Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

'Như Quỳnh de Prelle -- Thi ca và kết nối / Du Tử Lê's Blog

NHƯ QUỲNH DE PRELLE - Thi ca và kết nối

24 Tháng Giêng 20189:19 SA(Xem: 17)
Như Quỳnh de Prelle

Người lạ hay Thơ trắng, những tập thơ tôi được đọc online, trên các trang Facebook và các trang văn chương mạng. Những người bạn viết cùng thế hệ của tôi, sinh ra và lớn lên từ những năm 80 của thế kỷ trước, và chúng tôi đã trưởng thành như những người của tự do với chữ nghĩa và thi ca. Chúng tôi viết và dám viết những suy nghĩ và nhận thức, sự sáng tạo của chính mình bằng tình yêu, khao khát, cả những băn khoăn, ngờ vực rồi vượt qua những mơ hồ và thực tại ấy, chúng tôi sống tự do với thi ca bằng tình yêu.
Cuộc phỏng vấn từ xa, với 2 người đàn bà thơ xa lạ, tôi chưa hề gặp, chưa hề trò chuyện ở ngoài đời thực mà bằng online.
NhuQuynhDePrelle
Nhà thơ Như Quỳnh De Prelle

Như Quỳnh de Prelle:
 Xin chào 2 Người thơ Tạ Anh Thư và La Mai Thi Gia. Chúng ta cùng nhau nói chuyện thẳng thắn về những câu hỏi về thi ca, về cuộc sống quanh thi ca, về cả những thị phi văn chương mà các chị có thể đã trải qua hay tưởng tượng chưa từng trải qua.
Bắt đầu với Thi Gia, người đàn bà Thơ trắng trong những thị phi chị vừa trải qua. Tôi ấn tượng với nụ cười sáng của chị và những dòng thơ rất đỗi đàn bà ngây dại vì yêu, vì khát khao yêu. Chị đến với thi ca trong cuộc gặp gỡ hay tai nạn nào trong cuộc sống khi quá nhiều những toan tính?
Thi Gia: Trong một bài phỏng vấn, mình đã từng trả lời rằng mình may mắn được văn chương chọn lựa, từ bé đến giờ mình chỉ có theo đuổi mỗi con đường văn chương, mình có thơ đăng báo từ lúc học lớp 2 nhưng lúc đó ở quê nên việc gởi thư qua đường bưu điện đến báo còn chật vật lắm, nhiều khi báo biếu và nhuận bút cứ trôi mãi nơi đâu chẳng về tới tay mình nữa.
Lên đại học, thơ mình đăng báo đều hơn: Tuổi trẻ, SGGP, Giáo dục thời đại, Thế hệ trẻ, Phụ nữ…nhưng thời ấy chưa có báo mạng nên thơ ít được phổ biến. Khi ra trường, bẵng đi một thời gian lo mưu sinh, lập gia đình, nuôi con nhỏ mình không gởi thơ cho báo nữa dù vẫn lặng lẽ viết và thỉnh thoảng công bố trên những tập san thơ văn của trường mình là ĐHKHXH&NV và tập san Đại học quốc gia. Nhiêu đó thôi mà trong lòng của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và sinh viên, mình cũng được gọi là “nhà thơ” rồi. Làm thơ đối với mình như một nhu cầu bày tỏ nỗi lòng, cảm xúc và rung động trước cuộc sống và tình yêu, mình yêu thơ từ bé và được nuôi dưỡng bằng Truyện Kiều và truyện cổ tích cho nên mình viết cũng tự nhiên và bắt đầu lúc nào chẳng biết, chẳng phải do gặp một duyên may nào hay một “tai nạn” nào cả.
Như Quỳnh de Prelle: Con đường thi ca của Thi Gia luôn song hành trong đời sống của chị chứ không phải một tai nạn hay những gây sốc, gây choáng váng… Và có lẽ thế mà, thi ca với chúng ta luôn trong nghệ thuật đời thường.
Với Tạ Anh Thư, Người lạ của chị như đang một xu hướng mà tất cả mọi người dùng mạng xã hội đều dùng, Người lạ ơi, Người lạ ơi. Người lạ có phải là những bí mật trong tình yêu của chị bắt gặp trong đời sống này bằng thơ?

Tạ Anh Thư:
 Thật ra tập thơ Người lạ của Thư và bài hát  Người lạ ơi đang nổi đình nổi đám không có điểm nào chung về tư tưởng cũng như thông điệp cả.  Tập thơ của Thư ra đời trước bài hát  ấy 6 tháng. Sự trùng hợp này có lẽ là cái duyên giữa những người xa lạ cùng yêu nghệ thuật chăng? Tập thơ Người lạ viết về tình yêu, nhưng không chỉ là tình yêu lứa đôi mà còn là tình yêu với cuộc sống, với cái đẹp. Tình yêu đó thể hiện qua những khắc khoải về thời gian, về những giới hạn của kiếp nhân sinh. Tập thơ của Thư vì vậy không chú trọng giãi bày tâm tư riêng mình mà chủ yếu hoá thân vào những người xa lạ, kể câu chuyện của họ.
Như Quỳnh de Prelle: Oh, mình không hề biết bài hát đó. Mình nghĩ đó là phản ứng lan truyền từ tập thơ của Anh Thư đó.
Hai người đàn bà viết thơ đều là giảng viên Ngữ văn ở các trường đại học, có lẽ trong môi trường với sinh viên trẻ trung sôi động, các chị có nhiều cảm hứng sáng tác từ những học trò của mình, từ sự thơ trẻ này hay có nhiều cản trở khác?
TaAnhThu
nhà thơ Tạ Anh Thư

Tạ Anh Thư: Sống trong môi trường của những người trẻ tuổi cũng giống như bạn đang đi giữa một khu vườn mùa xuân vậy. Mọi thứ tràn đầy nhựa sống, trong trẻo, thanh khiết và đầy hy vọng. Đó là một bầu không khí tuyệt vời để nuôi dưỡng niềm háo hức, say mê với cuộc sống. Thêm nữa, mỗi năm, những lớp sinh viên nối tiếp nhau, luôn trẻ còn mình thì lại đang già đi. Vì thế, mình có độ lùi cần thiết để ngắm nghía, chiêm nghiệm về sự hữu hạn của vạn vật trong vũ trụ trong một chu kì sinh tử, về cái đẹp của tuổi trẻ cũng như cái đẹp của sự tàn phai. Ngắm nghía vẻ đẹp của những người xa lạ để nhận thấy  được vẻ đẹp của vũ trụ cũng như những quy luật của nó luôn là điều làm Thư thích thú. Bài thơ - Người lạ - chủ đề chính của tập thơ cũng nảy sinh từ cảm hứng này:
Cô gái trẻ trong vườn tôi gặp sáng nay
vạt áo nàng ướp đầy mùi mây
của một mùa xuân chạng vạng
dù tôi nhìn nàng rất dịu dàng
nàng vẫn không giấu nỗi bất bình trong đôi mắt sáng:
"Sao ông nhìn người khác quá lâu?"
Ồ nàng ơi tôi có nhìn nàng đâu
tôi nhìn mùa xuân của tôi cách đây không lâu
hiện lại trên làn da nàng tuổi trẻ
tôi nhớ ngọn gió đã từng lùa rất khẽ
trên tóc xanh tôi qua mái tóc nàng
tôi chỉ nhìn thấy mùa sang
qua đôi má nàng
những cành hồng vườn nhà tôi trĩu quả.
Mà thôi nàng ạ
một ngày kia khi nàng già đi
nàng sẽ hiểu lão già này nói gì.
Thi Gia: Cảm hứng sáng tác của mình có thể đến từ bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống, gia đình, con cái, tình yêu, thân phận con người trong xã hội, vận mệnh của đất nước, tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Nỗi bất hạnh, sự thiếu thốn, nỗi đau của con người, đặc biệt là của trẻ con và người nữ luôn gây ám ảnh mình nhất.
Như Quỳnh de Prelle: Và chúng tôi, dường như không bị chữ và học thuật đàn áp, và chúng tôi cũng không sử dụng học thuật để tranh cãi nhau cũng như khẳng định vị trí trong thi ca. Thi ca là đời sống, là tình yêu của nghĩa rộng. Đây có lẽ là điểm khác biệt của thế hệ 8x, thế hệ sinh sau chiến tranh, thế hệ lớn lên từ blog, mạng xã hội, thế hệ của học hành và những di chuyển.
Như Quỳnh de Prelle: Tự do của những người đàn bà trưởng thành với các chị là gì, có ảnh hưởng trong sáng tác không?
Tạ Anh Thư: Tự do của những người trưởng thành là hiểu rõ mình và dám sống cho mình; dám theo đuổi tới cùng điều mình biết sẽ làm cho mình hạnh phúc - bất chấp những lý thuyết/ qui chuẩn về hạnh phúc của người khác và nỗ lực đồng hoá của họ. 
Điều này, theo Thư, ảnh hưởng nhiều đến sáng tác, nếu không muốn nói là chi phối việc sáng tác kể cả về tư tưởng cũng như hình thức biểu hiện. Nếu không tự do về tư tưởng sẽ không có sự sáng tạo đúng nghĩa. Lúc đó, tác phẩm chỉ như một cái áo ta mặc cho vừa mắt người chứ không phải mặc để ta được đẹp theo cách của ta.
ThiGia
nhà thơ Thi Gia

Thi Gia: Quan niệm về tự do của tuổi tụi mình chắc khác với quan niệm của các bạn nữ trẻ hơn, được tự do chọn lựa công việc, hôn nhân, được yêu theo ý mình và từ chối tình yêu không như ý cũng là một tự do mà không phải người nữ nào cũng có được. Được thổ lộ cảm xúc của mình về tình yêu, bộc bạch những khát khao mà mình muốn có trong yêu thương với người đàn ông của mình cũng là một điều tự do. Và tụi mình còn may mắn hơn là biết làm thơ để bày tỏ những khát vọng đó, về những ước ao vươn tới một tình yêu đẹp đẽ đúng nghĩa mà mình nâng niu và trân quý.
Như Quỳnh de Prelle: Thi ca đã thoát khỏi tháp ngà của chữ nghĩa, cái đẹp không còn là tượng trưng quy ước, cái đẹp chính là những cảm nhận đẹp về đời thường nghệ thuật, và thi cả trở nên gần gũi hơn, giản dị hơn. Có phải đây là con đường ngắn nhất để thi ca hiện thời sống như hơi thở của nó, như tinh thần tồn tại hiện sinh của nó chứ không phải những đúc kết, triết lý có sẵn được lặp lại.
Tạ Anh Thư: Thư nghĩ rằng cái đẹp thật sự là cái đẹp của sự sống, của sự vận động và biến hoá đa dạng. Dĩ nhiên, có những cái đẹp đã đến mức toàn mĩ và vì thế vẫn giữ nguyên giá trị theo thời gian. Tuy nhiên, nó chỉ có giá trị tham chiếu, góp vào lịch sử như một kiểu mẫu đại diện cho một thời điểm cụ thể, không thể trở thành một nguyên tắc bất biến cản trở sự sáng tạo. Mỗi thời đại có một hơi thở khác nhau và thi ca, vì thế, phải mang dấu ấn của quan điểm thẩm mỹ thế hệ sản sinh ra nó. Đó là qui luật. Chúng ta sẽ luôn có những sự "khác". Sự khác đó diễn ra lâu hay mau, được đón nhận như thế nào còn tuỳ tâm thế của người tiếp nhận, vào tầm đón đợi của họ. Chỉ là, nếu hiểu được qui luật này, tôn trọng nó, người sáng tạo sẽ bớt hoang mang và người tiếp nhận sẽ bớt định kiến.

Như Quỳnh de Prelle: Còn với Như Quỳnh, viết như việc ăn, mặc, ở, đi lại. Ngày nào cũng viết. Nếu không viết chắc mình đã chết tự lâu rồi hoặc tự tử mất (cười). Mình xác định bước vào con đường thi ca chính thức 3 năm nay thôi dù viết từ nhỏ, và công việc hàng ngày của mình là viết, viết giữa những bận rộn của công việc khác, viết giữa những chuyến đi… và phải xả ra, đốt cháy nó không thì mình tự thiêu chính mình với ý nghĩ và sự nhảy nhót của nhiều ý tưởng. Viết là Thiền.
Chúng ta biết nhau từ online và kết nối từ đây, chị nghĩ thế nào về thơ trên facebook và chia sẻ ở facebook, khi vấn nạn trộm chữ, đạo thơ ngày càng phổ biến?
Thi Gia: Sao ngăn được chuyện trộm chữ, đạo thơ nhưng rốt cuộc trong lịch sử thi ca có ai đạo văn đạo thơ mà che giấu mãi mãi được đâu. Còn nhu cầu được bộc bạch và được chia sẻ ngay với bạn đọc thì người viết văn nào chẳng có, thế nên đăng Facebook thì cứ đăng thôi và kèm theo sau đó, mình thường gởi ngay cho một trang web nào đó đăng lại, coi như “đóng dấu chính chủ” cho thơ mình, nhỡ mai mốt có bị đạo cũng không mất công cãi vã vì đã có bằng chứng.
Tạ Anh Thư: Mỗi trang Facebook tựa như một trang báo riêng mà chủ tài khoản là tổng biên tập. Người ta có thể thoải mái chia sẻ tác phẩm của mình mà không phải chờ duyệt/đăng bài. Vì thế, Facebook khuyến khích việc sáng tác, mình cho là vậy. Bởi công bố dễ dàng, đối tượng độc giả lại đa dạng, nên đương nhiên sẽ có hiện tượng trộm chữ, đạo thơ. Thôi thì nếu họ trộm lộ liễu quá thì mình lên tiếng, mình đưa bằng chứng là ngày này giờ này tôi đã post bài này đây. Facebook có lưu thời gian hết mà, nguỵ tạo đâu có được. Còn nếu họ trộm tinh vi ở dạng ý tưởng, hình ảnh thì thôi...đành chịu. Nhưng Thư tin mỗi bài thơ cũng có cái duyên riêng với độc giả. Nếu người viết lương thiện thì tác phẩm của họ sẽ có duyên lành. Hơn nữa, thơ mình sẽ có chất của riêng mình, giọng của riêng mình, chẳng ai cướp được. Những người trộm thơ, đạo thơ đó họ sẽ tự phải chịu một hình phạt là mất đi niềm vui sáng tạo. Không cần phải có ai phát giác, họ cũng cứ tự thấy mình ươn hèn đi với chính mình. Một linh hồn cứ bị những mặc cảm đeo đuổi thì không thể reo vui và bay bổng được. Điều này, theo Thư là hình phạt khủng khiếp nhất. Tóm lại, Thư cho rằng ta hãy cứ tập trung làm thơ cho hay thì vẫn tốt hơn là tập trung canh gác. Mình đâu thể vì sợ tai nạn giao thông mà không ra đường, đúng không?
Như Quỳnh de Prelle: Đã từ lâu Quỳnh không đăng thơ Facebook nữa, rất hạn chế. Thực sự buồn khi trộm chữ, đạo thơ, đạo văn như là thứ hàng hiệu của giới văn chương. Không biết bao lâu nữa, người viết dù bất cứ ai coi trọng đạo đức của nghề là số 1 chứ không phải sự danh tiếng là số 1 trong nghề này.
Trong vòng vây của thị phi văn chương, các chị nghĩ gì về con đường tiếp theo của mình với thi ca, tôi tin, tình yêu của chúng ta không dễ dàng bỏ cuộc nhưng chúng ta phải bằng cách nào đó để những người viết được tự do, được tôn trọng là những tác giả, được quyền bình đẳng chia sẻ, sáng tác chứ không phải những quy ước ràng buộc hay luật bất thành văn từ nhiều phía. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều định kiến dành cho chị em phụ nữ trong giới sáng tác là Đẹp thì làm sao viết thơ hay, Hạnh phúc thì làm sao viết hay được…. Các chị giải phóng những định kiến trong sáng tác bằng cách nào?
Tạ Anh Thư: Cái đẹp của thi ca thì có gì mâu thuẫn với cái đẹp dung mạo của người sáng tác chứ? Chẳng lẽ người viết phải là những người xấu xí và bất hạnh? Quan niệm như thế là hạ thấp giá trị của thi ca và thi sĩ. Thư nghĩ rằng không cứ phải bất hạnh mới biết buồn, biết đau. Chỉ cần nhạy cảm là nỗi đau của tha nhân đã chạm đến tim mình. Nếu đã có tư chất của người nghệ sĩ thì cuộc sống rộng lớn ngoài kia đã là nguồn cảm hứng bất tận để sáng tác rồi, không cần riêng mình phải có thêm một bi kịch nữa.

Còn việc làm gì để giải phóng khỏi những định kiến đấy hả? Thì Thư...làm thơ thôi. Mình không có quyền bắt buộc người ta phải hiểu như mình nhưng mình có quyền từ chối sự chi phối của họ đến mình. Nói tóm lại chỉ cần tin vào mình là đủ.
Thi Gia: Cách giải phóng định kiến tốt nhất là mình tiếp tục viết và viết cho hay thôi, sản phẩm thi ca của chúng ta sẽ trả lời và tự nhiên gạt bỏ những định kiến đó. Và mình tin là cũng chỉ có một số ít người có những định kiến như vậy thôi vì thế giới thi ca hiện nay của chúng ta đã cởi mở nhiều hơn rồi, tầm đón đợi của độc giả cũng phóng khoáng hơn nhiều. Phần của chúng ta là cứ viết ra những rung động tự đáy lòng mình về những gì chúng ta tìm thấy trong cuộc sống và không cứ là những câu thơ được viết ra bởi người đàn bà đẹp hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh, những câu thơ từ đáy lòng sẽ được đón nhận tận đáy lòng thôi mà.
Như Quỳnh de Prelle: Dù có thế nào hay chuyện gì xảy ra, chúng tôi cũng tiếp tục viết và viết. Viết là hơi thở của đời sống này, trên hết đó chính là con người của mỗi tác giả, là tư tưởng, giá trị sống mà chúng tôi hướng tới, quan tâm. Và có lẽ vì thế, chúng tôi dám sống, dám viết như những gì chúng tôi có, chứ không phải những ồn ào bên ngoài.
Đây là bài thơ mình viết từ rất lâu rồi nhưng khi lần đầu tiên Như Quỳnh đăng trên một trang văn học mạng ở ngoài không gian Việt Nam, rất nhiều bạn đọc tìm đến và tìm hiểu xem cô này là cô nào?
Những đôi mắt quặng 
trên gương mặt đẹp  đầy nghi hoặc 
những đôi mắt quặng  nhìn dòng người đi qua như quỷ  nhìn tình yêu là màu vô tri  không xấu không tốt  giá trị lỗi thời cổ hủ  nhưng khăng khăng khẳng định 
những đôi mắt quặng  của những người đàn bà có học  không có hy vọng  không có ngày mai  từ tâm vô định  của những người đàn ông thối tha  rục muỗng tinh hoàn 
có thế hệ n cho đôi mắt quặng  thiếu sinh lực  không sự sống  bần cùng trong đống vật chất hàng hiệu mùi Tàu
Cuộc đối thoại của chúng tôi mang tính cởi mở và tôn trọng tự do biểu đạt, chúng tôi nói từ tiếng nói cá nhân của chúng tôi, không đại diện cho bất cứ tổ chức nào. Đăng chính thức trên Facebook của 3 tác giả.
Trân trọng cảm ơn Người thơ Tạ Anh Thư và Thi Gia, chúc 2 bạn luôn sung sức sáng tạo và giàu cảm hứng với cuộc sống thực tại này. Thi ca luôn trong lòng đời sống ngày thường của chúng ta.
Cảm ơn tất cả các bạn đọc. 

Trân trọng, 
Như Quỳnh de Prelle 
từ Brussels,

______________
Thông tin các tác giả:

Tạ Anh Thư: Tiến sỹ, giảng viên Ngữ văn Đại học Thủ Dầu Một- Bình Dương. Tập thơ Người lạ, Nhà xuất bản Thanh Niên 2017. Thơ đăng trên các trang văn học trong nước.
Thi Gia: Tiến sỹ, giảng viên Ngữ văn, Trưởng Bộ môn Văn học Dân gian, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Thơ trắng - thơ, NXB Hội Nhà văn 2017.
Như Quỳnh de Prelle: Sống tại Brussels, Bỉ. Thơ xuất bản trên các trang văn học online như Da Màu, Gió O, Hợp Lưu, Văn Việt, Du Tử Lê, Văn chương Việt và Tạp chí Sông Hương…..
Giải thưởng Du Tử Lê 2016.
Tập thơ Song tử, Nhà xuất bản Thuận Hoá 2017.
Thơ trong tập 40 năm thơ Việt hải ngoại cùng 53 nhà thơ khác, Nhà xuất bản Người Việt tại Hoa Kỳ 2017.
Tác giả bài thơ Nỗi buồn trên cây được chuyển thể thành phim ngắn Nỗi buồn trên cây, sau đó đổi thành Tôi 30 của đạo diễn Minh Đức Hoàng Trần, được trình chiếu tại nhiều liên hoan phim.


----------------------------
trích từ  DU TỬ LÊ's Blog
----------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ