BÀI THƠ 'TÌNH GIÀ'/ [PHAN KHÔI]
Phan Khôi [1887- 1959 hanoi]
Critic Phan Khôi was an intellectual leader who inspired a North Vietnamese variety of the Chinese Hundred Flowers Campaign, in which scholar were permitted to criticize the Communist regime but for which ... - Wikipedia -
Như đã biết, cách nay chẵn 80 năm, vào dịp tết Nhâm Thân 1932, học giả Phan Khôi đã công bố – trên phụ san Tết của báo “Đông tây” ở Hà Nội rồi kế đó trên tuần báo “Phụ nữ tân văn” ở Sài Gòn – bài báo “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ”, – bài báo đã đi vào văn học sử Việt Nam như hành động mở đầu phong trào cải cách thơ ca tiếng Việt ở thời hiện đại, – phong trào thơ mới, một phong trào diễn tiến mạnh mẽ, sôi động và đạt thành tựu chắc chắn chỉ trong vòng mười năm, làm thay đổi căn bản diện mạo thơ tiếng Việt, tạo ra một mặt bằng mới cho đời sống thơ ca của người Việt ở thế kỷ XX.
Bài thơ mà Phan Khôi làm theo “một lối thơ mới” và đem “trình chánh giữa làng thơ” vào đầu năm 1932 ấy có tên “Tình già”. Trong bài thơ người ta nghe thấy lời đối đáp của một đôi tình nhân “hai mươi bốn năm xưa”: người này bảo tình yêu đôi ta đã nặng, vậy mà không thể lấy nhau, đành khuyên “sớm liệu buông nhau”, người kia bảo tình giữa hai ta là tình nhân ngãi, “thương được chừng nào hay chừng nấy”…, thế rồi “hai mươi bốn năm sau” tình cờ đất khách gặp nhau, đôi người cũ chỉ còn cách ôn chuyện cũ, tiễn nhau rồi mà “con mắt còn có đuôi”, vẫn còn tiếc nuối ngoái trông nhau!
Câu chuyện trong bài thơ “Tình già” có gắn với một chuyện tình có thật hay chỉ thuần túy là hư cấu? – muốn biết điều này, dĩ nhiên chỉ có thể hỏi tác giả. Trong số những người con của tác giả “Tình già” ít ra có một người, cho đến rất gần đây, đã tin rằng những tình tiết đặt vào bài thơ ấy chắc chắn là được rút từ một mối tình mà chính Phan Khôi trải qua hồi ông mới ngoài hai mươi. Không phải là Phan Nam Sinh (sinh 1940, một trong 10 người con của học giả Phan Khôi) được nghe cha mình kể lại – phần lớn đàn ông thường giữ kín những kỷ niệm loại này trước con cái. – Đây là điều ông Sinh suy ra từ một đoạn tự truyện của chính cha mình. Ấy là bài “Một Phan Khôi tự truyện” đăng “Đông Dương tạp chí” số Xuân năm 1939.
Tôi (Lại Nguyên Ân, người đang viết những dòng này) đã tìm được 2 bài hồi ức đều mang nhan đề như trên (“Một Phan Khôi tự truyện”), đăng báo vào dịp đầu xuân các năm 1940, 1942; nhưng chính bài trên “Đông Dương tạp chí” số Xuân năm 1939; thì tôi chưa tìm ra văn bản. Tư liệu này nhà nghiên cứu Vu Gia đọc được gián tiếp qua nhà văn Thế Phong (Phan Khôi qua một chuyện tình trong tù // Giáo dục phổ thông- - Sài Gòn, số xuân /số 52-53/ 1960). Dưới đây xin phép được mượn tài liệu của hai nhà văn Thế Phong và Vu Gia để thuật lại câu chuyện này, có lẽ cũng còn ít người biết.
Quả là “hai mươi bốn năm xưa”, tính đến năm 1932 ấy!
Chuyện xảy ra vào năm 1908, khi Phan Khôi, gần 21 tuổi, bị “án đồ tam niên”, giam tại nhà ngục Quảng Nam, do liên can vụ án xin xâu 1907. Trong khi gia đình người vợ chưa cưới tuyên bố thoái hôn vì lý do chàng rể Phan Khôi lâm vòng lao lý, thì lại có một người đàn bà khác, một mệnh phụ phu nhân, tình cờ gặp gỡ và say mê chàng nho sinh đang trong thân phận tù đày. Oái oăm làm sao, đấy lại là vợ một viên quan võ hàng tứ phẩm được cử trông coi nhà tù.
… Một ngày kia, viên quan sai lính vào lao hỏi viên đội xem trong đám tù nhân có ai viết chữ tốt thì lấy một người ra viết câu đối cho mình, người ta cử Phan Khôi. Lúc ấy Phan Khôi thấy trong mình đang mệt nhưng nghĩ được dịp đi ra ngoài nhà lao cũng thích.
Ta hãy nghe một đoạn do chính Phan Khôi viết ra.
… “Đến nơi, thấy một đống cũng đến chín mười cân lụa đỏ bỏ ngổn ngang trên chiếu giải dưới đất và một nghiên mực lớn mài sẵn. Một người đàn ông chừng năm mươi tuổi, to lớn, mặt đen, mũi to, ngồi trên sập giữa nhà, ấy là ông Ch. hất hàm chào tôi. Một thiếu phụ còn trẻ lắm, trạc tuổi tôi, người trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan, cả đầu lẫn cổ quấn cái khăn nhiễu điều ngồi bên kia sập.
Nhà không có cái ghế nào cả, tôi ngồi ngay trên cái chiếu dưới đất, chỗ để nghiên mực… Ông Ch. bảo tôi: “Có biết uống rượu không thì, trời lạnh, uống mấy chén mà viết cho dựa tay”. – “Bẩm có thì cũng được”. – “Nhà còn nước không mình?” – Ông Ch. xây lại hỏi người thiếu phụ. Tôi nghe mới biết người ấy là bà Ch. vợ ông. – “Có hiếm mấy”. Vừa nói thiếu phụ vừa đứng dậy đi vào bên trong cầm ra một chai rượu thuốc và một cái cốc rót đưa cho tôi một cốc đầy. Tôi uống cạn cốc rượu thì trải lụa ra viết. Ông Ch. sợ tôi viết quấy, cứ theo nhắc từng chữ. Tôi thấy làm bực mình mà không tiện nói thì ông lại còn vẽ cho tôi chữ này viết thế này, chữ kia viết thế kia. Tôi chừng muốn phát cáu. Người thiếu phụ xuống khỏi sập, lại gần nói cùng ông Ch.: “Tôi xem người này cầm bút là người viết thạo, xin ông để cho người ta viết tự do”. – “Bà nói lạ. Câu đối lụa ít tiền lắm sao?” – “Nhưng đã có ai làm hư của ông đâu? Ngồi kiềm một bên thì còn ai viết được nữa chứ?”. Ông Ch. hình như chịu vợ nói phải, bước ra khỏi chiếc chiếu rồi hai vợ chồng đứng coi tôi. Bấy giờ tôi thấy dễ chịu, hươi cây bút như rồng bay phượng múa, hết đôi này đến đôi khác, càng viết càng tốt. Người thiếu phụ cứ đưa con mắt theo ngòi viết tôi. Còn hơn đôi nữa thì hết, ông Ch. bảo vợ: “Mình ơi mình. Rót thêm cho va cốc nữa đi!” Người thiếu phụ ngoan ngoãn rót cốc rượu đặt trước mặt tôi và nói: “Nghỉ tay uống rượu đã thầy”. Tôi vâng lời như cái máy. Viết xong tôi cung kính chào ông Ch.: “Bẩm quan lớn”. Ông gật. Tôi lại hướng về người thiếu phụ: “Bẩm bà lớn tôi vào”. Thì người đứng dậy: “Tôi không dám, thầy lên”.
Ít ngày sau, một người tù tên Trưng tìm đến đưa cho Phan Khôi một cái gói. Ta lại nghe chính lời Phan Khôi:
“Tôi mở cái gói ra trước mắt Trưng. Đố ai đoán biết được gói gì? Trời ơi! Gói trầu cau! Mười miếng trầu têm kiểu Huế với mười miếng cau bửa dính, mỗi dây năm miếng chồng nanh sấu lên nhau thêm mười mụn vỏ chay và mấy chùm hoa sói. Cái gì lạ! Thực tình tôi không hiểu, hỏi Trưng: “Của ai thế này? Mà lại đưa cho tôi?” – “Của bà Ch.” – Trưng vừa nói vừa cười ngỏn ngoẻn. – “Đưa cho tôi? Tôi biết bà ấy là ai?” – “Ấy thế mới lạ. Thầy mới có chuyện lạ, tôi đã nói”. Trưng nói câu ấy ra dáng đắc ý lắm, và hắn bắt đầu làm như hắn là người có công ơn lắm đối với tôi. Liền tay gói cái gói lại, tôi trao trả Trưng, thêm rằng: “Anh cầm lấy, tôi không biết”. Trưng xin tôi cứ nhận và kể đầu đuôi. – “Lâu nay tôi phục dịch hằng ngày trong nhà ông Ch. và tôi đã được tin cậy nên bà Ch. có đem tình riêng ngỏ với tôi nhiều lần. Bà nói bà thấy thầy thì thương lắm, hôm nay gởi vật nhỏ mọn làm tin, mong ngày khác thầy cho bà gặp để nói chuyện…”
Tại sao thiếu phụ có chồng làm quan lại say mê chàng thư sinh đang bị tù? Tất nhiên ở đây có những bí ẩn muôn đời của “tiếng sét ái tình”; ngoài ra, Phan Khôi dự đoán lý do có thể còn là ở cảnh ngộ cô gái trẻ bị ép gả cho một người chồng già. Đàn ông được yêu, ai chẳng hãnh diện, nhưng hoàn cảnh tù đày khiến chàng trai trước hết phải nghĩ đến sự hiểm nguy, bởi nếu viên quan chồng nàng biết chuyện thì không khó để kẻ tù nhân kiêm tình địch có thể bị ám hại. Dẫu sao, Phan Khôi vẫn nhận gói quà đưa duyên của thiếu phụ, tức chấp nhận mối tình, dù ở phía ông là thụ động. Ông được biết, nàng đe dọa sẽ quyên sinh nếu không được ông yêu lại. Nàng tìm nhiều cách tạo dịp để gặp mặt ông… Ta lại nghe lời kể của Phan Khôi.
“Nhà có một mình bà Ch. Bà tiếp tôi trong một phòng xép. Tôi ngồi trên cái chõng nhỏ, bà ngồi ghế bên cạnh, tay đặt lên cái gáy trên cổ tôi, êm đềm nói: “Chớ anh làm gì mà họ tù anh?” Tôi gắng mỉm cười nói bâng quơ một câu: “Thưa bà, bà còn thương hại tôi nữa sao? Nội một cái hoang tôi dám đến đây cùng bà là cũng đủ lắm rồi”. Bỗng thằng Trưng chạy thình thịch từ ngoài ngõ vào, đứng trước cửa sổ đưa tay cao lên, chẳng nói chi hết. Bà Ch. đứng dậy mở cái cửa cho tôi xuống bếp, và bảo tôi cứ đứng yên một lúc sẽ hay. Tôi bấy giờ thấy nguy, nghe có tiếng nói ồ ồ ở nhà trên, tôi mở cửa nhà bếp thoát ra ngõ. Tìm lại người lính, tôi trở về nhà lao một mạch. Ngay đêm hôm ấy, thằng Trưng nói cho tôi biết rằng khi tôi đến, bà ấy liền cho hắn ra đứng canh ngoài đường, phòng ông Ch. trở lại thì vô báo. Quả nhiên ông trở lại, nói các quan còn nửa giờ nữa mới đi, nên ông không tội gì mà ngồi chực, về nhà nghỉ cho khỏe. Hắn lại nói bà phân vân về tôi mãi: sao đã dặn ở đó một chút nữa mà tôi lại bỏ về đi?
Từ đó bà Ch. vẫn thông tin tức cùng tôi, nhưng cũng không còn dịp nào cho hai chúng tôi gặp nhau nữa. Vì ông Ch. giữ bà ấy cũng như thầy đội đề lao giữ tôi vậy, hàng ngày không dễ gì bà ra khỏi cửa và mỗi lúc ông đi việc quan thì đi rồi về ngay, không để bà ở nhà một mình quá ba giờ đồng hồ.
Không biết làm sao được, thỉnh thoảng bà Ch. lại bảo Trưng nói với tôi kiếm cách đi ngang qua nhà bà một lần để bà trông thấy. Qua tháng tư năm sau, ông Ch. không ở nhà cũ nữa, dọn về ở cái trại lính cách nhà lao không bao xa. Từ ấy bà ấy cùng tôi dễ và năng trông thấy mặt nhau hơn trước, nhưng vẫn không có dịp gần kề trò chuyện. Đến thằng Trưng mãn tù, giữa hai chúng tôi tin tức cũng thưa dần.
Một ngày tháng chạp, thình lình tôi tiếp được lá thư của bà Ch., ấy là lần đầu bà viết thư cho tôi mà cũng là lần cuối. Trong thư bà nói nhân gần đi chữa lại đồ nữ trang, muốn gặp tôi tại nhà người thợ bạc, câu này tôi nghĩ mãi: “Dù yêu nhau mà không được gần nhau, thôi thì sống để dạ chết đem đi”. Tôi đến nhà thợ bạc thì gặp bà Ch. ở đó nhưng người trong nhà đông quá, chỉ nhìn nhau mà hai chúng tôi còn sợ tai tiếng, không dám nhìn no nê. Trọn buổi chiều ở đó, làm ông cũng lò mò tới. Khi trông thấy cái sống mũi đỏ chờn vờn trước cửa thì tôi đã đảo ngõ sau, thành ra thủy chung với bà tôi chẳng trao đổi cùng nhau một lời nào. Tôi không ngờ lần đó là lần cuối cùng tôi gặp bà Ch., vì sang tháng giêng bà lâm bệnh, được đưa về Huế điều trị, rồi mấy tháng sau có tin bà từ trần…”
Mối tình đẹp và buồn thời trẻ trong cảnh ngộ trớ trêu kết thúc ở đấy. Nhưng trong tâm tưởng Phan Khôi, có vẻ như nó không bao giờ chấm dứt. Hai mươi bốn năm sau, dư vị của nó còn được ông nhắc lại. Trong thơ “Tình già”, cả hai người tình hai mươi bốn năm xưa đều còn sống, chỉ có “đôi mái đầu đều đã bạc” đến nỗi “nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được”. Họ chỉ ôn chuyện tình cũ rồi lại rời xa nhau. Còn ám ảnh mãi mãi là nỗi thèm khát được nhìn nhau, – vì chưa bao giờ được nhìn nhau no nê. “Con mắt còn có đuôi” là vì thế! []
25/01/2012
PHỤ LỤC:lại nguyên ân
lại nguyên ân [hà nam 1945- ] -- (epaint by phan nguyên)
- học hàm vị: Cử nhân (1968)
<Email: lainguyenan@gmail.com>
Tình già
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh, kề nhau than thở:
– “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
– “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”
…………………………
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi.
(Tập văn mùa xuân, báo “Đông tây”, Hà Nội, 1932, tr. 6 - 7)==================== |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét