' Nhà văn Huy Trâm ra mắt tác phẩm thứ 28 " / Nguyễn Huy tường thuật -- Người Việt Online
Nhà văn Huy Trâm ra mắt tác phẩm thứ 28
Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER (NV) – Chiều hôm Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba vừa qua nhà văn Huy Trâm đã gửi đến độc giả tác phẩm thứ 28 của ông, tập truyện ngắn “Nhờ Có Thương Ðau,” tại phòng sinh hoạt của nhật báo Việt Báo, Westminster.
- nhà văn Huy Trâm bên tác phẩm thứ 28. (hình ảnh : Nguyên Huy/Người Việt)
Gần 100 quan khách thân hữu và độc giả đã đến chia vui cùng nhà văn Huy Trâm khiến vẻ trầm lặng, nghiêm chỉnh thường ngày của ông cũng tạm biến đi, thay vào đó là những nụ cười hiền hòa trong lời chào mừng khi MC Kim Bích giới thiệu nhà văn lên mở đầu buổi ra mắt sách.
Nữ văn sĩ Nguyễn Thị Mắt Nâu, hầu như có mặt đủ trong những lần ra mắt sách của nhà văn Huy Trâm, khi là người hướng dẫn chương trình, khi là người điểm sách và có khi còn là một ca sĩ đóng góp vào chương trình buổi ra mắt sách mà tác giả tổ chức nhiều khi đã như một “khách thính” của giới yêu thích văn chương nghệ thuật.
Hôm nay nữ văn sĩ Mắt Nâu vừa là người điểm sách, vừa là một ca sĩ đem tâm tình đóng góp vào duyên văn nghệ mà nhà văn Huy Trâm đã tạo ra được trong số thân hữu nghề nghiệp trước đây và văn hữu bây giờ. Mắt Nâu nhận xét về tác phẩm thứ 28 của nhà văn Huy Trâm, bà đưa ra nhận định trên 5 điểm mà tác phẩm gợi ý cho bà. Thứ nhất tác phẩm đưa vấn đề tình trạng con hai chồng của người đàn bà. Thứ hai, đời sống như những chất xúc tác tác động lên tình cảm con người. Thứ ba, vấn đề môn đăng hộ đối trong xã hội người Việt. Thứ tư phân tích về những khác biệt trong hai mối tình của nhân vật nữ trong truyện ngắn mà tác giả chọn làm chủ đề của tập truyện. Và thứ năm, then chốt nhất theo Mắt Nâu là “trong đau thương mà con người trưởng thành được.”
Vẫn theo Mắt Nâu thì “đa số truyện ngắn của ông thường không có cốt truyện. Ðó là một đặc thù của cây bút Huy Trâm. Ông đã dùng đối thoại để thể hiện ý tình kể cả triết lý về cuộc đời. Trong tác phẩm này, người đọc nhận thấy có thấp thoáng nghề nghiệp cũ của tác giả mà tác giả không bao giờ trực tiếp đề cập đến.”
Sau chót nữ văn sĩ Mắt Nâu kết: “Cái khao khát của nhà văn Huy Trâm là mong được để lại cho đời những tác phẩm văn học.”
Cũng đóng góp trong buổi ra mắt sách của nhà văn Huy Trâm, nhà thơ nhà báo Thanh Huy có nhận định rằng: “Tác phẩm này của Huy Trâm bàng bạc chuyện đời, chuyện tình hỗn hợp với nhau. Tác giả là một người có những hoài bão lớn, ông âm thầm làm việc. Ông đã từng giúp đỡ rất nhiều người, dẫn dắt được nhiều nhân tài trẻ. Ông rất quan tâm đến thế hệ mai sau. Việc làm của ông không vụ danh cũng không vụ lợi…”
Với 110 trang sách, tác phẩm thứ 28 của Huy Trâm đã mang đến cho người đọc 14 truyện ngắn. Ðây không biết có phải do sự cố ý của tác giả không vì như thực tế hiện nay, số người còn đọc sách tiếng Việt cứ ngày một ít đi song song với tình trạng lười đọc, nên một tác phẩm dăm bẩy trăm trang không còn là một cuốn hút như thời còn ở trong nước. Một cuốn sách mỏng có thể dễ cho người đọc đón nhận hơn.
Nhưng nói là mỏng mà tập truyện ngắn “Nhờ Có Thương Ðau” của ông lại có một nội dung khá “dầy.” Mười bốn truyện tác giả viết ra là 14 cảnh đời rất thân quen, đọc lên ta thấy hình như nó ở đâu đó quanh ta, ở đâu đó mà ta vừa gặp. Mỗi truyện, một cảnh đời thường, rất thường. Từ truyện đầu “Quyện Trong Tiếng Hát” cho đến truyện cuối “Tự Làm Giảm Phúc” qua truyện “Nhờ Có Thương Ðau” mà tác giả chọn làm chủ đề của tập truyện, người đọc được tác giả thầm thì nhắc nhở “hãy sống cho trung hậu” cho dù “biết mình không còn sống được bao lâu mà vẫn cứ tốt, vẫn cứ nhân từ” như trong truyện “Quyện Trong Tiếng Hát” hay như truyện sau cùng “Tự Làm Giảm Phúc,” tác giả nhận định về “cung cách sống của con người trên khắp thế gian… chỉ biết tìm cách tuyệt vời cho bản thân mà không cần biết đến cái bất hạnh của người khác, quả là đã làm ‘giảm đi phúc đức từ trời cao đổ xuống.’”
Riêng truyện “Nhờ Có Thương Ðau” mà tác giả chọn làm chủ đề cho tập truyện, người đọc chợt nghĩ có phải tác giả muốn gửi gấm một tâm trạng gì? Một cô gái đua đòi theo tuổi trẻ sống buông thả có con hoang rồi đứt gánh giữa đường, sau chợt tỉnh ngộ khi gặp được người thương yêu thật tình thì lại bị quan niệm môn đăng hộ đối ngáng trở đành phải chịu thương đau. Một thế hệ của tác giả đã qua, được sống trong tự do, cho dù là thứ tự do sơ khai trong tiến trình dân chủ hóa của đất nước, nhưng đã không biết quí trọng đã để mất nó, để rồi phải chịu thương đau ngục tù cải tạo, lưu vong lạc lõng giữa thời thế đã vuột khỏi tay mình.
Một trần tình hay một nhắn nhủ cho lớp người đi sau mình?
Ðọc Huy Trâm qua 28 tác phẩm, 8 cuốn trước 1975 và 20 cuốn ở hải ngoại, sau 1975, trong đó một cuốn được trao Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1969, cuốn biên khảo “Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại.” Những tác phẩm của Huy Trâm có từ biên khảo, thơ, truyện ngắn, truyện dài, người đọc, trước hết phải khâm phục sức sáng tác của ông và sau đó thấy được tâm tình thiết tha của ông với đời sống với con người quanh ông. Văn của Huy Trâm không kênh kiệu như một số trí thức khi viết sách dù ông là một thẩm phán công tố trong chế độ Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam. Nội dung truyện của ông cũng không bí hiểm, băn khoăn về những triết lý sinh tồn, những day dứt chính trị vốn là thứ văn chương thời thượng mà ông thừa khả năng đọc và nghiên cứu. Từ văn đến thơ của Huy Trâm người đọc đều thấy cái giản dị, chân chất của người miền Nam. Triết lý trong truyện của ông là những câu đối thoại dân dã của nhân vật trong truyện cho người đọc nắm bắt được ngay những nguyên ủy làm cuộc sống đau thương mà con người phải lặn hụp trong đó.
- bác Sĩ Trần Ðức Hòa, một thân hữu văn nghệ của nhà văn Huy Trâm,
đóng góp tiếng hát trong bài “Nước Mắt Ðàn Ông.”-- (hình ảnh: Nguyên Huy/Người Việt)
Giới H.. thế hệ ông hẳn không thể nào phủ nhận được những điều ông đã diễn đạt trong tập truyện dài “Mây Ðưa Lòng Dạt Mãi Ðâu,” Hương Văn xuất bản năm 2009 trong đó cả một thế hệ Việt Nam đã phải thường hằng ray rứt, băn khoăn trong những ngày cuối đời khi đã phải cay đắng sống qua một thời “ngã ngựa” qua những lời văn bình dị, thản nhiên, không giận hờn oán trách, nhưng người đọc cũng thấy cả một trời ưu uất mà tác giả nói hộ cho thế hệ của ông.
(báo Người Việt Online)
trích từ nhật báo nguoi-viet.com
---------------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ