Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

"GIỚI THIỆU SÁCH BÁO TIỂU DẪN ký tên PHAN KHÔI, hoặc P.K. trên báo Phụ nữ Thời đàm ở thập niên '30s. ( nhắc tới nhà văn NGUYỄN ĐỨC QUỲNH -- Từ Ngọc- NGUYỄN LÂN v.v... -- lainguyenan.free. fr/

Phan Khôi [ 1887- 1959 hanoi]
" Phan Khôi was an intellectual leader who inspired a North Vietnamese variety
 of the Chinese Hundred Flowers Campaign in which scholars were permitted to criticize
 the Communist regime but for which ...       - - Wikipedia



GIỚI THIỆU SÁCH BÁO TIỂU DẪN
ký tên PHAN KHÔI, hoặc P.K. trên báo
Phụ nữ Thời đàm; ở thập niên '30s 
(nhắc tới nhà văn Nguyễn đức Quỳnh+ Từ Ngọc-NGUYỄN LÂN
+ Cung Giũ Nguyên , Khái Hưng  v.v. ...)
[1909- 06/06/ 1974 saigon]
(ảnh chụp năm 1945 -- trích từ Newvietart.com/ (fr.)

từ ngọc [ i.e. nguyễn lân [1906-2003 hanoi) -- (ảnh: Internet)
cung giũ nguyên [1909- 2008 nha trang]
(ảnh: phovan.blog. blogs... /  )
khái hưng [ i.e. trần khánh giư 1896- 1947 ]
 (ảnh: vietbao.com/ )


TIỂU DẪN. ‒ Những mục nhỏ trên báo, dù ký tên tòa soạn phụ nữ thời đàm hay tên riêng P.K. hoặc không ký tên ai thì vẫn do chủ bút P.K. viết là chính. Người sưu tầm tập hợp một số mẩu viết ngắn này để cho thấy cách làm báo của chủ bút P.K. Cũng phải nói thêm là tôi không thể tập hợp hết những chỗ P.K. ghi nhận xét dưới bài của các tác giả khác, đăng trên P.N.T.Đ. thời gian ông là chủ bút. ‒ N.B.S.
Mừng Phụ nữ tân văn lại được ra Bắc

      Trước Phụ nữ thời đàm tục bản mấy tuần thì bạn đồng nghiệp Phụ nữ tân văn trong Nam lại được lưu hành ở Bắc Kỳ.
      Xem chừng đồng bào ở đây cũng vẫn còn hoan nghinh bạn đồng nghiệp như xưa. Chúng tôi lấy làm vui mừng lắm.
      Từ nay chúng ta sẽ nắm tay nhau trên đàn ngôn luận, Tiếng trống trong Nam, tiếng chuông ngoài Bắc, đồng thinh tương ứng, có chị có em.
PHỤ NỮ THỜI ĐÀM
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s.1 (17. 9. 1933), tr. 13
Chú thích


Một cái tạp chí mới ra đời : Văn học tuần san

Bản báo mới nhận được tập Văn học tuần san số 1 của ông Lê Cương Phụng xuất bản ở số nhà 37 đường Đông Ba, Huế, gởi ra, là một tập báo có đồng một tính chất với Văn học tạp chí ở Hà Nội của ông Dương Bá Trạc, lại giống một điều nữa : chủ nhân kiêm chủ bút của nó cũng đều là Cử nhân hết.
Văn học tuần san mỗi tháng xuất bản hai kỳ, mỗi tập dày 30 trang, giá bán lẻ 0$15 ; một năm 3$00 ; sáu tháng 1$80.
Tòa soạn chúng tôi xin có lời chào mừng bạn đồng nghiệp và giới thiệu tập Văn học tuần san cho độc giả của Bản báo.

Sách mới

     Ông Nguyễn Lân, hiệu Từ Ngọc, người viết giúp Bản báo, có bài Nữ thi sĩ Anna de Noalites đăng trên đây, độc giả đã đọc qua thì biết học lực và văn tài thế nào rồi. Ông xuất thân từ trường Cao đẳng Sư phạm, hiện làm giáo viên một trường tư, là một vị thanh niên có đặc sắc.
     Ông Từ Ngọc mới xuất bản một cuốn tiểu thuyết nhan đề là Cậu bé nhà quê. Cuốn tiểu thuyết này ông viết từ lúc còn học ở trường Bưởi. Tờ Trung Bắc tân văn ra ngày 5-9-1929 có phê bình sách ấy, trong có mấy lời này :
     « Văn nghe được mà ý cũng hay. Bao giờ người nước ta thiết xem những lối văn này, nhà văn sĩ có tài, chịu luyện lấy lối tiểu thuyết này, bấy giờ nước ta mới có quốc văn ».
     Cậu bé nhà quê lần này xuất bản, có ông Bouchet, hiện làm Đốc lý Hải Phòng, làm tựa, vẽ hình và dịch ra tiếng Pháp. Như thế cũng đủ biết là một quyển sách có giá trị lắm.
     Sách có cả chữ Pháp và nhiều hình rất đẹp, dày 150 trang, giá 0$75.
     Thật là một cuốn sách nên đọc. Nhất là có ích riêng cho các nam nữ học sinh, về đường so sánh chữ Việt với chữ Pháp.

     Sách này khảo cứu về kinh tế, mua, bán, làm ăn, cầu việc; đã được phần thưởng khoa học hội Khai trí tiến đức năm 1932.
     Sách của ông Đặng Hữu Nghĩa làm mà do hiệu Cự Toàn xuất bản. Dày 50 trang, giá 0$50, in đẹp.

Hai cuốn sách trên đây, tác giả có gởi tặng Bản báo. Bản báo xin có lời cảm ơn và giới thiệu cùng độc giả.
P.N.T.Đ.
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 2 (24. 9. 1933), tr. 23.



Bộ tiểu thuyết Sống mà yêu, chính chữ tác giả chép lấy bằng một tập vở dày ngót sáu trăm trang giấy. Đầu mùa xuân năm 1932, sau khi ông Nguyễn Đức Quỳnh gặp tôi ở Sài Gòn, đem mà tặng tôi, làm kỷ niệm sự gặp nhau. Tặng như thế, tôi thấy cái chỗ dụng ý của ông: một là muốn lưu lại nơi tôi cái bút tích, cái công phu cầy cục chép của ông; một là muốn phó thác cho tôi cái vật sáng tác đắc ý của ông mà sợ có ngày không trót làm chủ nó được, vì ông bấy giờ đương là khách phiêu lưu, chân trời mặt biển. Không nói rõ ra đây làm chi, tôi đã phải có vật khác trao đổi, rồi tro tro (a) giữ lấy đến bây giờ.
Cuộc kỷ niệm ấy giữa hai chúng tôi coi ra có vẻ trân trọng lắm. Phỏng sử Sống mà yêusau này ra đời mà cũng tầm thường, chẳng có giá trị bao nhiêu, thì chúng tôi nghĩ lại phải tức cười quá: hoạ là điên cả mới có cái sự trân trọng như lúc bấy giờ!
Năm nay tôi đến Hà Nội, lại gặp ông Nguyễn Đức Quỳnh. Nghiễm nhiên một nhà binh, ông thấy tôi, vẫn nhắc đến ba chữ Sống mà yêu.
Tôi lấy làm thẹn vì kiếm mãi mà chẳng có phương thế nào cho bộ tiểu thuyết ấy ra đời được, ngỏ ý muốn để châu về Hiệp phố. Ông Quỳnh không chịu, bảo rằng nếu mình muốn xuất bản thì không khó, có người chịu mua bằng giá cao rồi. Rồi ông lặp lại lời năm ngoái, đành cứ để yên nơi tôi, mặc tôi xử trí.  
Tôi cũng biết cái ý ông muốn tôi xử trí nó cách nào rồi. Lúc nào có cái báo hay cái tạp chí nào mà tôi chủ trương, tôi sẽ đem nó đăng lên, thì ắt vừa ý ông không gì bằng.
Phụ nữ thời đàm ra. Túng tiểu thuyết lắm, phải đăng một cái tiểu thuyết dịch, mà tôi cũng không dám nhắc đến Sống mà yêu. Không biết làm sao mà nó làm cho tôi như là khiếp đi trước mặt nó, cứ tưởng rằng khi đăng nó rồi mà những bài khác trong tập báo không xứng với nó thì uổng quá !
Phụ nữ thời đàm số 1, ra… số 2, ra… Ông Nguyễn Đức Quỳnh chạy đến tôi, nói rằng : “Được rồi, ông không cho Sống mà yêu ra đi, còn đợi gì nữa ?” Bấy giờ tôi mới bắt đầu định ý, vì có lời của chủ nó như là thỉnh nguyện.
Thế thì Sống mà yêu ra đi !
Sống mà yêu là một bản tiểu thuyết, văn mới mà hay, từ trước chưa hề có trong làng văn nước ta, sẽ ra trong Phụ nữ thời đàm số 6. (b) Tôi viết trước ở đây mấy lời giới thiệu cùng độc giả, chờ đọc tới nó rồi sẽ biết…
P. K.
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 4 (8. 10. 1933), tr. 15
Chú thích
(a) tro tro : như trơ trơ. Cầm tro tro : cầm giữ trong tay, cầm trơ trơ (H. T. Paulus Của : sđd.)
(b) Trên thực tế, Phụ nữ thời đàm không đăng tiểu thuyết trên đây của Nguyễn Đức Quỳnh.

Sách mới

1. Quốc văn sơ học độc bản của Nguyễn Đức Phong biên tập, và có cử nhân Dương Bá Trạc nhuận sắc, dày ngót 250 trang, giá 0$60.
     Sách này đã được Hội đồng làm sách giáo khoa duyệt y, cho làm sách dạy ở các trường tiểu học Pháp-Việt, lớp trung đẳng (moyen) và lớp cao đẳng (supérieur). Hẳn là sách có giá trị lắm, không cần khen thêm nữa.
     Nhưng, tình cờ chúng tôi mở ra gặp trang 121, bài Xử đoán công bình, phát kiến ra một điều sai lầm lớn. Bài ấy rút của bài Chú lái thành Venise của ông Nguyễn Háo Vĩnh, người Nam Kỳ, đã đăng ở Nam phong. Người Nam cũng như người Trung, không phân biệt dấu ngã dấu hỏi, cho nên trong bài ấy ông Vĩnh cũng không phân biệt dấu ngã dấu hỏi. Nay trích ra làm bài tập đọc, lẽ đáng sửa lại mà phân biệt mới phải; người biên tập lại cứ để y nguyên: bao nhiêu chữ đáng đánh dấu ngã thì đánh dấu hỏi hết, bao nhiêu chữ đáng đánh dấu hỏi thì đánh dấu ngã hết.
     Đã biết người Nam Kỳ không phân biệt ngã hỏi, thế thì sự điên đảo này là sự ngẫu nhiên chứ không phải là sự đương nhiên. Thế mà rốt bài người biên tập đặt mấy câu hỏi như vầy :
      " Giọng nói này là giọng người xứ nào? Có khác gì với giọng ngoài Bắc ta không? Ngoài ta viết dấu hỏi thì trong Nam viết dấu gì?" 
     Thật là một điều sai lầm quá thể! Sai lầm nhất là câu hỏi cuối cùng. Thực ra thì Trung-Nam kỳ không phân biệt hai dấu ấy, họ phát âm thì chỉ có một giọng, còn viết ra thì coi dấu nào như dấu ấy, chứ không phải những chữ  ‟ngoài ta viết dấu hỏi”  thì trong Nam viết dấu ngã đâu.
     Vả chăng sách này đã nói phân minh rằng  "dùng trong các trường Pháp-Việt Đông Pháp = pour les écoles franco-indigènes de l’ Indochine", thế mà lại có những ý như mấy câu hỏi đây, chẳng hóa ra chỉ dùng riêng cho học trò Bắc Kỳ mà thôi sao? Như thế chẳng là học trò Trung-Nam kỳ đọc sách này họ cũng sẽ không hiểu vì nó theo giọng Bắc ?
     Cho nên trước kia trong một bài xã thuyết của Bản báo có ý bất mãn đối với Hội đồng làm sách giáo khoa, là phải lắm.
      Ở đây là lời giới thiệu, thế mà chúng tôi lại chỉ trích chỗ sai lầm ra, như không được nhã đó chút; nhưng vì nó chỉ là cái lỗi nhỏ, không xứng đáng gì đó nên chúng tôi không muốn để vào mục  "Tiểu phê bình".

2. Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng soạn, đã đăng trên báo Phong hóa, nay in thành sách dày ngót 130 trang, giá 0$40.
     Bản tiểu thuyết này khi đăng trên báo, thấy đã có nhiều người đọc qua rồi phải theo mãi cho kỳ hết, đủ biết nó cũng có sức hấp dẫn độc giả khá mạnh.
     Nhưng xin thú thật, chúng tôi chưa có thì giờ đọc qua. Để đợi đọc xong nếu thấy là hay thật, hoặc không hay mà người ta trở cho là hay, nghĩa là tự nó có cái đặc điểm gì đáng phê bình, khi ấy chúng tôi sẽ phê bình.
     Còn bây giờ thì, luôn với cuốn sách trên, chúng tôi chỉ xin có lời giới thiệu cùng độc giả.
                                                                                  P.N.T.Đ.
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 7 (29. 10. 1933), tr. 12.


Sách mới

1. Nợ văn chương của Cung Giũ Nguyên soạn, Tương Lai tùng thư ở Nha Trang xuất bản, dày ngót 80 trang, giá 0$36.
Nợ văn chương là một bổn tiểu thuyết, tả một người thanh niên có chí đeo đuổi theo văn học, bỏ chức việc đương làm ở một sở công, vào Sài Gòn làm sách làm báo, trải qua nhiều sự thất ý rồi đắc ý, đắc ý rồi thất ý v.v… Tác giả có gởi tặng Bản báo và xin chúng tôi "phê bình để được biết ý kiến đối với sách ấy thế nào".
Mới xem lược qua thì thấy sự kết cấu của sách này không lấy gì làm khéo lắm; đến như văn thì hơi thường, nhiều chỗ mô tả không theo sự thực; có khi muốn làm cho người trong truyện ra người hữu tài bất ngộ đáng thương, mà trở thành ra người ấy là hèn mạt, yếu đuối, đáng bỉ.
Đọc qua thì biết tác giả sách này duyệt lịch đương còn ít quá, lại như cũng mới viết quyển sách này đầu tay. Ấy là bởi tư tưởng non nớt và giọng văn non nớt ở trong sách tỏ cho chúng tôi thấy như thế.
Tuy vậy, Bản báo cũng giới thiệu cho độc giả mua xem thử có đúng như lời chúng tôi nói đây không. Một kỳ sau, chúng tôi sẽ có bài phê bình về sách này. Vẫn biết sách không có giá trị gì lắm đấy, nhưng thiết tưởng đem nó ra phê bình, thì sự ích lợi lại còn hơn phê bình những sách khác. Mà trước khi đọc bài phê bình, ai nấy cần phải đọc qua nguyên thư.

2Tính sao cho trẻ ra người của Hoa Bằng biên dịch, in khổ nhỏ, 120 trang, giá 0$30, bán tại hiệu Trung Ký, số nhà 68, phố Sinh Từ, Hà Nội.
Sách gồm những bài luận về nhi đồng. Hoặc theo sinh lý học, hoặc theo tâm lý học mà nghiên cứu các vấn đề thuộc về trẻ con. Lại nhặt lượm những ý kiến và phương pháp các hiền triết Đông Tây về sự dạy trẻ, làm nên những bài bàn về đức dục, trí dục, thể dục cho bạn trẻ. Mục đích của tác giả là để giúp tài liệu cho những người làm phụ huynh gánh trách nhiệm giáo dục trong gia đình, làm giáo sư chuyên dạy lớn đồng ấu cùng các hội từ thiện chuyên việc dục anh, khỏi phải tìm kiếm phương pháp ở đâu xa.
Chúng tôi mới đọc sơ qua cũng thấy là có ích. Nhưng tiếc một điều, đã là sách dịch mà dịch giả không tuân cái thể lệ dịch cho đúng.
Đại phàm sách dịch, phải nói rõ dịch từ đâu, tác giả là ai, nguyên thư tên gì ; nhiều khi gặp thứ sách hiếm có, lại cần phải chỉ đến nhà in, chỗ bán, giá bán cho biết nữa. Như thế để làm gì ? Để phòng người nào có điều hồ nghi gì trong bản dịch sẽ biết đường tìm nguyên văn mà đối cứu.
Cái bệnh chung của các nhà biên dịch xứ ta, cứ hay không chịu nói rõ nguyên bản. Tức như quyển  Vô gia đình của hai ông Đỗ Mục và Đào Hùng, hay lắm, mà trong bài tựa cũng chỉ nói "dịch" mà thôi, chứ không chịu nói dịch bởi  Sans famille của Hector Malot. Thì dịch giả Hoa Bằng đây cũng vậy, thủy chung chẳng có một lời nào nói đến cái tên sách mình dịch là gì, tác giả nó là ai.
Làm như thế, chẳng biết sao mà người ta đành lòng làm được! Đã không trung thực đối với độc giả của mình, lại còn không trung thực đối với tác giả nguyên thư!
Quyển Tính sao cho trẻ ra người  này, theo ý chúng tôi thì sẽ chạy lắm, sẽ phải tán bản. Đến chừng tái bản, xin người có sách hãy làm đúng thể lệ dịch mà nói rõ dịch từ sách nào, của ai.
TÒA SOẠN
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 8 (5. 11. 1933), tr. 11.

Sách mới

Bản báo tiếp được hai quyển sách của tác giả, bà Vũ Huy Chân, nữ giáo viên, gởi tặng, một quyển là :
Nữ học tu tri gồm 43 bài học thuộc lòng bằng vận văn, có chua nghĩa những chữ khó và giải tóm đại ý toàn bài, định để dạy lớp Trung đẳng và Sơ đẳng các trường Tiểu học; sách dày ngót 60 trang, giá 0$30.
Một quyển là

Nữ học tầm nguyên gồm 170 bài học thuộc lòng bằng vận văn, cũng có giải nghĩa rất rõ ràng, định để dạy lớp Đồng ấu; dày ngót 70 trang; giá 0$28.
     Hai quyển sách này đại ý là để dạy luân lý cho học trò gái. Bài dạy luân lý mà lại đặt bằng vận văn cũng là một cái khó. Thế mà xem ra ngòi bút tác giả nhẹ nhàng lắm, không vì niêm vận bó buộc mà làm mờ tối ý mình, như những câu:
         Em đừng tưởng phận yếm khăn
            Một mai ủy thác tấm thân nhờ chồng
            Đến trường chẳng chút dụng công,
            Đi không rồi lại về không, bởi lười.
            Em ơi, gái cũng kiếp người,
            Cũng tai cũng mắt thợ trời bẩm sinh.
            Cũng trí lự, cũng thông minh
            Cũng nhiều dũng cảm, tài tình kém ai ?
Lại những câu :
        Chị em cùng hạt máu đào,
        Máu đào một giọt, hơn ao nước đầy.
        Coi nhau làm cánh làm vây,
        Làm nanh làm vuốt mới hay sinh tồn.
thì lời và ý đều được sáng sủa như nhau, khỏi có cái bệnh không đạt được ý là bệnh vận văn thường mắc phải. Trẻ con đọc những sách này đã dễ nhớ lại dễ hiểu mà có ích lắm nữa. Vậy chúng tôi xin cảm ơn tác giả và đem giới thiệu cùng độc giả.
                                                                       TÒA SOẠN
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 10 (19. 11. 1933), tr. 21.
Một bạn đồng nghiệp mới : Bạn Trẻ

Ngày 1er  Décembre vừa rồi, Bản báo có được thư của bạn đồng nghiệp mới: Bạn trẻ, nói rằng tờ báo ấy sẽ ra đời, nhờ được giới thiệu cùng độc giả.
Tiếc vì thư đến trễ quá, chúng tôi không kịp đăng lên số trước để báo tin cho công chúng trước khi ra. Hôm nay, ngày 6  Décembre thì vừa nhận được tập Bạn trẻ.
Ấy là một tập tuần báo, do ông Tôn Thất Minh chủ nhiệm, khuôn khổ giống bản báo, 24 trang, có bìa, giá bán lẻ 8 xu, đồng niên 4$00, nửa năm 2$20, ba tháng 1$20.
Vậy xin để mấy lời này chào mừng bạn đồng nghiệp và giới thiệu tờ Bạn trẻ cho đọc giả của Bản báo. Ai muốn mua thì xin gởi thư cho Tòa báo tại số nhà 70 Hàng Đồng, Hà Nội.

Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 13 (10. 12. 1933), tr. 15.

Báo "Monde" của ông Cao Văn Chánh ra đời

Chúng tôi mới tiếp được báo "Monde" số 1 ở Sài Gòn gởi ra. Ấy là một tờ báo của người mình viết bằng tiếng Pháp, do ông Cao Văn Chánh làm chủ nhiệm.
Chẳng những ở Nam Kỳ mà ở Trung Bắc Kỳ có lẽ có nhiều người đã biết tiếng ông Cao Văn Chánh. Một vị thanh niên rất nhiệt tâm, rất nhẫn nại, rất hoạt động, trong khoảng mười năm nay ở Sài Gòn, cái tên Cao Văn Chánh, còn ai mà chẳng thuộc làm lòng?
Từ trước có viết nhiều báo quốc ngữ, ông Chánh đã nổi tiếng trong làng văn Nam Kỳ. Sau lại, tự mình chủ trương tờ Tân thế kỷ, một tờ báo kịch liệt nhất từ lúc nước ta có báo đến giờ, được ít lâu chi rồi bị cấm. Không chịu bỏ nghề, ông Chánh lại dựng một tờ báo tiếng Pháp, tức là tờ l’ Essor Indochinois.
Hình như biết sức mình còn kém, chưa đủ làm tờ báo tiếng Pháp cho có giá trị, ông Chánh bèn bỏ đi mà sang Pháp du học đâu vào năm 1929 thì phải. Và mới ở Pháp về tháng Mars năm nay.
Bấy lâu vẫn viết cho tờ Phụ nữ tân văn, bây giờ ông Chánh mới đứng ra lập tờ "Monde" này, là tờ báo thông tin cũng kiêm trọng về chính trị và văn học. Mỗi tuần "Monde" ra ngày thứ năm, 6 trang lớn, bán 0$10, báo quán tại 78 đường Mac-Mahon, Sài Gòn.
Con người ông Cao Văn Chánh có điều đặc biệt là trong mình không có cái văn bằng tố nghiệp nào hết mà làm được những công việc lớn lối. Lại thêm cái trẻ nữa: lúc ông đứng làm chủ bút hai tờ báo kể trước, còn chưa đầy 30 tuổi.
Mấy lần trước không kể, lần này ông Chánh ra tờ "Monde", nhiều người biết ông rất để ý và trông mong ở ông nhiều lắm.
Sang Pháp 4-5 năm, chỉ chăm học cho biết, chớ không cốt kiếm cái bằng cấp, thì ngày nay về tổ quốc, ắt là thi thố có chỗ hơn người.  
Hãy mua "Monde" mà đọc thì biết !...
Chúng tôi có lời trịnh trọng giới thiệu nó cùng độc giả.


La Vie indochinoise xuất bản rồi

     Trong một số trước chúng tôi có cho độc giả biết đến ngày 9-12 báo La Vie indochinoise sẽ ra đời. Nhưng vì một cớ riêng sao đó, báo ấy chậm đến ngày thứ bảy 16-12 mới xuất bản số 1.
     Như lời đã rao, La Vie indochinoise chuyên về chính trị và văn học, thì quả vậy, trong số đầu có nhiều bài rất đáng đọc về hai phương diện ấy. Nhất là đoản thiên tiểu thuyết của nhà văn thanh niên Nguyễn Tiến Lãng, cái ngòi bút tươi tắn ấy làm rực rỡ thêm cho mục văn học.
     Đến như cách xếp đặt tờ báo thì thật là đứng đắn và đẹp đẽ không chỗ trách. Có lẽ hêt thảy các báo tiếng Pháp cùng một khuôn khổ với báo ấy ở đây, không có báo nào đẹp bằng.
     Bản báo xin giới thiệu tờ La Vie indochinoise cho độc giả lần nữa, và khuyên ai nấy hãy kíp mua nó mà đọc.
P.N.T.Đ.
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 15 (24. 12. 1933), tr. 7, 15

 Báo Thanh niên lại ra

     Báo Thanh niên do ông Ngạc Văn Đồng xuất bản được đâu ba tháng rồi đình bản. Không thấy mặt tờ báo ấy đã hơn tháng nay.
     Mới rồi Bản báo có được tin ông chủ nhiệm báo ấy cho biết rằng đến ngày thứ bảy 20 Janvier 1934 này Thanh niên sẽ ra lại.
     Lần này gắng lên mà đứng lâu hơn một chút, hỡi bạn đồng nghiệp!
     Chúng tôi cũng lấy lòng chơn thành giới thiệu trước tờ Thanh niên cho độc giả của chúng tôi lần nữa.
P.N.T.Đ.
Nguồn:
Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 17 (7. 1. 1934), tr. 13.



                                                                               -----------------------------
                                                                        trích lại từ LAINGUYENAN.FRE.FR/
                                                                                                                   =============================
                                                                   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét