Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

về thi sĩ, văn nhân NGUYỄN ĐẠT [1945- ] -- blog phan nguyên

Monday, 11 April 2011


Nguyễn Đạt























Nguyễn Đạt

tên thật: Nguyễn Tiến Đạt
(1945 - ......) Vĩnh Yên
nhà văn . Nhà thơ



Nguyễn Đạt & Phan Nguyên
 Saigon 2016

dran   B'LAO- DI LINH- ĐÀ LẠT- ĐA THỌ/ thi tập NGUYỄN ĐẠT
(nxb giấy vụn  (tp.hcm 2015-- phổ biến hẹp.) -- (Bt)



























                                                                                                                           
- dấu tay sau khi ăn sáng ở nhà chị Nguyệt Hồng 19.IV.2010
(ấn bản do Trần Thị NgH thực hiện)







*






-học tiểu học ở Hà Nội. Di cư vào Nam năm 54. Đi lính VNCH từ 68 đến 75. Viết truyện ngắn từ năm 71.Từ năm 2000, viết cho nhật báo Người Việt (Mỹ).
-truyện ngắn trước 30/4 đăng trên các báo: Nghệ Thuật, Khởi Hành, Thời Tập, Vấn Đề, Văn, Tập San Văn Chương.









Sau 30/4/75 đã xuất bản








Nơi Giá Băng  
(thơ. nxb Hội nhà văn. 1991)







Kỷ Niệm Dã Quỳ 
 (tập truyện ngắn. nxb Trẻ. 1996)







Cơn Mộng Cẩm Giàng  
(tập truyện ngắn. nxb Trẻ )





















- là tác giả khoảng hơn 100 bài thơ và  hơn 100 truyện ngắn.
-rất nhiều tác phẩm đã đăng báo internet Tiền Vệ (Úc), tuyển tập, tạp chí trong và ngoài nước.







-đơn cử vài truyện / tùy bút 






Trưa Rừng



Tôi không ngờ đẩy cái xe chở nước nặng hết sức. Con dốc, nhìn không ghê gớm bao nhiêu, lúc này nó ghê gớm khủng khiếp. Bà chủ quán nói: “Cám ơn ông”. Tôi không thể thấy gương mặt bà chủ quán khi bà cố tình tránh không để tôi nhìn. Nhưng tất nhiên tôi biết bà là một nhan sắc.
Hai chàng trai thì tôi chỉ mới thấy lần đầu, một chàng phục sức lôi thôi, chàng kia phục sức công tử con nhà giàu. Chàng phục sức công tử con nhà giàu nói: “Ông già còn gân dữ”.
Tôi duỗi đôi chân đau thấp khớp, lúc này đau mỏi gấp một ngàn lần. Ly cà phê sữa đá đặt trên mặt bàn. Tôi nhìn phía sau lưng bà chủ quán, nhớ một khoảng cách của gần hai mươi năm dĩ vãng, lưng em rắn chắc như thân cây ổi… Chàng phục sức công tử con nhà giàu lại nhìn qua tôi, nói: “Uống cà phê sữa đá cho khoẻ, bố già”.
Những trưa rừng cao như chưa bao giờ trông thấy. [1] Rừng thông ngút ngàn, nắng trong suốt cõi mênh mông. Liệu đã có ai đặt chân trên ngọn núi phía rất xa kia? Ông bỏ đi từng ấy năm, tôi nghĩ ông không nên trở lại đây làm gì nữa. Trở lại cùng ảo tưởng? Tất cả những gì ông nghĩ, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Cả thằng bé nữa, nó cũng không thuộc về ông để ông nghĩ ngợi, hiểu theo bất cứ nghĩa nào…
Tôi không nên trở lại đây, đúng vậy. Ảo tưởng thì… Không chừng cả người nghĩ rằng mình không ảo tưởng, cũng có thể chỉ là ảo tưởng rằng mình không ảo tưởng. Không chừng ngọn núi phía rất xa kia cũng là ảo tưởng của kẻ phiêu lưu.
“Hồi sáng sớm tôi thấy ba cậu ăn điểm tâm trong tiệm mì bác Xá Xíu”.
“Ông già tớ về Sài Gòn ấy mà. Tớ sẽ xài cái Nokia mô-đen mới nhất, có cả chức năng chụp hình nữa. Ông già sẽ vào mua ở chỗ đại diện chính thức của hãng Nokia Nhật Bản”.
Nói xong, chàng công tử lấy ra trong túi quần cái điện thoại di động nhỏ xíu, mở ngó như cô gái soi gương, “Không có một miếng sóng”.
“Chỗ này núi rừng, không có sóng. Cái mô-đen mới nhất cũng vậy thôi. Mà dùng điện thoại để nói chuyện chứ cần gì chụp hình”.
Chàng công tử cười lớn tiếng, “Ông già tớ đề nghị vậy đấy chứ, không xài thì uổng”.
“Thì cậu là cục cưng mà. Cưng thì phải đi đôi với chiều. Chiều như chiều vong”.
Chàng công tử ngó bạn, cái nhìn tiếc rẻ, “Tớ mà đạt giải học sinh giỏi văn toàn quốc như cậu, ông già tớ ấy à, lấy ngay một cái xế hộp cho tớ”.
“Tuổi bọn mình mà đi xe hơi làm gì?”
“Cậu giỏi văn, nhưng ngố thấy mẹ. Tuổi nào mà không biết hưởng thụ. Cơm dâng tận miệng mà chê, chỉ là thằng ngố”.
“Cái cậu nói không phải là cơm. Mà cậu sao không bao giờ chịu hiểu ai khác, kể cả thằng ngố? Khi cậu chịu tìm hiểu thằng ngố, cậu sẽ thấy nó không ngố đâu”.
Chàng công tử lại cười lớn tiếng, “Tớ hiểu chứ, tớ rất hiểu bạn mình, bạn mình nghèo đành phải an phận, phải học cho giỏi để thoát kiếp nghèo”.
Tôi có cảm tưởng chàng công tử sắp ăn quả đấm của bạn, nhưng chỉ có cái nhìn ngao ngán của chàng trai phục sức lôi thôi.
Tôi cũng ngao ngán hết sức. Cái ông nào mà là cha của chàng công tử, hiển nhiên giàu có và xuẩn ngốc.
“Ông già cậu, tớ nghe nói là nhà văn, đúng không?”.
Chàng trai phục sức lôi thôi lắc đầu, “Ba tôi thỉnh thoảng có dịch sách chứ không phải nhà văn. Nói chung thì ba tôi làm nghề tự do, nghĩa là làm bất cứ công việc gì, khi không có ai đặt dịch sách”.
“À, tớ có thấy ông già cậu một lần, ở hiệu sách. Trông ông già cậu bụi bụi, giống bố già bên kia. Tớ có thấy mấy ông nhà văn, nhà thơ, trông đều bụi bụi như vậy. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghèo đều ở chung một nhà”.
Chàng trai phục sức lôi thôi không nói gì, cái nhìn mênh mông hướng về phía rừng thông ngút ngàn.
Chàng công tử lại cười lớn tiếng, và nói:
“Cả nhà báo nữa, tớ quên mất. Nhà văn, nhà báo song sinh chứ gì. À, hỏi cậu: cái nhà ở cũng như quần áo mặc chứ gì. Thế có phải là y phục xứng kỳ đức không?”
“Đúng mà cũng không đúng. Có thể mấy ông ấy thích phục sức như vậy mà thôi, còn chẳng phải ý nghĩa câu đó phải hiểu như vậy”.
“Cậu nói khó hiểu quá. Nghèo thì ăn mặc xuềnh xoàng, giàu thì áo quần bảnh bao, chẳng phải đúng là y phục xứng kỳ đức à?”
“Tất nhiên là không phải. Cậu cũng không rành nữa: nhà văn, nhà thơ có thể nghèo, nhưng nhà báo không nghèo đâu. Với lại, nhà văn, nhà thơ là nghiệp, họ vẫn có thể có nghề khác trong việc mưu sinh. Nghề và nghiệp không chỉ là từ kép đâu. Nghĩa là cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ không nghèo tí nào cả. Mà sao cậu cứ đèo queo cái vụ giàu nghèo vậy?”
Chàng công tử lại cười lớn tiếng, và nói:
“Chứ còn gì khác ở đời này: người giàu và kẻ nghèo. Danh phận và số kiếp, cũng quy ra có vậy mà thôi”.
“Vậy thì, ta hình dung thế này cho có ấn tượng: Người giàu ở thế cúi xuống, bắt tay ban phúc cho kẻ nghèo ở thế ngước lên. Vì thế tôi sẽ mỏi cổ để gặp cậu”.
Chàng công tử vẫn lại cười lớn tiếng, và nói:
“Không dám đâu, vì tớ nể cậu. Dĩ nhiên tớ nể cậu vì cậu học giỏi, và dĩ nhiên cậu sẽ đứng vào hàng ngũ người giàu”.
“Cho tôi thêm vào: người giàu cũng học giỏi!”
Có tiếng bà chủ quán gọi một trong hai chàng trai:
“Hưng ơi, mẹ nhờ một tí này”.
Tôi xin thú nhận, vô cùng hồi hộp.
Chào bà chủ quán, tôi nói:
“Bà nói đúng, tôi không nên trở lại đây làm gì nữa. Ấy tuy nhiên chỉ đúng vào đúng lúc này, lúc tôi đã gặp thằng Hưng. Nghĩa là, ảo tưởng cuối cùng của tôi vừa rớt xuống”.
Ngọn núi phía rất xa kia hiển nhiên có thật, như chàng trai phục sức lôi thôi đang uống cà phê ở quán trên đồi. Tôi muốn gặp hai cha con chàng trai, ngồi uống cà phê hay rượu hay bất cứ gì đấy, trên ngọn đồi này, nhìn ngọn núi phía rất xa kia. Rừng thông ngút ngàn, nắng trong suốt cõi mênh mông, sao quá đẹp như một nỗi buồn không gì có thể an ủi.





11-9-2004



[1]Thơ Nguyễn Đức Sơn.


































Tưởng niệm ông Trần Khoát, Vĩnh 










 Tưởng niệm ông Trần Khoát, VĩnhLong, 2009.











Một chuyện hoang đường có thật







Ngôi nhà cổ, đồ đạc trong nhà cũng vậy, những đồ gỗ đều là thứ danh mộc lên nước bóng ngời. Ngôi nhà ông K. đã bán, chủ mới chưa về ở. Tôi nói: “Cái tủ này kiểu dáng đẹp quá, bây giờ chắc chắn không còn ông thợ mộc nào làm được... cái bàn kia cũng là thứ hiếm có...” Ông K. quơ tay một vòng: “Tôi bán lại tất cả cho người chủ mới... Cậu nói rẻ quá hả? Mà tôi giữ lại làm gì những thứ này nữa, người ta mua hết cho tôi là may. Tôi chỉ cần một cái giường, một cái bàn, một cái ghế... về Sài Gòn mua thiếu gì.” Tôi hình dung căn phòng ông K. trong một chúng cư tại Sài Gòn. Căn phòng đó, cái giường, cái bàn, cái ghế..., hẳn sẽ giống bức hoạ căn phòng của Van Gogh, trong cuốn sách hội hoạ hình như ghi tên bức tranh đó là “Chambre à coucher”. Ông K. sẽ ở trong căn phòng đó để ngủ, để sống, hay để tự vẫn không chừng.



Buổi tối, thị xã lần đầu đặt chân tới, tôi đi một mình ra quán bờ sông không xa ngôi nhà cổ của ông K., uống cà phê. Ngồi xuống chiếc ghế ở quán, tôi đổi ý, nói cô gái chạy bàn mặc váy ngắn ngủn mang ra một chai rượu vang. Thật sự lúc đó là buổi chiều, khi tôi để ý thì đã tối, hoà vào dòng sông sẫm màu. Đèn quán mờ mờ, tiếng nói chuyện xa xôi. Chỉ là cảm giác của tôi, hay đúng một người nào đấy vừa khoắng tay dưới nước, hay một con cá nào đấy quẫy đuôi, vùng vẫy... Có lẽ vì ly rượu vang đã loãng nhạt, đã gần hết chất rượu màu đỏ sậm, chỉ còn nước ở cục đá tan ra. Tiếng hát từ cái máy phát thanh trong quán: Tôi ngu ngơ trồng cây cuối góc phố ôm mộng mơ... cùng lúc lời ca trong đầu tôi: Ngày rời Paris anh đã để quên con tim... Không hiểu tại sao lời ca đó lại dấy lên trong đầu tôi vào lúc này, có con tim để quên ở kinh thành hoa lệ, và người đàn bà Paris với tấm khăn choàng?



Ngày rời Paris..., tôi mở bàn tay úp vòng quanh ly rượu. Tôi mở bàn tay ra, úp bàn tay lại... Khách khứa mỗi lúc mỗi nhốn nháo hơn. Các thứ chung quanh lơ lửng dật dờ trôi dạt, giống tình trạng mất trọng lượng trong không gian. Rồi tất cả những thứ ấy lại lẩn quẩn, lòng vòng giữa những cô gái váy ngắn ngủn ở đâu túa ra thật đông, những chân cẳng da thịt phơi lộ đầy khắp... Hình như tôi đã đứng dậy, lảo đảo tại chỗ, vướng víu những cái ghế ngồi... Hình như sau đó tôi ngã đổ xuống.



Tôi tỉnh thức trên nền đất ẩm ướt. Có tiếng nói: “Chú ấy tới quán lần đầu mà... Chú ấy ngồi im một chỗ chớ có gây chuyện, làm rộn chi đâu...” Tôi không thể biết mình nằm trên nền đất ẩm ướt bao lâu, cuối cùng tôi cũng đứng dậy được, cố định hướng trở về ngôi nhà của người bạn vong niên. Tôi nhận thấy rõ rệt tôi đã tỉnh thức, hai bàn tay tôi xoa vào nhau cho sạch đất cát, đưa hai bàn tay đã sạch đất cát lên phủi rác rến gì đấy dính trên mặt...



Trở về ngôi nhà cổ, không thấy ông K., tôi vội đi ra phía sau. Sáng sớm lúc trở dậy rửa mặt, tôi đã biết có vại nước ở chỗ đó. Tôi vốc nước lên mặt, thấy buốt rát. Vào nhà, ông K. nhìn tôi, kêu lên: “Cậu té ở đâu hả? Máu còn chảy ở sống mũi cậu kìa!”



Dưới mái hiên, những khoảng ánh sáng chia cắt. Ông K. ngồi sững trên chiếc ghế bành, thân thể gầy guộc, ông là bức tượng gỗ cứng queo, một vị tu hành khắc khổ ngồi kiết già, giống hệt bức tượng tôi thấy ở đâu đó, trong một ngôi chùa hay trong một quyển sách. Ông vụt đứng dậy như cái lò xo bị gấp vừa bung ra, đi vào trong, tiếng nói vọng trở lại: “Tôi giăng mùng sẵn, lúc nào buồn ngủ thì vào ngủ nhé, cậu Đăng.” Ông K. không ra ngồi ngoài hiên nữa, đèn sáng trắng trong nhà phụt tắt. Lúc này những khoảng ánh sáng chia cắt ngoài hiên nhập vào nhau, lẫn trong bóng tối nhờ nhờ. Gió sông lùa tới từng đợt, tiếng động ì ầm xa xôi, đom đóm tắt hiện, những đốm sáng thất lạc tứ tán. H, bây giờ chắc là rạng sáng, vừa thức giấc ở Oakland, một nơi phía bắc của một tiểu bang Hoa Kỳ hầu như người Việt Nam nào cũng nghe tên. Ngọc-là-châu-là-khuôn-mặt-hiện, người phụ nữ đơn độc kiêu hãnh bình thản bình tâm chuẩn bị đi làm, ở một chỗ dưới bầu trời dội âm miên viễn những khúc nhạc đồng quê? Những hình bóng thân thuộc, xa lạ, tôi không biết tại sao nỗi nhớ tha thiết điên cuồng, và một nỗi tuyệt vọng dấy lên cùng cơn ngầy ngật của men rượu vang ngọt nồng ngấm say, kéo giấc buồn ngủ. Tôi buồn ngủ, tôi buồn nôn.



Định trở lại Sài Gòn, ông K. níu giữ tôi ở lại với ông trong ngôi nhà cũ, “Mai về cùng tôi luôn thể. Trên đường về bọn mình sẽ ghé Nha Mân. Phụ nữ Nha Mân đẹp nổi tiếng, mọi người đã từ khuya thừa nhận như vậy đấy. Tôi sẽ giới thiệu với cậu người phụ nữ mới của đời tôi, người đẹp Nha Mân...” Ông bật cười rộ, nói thêm: “Tôi đổi đời mà, đổi toàn bộ cuộc đời, từ nơi ăn chốn ở tới người chăm sóc trái tim cô đơn... Tôi-không-còn-cô-độc.” Tôi lại nhớ lời ca Ngày-rời-Paris-anh-đã-để-quên-con-tim... chẳng quan hệ gì tới cuộc đời tôi.



Cả ngày hôm sau, ngày thứ hai tôi ở lại thị xã, ông K. chẳng ra khỏi ngôi nhà cổ. Có lẽ ông K. cố nán lại đây để hít thở tới đáy tim phổi không khí ông đã sống bao nhiêu năm tháng với người vợ và đứa con bây giờ ở một phương xa, tận cùng hơi thở với nơi chốn ông sắp từ giã vĩnh viễn. Buổi chiều tôi lại một mình đi ra quán nước bờ sông. Hai, ba cô gái trong quán ùa tới, nói với vẻ nghiêm trọng: “Chú đừng ngồi ở đây nữa. Thằng cha bữa tối qua hành hung chú nói tối nay mà còn gặp chú là sẽ thanh toán chú đó. Thằng chả làm thiệt đó, biểu sẽ xin chú tí huyết, tụi con nói hoài cũng hổng được...” “Thằng cha” nào đó tôi không hề biết, đã hành hung tôi như thế nào, vì sao hành hung tôi cũng không biết. Nhưng như vậy tất nhiên tôi không thể ngồi ở quán này nữa. Tôi tiếp tục đi, ngơ ngác tìm một chỗ ngồi ở một quán nào cũng được, và sẽ uống một ly cà phê chẳng hạn. Rượu vang, cơn say ngấm ngầm đã làm tôi ngán sợ. Tôi chợt nhận ra một điều gì đấy chính tôi không rõ, đã khiến tôi tự động tìm một quán không ồn ào, không có những chiếc váy ngắn ngủn của các cô gái chạy bàn...


Khi tôi trở lại ngôi nhà cổ, cửa nẻo đã đóng chặt ở phía trong, đèn tắt tối om. Tôi gọi, không nghe tiếng ông K. trả lời. Tôi gõ cửa, rồi đập mạnh nắm tay, rồi chân đi giày đá vào cánh cửa gỗ, những thớ gỗ đặc cứng, câm nín vô vọng. Tôi đành ra ngoài thị xã, tìm một nhà trọ ngủ qua đêm.

Tôi không còn cách nào khác để đoán biết vụ việc gì xảy ra với ông K. trong ngôi nhà cổ, ngoài việc phải tin rằng ông đã chết trong đó. Thoáng ý nghĩ ông K. tự vẫn, nhưng tôi không thể tin điều ấy xảy ra được, một người vừa nói chuyện vui vẻ bình thường, nói chuyện tương lai, đột ngột tự kết liễu đời mình. Ông còn hẹn sẽ giới thiệu với tôi người đẹp Nha Mân của ông nữa. Hay ông K. bị đột tử, bị nhồi máu cơ tim chẳng hạn? Điều này cũng rất mong manh, ông K. gầy ốm nhưng tôi thấy rõ ông có sức khỏe, không từng bị bệnh tim mạch gì hết.

Suốt đêm tôi không thể ngủ, có lúc bực bội vì cả hai chúng tôi đều không dùng điện thoại di động, trong ngôi nhà ấy cũng không có điện thoại bàn. Mờ sáng tôi vội vàng trở lại, lấy thanh sắt nạy bung cánh cửa sổ của ngôi nhà. Hình dáng mờ mờ của ông K. dần rõ nét, lơ lửng giữa khoảng không gian phía tay trái, gần bên cái bàn tôi đã thốt lời khen đẹp hiếm có lúc trưa hôm qua, khi vừa yên vị trong ngôi nhà cổ ông K. đã bán, chủ mới chưa tới ở.


V.2010



















Chút ít sự thật của...



H nói: “Thỉnh thoảng ông Sơn Núi có gọi điện thoại…”. Tôi hỏi ông Sơn núi về H, nhưng gợi ý nói về H là ông: “Gớm quá, đồng bóng gớm quá!”. Tôi hỏi H: “Thế ông Sơn Núi điện thoại nói gì với em?”. “Thì hỏi thăm này nọ… Nhưng lâu nay không thấy gọi nữa… Lần cuối, ông ấy toàn nói bậy bạ, em cúp máy không nghe”. Tôi nói với H, như vậy người ta gọi là quấy rối tình dục...


Nhà sư Chăm có ý định trọng đại và nghiêm chỉnh, ông ta tự nhận xét, một công trình nghiên cứu về nhà thơ không tiền khoáng hậu: Sơn Núi. Dĩ nhiên Sơn Núi là hỗn danh nhà thơ đặt cho mình. Tôi tự nhiên mến nhà sư Chăm, muốn cung cấp cho ông ta vài điều tôi biết về ông Sơn Núi, hóa ra nhà sư Chăm biết cả rồi, ví dụ như…


Cuối năm, ông Sơn Núi về Sài Gòn liên tục. Đi và về, lên và xuống, bằng chiếc xe gắn máy trông như một cục đồ chơi gồ ghề thô kệch của con nít, ông Sơn Núi đặt tên cho nó là Monkey. Tôi thấy cái tên ông Sơn Núi đặt cho chiếc xe, đặt cho chính ông thích hợp hơn: Ông giống con khỉ già thông thái tinh ranh.


Ông, trước mắt nhìn của công chúng: Một người đàn ông trọng tuổi, làm ăn sinh sống ở vùng núi, làm rẫy chẳng hạn. Đặc biệt, ông làm rẫy thường ghé các chùa chiền, ở đó như một ác tăng chuyên việc truy hỏi để phụng hiến mục đích cao cả là khu trừ những kẻ tà đạo ẩn náu trong hình dạng của bậc tu hành chân chính.


Đặc biệt khi ghé chùa Già Lam, ông phải gặp bằng được thượng tọa Tuệ Sỹ để khẳng định nghi vấn hành trạng của nữ họa sĩ D.TH. thuộc trường phái thấy sao vẽ vậy, sau khi phát biểu một cách khinh miệt thích đáng về trường phái hội họa này, ông nói thì thầm vừa đủ cho mọi người nghe, tất nhiên bao gồm thượng tọa Tuệ Sỹ: “Nương này là kẻ tà đạo, đang âm mưu lôi kéo thầy Tuệ Sỹ về phía đạo giáo Tin Lành của nương”. Hẳn ông Sơn Núi không hài lòng khi thầy Tuệ Sỹ chỉ lắc đầu và cười, bảo: “Bậy nào, ông căn cứ vào đâu mà nói vậy?”. Ông Sơn Núi chẳng căn cứ vào đâu hết, ngoại trừ việc nữ họa sĩ D.TH. theo gia đình mà theo đạo Tin Lành. Nên ông Sơn Núi, khi bước xuống những bậc cấp cuối hành lang để rời chùa Già Lam, nói một cách chán nản, dĩ nhiên là nói với tôi, kẻ đồng hành: “Mấy đệ tử của Tuệ Sỹ, như H, D.TH., không khá được”. Tôi chẳng nói gì, nghĩ: Nếu biết mối quan hệ giữa H và tôi, hẳn ông Sơn Núi còn tăng gia chửi rủa H.


Ông Sơn Núi hay rủ tôi ghé nhà một người bạn trẻ tuổi, Nguyễn Thiên Chương. Rất đáng mến, Nguyễn Thiên Chương trầm tư, sâu sắc, đãng tử, viết rất đẹp thứ chữ mà một triệu người ở xứ sở văn hóa gầy còm Việt Nam này gọi là “thư pháp”, nhưng Nguyễn Thiên Chương không thấy đó là cái quái gì. Nguyễn Thiên Chương ra kiểu dáng cho thợ làm ngôi nhà ở khá đẹp, một biệt thử nhỏ, đơn giản, khác lạ hẳn những nhà chung quanh. Tôi nhìn những bậc thang gỗ dẫn lên căn gác thấp gần mái, hình dung căn gác dễ cảm, cùng lúc nhớ lời ông Sơn Núi nói về người bạn trẻ : “Ông Sơn Núi bảo rất thích Chương, một người Quảng Nam duy nhứt không ưa tranh luận, bàn cãi tào lao”. Người bạn trẻ giọng nhẹ nhàng: “Anh ấy thích căn gác nhà em thôi”.


Đêm mưa, ở lại nhà Nguyễn Thiên Chương, ông Sơn Núi và tôi ngủ trên sàn nhà. Không nghe ông ngỏ lời lên ngủ trên gác, còn tôi rất sợ tiếng mưa trên mái tôn. Ông Sơn Núi dậy rất sớm, lúc hai giờ sáng, đánh thức tôi bằng câu hỏi: “Này, ông là bạn lão B.X.H. hả?”. “Ừ, bạn học cũ thời trung học. Mà sao ông biết?”. “Biết chứ! Lão ấy lấy con mu[1] vợ cũ của ông tướng râu kẽm. Hồi con mu này còn nhỏ, tôi dạy kèm Anh ngữ ở nhà con mu tại Nha Trang”. “Đúng, bạn tôi đã từng lấy cô ta, nhưng nay họ lại bỏ nhau rồi”. Ông Sơn Núi lại nhắc câu hỏi về người bạn học cũ của tôi, rằng lão ấy ra sao. Tôi nói: “B.X.H. rất đẹp trai. Vẻ đẹp của Marlon Brando cộng với Kennedy”. Ông Sơn Núi cười thích thú một chặp: “Cộng với cặc lõ nữa chứ!”.


Ở nhà Nguyễn Thiên Chương về nhà Hồ Hữu Thủ, họa sĩ có ngôi nhà lớn rộng, nhiều phòng ốc, dành riêng một phòng cho ông Sơn Núi mỗi khi ông từ Phương Bối Am xuống Sài Gòn. Nhà sư Chăm tìm gặp ông Sơn Núi ở đây, hẳn để chuẩn bị đầy đủ cho công trình nghiên cứu về nhà thơ không tiền khoáng hậu. Ông ta rủ ông Sơn Núi và tôi tới thăm ngôi chùa của ông ta ở vùng thác Trị An, nghĩa là cứ đi về phía thị trấn Trảng Bom.



Đường đi về phía thị trấn Trảng Bom, ông Sơn Núi và tôi rất quen thuộc, nằm trên quốc lộ 1 A. Nhà sư Chăm chở ông Sơn Núi trên chiếc xe gắn máy hiệu Honda, không tiếp tục đi trên quốc lộ rộng rãi bằng phẳng, ông ta rẽ vào một con đường, đi sâu mãi, xe tôi phải chạy theo phía sau. Nhà sư Chăm phóng xe nhanh, cứ băng băng hết con đường lạ hoắc này tới con đường lạ hoắc khác, đường rất xấu, xe hiệu Simson bánh nhỏ, hình dáng giống xe scooter của tôi chạy theo khó khăn, bánh xe trệu trạo trên những con đường lồi lõm đất trũng gò, hoặc mặt nhựa thì loang lổ. Ông Sơn Núi thỉnh thoảng quay lại ngó chừng tôi chạy phía sau.



Đến vùng đất rộng trống, đường ray tàu lửa nổi lên giữa cây cỏ dại, rác rưởi lẫn lộn. Giữa khoảng trống trải, tôi nhìn trọn chuyến tàu chạy qua. Ông Sơn Núi nói: “Ngó những chuyến tàu đi, bao giờ cũng cảm động”. Tôi nhìn ông Sơn Núi và nghĩ, thôi cũng được, cái việc cứ tìm mà đi những đường xa xôi trắc trở của nhà sư Chăm, cuối cùng được thấy trọn vẹn chuyến tàu, cũng là an ủi. Chúng tôi lại ra quốc lộ 1 A. Nhà sư Chăm ít nói, thỉnh thoảng nói lại nói hơi nhiều, nụ cười tự tin, hơi kiêu ngạo mà hồn nhiên.



Sau một hồi chạy trên quốc lộ 1 A về phía thị trấn Trảng Bom, còn cách thị trấn Trảng Bom khoảng mười cây số, ông ta quẹo xe sang phía tay trái, chạy vào con đường chẳng biết dẫn tới đâu. Ông Sơn Núi hỏi nhà sư Chăm: “Ông đưa bọn tôi đi vào con đường thủ tiêu đấy hả?”. Nhà sư Chăm cười lớn tiếng. Tôi không thể nhìn thấy ông ta cười, chỉ nghe tiếng cười mà thôi, vẫn tự tin, hơi kiêu ngạo, và ma quái nữa.



Nhà sư Chăm phóng xe thật nhanh, tôi chạy phía sau cố bám theo, con đường dài ngút giữa những rừng cây cỏ dại, lũng vực. Nhà cửa lác đác thoáng hiện, bặt vắng. Tôi nghĩ, hẳn nơi đến còn xa nữa, nhà sư Chăm phải tiếp tục phóng xe thật nhanh để kịp tới lúc trời còn sáng. Nơi tới đó ông Sơn Núi nói là một “Ngôi chùa tuyệt đẹp của ông thầy chùa người Chăm”, như thể ông đã từng tới đó, nhà sư Chăm nói ra tôi mới biết là ông Sơn Núi chưa tới đó lần nào.



Con đường vẫn chạy miết về phía chân trời, bóng chiều sẫm xuống. Một con dốc cao đột ngột. Tôi cố theo sát nhà sư Chăm và ông Sơn Núi. Xuống dốc, con dốc chúi hút chiếc xe Simson bánh nhỏ, giống xe scooter của tôi lao vùn vụt, băng qua những tảng đất sét trơn láng từ đâu rải đầy ở cuối dốc, mưa lúc nào đó nơi này. Chiếc xe vượt khỏi sự kiểm soát của tôi, cứ thế lao xuống mỗi lúc một nhanh, nhưng vẫn cách khoảng xa chiếc xe của nhà sư Chăm chở ông Sơn Núi. Cầm chắc té xe giữa con lộ, tôi vội lái sang một phía, tất nhiên phía trái ven đường. Chiếc xe và tôi đâm sầm vào rào cản bằng xi-măng cốt sắt ngăn chặn phía trên một vực sâu. Chóa đèn xe vỡ nát. Vai, ngực tôi đau điếng. Tôi không kêu nổi một tiếng để báo hiệu cho nhà sư Chăm dừng xe. Tôi ngồi bất động, nhìn chiếc xe chở hai người mất dạng trên con đường đang tối dần.



Chỉ còn một nước trở lui, may là chiếc xe còn nổ máy để chạy, tôi quay xe lại, chạy tới con dốc, ngay dưới chân dốc có một lều quán giải khát. Tôi rất đau mệt, khát nước và thèm hút thuốc lá, và cầu âu nhà sư Chăm , ông Sơn Núi quay lại tìm tôi.


Người đàn bà mang tới các thứ tôi gọi, nụ cười hiền hòa trong ánh sáng mờ nhạt của chiếc đèn máng dài: “Anh cứ ngồi nghỉ ở đây, thế nào các bạn cũng trở lại kiếm mà”. Tôi cười gượng gạo, vì tôi tuyệt vọng về chuyện các bạn trở lại kiếm. Lúc nãy, tôi ngồi bất động ít gì cũng nửa tiếng đồng hồ.

Có lẽ tôi đã ngồi tại lều quán lâu gấp đôi lúc nãy. Người đàn bà nói: “Tệ thật đấy, bạn bè đi chung mà lại bỏ mặc giữa đường… thế người ta bị lao xe xuống vực thì sao?... ở đây tôi đã thấy xảy ra nhiều vụ xe lao xuống vực”.

Vài ngày sau, ông Sơn Núi lại có mặt ở Sài Gòn. Ông lại tới chùa Già Lam, nói chuyện nữ họa sĩ D.TH. âm mưu lôi kéo thầy Tuệ Sỹ vào đạo Tin Lành. Ông lại tới H, nói chuyện ăn chay trường vì lẽ công bằng của trời đất. Ông về nhà Hồ Hữu Thủ nói về dự định viết thơ lên những chiếc bình, những chiếc ấm, chén trà, nói chung là viết những bài thơ không tiền khoáng hậu lên đồ gốm. Và ở đâu, nếu cao hứng, hay vì mối thiện cảm với dân tộc Chiêm Thành hờn vong quốc, ông cũng nói về ngôi chùa tuyệt đẹp của ông thầy chùa người Chăm mà ông đã có dịp tới thăm từ lâu, hình như từ mùa hè năm…, cùng đi với một nữ tu người Tây Tạng.


Sài Gòn, 23-6-2004

-----
[1]ông Sơn Núi gọi "con mụ" là "con mu".


















Nhắc, nhớ vân vân...



Đọc lại một bài đã viết, nhan đề bài viết từ chiếc lư đồng mắt cua của nhà văn tiền chiến Nguyễn Tuân. Liền sau, lại đọc vẩn vơ một cuốn sách đã đọc không vẩn vơ, rồi nổi hứng viết lại bài của chính mình đã viết. Thoạt đầu chả hiểu tại sao nổi hứng như vậy. Sau đó biết ngay, nổi hứng như vậy, vì ưa trích vào bài viết lại đoạn viết này, ở cuốn sách đọc lại một cách vẩn vơ: Nguyễn Tuân, ngày xưa, đã bao nhiêu lần đòi giết cố nhân mà có giết được đâu? Mãi đến già, sau mấy chục năm theo Đảng và bao nhiêu lần “cải tạo tư tưởng”, ông vẫn cứ là ông. Cái chàng Nguyễn tài hoa và kiêu bạc thuở nào vẫn cứ lấp ló đâu đó sau từng trang viết của ông. (Nguyễn Hưng Quốc, Thơ Con Cóc và những vấn đề khác).



Mấy ngày người dân cả nước được nghỉ lễ: ngày giỗ tổ Hùng Vương (mùng 8 tháng 3 Âm lịch), ngày Quốc tế lao động 1-5, và dĩ nhiên, ngày kỷ niệm 32 năm “giải phóng” của nhà nước cộng sản. Dịp này bạn bè chúng tôi nhàn đàm về Sài Gòn sau “giải phóng”. Nhiều điều để nói, mà điều này chúng tôi bảo rất nên nói tới: tên gọi của thành phố chúng ta. Mà hình như đã nhiều người nói tới rồi: tên khai sinh của thành phố đã được gần 300 tuổi, tính tới 30-4-1975, đã bị nhà nước áp đặt tên gọi khác, là thành phố mang tên “bác”! Tuy nhiên, hiển nhiên người dân ngày càng chỉ cần biết và chỉ gọi tên khai sinh của thành phố. Sài Gòn ngày càng xác định tên mình là Sài Gòn. Và nhiều lắm, ý chí quyết tâm lắm, nhà nước cũng chỉ được xem cái tên mình áp đặt là tên gọi hành chánh, tên gọi trên giấy tờ nhà nước cấp phát cho dân. Có bạn nói: nhà nước này thật tức cười, mang tên “Việt Nam đẹp nhất có tên...” để đặt cho “thành phố mông muội” “thành phố tàn dư của Mỹ Ngụy”. Nếu “bác” mà biết, chắc “bác” không thể nằm yên trong lăng tẩm mà các con cháu “bác” đã đặt định, xây dựng cho mình.



Chúng tôi đang nhàn đàm như vậy, điện thoại di động của tôi reo. “Anh ơi, chiều hôm qua em kiểm soát kho đồ cổ của em, tìm thấy chiếc lư đồng mắt cua. Em để dành tặng anh đấy.” Điện thoại của người em bà con bên vợ tôi, anh ta buôn bán đồ cổ ở đường Lê Công Kiều. Đường Lê Công Kiều là con đường nhỏ, chạy dài suốt phía ngang hông Bệnh Viện Sài Gòn. Gần như hầu hết các nhà phố ở đường Lê Công kiều buôn bán đồ cổ, bao gồm đồ cổ thứ thiệt và đồ giả cổ, đồ cổ dỏm. Và phần lớn sở hữu chủ của các gian hàng buôn bán đồ cổ như vậy, là những người miền Bắc “có máu mặt”, vào Sài Gòn sau “giải phóng”. Gian hàng buôn bán đồ cổ của người em bà con bên vợ tôi rất khiêm nhường bên cạnh những gian hàng của những người miền Bắc ấy. Mà người Sài Gòn có một gian hàng như vậy sau khi “Sài Gòn giải phóng” cũng là đỡ lắm rồi, cũng là người Sài Gòn “có máu mặt”.



Tôi mừng rỡ vì món quà tặng của người thân, buôn bán đồ cổ. Chiếc lư đồng mắt cua có lẽ chỉ có giá trị với những người như tôi, những người biết nó gắn liền với một tác phẩm của một nhà văn tài danh thời tiền chiến: Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân. Chính Nguyễn Tuân cũng chỉ quý chiếc lư đồng mắt cua, vì nó là “người làm chứng đứng đắn” cho một quãng thời gian phóng túng hình hài của ông ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu - qua lời một người bạn của Nguyễn Tuân - là một nhà nho rất hay, biết rất nhiều điều bí ẩn kỳ quái trong suốt một khoảng giao thời. Nhà văn quý chiếc lư đồng mắt cua lại cũng không chỉ vì nó là “người làm chứng đứng đắn” cho một quãng thời gian phóng túng hình hài của ông, mà còn ở chỗ, ông Thông Phu cho biết nó từng có một lịch sử bí mật, y như chuyện “Gương vỡ lại lành” trong tích cũ.



Chiếc lư đồng mắt cua không phải là một cuốn phóng sự về nhà hát ả đào, cũng không phải là cuốn nhật ký, mà là một tác phẩm tuỳ bút về tâm trạng tác giả (Nguyễn Tuân) trong những ngày sống ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu, một ông “Trước khi đứng làm chủ nhà hát ông Thông Phu là một người có danh phận lương thiện của một xã hội trưởng giả trung lưu đương thời của chúng ta. Ông cũng là một người viên chức chính ngạch nhà nước, ở một cái tỉnh nhỏ Trung Kỳ, cách đây hai chục năm, khi mà người ta làm việc ở toà Sứ, với một cái chức thông ngôn có chất máu giang hồ tài tử ấy ở trong huyết quản đã là một người thiếu lương tâm nhà nghề đối với phận sự nơi buồng giấy.” (Nguyễn Tuân, Chiếc lư đồng mắt cua).



Chiếc lư đồng mắt cua mà ông Thông Phu tặng Nguyễn Tuân, như lời ông viết trong tác phẩm cùng tên, cũng giống như “Để nhớ lại một chuyến đi, Nguyễn (Nguyễn Tuân) đặt tên con gái là Hương Cảng” (Tuỳ bút Mơ Hương Cảng, của Vũ Khắc Khoan.)



Nhà văn, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, định cư ở Hoa Kỳ, đã mất, trong tuỳ bút Mơ Hương Cảng, đã viết về Nguyễn Tuân: “...Nguyễn có một cuộc sống ồ ạt, một cá tính rất sắc cạnh và tất nhiên rất quyến rũ. Không những thế Nguyễn lại viết. Nghĩa là lấy ngay cái ồ ạt của cuộc sống bừa bãi của mình làm đối tượng cho sự suy nghĩ để rồi, từng chữ, từng câu... giải rộng và dài những cơn tâm sự lên trên giấy trắng. Cũng vì thế mà ảnh hưởng của Nguyễn đã in hằn lên nhiều người chung quanh. Ở đây, thỉnh thoảng những người quen Nguyễn thường vẫn gặp lại, ngùi ngùi nhận ra đây đó một vài cử chỉ, một vài lối nói, nét cười, cách viết của một con người không những đã sống để viết, nhưng lại luôn luôn rất băn khoăn về cuộc sống và ý nghĩa của việt cầm bút...”



Chiếc lư đồng mắt cua mà người em bà con bên vợ tôi vừa tặng tôi, theo nhận xét của anh ta, được chế tác vào khoảng thời gian các vị vua đầu nhà Nguyễn, dùng để đốt trầm. Hiện nay, một số rất ít các “mệ” ở xứ Thần Kinh (Huế) còn lưu giữ. Tôi đọc lại tác phẩm tuỳ bút Chiếc lư đồng mắt cua của Nguyễn Tuân, qua những dòng chữ mô tả chiếc lư đồng mắt cua của ông Thông Phu tặng nhà văn, rất giống chiếc lư đồng mắt cua tôi đang có: “...một chiếc lư đồng. Đồng mắt cua. Nhỏ thôi. Đường kính rộng nhất nơi thân lư cũng chỉ bằng cái đường kính mặt tẩu Vân Nam da đá... chiếc lư đồng mắt cua nhỏ bé ấy giá có đem phát mại đi, gặp những người ưa chuộng thì hời giá lắm cũng chỉ được vài đồng bạc là cùng.” Nhà văn Nguyễn Tuân trân quý giữ nó, như đã nói ở trên, lúc ấy nhà văn để chiếc lư đồng mắt cua trên bàn viết, đựng kim găm và dùng luôn làm vật chặn giấy cho gió khỏi lật ngửa những trang chữ ướt. Tôi dùng chiếc lư đồng mắt cua vừa được tặng mấy hôm nay, đựng tàn thuốc lá cho gió khỏi thổi tàn bay rải ra ngoài. Chiếc lư nhỏ đựng tàn thuốc lá rất tiện, tôi xách nó theo bên mình mỗi khi di chuyển chỗ ngồi hút thuốc, nó có hai quai xách cũng bằng đồng mắt cua, như quai xách của chiếc ấm tích pha trà.



Ngắm nghía chiếc lư đồng mắt cua, tôi chợt tiếc đã không hỏi Nguyễn Tuân, rằng nhà văn còn giữ chiếc lư đồng mắt cua do ông Thông Phu tặng thuở xưa? Vài tháng sau 30-4-1975, tôi gặp nhà văn Nguyễn Tuân trong một bữa uống rượu ở quán cà phê Tùng, Đà Lạt. Lần đó, ông Tùng, chủ quán, đã mất vài năm nay, trân trọng mời nhà văn Nguyễn Tuân uống rượu. Ông Tùng mang chai rượu Courvoisier mà ông cố giữ lại sau “giải phóng”, dành để mời nhà văn tài danh mà ông nghe tiếng, quý trọng từ lâu. Đó cũng là dịp may của tôi, được gặp tác giả Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua... Tôi không thể nhớ rõ sau ba mươi hai năm, tôi đã nói, hỏi được chuyện gì nhà văn tài danh độc đáo ấy, nhưng nhớ mãi câu ông hỏi tôi, thật lạ lùng để hôm nay nhớ lại: “Cậu có bà con họ hàng gì với ông Vũ Khắc Khoan hay không? Nom cậu khá giống ông ấy.”



Tôi tiếc vì nhớ lần duy nhất gặp nhà văn Nguyễn Tuân, tôi chưa từng hỏi về chiếc lư đồng mắt cua của ông. Nếu ông còn giữ được lúc còn sống, thì cũng không lấy gì làm chắc chắn rằng sau khi ông mất, đã nhiều năm, nó không có cuộc phiêu lưu nào. Biết đâu nó chính là hiện thân chiếc lư đồng mắt cua tôi đang giữ. Dù sao, ít nhất, nó cũng được ra đời cùng anh em nó, chiếc lư đồng mắt cua của nhà văn vang bóng một thời.
























Thuở Vi Diệu ngắn ngủi



Ngay sau Sài Gòn Giải Phóng (giải phóng cái gì?) tôi lấy vợ, cô Lệ, em cô Hạnh, bạn gái vớ vẩn của tôi. Trước lúc “được giải phóng”, là những ngày Sài Gòn hoảng loạn, sôi sục chuyện ở, đi. Nhà thơ Tô Thùy Yên, trong quân đội là thiếu tá trưởng phòng văn nghệ, cục tâm lý chiến, “sếp” của tôi. Ông nói ngang tàng, phẫn nộ: “Việt cộng mà nó chiếm được Sài Gòn, tôi thà đi công trường chớ không tháo chạy như lũ hèn hạ.” Tôi, thành thật như một nhà thơ: “Tôi cũng ở lại, nhưng tôi không sống ở Sài Gòn. Tôi đi vào rừng.” Tôi đi vào rừng thật, lên Đơn Dương, vào rừng Tutr’a. Tôi từng biết vùng rừng này, quen một người bỏ Đà Lạt vào sống tại buôn Thượng. Buổi chiều, trên thềm tối của căn nhà người quen ấy, tôi ấp úng, nói cà lăm, trả lời mấy ông giải phóng về lý lịch nhân thân. Ngay sáng hôm sau, tôi trở lại Sài Gòn. Chính thời gian này, đã cho phép tôi ghi vào tiểu sử in ở bìa gấp của một tập truyện ngắn làm nhiều nghề mưu sinh, kể sơ thì có nghề phụ hồ, nhổ hàng trăm cây cọc sắt, hàng rào của một trại lính cũ, chạy dọc dài con đường Cường Để thơ mộng tới bờ sông Sài Gòn. Con đường chẳng thể ghi dấu những buổi đi dạo với Hạnh. Tôi còn nhớ như mới hôm nào, tiếng cười rúc rích chuột kêu của cô nữ sinh Gia Long bên vai anh chàng vận đồ nhà binh, quân nhu phát sao mặc vậy. Hạnh du học tự túc bên Nhật, trước Sài Gòn Giải Phóng vài năm.



Chính Hạnh ngạc nhiên khi biết tin tôi thành hôn với Lệ. Hòa thì bực giận. Hòa là em Lệ.



Trước ngày đám cưới, người mẹ của ba cô gái nói với cô dâu: “Sao con lại lấy cái thằng lăng nhăng ấy?” Bà biết tôi từng là bạn trai của Hạnh, sau đó hay gặp Hòa. Rồi lấy Lệ.



Từ Paris, Hạnh lúc đó ở Paris, gửi quà về gia đình khốn khổ ở Sài Gòn Giải Phóng. Tôi nhận được cái đồng hồ đeo tay loại rẻ tiền, vỏ xi vàng như hàng mã, và một lá thư có những lời khuyên nhủ đáng giá: em phải sống thực tế, không thể mơ mộng như trước nữa, vân vân... Tôi không viết trong thư phúc đáp, mơ mộng mẹ gì được nữa, mấy ông Việt cộng giải phóng hết mẹ cả rồi. Tôi viết: dù tôi lấy em hay lấy con của Hạnh, cô cựu nữ sinh Gia Long cũng đừng ra giọng bà chị, bà mẹ.



Lệ ra trường sư phạm vào năm Sài Gòn Giải Phóng, dạy học ở Thủ Thiêm, được cấp nhà trong cư xá công nhân viên. Giáo viên của nhà nước cách mạng, năm nào cũng học tập bồi dưỡng chính trị. Cô giáo Lệ học tập trung ở Thủ Đức. Đợt bồi dưỡng chính trị năm 1983, tôi không biết làm gì cho hết một ngày trống rỗng thất nghiệp, đi xe đạp từ Thủ Thiêm lên Thủ Đức, định cùng về khi cô giáo Lệ hết giờ học. Hóa ra Lệ gửi xe đạp ở nhà người quen tại Thủ Thiêm, lên xe gắn máy Honda người bạn trai chở đi học, và tất nhiên sẽ chở về. Người bạn trai này là đồng nghiệp buôn bán “chợ trời” với người mẹ của Lệ.



Tôi chẳng nhớ lúc ấy tâm trạng mình ra sao, đạp xe trên những con đường thị trấn. Tới nhà ga, quẹo vào. Quẹo xe, liền nhớ một câu thơ Viên Linh: À xe ta quẹo lối này. Vào nhà ga, tức thời nhớ hai câu thơ Bùi Giáng: Môi cười ở cuối sân ga / Phố là cố quận nay là tiễn nhau. Thi ca thần diệu thật, tôi chẳng còn nhớ gì cô giáo và anh chàng chợ trời. Tôi nghe tiếng hét, ông Bùi Giáng kêu tên tôi: Dã quỳ đại ca! Ông Bùi Giáng xách bị tới nhà ga Thủ Đức. Ông Bùi Giáng lúc nào cũng mang theo cái bị, nó là cái bao tải bẩn thỉu, tôi chưa từng hỏi ông đựng những gì trong đó, ông cũng chưa từng tiết lộ mình đựng những gì trong đó. Có một lần tôi biết trong cái bao tải có chó con, không biết là mấy con, nghe tiếng chúng kêu, rên ầm ỹ. Tôi hỏi ông, có mấy con trong cái bao, ông nói quên chưa đếm, cũng may sau đó ông không trút ra để đếm.



Lần này ông Bùi Giáng tiết lộ: “Có một bao thuốc lá Điện Biên trong bị đây, đại ca cùng trẫm gạ bán lại cho hàng thuốc lá nào đó, lấy tiền uống rượu.”



Ông Bùi Giáng đi bộ, vai mang cái bị. Tôi cũng đi bộ, tay dắt cái xe đạp, nó cũ kỹ xộc xệch, không chở đôi được. Chúng tôi đi mời chào gạ bán bao thuốc lá Điện Biên cùng khắp dọc đường từ Thủ Đức về Bình Triệu chẳng ai mua. Ông Bùi Giáng bảo: “Đại ca chớ buồn, mà phải vui. Không ai mua thuốc lá Điện Biên, vì đây là thuốc lá Việt cộng, dân chúng tẩy chay thuốc lá Việt cộng.” Ông Bùi Giáng cùng ngồi xuống với tôi, trên lề đường, phía ngoài nhà ga Bình Triệu, chắc hẳn đôi chân ông cũng rã mỏi như đôi chân tôi. Ấy tuy nhiên, sau lưng hai người là một nhà ga, cuối sân ga có nụ cười.



*



Sau đó tôi chỉ liên hệ với Lệ, làm thủ tục ly dị. Sau đó nữa, tôi gặp Vi Diệu, trong một hiệu sách quốc doanh gọi là Hiệu Sách Nhân Dân. Tôi vào đó để mua bộ sách Lê-nin toàn tập, gồm mấy chục cuốn, giấy trắng mịn mỏng như giấy sách Kinh Thánh, những người mua giấy cân kí trả giá rất cao, gấp nhiều chục lần giá mua từ hiệu sách nhân dân. Với tiền bán bộ sách này, tôi có thể chi tiêu rộng rãi cả tháng, nên tôi cố mua cho bằng được. Những người phụ trách bán sách ở các hiệu sách nhân dân tại Sài Gòn đều biết vụ việc đó, nên họ chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu của ngành văn hóa thông tin. Cái giấy quý giá này, thỉnh thoảng tôi mới xoay xở được.



Tôi vào Hiệu Sách Nhân Dân ở con phố gần nhà, nhà của cha mẹ, tôi về lại đây sau khi chia tay Lệ, xem còn bộ sách Lê-nin toàn tập nào không. Nếu còn, tôi sẽ đi xoay xở giấy giới thiệu. Cô gái đứng sau quầy thu hút tôi ngay lập tức. Cô hơi cúi đầu xuống, đọc sách gì đấy, tóc thả hai bên khuôn mặt thanh tú trong trẻo. Dáng người thanh mảnh càng thêm vẻ rét mướt cao nguyên, cô gái thu mình thêm cho sự tập trung đọc sách. Thay vì hỏi về bộ sách Lê-nin toàn tập, tôi hỏi cô đang đọc cuốn sách gì. Cô gái mỉm cười, nâng cuốn sách cho tôi thấy bìa sách: Ngàn Thu Rớt Hột. Tôi bắt chuyện dễ dàng, nói về Bùi Giáng, cả về thơ lẫn về người. Tất nhiên sau đó tôi biết tên cô gái, Nguyễn Thị Xuân Diệu. “Chắc ba hay má cô thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái lại mỉm cười, nói: “Có lẽ ba tôi chỉ thích cái tên đó, đặt tên cho tôi, trùng tên nhà thơ Xuân Diệu mà thôi.” “Còn cô có thích thơ Xuân Diệu?” Cô gái cười thành tiếng nhỏ, răng thật đẹp, có một chiếc răng khểnh, “Có lẽ tôi thích thơ Xuân Diệu nhiều hơn vì cái tên chứ không phải vì thơ Xuân Diệu.”


Tôi nhìn xuống mặt quầy, một bàn tay cô gái úp trên trang sách, những đường gân xanh hiện rõ. Tôi hỏi cô đọc thơ Bùi Giáng nhiều không, cô nói: “Tôi đọc thơ Bùi Giáng từ hồi học ở Đại học Vạn Hạnh. Hồi đó vẫn thường thấy ông Bùi Giáng với cái bị.” Tôi kể chuyện ông Bùi Giáng gạ bán bao thuốc lá Điện Biên để lấy tiền uống rượu, cô gái hỏi: “Thế anh cũng không có tiền à?” “Thỉnh thoảng cũng có. Chẳng hạn khi nào có giấy giới thiệu mua Lê-nin toàn tập.” Cô gái nhìn tôi, cái nhìn lo lắng, “Bây giờ anh có giấy giới thiệu không?” Tôi lắc đầu, nói: “Khó là cái giấy giới thiệu.” Cô gái nghĩ ngợi một chút, nói: “Thế anh có tiền lấy bộ sách này không?” “Chẳng lẽ lại không có!” Cô gái bán cho tôi bộ sách Lê-nin toàn tậpkhông cần giấy giới thiệu.

Tôi lại gặp ông Bùi Giáng, dĩ nhiên lại gặp cả cái bị, ở khu vực Viện Hóa Đạo cũ, một vài ngày sau khi tôi có tiền rủng rỉnh vì Lê-nin toàn tập. Ông vận chiếc áo khoác rất đẹp, ông nói của Công Thế Cường ở Mỹ về tặng. Tôi biết Công Thế Cường, một chàng rất đẹp trai, làm ở ngành ngoại giao thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nghĩa là một chàng bảnh bao trăm phần trăm, chiếc áo khoác chàng tặng nhà thơ đẹp như xứ sở Hoa Kỳ.

Ông Bùi Giáng nhìn tôi, ánh mắt sáng lên một vẻ điên dại, “Chớ nhà ngươi tưởng ta vận áo đẹp khơi khơi như vầy hả? Đi với ta, tới gặp một trang quốc sắc.”

Ông dẫn tôi tới con phố nhỏ hẹp, đường Trần Văn Văn cũ, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, cửa sắt đang đóng. Ông đặt cái bị xuống, mở cửa sắt, tiếng kêu rít vang lên, ông đứng giữa chỗ trống, ngang tàng như một hiệp sĩ thời Trung Cổ.

Cô gái đẹp, tôi cho rằng chỉ có khuyết điểm là vẻ mũm mĩm, và một vẻ tươi thắm quá tràn đầy, ông Bùi Giáng giới thiệu cô gái là Người Đẹp Hồng Ngự. Tôi liền nhớ tới (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, quyết định sẽ dẫn ông Bùi Giáng tới, ngay sau khi rời nhà người đẹp Hồng Ngự.

(Nguyễn Thị) Xuân Diệu bối rối khi gặp nhà thơ Bùi Giáng bằng xương bằng thịt. Ông Bùi Giáng hỏi chuyện giọng oang oang, cô gái trả lời lí nhí trong cổ họng. nhà thơ xé bao thuốc lá, lấy miếng giấy bạc bên trong, viết hai dòng thơ tặng: Gọi là Vi Diệu cô nương / Mùa Xuân hương sắc xin nhường cả hai.

Những ngày sau đó tôi tới thường xuyên, gần như ngày nào cũng tới Hiệu Sách Nhân Dân, không phải để rình mua bộ sách Lê-nin toàn tập, mà chỉ để gặp Vi Diệu, bởi từ lúc này, như thơ ông Bùi Giáng viết tặng cô (Nguyễn Thị) Xuân Diệu, cô là Vi Diệu của đời tôi. Cô luôn đứng sau quầy, tôi đứng trước quầy, một khoảng cách quá thân mật cho hai người đối diện thì thầm. Ấy tuy nhiên, dù đã thân thiết, dù tôi rất muốn nắm bàn tay gầy guộc nổi gân xanh của Vi Diệu, vẫn chưa một lần tôi chạm tới. Có một lần, chợt nhìn thấy một bàn chân của Vi Diệu phía dưới quầy, tôi thầm cảm ơn cái quầy hổng, không che kín sát đất, bàn chân ấy đặt trên chiếc hài, tôi rút chân tôi ra khỏi giày, đặt bàn chân ấy lên chân Vi Diệu. Cô vội rút chân ra khỏi chân tôi, im lặng một lúc, hỏi tôi: “Anh có đọc truyện Mối Tình Chân của Nhất Linh rồi chứ?”

Một ngày sau đó không lâu, tôi không muốn nhớ: Vi Diệu cho tôi biết, cô đã đính hôn. Anh Phan Đình Mỹ Kim, và tôi được ai đấy cho biết, anh Kim sắp đi Mỹ, diện HO, bởi là con của ông tướng Lam Sơn - Phan Đình Thứ. Tôi chưa hề biết, gặp anh Kim, nhưng người cha của anh thì không riêng tôi, một triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa biết ông. Nhiều người bảo ông có đeo trước ngực cái bùa hay cái răng nanh của heo rừng gì đó, mũi tên hòn đạn của đối phương thấy là phải né. Cái ông thượng sĩ cắc ké, có vợ đẹp, vợ được ông tướng Lam Sơn chiếu cố. Ông thượng sĩ nổi khùng, xách súng tìm ông tướng, liền nhận lãnh viên đạn của ông tướng bắn chết tươi, ông thượng sĩ không kịp giương khẩu súng phẫn nộ của kẻ mọc sừng. Tôi từng thương xót bụi tre vàng sọc xanh rất đẹp, trong khuôn viên tư dinh của tướng Lam Sơn. Ông mỗi ngày mỗi ra lệnh cho lính di chuyển bụi tre hết chỗ này tới chỗ kia, tới khi bụi tre quá mỏi chân tức mình mà chết. Mới đây, nghĩa là sau khi Vi Diệu cùng chồng sang định cư ở Mỹ trên mười mấy năm trời rồi, tôi lại biết thêm về ông tướng nổi danh tai tiếng. Hóa ra một người tôi quen thân từ mười mấy năm trời, nghĩa là từ thuở Vi Diệu ngắn ngủi của tôi, một ông kỹ sư vi tính từ Hà Nội vào, ông ta là anh em con cô cậu với tướng Lam Sơn. Ông ta bảo, vì sao đó thì ông ta không biết, người anh con cô của ông ta, viên chính ủy cao cấp Việt cộng, lại trở thành viên tướng của quân đội quốc gia, thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Nhưng ông ta biết rõ, vì sau Giải Phóng “ông anh tôi có nhờ cậu, là bố tôi, can thiệp giúp, nói với mấy ông cán bộ cao cấp ở miền Nam đừng cho truy tìm bắt tội, họ hiểu lầm đấy thôi, ông anh tôi không hề chỉ điểm cho ngụy quân ngụy quyền bắt giữ một người cán bộ cách mạng nào sất!”

Trước ngày thành hôn với con ông tướng Lam Sơn, Vi Diệu nói trả lại những gì tôi đã viết gửi cô, chỉ giữ lại miếng giấy bạc trong bao thuốc lá của ông Bùi Giáng. Tất nhiên tôi chẳng cầm lại những thứ ấy làm quái gì, tôi nói Vi Diệu muốn liệng đi đâu thì liệng. Vi Diệu nói: “Tôi không thể liệng đi được. Anh không chịu nhận lại, muốn tôi đốt thành tro rồi uống phải không?”

Tôi nói tất nhiên tôi không hề muốn như vậy, tôi chẳng muốn cái gì cả. Muốn như vậy cũng chẳng được, mà có được cũng chẳng để làm gì.

Bây giờ Vi Diệu ở Hoa Kỳ, rất có thể cô đọc báo mạng Tiền Vệ, nghĩa là cô có thể đọc những gì tôi viết ở đây. Anh Phan Đình Mỹ Kim cũng có thể đọc. Nếu thấy chi tiết nào làm anh Kim khó chịu, Vi Diệu hãy nói giùm tôi: Đây là văn truyện của một anh chàng tên là Nguyễn Đạt, muôn đời ở Việt Nam, bạn của cái ông nhà thơ điên Bùi Giáng ấy mà! Mấy ông ấy điên khùng lắm, có gì mà phải chú ý, để tâm...


























Quán nửa khuya 






Hóa ra người đàn ông cao gầy mang kính trắng bước sang đường là người bạn cũ, tôi đang đợi anh tại quán cóc của Kỳ, ở một góc phố vùng Tân Định. Người bạn cũ chẳng giống như tôi hình dung, chúng tôi không gặp nhau đã trên ba mươi năm. Chậm rãi chào hỏi, bắt tay nhau. Tôi không nhớ ngày trước anh có vồn vã khi lâu ngày gặp bạn, bây giờ thì chậm rãi, hơi uể oải, giống sự lãnh đạm. Anh nói cũng chậm rãi, nhỏ giọng. Và anh nói chỉ là trả lời những gì tôi thăm hỏi. Buổi gặp lại của hai người bạn sau mấy chục năm xa cách không đến nỗi nhạt nhẽo, nhưng không đằm thắm.



Sau buổi gặp, cảm tình của tôi đối với anh tăng gấp đôi, dĩ nhiên không chính xác cân đong đo đếm như vậy. Cái nhìn của tôi về anh thay đổi, chuyển vị hẳn người bạn cũ, trong mường tượng của tôi chỉ là một anh chàng đẹp trai và dễ mến mà thôi. Anh hiểu biết, có thể gọi là trí thức, dĩ nhiên trí thức không nhất thiết là người có học thức cao rộng. Bạn học cũ, tôi biết rõ anh học tới đâu trước khi di tản sang Mỹ. Từ đó tới nay đã trên ba mươi năm, anh có thể đã là người học thức cao rộng, dĩ nhiên điều đó chẳng quan trọng. 



Nhưng nếu anh không có gì thay đổi, vẫn là người bạn cũ như tôi mường tượng... Dĩ nhiên người bạn cũ cộng thêm trên ba mươi năm cuộc sống bên Mỹ, tôi không thể mường tượng cho ra được. Dù sao tôi vẫn mường tượng, hơn nữa, tôi thường được nghe tin tức về anh. Tôi đã mường tượng, nghĩa là anh chàng đẹp trai bạn tôi có cuộc đời ái tình hôn nhân gay cấn... Tôi chẳng quan tâm những chuyện ái tình hôn nhân của ai để làm gì, nhưng anh là người bạn cũ vừa đẹp trai vừa dễ mến. Tin tức chủ yếu về anh cũng lại là chuyện đó. Tôi thấy chuyện đó có phần ngộ nghĩnh, đã trở thành một chi tiết trong một truyện ngắn của tôi, đăng tải trên báo mạng Tiền Vệ. Nhân vật chính trong truyện ngắn đó là ông Sơn Núi, một nhà thơ.



Đêm mưa, ở lại nhà Nguyễn Thiên Chương, ông Sơn Núi và tôi ngủ trên sàn nhà. Không nghe ông Sơn Núi ngỏ lời lên ngủ trên gác, còn tôi rất sợ tiếng mưa trên mái tôn, nó là một cuộc tra tấn, khủng bố khủng khiếp. Ông Sơn Núi dậy rất sớm, lúc hai giờ sáng, đánh thức tôi bằng câu hỏi: “Này, ông là bạn lão B.X.H. hả?” “Ừ, bạn học cũ thời trung học đệ nhất cấp. Mà sao ông biết?” “Biết chứ! Lão ấy lấy con mu (ông Sơn Núi gọi mụ là mu) vợ cũ của ông Tướng Râu Kẽm. Hồi con mu này còn nhỏ, tôi dạy kèm Anh ngữ ở nhà con mu tại Nha Trang.” “Đúng, bạn tôi đã từng lấy cô ta, nhưng nay họ lại bỏ nhau rồi.”(Sau đó họ lại Châu-Về-Hiệp-Phố, như tôi vừa biết khi gặp lại bạn cũ.) Ông Sơn Núi lại nhắc câu hỏi về người bạn học cũ của tôi, rằng lão ấy ra sao. Tôi nói: “B.X.H. rất đẹp trai. Vẻ đẹp của Marlon Brando cộng với Kennedy.” Ông Sơn Núi cười thích thú một chập: “Cộng với c. lõ nữa chứ!”



Lúc viết ra chi tiết này, tôi nhớ lại như chuyện mới hôm qua: hai cậu học trò ngồi cạnh nhau cùng các bạn học, tập trung tại sân trường để nghe ông Tướng Râu Kẽm nói chuyện về binh chủng không quân của quân đội Sài Gòn. B.X.H. chăm chú nhìn ngó ông tướng, vẻ rất ngưỡng mộ, nói nhỏ với tôi: “Sau này tớ mong được vào không quân, chỉ xách cặp táp -nghĩa là làm tà lọt- cho ông Tướng Râu Kẽm là khoái rồi...” Sau này ở bên Mỹ, anh kết hôn với ‘con mu’ -lúc này đã ly dị ông Tướng Râu Kẽm- từng học tiếng Anh thầy Sơn Núi dạy kèm tại tư gia. Tôi thấy có phần ngộ nghĩnh lúc nghe tin đó, dĩ nhiên có phần ngộ nghĩnh không hẳn là ngộ nghĩnh. Có phần ngộ nghĩnh, nghĩa là trong đó có sự tréo ngoe, có cái gì đó giống như cú lộn mèo. Tôi ghi lại nguyên văn lời ông Sơn Núi nghĩa là tôi đồng tình với lối nói của vị gia sư về người học trò . Thú thật tôi không thiện cảm với người đàn bà của anh. Những gì tôi biết, thì người đàn bà này là một con buôn với cái vốn liếng có sẵn. Về Sài Gòn lần này cùng bà ta, anh cho biết, chỉ là về cùng một chuyến, mở quán phở tại Sài Gòn là chuyện của bà ta. Nhiều người ở Sài Gòn đã biết tin bà ta sẽ mở quán hàng phở, như số đông Việt kiều đã về Sài Gòn mở công ty, làm ăn này nọ.



Anh không nói gì về chuyện này, hiển nhiên không phải chuyện của anh, như anh đã xác định. Anh gửi Kỳ và tôi thiệp mời dự buổi khai trương quán phở, do Kỳ nói với anh rằng có đọc tin trên báo mạng về cái vụ mở quán. Tôi nghĩ anh ở trong tình trạng chẳng-đặng-đừng, vì lịch sự, khi đưa thiệp mời cho Kỳ và tôi. 



*



Buổi đầu tiên gặp lại người bạn cũ, như tôi đã nói, B.X.H. chỉ trả lời những gì tôi thăm hỏi. Có thể anh không chủ ý kiệm lời, có thể anh đã trở nên người trầm lặng. Anh còn nói gì được khi tôi hào hứng quá, hỏi anh hết chuyện này tới chuyện khác. Thật ra, anh tự ý cho tôi biết tin tức về những bạn học cũ hiện nay làm gì, ở đâu, vân vân. Thay vì nói X và Y ở cùng một thành phố, anh nói: “X và Y ở cùng một tỉnh.” Cái từ Tỉnh nghe rất Sài Gòn, Việt Nam. Tôi không nhớ được nhiều bạn học cũ mà anh nhắc. Tôi xa họ sau khi tôi rời trường trung học Hồ Ngọc Cẩn, chuyển sang học trường Chu Văn An. Anh thì học tiếp ở trường Hồ Ngọc Cẩn hai năm nữa, và nghỉ học sau khi thi rớt tú-tài-phần-một.



Tôi ngạc nhiên khi anh tới nhà tìm tôi. “Biết bạn ở đây thì mấy lần về trước tôi đã ghé nhà bạn rồi. Về Sài Gòn lần nào tôi cũng đi qua con phố này... Bạn biết cái ‘quán nửa khuya’ ở đường Minh Phụng đấy chứ ?...” Tôi không hề biết cái quán nào ngoài cái quán cóc của Kỳ ở vùng Tân Định, và vài cái quán ở khu vực nhà thờ mang tên Jeanne d’Arc, gần Ngã Sáu vùng Chợ Lớn. Ngày ngày tháng tháng, tôi ngồi cả buổi ở một trong vài cái quán đó, ngó tới ngó lui ngôi trường Chu Văn An, sau bao biến thiên vẫn mang tên trường Chu Văn An, nhưng không phải là trường trung học Chu Văn An như thuở trước, nghĩa là ngôi trường ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong quãng đời đi học của tôi. Đấy là một thời diễm ảo đã mất, dĩ nhiên như vậy. Và dĩ nhiên như vậy tôi còn một-chút-gì-để-nhớ... Và tìm-lại-thời-gian-đã-mất từ ngôi trường vẫn sờ sờ trước mắt, trong một buổi sáng ngồi quán cóc ở khu vực nhà thờ nữ thánh huyền thoại của Pháp quốc...



Quán nửa khuya đèn mờ như sương khói...



Đèn mờ dễ chịu cho cơn ngái ngủ, cho tiếng hát sương khói hòa trộn không gian. Những chùm hoa bằng lăng sáng rõ màu tím dịu dưới ánh đèn đường. Ba cô tiếp viên, bộ đồ bà ba hòa dịu đường nét thân thể nẩy lửa... Hóa ra B.X.H., từ chốn thiên đường xa tít mù như ảo vọng, trở về thành phố cũ ở quê nhà, dẫn bạn cũ tới một nơi tuyệt vời như không có thật. “Quán mở cửa suốt đêm đấy, bạn có thức khuya được không?... Thích uống bia thì uống bia, rượu Tây cũng có. Bia rượu ở đây có đủ thứ hết...” Bây giờ là dịp để tôi nói rằng tôi đang thoải mái dễ chịu nhường nào. Tôi nói đây là chỗ tuyệt vời có thật, chỗ lý tưởng cho một người đã hàng chục năm mất ngủ. “Từ mười mấy năm nay, tôi không thể ngủ được giấc ngủ bình thường như mọi người, không thể ngủ dù một giấc ngắn chừng một tiếng đồng hồ. Nhưng sức khỏe của tôi vẫn bình thường, rất bình thường là đằng khác. Duy có điều, là tôi luôn ở trong tình trạng ngái ngủ. Tôi thấy lời Trang Tử có phần thích hợp với tình trạng của tôi: Im lìm thức, ơ hờ ngủ...” Anh nói: “Tôi hiểu, đúng như vậy. Ông cậu của tôi, ông cậu là luật sư ấy, chắc bạn còn nhớ, bị mất ngủ suốt hai mươi năm, vẫn sống thọ tới tám mươi tuổi đấy.”



Một cô đi lướt ngang, một cô khác đứng tần ngần nơi bàn chúng tôi, tỏa đậm mùi nước hoa. Ở một bàn trong góc tối, hơi khuất ánh đèn mờ, một ông khách gầy guộc, mang kính trắng, ngó xuống ly nước, có lẽ là ly cà phê đá, mấy ngón tay ông ta gõ nhịp trên mặt bàn. “Quán này đàng hoàng, không phải quán bia ôm, cà phê ôm đâu...Ở Sài Gòn có cả quán thịt chó ôm, bạn biết không?...” “Ờ, tôi cũng chẳng ưa ôm ấp gì trong quán xá. Vào quán này để nghe nhạc xưa, nhất là được nghe nhạc boléro chẳng hạn, thật gợi cảm cho những nỗi mênh mông u hoài...” Anh gật đầu, những sợi tóc mềm ngắn nằm im nhẹ trên vầng trán phẳng rộng. Một lúc anh cúi đầu xuống: anh không còn giống tài tử điện ảnh Mỹ Marlon Brando cộng với tổng thống Hoa Kỳ hào hoa Kennedy nữa, tôi ngỡ mình đang ngồi chung bàn trong ‘quán nửa khuya’ ở đường Minh Phụng, với nhà văn Ái-nhĩ-lan James Joyce...


Con đường mang tên em, đèn khuya mắt đỏ còn đầy dấu xưa...

Bài hát nhắc tôi những ngày ở Huế mùa-hè-đỏ-lửa, bên đồng đội, những gã lính Đại Đội Hắc Báo bặm trợn mang vẻ tư lự u hoài trong một quán cà phê bên dòng sông Hương nửa đêm về sáng... “Hồi đó bạn có mối tình nào với một em nào của xứ Thần Kinh thơ mộng?... Ừ, tôi cũng ớn các em gái xứ Thần Kinh lắm, dính vào các em là tiêu đời... Ấy nhưng mà, bạn, một chàng biệt kích báo đen, thì cũng chả đến nỗi phải sợ các em đâu...”

Chuyện trò trong ‘quán nửa khuya’, tôi không ngờ B.X.H. quan tâm tới văn chương nghệ thuật, rất am hiểu, cảm nhận tinh tế nữa là đằng khác. Anh đọc hầu hết các tác giả văn xuôi văn vần Việt Nam đương đại cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài, dĩ nhiên như vậy là đã đọc ít nhiều thơ truyện của tôi. Nên tôi hồi hộp hỏi anh đã đọc truyện nào của tôi trên báo mạng Tiền Vệ, nói mơ hồ về cái truyện trong đó tôi có nhắc tới anh (dĩ nhiên tôi không nói tới ‘con mu’ gì hết.) “Truyện ấy hả? Tôi cũng đã đọc rồi... Nhân vật Sơn Núi có phải là nhà thơ Nguyễn Đức Sơn không?...” Nghe anh nói vậy, tôi yên lòng. Nghĩa là anh không quan tâm cái vụ ‘con mu’ gì hết, anh còn khen: “Bạn viết lạ lắm, khác hẳn những tác giả trước cũng như sau... Người đọc bạn sẽ hình dung bạn là còn rất trẻ. Giả dụ tôi không biết bạn, tôi cũng sẽ hình dung bạn như vậy. Và đọc bạn viết, thấy giống như đọc truyện của một nhà văn nước ngoài nào đó, bằng tiếng Việt...” 

*

Ông khách gầy guộc mang kính trắng bây giờ ngồi ngả người vào cô gái, hình như là cô lúc nãy đứng tần ngần ở chỗ bàn chúng tôi, mái tóc thả dài của cô bây giờ kéo hết sang bên ông khách. Điện thoại di động trong túi quần tôi reo. Tiếng nói của Kỳ: “Anh còn thức đấy chứ hả?... À mà anh bị chứng mất ngủ, đâu có ngủ nghê con cóc khô gì... Này anh, em đang say ngất ngư đây, anh B.X.H. mang ra quán bờ kè Tân Định một cặp Rémy Martin, mà chỉ có ba người thôi... Em có nói để kêu anh ra nhưng anh B.X.H. có vẻ không ưng. Hình như anh ấy giận anh cái gì đấy... Hình như về chuyện thơ văn gì đấy mà... Anh ấy bảo... anh ấy chê anh viết cái gì đấy, anh ấy bảo là anh bày đặt viết lách tào lao... Viết không ra cái đếch gì, không đáng xách dép cho những người bạn thân của anh ấy ở bên Mỹ, những nhà văn danh tiếng lẫy lừng như... như Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Ngọc Hoài Phương gì gì đó nữa... em không nhớ hết nổi. Anh ấy vào trong toa-lét nãy giờ chưa ra... Dám có em nào đang níu kéo anh B.X.H. ở trong đó... Thôi nhé. Minh Bò con ông giáo sư âm nhạc Trần... xỉn gục tại chỗ từ lúc nãy. Em cũng say quá chừng rồi. Thôi anh ráng ngủ đi. Anh cứ nhắm mắt lại, đếm chậm chậm từ một tới mười tới một trăm tới một ngàn...”

Hóa ra tôi vào ‘quán nửa khuya’ có một mình. ‘Quán nửa khuya’ có mình tôi và ông khách gầy guộc mang kính trắng, và ba cô gái vận đồ bà ba nữa chứ. Tôi vẫy tay gọi cô gái đang ngồi cạnh cô gái gục đầu ngủ, tóc lòa xòa trên mặt bàn, bảo mang ra một chai rượu vang đỏ. “Có rượu vang Pháp, vang Tây Ban Nha, vang Chi-lê, vang Ác-hen-ti-na, anh hai uống thứ nào?” Tôi nói thứ nào cũng được, miễn là rượu vang. Giọng cô gái ngoan ngoãn, ngọt ngào: “Dạ!”

Lúc này, bài hát tôi ưa nghe trong những năm chinh chiến, càng ưa hơn từ thời gian tôi bị chứng mất ngủ, vang lên trong đêm khuya khoắt: Màn đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai đi về ngàn...

Thật ra, bài hát nào tôi cũng ưa nghe, miễn là giai điệu boléro. Cũng chẳng cần đúng giai điệu boléro, miễn là từa tựa như vậy, cũng đủ dịu dàng êm ái dỗ giấc ngủ ơ hờ. /. 


Sài Gòn, tháng 11.2009



















Một nơi mất tích






(Nhân vật xưng) tôi, hắn có thể trở lại căn nhà này vài ba lần hay vài ba chục lần nữa, ai mà biết được. Dù sao thì ngay lần này, lần mà tôi hiện diện ở đây, căn nhà đã không còn nữa. Tuy nhiên việc hình dung ra nó, căn nhà ấy, chẳng có gì khó khăn. Bởi vì căn nhà xoàng xĩnh tới nỗi chẳng có gì để hình dung, chẳng có gì hết. Một mái trú dột nát, bốn bề tường vách loang lổ, có một lỗ hổng, lũ chuột ra vào tìm kiếm thức ăn, chúng cư ngụ, hẳn thế, chúng sinh sản nữa, ở đâu đó trong bức tường.



Vài cái rương gỗ, một cái giường sắt nhà binh, vài quyển sách, một khung hình không có hình. Trên mặt một cái rương, tôi đặt bức thư đã xé mép phong bì, chặn trên bức thư bằng một cục đá cuội khá lớn. Bức thư ở đó chẳng nhắc nhở tôi gì hết, không chừng chỉ có cục đá cuội gây chú ý, bức thư chị Hợp mang tới giùm Hạnh. Tôi từng quen biết Hạnh, chị Hợp từng quen biết Hạnh.

Tôi quen cả hai người cùng lúc, chị Hợp và Thành, người chồng của chị. Một bạn học cũ chơi thân với Thành từ thuở nào, ngưỡng mộ Thành. Theo lời bạn học cũ nói về Thành, tôi cho rằng Thành còn tự ngưỡng mộ mình hơn cả sự ngưỡng mộ của bạn. Suốt thời trẻ, anh ta chỉ vận quần lót, đi lại, ngắm nhìn mình trong gương ở phòng khách mỗi ngày ít nhất nửa buổi.

Chị Hợp tới lúc tôi vừa thức dậy, không phải chị tới sớm, mà là tôi thức dậy quá muộn. Chị ngồi trên mép giường sắt nhà binh, trong nhà không có cái ghế nào, không có thứ gì để ngồi, ngoài cái giường tôi vừa ngủ dậy. Tôi đoán chị Hợp đã có con lớn tuổi, có thể đã lập gia đình rồi là đằng khác, sao chị ngồi rụt rè, ở mép giường? Tôi lấy nước mời chị uống, và tôi ngồi trên mặt rương gỗ, bên cạnh bức thư của Hạnh có một cục đá cuội khá lớn chặn giữ. Tôi hút thuốc và định nói gì đó chưa biết, chị Hợp nhìn chỗ bức thư có chặn trên đó một cục đá cuội khá lớn, “Anh đã gặp Hạnh rồi chứ?” Tôi lắc đầu. Tôi không tìm tới chỗ Hạnh ở làm gì, nơi mà Hạnh viết trong thư là đã rời khỏi. Chị Hợp không hỏi thêm lời nào, chị nhìn vu vơ các chỗ trong căn nhà. Cái nhìn lướt qua, trở lại, vẫn cái nhìn vu vơ, lướt qua lỗ hổng của lũ chuột. Tôi nói khi chị không nhìn vu vơ nữa, chị nhìn tôi, cái nhìn có sự ngạc nhiên trộn lẫn nỗi buồn nào đó, cái nhìn làm tôi hối hận về sự ơ hờ của tôi đối với bức thư chị mang tới tuần lễ trước, “Tôi tưởng chị biết Hạnh đã rời khỏi đây?”

Chị Hợp cúi đầu, hai tay giữa hai chân duỗi thẳng, mái tóc chị hơi dài, dợn sóng chảy xuôi xuống hai bên khuôn mặt. Chị Hợp ngồi như thế một hồi lâu, chị ngước khuôn mặt, và tôi có cảm giác vừa đi qua con phố sau cơn mưa bốc lên mùi gỗ ẩm. Tôi đã đi qua con phố như vậy bao giờ chưa? Con phố ở đâu đó, hình như ông Jean-Paul Sartre đã đi qua. Có phải vì cái tựa quyển sách tôi vừa nhớ ra, tôi nhớ tới Thành, buồn nôn?

Anh ta dẫn cô cháu họ tới ở tạm trong căn nhà này, “chờ dượng thu xếp chỗ ở mới”, với xấp hình khoả thân mà anh ta tự hào về tay nghề nhiếp ảnh của mình, “những bức ảnh khoả thân cỡ quốc tế, chụp cô gái có thân thể đẹp tuyệt vời như thần Vệ Nữ”. Chị Hợp chắc không hề biết những tác phẩm nghệ thuật của người chồng, những tấm hình khoả thân với đủ tư thế khiêu dâm của người cháu gái, chị Hợp là dì ruột.

Chị Hợp, vừa cúi xuống lại, bất chợt ngước khuôn mặt, con phố sau cơn mưa bốc lên mùi gỗ ẩm, chị nhìn tôi, cái nhìn ngạc nhiên trộn lẫn nỗi buồn nào đó lạ lùng, cái nhìn chuyển nhanh sang vu vơ như làn khói thuốc lá tôi thở. Tôi thề rằng tôi không tự chủ được gì hết, tôi vụt đứng lên, đi tới chỗ giường sắt nhà binh, và chị ngã xuống, sém chút nữa va đầu vào vách tường. Tôi ôm choàng thân thể chị Hợp, chị giấu mặt trong tóc, tôi hôn vào tóc vào tai, tôi muốn ngấu nghiến chị như con thú đau đớn tuyệt vọng. Rồi tôi im sững. Chị Hợp khóc không tiếng.

(Nhân vật xưng) tôi không thể hiểu vì sao Thành biết chuyện này, sau hai tiếng đồng hồ chị Hợp rời căn nhà tôi ở. Anh ta là một nghệ sĩ nhiếp ảnh to khoẻ, nhưng không phải vì thế mà tôi bàng hoàng. Tôi hãi hùng trộn lẫn lo sợ trộn lẫn hối tiếc, hoàn toàn vì chị Hợp. Thành gằn tiếng: “Cậu đê tiện lắm. Thế là hai kẻ đê tiện đã lộ mặt, đứa gian phu, đứa dâm phụ.” “Không phải như vậy, anh hiểu lầm rồi.” Thành cười nhạt, “Tôi không hiểu lầm.Từ lâu tôi đã biết tình ý của hai người. Và cậu còn đủ tự trọng để không chối cãi chuyện vừa rồi chứ? A ha, quần nhau đã đời trên giường lò xo sắt nhà binh! Cả hai người cao đạo, bây giờ lòi cái đuôi chim chuột.” Hình như tôi sắp đưa thẳng tay ra, bóp cổ tên tổ sư chim chuột chính hiệu. Hình như anh ta lùi lại một chút, giáng thẳng nắm đấm vào mặt tôi. Hình như máu mũi, máu miệng tôi phun ra, nhanh như bước chân anh ta rời khỏi căn nhà tôi ở.







Sài Gòn, 2/10/2005
NGUYỄN ĐẠT




















NGUYỄN ĐẠT par mémoire dinh cuong   (Dec., 2014.)


(...) 

---------------------------
trích một phần từ blog phan nguyên
-------------------------------------------------








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét