THURSDAY, JANUARY 4, 2018
.ERICH WULFF/ về bức tranh TRĂNG QUA VÙNG ĐỘNG ĐẤT của họa sĩ Đinh Cường
Tôi gặp Đinh Cường ở Huế lần đầu vào năm 1964. Đó là năm thứ ba của tôi ở Việt Nam. Những năm đó tôi đang giảng dạy ở trường Đại học Y Khoa và Cường đang ở trong nhóm họa sĩ trẻ, những nghệ sĩ đi tiên phong trong nỗ lực đổi mới văn nghệ và triết học, giữ gìn sự trong sáng của văn hóa văn nghệ trước nguy cơ suy vi. Cuộc chiến đã bắt đầu đòi xương máu và buộc chúng tôi phải có những quyết định với nỗi đau không thể lẩn tránh.
Năm 1966, khi tôi tình cờ xem tranh Đinh Cường thì bức “Trăng qua vùng động đất” - Moon over earthquake – đã thu hút tôi, ngay từ lần gặp đầu tiên. Bức tranh phản chiếu cả nỗi thống khổ lẫn niềm hy vọng : cái chết, sự hủy diệt, con người mưu sống chỉ với xác thân trần trụi. Bức tranh là cả một câu chuyện về ánh sáng và bóng tối, nứt rạn và gãy đổ, núi lửa và mồ mả, các tế bào và những mảng màu, những vi sinh vật đã mất...cùng lúc ấy, từ bóng tối bừng lên một vầng trăng bất khả hủy diệt, ngay cả với sức mạnh của bom đạn.
Sau 1975, Cường phải trải qua một giai đoạn gian khó. Hệ thống kiểm duyệt đã ngăn cấm mọi sự thể hiện. Họa sĩ chỉ vẽ những bức tranh khổ nhỏ trên giấy cho một số ít người nước ngoài đến Việt Nam. Ông không có sơn dầu và vải bố (canvas) để vẽ những bức tranh lớn. Tuy nhiên, trong những năm đó Cường đã kịp vẽ những bức tranh khổ nhỏ đầy sức sáng tạo đặc sắc, một số chỉ bằng tờ giấy viết thư và có thể gửi đi nước ngoài, trước khi xuất cảnh sang Hoa Kỳ.
Ngày nay, dường như những mảng màu sáng hơn đã dần dần chiếm lĩnh và cuối cùng đã đẩy lùi bóng tối trong tranh Đinh Cường.
Nguyễn Âu Hồng
chuyển ngữ từ bản tiếng Anh
8.8.2013
----------
Ghi chú: ERICH WULFF (1926-2010) là bác sĩ người Đức. Ông thích tranh Đinh Cường, và bài viết trên đây được viết vào năm 1997, ghi lại những cảm xúc của ông về bức tranh TRĂNG QUA VÙNG ĐỘNG ĐẤT của Đinh Cường mà ông đã mua và lưu giữ trong bộ sưu tập tranh của ông.
sơn dầu trên bố, 30 cm x 40 cm, 1966
Đinh Cường/ TRĂNG QUA VÙNG ĐỘNG ĐẤT
sơn dầu trên bố, 80 cm x 100 cm, 1966
trích từ TRANG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHẠM CAO HOÀNG
-------------------------------------------------------------------