bài số 8 ( HẾT)
THẾ PHONG VỚI NHỮNG TIẾNG CƯỜI NGẠO NGHỄ
TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
ĐIỆU MUÁ CUỐI CÙNG CỦA CON THIÊN NGA/ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
"... 'Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga', BGiấy đưa ra cái nhìn trung thưc của mình và văn giới;
sau đó ngưng luôn, mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm ..." -- lời TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
(Bài 8)
Nhận thư Thế Phong
Mon, 04 Apr. 2005 07:47:26 +0000
Thân gửi Bông Giấy,
Điều đầu tiên tôi lo lắng là có một phút nào BGiấy có thể bị đột quỵ, giản dị là chỉ ngủ 3 tiếng một ngày. Cho rằng BGiấy có là con người thép; thì cũng có lúc thần kinh và bộ máy sẽ bị tê liệt. và, cái mụ 'manager' nào đó chẳng cần phải bực mình với BGiấy nữa; mà vẫn bất chiến tự nhiên thành. Và cũng từ lúc đó, những đối thủ từ xứ tới nay chỉ lăm lăm cầm giáo chực đâm vào BGiấy, sẽ vỗ tay + há hốc miệng cười theo nhịp với mụ 'manager'.
Mong BGiấy giữ gìn sức khỏe để còn chiến đấu lâu dài với văn nghiệp và đời sống rất một màu xám.
Thế Phong
[]
Nhận thư Thế Phong
Mon.04 Apr. 2005 13:02:39 +0000
Tới thứ 2, đợi con út đi làm về để chỉ cách mở 'attachment' để đọc thư Trần Công Lân + các độc giả gửi BGiấy. Có được người bạn như Trần Công Lân cũng là một hiếm hoi đó, BGiấy ạ. Còn anh Nguyễn Đắc Sơn thì khen dịch giả Trần Thy Hà thật tuyệt vời, khi dịch 'Nước Chảy Qua Cầu' qua RIVER OF TIME. Quả là 'DÒNG THỜI GIAN' đang trôi qua dòng nước chảy. Một điều tôi hy vọng là một ngày nào đó 'River of Time' sẽ được một Nxb Mỹ lưu ý tái bản; thì sự phát hành sẽ được phổ biến rộng rãi khắp hoàn cầu là lẽ tất nhiên. và, tôi cũng vẫn hy vọng là có một bản 'NCQC' được in tại VN, để phổ biến cho độc giả trong nước.
Không biết BG có theo dõi mạng www.gio-o.com không? Hình như trên mạng đó có một bài của Trần Mạnh Hảo trả lời, với lời lẽ quy chụp, dao to búa lớn; (nhưng chỉ để mò tép), thì phải?
BGiấy làm việc gì thì làm; nhưng nên tiết độ, giữ gìn sức khỏe. Giả thiết BG không vui lòng với lời nhắc nhở ấy, nhưng tôi vẫn không thể không nhắc; và có thể 2 thư điện tử tuần trước đã làm BG mất vui? Chiều qua , uống cà-phê với Hoàng Vũ Đông Sơn ở quán bờ sông Thanh Đa; tất nhiên là trong câu chuyện lại chỉ nhắc tới mẹ con BG +Dalat.
Thế Phong
[]
bản việt ngữ NƯỚC CHẢY QUA CẦU/ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY
River of Time by Tran Thi Bong Giay
translated by Tran Thy Ha
"... Nguyễn Đắc Sơn ( dịch giả 'Những bức thư tình hay nhất thế giới' ) thì khen dịch giả Trần Thy Hà thật tuyệt vời,
khi dịch' Nước Chảy Qua Cầu" qua RIVER OF TIME ..." -e-mail Trần Thị Bông Giấy gửi Thế Phong.
Thư gửi Thế Phong
Cali 23/4/2005
Anh Thế Phong ơi,
Hai giờ rưỡi thức dậy đi làm mà giờ này 11.30 khuya vẫn còn ngồi viết tác phẩm mới' Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga' đến trang 91; vì vậy mà nhận thư anh.
Cách đây\mấy mấy ngày, BGiấy cũng có nhận thư anh, nhưng vì QUÁ BẬN nên không trả lời ngay được. BG không buồn phiền gì anh, theo lời nhắc nhủ giữ gìn sức khỏe; trái lại còn cảm ơn anh nữa kìa. Nhưng trong giai đoạn này thì chưa nghỉ ngơi được, nên thôi.
Đọc thư anh, mới biết rằng anh chàng HOÁ/ Giao Điểm có liên lạc với anh, phàn nàn về BG này kia. Anh biết, bên này, trên các 'website' (trong đó có'Giao Điểm') đang cùng nhau mở chiến dịch 'tấn công TTBG" ráo riết, gọi BGiấy là "Việt Cộng nằm vùng hải ngoại". Tồi tệ hơn hết là việc rêu rao"BGiấy vì theo tán tỉnh NVHoá, chủ nhiệm diễn đàn'Giao Điểm' không được, nên quay lại"chửi", gọi toàn thể giới văn nghệ hải ngoại và cả' Giao Điểm' của anh ta là'RÁC"! Câu này thì BG tin chắc là từ miệng anh chàng NVHoá mà loan đi. Những cái như vậy, BG không hề đọc, mà được rất nhiều người quen cho biết; và họ bảo BG phải lên tiếng!
Cái trò hàm oan trong chốn chữ nghĩa 'gió tanh mưa máu', anh cũng đã quá quen; nên hiểu BGiấy. Tuy vậy, BG vẫn chẳng bao giờ thèm quan tâm đến các chuyện chửi bới của thiên hạ trên những gì mình KHÔNG HỀ LÀM TRONG ĐỜI. Ông Phạm Duy chửi BG rất nặng, trong một lá thư gửi bác Lê Ngộ Châu [chủ nhiệm báo Bách Khoa cũ] mà anh đã biết. BG còn 'ne ...pas' thay, huống hồ 'hạng tép riu chữ nghĩa'. Mình tự biết mình là ai, nên cứ bình chân như vại; đi làm việc nuôi mẹ, nuôi con, đêm đêm lại sống kiếp tằm nhả tơ, chuẩn bị cho sự chào đời của tác phẩm mới.
Riêng trong chỗ làm việc; ngoại trừ con mụ 'manager' lùn tịt, mập thù lù và xấu như ma; toàn thể các nhân viên cấp cao+ cấp thấp khác đều quý trọng BGiấy. Có một cô 'manager' người Tàu, rất tử tế với BG. Nên đáp lại lòng cô, BG tặng cô một bản ' River of Time'.
Một bữa BG nói với cô: "Cả đời tôi chưa bao giờ biết làm những công việc nặng nhọc như hiện tại." Cô gật: "Tôi tin chứ vì đọc sách chị, biết chị có điều ấy thật. Và tôi vẫn tự hỏi tại sao một người ở vào giai cấp cao như chị lại có thể xuống làm việc với chúng tôi?" BG trả lời: "Tại tôi cần tiền". Cô lại nói: " tất cả mọi người đều cần tiền, không phải riêng chị. Nhưng những người ở vào hàng lớp như chị; mà nếu phải lâm vào tình trạng hiện tại, thì thường vẫn luôn tỏ ra kiêu hãnh cách biệt.Còn chị, chị hoà nhập với mọi người, vui vẻ với mọi người; và được tất cả những người chung quanh mến yêu. Tôi phải nói, đôi lần nhìn chị làm việc cách say mê; tôi tưởng tượng giống như chị đang' đánh đàn hay viết văn'. Tôi rất cảm kích thái độ sống ấy của chị."
Lúc đó BG mới cười:"Vậy cô có biết sự khắc biệt giữa tôi và những 'co-workers' của tôi; hay là sự khác biệt của một nghệ sĩ với một người bình thường là thế nào không? Người nghệ sĩ ó thể làm những gì người bình thường làm; nhưng người bình thường thì không thể thực hiện được những gì mà nghệ sĩ thực hiện. ". Cô la lớn:"Đúng! Đó cũng là điều tôi nghĩ về chị."
Thôi, ít hàng thăm anh. BG phải đi ngủ đây. Cho BG gửi lời chào tất cả. Rất có thể hy vọng mùa Nô-En năm nay (2005), 2 mẹ con sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết.
Thân ái, TTBG.
[]
thân mẫu TRẦN THỊ BÔNG GIẤY ( đã qua đời ở San Jose.)
(ảnh: Internet)
Thư gửi Thế Phong
Cali, July 11/05
Anh Thế Phong thân,
1) Rất vui khi đọc lá thư anh kể về 'Nước Chảy Qua Cầu' với những ca tụng của giới Sài gòn; đặc biệt là sự in ấn và xuất bản của Nxb Văn Nghệ tp. HCM. Đó là cái giá vinh dự BGiấy nhận được từ chữ nghĩa của mình, một cái giá mà NHỜ ANH GÓP PHẦN RẤT LỚN mới có được. Dù sự việc diễn biến ra sao, BG vẫn mang ơn anh trên những điều này. Thực tình thì BG cũng chẳng chờ đợi gì trên nó cả; bởi hơn ai hết, tự biết số phận văn chương mình cũng giống như số phận cá nhân mình, nên chẳng lấy làm buồn phiền, nếu như nó bị trục trặc lên xuống. Có điều, hai vị Giám đốc và Phó giám đốc Nxb Văn Nghệ tp. Hồ Chí Minh (*) khen tác phẩm bằng LỜI , cũng là một vinh dự cho nó rồi. Còn in ấn được hay không, chỉ là do nó có duyên với độc giả trong nước hay không mà thôi.
----
* giám đốc Nguyễn Đức Bình + phó giám đốc, nhà văn Trịnh Bích Ngân. (Bt).
2) BGiấy hiện đã bỏ việc làm ở phi trường, vì quá mệt; không còn thời giờ ngồi vào bàn viết. Nghĩ rằng cuộc đời ngắn ngủi, tại sao mình cứ phải vì miếng cơm manh áo mà vất vả, trong khi còn biết bao chuyện đáng làm; và cần phải làm trước khi nằm xuống? Tuy nhiên, BG vẫn thấy an tâm trong vấn đề thực tế đời sống, vì luôn tin tưởng Thượng Đế sẽ không bao giờ đẩy BG vào bước đường cùng. Đắng cay nghèo khổ như Dostoievski mà còn có ngõ thoát, phải không anh?
3) Ngày 6/12/ 2005 BG và Âu Cơ sẽ đưa bà cụ về VN ăn Tết. Đó là ước muốn của cụ. Mình làm được gì cho mẹ mình ngay khi bà còn sống vẫn tốt hơn. Cả 3 cái vé máy bay đã nằm trong túi. Như vậy, nếu không có gì bất ngờ xảy đến làm hỏng chuyến đi, BG sẽ ăn tết VN; và chắc lần này sẽ ở lại Sài gòn nhiều thời gian hơn. Sẽ xin một cái góc trong nhà anh chị Hoàng Vũ Đông Sơn làm chỗ trú dăm bữa; nhìn bà con đốt pháo giao thừa, anh nhé.
4) Hiện nay có nhiều thời giờ rảnh, BG lại vùi đầu vào Dostoievski. Cuốn này kéo dài đã trên 10 năm, nay mới chính thức được làm việc với nó ở phần cuối. Nếu hoàn tất, sẽ gửi bản thảo về cho anh đọc, chia xẻ với anh.
5) "Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga" (hay còn gọi" Tiếng Gõ Của Định Mệnh") viết đã gần xong thì lại bị bỏ dở, như chính số phận dở dang của nó từ nhiều năm trước. (Cuốn này được suy nghĩ từ năm 1999, chứ không phải bây giờ.) Âu là trong sự dở dang cũng có cái đẹp; đợi đến khi nào có cảm hứng nữa, BG sẽ ngồi làm việc trở lại với nó; hoặc, muôn đời vùi chôn nó trong bóng tối, [thì] cũng là điều bình thường thôi.
Thân ái, TTBG
[]
Thư gửi Thế Phong
Cali, JUly 26/ 2005
Bài viết về bác Lê Ngộ Châu và tờ Bách Khoa, trong có đề cập đoạn dài về ông Võ Phiến; BG đã xong, gửi kèm theo đây bằng'attachment' cho anh đọc. BG nghĩ: "thôi với ông Võ Phiến này, mình cho ông ta cái hân hạnh được nằm trong sách mình bấy nhiêu cũng đủ; chẳng cần nói thêm cái 'râu ria' làm chi cho phí giấy, để dành làm chuyện xứng đáng hơn." Riêng bài về anh, BG chủ tâm viết về tình cảm+ những kỷ niệm với anh trong các mùa hè ở VN vừa qua; thêm nữa, nhận định của cá nhân BGiấy về con người anh thôi, anh nhé.
Thân ái, TTBG.
[]
Nhận thư Thế Phong.
July 26/05
Thân gửi BGiấy,
Tôi nghĩ việc BGiấy chỉ nên viết về kỷ niệm+ nhận xét của BG về 'Thằng Phải Gió' "đôi khi tưởng ra chi mà thực chẳng ra chi thật" thỉ hơn. Đó là ý trong một câu Thánh Kinh thường trở lại với tôi, mỗi lúc ngẫm về bản thân mình. Còn tác phẩm, cứ để đấy đã nhé!
2) Sáng nay trong buổi điểm tâm ở Tân Định, đọc cho Lê Duyên và Hoàng Vũ Đông Sơn nghe bài BG viết về bác Lê Ngộ Châu; mọi người đều khen BG viết 'độc'. Lê Duyên nói; "Bông Giấy viết rất hay, có quan điểm, lời văn sâu sắc, hay hơn cả VC là đằng khác!" (câu này nên phổ biến hẹp). Còn Hoàng Vũ Đông Sơn thì nhắc lại lời của Tạ Tỵ nói về BGiấy 2 ngày trước khi chết (nói không ra hơi): "Bông Giấy viết 'ác' lắm!" rồi mới chịu qua đời! ... ( chữ "ác" của Tạ Tỵ dùng là "ác liệt", chứ không là "độc ác, hung ác".)
3) Sao BG viết nhanh đến vậy được nhỉ? Nhanh mà lại rất 'interesting' mới đáng nói chứ. Nhưng cứ vẫn nên làm việc có điều độ.
Thế Phong
[]
Thư gửi Thế Phong.
Cali, July 27/ 2005
Anh Thế Phong ơi,
1) Thức dậy nửa khuya ,(3 giờ sáng như thường lệ) đọc các thư mới nhất anh gửi. Cái thư sau cùng (như đã nêu trên); đoạn anh Nguyễn Đắc Sơn kể về bác Tạ Tỵ, làm Bg xúc động và bần thần ghê gớm. Bỗng dưng thấy thật áy náy như một mặc cảm tội lỗi; nên đi lục hết các thư bác đã từng gửi ra xem lại. Nhìn nét chữ đẹp, nắn nót mà gãy gọn cứng cáp của bác, BG cảm nghe lòng chùng xuống thật nhiều. Thời gian bác Tạ Tỵ gần chết, BG cũng đang có mặt tại VN; mà không hay biết gì về điều ấy cả. Có lẽ vì đã lâu không liên lạc; dạo bác còn ở bên Mỹ, nên không biết rằng bác đã về ở hẳn trong VN. Anh nhờ anh Hoàng Vũ Đông Sơn nói rõ lại cho BG nghe câu chuyện thế nào, trong lần cuối với bác, TẠI SAO lại nhắc đến tên BGiấy? BG rất cần chi tiết này để bổ sung vào bài viết về bác Tạ Tỵ. (sẽ gửi anh đọc luôn.)
2) Riêng câu nói của chị Lê Duyên, chữ VC anh dùng là gì? Việt Cộng? hay là tên một nhà văn nào khác? Cái lối viết tắt của anh thường làm BG đoán mò đến hụt hơi gần chết. Vì vậy mà trong các tác phẩm, đề cập tên người nào, BG không viết tắt, vì không muốn độc giả cũng bị hụt hơi như mình.
Lê Duyên ( phải) cựu biên tập chủ lực nxb Văn Nghệ tp. HCM
"...Riêng câu nói của chị Lê Duyên, chữ V.C. anh dùng là gì? Việt Cộng ..."
.-TTBG viết , gửi TP.
3) Bài viết về anh , nếu anh đã nói như trong thư; thì rất dễ dàng cho BG phóng bút; bởi lẽ: 'tuy là con người cẩn thận chữ nghĩa, từ trong tư tưởng đã chưa bao giờ mang ý nghĩ viết bậy, bút sa gà chết; nhưng BG cũng còn là con người tình cảm; và, tình cảm lại rất phiêu bồng, phóng khoáng. Do đó, lối viết không bị kềm chế bởi văn tự, bài bản; BG sẽ thấy thoải mái hơn. Cám ơn anh. Để chuyện văn chương anh, kẻ khác phê bình. Phần BGiấy chỉ đưa ra cái gì MÌNH CẢM NHẬN, hay những điều khác mà kẻ khác CỐ TÌNH KHÔNG HIỂU THẤU về anh, qua những dòng chữ im-ỉm-lặng của anh.
4) "Tiếng Gõ Cửa Định Mệnh" (hay"Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga" có lẽ là cuốn SAU CÙNG [mà] BG đưa ra cái nhìn trung thực của mình về văn giới; sau đó ngưng luôn-- mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm .
Kể anh nghe chuyện rất vui này:
- Ngày xưa còn đi học, BGiấy có một anh bạn, cháu ruột một ông Tướng trong quân đội . [VNCH]. Mới gần đây, anh Trần Ngọc, một bạn văn từ Orange County gọi [cho] BG, nói rằng:
"Một lần ngồi chung trong một tiệc rượu tại nhà Khánh Trường [họa sĩ, viết văn, viết báo] ; nghe anh chàng bảo: 'Ngày xưa tôi có cô bạn thân kéo 'violon' rất hay '... Và anh này nói về cô Thu Vân ngày cũ một cách chính xác chi tiết; và bằng một giọng điệu rất thân thương, ưu ái. Anh đoán cô Thu vân mà anh nói đó, chính là em; nên bảo anh cũng có quen cô Thu Vân, thì anh chàng xin số điện thoại em; nhưng anh không đưa, nghĩ phải hỏi ý em trước đã."
Trần Ngọc thêm: " Anh chàng này bây giờ giàu lắm, lại thảo ăn, nổi tiếng là Mạnh Thường Quân của đám văn nghệ Santa Ana. Biết đâu liên lạc; nếu đúng là bạn cũ, anh ta chẳng giúp đỡ Thu Vân trên mặt vật chất?"
Nghe chuyện, BGiấy bảo Trần Ngọc: " Nhiều người đọc sách em, cứ tự nhận là bạn cũ; nhưng toàn là "đồ dởm". Với anh chàng này, anh cứ cho số điện thoại; thật giả, em biết ngay; sau khi chỉ đối đáp vài câu."
Vậy là một bữa đẹp trời, anh chàng nọ gọi BGiấy và đúng là CỦA THẬT! Anh ta mừng lắm, nhắc cho BG nghe những kỷ niệm mà chính BGiấy đã quên khuấy đi rồi. Mắc cỡ (xấu hổ) , thì anh ta bảo: "Râu ria nhiều quá làm sao Thu Vân nhớ cho hết?" ( bởi là dân thể thao không ham đọc sách, nên anh chàng mới không biết TTBG [Trần Thị Bông Giấy] bây giờ là cô Thu Vân ngày xưa.)
Liên lạc tới lui vài bận, trò chuyện luôn với bà già và cô em gái ( vì thuở xưa, anh ta vẫn đến nhà chơi và được cả gia đình BGiấy đón tiếp); thấy có vẻ là 'power' thật với đám văn nghệ Santa Ana. Qua điện thoại, BG cũng nhiều lần nghe anh ta khoe rằng 'vẫn hay giúp đỡ người này người nọ trong đám đó.' Chẳng hạn như:"Trong nhà anh có đến cả trăm bức tranh, chỗ đâu mà treo cho hết; nhưng anh vẫn mua tranh tụi nó, vì muốn giúp cho tụi nó phương tiện để sống" . Anh đang bảo trợ cho thằng Khánh Trường làm cuộc triển lãm phòng tranh của nó. Thằng này vô học, ăn nói tục tĩu; nhưng ngồi uống rượu với nó cũng vui." Hay: "Thằng Du Tử Lê cũng từng nhờ cậy anh; em mà đi với anh; đố nó dám làm gì em nổi?" . Hoặc: " Anh vừa mới bỏ 5 ngàn [đô-la] mua một bức Thái Tuấn của Huỳnh Hữu Ủy. Bức này không đẹp, nhưng vì muốn giúp cho Huỳnh Hữu Ủy sống; và, cũng cái tên Thái Tuấn nên mua. " Rồi anh ta cười to:" Bức [tranh vẽ] Thái Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy đòi giá 5 ngàn, nhưng anh mới trả 4 ngàn; nó cứ đi theo đòi hoài. Bực quá, sáng nay ngồi uống café có mặt nó; anh đưa trả 1 ngàn còn lại luôn. Nó không nhận. Anh nói: 'Mày mà không nhận thì từ nay đừng có ngồi uống rượu với tao nữa!' ". Rồi anh ta cười to, điệu rất khoái chí , v.v. và v.v ...
thi sĩ du tử lê [ i.e. lê cự phách 1942- ] -- (ảnh: Internet)
" ... Thằng Du Tử Lê cũng từng nhờ cậy anh, em mà đi với anh; đố nó dám làm gì em [Trần Thị Bông Giấy] nổi !... "
-- lời một Mạnh Thường Quân ở Santa Ana nói với TTBG.
huỳnh hữu ủy ( trái) -- (ảnh: Internet)
"... Bức tranh vẽ Thái Tuấn, Huỳnh Hữu Ủy đòi giá 5 ngàn [đô], nhưng anh mới trả 4 ngàn; nó cứ đi theo đòi hoài ..."
-- lời một Mạnh Thường Quân ở Santa Ana nói với TTBG.
Khi BGiấy hỏi:
"Em nghe anh bảo, nhiều hoạ sĩ dưới Santa Ana được anh giúp đỡ cho có tiền sống mà làm nghệ thuật; vậy ở Santa Ana có một họa sĩ nhiều tài năng;nhưng sống lang thang nghèo khổ, không hiểu anh có biết?"
"Ai"
"Đăng Lạt".
"tài năng Đăng Lạt thế nào?"
" nếu đặt tranh Đăng Lạt cạnh bên tranh Khánh Trường; thì tranh Khánh Trường thấy nó vô hồn hẳn. Đó là lời nhận xét của nhiều người trong giới văn nghệ, chứ chẳng phải của em."
Anh ta không nói gì.
Một hôm, muốn thử nghiệm xem anh ta có"thảo ăn" thật, như lời Trần Ngọc giới thiệu không; BGiấy bảo với anh ta rằng' đang sắp cho chào đơi một tác phẩm mới;và hỏi' có thể nào giúp BG làm một cuộc ra mắt ở dưới đó?'. Anh ta vui vẻ nhận lời liền; al5i còn ghi xuống số trương mục BG; và, hứa ngày hôm sau sẽ bỏ ngay vào 'bank BG' 3 ngàn đô, để giúp tiền in sách. ("... xong anh em mình chia đôi, sau khi bán sách"-- anh ta nói đùa thế). Dự định của anh ta là sẽ mượn cái hội trường của báo Người Việt cho buổi ra mắt sách, tài trợ đủ mọi thứ thuộc về sự tổ chức chương trình v.v...
và v.v. ...
Mọi việc tiến hành (nhưng mới chỉ trên lời nói qua điện thoại). Anh ta làm cho cái tính đa nghi về lòng tốt kẻ khác trong BG cũng muốn gần chao đảo; tự nghĩ là mình đã nhận định sai về thiên hạ.
Một buổi từ Nam Cali, anh ta gọi lên, nhắn vào máy muốn gặp BGiấy gấp. Qua chuyện, kể rằng đã hỏi mướn cái hội trường của báo người Việt; và nơi này đồng ý; nhưng phải đến tháng 11/2005 mới có chỗ trống. Lại bảo:' đã nhờ đám 'Việt Báo' "lancer BGiấy"; và cơ sở này cũng đã nhận lời. Điện thoại gấp cho BG là bởi muốn biết xem BGiấy có đồng ý không, với những điều vừa nói để xúc tiến việc ra mắt sách. BG nhận lời.
Khi nghe bên kia đầy dây có nhiều giọng nói, BGiấy hỏi:"Anh đang ngồi với ai?".-- " Đám mấy thằng họa sĩ Khánh Trường, Cao Bá Minh ... v.v. ..."
Lại nghe giọng la lối gì đó; [thì] anh ta kể: " Khánh Trường vừa nói là em chửi khắp thiên hạ, điều ấy có đúng không?"
BG đáp: " Chỉ khều nhẹ thôi, chứ nào phải chửi. Nhưng em đã gửi anh 2 cuốn 'Nước chảy qua cầu' + 'Tài Hoa & Cô Đơn Như Một Định Mệnh'; bộ anh chưa đọc sao?"
Anh ta la lên: "Sách vừa tới là tụi nó chụp ngay, chuyền tay nhau đọc, đòi cũng không chịu trả. Em gửi cuốn khác cho anh đi."
BG cười: "Mấy ông nội văn nghệ Santa Ana thì ông nào cũng muốn đọc sách em; nhưng chỉ toàn là 'đọc lén'. Em sẽ gửi cuốn khác; và mong anh đọc trước khi quyết định có nên giúp em làm buổi ra mắt sách hay không?"
Anh ta hỏi tại sao? BG không đáp câu hỏi này, chỉ nói: "Cuộc đời em đã quá quen với những "cú" phản ngược bất ngờ vào giờ chót; nên sẽ không buồn, nếu có lúc nào biết anh QUAY LƯNG với một người bạn cũ, do từ áp lực của kẻ khác; hay do bất cứ nguyên nhân từ đâu đưa đến. Gửi sách cho anh đọc, chỉ là hình thức cảm ơn những lời thăm hỏi của anh[với] mẹ và em gái em; chứ chẳng phải có ý gì muốn cầu cạnh.
Đó là lần cuối cùng anh ta gọi cho BG rồi im luôn, 3 ngàn đô cũng tìm đường trốn tuốt;không thấy chui vào 'bank BGiấy'. (cũng lại là một cái trò tiền hậu bất nhất như NV Hóa/ Giao Điểm!). Bà già và bé Mỵ (em gái BG) biết chuyện (vì anh ta có khoe với họ chuyện sẽ giúp BG tiền in sách + làm cuộc ra mắt sách), hỏi thăm, BG cười:
"Có lẽ anh chàng bị đám văn nghệ Santa Ana 'thuốc'; nên không dám liên lạc với con nữa. Điều đó khiến con rất mừng; thấy mình như vừa tránh xa được một sợi dây thừng to tướng đang sắp tròng vô cổ, y hệt câu chuyện với tên Ted dạo trước."
Bà già hiểu ngay. Con bé Mỵ thì kể:
"Có lần nói chuyện điện thoại với Bé, anh ấy bảo rằng: "chị Thu Vân sao thẳng tính quá!. Tranh Khánh Trường anh mua tới một ngàn 'đô'; mà lại bảo bức tranh'vô hồn' ,nếu đặt cạnh tranh của Đăng Lạt!".
Bé Mỵ nói thêm: "Lúc đó Bé định nói với 'ảnh':"Tranh đắt tiền chưa hẳn là tranh giá trị. Nhưng nghĩ, thôi... "
BG cười,bảo bé Mỵ: "Không nói là phải, vì một khi đã nhận Khánh Trường là bạn; thì anh ta sẽ không bao giờ chịu chấp nhận có một họa sĩ nào 'có quyền tài hoa' hơn bạn mình. Đó là cái cách nhìn nghệ thuật chung của giới bạn văn nghệ Santa Ana. Anh ta không phải là nghệ sĩ; mà chỉ là 'bố mẹ nghệ sĩ'-- kiểu 'các bà mẹ chiến sĩ', điều đó càng thêm mạnh mẽ."
Khánh Trường [ i.e. Nguyễn Khánh Trường 1948- ]
họa sĩ, nhà văn, nhà báo, chủ nhiệm sáng lập tạp chí Hợp Lưu -- (epaint by Phan Nguyên.)
"... Chị Thu Vân ( Trẩn Thị Bông Giấy) sao thẳng tính quá.. Tranh Khánh Trường anh mua tới một ngàn đô;
mà lại bảo bức tranh vô hồn ,nếu đặt cạnh tranh của Đăng Lạt... lời bé MỴ , em gái của TTBG.
Còn câu chuyện tên TED là như sau:
Mùa thu năm 2000, từ VN trở về, BGiấy rơi vào trạng thái xuống dốc trầm trọng trên đủ mọi mặt; nên lao vào phi trường làm việc trong Starbucks. Một bữa đi làm về, thấy nhà tối om; hỏi ra mới biết bé Mỵ lúc ban sáng lên cơn điên dữ dội; đã xách búa đập hết các cầu chì. (may mà nó không chết, vì khi ấy điện thành phố đang bị cúp, làm nó không thể đấu lý với cái 'radio' được, nên bực bội xách búa phá.) BGiấy bèn gọi công ty nhà đèn đến, họ bật công-tắc lên, thấy khét quá, sợ cháy nhà; họ khuyên cứ để vậy, ngày mai sẽ gọi một chuyên viên về điện đến để ráp lại các đường dây; phần công
ty không lo về dịch vụ sửa chữa các loại như thế.
Hôm sau đi làm về; được biết các nhà sửa điện thoại chuyên môn, anh nào cũng đòi 'chém' không dưới 3 ngàn đô; lại cho biết hiện đang là mùa mưa không thể làm gì được, vì rất nguy hiểm. Đành
cứ để vậy trong khoảng hơn nửa tháng; nhà cửa tối om; lại vào mùa thu lạnh giá, lò sưởi cũng không có. Sau kẹt quá, gọi đến tên TED, một anh Mỹ mập như con heo, rất mê BG kể từ một lần làm quen trong phi trường. Tên này góa vợ, là thầu khoán cỡ 'bự' chuyên thầu cho các công ty lớn của chính phủ. Nghe gọi, hắn đến ngay, sửa lai tạm thời các đường dây, không lấy tiền. Trong mấy ngày sửa chữa, hắn cứ buông lời dụ dỗ BG như từng làm ở dạo trước. Hắn nói; "Một phụ nữ độc thân như cô thì rất cần một người đàn ông tháo vát như tôi. Cô hãy nên nhận tôi làm chồng, tôi sẽ lo hết cho mẹ con cô. Sẽ giúp cô sửa chữa hoàn hảo từng căn phòng để cho mướn. Cô không cần trả công tôi; mà chỉ cần bỏ tiền mua vật liệu thôi."
Lúc ấy, có anh chàng VN là nhân viên của tên TED cùng với hắn đến nhà sửa điện; một mặt nói riêng với BG bằng tiếng Việt: "Chị cứ nhận đại đi, để nó sửa nhà cho chị. Thằng này giàu lắm, vật liệu dư thừa nó lấy ra được từ các vụ thầu khác cũng đủ cho chị xây 3 căn nhà; mà không cần phải tốn tiền mua đâu." (BG nghe, chỉ cười trừ.) Một mặt, anh chàng VN quay sang nói với tên TED; "Ông nên từ từ! Người VN chúng tôi, tình cảm thường đến chậm. Cứ giúp chị BGiấy sửa nhà, rồi hãy tính sau.". Tên TED đồng ý ngay.
Kế hoạch đưa ra là, đầu tiên hắn sẽ lo các ổ điện trong nhà cho hoàn chỉnh; sau sẽ tính đến việc xây cất lại từng phòng.
Một bữa, hắn chở BG ra Home Depot mua các vật liệu thuộc về điện; chính tay hắn lựa tỉ mỉ từng cái,tổng cộng 600 đô-la tính ở quầy, do BG trả. Định sẽ bắt tay làm việc ngay ngày hôm sau, như hắn hứa.
Nào dè chờ một tuần; rồi 1 tháng cũng chẳng thấy mặt hắn; BG bèn điện thoại: "Anh hứa sẽ đến sửa giúp các ổ điện cho tôi, mà sao không thấy?"
Hắn trở mặt: "Còn cô, có hứa gì với tôi không, mà bảo tôi giữ lời hứa với cô?"
BGiấy ngạc nhiên: "Tôi hứa gì?"
"Hứa sẽ làm vợ tôi, sau khi xong mọi chuyện!"
Lúc ấy BG kệu 'à' lên tiếng lớn, cảm ơn hắn và cúp máy ngay. Kể cho bà già nghe, BG nói:
"Con kêu tiếng 'á' vì vui mừng quá đỗi, khi nhận ra mình vừa thoát khỏi một sợi dây thòng lọng. Bởi mẹ biết, với con người con; một khi đã nhận ân tình của ai thì thể nào cũng trả. Trời thương con, nên xui khiến tên này giở trò ra liền; cho con thấy cái mòi 'cà-giựt'; chứ nếu hắn khôn ngoan, cứ âm thầm giúp, làm sao con thoát được sự trả ơn hắn bằng chính cuộc đời con. "
...
Anh Thế Phong ơi,
Sở dĩ kể anh nghe chuyện anh chàng bạn cũ, là muốn nói lên sự cảm nhận rõ ràng hơn của BGiấy, trên những tương quan giao thiệp giữa con người với nhau. Thường, người ta đến với nhau vì DANH (như anh bạn cũ), hoặc vì LỢI (như đám văn nghệ Santa Ana); chứ chẳng ai đến vì TÌNH NGƯỜI (như trường hợp anh và BGiấy). Biết thế, nên BG chẳng chút gì buồn phiền, theo sự quay mặt mặt của một người bạn từng nhận là THÂN với mình từ thuở nhỏ. Trái lại, RẤT MỪNG và cảm ơn anh ta lắm lắm, theo cái điều quay mặt kia thôi!
Đồng thời, cũng ngẫm thấy quý anh và tấm lòng của anh đã dành cho BGiấy. Mười một năm trước, trong cuốn MỘT TRUYỆN DÀI KHÔNG CÓ TÊN (tập 1), BG viết: "Cả đời, tôi rất quý bạn; nhưng chẳng có được mấy người bạn quý!". Thì điều ấy, lúc này nghĩ lại; thật đúng!. Có đốt đuốc đi giữa ban ngày cũng không phải dễ dàng tìm ra "một người bạn". Hay có lẽ vì cái giá trị BG đặt cho tình bạn cao quá, đã khiến không thể có bạn? Có lẽ thế, anh nhỉ? Nhưng làm khác hơn , để thay đổi cái nhìn về TÌNH BẠN trong con người mình; thì lại là điều chưa bao giờ BG nghĩ ra.
Anh Thế Phong ơi,
Thôi, hôm nay kể các chuyện như thế cho anh nghe là quá đủ. lần sau rảnh rỗi, sẽ kể tiếp. bây giờ phải đi uống cốc 'café', hút một điếu thuốc lá; rồi trở lại bàn viết , để dứt điểm bài viết về bác Lê Ngộ Châu & ông Võ Phiến đây. Anh nhớ NHẮC anh Hoàng Vũ Đông Sơn kể cho nghe tiếp chi tiết về 'câu nói của bác Tạ Tỵ nhé'.
Cảm ơn anh vì tất cả; và lúc nào cũng giữ một lòng quý trọng yêu mến dành riêng cho anh.
Thân ái,
TTBG
(San Jose, Cali, Thứ Bảy, August 7/ 2005.)
(HẾT)
trái qua: Thế Phong [1932- ] + Trần Thị Bông Giấy [ 1950- ]
+ Lê Ngộ Châu [1923/-- 9/ 2006 saigon]
+ Hoàng Vũ Đông Sơn [1929- 12/9 /2014 saigon.]
(ảnh chụp tại tư thất LNChâu, Saigon 2003.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét