' LỀU VỊT HỒ TÂY+ họa sĩ TRỊNH HỮU NGỌC:' một thời bom rồi hòa bình ' " / một hồi tưởng của hoạ sĩ NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG -- Giao Blog
27/03/2018
Lều vịt Hồ Tây và họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, một thời đạn bom rồi hòa bình
Một hồi tưởng về cụ Ngọc của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, năm 2014, đã đi ở đây.
Cụ Ngọc hồi 1972 và cuốn sách về cụ mới được xuất bản (bởi người con trai):
Một bài phỏng vấn con trai cụ Ngọc, từ bằng giờ năm ngoái.
---
Gia đình MÉMO năm 1952
Những người thợ mộc nhà MÉMO. Đứng giữa (thứ 5 từ trái sang) là cai Tường, phụ trách cả đội thợ, sau này là nghệ nhân mộc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
TRỊNH HỮU NGỌC - Cầu sông Thương (Bắc Giang). 1957. Sơn dầu. 52x38cm
Xe đi vẽ bên cầu sông Thương 1957
Đồ gỗ nhà MÉMO trong một trang thiết kế của sách
Logo MÉMO
Áo bìa cuốn sách "Trịnh Hữu Ngọc Từ những tác phẩm còn lại"
Nghệ sỹ Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc bên bàn viết Lều vịt (hồ Tây) năm 1972
Các họa sĩ, Nhà nghiên cứu đến dự buổi giới thiệu ra mắt cuốn sách "Trịnh Hữu Ngọc từ những tác phẩm còn lại". Từ trái sang: nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, họa sĩ Trịnh Lữ (tác giả cuốn sách), tiến sĩ Phạm Long, nhà Phê bình mỹ thuật Phạm Trung
Họa sĩ Trịnh Lữ ký tặng sách cho nhà báo Hoàng Anh tại nhà số 108 Quán Thánh, Hà Nội, tháng 2 năm 2017.
Hoàng Anh
Chân dung hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1986), của Nguyễn Đình Đăng |
Nguyên chú: Nghệ sỹ Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc bên bàn viết Lều vịt (hồ Tây) năm 1972 |
Áo bìa cuốn sách "Trịnh Hữu Ngọc Từ những tác phẩm còn lại" |
Một bài phỏng vấn con trai cụ Ngọc, từ bằng giờ năm ngoái.
---
Nhìn và thấy "Từ những tác phẩm còn lại"
TRỊNH HỮU NGỌC - Xưởng vẽ 108 Quán Thánh. 5/6/1974. Sơn dầu trên giấy LeFranc
“Một ngày nắng đầu hè 1968, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, đã gần 60 tuổi, đang cùng một con trai nhặt nhạnh gỗ lạt và sắt thép còn có thể tận dụng được trong khu nhà đổ nát do trúng bom Mỹ của mình tại 108 Quán Thánh, Hà Nội. Bố định làm nhà bằng những thứ này ư? Anh con trai hỏi, giọng nghi ngại. “Ừ, có sao làm vậy con ạ”, ông đáp, “mà thế mới hay. Trời đất tạo dựng tất thảy từ chỗ chả có gì…” Họa sĩ ngừng tay, ngước nhìn trời rồi nói: “Con nhìn đi, trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn trong vắt đẹp đẽ như thế, muôn đời như vậy, cho nên mình dễ quên…”
Sáu năm sau, Trịnh Hữu Ngọc ngồi vẽ nắng ở xưởng vẽ của mình, vẫn hoang tàn nhưng không còn ngổn ngang, vì cả những vụn nát cũng đã được người qua lại dọn lấy đi cả rồi. Có lẽ ông không biết rằng bức tranh ấy đã vẽ đúng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình: một đổ nát tĩnh khiết, trong vắt, như một thoáng hiện, say đắm, trân trọng, buông bỏ, nhẹ nhàng. Cuộc đời ra sao thì sự nghiệp cũng vậy -- một nhất quán hiếm hoi. Để lại những tạo tác thoạt nhìn tưởng như chẳng có gì…”.
Những lời mở đầu cuốn sách “Trịnh Hữu Ngọc – Từ những tác phẩm còn lại” của tác giả Trịnh Lữ (Nhà xuất bản Mỹ thuật, tháng 2/2017) đã gây xúc động trong một cảm giác thương nhớ mơ hồ không tên tới người nghệ sĩ mang tên Trịnh Hữu Ngọc. Điều này kích thích bạn đọc, phải lật những trang kế tiếp một cách háo hức và say mê. Tôi cũng là một độc giả, biết tới cuốn sách (lúc đó đang ở dạng bản thảo) trong buổi gặp gỡ đầu tiên với họa sĩ Trịnh Lữ (người con thứ 9 của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc) khi ông từ Mỹ về Việt Nam (họa sĩ Trịnh Lữ hiện vẫn đi đi về về ở cả hai nơi). Đọc vài trang bản thảo đã dàn trang kỹ lưỡng trên máy tính của họa sĩ Trịnh Lữ, tôi đã thấy nhiều điều mới mẻ, cần phải khám phá, mong từng ngày cuốn sách được xuất bản để có thể thưởng thức một cách trọn vẹn…
Nhà báo Hoàng Anh (Nb H.A): Phải thú thật rằng, đã lâu rồi cháu mới đọc một cuốn sách về mỹ thuật gây nhiều bất ngờ với nhiều câu chuyện và chi tiết gây xúc động đến như vậy. Việc đầu tiên cháu muốn hỏi, là gia đình đã lưu trữ những tư liệu quý giá này như thế nào, thưa chú Trịnh Lữ?
Họa sĩ Trịnh Lữ (Hs T.L): Chắc phải nói thế này: những tư liệu ấy đã được lưu giữ bằng tình cảm gia đình sâu nặng của anh chị em chúng tôi, với cha mẹ và với nhau. Qua hơn nửa thế kỷ li tán, mười hai anh chị em chúng tôi mỗi người mỗi số phận, mỗi người mỗi nơi, mà ai cũng gìn giữ nâng niu những dấu vết của cuộc sống gia đình từ thời thơ ấu. Cho nên khi bắt đầu có ý định làm sách về bố mẹ - ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước, tôi đã biết rằng mình sẽ có thể tổ chức một lưu trữ gia đình từ những gì còn đang rải rác ở nhiều nơi. Đấy là nói tại sao chúng tôi vẫn giữ được dấu vết của quá khứ. Còn người tạo ra những dấu vết ấy thì chính là cha mẹ chúng tôi. Tất cả những ảnh gia đình và bạn hữu của gia đình đều do chính cụ Ngọc chụp và in tráng ngay tại nhà. Tất cả những giấy tờ liên quan đến cuộc sống của gia đình, những sổ sách, nhật ký, thư từ… đều được cha mẹ cất giữ có hệ thống hẳn hoi. Tôi nghĩ các cụ phải yêu quý cuộc sống gia đình và chúng tôi lắm thì mới thế.
Gia đình MÉMO năm 1952
Những người thợ mộc nhà MÉMO. Đứng giữa (thứ 5 từ trái sang) là cai Tường, phụ trách cả đội thợ, sau này là nghệ nhân mộc của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Những lần phải chuyển nhà vì tao loạn, rồi nhà bị trúng bom, mỗi người mỗi nơi… đã khiến cho cái kho tàng tư liệu ấy không thể nguyên vẹn. May mắn là khi cha tôi bắt đầu sống một mình ở Tây Hồ, ông đã dùng ba thùng tôn hoa mua ở Hàng Thiếc để cất giữ những giấy tờ sổ sách còn lại. Năm 1995, sau khi mẹ tôi qua đời, cha tôi viết thư sang Mỹ, dặn rằng ông đã khóa ba chiếc thùng tôn ấy và vứt chìa khóa xuống Hồ Tây, “lúc nào về, con khắc biết phải làm gì…” Và ông cũng dặn “chỗ tranh vẫn còn để ở Paris, con thu xếp mang cả về…” Mãi đến sau khi ông mất, tôi mới làm được việc ấy. Rồi trong mười năm đầu của thế kỷ này, từng tí một, tôi mới có điều kiện để lần giở tất cả những di cảo ấy, tập hợp những hình ảnh và ghi chép những ký ức mọi người trong nhà, từ cả Paris, Montreal, Sydney…, thu xếp thành một lưu trữ tương đối có tổ chức, làm một cơ sở dữ liệu (database) kỹ thuật số cho toàn bộ số tranh vẽ của cha. Chỉ khi có được lưu trữ ấy, tôi mới dần tìm ra hướng đi cụ thể cho cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc theo một quan điểm mà tôi cho là phải nhất: vừa là một người con, vừa là một người viết tiểu sử cho một nhân vật.
Nb H.A: Trong quá trình tìm kiếm và tổng hợp tư liệu về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, chú có cảm thấy bất ngờ không khi gặp quá nhiều những sự kiện mà chú chưa hề biết tới?
Hs T.L: Có chứ! Không quá, nhưng rất nhiều. Thứ nhất là những bất ngờ khi bắt gặp được những dất vết xác thực của nhiều sự kiện mà từ trước đó chỉ tồn tại trong ký ức gia đình như những giai thoại. Ví dụ như bản vẽ hiện trạng nội thất chiếc máy bay AN24 của Phủ Chủ Tịch, với những ghi chú để cha tôi lưu ý khi làm mới toàn bộ nội thất ấy. Khi tìm thấy nó, tôi mới yên tâm khẳng định công việc đó là có thật. Thứ hai, mà có lẽ là còn quan trọng hơn, là nỗi bất ngờ khi những tư liệu đã có lại trở thành đầu mối để tôi tìm thấy những tư liệu khác chưa có trong gia đình. Ví dụ như những thư từ cha tôi viết cho thầy Tardieu hồi còn là sinh viên, hay bức thư của thư ký nhà trường gửi cho hiệu trưởng Tardieu, báo cáo danh sách sinh viên được học bổng, trong đó có cha tôi. Những tư liệu bổ xung từ các nguồn bên ngoài như vậy khiến tôi có căn cứ để nhìn nhận những tư liệu đã có trong gia đình một cách sâu sắc hơn nhiều.
Tôi nghĩ tư liệu không phải là một lưu trữ quá vãng. Tư liệu cũng sinh sôi và có cuộc sống của chúng. Lưu giữ tư liệu là nuôi dưỡng dòng chảy lịch sử -- một quá trình “ôn cố tri tân” rất sinh động, và luôn đầy bất ngờ.
TRỊNH HỮU NGỌC - Cầu sông Thương (Bắc Giang). 1957. Sơn dầu. 52x38cm
Nb H.A: Cuộc đời của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc trải dài qua nhiều năm tháng, gắn với hầu hết các giai đoạn lịch sử trọng đại của đất nước như: trước Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hòa bình thống nhất đất nước. Chú đã nhận thấy những điều gì đặc biệt trong suy nghĩ của cụ khi đứng trước những thay đổi về thời cuộc? Quan niệm về cuộc sống cũng như nghệ thuật có từ những biến động xã hội ấy đã được cụ Ngọc thích nghi và thay đổi như thế nào, thưa chú?
Hs T.L: Từ nhỏ, tôi đã luôn nghe cha tôi dặn rằng thời cuộc thì muôn đời vẫn vậy, được làm vua thua làm giặc, đến anh hùng áo vải mà khi đã lên vua thì chẳng chóng thì chầy cũng bị bả vinh hoa phú quý mà thành ác hơn giặc, chỉ còn biết giữ ngôi báu chứ lo gì cho ai. Còn đời sống thì cũng thế, lúc nào cũng cần người có nghề có nghiệp, nuôi sống lẫn nhau, chả thể khác được. Cho nên cứ phải học phải tập cho thật giỏi một nghề tử tế, thì thời nào cũng sống được. Chớ bao giờ dính vào những việc mưu bá đồ vương, vinh hoa phú quý. Mọi thứ danh tước đều là do người khác phong cho mình, tước đi lúc nào chả được. Chỉ có những gì chính mình làm ra, được người đời quý trọng, thì mới thực sự là công trạng tử tế mình đóng góp cho đời, chả ai lấy đi được của mình.
Tôi nghĩ cha tôi đã sống đúng như vậy, không thay đổi trong suốt cuộc đời mình. Chắc nhiều người thấy thế cũng là đặc biệt. Còn ông đã lựa chọn thích nghi với những biến động thời cuộc như thế nào, tôi nghĩ bạn đọc sẽ tự tìm thấy câu trả lời khi đọc cuốn sách.
Nb H.A: Qua những trang viết thấm đẫm cảm xúc trên nền một kho tư liệu phong phú về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, cháu chợt chạnh lòng nghĩ tới có nhiều họa sĩ Việt Nam. Họ cũng đã từng có một sự nghiệp hoạt động phong phú, có những tác phẩm nổi tiếng, có những ghi chép tư liệu quý báu về thời kỳ mà họ sống. Nhưng gia đình và người thân vẫn chưa hoặc không quan tâm để làm được cuốn sách đầy đủ, chi tiết như cuốn sách này (ngoài việc bán đi các bức tranh). Tất nhiên là có rất nhiều lý do. Theo chú, những nguyên nhân cơ bản nào trong tâm lý dẫn đến việc này?
Hs T.L: Bản thân tôi đã rất khó khăn trong nhiều năm mới làm được cuốn sách về cha mình. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài khó khăn tâm lý của chính mình mà thôi.
Đầu tiên, tôi ngại mình không thể đại diện cho tất cả anh chị em trong nhà để viết về cha. Tôi tin rằng ai trong số chúng tôi cũng có một câu chuyện riêng về cha; có thể còn rất khác biệt nhau. Ngần ngại này kéo dài hàng mấy năm trời, khi tôi thấy phác thảo nào của mình cũng khiên cưỡng và mệt mỏi. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy đó là do lúc tôi vẫn chưa tìm hiểu và xếp sắp lại các tư liệu đã có; chưa thực sự thấy cuộc đời và sự nghiệp của cha sống lại trong tâm trí mình. Những gì tôi có chỉ là những mảnh vụn trong ký ức cá nhân, đậm đặc thiên kiến và những mặc cảm riêng của chính tôi. Nói cách khác, tôi còn mắc kẹt trong tâm lý của một người muốn viết hồi ký cá nhân, chứ chưa phải một người viết tiểu sử nhân vật. Thậm chí còn là tâm lý viết “nhật ký quá khứ” chứ cho riêng mình, giải tỏa những ẩn ức của cá nhân mình, chứ không phải viết “hồi ký” như một người tự nhìn nhận lại mình để chia sẻ với xã hội.
Xe đi vẽ bên cầu sông Thương 1957
Đến khi đã làm xong được cái database cho toàn bộ những bức tranh còn lại của cha, bao gồm cả những ghi chú và cảm nhận của tôi cho từng bức; đã đọc hết những sổ sách, nhật ký, xem kỹ hết các ảnh chụp; chuyện trò với rất nhiều người để biết thêm về cha, thì tôi cảm thấy như cha vẫn còn sống, và đang nhìn tôi, nghe tôi… Cảm giác ấy khiến tôi choáng ngợp. Tôi phải dẹp việc làm sách sang một bên; rồi vài tháng sau mới bắt đầu thấy tỉnh táo để quay lại với nó. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu cảm thấy mình là một người viết tiểu sử nhân vật, không còn ngại phải đại diện cho gia đình nữa.
Tóm lại, tôi nghĩ cái khó về tâm lý có thể phân thành hai loại: một là nội bộ gia đình, hai là mục đích làm sách. Còn lấn bấn trong hai chuyện này thì không thể làm được.
Nb H.A: Điều này là chính xác chú ạ. Được biết hiện nay, gia đình của một số danh họa ở Việt Nam đang chuẩn bị tập hợp tư liệu làm sách nhưng đang gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tập hợp bản thảo và tư liệu. Sinh thời lúc còn sống, nhà điêu khắc Trần Thị Hồng cũng muốn làmmột cuốn sách thật tốt cho họa sĩ Trần Văn Cẩn…mà rồi tâm nguyện vẫn chưa thành. Ngoài việc dành thời gian và tâm huyết cho việc này thì cần có những kinh nghiệm gì quý báu trong quá trình xây dựng bản thảo, thưa chú?
Hs T.L: Tôi nghĩ việc xây dựng bản thảo nào cũng giống nhau thôi. Đầu tiên vẫn cứ phải xác định rõ mục đích – soạn nó để làm gì? Cho ai đọc? Trả lời được hai câu hỏi đó một cách ngắn gọn rõ ràng thì sẽ biết là cuốn sách ấy sẽ thuộc thể loại gì, nội dung nên được cấu trúc ra sao, hình thức nào là thích hợp nhất, và giọng điệu của nó, thể hiện trong cả hai phần chữ và hình ảnh, nên như thế nào là phải. Nói theo lối lý thuyết thì vẫn cứ đi từ mục đích, đến chiến lược để đạt được mục đích ấy, đến cụ thể về cấu trúc nội dung, thể hiện hình thức, và giọng điệu của văn bản. Còn nôm na thì vẫn cứ là trả lời được một cách khúc triết các câu hỏi Tại sao? Cái gì? Như thế nào? Ai sẽ làm gì? Lúc nào? Và Ở đâu? Tôi nói thế vì thường thì sẽ phải cần đến nhiều hỗ trợ chuyên môn cho một cuốn sách loại này.
Đồ gỗ nhà MÉMO trong một trang thiết kế của sách
Logo MÉMO
Nb H.A: Vậy cụ thể là những vấn đề chuyên môn gì, thưa chú Trịnh Lữ?
Hs T.L: Mỗi loại sách cần một bộ kỹ năng chuyên môn khác nhau. Với loại sách về cuộc đời và sự nghiệp của một họa sỹ thì thường cần đến bốn chuyên môn chính: (1) Viết ra câu chuyện bằng chữ; (2) Tạo hình ảnh kỹ thuật số để in cùng với phần chữ; (3) Thiết kế trình bày cả hai phần chữ và hình thành những trang sách có hiệu quả cả về truyền thông và thẩm mỹ; và (4) In ấn – biến những trang sách trên thiết kế thành một cuốn sách thật.
Phần viết chữ cần đến chuyên môn của nhà văn, nhà báo, giám tuyển nghệ thuật, người viết tiểu sử…, tùy theo thể loại. Nếu là sách song ngữ thì lại cần thêm người dịch. Chọn và sử dụng loại chuyên môn này là khó nhất.
Phần tạo hình ảnh thường cần đến hai chuyên môn khác nhau: một là chụp ảnh các tác phẩm mỹ thuật để có được những hình ảnh kỹ thuật số trung thực nhất với tác phẩm; và hai là chuyên môn chế bản, nghĩa là điều chỉnh các đặc tính kỹ thuật của ảnh cho phù hợp với hệ thống kỹ thuật in nhằm in ra được các hình ảnh trung thực với tác phẩm. Chuyên môn chế bản là khâu rất quan trọng. Nếu in kỹ thuật số thì còn đơn giản. Còn in offset ở các nhà in thương mại thì phức tạp hơn nhiều, do tình hình các nhà in ở ta còn chưa được trang bị những dây chuyền hoàn chỉnh và đồng bộ - thường chưa có khâu quản lý màu theo định dạng (profile) có thể kiểm soát được từ khâu chế bản đến khâu in. Còn phần thiết kế trình bày là thuộc chuyên môn thiết kế đồ họa.
Áo bìa cuốn sách "Trịnh Hữu Ngọc Từ những tác phẩm còn lại"
Nghệ sỹ Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc bên bàn viết Lều vịt (hồ Tây) năm 1972
Trong thực tế, cả bốn khâu chuyên môn nói trên phải phối hợp khăng khít với nhau thì mới có kết quả tốt. Ví dụ: những tiêu chí kỹ thuật của khâu in ấn phải là những dữ kiện đầu vào cho khâu thiết kế trình bày: khổ sách bao nhiêu, sẽ in trên giấy gì, mực gì, bốn màu offset hay từng màu pha sẵn, đóng sách theo kiểu gì, bìa cứng hay bìa mềm, có áo bìa hay không…
Đó là những chuyên môn cần thiết để có được một cuốn sách. Còn việc huy động những chuyên môn ấy sao cho có hiệu quả lại là một vấn đề khác, tùy thuộc vào mục đích của cuốn sách và cách làm việc của tác giả.
Nb H.A: Là một trong những sinh viên Khóa 9 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1933-1938), sau này nổi danh trong giới và người yêu nghệ thuật với tên gọi: Nghệ sỹ Thiền Họa. Nhưng có lẽ không nhiều người (của thế hệ sau này) biết rằng cụ Ngọc đã là người thành đạt rất sớm với thương hiệu đồ gỗ MÉMO nổi tiếng gây thương nhớ đến tận ngày nay. Chú có cảm thấy tiếc nuối khi thương hiệu ấy không còn...!?
Hs T.L: Tiếc nuối thì không đâu. Cái gì cũng có thời của nó. Nhà MÉMO đã tạo dựng được một phong cách nội thất riêng trong thời của mình, được xã hội chấp nhận và yêu mến. Thương hiệu đặc biệt ấy có mất đâu. Nó đã thành lịch sử, được ghi nhận và nhớ đến. Nhiều người hỏi tôi có định, có thích, có muốn khôi phục nhà MÉMO thì họ sẽ hỗ trợ tài chính để làm. Nhưng tôi chỉ biết cảm ơn tấm lòng của mọi người, mà không dám nhận lời. Điều tôi thật sự mong muốn, là triết lý “thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống” của nhà MÉMO sẽ tìm thấy mảnh đất màu mỡ trong tâm thức sáng tạo của các nhà thiết kế nội thất hiện nay, bắt rễ như một gợi ý và nẩy mầm thành một thôi thúc hướng thiện, kết trái trong những cảm hứng và giải pháp nghề nghiệp thực sự nhân văn, giản dị và phúc lợi cho đồng bào mình.
Các họa sĩ, Nhà nghiên cứu đến dự buổi giới thiệu ra mắt cuốn sách "Trịnh Hữu Ngọc từ những tác phẩm còn lại". Từ trái sang: nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, họa sĩ Trịnh Lữ (tác giả cuốn sách), tiến sĩ Phạm Long, nhà Phê bình mỹ thuật Phạm Trung
Họa sĩ Trịnh Lữ ký tặng sách cho nhà báo Hoàng Anh tại nhà số 108 Quán Thánh, Hà Nội, tháng 2 năm 2017.
Nb H.A: Cuốn sách ra đời thoạt nghĩ chỉ là một sự kiện nho nhỏ với một phòng tranh xinh xắn mang tính chất gia đình bày kèm… nhưng đã gây xôn xao trong giới mỹ thuật và nhận được sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật. Một phần bởi vì sách hay, tư liệu quý, nhưng quan trọng nhất vẫn là người xây dựng nên hồn cốt của cuốn sách. “Từ những điều còn lại…” đã mở cho người đọc“nhìn thấy”, dù chỉ là câu chuyện đời sống cá nhân của một người nghệ sĩ… nhưng một nhân sinh quan mới mẻ, một thế giới nghệ thuật nhiều cung bậc, một xã hội đầy biến động và thăng trầm, đều có những liên quan mật thiết. Mỗi cá nhân ấy là một mắt xích của xã hội. Điều “nhận thấy”trong tâm khi khép lại cuốn sách là: dù xã hội thay đổi theo chiều hướng nào thì “tính thiện, tính nhân văn trong tâm thức vẫn là điều cốt lõi”. Thay mặt Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, cháu xin cảm ơn họa sĩ Trịnh Lữ đã đem đến cho những người yêu quý cụ Ngọc nói riêng và những người yêu nghệ thuật nói chung những sự thưởng thức tao nhã và sâu sắc về cuộc đời của cố nghệ sỹ Thiền họa Trịnh Hữu Ngọc.
http://www.vietnamfineart.com.vn/Story/Tapchimythuat/2017/3/5548.html
[]
-----------------------------------
trích từ GIAO BLOG
=====================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ