phái.

Ngọc Tự : Lão Dương _ Dê Húc Càn và tôi – nơi chốn ngục tù

Việc liên lạc gửi bài vở đi và nhận quà cáp giúp đỡ từ anh Trần Tam Tiệp của anh em chúng tôi và mấy người nữa như các anh Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Hải Thủy, Khuất Duy Trác, thêm Lý Thụy Ý cùng với cô Nguyễn Thị Nhạn, bị nhà cầm quyền Cộng sản khám phá ra (không biết là do đâu và từ đâu) rồi làm to chuyện, dẫn đến việc tất cả cùng bị bắt giam vào Phan Đăng Lưu ngay trong một đêm đầu tháng 5/1984. Cũng có những người khác nhận được quà cáp giúp đỡ của anh Trần Tam Tiệp, nhưng công an cộng sản không biết hay không chú ý đến sao đó nên đã thoát khỏi việc bị bắt bớ giam cầm.

Trong thời gian bị giam giữ ở đây, không bao giờ tôi nhìn thấy anh Dương Hùng Cường và các anh kia vì mỗi người một nơi, mà chỗ nào thì cũng kín bưng những bức tường ngăn cách, nhất là biệt giam khu B bên tôi nằm khuất mãi tận cùng phía đằng sau. Đôi khi chỉ nhắn hỏi tin tức của nhau qua mấy người tù làm lao động bên ngoài.

Khi thẩm vấn tôi, các viên cán bộ an ninh hỏi cung đều căn vặn liên tục về thời gian cùng sự tương giao giữa tôi và anh Dương Hùng Cường với anh Trần Tam Tiệp. Họ cũng truy vấn nguồn mối liên lạc cùng các bài vở đã gửi đi qua cô Nguyễn Thị Nhạn, thêm nữa là mọi thứ quà cáp giúp đỡ đã được nhận. Họ cũng tra hỏi về các thân hữu cũ ở văn phòng Chiến tranh Chính trị, các anh em cầu thủ đội banh Không quân và một số tên tuổi người này người nọ còn ở lại Sàigòn sau ngày 30 tháng Tư. Xem ra họ rất đặt nặng cách viết về chế độ của anh Dương Hùng Cường trong bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai. Tuy vậy, anh Dương Hùng Cường và các anh khác đều được ra phòng tập thể chỉ sau hơn ba tháng biệt giam, có nghĩa là đã kết cung xong xuôi.

Nhưng riêng phần tôi, vẫn phải ở biệt giam và còn tiếp tục bị thẩm cung chưa dừng. Họ thay đổi hai ba người khác nhau để hỏi cung. Khi đó, tôi cũng không hiểu tại sao các viên cán bộ điều tra lại có vẻ như chú tâm nhiều vào tôi như thế nên đã tự suy đoán về một vài điều. Cho dù tôi đã nhận là tác giả của mấy bài đăng trên tờ Nhất Việt (bài thơ Buổi chiều đi qua Hànội, Khúc quân ca mới, tạp văn Những tiếng hát như một nhân chứng) mà họ có trong tay và truy tìm người viết từng bài, cũng như đã nói rõ về mối thân giao giữa tôi và anh Dương Hùng Cường với anh Trần Tam Tiệp mà chẳng có gì phải dấu diếm. Có lẽ việc anh Trần Tam Tiệp, một người từng một thời là sĩ quan ngành an ninh, hẳn rằng không nằm ngoài sự nghi ngờ đặc biệt nào đó nơi đám cán bộ an ninh cộng sản. Lại nữa, thời gian tôi làm thư ký tòa soạn Tập san Lý Tưởng Không quân, tuy chỉ vào giai đoạn cuối hơn một năm trước ngày ba mươi tháng Tư năm 1975 ghi trong lý lịch, cũng là một khía cạnh khác để họ thêm hướng điều tra vào tôi chăng. Tôi nhớ dạo tháng Ba năm 1975, những tưởng đã bị kẹt lại tại phi trường Phan Rang trong tháng ngày chiến sự căng thẳng ấy không về Sài gòn được. Tôi đang ở đó để thực hiện phóng sự quanh đợt di tản của các đơn vị Không quân từ miền Trung chuyển vào, và rồi khó khăn chật vật lắm mới tìm được một chỗ trên chuyến máy bay gần như cuối cùng ngoài phi đạo. Tôi lẩm cẩm khi nghĩ rằng nếu hồi đó mà kẹt lại Phan Rang thì chắc rằng cuộc đời có thể ở vào một khúc quanh nào khác chăng.
Cũng trong mấy tháng cung từ này, tôi đã đoán ra rằng trong số tang vật bị thu giữ, phần chắc là có các thư từ và những tờ báo hải ngoại mà anh Trần Tam Tiệp gửi về, nhưng cô Nhạn chưa tiêu hủy đi. Rồi khi nghiên cứu tìm hiểu, chắc hẳn họ phải thấy tên tôi cùng vài điều chuyện được nhắc kể trong các thư đó, vì đôi lần Nhạn đã nói lại cho tôi biết, dù gửi riêng cho cô. Cũng như họ đọc được bài của anh Trần Tam Tiệp ở một kỳ báo Nhân Chứng ấn hành bên Hoa Kỳ, viết về một vài kỷ niệm thời Tân Sơn Nhất, mà có đoạn anh ân cần nhắc đến tôi cùng với anh Đào Vũ Anh Hùng cùng vài bạn hữu khác. Và còn quan trọng hơn nữa, nơi vài tờ báo như Kháng chiến, Nhất Việt, Nhân Bản…nằm trong số tang vật ấy, đã có đăng các bài viết về Mặt trận Thống nhất của các anh Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Huỳnh Vĩnh Sanh, Hồ tấn Khoa… bên Pháp và Mặt trận Hoàng Cơ Minh tại Hoa Kỳ, nên sau khi đọc xong rồi đối chiếu với tình hình, họ liên tưởng và thử dò tìm nơi tôi xem có chút manh mối nào chăng.

Hoạt động xâm nhập lực lượng vũ trang vào Việt Nam của hai Mặt trận này đều bị bại lộ và chính quyền Cộng sản đã làm rình rang khi đưa ra tòa xét xử vào cuối năm 1984 và 1987.
Dạo trước đó, khi đọc được những trang báo này từ năm 1981, cùng với những tờ thư anh Trần Tam Tiệp luôn nói tới một ngày hẹn về không xa, tôi đã lặng người đi và vô cùng phấn khích biết mấy. Cũng may là tôi không dính dáng gì, dù có lần từng nghe anh Trần Tam Tiệp loáng thoáng xa gần ý định muốn giới thiệu với tôi một sự liên lạc nào đấy, nhưng chưa thực hiện được.

Về sau này, khi mọi chuyện đã kết thúc, tôi mới vỡ lẽ ra thêm một chi tiết liên quan đến tôi. Thoạt đầu anh Trần Tam Tiệp chỉ có ý muốn tìm kiếm tin tức về một mình tôi mà anh biết còn ở lại Việt Nam. Đây có thể là lý do mà cơ quan an ninh cộng sản cho rằng tôi là đầu mối mọi chuyện. Anh Trần Tam Tiệp đã nhờ qua Trịnh Công Trí, một trong số các cầu thủ đội banh Không quân mà anh từng giúp đỡ trước đây và liên lạc lại được sớm. Anh tin chắc rằng Trí cũng như các anh em khác trong đội banh vẫn còn nhớ tôi, để biết đâu vào một lúc nào đấy, có thể chúng tôi nhìn thấy nhau ở sân banh chẳng hạn. Trịnh Công Trí không biết tình trạng của tôi như thế nào, nhưng một lần đã bất ngờ nhận ra anh Dương Hùng Cường là người cùng ở văn phòng Chiến Tranh Chính Trị Không quân qua chuyện trò gặp gỡ nơi quán nhậu, nên nói về điều này và đưa địa chỉ của anh Tiệp bên Paris để nhờ chuyển lại cho tôi khi nào gặp được. Anh Dương Hùng Cường đã liên lạc với anh Trần Tam Tiệp từ trước khi tôi ra khỏi trại tù cải tạo và lúc gặp lại nhau, không lần nào nói với tôi chi tiết đầu tiên ấy liên quan đến Trịnh Công Trí. Từ việc bắt đầu nhờ tìm tôi này, cùng với sinh hoạt báo chí và văn bút Việt Nam hải ngoại của anh Trần Tam Tiệp, đã đưa đến các việc tiếp theo sau đó, dễ dàng khiến cơ quan an ninh cộng sản hướng sự chú ý vào tôi. Thật may, tự nhiên tôi không nhớ ra tên của anh Trí khi bị hỏi cung, cũng như chưa bao giờ gặp Trí khi về lại thành phố, cho nên dù có bị bắt, Trí đã được thả ra sau vài tháng bị giam giữ, chứ nếu không thì với mấy ông Cộng sản đa nghi hơn Tào Tháo, mọi việc đâu có dễ dàng cho một người tù, dù chẳng có dính dáng gì đến chuyện văn chương chữ nghĩa như anh Trịnh Công Trí, chỉ biết trái banh và sân cỏ.

Tôi đã vượt qua được thời gian đầy thử thách cũng khá căng thẳng ấy và nhiều lúc tưởng như muốn đuối sức trong việc đối phó. Sau hơn hai ba tháng bị thẩm cung dồn dập và bằng sự tự tổng hợp từ những điều bị tra hỏi, tôi lờ mờ đoán ra có một hướng điều tra nào đó với tôi, khi từng nghe một viên sĩ quan an ninh nói rằng họ đánh giá chính tôi mới là thành phần nguy hiểm chứ không phải các người khác trong vụ án. Họ nói hành tung của tôi rất bí ẩn, ít ai biết và thật khó lòng truy tìm các chứng cứ có liên quan vì đã bị xóa hết mọi dấu tích. Thật tình thì cũng chỉ mình anh Dương Hùng Cường, thân quen biết rõ về tôi và tôi không gặp gỡ, quen biết gì nhiều với các anh khác trong vụ án. Trước 1975, tôi cũng chỉ phất phơ tí chút văn chương báo chí trong phạm vi Không quân, và một hai tạp chí bên ngoài, chẳng nổi trội đình đám gì nhiều. Và thời gian trước ngày bị bắt cả nửa tháng, ngay khi nhận ra việc có người theo dõi mình, tôi đã linh tính điều không hay sẽ đến nên kịp thời đốt bỏ hết tất cả mọi thứ bản thảo và thư từ, giấy tờ… liên quan đến việc liên lạc với anh Trần Tam Tiệp cũng như các địa chỉ bạn bè, người thân quen, cả trong nước lẫn hải ngoại.

Rồi qua những câu hỏi riêng tư vặn vẹo soi mói về sự lui tới giữa tôi và Nhạn, chừng như họ còn muốn qui kết thêm rằng tôi đã dùng tình cảm để lung lạc và chi phối cô Nguyễn Thị Nhạn trong việc làm trung gian liên lạc với anh Trần Tam Tiệp. Điều này nếu đúng, có thể sẽ làm giảm nhẹ phần nào tình tiết tội trạng cho cô Nhạn nhưng sự thật không phải như thế, và vì sự thuần khiết của Nhạn, tôi đã thẳng thắn phủ nhận. Tôi nói với viên cán bộ hỏi cung rằng tôi thừa khả năng để làm chuyện đó rất dễ dàng nếu muốn, nhưng tôi không phải là thứ đốn mạt lương tâm để lợi dụng hoàn cảnh rồi xúc phạm một người con gái mới lớn như Nhạn.

Khi đã mãn hạn tù, nghe gia đình kể lại tôi mới thấy giật mình và thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng đã thoát thêm được một điều nào đó khác nữa mà chính quyền Cộng sản muốn nhằm vào tôi bên cạnh việc liên lạc bài vở với anh Trần Tam Tiệp cũng như nhận quà cáp giúp đỡ, nơi những lần thẩm cung. Và nếu điều đó xẩy ra, ngày mãn hạn tù của tôi chắc hẳn sẽ còn phải kéo dài thêm một thời gian nào nữa chưa biết được.

Trong thời gian tôi bị giam ở Phan Đăng Lưu và bị dồn dập hỏi cung, ngoài việc không cho gia đình thăm nuôi tiếp tế, nhiều buổi tối có một viên sĩ quan an ninh Cộng sản cao cấp thuộc sở Công an thành phố còn cho gọi bà xã tôi ra trụ sở Công an Phường để khủng bố tinh thần hầu mong khai thác các tin tức về tôi. Có thể do khai thác được vài chi tiết nào từ đâu đó và từ cô Nhạn, họ đã cố ý bịa dựng để nói với bà xã tôi về cuộc tình lén lút vụng trộm giữa tôi và cô Nguyễn Thị Nhạn, đã kéo dài nhiều ngày tháng cùng với những lần hẹn hò vui chơi tình tứ đây đó (xin lỗi Út Nhạn khi nhắc đến chi tiết này) mà họ bảo có đầy đủ rất nhiều hình ảnh tang chứng. Thật ra cũng có vài lần chúng tôi đi chung với nhau đây đó để dễ bề ngụy trang việc bấm máy, hầu thực hiện một phóng sự bằng hình ảnh, qua mấy cuộn phim về một thành phố thiểu não buồn thảm và vô cùng mệt mỏi. Hoặc nữa, mỗi khi cần nói điều gì đó cần thiết với anh Tiệp, tôi gặp Nhạn để nhờ chuyển đi được nhanh sớm hơn vì cô ấy có xử dụng điện thoại quốc tế, loại phương tiện còn hạn hẹp và chưa phổ biến nơi thời gian ấy. Sau này, trong quyển truyện vụ án “Những tên biệt kích cầm bút” ấn hành năm 1986, khung cảnh của câu chuyện bịa tạo này cũng được thêm thắt đưa vào nơi nhiều trang đoạn để bêu xấu và bôi đen tôi qua một nhân vật được đặt trại tên khác đi một chút. Họ cũng không quên dựng đứng thêm rằng anh Dương Hùng Cường dù biết rõ tất cả từ lâu, nhưng lại ra sức che dấu nên không hề hé lộ chút gì về điều đó cho gia đình tôi. Họ tưởng rằng khơi gợi sự ghen tương nơi người vợ, từ một chuyện tình bịa dựng như thế, sẽ dễ bề khích động nỗi giận hờn để moi tìm được các nguồn tin tức tố giác nào khác chăng về người chồng phụ bạc, nhưng cuối cùng chỉ thất bại mà thôi. Họ đã vô cùng sai lầm khi đánh giá tình nghĩa vợ chồng tôi, bao giờ cũng vẫn là một tình yêu trung trinh tuyệt vời, chưa hề bị chao đảo trong bất cứ trường hợp nào.

Cũng thời gian ấy, nơi các tờ Tuổi Trẻ ở Sàigòn hay Tuần Tin tức của Hànội do gia đình gửi vào ở những lần tiếp tế khi đã bị chuyển sang Chí Hòa, tôi có đọc những loạt bài nói về vụ án qua tiêu đề “Trận đánh không tiếng súng” rồi “Mặt trận không tiếng súng” mà phần nói về tôi bao giờ cũng là một khuôn mặt nổi cộm, bị bôi bẩn với đủ mọi ngôn ngữ cạnh khóe. Hồi còn bên Phan Đăng Lưu, khi tôi ra phòng tập thể, một người hàng xóm đi vượt biên không thoát, bị di lý từ tỉnh về ở chung phòng, cho biết thêm rằng vào thời điểm tôi bị bắt, không hiểu do đâu mà xóm ngõ đã rộ lên tin đồn là lúc khám xét, công an đã tịch thu được ở nhà tôi nhiều truyền đơn, có súng đạn và cả máy truyền tin nữa…
*
Tôi vẫn nhớ nơi những ngày tháng cung từ cuối cùng ở trại giam Phan Đăng Lưu, trong bài viết tay dài mấy trang giấy như bản kiểm điểm theo yêu cầu của cơ quan an ninh Cộng sản, tôi không phủ nhận việc liên lạc thư từ với anh Trần Tam Tiệp và viết bài gửi ra hải ngoại cũng như nhận quà cáp giúp đỡ. Tôi nói rằng tôi đã viết với tất cả suy nghĩ rất thật về nỗi thất vọng nơi đời sống mới. Những tưởng đã có nhiều đổi thay tốt đẹp, nhưng sau mấy năm tù cải tạo trở về, tình trạng xã hội như càng thêm tồi tệ trong mọi vấn đề, không thấy có một dấu hiệu chuyển biến tích cực nào. Tôi phải chứng kiến biết bao điều đau lòng chung quanh mình, như nỗi khó khăn thiếu thốn của gia đình và sự bất lực của bản thân. Những trang chữ tôi viết ra như một giải tỏa cho những dồn nén riêng tư. Dĩ nhiên, tôi đâu thể nào gửi bài viết với nội dung như vậy cho báo chí ở thành phố. Và việc nhận quà cáp từ anh Trần Tam Tiệp, chỉ đơn thuần là việc giúp đỡ anh em huynh đệ thân thiết một thời trong lúc khó khăn về đời sống, chứ một vài bài viết cũng chỉ bình thường của tôi đâu có giá trị lớn lao gì, dẫu sao nếu gọi là trả tiền nhuận bút thì vẫn không thể tới mức nhiều như vậy.
Nơi phần kết thúc, tôi đã liên tưởng và học theo cách nói của nhân vật trong quyển Tầng đầu địa ngục (The First Circle_ tác giả Alexander Solzhenitsyn, bản dịch của anh Hoàng Hải Thủy) để trình bầy đại ý rằng tôi đã đi đến chỗ cùng đường. Cả thời tuổi trẻ tôi bị cuốn hút vào chiến tranh, rồi lúc cuộc chiến kết thúc là đằng đẵng gần sáu năm lao tù qua các trại theo suốt chiều dài đất nước, từ đất liền ra đảo Phú Quốc rồi hết Long Giao tới Phong Quang Lào Cai, miền đất biên giới Việt – Trung và sau cùng là Vĩnh Phú. Bây giờ đối diện với vụ án này nữa, mà có vẻ cơ quan an ninh muốn làm lớn chuyện, thì tương lai phía trước thật mù mịt chưa biết sẽ ra sao. Như thế tôi là đứa con bất hiếu vì chẳng lo toan được gì cho cha mẹ lúc tuổi già sức yếu. Trong tình nghĩa vợ chồng, tôi là kẻ bội bạc vì đã để cho người một đời yêu thương mình luôn phải đơn độc vò võ cùng bao nỗi khổ hạnh lao nhọc vất vả suốt thời thanh xuân. Với các con thì tôi là một ông bố vô trách nhiệm vì đã có được chút nào chăm sóc dậy bảo đâu. Và như vậy, thôi thì cũng đành phải buông xuôi vì tôi đã mất hết tất cả, đâu còn lại được gì, từ bản thân cho đến gia đình. Tôi  cảm thấy chẳng bị ràng buộc với bất cứ điều nào nữa. Một khi không còn cảm thấy bị một ràng buộc nào, tôi thấy mình thật nhẹ nhõm và trở thành con người tự do hoàn toàn, thây kệ mọi việc muốn đến đâu thì đến. Tôi xin chịu trách nhiệm những gì có liên quan trực tiếp tới riêng tôi mà cơ quan công an muốn kết tội, không quanh co chạy chối và sẵn sàng nhận tất cả những gì chế độ muốn dành cho tôi.

Tôi nói như thế vì nhớ được một ít kiến thức về Hình sự tố tụng của chế độ Cộng sản, quy định rằng tội phạm sẽ nặng hơn khi đã hình thành một tổ chức và có sự bàn bạc, trao đổi, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người trong tổ chức đó. Việc liên lạc, viết bài gửi đi rồi nhận quà cáp giúp đỡ từ anh Trần Tam Tiệp của anh em chúng tôi, không có bằng chứng nào liên quan đến các yếu tố đó, mà chỉ là từng trường hợp riêng lẻ cá nhân, chẳng thể hiện một điều gì thuộc về tổ chức có người cầm đầu như họ muốn qui kết.

Hơn tuần sau của bản kiểm điểm này, Tư Trà cho gọi tôi ra văn phòng để trấn an. Ông ta là Phó phòng PA 16, một cơ quan điều tra xét hỏi của Công an thành phố và phụ trách trại giam Phan Đăng Lưu. Tiếp tôi bằng một thái độ hòa nhã nhẹ nhàng, ông ta nói tôi không nên suy nghĩ quá bi quan nặng nề như vậy, đâu còn có đó. Cơ quan an ninh điều tra đã đối xử đàng hoàng với tôi (chắc là không kể đến những lần đập bàn quát tháo hay cho tôi ngồi một mình, chờ hàng giờ đồng hồ trong căn phòng tối om không một ánh điện để áp đảo tinh thần) và sẽ minh xét rõ ràng tội trạng từng người trong vụ án. Bằng thứ lý luận rẻ tiền quen thuộc như thường thấy trên báo chí, ông ta ra sức giải thích, phân trần về tình trạng của đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và đang trên con đường xây dựng với những khó khăn chồng chất. Cạnh đó còn luôn luôn có sự chống phá liên tục của các thế lực thù địch bên ngoài nữa. Tôi cũng chẳng hiểu ông ta muốn nói những điều đó với tôi để làm gì.

Tôi không biết sự cảm nhận của ông ta ra sao về bài thơ Buổi chiều đi qua Hànội (ký tên Trần Vĩnh Quang, đăng trên tờ Nhất Việt) của tôi, khi cao giọng lên án tôi đã xúc phạm đến cái gọi là “thủ đô phẩm giá”, “trái tim của cả nước”… Tôi chỉ còn nhớ mang máng được vài câu đầu và cuối của bài thơ đã gửi đi từ mấy năm trước, được hình thành ngay hôm giã từ những tháng năm tù đầy, vào cuối tháng Giêng năm 1981, ngồi trên xe di chuyển từ trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phú) đi ngang qua thành phố lúc chiều tối để ra ga Hàng Cỏ lên xe lửa xuôi Nam, kịp đủ thời gian để nhận ra một Hànội như tôi từng nhớ biết qua hình ảnh và văn chương ngày tháng nào, giờ chỉ còn trong hoài niệm bâng khuâng. Vài câu thơ còn nhớ được như sau :

khi tôi đi qua thành phố
             buổi chiều
             những ngã tư đường xa lạ
             không có một kỷ niệm nào ở nơi đây
             người con gái đạp xe mini ngúng nguẩy hất đầu rất điệu
             chạy ngang qua ánh đèn vàng vọt của đêm
             chưa kịp xóa hết nỗi mỏi mệt của một ngày dài vừa tắt nắng
             ……………………………………………………………….
             …………………………………………………………….
             có ai đó đã vừa dựng tượng đá thành phố
             giữa công viên hồn tôi chiều nay
             cái cột mốc ký ức ấy ở đâu
             tôi gọi nhỏ rất thầm
             hànội. hànội.

Tiếp theo, Tư Trà nói về tạp văn Những tiếng hát như một nhân chứng cũng trong tờ Nhất Việt mà tôi ký tên Hải Văn (mỗi một bài gửi đi lại ký một cái tên khác nhau). Bài này tôi viết về thực trạng xã hội dạo đó, lấy bối cảnh là những bản nhạc thịnh hành của nhiều tác giả, được nghe hàng ngày trên sóng đài phát thanh hay trong những buổi trình diễn văn nghệ quần chúng, mà nội dung ca ngợi đời sống mới với những hình ảnh tươi vui đẹp đẽ đầy nét lạc quan, từ trường học cho đến nhà máy công trường, ở thành phố hay làng quê…Thế nhưng đối chiếu với thực tế cuộc sống diễn ra hàng ngày cũng ở những nơi chỗ đó, lại hoàn toàn khác hẳn. Biết bao cơ cực vất vả vô cùng khó khăn thiếu thốn trăm bề của mọi tầng lớp dân chúng. Bên cạnh đó là tình trạng cán bộ nhà nước tha hóa, moi móc kiếm chác bằng mọi cách và ăn chơi hưởng thụ phè phỡn lộ liễu ngày ngày trên mồ hôi nước mắt khổ nhọc của người dân. Như vậy, những điều mà các bài hát ấy nói đến đều không có thật mà chỉ là những ước mơ hằng mơ ước sẽ đạt được. Và mỗi khi cất tiếng hát lên, mỗi một người hát đã như là một nhân chứng.

Tư Trà thừa nhận rằng những điều tôi nói về thực trạng xã hội và tình trạng cán bộ nhà nước hư hỏng không sai, nhưng trách tôi một cách giáo điều ngây thơ rằng tại sao không gửi một bài như vậy cho báo Tuổi Trẻ hay Sàigòn Giải Phóng ở thành phố, mà lại gửi ra ngoại quốc để ngoài đó lợi dụng rồi thêm thắt nhằm nói xấu chế độ. Tư Trà có nhắc đến bài Nếu chàng Trương Chi đẹp trai của anh Dương Hùng Cường với một giọng điệu và thái độ rất hằn học.

Tôi ngồi lặng thinh nghe ông ta nói, thỉnh thoảng chỉ ậm ừ đôi chút, và sau cùng  chỉ bình thản nói lại điều mà tôi đã viết trong tờ kiểm điểm, là tôi sẵn sàng nhận chịu tât cả những gì chế độ muốn dành cho tôi.

Khoảng thời gian những ngày tiếp theo, khi sắp đến lễ Giáng Sinh 1984, họ tôi ra phòng tập thể sau gần tám tháng biệt giam bên Khu B, khu trại giam dành cho nữ giới. Những tháng ngày ở nơi đây đã để lại trong tôi biết bao điều thật nhớ.

Anh Dương Hùng Cường nhờ qua người tù làm lao động bên ngoài nhắn với tôi rằng hẹn ngày về gặp lại nhau ở Thương nhớ mười hai. Nhưng rồi lời hẹn này đã mãi mãi trở thành lỗi hẹn và không bao giờ thực hiện được nữa. ./.

ngọc tự
hiện sống và viết ở Houston/ Hoa Kỳ.

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ