(Tiếp theo và hết)
Tôi nghĩ, vì lý do ngăn ngừa trước mọi mưu toan chống đối, nổi dậy của những người tù cải tạo, nên sự chuyển trại, dồn phòng bất ngờ xẩy ra tại các trại tù cải tạo là chiến thuật, đường lối tinh vi, hữu hiệu nhất của giới lãnh đạo công an CS. Nhưng, dường như chưa người tù cải tạo nào, nếu không muốn nói là không ai dùng hai chữ “bắt gà” - vừa tượng hình, tượng thanh (với tiếng kêu xao xác); lại vừa ngậm ngùi trong hồi ký của họ, như trong “Ký” của Đinh Quang Anh Thái.
Nhưng với đoạn văn sau đây của Đinh Quang Anh Thái, khi ông mô tả bữa ăn chung đầu tiên, trong tù, với nhà văn, học giả Hồ Hữu Tường, theo tôi, mới thực sự cho thấy “Ký” của họ Đinh đã đáp ứng được một trong những tiêu chí làm nên giá trị của Ký là “… tác phẩm thuộc thể loại ‘ký’ sẽ có giá trị đáng kể, nếu nội dung của chúng là những dữ kiện hoặc kỷ niệm của riêng tác giả ấy.” (2)
Đó là:
Đó là:
“… Bữa ăn chung đầu tiên, nhìn bác Năm đưa tô canh chung của cả bốn người lên húp, tôi thương ông già quá đỗi. Cái tô nứt nẻ, vá chằng vá chịt bằng mủ ny lông, chứa một thứ nước lõng bõng với vài lát bí đỏ nhạt thếch. Tôi nói đùa với bác mà muốn ứa nước mắt, ‘đời bác te tua y như cái tô phải không bác.’ Ông già cười bảo tôi, ‘người ta bảo bác Năm mày là Hồ Hữu Tù mà, thời nào bác Năm mày cũng đi tù, tù Tây, tù Quốc gia, tù Cộng Sản.”
Đoạn văn ngắn thôi, nhưng đủ khiến tôi tê điếng gan ruột. Nhớ ngày còn nhỏ, mượn được cuốn “Phi Lạc Sang Tàu” của nhà văn Hồ Hữu Tường, tôi đọc ngấu nghiến… Buông sách xuống, tôi nghĩ, một ngày nào, được gặp tác giả, chắc hạnh phúc lắm.
Tôi cũng nhớ khoảng giữa thập niên 1950s, không biết ai đó, chỉ tôi, nhà ông Hồ Hữu Tường ở khu Nancy, gần nhà họa sĩ Tạ Tỵ… Tôi rón rén đi ngang nhiều lần nơi ở thần tượng của mình. Tôi hồi hộp với việc làm lén lút, tựa sai quấy ấy; dù không lần nào tôi được thấy thấp thoáng hình bóng ông… “Phi Lạc Sang Tàu”…
Tôi cũng nhớ khoảng giữa thập niên 1950s, không biết ai đó, chỉ tôi, nhà ông Hồ Hữu Tường ở khu Nancy, gần nhà họa sĩ Tạ Tỵ… Tôi rón rén đi ngang nhiều lần nơi ở thần tượng của mình. Tôi hồi hộp với việc làm lén lút, tựa sai quấy ấy; dù không lần nào tôi được thấy thấp thoáng hình bóng ông… “Phi Lạc Sang Tàu”…
Bây giờ, ở tuổi ngoài bảy mươi, Đinh Quang Anh Thái lại chạm, khắc sâu trong tâm trí tôi, hình ảnh “già Năm” “đưa tô canh chung của cả bốn người lên húp…” Hỏi làm sao tôi không thấy buốt, xót như ai đó đã tận lực xát muối lên vết thương còn quá “tinh tươm” của tôi!.!
Về tiêu chí dữ kiện hay kỷ niệm riêng, làm thành giá trị tác phẩm được gọi là “ký”, tôi còn được gặp rất nhiều trong những trang sách mang tên Đinh Quang Anh Thái.
Thí dụ, nhờ “Ký” của họ Đinh, tôi mới biết một khía cạnh đặc biệt của bạn tôi, người bạn của những năm đầu trung học Chu Văn An - - (Sau này là ký-mục-gia (đúng hơn là nhà văn) Bùi Bảo Trúc. Tôi không nói giữa chúng tôi, có một tình thâm sâu đậm hơn người. Nhưng tôi cho là cũng tạm đủ để biết, để hiểu khá nhiều mặt khác nhau nơi đời thường của bạn.
Nhưng, hôm nay, nhờ đọc “Ký” của Đinh Quang Anh Thái, tôi mới biết khía cạnh nhân ái nồng nàn, mãnh liệt, tới nghẹn lời của bạn:
“Một lần, một sáng sớm 2008, vừa dứt chương trình Chào Bình Minh của Little Saigon Radio, ra ngoài sân hút thuốc thì cô thư ký của đài bước ra nói, nhiều thính giả gọi vào kiếm tôi nhờ gửi tiền cho một phụ nữ chết đuối ở Quảng Bình.
“Chẳng biết ất giáp gì, nhưng ngay sau đó thì hiểu ngay. Chả là anh Trúc nói trên đài qua cuốn băng thâu trước về hoàn cảnh một người đàn bà lao ra sông chống chỏi với giòng nước lũ cuồn cuộn để cứu hai nữ sinh chới với sắp chìm. Hai nữ sinh sống sót, người thiệt mạng chính là tấm lòng quên mình giúp người này. Báo chí trong nước chụp tấm ảnh người chồng cùng bảy đứa con nheo nhóc, có đứa phải bế trên tay, ngồi bên sông đón con đò đưa xác mẹ vào bờ. Anh Trúc nói anh nhờ tôi chuyển $300 cho gia đình người xấu số và kêu gọi mọi người cùng tiếp tay.Trong vòng chưa đầy 3 ngày, số tiền do nhiều người gửi đến tổng cộng gần $15 ngàn (…)
“Anh Trúc là vậy đó. Anh có cái TÂM không ngần ngại, dang tay giúp những hoàn cảnh khốn khó. Và sở dĩ tiếng nói của anh được hưởng ứng là vì nhiều người yêu mến cái TÀI của anh…” (“Ký”, tr. 144, 146)
Cũng vậy, về nhà báo, cũng là nhà thơ Đoàn Kế Tường mà, cá nhân tôi sau này, cũng có tình thân với ông. Nhưng có nhiều điều, nếu không đọc “Ký” Đinh Quang Anh Thái, thì tôi hoàn toàn không biết! Vì Tường tuyệt nhiên không thố lộ với tôi.
Trong “Ký” của mình, họ Đinh kể, trong tù, ông và Tường bị công an trại sắp chỗ nằm sát cầu tiêu, cả ngày chịu đựng mùi phân, mùi nước tiểu. Nhiều đêm Tường và tác giả “Ký” thức trắng, vì có bạn tù bị tiêu chảy, ôm quần chạy thục mạng cả chục lần vào ngồi cầu tiêu.
“Mùi tanh khắm lặm. May mà trong bụng teo tóp không có chút gì, chứ không đã ọc hết ra rồi.
“Sau đó, Tường và tôi lầm mùi phân với mùi mắm ruốc.
“Thương Tường. Thương mình. (…)
“Tường lãng mạn lắm. Một buổi sáng bưng ca nước uống, Tường trầm ngâm một lúc rồi bảo, nhà tôi ở làng báo chí Thủ Đức, thường đi ngang qua một con lạch, vợ con tui sáng nay chắc đi qua đó, bóng in xuống dòng nước rồi chảy vào trại giam, ‘rứa là nước tui uống có hình bóng vợ con’.
“Tưởng tượng đến như thế thì tôi thua (“Ký”, tr. 127, 128)
Về tập quán trong tù của Đoàn Kế Tường, Đinh Quang Anh Thái ghi nhận: Khi được thăm nuôi, Tường hào sảng lắm. Tường đem phần quà của mình, phát cho những người tù “mồ côi” (không có thăm nuôi). Tường thường nói:
“Kệ mạ hắn, ăn cho đã rồi mai nhịn. Đó là tính THIỆN của Tường.
“Nhưng khi giỏ thăm nuôi trống không, Tường không nhịn được mồm. Lúc đó tính ÁC lộ ra. Tường không ngần ngại ‘xoay xở’ bằng nhiều cách để có tý muối, tý đường, tý thuốc lào…” (“Ký” tr. 129)
Với tôi, gần như mỗi trang “Ký” của Đinh Quang Anh Thái đều phẳng phất những dữ kiện hoặc, kỷ niệm riêng, làm thành giá trị tác phẩm. Tôi luôn thấy tôi nghiêng mình, “mặc niệm” trước những hy sinh mang ý nghĩa lớn lao của các tên tuổi làm thành những trang sử huy hoắc tự do, nhân bản cho Việt Nam hôm qua và, ngày tới. Như tên tuổi Trần Văn Bá, Hoàng Cơ Trường, Nguyễn Ngọc Bích, Như Phong / Lê Văn Tiến v.v…
.
Gấp lại tập “Ký” dầy 200 trang của họ Đinh, tôi cũng thấy tôi muốn ngỏ lời cảm ơn tác giả. Cám ơn người đã cho tôi 12 bữa tiệc-hình-ảnh-chữ-nghĩa diễn ra bên trong bốn bức tường nhà tù Việt Nam nhỏ / lớn.
Nhất là trong số 12 bữa tiệc máu, xương này thì, hết 10 tiệc tôi muốn mượn hình ảnh “tiệc ly” (3) trong Tân Ước để biểu thị; bởi đó là 10 nhân vật không còn nữa!.!
Họ đã lần lượt chia tay chúng ta, để riêng một Đinh Quang Anh Thái, ngồi lại - - Đối diện với “tiệc-ký” quạnh hiu của chính mình. ./.
Du Tử Lê,
(Apr. 2018)
________
Chú thích:
Chú thích:
(2): Đọc thêm: Du Tử Lê “Góc khuất của những tên tuổi nổi tiếng trong ‘Ký’ Đinh Quang Anh Thái”, NB Người Việt, Thứ Bảy 21 tháng 4-2018.
(3)Theo các sách phúc âm đồng quan, Chúa Giê-su có bữa tiệc cùng với các môn đồ, gọi là Tiệc Ly, rồi đến Vườn Gethsemane để cầu nguyện. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su bẻ bánh, dâng lời tạ ơn, đưa bánh cho các môn đồ mà nói rằng "Nầy là thân thể ta"; Rồi lấy chén, tạ ơn, đưa cho các môn đồ mà nói rằng "Hết thảy hãy uống đi; vì này là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội". Sau cùng, ngài căn dặn môn đồ: "Hãy làm điều này để nhớ đến ta" (…) (Nguồn Bách Khoa Toàn Thư - Mở, Wikipedia).
----------------------------------
trích từ Du Tử Lê 's blog===================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét