Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

'tưởng nhớ một nhà giáo+ nhà báo+ nhà văn nguyễn xuân hoàng '/ trần phong vũ -- diễn đàn THẾ KỶ

Trần Phong Vũ / Nguyễn Xuân Hoàng thấp thoáng trong tôi



Sau mấy năm vất vả chống chọi với chứng ung thư, giáo sư, nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi bình an vào lúc 10 giờ 50 sáng Thứ Bảy, 13 Tháng Chín, tại San Jose, California, bên cạnh hiền thê của anh là chị Trương Gia Vy, bốn con, một trai ba gái, và các cháu nội ngoại, sau 74 năm tại thế.

Tôi biết Nguyễn Xuân Hoàng từ trước năm 1975 ở trong nước, khi anh được bổ nhiệm về dạy trường Ngô Quyền, Biên Hòa, nhưng không thân. Ngay cả những năm tháng dài sống ở Mỹ, kể cả thời gian hơn 10 năm Hoàng giữ vai trò tổng thư ký nhật báo Người Việt ở Nam California, nơi tôi cư ngụ liên tục từ cuối năm 1978 sau khi dời cư về từ miền Trung Tây nước Mỹ, thảng hoặc lâu lâu tôi mới gặp anh. 

Lần đầu tôi gặp và biết nhà văn, nhà báo tên tuổi này rất tình cờ trong một dịp công tác ở Biên Hòa khoảng năm 1961-62, khi ghé thăm anh Phạm Ðức Bảo, hiệu trưởng trường Ngô Quyền. Khi ấy anh là một thầy giáo. 

Ngồi cạnh Phạm Ðức Bảo to lớn, ngực nở, bắp tay cuồn cuộn, dáng đi dềnh dàng, ăn nói bạo tợn, ông thầy triết Nguyễn Xuân Hoàng như một thư sinh mới lớn. Dáng người nhỏ thó, mái tóc bồng bềnh, da trắng xanh, nét mặt thanh tú, mắt mở lớn với một chút ngơ ngác. Trông anh hiền, thật hiền. 

Ðấy là tất cả những gì còn đọng lại trong ký ức mỏi mòn của tôi trong lần gặp gỡ nhà văn, nhà báo họ Nguyễn hơn 50 năm về trước.

Khoảng đầu thập niên 1970, Nguyễn Xuân Hoàng đổi về Sài Gòn và một thời gian anh đảm nhiệm vai trò tổng thư ký báo Văn, một tạp chí văn học danh tiếng và giá trị của Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ. Cũng từ đấy, anh chính thức bước vào lãnh vực văn chương, báo chí với những bước đi xa, dài. 

Ngẫm lại đời mình, tôi phát hiện những lý do khiến tôi dù ít nhiều có dính dấp với chuyện viết lách, làm báo, khi còn ở trong nước và những năm tháng dài ở hải ngoại, nhưng tuồng như lúc nào cũng vẫn chỉ là kẻ đứng bên lề, thấp thoáng cạnh những người cùng giới. Ngoài những anh em làm việc chung với tôi ở đài phát thanh Sài Gòn như Uyên Thao, Trùng Dương, Lê Phú Nhuận, Dương Phục, Vũ Ánh, Nguyễn Thiên Ân, Nguyễn Mạnh Tiến, Duy Ðăng, Ðường Thiên Lý, Thái Thủy, Duy Thanh, Thái Tuấn v.v... tôi luôn là kẻ lạ mặt với đám đông giới cầm bút, ngoài một vài người đếm được trên một bàn tay như Lê Thiệp, Ðỗ Ngọc Yến, Hoàng Hải Thủy lâu lâu gặp gỡ, tay bắt mặt mừng. Riêng với nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng, sự cách biệt còn xa hơn nữa.

Phạm Ðức Bảo hơn tôi hai tuổi. Nguyễn Xuân Hoàng kém tôi tám tuổi. Nhớ lại buổi gặp gỡ hôm ấy, dường như chỉ có tôi và Bảo huyên thuyên to tiếng trong khi Hoàng ngồi yên lắng nghe, lâu lắm mới nhỏ nhẹ chen vào một câu. Giữa hai cái bắt tay lúc mới gặp và khi từ giã ra về, chúng tôi chỉ trực tiếp trao đổi với nhau vài câu xã giao lạnh nhạt. Sau này, khi có cơ hội gặp lại Hoàng ở Sài Gòn, mối giao tình cũng không khá hơn.

Lục lọi trí nhớ để cố gắng tìm thêm nguyên nhân khiến mình luôn luôn là kẻ đứng trong bóng tối giữa đám đông văn gia, ký giả Sài Gòn, trong số có Nguyễn Xuân Hoàng trước ngày mất nước, tôi chợt phát hiện ra rằng chính vì sa đà vào việc viết bài Quan Ðiểm cho nhật báo Sóng Thần đã tạo nên cơ sự. Cái bút danh theo tôi ra hải ngoại ngày nay không phải tôi chọn mà nghe đâu do ông Chu Tử ngẫu hứng đặt cho khi nhận được bài Quan Ðiểm đầu tiên của tôi. Ðể cân xứng với hai mục có sẵn được đóng khung trang trọng trên trang nhất tờ báo: Lý Ðại Nguyên bên trái, Ao Thả Vịt bên phải, ông chọn tên Trần Phong Vũ đặt vào khung phía dưới họ Lý.

Vì là mục Quan Ðiểm chuyên về những chuyện thời sự quốc nội, thường xuyên đụng chạm tới những vấn đề chính trị, tới đường lối chính sách nhà nước nên tôi phải giấu biệt tông tích. Lý do giản dị vì khi ấy tôi đang là công chức, phục vụ tại Ðài Phát Thanh Quốc Gia và một thời gian ngắn đảm nhiệm vai trò giám đốc Nha Huấn Luyện Công Tác Bộ Thông Tin. Hơn nữa lại còn là một quân nhân biệt phái. Thế nên, ngoài một số anh em thân tín, hồi ấy ở Sài Gòn ít ai biết được bút danh Trần Phong Vũ là của tôi, kể cả những người thân trong gia đình.

Với nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng và những nhân vật tên tuổi như anh, tôi chỉ là một kẻ lạc đường, do tình cờ đưa đẩy vào con đường viết văn làm báo. Xét riêng về chuyện dạy học, Hoàng là người được đào tạo bài bản. Anh tốt nghiệp sư phạm ban triết tại đại học Sư Phạm Ðà Lạt trước khi được bổ nhiệm vào dạy ở Ngô Quyền, Biên Hòa, tiếp đó là trung học Petrus Ký. Còn tôi chỉ là một ông thầy tay ngang dạy quốc văn các tư thục Hưng Ðạo, Nguyễn Bá Tòng, Lasan Taberd ở Sài Gòn.

Vì trót khoác lên mình khuôn mặt của nhà mô phạm, dù lăn lộn trong ngành truyền thông báo chí khá lâu, khi còn ở trong nước cũng như 40 năm ở Mỹ, tôi tự ẩn mình sống đời bình lặng “cơm nhà, quà vợ,” không dám sa đà vào những chuyện ăn chơi, đàn đúm. Ðấy cũng là căn nguyên khiến tôi không có những mối dây liên hệ mật thiết với đám đông những người cầm bút, trong đó có Nguyễn Xuân Hoàng.

Hôm nay, nhà văn, nhá báo và cũng là nhà giáo khả ái họ Nguyễn đã vĩnh viễn ra đi. Bỗng dưng tôi nhớ lại mấy kỷ niệm còn bảng lảng trong ký ức về anh. 

Kỷ niệm thứ nhất tôi có với Hoàng trong thời gian anh đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký nhật báo Người Việt.

Vào khoảng đầu thập niên 1990, sau khi ông Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ từ Ðà Lạt gửi ra hải ngoại bài “Vài Suy Nghĩ Của Người Công Dân,” tôi viết một bài nhận định khá dài, đích thân gửi anh Nguyễn Xuân Hoàng đăng suốt tuần trên mục Diễn Ðàn Người Việt. Vì nhà ở vùng cực Nam Orange County xa Little Saigon, sáng Thứ Hai tuần kế tôi mới ghé tòa soạn nhận một lúc 7 số báo đăng bài này. Về nhà coi lại, tôi phát hiện bị thiếu mất một đoạn, mà lại là đoạn khá quan trọng mang tiêu đề “Một Khúc Mắc Cần Ðược Tháo Gỡ,” trong đó tôi tìm cách lý giải điều dư luận lúc ấy cho rằng ông Hà vẫn còn vướng mắc thái độ kiêng nể ông Hồ Chí Minh. Khi nghe tôi phàn nàn, anh Hoàng thành thật xin lỗi vì sơ sót kỹ thuật, hứa sẽ đăng lại đoạn bị thiếu. Anh giữ lời. Ðoạn văn được đăng lại trên Người Việt số phát hành hai ngày sau đó. Dù sao chuyện này cũng khiến tôi hơi buồn và dĩ nhiên không khỏi bận tâm. Một phần vì chuyện sơ sót kỹ thuật, phần khác vì mấy ai để ý tới đoạn bài đăng lại.

Kỷ niệm thứ hai đến với tôi nhiều năm sau khi gia đình anh Nguyễn Xuân Hoàng dời cư lên vùng Thung Lũng Hoa Vàng. Hôm bà con ở tiểu Sài Gòn biểu tình chống Nguyễn Minh Triết và phái đoàn CSVN ở Dana Point vào năm 2007, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng bị kẻ xấu vu oan là có mặt trong phái đoàn của chủ tịch nước. Nhận được email của chị Trương Gia Vy, tôi vội vàng lên tiếng cải chính, vì biết trong những ngày ấy anh Hoàng ở xa.

Kỷ niệm thứ ba vào mùa Xuân năm 2011. Tôi nhớ dịp ấy tôi lên San Jose giới thiệu hai tác phẩm “Ngô Ðình Diệm ... Chính Nghĩa Dân Tộc” của nhà biên khảo Minh Võ và “Một Thời Ðể Nhớ” của nhà văn và cũng là Nhà Giáo Nguyễn Văn Lục. Tôi hết sức xúc động vì anh Nguyễn Xuân Hoàng đã hiện diện từ đầu đến phút chót trong buổi ra mắt sách hôm ấy. Hỏi thăm sức khỏe anh chị, với giọng trầm buồn Hoàng cho hay phần anh vẫn bình thường, nhưng sức khỏe chị Vy không khá. Anh cũng ân cần ngỏ lời chia buồn với tôi về sự ra đi của con gái chúng tôi mấy năm trước.

Tôi ghi lại những dòng này như một nén tâm hương tiễn đưa linh hồn nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng về nơi miên viễn, đồng thời chia sẻ sự mất mát này cùng chị Trương Gia Vy và các cháu.    ./.

TRẦN PHONG VŨ 

----------------------------------
trích từ diễn đàn THẾ KỶ
====================

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ