Cao Thế Dung. thầy tôi'/ Lê Xuân Nhị -- blog bạn văn nghệ
GS Cao Thế Dung Từ Trần Tại Maryland, Thọ 85 Tuổi
Di ảnh Gs Cao Thế Dung
Ông nổi tiếng từ trước năm 1975 trong ngành giáo dục.
Theo Cáo Phó, GS Cao Thế Dung sinh ngày 28 tháng 11 năm 1933 tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Như thế, ông hưởng thọ 85 tuổi.
Cao Thế Dung là giáo chức lâu năm của hệ thống giáo dục Lasan Taberd Sài Gòn, từng giữ chức Phụ Tá Viện Trưởng Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn, nguyên Phó Khoa Trường Đại Học Bách Khoa Nông Nghiệp Viện Đại Học HH tại Sài Gòn.
Năm 1973, Giáo Sư Dung làm Tổng Quản Trị Hiệp Hội Nông Dân Trung Ương thuộc Bộ Canh Nông, một tổ hợp nông doanh lớn của Việt Nam Cộng Hòa.
Theo tiểu sử Giáo sư phổ biến nhiều năm trước, vào lúc ấn hành một số sách, GS Cao Thế Dung di tản qua Mỹ năm 1975.
Ông từng đuợc Cơ Quan Văn Hóa The Ford Foundation cấp cho học bổng toàn thì (Research Fellownship) để nghiên cứu thị trường lúa gạo (1975-1977), đồng thời trở lại trường theo học tại Đại Học Georgetown, Columbia. Sau khi tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ (Ph.D), Giáo Sư Dung trở thành chuyên gia phân tích thị trường, chuyên biệt về phó sản và gạo lúa...
Về văn nghệ và báo chí: 1959 Giáo Sư Dung cùng với Nhà Văn Thế Phong thành lập nhóm Đại Nam Văn Hiến. Từ 1966, ông trở thành một trong mấy cây viết trụ cột của nhật báo Chính Luận. Cùng với Nhà Thơ Nguyên Sa, phụ trách mục ‘’Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ’’ trên báo Sống của Nhà Văn Chu Tử. Chủ bút tạp chí tranh đấu Quần Chúng (SG 1968-1970), Thư Ký tòa soạn tạp chí Giáo Dục (Viện Khoa Học Giáo Dục Sài Gòn 1970-1972), Chủ Nhiệm, Chủ Bút tạp chí Hành Trình (Hoa Kỳ 1978-1979)
GS Cao Thế Dung có nhiều tác phẩm ấn hành trước và sau 1975.
Cao Thế Dung, thầy tôi
Trường Sơn- Lê Xuân Nhị
Tôi may mắn biết thầy Dung từ trước khi thầy trở thành nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam. Khoảng năm 1965 hay 66 gì đó, trường Lasan Ban Mê Thuột chúng tôi có một giáo sư Việt Văn mới tên Cao Thế Dung. Thường thường thì các giáo sư mới hay bắt đầu vào dịp đầu năm, nhưng thầy Dung xuất hiện thật bất ngờ. Chẳng ai báo trước, chẳng được nghe tin. Chỉ thấy một buổi sáng, thầy mặc áo sơ mi trắng, thắt cà vạt, xách Samsonite bước vào lớp chúng tôi. Lúc ấy chúng tôi mới biết đó là giáo sư Việt văn mới của lớp mình. Nghe nói, thầy là dân Sài-gòn về đây.
Dân Sài-gòn quả có khác…
Thầy người Bắc, đẹp trai, tướng người mảnh khảnh, ăn mặt sang trọng, luôn luôn đeo cà vạt và sách cặp táp đi dạy học, hoàn toàn khác với các thầy địa phương ở Ban Mê Thuột lúc đó.
Tưởng cũng cần nhắc thêm ở đây, và nếu ai còn nhớ những tháng ngày ở trường trung học, chương trình gồm có nhiều môn học với nhiều hệ số. Hai môn quan trọng, thứ nhất là Toán, thứ nhì Lý Hóa đều lạ hệ số 4, và thứ ba Vạn Vật, hệ số 3. Sau đó mới tới những môn khác như Việt Văn, Pháp văn, Sử Địa, hệ số 2, và mấy môn lẩm cẩm khác hệ số 1 là Công Dân Giáo Dục (Chúng tôi gọi là Công Rân Ráo Rục), môn thể thao, và Giáo Lý cho những người học trường thầy dòng như chúng tôi. Chúng tôi gọi những giờ hệ số 1 này là giờ... giải trí. Giải trí cần thiết cho thần kinh bớt căng thẳng sau những giờ Toán Lý Hóa nhức đầu.
Đặc biệt, môn Công Rân Ráo Rục là một môn dễ dạy nhất. Cứ lên bảng, mặt mày cần phải nghiêm trang một chút, không được cười, nói tía lia, nói thiên nói địa gì thì cũng thành... Công Rân Ráo Rục... ráo. Môn này hồi đó, với cái tài bốc hốt của tôi, nếu cho tôi lên dạy, tôi bảo đãm sẽ hay vô cùng.
Vì thế, có thể nói, những giáo sư dạy môn Toán, Lý Hóa, Vạn vật là những người mà chúng tôi sợ nhất và kính nể nhất. Ăn một con zero của mấy ông này thì đời tàn trong ngõ hẹp ngay. Mấy giáo sư dạy Việt Văn hay Pháp văn, vì là hệ số 2 cho nên chúng tôi cũng hơi nể nhưng... không nể lắm. Hệ số 2 ăn zero thì hệ số 4 vớt vát được mấy hồi. Còn nói đến những giáo sư dạy môn hệ số 1 như Công Rân Ráo Rục thì bị chúng tôi coi thường vô cùng. Lớp học vào giờ này luôn luôn ồn ào như một cái chợ, mạnh thầy nói thì nói, mạnh trò thì trò giỡn. Có lẽ, các thầy dạy Công Rân Ráo Rục cũng biết cái thân phận mình nên chẳng có thầy nào làm khó chúng tôi. Đi qua các lớp, hễ nghe lớp nào vui vẻ náo nhiệt như ngày tết thì biết ngay giờ đó là giờ Công Rân Ráo Rục hay Sử Địa vớ vẩn. Bây giờ nghĩ lại, thấy tội cho những giáo sư dạy … Công Rân Ráo Rục thật. Đặc biệt, giờ Giáo Lý tuy hệ số 1 nhưng đếch có thằng học trò nào dám làm ồn vì giờ này luôn luôn được các ông thầy dòng phụ trách, lạng quạng là ốm đòn như chơi.
Áy thế mà, khi thầy Dung vào dạy Việt văn thì mọi người đều nể sợ, dù thầy chẳng bao giờ la mắng hay đánh đập đứa nào cả. Trước hết, sợ vì chẳng có ai biết thầy là ai, gốc gác như thế nào. Không biết đến từ đâu, nhưng coi bộ tịch và cách ăn mặc sang trọng của thầy thì thấy... khiếp quá, đây nhất định phải là dân thứ dữ. Thầy còn hút thuốc lá hiệu Salem. Chẳng bao lâu, mọi thứ tiếng đồn được tung ra về thầy. Có thứ đúng có thứ trật. Tiếng đồn quan trọng nhất, thầy là một lãnh tụ một đảng phái chính trị đối lập nào đó, đang bị Nguyễn Cao Kỳ lùng bắt nên phải tạm lên Ban Mê Thuột ẩn danh một thời gian. Cũng có thứ tiếng đồn ác ôn hơn như là thầy... giựt hụi ở Sài gòn, phải đi trốn.... vân vân ...
Riêng thầy, luôn luôn bí mật, không bao giờ nói về mình, cũng ít khi trò chuyện với ai. Thầy có giáng dấp của một kẻ sĩ sinh bất phùng thời, hoặc một Lệnh Hồ Xung chưa làm xong lời sư phụ dạy nên chưa muốn về chùa.
Ngày đầu tiên học thầy, chúng tôi ngạc nhiên thích thú khi nghe thầy Dung giảng bài. Phải công nhận thầy Dung có khoa ăn nói. Thầy nói thao thao bất tuyệt, hớp hồn tất cả bọn học trò chúng tôi. Và thầy dạy không cần theo chương trình của nhà trường, mà theo sách của bộ QGGD ấn hành. Thầy dở sách “Giảng Văn” lướt sơ qua một cái rồi đóng sách lại, quẳng lên bàn, bắt đầu thao thao bất tuyệt về một đề tài trong sách, tùy theo hứng của thầy. Hồi đó, giờ Việt văn có một môn mà ai cũng ngán tới cổ đó là “Truyện Kiều”. Nhìn cái bìa cuốn sách đã thấy nản, lật vào trong còn thấy khiếp đãm hơn.
Hồi đó, chúng tôi, với đầu óc dốt nát mà lại mê ... tân thời, không thể nào nuốt trôi nổi những câu thơ của Truyện Kiều. Ông giáo sư trước thầy cũng dạy Kiều, nhưng hễ ông nói chừng vài phút là chúng tôi đứa nào cũng muốn ngủ gục. Để khỏi ngủ gục, phải bày ra những trò giải trí cho vui.
Nhưng đối với thầy Dung thì khác hẳn. Thầy đã biến một môn học khô khan nhất trở thành một môn hấp dẫn nhất. Thầy người Bắc, nên khi thầy đọc lên, một cách nhẹ nhàng trầm ấm, “Trăm năm trong cõi người ta... “ là chúng tôi cảm thấy nghe như nghe nhạc, không còn chán nữa. Nhưng lâu lâu, thầy bỗng ngừng giảng bài, chỉ một thằng chắc có lẽ đang ngủ gà ngủ gật, quát lên như sấm động:
-Anh kia, tôi vừa nói gì đấy? Lập lại cho cả lớp nghe coi.
Lập lại… thế đếch nào nổi vì đang ngủ gà ngủ gật mà. Thằng khốn nạn chỉ biết đứng lên lí nhí cái gì chẳng ai nghe nổi.
Thầy lại chỉ tay vào góc nhà, quát tiếp:
-Anh lên đây đứng vòng tay lại trong góc này, xem cả lớp nghe giảng bài. Học hành như thế mà cũng dám vác mặt đến trường làm tốn tiền bố mẹ.
Chỉ một vài lần như thế thì đếch có thằng học trò nào dám ngủ gà ngủ gật nữa…
Nhưng cái tuyệt chiêu của thầy là Thơ Mới. Thầy chẳng những giảng thơ và còn kể luôn tiểu sử của những nhà thơ. Có lẽ thầy giang hồ tứ xứ và quen biết nhiều nên kể chuyện về những tác giả của người bài thơ mới như Phan Khôi, TTKH, Đinh Hùng vân vân thật là hay...
Một điều đặc biệt, thầy dạy Việt văn nhưng giảng qua luôn những vấn đề thời sự và chính trị. Thầy gieo rắc vào lòng chúng tôi những hột mầm của sự yêu nước. Thầy thường nói, không ai thương đất nước Việt Nam mình bằng người Việt Nam mình cả. Ngay hồi ấy, lúc quân đội Mỹ có đến nửa triệu người ở Việt Nam, nhưng thầy tiên đoán rồi Mỹ sẽ ra đi. Thầy không ưa Mỹ, ghét Pháp thậm tệ. Còn Cộng sản là kẻ thù không đội trời chung. Thầy chửi luôn cả bọn tướng lãnh bất tài hồi đó. Rồi thầy còn dạy chúng tôi luôn cả đạo làm người. Thầy thường nêu câu sau này để dạy dỗ chúng tôi cách làm người, “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.”
Nghe những lời thầy dạy, những tấm lòng son trẻ của chúng tôi bỗng nổi dậy lòng yêu thương tổ quốc, rạt rào và bừng bừng như sóng vỗ.
Nhưng rồi một ngày năm Đệ Tam, thầy Dung biến mất thật bất ngờ cũng như lúc thầy đã đến. Không kèn không trống, không báo trước, không có lễ tiễn đưa, chẳng một ai trong chúng tôi biết. Một buổi sáng, giờ Việt văn, một giáo sư lạ bước vào lớp, hỏi thầy Dung đã dạy đến đâu. Chẳng có đứa nào trả lời được vì thầy hứng đề tài nào thì dạy đề tài đó, chúng tôi làm sao biết được. Lúc ấy chúng tôi mới thấy tiếc thầy, nhưng ai cũng tưởng thầy bị đau, chỉ nghỉ vài ngày. Nào ngờ, thầy biến mất thật. Từ hôm đó trở đi, chúng tôi chẳng còn bao giờ gặp được thầy Dung nữa...
Ôi, tiếc nối thôi là tiếc nối...
Chỉ không đầy một năm sau, chúng tôi đọc được những bài thầy viết trên các tờ báo lớn như Chính Luận, Xây Dựng vân vân. Mãi cho đến lúc đó, chúng tôi mới biết rằng mình may mắn được một người có tên tuổi như Cao Thế Dung dạy. Thật đáng hãnh diện biết bao. Sau đó, thầy viết cả những cuốn sách nổi tiếng khác như “Làm thế nào để giết một Tổng Thống”, “Nhật Ký Đỗ Thọ” vân vân. Cuốn nào cũng hay, làm tôi đọc say mê.
Rồi tôi vào lính. Rồi mất nước...
Ngay từ những năm đầu tiên ở Mỹ, tôi bắt đầu được đọc thầy viết trên những tờ báo ở Hoa Thịnh Đốn với bút hiệu Hà Nhân Văn, và thầy có xuất bản cả sách nữa. Mãi đến năm 1992, thầy có dịp về New Orleans, ngụ tại nhà Lê Hồng Thanh, khu bộ trưởng của LMDCVN, tôi có dịp đến gặp thầy và dự vài buổi tiệc với thầy. Nhớ mãi hôm đó, có cả nhà thơ Nguyễn Lập Đông. NLĐ và thầy ngồi bàn về thơ Lục Bát làm mọi người ngồi nghe thật sướng. Thầy bảo thơ Lục Bát coi tuy dễ làm, nhưng làm hay thì thật là khó. Thầy lại đem Nguyễn Du ra dẩn giải làm tôi lại nhớ đến những buổi chiều vàng ở trường La San Ban Mê Thuột năm nào. Cuối cùng, thầy khen thơ lục bát của Nguyễn Lập Đông rất hay, làm cu cậu sướng rên người. Làm tôi cũng ... sướng theo vì có một thằng bạn làm thơ tới quá.
Tôi biết thầy khen thật vì thầy là con người thẳng thắn, chẳng cần lấy lòng ai.
Mới gặp tôi, thầy nhớ ra tôi ngay, hỏi thăm bố mẹ và gia đình tôi. Tôi được ngồi tâm sự với thầy khá lâu. Tôi hỏi thầy viết như thế nào, đánh máy hay sử dụng computer. Thầy cười, trả lời, thầy vẫn còn viết bằng tay và sẽ không bao giờ đổi. Thầy bảo, ở Việt Nam có lần thầy đã viết thử bằng bàn đánh máy, nhưng không thể nào viết được vì ... chữ trong đầu nó không chịu bò ra bàn đánh máy.
Hình như đó là năm 1992 thì phải. Sau đó, tôi chằng còn bao giờ được gặp lại thầy. Không được gặp nhưng tôi luôn luôn theo dõi những vài viết, những cuốn sách thầy viết. Khi phong trào internet thịnh hành, tôi vẫn theo dõi những bài của thầy đăng trên net.
Nhưng mấy năm sau cùng đây, sức làm việc của thầy bắt đầu thấy yếu dần. Lâu lâu tôi mới thấy một bài của thầy...
Cho đến hôm nay, khi được tin của anh Trương Sĩ Lương cho biết thầy đã ra đi, tôi ngậm ngùi. Ngậm ngùi nhưng không buồn vì biết rằng, cuộc đời này, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ đến một ngày như thế cả. Một trong những bi kịch to lớn nhất của con người là sự rũ áo ra đi mà. Ra đi trong hoàn cảnh nào cũng thế. Hễ ra đi là buồn rồi. Có khác chăng là sớm hay muộn. Khác chăng là ra đi mà được người người nối tiếc hay bị nguyền rủa thống hận. Khác chăng là con cái mình sẽ được hưởng cái danh thơm tiếng tốt của mình hay phải tủi nhục suốt đời vì những chuyện mình đã làm. Khác chăng là khi xuống dưới Suối Vàng, mình còn có can đãm nhìn mặt tổ tiên mà rập đầu quỳ lạy hay phải hỗ thẹn bỏ đi trốn vì mình đã làm thằng bán nước, bán bạn bè anh em. Cuối cùng, khác chăng là, những ngày mình còn sống, mình đã làm được gì cho tổ quốc, cho đồng bào, cho anh em, hay chỉ là một thằng ăn nhậu nói phét, cướp vợ đàn em, trở về quỳ lạy kẻ thù cũ, làm ô danh giòng họ đến muôn đời muôn kiếp...
Thầy Dung kính mến,
Thầy ra đi, em ngậm ngùi tiếc nhớ thầy. Nhớ lại những hạt mầm yêu nước thầy đã gieo vào lòng chúng em ở trường La San Ban Mê Thuột năm nào. “Đừng nghĩ thằng Mỹ nó yêu thương đất nước mình. Chúng nó đến đây vì quyền lợi của chúng nó. Một ngày nào đó, chúng nó sẽ ra đi. Các em nên nhớ, không có ai yêu thương đất nước mình bằng người Việt Nam mình cả. Nếu các em không yêu thương đất nước mình thì các em mong đợi ai sẽ yêu thương đất nước mình đây?” Thầy dạy chúng em nhiều lần như vậy.
Cuộc đời của thầy là một cuộc đời tranh đấu chống Cộng sản bạo tàn và chống luôn cả những bất công tham nhũng. Trước sau như một, thầy đã thể hiện tấm long trung trinh với tổ quốc. Thầy không đi lính nên không bắn được một viên đạn nào để giết kẻ thù, nhưng sự nghiệp văn chương của thầy, sự tận tâm dạy dỗ của thầy, đã vạch rõ và báo động cho nhân dân miền Nam biết sự tàn bạo dối trá của bọn Cộng sản, làm cho chúng em biết yêu thương tổ quốc và tin tưởng vào tương lai của dân tộc.
Chiều nay, sau khi được tin thầy Dung mất, tôi có chuyện cần phải lái xe đi. Dừng xe ở một trạm đèn đỏ, tôi tự dưng nghiêng người ra cửa và đưa mắt lên nhìn trời, và chợt trông thấy những đám mây trắng đang chập chùng trên cao...
Đã hơn bốn chục năm rồi, kể từ khi không còn được lái tàu bay, tôi đâm ra ghét mây kinh khủng. Ngày xưa, tôi luôn luôn nhìn chúng nó trước khi cất cánh để ước lượng xem thử mình sẽ lái tàu, bay bên trên chúng nó, xuyên qua chúng nó, hay bay dưới chúng nó để tới mục tiêu. Ai đã từng lái tàu bay thì phải biết là Mây có tới 9 loại và nhiều màu sắc, nhiều cao độ. Mây luôn luôn thay đổi biến hóa và nhiều khi cũng nguy hiểm tàn độc như con người. Phi công nào coi thường mây, liều lĩnh xách tàu chui vào thì có ngày sẽ chết mất xác. Đã 40 năm tôi không còn nhìn mây nữa—dù ngày xưa chẳng ưa gì chúng nó nhưng ít nhất chúng nó cũng còn là bầu bạn, gặp gỡ nhau hằng ngày, trong những bầu trời bập bùng lửa đạn hay những ngày lặng im tiếng súng. Nhưng bây giờ thì đã “nghìn trùng xa cách”, cho nên, mỗi lần nhìn lên chúng nó là mỗi lần thấy xót xa đau đớn trong lòng vô cùng vô tận. Cuối cùng thì đừng thèm nhìn chúng nó là tốt hơn cả.
Nhưng hôm nay, thầy Dung chết, tôi bỗng lơ đãng nhìn lên những áng mây thật trắng, bay rất là đà và hiền lành dễ thương trong bầu trời xanh của nước Mỹ, nơi chưa bao giờ có đạn bom và hận thù như quê hương mình. Và tôi thấy, trong một đám mây nào đó, làm như có hình ảnh của một Cao Thế Dung, thầy tôi ngày xưa...
Thầy bình dị nhưng cao cả làm sao. Thầy hiền lành nhưng bất khuất làm sao...
Viết cho thầy,
Trường Sơn Lê xuân Nhị, Học Sinh La San Ban Mê Thuột
New Orleans những ngày vào thu
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ