Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

con mồi/ hồi ức văn chương: trần hoài thư -- https:tranhoaithux.wordpress.com/


Con mi 


Thành phố Nha Trang. Cuối con dốc dẫn xuống từ ngôi trường nào đó, là ngôi nhà mà mẹ tôi đã và đang kéo dài thân tôi đòi. Tôi là con của bà, nhưng tôi không cứu [nổi] bà . Như vậy thì tôi về đây làm gì ? Và trong cả hàng hàng lớp lớp con gái của thành phố này, người nào nhỏ dùm giọt lệ thừa cho một tên tuổi trẻ. Ai mở cánh cửa để chứa tôi? Ai nhìn vết thương của tôi mà oà vỡ lòng từ tâm từ độ. Ðừng nhắc gì đến cái câu bạn làm gì cho tổ quốc. Tổ quốc. Vâng tôi biết. Tôi biết Tổ Quốc lắm. Tiếng đó chỉ được nhắc nhở ở trên cửa miệng đầu môi của lãnh tụ chứ chưa bao giờ từ những hạng thấp hèn như binh nhì binh nhất chuẩn úy thiếu úy chúng tôi. Bởi vì yêu tổ quốc nên chúng tôi phải sống lên chết xuống, ngất ngư đêm ngày trong những đồng nước lụt, trong khi họ làm tình, chở gái, chở đồ lậu, mua quan bán chức, đưa con cháu ra ngoại quốc trốn lính… Ðừng nhân danh yêu nước, yêu tổ quốc khi các người chưa một lần bị dao đâm, bị lựu đạn, bị mảnh đạn pháo kích, đêm đêm nằm trên những mồ huyệt mới cũ…Tôi là tôi. Tôi có quyền định đoạt lấy số phận của đời tôi. Vâng, tôi nói với lòng, nhất quá tam, tôi không thể để tôi chết. Dù ăn mày, ăn xin, dù đầu cúi, mắt láo liên, dù chui, dù rúc, tôi phải sống… Sống để nói lên những người Bắc Nam thi nhau mổ mật mổ tim, chặt đầu nhau. Sống để chờ đợi hoà bình ngưng bắn. Sống để khỏi giận dữ muốn lấy súng nã vào một đoàn xe chở Thẩm Thúy Hằng từ Qui Nhơn lên Bà Di để mấy tay ôm nhau nhảy đầm, ôm gái trong đêm giao thừa. Sống để khỏi điên khùng mỗi lần trở về thành phố. Sống. Hôm qua ở nhà này. Hôm nay ở nhà khác. Ðêm thỉnh thoảng động kinh vì những hồi bố ráp… Chị Lê ơi, chị làm tôi khốn khổ, khi chị mặc chiếc áo lụa vàng, không mang nịt vú. Chị làm tôi mê lịm cùng tuổi thanh niên khi chị cúi xuống dọn từng chiếc chén chiếc đũa cho tôi một bữa ăn gia đình. Ngực chị trắng lấp lửng. Mùi thơm từ da thịt. Và cái vẻ man dại từ đôi mắt như ngào ngạt ẩn chứa cả dục tình…Chị Lê, xin lỗi chị, tôi không thể phụ lòng tốt của anh Lê. Và vì thế tôi rời Nha Trang. Không. Tôi trốn Nha Trang cũng nên.
May mà có Nhân, thằng bạn trung úy. Nó hiểu tôi. Nó muốn tôi lấy lại thăng bằng. Nó muốn tôi quên đi cái ám ảnh. Nó kè kè bên tôi, dùng thế quân đội để che chở và bảo bọc tôi. Những ngày rãnh nó và tôi ra ngoài sông Dinh, cùng nhau tắm và phơi nắng, rồi sau đó, hai đứa cùng lột da lưng bị bỏng nắng cho nhau. Nó tha thiết giữ gìn tôi. Nó muốn tôi viết. Và, trong căn nhà tôn nóng sốt ấy, cùng những cơn nóng sốt của bệnh hoạn- hậu quả của những cơn trác táng cuồng loạn- tôi đã viết. Viết như chưa bao giờ được viết đến như thế. Viết đến trắng mắt, đến như thể ho lao, như thể ngất xỉu. Thỉnh thoảng, bên kia phòng, con ả giang hồ làm tình với khách, cười rú lên. Thỉnh thoảng, những lần bố ráp trong đêm, tôi mang áo có bông mai, cầm sự vụ lệnh ma. Ðó, tôi hèn nhát như vậy. Tôi cúi đầu như vậy. Tôi nhục nhả như vậy. Nhân. Tại sao mày lại thương tao, muốn tao sống để viết. Có ích gì ở ba cái chữ nghĩa này không?  Ðộc giả theo dõi từng hơi thở theo từng bài văn, nhưng họ không muốn tôi sống. Ngay cả đài Hà Nội, Giãi Phóng đọc văn tôi, ca ngợi sự bỏ ngũ của tôi, kêu tôi trở về với hàng ngũ nhân dân. Ðừng mua chuộc, lợi dụng tôi nữa…Hãy buông thả tôi. Những kẻ mà người ta bảo là cứu tinh dân tộc, những lãnh tụ, những anh hùng, họ đang sống phè phỡn, đang được tiền hô hậu ủng, họ không bao giờ hiểu thế nào là cái cảnh đám đàn bà hung dữ đòi mạng chồng hay con hay những thanh niên bị đạn công phá, toát loác trơ những sợi gân đỏ lòm tua tủa, chẳng khác một con chó bị xe cán. Tôi viết. Tôi muốn cho mọi người biết rõ những tay đồ tể. Về sự thù hận ngút trời. Về một cuộc chiến mà chỉ có tuổi trẻ cùng một màu da, tiếng nói điên cuồng chém giết. Một cuộc chiến mà tội ác lại được vinh danh. Những mảnh thịt xẻo lóc được tuyên dương. Những lần xử tử sát nhân lại được đề cao từ những tên mặt xám môi chì.
Tôi sẽ mang thông điệp để cho mọi người biết rõ về cuộc chiến tranh kỳ lạ, dằng dai này. Tôi sẽ cho người ta biết đối với một số người, chiến tranh càng dằng dai, càng giúp họ được lên lon, lên cấp, để đập lính, đánh lính và giúp cho một số người được thêm nhiều quyền thế, nhiều kẻ hầu người hạ, nhiều gái, nhiều đặc quyền đặc lợi, để vợ thao túng, hối lộ, mua quan bán chức. Chỉ có chăng là đám lính, đi thì đi trước, chết thì chết trước, suốt đời chỉ lên bậc thượng sĩ già mà thôi.
Thì cứ cho tôi là tên bất mãn đi. Nếu vậy, các người cứ ra mặt trận một ngày. Nhắc lại, ra mà đánh, mà thử nằm gò mả một đêm, để hiểu thế nào là giọt mưa hay giọt nước mắt, để muốn ỉa đái mà không dám ra ngoài bờ ruộng mà ỉa đái, mà nghe súng nổ, mà chịu pháo kích, mà hô xung phong, mà vuốt mắt bạn bè…. Hãy trả lại hết cho đơn vị những lính ma lính kiểng lính tài xế thợ mộc, thì tôi sẽ một mình đứng thẳng làm người Từ Hải ở chốn trận tiền. Hãy ngưng lại lời ca phản chiến, cho tôi nhìn rõ bản chất của cuộc chiến tranh, tôi sẽ không tha thứ những tù binh tôi bắt, sẽ thẳng tay liệng lựu đạn xuống hầm, sẽ cuồng điên như đám mãnh hổ Ðại Hàn…Hãy đóng cửa hết những tờ báo như Trình Bày, Ðối Diện, hãy tịch thu Khi Cây Rừng Còn Xanh Lá để tôi không còn nhìn cuộc chiến bằng một màu đen. Hãy ngưng lại lời ca giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già, kẻ thù ta đâu có phải là người giết người đi thì ta ở với ai. Hãy đổi con tim tôi thành khối thép. Hãy giúp tôi quên đi những đôi mắt. Chao ơi, những đôi mắt. Nhân ơi, mày chưa thấy, khi tao giơ hai bàn tay lên, máu chảy ròng ròng, tao đã nếm, mút những giọt máu, trong một tâm trạng ngây ngây…Nhưng tao chỉ sợ những đôi mắt. Những bà già đáng tuổi mẹ tao, lạy tao, kêu tao là quan. Dù, tao biết, khi tao bỏ đi, họ sẽ trở thành kẻ thù. Người đàn ông già trong ruộng mía, câm lặng chấp vá lại thân cây, cố trồng lại trên mảnh đất của họ, khi những chiếc thiết vận xa nghiến bánh xích trên những thửa ruộng mía, rồi nhìn tao hận oán tột cùng..
Chưa bao giờ trong đời tôi lại bị xâu xé bởi những ý tưởng xung đột nhau như lúc này. Cái mặc cảm của một tên phạm tội, bỏ hàng ngũ, bạn bè, đồng đội và những ý nghĩ về cuộc chiến tranh đã hành hạ tôi đến mệt ngất. Từ một tên thiếu úy tác chiến ngang tàng, bất cần, nay tôi lại trở thành một tên thiền sư cô độc, ẩn trốn xã hội loài người. Cũng thèm một lần, như ngày nào, nghênh ngang, rượu chè, gái, rồi lăn xả vào trận mạc, coi mọi sự như một cuộc phù vân. Cũng thèm, cửa gió mở ra thay cửa tôn đóng kín thảm hại. Cũng thèm những thứ tình thân mà chỉ có trong cõi hoạn nạn, con người mới cảm nhận. Ðó là tình đồng đội, chiến hữu. Tôi thương những người lính của tôi quá. Họ chắc phải kinh ngạc khi tôi sắp lên trung úy, mà phải đào ngũ. Phải. Tôi hèn nhát. Họ vẫn còn ở lại, trong khi cấp chỉ huy của họ lại bỏ mà đi. Nếu ai bất mãn thì chính là họ hơn ai hết. Họ ở tận cùng của vực. Còn tôi, dù sao, vẫn ở trên họ. Tôi vẫn có một người lính để mang ba lô, giặt quần áo, nấu ăn khi đi hành quân. Tôi cũng vẫn có một trung đội bảo bọc giữ gìn. Mày là kẻ hèn. Hèn. Tôi tự rủa tôi. Tôi đã nghe Nhân kể về đại đội tôi, sau ngày tôi bỏ đi, đã làm  náo loạn, phá hết bar trong lần đơn vị về thụ huấn tại trung tâm huấn luyện. Nhân kể lại, trong thời gian huấn luyện, những người lính nghe tin ở đâu là họ sẽ bị bốc nửa chừng để về giải cứu Bồng Sơn và họ đã không còn bình tĩnh nữa. Họ biết là họ sẽ bị đưa vào cõi chết. Bởi Bồng Sơn vẫn được xem là một điểm khó nhổ từ trước đến nay. Bao nhiêu đơn vị địa phương quân, bộ binh đã bị nướng. Bao nhiêu người đã bị bắt chôn sống. Sự nổi loạn của họ, tôi nghĩ, chỉ là một thái độ phản kháng về một hậu phương vô tâm ăn chơi, đĩ điếm. Nhưng có một điều là họ không đào ngũ. Chỉ có tôi mới hèn. Lương tâm của tôi cắn rứt. Như một kẻ phạm tội. Như một tên sống vị kỷ, bỏ rơi bạn bè, anh em, không gánh chung cái lận đận lao đao của đồng đội. Nhưng mặt khác, tôi lại tự an ủi tôi. Tôi đã hy sinh quá đủ. Tôi xin nhường sự yêu nước này cho những người khác.
Trong thời gian này, tôi gặp Thế Vũ. Thế Vũ nguyên là trung sĩ thông dịch viên của Sư Ðoàn 22 BB, được đổi vào tiểu khu KH. Người nhỏ con, nước da ngăm đen, đầu tóc hớt ngắn, ít nói. Hắn thường xuyên viết cho Trình Bày, Ðối Diện. Hắn cho tôi biết là đài Hà Nội hay đọc văn tôi, ca ngợi tôi lên tận mây xanh qua những ước mơ mà tôi gởi gắm như một ngày con tàu thả khói than hầm, băng băng trên con đường xuyên Việt, và Bắc Nam trùng phùng, hay nỗi buồn của một người lính nhìn một con bé lưu lạc làm đĩ Mỹ dưới mái lều bên đường số Một…Hắn còn cho tôi biết ngày giờ phát thanh chương trình đọc truyện của đài Giải Phóng hay Hà Nội. Và tôi đã nghe họ nói về văn tôi. Họ dùng những kinh nghiệm về chiến tranh, về sự nổi loạn của tuổi trẻ, về nỗi buồn của một thế hệ bị lao vào một cuộc chiến mà chúng tôi phải nghi ngờ. Rồi một ngày hắn hỏi tôi nghĩ thế nào về cuộc chiến. Tôi nói tôi phỉ nhổ. Cả hai bên. Tôi không cần biết những mỹ từ, những nhân danh này nọ. Bởi những mỹ từ kia chỉ phát xuất từ những tay lãnh tụ, hay từ ban tuyên huấn, hay phòng tâm lý chiến. Hắn hỏi tôi, nhưng miền Nam này, bạn thấy không, từ ngày Mỹ vào, xã hội băng rã, cây không còn màu xanh…Bạn là người viết văn, ngoài việc viết, bạn phải có thái độ, lập trường tích cực. Tôi nói tôi ghét những danh từ chính trị, đừng nhắc với tôi nữa. Rõ ràng hắn đã cố làm thay đổi những ý tưởng mà tôi đã có trong cuộc chiến này. Có nghĩa là hắn muốn tôi phải làm một kẻ phản nghịch lại hàng ngũ. Tôi linh cảm ở con người của hắn. Tôi không thể hiểu tại sao hắn lại thong dong mang màu áo lính, với một lập trường thiên tả như vậy được. Ðôi khi tôi yếu mềm. Miền Nam này càng lúc càng bi đát. Con gái 13, 14 tuổi làm đĩ dưới những túp lều che bằng poncho, hay những tấm bìa carton bên quốc lộ 1. Cái tháp chàm trên đỉnh đồi Bà Gi, nơi đặt đài ra đa của Mỹ, vẫn được bọn lính Mỹ chở gái điếm về… Lý tưởng thì ảm đạm buồn thảm trong tiếng hát nức nở của Khánh Ly trong các quán cà phê, quán nhạc, trong nhà, ngoài cổng, khắp nơi khắp chốn. Nếu không có Nhân, có bạn bè của tôi, có những người lính rất tầm thường mà tôi đã chia xẻ từng ngọt bùi gian khổ, từng hạt muối, hạt tiêu, từng giọt máu và giọt lệ, thì tôi đã phải ngã theo phía bên kia rồi. Lúc này, chính là đồng đội của tôi, chứ không phải đài Hà Nội hay Cục Tâm Lý Chiến. Họ giúp tôi nhận ra con đường tôi đi. Tôi sẽ không bao giờ quay mặt, phản bội lại họ đâu.
oOo
Những ngày đầu đào thoát,  tôi đã chịu đựng không nổi cùng ngọn lửa cô đơn. Ðó là cơn hồng thuỷ dẫn tôi đến một bến bờ tuyệt vọng. Tôi thèm những viên thuốc ngủ. Tôi thèm một sự nhắm mắt thật dịu dàng. Tôi ràn rụa cùng những ý nghĩ bi quan đen tối. Tôi chưa ý thức được hạnh phúc là nỗi đau khổ như một bài thơ nào đó trong The Prophet của Gilbran. Tôi chẳng khác một đứa bé, bỗng nhiên bị giam cầm trong buồng tối, thèm được thấy biển, mặt trời, những ngọn sóng bạc đầu và những chú còng tinh nghịch trên cát. Vẫn căn gác trên lầu chuông của nhà thờ Ðức Tin,  xung quanh là vách đá, và chiếc nền xi măng ẩm ướt, cùng với tượng Chúa khổ nhục trên cây thánh giá, lẫn những song cửa sắt nhìn xuống biển, để tôi muốn thét gào cho vỡ cả cõi thinh không u uất ghê rợn, mà những giọt lệ đã làm chứng cho nỗi nhớ nhung chất ngất. Tôi chẳng khác là con hổ rừng sa vào bẫy, để đưa đôi mắt nhớ lại núi rừng. Ngọn lửa cô đơn thiêu đốt tôi bừng bừng trong những đêm tối, những ngày dài hiu quạnh, trong khi mùa đông xám và lạnh rét run ngoài hàng hoa giấy và hoa tigôn dưới nhà thờ.
Ngày đầu, người bạn xách xe mua cho tôi vài ký gạo, vài bó rau muống, một chai xì dầu, một lọ chao, và dăm trái ớt. Hắn hấp tấp để dưới nền, chưa kịp chào hỏi, rồi lại ra đi. Tôi phải cặm cụi nhen lửa, vo gạo, luộc rau. Tôi tự làm thui thủi. Tôi dọn chén ăn một mình. Tôi nấu cơm dành cho suốt ngày ăn. Ðến ngày thứ hai, vô ý tôi làm nồi gạo văng tung tóe trên nền, và tôi đã chán nản đến cực độ. Tôi đập vỡ chén, bẻ đũa. Sau đó, tôi liên tưởng đến cái chết.
Vị mục sư đã đi họp xa, và ngôi nhà thờ này chỉ còn lại Hải. Hải đã sống ở đây hai năm, chuyên phụ quét dọn nhà thờ, sắp xếp bàn ghế, hoặc tiếp vị mục sư trong việc truyền giáo. Hắn bảo tôi ông mục sư thật khó tính. Cậu gắng ở đây một thời gian rồi mình sẽ tìm cách khác giúp cậu. Hắn nhìn vào mắt tôi: Sợ cậu không chịu nỗi cô đơn thôi. Tôi khinh mạn mỉm cười. Nhưng bây giờ tôi biết mình thất bại. Tôi đã chịu đựng không nỗi cùng cõi tha ma như ngôi nhà mồ của ngôi nhà thánh. Tôi không thể can đảm nhìn bóng tối chập chờn trên vách khi ngọn sáp hiu hắt bên quan tài tôi. Tôi đã nghe rõ tiếng thở dài của tôi và cắn răng áp hai bàn tay vào tai, để khỏi nhớ, khỏi nghe bước chuyển động của thời gian. Ánh đèn sáp mờ rọi vào bức tượng Chúa như hình ảnh khốn khổ tột cùng của thế gian. Cũng như tôi lúc này. Cái quan tài sống đang rên rỉ, gào thét, đang vùng lên trơ trọi giữa chốn thế gian.
Ngày chủ nhật.
Người yêu ơi chủ nhật buồn.
Nhìn qua song lá rụng rơi.
Mà nơi đây không một người.
Người yêu ơi sao chẳng tới


Ngày chủ nhật. Tiếng chuông nhà thờ đã bắt đầu ngân lên trong không gian lạnh. Tiếng chuông ngân thật dịu dàng. Như tiếng chuông gọi hồn trên nghĩa trang hay là hồi chuông cứu rỗi. Tôi áp mặt vào khung cửa kính. Buổi mai xám cả bầu trời. Những cánh tigôn li ti rụng phủ ngập sân. Và cánh cửa nhà thờ đã mở rộng từ lúc nào. Chắc Hải đã sửa soạn từ sớm. Hắn đã quét dọn nhà giảng, lau chùi các ô cửa kính. Lời hắn vẫn còn vang bên tai tôi. Tôi mong cậu mỗi ngày chủ nhật nên xuống xem lễ để lấy lòng ông mục sư. Biết đâu ông ta thương cho cậu trú ẩn. Tôi đã lặng thinh. Tôi muốn nói tôi là kẻ vô đạo. Tôi muốn nói thêm, Thượng Ðế sẽ khóc khi nhìn một đứa con của NgườI là tôi. Giọng Hải trầm trầm: Mình biết cậu phải khổ sở khi phải làm một việc mà cậu không ưa, nhưng cậu nên nhớ rằng, mình vẫn còn những năm dài chờ đợi trước mặt. Tôi nói tôi đã hai mươi lăm tuổi, mà tôi không mong làm tướng. Tôi đang thấy mình già. Tuy nhiên tôi sẽ nghe lời cậu. Hải cười: Số tín đồ ở thành phố này chỉ có vài chục. Ông ta sẽ vui mừng khi có thêm một tín đồ mới. Cậu hãy can đảm chịu đựng. Biết đâu cậu sẽ tìm một niềm an ủi trong Chúa. Vâng thì tôi chịu đựng, và đã chịu đựng từ bao năm nay rồi. Từ khi lọt lòng đã khóc thét trong bom đạn, và lớn lên đã tiếp tục chịu đựng cùng một số mệnh phi lý, không phải do mình tạo nên, mà  từ chủ nghĩa, từ đám lãnh tụ đâu đó… Và bây giờ, cũng vì muốn thoát khỏi định mệnh, tôi lại phải chịu đựng thêm một định mệnh khác…
Trời lại đổ một cơn mưa nhỏ. Một số người đã đến lễ. Những chiếc dù đen bên cạnh những chiếc dù màu, những bộ quần áo mới và thật xậm hòa lẫn những tà áo hoa cà. Tiếng gõ của chiếc giày trên nền xi măng, và và những tiếng xì xào thăm hỏi rộn ràng. Một ngày chủ nhật đối với họ quả êm đềm, và hạnh phúc. Họ sẽ hát ngợi dâng, và sẽ miên man cầu nguyện để bình an về với họ. Và sau đó, họ sẽ trở về nhà, thỏa mãn, hy vọng.
Chỉ có tôi thì còn lại những gì ? Mắt tôi vô tình dán chặc vào ô kính nhòa nhạt nước mưa. Một khoảnh sáng nhỏ cũng đủ cho tôi nhìn rõ một hành lang đầy hoa cúc vàng và những chiếc dù, áo mưa giăng mắc la liệt ngoài cửa chính. Tôi chợt nhận ra một người nữ thật xinh đẹp. Cả người nàng toát ra một vẻ đẹp buồn thảm. Từ mái tóc đen tuyền phủ cả bờ vai, và phủ một nửa mặt. Từ chiếc áo dài đen, chiếc quần lụa đen… Nàng bước trên sân tràn ngập những cánh hoa tigôn hồng, dáng nhẹ nhàng và uyển chuyển làm sao. Tôi bàng hoàng đến độ ngây ngất. Tôi tự biết tim tôi vẫn còn bén nhạy. Hay là tại cái màu đen rờn rợn như cõi chết mà nàng đã sắp ban cho tôi. Như một lời mời gọi từ mái tóc phủ cả con mắt phải của nàng. Như chiếc đầu cúi xuống và bờ vai mềm mại cùng cái dáng mong manh của nàng, nàng bước vào cửa thánh như một làn gió.
Tôi vẫn lặng thiếp trong nỗi hôn mê kỳ lạ. Rồi sau đó, tôi nhắm mắt lại. Tiếng phong hồ cầm chợt vẳng từ nhà giảng lên căn gác. Ðó là một bản thánh ca. Tôi còn nghe cả một giọng hát thật cao, cao và trong. Một vài chiếc lá muồng bay vèo xuống sân và yên nghỉ ở đó. Có gì lưu lại trong lòng tôi không? Có gì ngủ lại trong tâm hồn tôi không? Hay là một ngày chủ nhật trôi dần qua mà một người thanh niên đang nắm những song sắt để chờ đợi:
Người yêu ơi chủ nhật buồn
Lòng rưng rưng như lệ tuôn…
thời gian đi trong tủi hờn
người có hay sao chẳng tới ?
(nhạc+lời: Hoàng Thi Thơ)
Như thế tôi đã có một hình ảnh để tạm gọi là nhớ nhung. Như thế tôi đã có một dòng suối tóc đen huyền và một con mắt dấu trong bờ suối như bắt tôi phải cố tìm kiếm một cõi mê lộ. Như thế cái dáng người nữ, đôi bờ ngực phập phồng, để tôi phải mơ đến độ phải mộng tinh. Từ ngày thấy nàng tôi như chìm đắm trong nỗi mê muội tâm thần. Tôi muốn nàng là của riêng tôi, dù trong giấc mơ, trong nỗi tưởng tượng. Tôi đã bị giằng co giữa cái xấu và cái tốt, về con heo lòng và cánh hoa huệ lóng lánh hạt sương… Nhưng phần lớn tôi đã chịu thua. Tôi thủ dâm. Vâng, chính cô đơn là căn bệnh khủng khiếp nhất.
Bạn tôi, thỉnh thoảng lại về rồi đi. Nhà thờ đạo đóng cửa suốt tuần và chỉ mở vào ngày chủ nhật. Bởi thế tôi ít khi bị làm rộn. Tôi tự giam mình trong nỗi khổ hạnh với xì dầu, rau muống, tương, chao cả tháng. Rõ ràng muốn đổi lại cái sống, tôi phải trả lại cái giá quá đắt. Hải cười nói tôi còn hơn thầy tu nữa. Chừng nào sắp đắc đạo nhớ mang hắn theo. Tôi cười không trả lời. Hắn làm sao biết lúc này là tôi muốn sống, muốn sống mãi, muốn mỗI ngày là chủ nhật. TrờI ơi, sáu ngày đã làm tôi muốn điên khùng lên đây.
Tôi bắt đầu làm quen với vị mục sư trẻ. Vị mục sư này đang tập sự để thừa kế vị mục sư già khe khắc. Ông thật trẻ trung và có tư tưởng tiến bộ. Ông chấp nhận cho tôi được trú ẩn trên căn gác chuông với điều kiện luôn luôn ở trong nhà Thờ. Ông sợ nếu tôi ra ngoài, hàng xóm láng giềng sẽ nghi ngờ và tố giác. Ông không muốn nhà thờ ông mang tiếng chứa chấp tên đào thoát. Tôi hứa với ông, nhưng tôi phải khổ tâm để phải hứa với lòng, hãy cố lên, hãy đầy đủ nghị lực để khỏi sa vào sự cám dỗ mê muội.
Một ngày chủ nhật nữa lại đến. Cánh cổng nhà thờ đóng kín cửa suốt cả tuần bây giờ lại được mở ra. Tiếng chuông lại ngân vang hòa cùng nỗi náo nức của lòng tôi. Những tiếng chuông ngày nào khiến tôi cứ liên tưởng đến sự cứu rỗi, thì bây giờ như những tiếng gọi của mùa hạnh phúc. Bởi lát nữa, người nữ có mái tóc phủ hẳn con mắt phải, đẹp não nùng sẽ hiện ra, và cái dáng người mềm mại, uyển  chuyển kia sẽ bước vào trong cửa thánh như một làn gió… Bởi lát nữa, hai gót chân nàng sẽ dẫm trên những cánh hoa tigôn hồng nhạt. Và tôi đã chờ đợi trong nỗi nao nao vô cớ. Dưới sân, tiếng lao xao bắt đầu vang lên. Ðám tín đồ thưa thớt bưóc lên hành lang. Và nàng, người tín đồ cuối cùng hiện đến. Vẫn bộ quần áo màu đen huyền. Vẫn gương mặt bị mái tóc che phủ một phần. Vẫn những bước chân nhỏ và mềm. Vẫn dáng uyển chuyển. Tôi như nín thở khi áp mặt vào khung cửa trên lầu chuông. Tôi muốn lột trần nàng, phà hơi lên da thịt của nàng. Tôi muốn thỏa mãn nỗi cô đơn như cả một núi tảng đã hành hạ tôi từng đêm, từng ngày, từng giờ, từng phút.
Nàng bước lên bực thềm nhà giảng. Tiếng phong hồ cầm lại vang lên réo rắc. Tôi vội vàng mặc quần áo nhè nhẹ bước xuống thang lầu. Tôi đứng sát vào cửa hông. Nhạc thánh ca vẫn trổi. Những bài thánh kinh vang lên. Giọng hát cao và trong như cuốn lốc. Tôi quì gối xuống cố nhìn rõ nàng hát qua lỗ khóa. Dù cánh cửa gỗ trắc ngăn chia, nhưng tôi vẫn ngỡ nàng đang ngồi sát bên tôi, và chúng tôi cũng ca lên lời ngợi dâng cùng Chúa. Tôi ngây ngất nhìn gương mặt ngoan đạo của nàng, dưới ánh điện mờ ảo.
Có nên nói một điều này không. Vì khi nàng quay mặt vào cửa ngăn, nàng đã vén lên mái tóc phủ con mắt phải của nàng, một cách sợ sệt. Thì tôi đã nhận ra một con mắt sâu hoắt. Một con mắt mù thật tức tưởi, bên cạnh một vết sẹo dài láng bóng  như sáp ong. Gương mặt nàng bây giờ như một gương mặt xấu nhất thế gian.
oOo
Và cuối cùng, sau bốn tháng trốn tránh, ẩn dật trong trại tôn hầm giữa khu bãi xương rồng, tôi lại nhận lá thư của ba tôi. Ông nghe tin ai nói là tôi bỏ ngũ, và sợ tôi bị bắt đưa làm lao công chiến trường, nên khuyên tôi, trở lại hàng ngũ. Ba tôi, ngày xưa mỗi đêm cầu khẩn Phật Trời cho tôi được bình an ngoài trận mạc, nay lại thêm một lần lo âu nữa, cho cái ám ảnh lao công…Những dòng chữ run rẩy của ông, làm tôi muốn bật khóc. Sự hy sinh của ông không thể nào tả nổi, và đến khi tôi đã ở cái tuổi 26, tôi lại làm ông lo thêm một lần nữa. Vâng, thưa ba, con sẽ nghe ba. Bởi vì trước sau, con không thể chui rúc như con chuột này. Cuộc đời đâu có nghĩa gì. Cuối cùng, cũng vẫn là một lần nhắm mắt. Và với con, con đã hưởng tận cùng cuộc đời rồi. Bàn rượu của đời đã dọn sẵn, cứ việc ngồi vào. Và tôi, tôi nhờ Nhân chở xe Honda đi trình diện. Nhân biết trước ngày này. Hắn sợ tôi chịu không nổi cùng kiếp lao công chiến trường. Tôi nói không sao, con người đều có số. Biết đâu tao sẽ có thêm chất liệu mới.
Ngày tôi đến trình diện quân vụ thị trấn, Nhân đèo tôi bằng xe honda. Tôi bắt nó chờ ngoài cổng, không quên nói nếu chờ lâu thì mày coi tao đã bị nhốt, đi về đi. Tao sẽ liên lạc lại sau. Nhân nói không sao đâu, mày là sĩ quan mà.  Mong nó nghĩ vậy, để tao còn sống thêm vài tuần nữa. Tôi vào phòng quân vụ. Tên quân cảnh ngồi sau cái bàn ngay gần cửa ra vào ngước mắt nhìn tôi:
“Ông cần gì ?”
“Tôi muốn trình diện”.
“Thì ra ông đào ngũ. Bao lâu”.
“Năm tháng”.
Hình như hắn quá quen thuộc với những con người như tôi. Hắn tiếp tục hỏi:
“Cấp bậc, số quân, đơn vị…?”
Tôi nói cấp bậc thiếu úy, số quân, đơn vị…
“Thiếu úy chịu chơi dữ, không sợ bị lột lon sao ?”
“Không, tôi đâu có chịu chơi, nếu chịu chơi thì tôi chả ra đây trình diện”.
“Tôi nói vậy cho vui thiếu úy, nhà binh với nhau hết cả mà”.
Nhà binh. Hắn ở văn phòng còn tôi đánh giặc. Hắn đi đâu cũng đi xe còn tôi băng đồi băng suối, cùng mấy ngày gạo sấy… Cái chữ tiền tuyến hậu cần nghe muốn nôn. Muốn bắn hết cấp số đạn để khỏi nghe mấy cha nội ở hậu cứ mở nhạc nhảy đầm. Muốn bắn vào đoàn xe chở mấy nàng vũ nữ ở Sài gòn ra tiền đồn ủy lạo. Ủy lạo gì, chỉ biết mấy tay tướng tay tá, chưa bao giờ ôm một tay lính trơn, còn tao phải dẫn con cái đi nằm đường bảo vệ an ninh. Còn em nữa. Tại sao em lại không nhỏ dùm tôi ít giọt nước mắt thừa? Thôi bỏ qua đi dùm tôi ít giọt nước mắt thừa? Thôi bỏ qua đi Tám. Bây giờ người QC mới bảo:
“Bây giờ thiếu úy thuộc quân số Ðơn vị hai quản trị. Mỗi ngày thiếu úy có thể đến đấy trình diện chờ đợi ngày ra Tòa án quân sự”.
Tôi cám ơn. Như vậy tôi có quyền ăn chơi bụi đời bù lại những ngày tôi tịnh khẩu. Tôi nhảy xuống bậc tam cấp vui mừng như một tên hạnh phúc, huýt sáo.
“Nhân ơi, chở tao đi suốt ngày suốt đêm nay đi”.
“Ði đâu, thằng du đảng ?”
“Ði uống rượu, đi uống cà phê, đi lêu lổng. Nhân, tao nói thật với mày, tao phục cụ Trần tế Xương sát ván. Cụ là tiền phong của nền thơ Mới. Cụ là một nhà cách mạng số một của nhân loại. Ở thế hệ cụ, ai dám nói: Một trà một rượu một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được cái nào hay cái nấy. Có chăng chừa được rượu với trà”.
Nhân đồng ý:
“Ông là số một”.
“Nè Nhân, nếu tao mà dạy học, tao chỉ dạy Trần Tế Xương, Cao Bá Quát. Nội cái cách dùng chữ của mấy cụ thì hết có chỗ nói. Nhất là hai câu cao lâu thì ăn quịt, thổ đĩ lại chơi lường. Rõ ràng cụ là sư phụ. Cụ gạt phăng cái đạo đức giả. Cụ ôm riết lấy cuộc sống. Cụ can đảm, khí phách, hào hùng, ngang tàng… hà hà, Nhân ơi, hôm nay tao phải la phải hét tự do muôn năm… Suốt ngày loa Hà Nội Sài Gòn cứ lải nhải bài ca cải lương yêu nước, tuổi trẻ thành đồng, anh tiền tuyến em hậu phương. Thằng viết nó không bao giờ ra mặt trận, mới nghe pháo nổ là són đái…Tao với thằng lính Mỹ truyền tin, chạy cả năm sáu cây số, tao bảo hắn dừng lại, đến vùng an ninh rồi, mà hắn cứ bảo là còn Vi Xi, bắt tao phải nhắm mắt thở không ra hơi tiếp tục chạy nước rút…Như vậy thằng nào yêu nước? Thằng nào dám nói ái quốc ? Tay tướng nào dám gởi con ra ngoài mặt trận hay không? Con cháu của mấy tay lãnh tụ đều ôm cặp theo cha hay dzọt ra ngoại quốc”. Nhân gật đầu lia lịa: “Ðúng một trăm phần dầu”. Rồi hắn lên ga, sang số. Xe rú mạnh cùng tiếng cười tiếng rú của một tay trung úy và một tay thiếu úy. Xe chạy ngang qua đám quân cảnh ở ngã tư thành phố. Tôi đưa tay vẫy vẫy mấy trự, những hung thần của tôi trong ba tháng vừa qua. Tôi cảm thấy chưa bao giờ mình được tự do như thế, sung sướng như thế. Tự do hét, tư do la , tư do nhìn gái, nhìn quân cảnh, nhìn cảnh sát, tự do húyt sáo, tự do đi, tự do đứng… Để rồi tự do được chết.
Tôi đã viết thư cho ông Mai Thảo và Trần Phong Giao khi hai ông lo lắng cho tôi. Trên Vấn Đề, ông Mai Thảo đã đăng lại bức thơ này, và dấu tên tác giả:
thu goi maithao_1
Bởi vì ai cũng kể chuyện đánh giặc. Ai cũng nói về cái tôi anh hùng của họ. Nhưng ít ai nói về cái hèn của mình. Tôi sẽ nói về cái hèn của mình qua buổi án tại Tòa án quân sự Mặt Trận vùng 2 sau đây:
oOo
… Thế là bản án dành cho tôi đã xong. Năm tháng tù treo,  giáng lon và phải phục vụ ở đơn vị tác chiến. Người ta đã sắp đặt sẵn bản án cho chúng tôi, trước khi họ đến nhìn một đám quân phạm nheo nhóc. Hơn ba trăm người được kêu ra trước vành móng ngựa trong một ngày. Lên xuống, lên xuống chẳng khác những con người máy. Lên, quan tòa cũng chẳng buồn tháo mục kính để nhìn mấy tên lông lá, áo quần tơi tả. Lên, ông ta chỉ lật mấy chồng hồ sơ cao ngất. À, đào ngũ trong thời chiến, mặc cho cái gương mặt già khằng của ông lính già quá tuổi. Mặc cho chòm râu như ông ngoại của bị can. Bên cạnh ông chánh án là mấy ông sĩ quan mặt nghiêm, má đầy mỡ, áo quần vàng chói. Rồi đến ông trung úy trẻ tuổi công tố viện, sẵn sàng buộc tội đào ngũ là hèn nhát. Ông ta chồm lên, gào lớn như một vị tướng ngoài mặt trận trong khi đám quân phạm đứng nghiêm dưới sân khấu. Bị can đào ngũ trong thời chiến. Tại sao lại đào ngũ lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba thứ tư? Bị can đã bị phạt ba năm tù treo lại tiếp tục đào ngũ. Tại sao ? Tại sao ? Nắng gắt trên sân trại. Phía bên kia đường là dãy lầu  có đám cố vấn Mỹ đứng trên hành lang nhìn sang. Có mấy tà áo màu nhởn nhơ, phất phới. Lên, lên, dễ chừng cứ  lên mãi. Bị can khai vì lý do gia đình. Cha già, mẹ yếu, vợ dại, con thơ. Bị can khai vì xa nhà quá lâu, nhớ làng nhớ xóm, nhớ đất, nhớ vườn. Bị can khai vì chiến trường làm thất điên bát đảo, sống lên chết xuống. Bị can khai 'thằng' đơn vị trưởng coi lính hơn nô lệ, ăn cắp tiền ăn của lính,  đập lính đến trào bọt mép nhảy đành đạch. Bị can lạnh lùng nói:  Tôi chán ghét cuộc chiến. Rồi hồ sơ được xếp lại lần lần. Đám quân phạm trở lại đàng sau, ngồi xếp bằng, ngồi chồm hổm trên nền xi măng của hội trường. Quân cảnh gác đầy phòng. Súng M16 chĩa nòng về phía đám quân phạm. Càng về trưa, trời càng vắng gió. Tôi mệt mỏi. Tôi muốn ngủ. Bị can đào ngũ trong thời chiến. Bị can một nàng nữ quân nhân chửa hoang. Tên quân cảnh đằng sau. Hai bị can thiếu úy, cấp  bậc  cao nhất trong mấy trăm người ngồi đầu tiên như hai kẻ  nhập thiền.   Chúa trở thành Chúa bởi vì Chúa đã bị đóng đinh trên thập tự giá.. Còn Phật cũng vậy. Ngài chỉ giác ngộ khi tiếp cận với dân bất hạnh, thấy được bên ngoài  bờ thành cao của cung điện. Còn tôi là nhà văn thì phải làm gì ? Tôi đang nhìn. Nhìn tất cả. Tôi đang lắng nghe. Lắng nghe tất cả.
Tiếng loa thỉnh thoảng lại ré lên chát chúa. Thằng Bình thầm thì với tôi:
– Mong rằng họ cho mình thêm vài tháng nằm ấp nữa để dưỡng sức.
– Bộ họ ngu để cho cậu ăn và ngủ không sao?
Bình cười. (Không ngờ đó là nụ cười mà tôi giữ lần cuối. Hắn được thả sớm hơn dự định. Và hắn tử trận chỉ một tháng sau).
Càng về trưa, trời càng vắng gió. Phiên toà diễn ra như một khúc phim chiếu đi chiếu lại trăm lần. Có tay quân phạm ngồi ngủ ngon lành. Có tay đang ngồi đọc truyện chưởng. Có tay há hốc mồm nhìn lên trên bục có vẽ thích thú.
Tôi chán ghét chiến tranh. Cho tôi ở tù chung thân. Lời nói cuối cùng của một bị can trẻ tuổi phát lên làm sửng sờ cả một hội trường. Tiếng xôn xao nổi lên từ mấy trăm can phạm. Bị can đào ngũ lần thứ tư. Tội nặng lắm. Tôi nghe tai trở nên nhức nhối khi tiếng rít của máy khuếch đại nổi lên. Chưa bao giờ tôi thèm được một chỗ dựa lưng như bây giờ. Một chiếc xe GMC khác chở đầy nhóc quân phạm từ từ tiến vào sân tòa án. Mấy tên quân cảnh mở cửa, đứng hầm hừ ở hai bên. Một đám quân phạm nữa lại tiến vào hội trường tiếp tục ngồi đàng sau. Một bà già ở ngoài cửa xách gói đồ chạy ùa vào. Tên quân cảnh nhào đến chụp tay bà lão kéo lại. Bà già vùng vằng:
Con tôi ở đàng kia. Cho tôi gởi cho nó chút ít quà, tội nghiệp mà ông.
Nhưng người lính quân cảnh vẫn kéo bà ra khỏi phòng. Bà ta quay đầu nhìn con, nước mắt trào lăn trên má.
Bị can đào ngũ lần thứ tư. Tôi chán ghét cuộc chiến. Tôi nhân danh tuổi trẻ Việt Nam, kết án  CS, tư bản đã đưa đất nước tôi vào cuộc chiến tương tàn. Chúng tôi là nạn nhân từ những thế lực. Nếu kết tội là kết tội những ông lãnh tụ đã không biết thương dân tộc mình. Chúng tôi không gây nên cuộc chiến này. Chúng tôi không có tội. Nếu các ông không bắt tôi ở tù chung thân, tôi sẽ đào ngũ nữa. Tên lính lạnh lùng nói. Ông toà đập chiếc búa gỗ lên bàn, nói lớn:
Bị can trở về hàng.
Tên quân phạm trở về chỗ ngồi, nhìn ra ngoài cửa sổ.
Toà nghị án. Có tiếng xê dịch khô khan nặng nề trên hàng ghế chánh thẩm. Đám quân phạm được đẩy lên xe, chỉ còn lại lưa thưa những người thân nhân trên hàng ghế chờ đợi. Ông trung úy ủy viên chính phủ ra ngoài hành lang xem báo. Tên trung sĩ quân pháp phụ trách việc gọi tên bị can đã xách xe chạy rong ra phố. Đám lính dàn chào ngủ gục trên ghế.
Nhân danh quốc gia Việt Nam, tôi long trọng tuyên bố các bản án …
Ông quan tòa trở ra phòng lúc 12 g 30. Ông bắt đầu đọc bản án. Một con chim sẻ vụt bay vào hội trường. Tù ở. Tù treo. Tha bổng. Cái danh sách dài như vô tận khiến ông phải ngừng lại, uống nước lấy hơi rồi tiếp tục đọc tiếp. Chỉ có những chiếc bàn chiếc ghế trong hội trường vắng ngắt mới nghe những lời tuyên án của ông.
oOo
Như vậy xin đừng gọi tôi hèn nhát nữa, hỡi các ngài áo thụng, hay các ngài chưa bao giờ biết hô xung phong. Tôi đã trả nợ. Sòng phẳng. Cái nợ tuổi trẻ tôi không gây nên mà phải gánh. Tư ơi, tao cũng trả món nợ tinh thần còn thiếu cho mày rồi. Cám ơn cái bảng vải màu tím may trên ngực áo, biểu tượng của thành phần bất hảo của quân đội, để tôi có thì giờ mà viết. Mà cần ai biết bảng đỏ bảng vàng bảng tím. Mỗi tuần vào ngày thứ hai, chúng tôi phải có mặt để điểm danh sau đó mạnh ai nấy tan hàng. Mặc người ta đang chuẩn bị hồ sơ. Mặc cái tương lai là cái sứ vụ lệnh kèm theo lời dặn dò: đương sự phải phục vụ ở đơn vị tác chiến, xa thành phố, xa trục lộ giao thông. Bộ họ sợ chúng tôi lại bỏ trốn hay sao? Nếu trốn thì lúc này là thời cơ tốt nhất để trốn, cần gì phải đợi ra mặt trận mới trốn.
Vâng. Tôi đã nói, tôi sẽ trở lại mặt trận sau khi truyện dài của tôi được hoàn thành. Món nợ tinh thần tôi phải trả đã trả. Nhưng tôi không thể đem đến cho mọi người hiểu được lời trăn trối của người đồng đội. Tác phẩm bị kiểm duyệt bởi những kẻ đang ở trong tháp ngà ở SG  mà chúng tôi đang đổ máu để bảo vệ,  nhân danh chế độ để chém, cắt cổ đứa con tinh thần của đám trẻ một cách không thương tiếc.  []

TRẦN HOÀI THƯ

                                    ----------------------------------
                                                     trích từ blog trần hoài thư
                                                      ====================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét