Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

' đọctập thơ CÒN THƯƠNG CHIÊC LÁ/ TRIỀU HẠNH ...' / điểm sách: Trần Huiền Ân -- blog phạm cao hoàng



FRIDAY, MARCH 23, 2018

 TRẦN HUIỀN ÂN/  Đọc tập thơ CÒN THƯƠNG CHIẾC LÁ của Triều Hạnh ...

- núi Nhạn Tháp (Tuy Hòa)-- photo by PCH, 9.2017


Văn chương trước hết xuất phát từ thiện tâm, cho nên ý niệm Yêu Thương thường được nhắc đến.

Trong phạm vi thân tình, năm 2017 vừa rồi chúng tôi có dự hai buổi phát hành tác phẩm văn xuôi của Tiểu Nguyệt: Khúc hát yêu thương vàThương lắm quê nhà.Hôm nay tập thơ của Triều Hạnh có một chữ Thương: Còn thương chiếc lá.

Chiếc lá cũng là một ẩn ngữ mang tính yêu thương trong văn học. Ta nghĩ ngay đến truyện ngắn đầy tính nhân đạo của O. Henry. Trong Tì bà hành, Bạch Cư Dị viết “Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn”, chúng ta chưa thấy có một  chiều sâu, nhưng khi Phan Huy Vịnh chuyển ngữ quốc âm: “Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt” ắt là hình dung ra ngay, rất rõ ràng, cảnh bến Tầm Dương trong đêm trăng ấy.

Một buổi trưa ngẩng trông lên trời cao xanh thẳm, có chiếc lá nào đó, vô tình hay hữu ý nằm trong đường tầm mắt. Chiếc lá là chiếc thuyền và nền trời là biển rộng bình yên. Để dễ dàng nhận thấy hơn hãy quay ngược cảnh trí, chiếc lá vẫn là chiếc thuyền, như chiếc thuyền câu bé, nhưng chẳng phải bơi giữa ao thu, mà chung quanh là đại dương mênh mông không bờ không bến. Chiếc lá thật đáng thương, thật đáng yêu, cho nên dù cho vật đổi sao dời tác giả vẫn còn thương chiếc lá.

Trên thực tế có nhiều nơi cả gia đình, gia tộc sống trong một nhà thuyền. Ở đây, chiếc lá của Triều Hạnh khác nào một nhà thuyền, che chở cho cả tứ đại đồng đường, đồng thời giữ gìn mọi sinh hoạt từ một thời màu áo học trò.

Triều Hạnh về quê sống bên bà nội:

Vách chắn đơn sơ lều một túp.
Trú nắng che mưa đỡ gió sương.
Mặt nám lưng cong gồng với đất.
Cuộn rơm un muỗi ấm đêm trường…

Cháu về nội bớt buồn đơn độc.
Bữa cơm sớm tối dọn ngoài hiên.
Luống cà ra trái, xoài sai nụ.
 Chim chóc reo vui rộn đất hiền…

Làng quê hẻo lánh đã thành nơi đất lành chim đậu.

Trong môi trường thân yêu ấy, Triều Hạnh cảm thấy lòng mình luôn luôn trẻ trung, dù qua bao năm tháng biển dâu:

Em vẫn là em. Em của anh.
Đơn sơ áo trắng mộng trong lành.
Giữ lòng chung thủy bao năm tháng.
Để nhận ra màu tóc cứ xanh.

Khi Triều Hạnh nói đến mẹ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bắt gặp ở đó một ẩn ngữ có cội nguồn sâu xa từ văn chương Phật giáo:

Tóc mẹ trắng bao mùa hoa vải.
Ngút ngàn xa rừng trải bông tơ.
Dừa rợp bóng quanh năm sai trái.
Tàu chuối biên kinh mượt những tờ…

“Tàu chuối biên kinh…”, có phải gợi ý từ “phiên kinh thượng tiêu diệp”” thơ ca thời Lý? (Sơn Trung tặng Nhật Nam tăng)

Trong thơ Triều Hạnh còn có dấu ấn lịch sử. Viếng tháp Cánh Tiên tác giả thương quý công chúa Huyền Trân và kính phục tài kinh bang của vua Chế Mân, cho rằng đó là cuộc hôn nhân xứng đáng:

Dẫu tài kinh quốc Chế Mân.
Hai châu Ô Lý xứng thân cành vàng.
Cõi bờ thêm rộng mở mang.
Danh công chúa Việt thơm trang sử tình.

Quay về khung cảnh gần gũi đầm ấm, khi ru cháu nội, Triều Hạnh có lời dỗ dành rất dí dỏm và tế nhị:

Ngủ đi cháu. Ngủ! Ngoài kia…
Hàng cau ngủ thẳng, ao đìa ngủ cong.
Ngọn tre ngủ giữa trời không.
Để bà xem gió ngủ rong chốn nào…

Triều Hạnh cũng không quên ca dao địa phương khi bà nội nhắc lại thời về làm dâu làng Sơn Triều:

Nhà mấy cột thềm cao ai bước thấu?
Cau mấy hàng ai đếm dủ từng cây.

Sơn Triều là vùng nông nghiệp phát triển sớm ở Nam Phú Yên, từ thời còn thuộc tổng Trung huyện Đồng Xuân, đã lưu danh trong ca dao:

Sơn Triều nhiều ruộng nhiều trâu.
Để cho chị Bốn làm dâu Sơn Triều.
Làm dâu coi trước coi sau.
Coi nhà mấy cột coi cau mấy hàng…

Nhiều ruộng nhiều trâu, nhà cao cửa rộng, có vườn cau giếng nước là hàng đại phú. Cột nhà chẳng lẽ ai vào dỡ đi, cau hàng chẳng lẽ ai vào chặt đi. Coi nhà mấy cột, coi cau mấy hàng… là coi trước coi sau, coi trong coi ngoài, công việc của một người dâu đảm đang quán xuyến…

Thi sĩ Tô Thùy Yên viết trong bài Ta về:
Cảm ơn hoa đã vìta nở.
Thế giới vui từng mỗi lẻ loi
Trong thơ Triều Hạnh:
Vườn chanh lối nhỏ cònin dấu.
Hoa có vì em nở trắng vườn

Cùng nhắc đến hoa, hoa nở, trong hoàn cảnh cô đơn, hay xa cách, nhưng đóa hoa không tên của Tô Thùy Yên có phần lẻ loi, hoa chanh của Triều Hạnh chắc đang nở trắng vườn, khu vườn vốn là đất hiền, còn đó lối nhỏ, tạo nên sắc thái sum vui hội tụ.

Trở lại với chiếc lá chúng tôi đã nói đến từ đầu. Chiếc lá còn xanh sớm rụng, là hình ảnh hai người em trai thân thương của Triều Hạnh, tác giả dành trong bài thơ cuối cùng khi tác phẩm được xếp lại với nỗi bâng khuâng:

Thương em chiếc lá trinh trung.
Tan vào cát bụi mông lung chốn này.

Tóm lại, suốt cả tập thơ, thể hiện suốt hành trình làm thơ của Triều Hạnh là tình yêu thương luôn luôn đằm thắm, đậm đà với chung quanh, từ cảnh trí đến người thân…xa gần…

Triều Hạnh đã gởi gắm tất cả tâm hồn nhân hậu vào thơ, cộng với những gì tiếp nhận được từ những người đi trước để làm nên thi phẩm. Như con tằm, ăn dâu không phải lại nhả ra lá dâu, mà nhả ra những sợi tơ quý, đó là điều chúng tôi thấy thích thú và đồng cảm khi đọc thơ Triều Hạnh.

4 tháng 3.2018
Trần Huiền Ân

------------------------------------------------------------------------------------------------------------
trích từ TRANG VHNT PHẠM CAO HOÀNG
==============================================================



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ