Hôm trước, đã xem một ít tranh kí họa của Tô Ngọc Vân về nhà "thằng Đỗ Văn Hiện" ở vùng Việt Bắc những năm 1953-1954 (xem lại ở đây).
Trong loạt tranh đó, có một bức nữa, được ghi tiêu đề bởi chính họa sĩ, là Con trâu quả thực.
|
Bức này được giới thiệu (chẳng hạn ở đây), nhưng tựa như là bị che mất dòng tự ghi của họa sĩ |
'Từ cũ' [danh từ CŨ] đã lâu không còn được dùng trong tiếng Việt nữa, là "quả thực". Bức kí họa của Tô Ngọc Vân, về mặt ngôn ngữ học, là một tư liệu trực quan sinh động. Lại mang niên đại lịch sử tường minh.
Về mặt từ nguyên, tức nguồn gốc từ, hiện cũng còn chưa rõ "quả thực" có gốc rễ từ đâu. Là từngoại lại hoàn toàn (chỉ đem phiên ra âm Hán Việt), hay là tự tạo mới trên cở sở ghép các bộ phận ngoại lai.
Cũng kính nhờ bác Hoàng Tuấn Công (bên Tuấn Công thư phòng) tra giúp xem các cụ Nguyễn Lân, Nguyễn Cừ, Nguyễn Công Lý có đưa vào các bộ từ điển mà bác đang xem xét hay không. Xin nhờ bác, là vì, tôi vốn không có các bộ sách đó, chưa một lần sử dụng chúng.
Tra từ điển Tàu thấy "quả thực" (thật) chỉ có kết hợp từ 果實 ý chỉ bộ phận thực chất, có thể sử dụng được của hoa quả. Từ điển ta, "Từ điển tiếng Việt" của Hoàng Phê không ghi nhận từ "quả thực". "Từ điển gốc và nghĩa từ Việt thông dụng"-Vũ Xuân Thái: Quả thực: đúng sự thực. "Việt Nam tự điển" (Hội khai trí tiến đức-Hà Nội) không thấy ghi nhận.
Từ điển Nguyễn Lân (2 cuốn: Từ điển từ và ngữ Hán Việt và Từ điển từ và ngữ Việt Nam) giảng như sau: "Kết quả về vật chất của một cuộc đấu tranh: Trong cải cách ruộng đất, nông dân được chia quả thực". Có lẽ, từ "quả thực" mới chỉ được sinh ra trong cải cách ruộng đất ? Giải thích như NL là đúng với nghĩa được dùng trong thực tế của "quả thực". (Lưu ý: trong Hồi ký giáo dục của mình, NL tiết lộ từng tham gia đội cải cách ruộng đất, trước khi sang dạy bên học xá Trung Quốc)
Em xin trao đổi lại một chút.
1. Như vậy là cuốn của cụ Nguyễn Lân vẫn có ý nghĩa nhé ! Mà cụ giải thích rất rõ, tưởng như không chê vào đâu được.
2. Các cuốn từ điển ra đời trước thập niên 1950, thì chắc rõ là không có từ đó rồi bác ạ. Rõ là từ Khai Trí Tiến Đức trở lên, là không thể có được rồi.
3. Bác tra giúp Nguyễn Lân rồi. Nhưng không rõ Nguyễn Cừ và Nguyễn Công Lý thì có không ?
4. Bản Hoàng Phê bác đang có, và vừa tra, chắc là bản cũ rồi. Bản mới, em đang có, là có từ "quả thực". Nếu bác cần, em sẽ post bổ sung mục từ đó trong bản Hoàng Phê mới.
5. Như vậy, là bản Hoàng Phê mới bổ sung. Không biết là do ảnh hưởng Nguyễn Lân hay là bắt buộc cần phải ghi thêm.
6. Tuy nhiên, giải thích của bản Hoàng Phê thì không rõ như Nguyễn Lân. Cụ này, như TC cho biết, hóa ra là có tham gia đội thời kì đó ! Giống như cha đẻ của dế mèn.
7. Để em kiểm tra thêm trước tác của Mao và những vị liên quan, xem có từ đó như nghĩa VN không đã. Nhưng có vẻ, là đây là SÁNG TẠO của Việt Nam đó bác ạ.
Một lần nữa cảm tạ Tuấn Công !
Thử suy nghĩ thì còn khá nhiều từ mang tính thời đại nữa mà bây giờ hầu như đã bị bỏ, không còn biết nghĩa ở dạng phổ thông. Không phải ở lãnh vực nhạy cảm đâu, cả cuộc sống thiết thực cũng vậy.
Theo Từ điển từ Hán-Việt (Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội-2007, có 2 từ Quả thực:
1/- Quả thực (果 實): hẳn, chắc, quyết, đúng là. Chữ quả 果 thuộc bộ Mộc.
2/- Quả thực (菓 實): kết quả vật chất của một cuộc đấu tranh. Chữ quả 菓 thuộc bộ Thảo.
Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên - NXB Khoa Học Xã Hội- 1967) ghi rõ hơn, cũng có 2 nghĩa:
1/- Quả thực: Thực ra là.
2/- Quả thực: kết quả vật chất của một cuộc đấu tranh: sau khi đấu tranh với địa chủ, nông dân chia quả thực.
Chữ "quả thực" này tương tự như từ "chiến lợi phẩm".
Như vậy nếu bức tranh bên trên của họa sỹ Tô Ngọc Vân được ghi là "Con trâu quả thực" được vẽ vào thập niên 1950, thì có lẽ con trâu này là con trâu được chia phần sau khi tịch thu của địa chủ trong cải cách ruộng đất. Một vấn đề "nhạy cảm" đang nóng hổi trên mạng bây giờ.
Như vậy là từ năm 1967, cụ Văn Tân đã giải thích từ này, mà giải thích rõ ràng. Không biết là từ điển của Văn Tân, hay từ điển của Nguyễn Lân có trước. Cái này, chắc phải nhờ bác Tuấn Công xác nhận giúp.
Cụ Lại Cao Nguyên cũng ra từ điển rồi ? Cảm ơn bạn Hiệp, bây giờ tôi mới biết đấy. Cách giải thích của cụ Cao Nguyên "gọn gàng" quá, không chân thực như cách giải thích của Văn Tân.
Nếu quả chưa tìm thêm được, thì có lẽ, từ điển 1967 của Văn Tân là đưa "quả thực" vào từ điển sớm nhất. Tạm thời nhận thức như vậy.
Tôi tra trên Wikipedia thì thấy ghi bắt đầu từ năm 1971 khi về hưu ở tuổi 67, thì cụ Nguyễn Lân mới dành trọn thời giờ để viết từ điển, chẳng hạn từ điển Hán-Việt (1993), từ điển Từ và ngữ Việt Nam (2000).
Như vậy quyển Từ điển tiếng Việt của Văn Tân có trước các quyển từ điển của Nguyễn Lân. Theo Lời nói đầu viết ở đầu quyển Từ điển tiếng Việt của Văn Tân, thì quyển từ điển này được soạn từ tháng 4 năm 1954, đến cuối tháng 6-1955 thì sơ bộ hoàn thành và suốt cho đến khi được in ra lần đầu tiên vào năm 1967, thì từ điển đã được nhiều vị có tiếng tham gia biên soạn trong đó có cả cụ Nguyễn Lân.
Có lẽ đây là quyển từ điển tiếng Việt (giải thích tiếng Việt) đầu tiên được in ở miền Bắc sau năm 1954 (không kể loại từ điển khác như từ điển chính tả). Tôi cũng có một bản in khác (bản in lần thứ 3 vào năm 1994). Quyển từ điển này chưa phải là giải thích tiếng Việt hoàn chỉnh (quyển sau này của Hoàng Phê có phần hơn), nhưng nó lại cho ta biết nhiều từ ngữ phái sinh ở miền Bắc vào giai đoạn ấy, chẳng hạn như Lính thủy đánh bộ, Hợp tác hóa, Hợp tác xã...
Những từ như Hợp tác xã hay Lính thủy đánh bộ, vân vân, thì không nói làm gì bác à.
Ở đây, là chọn một từ đặc biệt, là "quả thực" để bàn mà.
1. Trong cùng thời điểm soạn từ điển, thì Văn Tân đã đưa "quả thực" vào. Còn Hoàng Phê thì lúc đầu vẫn chưa, chắc là tránh không động đến (dựa theo bản cũ mà bác Tuấn Công còm ở trên).
2. Bản mới của Hoàng Phê in gần đây mới có từ này. Chắc là mới được đưa thêm vào.
Đúng rồi bạn Giao, ý tôi chỉ muốn nói thời điểm mà những từ ngữ xuất hiện, hoặc cách viết được ghi nhận trong những quyển từ điển ở từng miền, cho nên tôi cũng ráng kiếm một số từ điển để tra, trong Nam ngoài Bắc, từ Đại Nam Quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của, cho đến Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, và một số từ điển về sau này, kể cả từ điển phương ngữ miền Nam, Huế. thêm mấy quyển từ điển của cụ Nguyễn Lân.
Tra nhiều sách, đối chiếu, so sánh sẽ cho ta biết được nhiều điều...
Bản tôi có thì muộn nữa, sau năm 2010.
Bác rảnh thì thử ngó chơi những thứ như thế này nhé: http://giaovn.blogspot.jp/2014/08/tam-tong-ket-ve-cuoc-tranh-luan-utopia.html