vềnhà văn- chính trị gia hồhữu tường
huỳnh ái tông
sưu soạn
một số tác phẩm hồ hữu tường -- (bìa sách: internet)
Ngoài tên thật, Hồ hữu Tường còn dùng bút hiệu Pierre Vutren, Ý Dư, Nguyễn Huệ Minh (tên vợ), Khổng Cưu, Duy Phong... Ông sanh ngày 8-5-1910, tại làng Trường Thạnh, quận Châu thành tỉnh Cần Thơ, trong một gia đình nông dân tá điền. Học trường làng rồi trường tỉnh. Năm 1926 tham gia vào cuộc tranh đấu với thực dân Pháp nhân dịp tang lễ Phan chu Trinh, và lãnh đạo cuộc bãi khóa tại trường Cần Thơ để chống bản án Nguyễn an Ninh, nên bị đuổi học. Sau nhờ bà con cho tiền sang Pháp học ở Marseille. Năm 1930, chuẩn bị thi Cao học Toán ở Lyon thì phong trào cách mạng Việt Nam bùng nổ, được kiều bào đưa ra lãnh đạo cuộc chống đối bản án tử hình 13 liệt sĩ ở Yên Bái.
Chánh phủ Pháp tìm bắt, ông trốn sang Bỉ rồi về Việt Nam. Sau đó ông trở sang Pháp lấy bằng Cao học Toán, rồi cùng những bạn học cũ tham gia vào phong trào cách mạng bị trục xuất về nước. Sáng lập tả phái đối lập ở Ðông dương, và làm lý thuyết gia cho tổ chức ấy. Năm 1932, bị bắt và bị kết án ba năm tù treo.
Năm 1933, cùng với Phan văn Hùm chủ trương tạp chí Ðồng Nai. Năm 1934, cùng với nhiều nhà cách mạng như Nguyễn an Ninh, Tạ thu Thâu, Phan văn Hùm ... sáng lập nhóm La Lutte. Năm 1936 chủ trương Phong Trào Ðông Dương Ðại Hội. Năm 1938, tách ra khỏi nhóm La Lutte, thành lập tờ báo Militant, tạp chí Tháng Mười và chủ trương tuần báo Tia Sáng (sau thành nhật báo). Giữa năm 1939 ly khai Ðệ tứ Quốc tế Cộng Sản và rời bỏ chủ nghĩa Marx. Tháng 9 năm ấy bị bắt và bị án tù 4 năm, bị đày ra Côn đảo, đến năm 1944 mới được thả về.
Khi bị an trí tại Cần thơ, có gặp giáo chủ Huỳnh phú Sổ, bàn luận về tiền đồ dân tộc, Sau đó ra Hà nội, Việt minh cướp chính quyền, bị kẹt ở đó đến cuối năm 1947, mới trốn được về Sàigòn, trong thời gian ở Hà nội, ông có sáng tác một loạt tác phẩm, sau mang về xuất bản ở miền Nam. Trong đó có 'Tương lai văn hóa Việt Nam', 'Tương lai kinh tế Việt Nam', 'Muốn hiểu chánh trị', 'Phi lạc sang Tàu '(Ngàn năm một thuở, tựa in lần đầu năm 1949 nhà xuất bản Sống Chung).
Năm 1948 gia nhập vào làng báo Việt Nam, sát cánh với thi sĩ Ðông Hồ, viết cho nhiều tờ báo ở Sàigòn, cộng tác với nhóm Sống Chung, xuất bản 'Thu Hương', 'Chị Tập', 'Ngàn Năm Một Thuở.'
Năm 1949 sang Pháp, ra tờ Cảo thơm, mở lớp làm báo hàm thụ, xuất bản tạp chí song ngữ Anh, Pháp Pacific theo chủ trương thuyết đã gẫm trong tù “Ðường lối thứ ba".
Năm 1954, nhơn có hội nghị Genève, đứng ra chủ trương nhật báo Phương Ðông ở Sàigòn để phổ biến “Trung lập chế”.
Năm 1955 muốn ngăn sự Nam Bắc tương tranh, sang Bình Xuyên giải hòa giữa Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia gồm: Cao Ðài, Hòa Hảo và Bình Xuyên với thủ tướng Ngô đình Diệm, bị mắc kẹt trong binh lửa giữa mặt trận Quốc Gia với Bình Xuyên, rồi bị bắt.
Năm 1957 bị kết án tử hình, án chưa thi hành nên bị giam ở Côn Ðảo. Cuộc Cách Mạng 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô đình Diệm, ông và một số tù chánh trị được Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng đưa về Sàigòn, đến năm 1964, án tử hình giảm xuống còn án tù 13 năm.
Năm 1965, giữ chức phó Viện trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh, dạy môn Xã hội học tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, nơi đây ông cũng chủ trương phổ biến khoa EOMIR.
Thời gian này ông cho tái bản một số tiểu thuyết cũ như' Phi Lạc Sang Tàu' và cho xuất bản một số tác phẩm mới viết như 'Nói Chuyện tại Phú Xuân,' 'Thằng Thuộc Con Nhà Nông', 'Trầm Tư Của Một Tên Tội Tử Hình', 'Kế Thế,' 'Hồi Ký 41 Năm Làm Báo' ...
Năm 1967, án tử hình của ông được ân xá. Ðắc cử dân biểu tại Sàigòn, năm 1970, xuống tóc tu tại gia theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương của đức Phật Thầy Tây An, từ năm này trở đi, ông chuyên hoạt động về văn hóa, đề tài ông thường diễn thuyết để đề cao nền Văn hóa Dân tộc. Ông có trí nhớ, hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực, do đó ông được nhiều người tôn trọng là một học giả.
Sau ngày 30-4-1975, trước tiên năm 1977 ông bị bắt giam ở số 4 Phan đăng Lưu Gia Định, đến tháng 6 năm 1979 được chuyển đến khám Chí Hòa, khoảng tháng 8 năm 1979, chuyển đến Long Bình, sau đó chuyển đến trại Z30D ở Hàm Tân, khoảng tháng 6 năm 1980 vì bệnh nặng, ông được Trại chuyển ra bệnh viện Huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tại đây bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh xơ gan cổ chướng, đến thời kỳ khó thoát khỏi tử thần, Trại quyết định tha cho ông để về Sàigòn chữa trị, theo đơn xin của vợ ông bà Huệ Minh. Trên xe chuyển ông về bệnh viện Chợ Rẫy, do Phan Chính một nhân viên y tế ở bệnh xá trại Z30D, độc giả mến mộ ông, đã tìm cách theo xe đưa ông về, xe còn cách nhà chừng 100 thước, ông tắt thở lúc đó khoảng 5 giờ chiều ngày 26 tháng 6 năm 1980, ông thọ 70 tuổi.
tác phẩm
- Xã hội học nhập môn (Minh Đức, 1945)
- Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945)
- Tương lai kinh tế Việt-nam (Hàn Thuyên, 1945)
- Phong kiến là gì? (Minh Đức,1946)
- Vấn đề dân tộc (Minh Đức,1946)
- Muốn tìm hiểu chánh trị (Minh Đức,1946)
- Tương lai văn hóa Việt-nam (Minh Đức, 1946)
- bộ Một thuở ngàn năm: Phi Lạc sang Tàu Sống Chung, 1949)
- Kinh tế học và kinh tế chánh trị nhập môn (Tân Việt, 1945)
- Tương lai kinh tế Việt-nam (Hàn Thuyên, 1945)
- Phong kiến là gì? (Minh Đức,1946)
- Vấn đề dân tộc (Minh Đức,1946)
- Muốn tìm hiểu chánh trị (Minh Đức,1946)
- Tương lai văn hóa Việt-nam (Minh Đức, 1946)
- bộ Một thuở ngàn năm: Phi Lạc sang Tàu Sống Chung, 1949)
- Gái nước Nam làm gì?: Thu Hương (Sống Chung, 1949).
- Gái nước Nam làm gì?: Chị Tập (Sống Chung, 1949).
- Nỗi lòng thằng Hiệp (Lê Lợi, 1949).
- Lịch sử văn chương Việt-nam (tập 1, Lê Lợi, 1950)
- Phép nói và viết hỏi ngã (1950)
- Em học tiếng mẹ (1950)
- Em tập đọc (1951).
- Tam quốc chí (tâp1 1951)
- Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (in tại Paris, 1951)
- Quả trứng thần (1952)
- Bộ Một thuở ngàn năm: Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vannay, Paris, 1955)
- Kế thế (tiểu thuyết dã sử, Huệ Minh, 1964)
- Bộ Thuốc trường sanh: Xây mộng (Huệ Minh, 1964)
- Bộ Thuốc trường sanh: Phúc đức (Huệ Minh, 1964)
- Bộ Thuốc trường sanh: Vẹn nguyền (Huệ Minh, 1964)
- Hoa dinh cẩm trận (tiếp theo Thuốc trường sanh)
- Trầm tư của một tên tội tử hình (Lá Bối, 1965)
- Luận lâm I (Huệ Minh, 1965)
- Nói tại Phú Xuân (những bài tham luận đọc tại Đại Học Huế, Huệ Minh, 1965)
- Kể chuyện (Huệ Minh, 1965)
- Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965).
- Bộ Một thuở ngàn năm: Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam Cường, 1966)
- Bộ Một thuở ngàn năm: Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966)
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Mai Thoại Dung (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966).
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Tam nhơn đồng hành (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966).
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Ông thầy Quảng (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966).
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Bủa lưới người (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966)
- Thằng Thuộc con nhà nông (An Tiêm, 1966)
- Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản, Paris, 1968)
- Un fétu de paille dans la tourmente (Paris, 1969, chưa in)
- 41 năm làm báo (Trí Đăng, Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984)
- Gái nước Nam làm gì?: Chị Tập (Sống Chung, 1949).
- Nỗi lòng thằng Hiệp (Lê Lợi, 1949).
- Lịch sử văn chương Việt-nam (tập 1, Lê Lợi, 1950)
- Phép nói và viết hỏi ngã (1950)
- Em học tiếng mẹ (1950)
- Em tập đọc (1951).
- Tam quốc chí (tâp1 1951)
- Những kỹ thuật căn bản của nghề làm báo (in tại Paris, 1951)
- Quả trứng thần (1952)
- Bộ Một thuở ngàn năm: Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Vannay, Paris, 1955)
- Kế thế (tiểu thuyết dã sử, Huệ Minh, 1964)
- Bộ Thuốc trường sanh: Xây mộng (Huệ Minh, 1964)
- Bộ Thuốc trường sanh: Phúc đức (Huệ Minh, 1964)
- Bộ Thuốc trường sanh: Vẹn nguyền (Huệ Minh, 1964)
- Hoa dinh cẩm trận (tiếp theo Thuốc trường sanh)
- Trầm tư của một tên tội tử hình (Lá Bối, 1965)
- Luận lâm I (Huệ Minh, 1965)
- Nói tại Phú Xuân (những bài tham luận đọc tại Đại Học Huế, Huệ Minh, 1965)
- Kể chuyện (Huệ Minh, 1965)
- Nợ tinh thần (Huệ Minh, 1965).
- Bộ Một thuở ngàn năm: Tiểu Phi Lạc náo Sàigòn (Nam Cường, 1966)
- Bộ Một thuở ngàn năm: Diễm Hồng xuất giá (Nam Cường, 1966)
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Mai Thoại Dung (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966).
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Tam nhơn đồng hành (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966).
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Ông thầy Quảng (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966).
- Bộ Hồn bướm mơ hoa: Bủa lưới người (tiểu thuyết, Nam Cường, 1966)
- Thằng Thuộc con nhà nông (An Tiêm, 1966)
- Người Mỹ ưu tư (tác giả xuất bản, Paris, 1968)
- Un fétu de paille dans la tourmente (Paris, 1969, chưa in)
- 41 năm làm báo (Trí Đăng, Đông Nam Á tái bản tại Paris, 1984)
trích văn
Con thằn lằn chọn nghiệp
1.
Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ và âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am, chỉ có một sư cụ già, thui thủi một mình, quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn, vừa cao ngất, củi sắp vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm nom.
Một hôm, trời đã tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng:
- Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới dõi đến đây. Mong nhờ sư cụ cho tá túc một đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.
Nhà sư ung dung, chắp tay đáp:
- Mô Phật, cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.
Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:
- Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện, may được hai ngài quá bước, ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước….
Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:
- Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?
Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:
- Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra…. Và từ ấy, tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.
Một người khách hỏi:
- Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?
- Mô Phật. Chỉ có lời nói mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời? Vậy tôi xin vui lòng nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách, thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai ngàn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly, ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần mà cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay cũng đã gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo.
Người khách thứ hai hỏi:
- Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?
- Đã được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn; lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy….
Đến đây, bữa cơm chay đã mãn. Khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước tới trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đăng đẳng….
2.
Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi vài câu:
- Tội nghiệp thay cho sư cụ già, quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ. Phật pháp lập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát triển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ; rồi sanh ra môn ra phái. Ấy là nguồn gốc của sự chi ly. Nay rừng thiền đã hơn tám mươi bốn ngàn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.
- Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó, và nghĩ thêm rằng: Nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho kịp với mọi sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón rước cái Pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong của Thích Ca chăng?
Lời nói của hai người khách giữa cái am vắng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am khi am vừa mới dựng lên, và đã từng nghe 999 lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp cho con thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu…. Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn? Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người được giác rồi sẽ hay?
Rồi con thằn lằn quyết định: Phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: Ấy là bò lên bàn Phật, đến dĩa đèn dầu, rán sức mà uống cạn dĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.
Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ: hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình. Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.
Nhưng, sau đó đêm nào cũng vậy, buổi đọc kinh chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào lúc khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.
Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn lên dĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, và mắng rằng:
- Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!
Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.
3.
Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy:
- Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của pháp ta là thế nào! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là Tham ; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn, ấy là Sân; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là Si. Có đủ Tham Sân Si tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời, cũng chưa bù được.
Tội ngươi lớn lắm, phải rán tu luyện thật nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt cho hết đống tro do xác ngươi thiêu mà hóa ra, rồi đem tro ấy tung khắp bốn phương trời. Mỗi một hột tro đó sẽ biến sanh thành một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sanh ấy sẽ được quy nguyên, trở hiệp lại thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả. Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:
- Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được giác một phần rồi, mà làm tội, thì tội đáng kể là mười
Con thằn lằn lạy mà thưa rằng:
- Bạch Phật tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?
Phật phán:
- Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người? Đã đành rằng việc tụng làm của nhà sư là một việc mê tín, nhưng dầu là mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại. Nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi là để dắt người vào, thì làm sao cho được. Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại?
Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quì lạy mà xin tội:
- Xin Phật tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sanh do những hột tro, mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó.
Phật đáp:
- Ta cho ngươi được toại nguyện.
Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng:
- Xin Phật tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?
Phật đáp:
- Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại.
4.
Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề có lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế…..
Một hôm trong hồi xiêu bạt, hồn con thằn lằn thấy bóng của một trong hai người khách đã đến am thuở nọ, mà câu chuyện nghe lóm đã làm duyên cho mình mấy năm đau khổ.
Thằn lằn vội vã bay theo vái chào và kể nỗi niềm đau đớn:
- Ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít, có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô định này. Đã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ bến.
Hai ông khách đáp:
- Chúng tôi đâu dám lên mặt thầy đời mà dạy người, huống chi lại dám đèo bồng mang lại một giải pháp cho một vấn đề nan giải. Nhưng đã lỡ gieo trong trí ngươi một ý nghĩ làm cho ngươi phải khổ như bây giờ, thì phải góp ý kiến để cho ngươi suy xét mà gỡ rối. Ấy gọi là chuộc lỗi.
Hồn con thằn lằn gật đầu, cảm ơn trước. Một người khách nói:
- Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự “đắc đạo” của mình. Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thì tốt, bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người….
Nghe đến đó, thì một điểm linh quang bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp:
- Xưa nay, trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ này được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hoá triệu triệu người….Rồi, cũng phải luyện văn tâm, để cho văn ngươi có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên….
Hồn con thằn lằn gật đầu ba cái để tạ ơn và nói rằng:
- Con đường ấy khó đi cho đến hết được, song chắc chắn là đi cùng đường, ắt có thể đến trước tòa sen mà chầu Phật tổ. Vậy tôi xin cố gắng.
hồ hữu tường
(1953)
(1953)
trái qua, hàng đầu: chủ nhà in Nguyễn Bá + nhà văn tiền chiến Lê tràng Kiều+ Hồ hữu Tường (áo sơ mi trắng, thắt cà vạt)+ Phạm đình Tân, chủ báo Văn Đàn+ nhà làm từ điển Đào đăng Vỹ+ nhà gia phà học Dã Lan- Nguyễn đức Dụ.
- chụp tại tư thất nhà gia phả học Dã Lan-Nguyễn đức Dụ tại 150/2 đường Duy Tân ( Phú Nhuận) -- nhân dịp chủ nhân mời một số vị khách văn nhân , thi sĩ, nhạc sĩ, từ điển gia, chủ báo tới dự tiệc chủ nhân ra mắt sách . (phải qua, hàng sau)
- ông Bổn ( họ hàng chủ nhân) +Mai Thảo+ Hà Thượng Nhân+ Võ Sum, trung tá Hải quân VNCH, là tác giả một tập truyện ngắn) Thế Phong+ Hùng Lân (nhạc sĩ) + Trần văn Minh, tác giả 'Chết non' Trong đục' ... +tư lệnh Không quân VNCH+ nhà phê bình văn học Nguyễn đình Tuyến (đại tá, trưởng phòng Báo chí bộ Quốc phòng VNCH) + Mặc Thu, chủ báo Người Việt Tư Do + Lê ngộ Châu, chủ trương tạp chí Bách Khoa + nhà văn Phan Nhật Nam ( đại úy Dù VNCH)+ Nguyễn mạnh Đan, nhiếp ảnh gia, người chụp tấm ảnh/ 1974).
tài liệu tham khảo;
- Huỳnh ái Tông/ Văn Học Miền Nam/ Hiên Phật Học/ Việt Nam, 2009.
- Phan Chính/ Hồ hữu Tường - Những ngày cuối đời -- Blog: Talawas.com/
----------------
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét