Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

lê thị huệ phỏng vấn nhà thơ miền Nam; lâm hảo dũng ( phần 2) -- gio-o.com

phỏng vấn
nhà thơ
Lâm Ho Dũng
lê thị huệ thực hiện
kỳ 2 (tiếp theo)

Lâm Hảo Dũng là thi sĩ thuộc lớp thanh niên trẻ bị động viên nhập ngũ ở Miền Nam thời Quốc Cộng chiến tranh 1954-1975. Ông là nhà thơ nổi bật với các thể loại thơ truyền thống như thơ bảy chữ, tám chữ và lục bát. Thơ ông được giới sáng tác cũng như độc giả Miền Nam trước 1975 yêu chuộng, vì tính nhạc và tài xoay chữ nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.

Nhưng nếu có một cuộc nghiên cứu thì giòng thơ người lính Miền Nam Lâm Hảo Dũng rất đáng nghiên cứu. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của một thành phần lính Miền Nam, sáng tác hồn hậu về người lính Miền Nam khi xuất trận: hiền-nhân-thắng-thú-tính. Tuy vào trận chiến nhưng tâm thế vẫn lãng mạn hào hùng: khinh-tởm-việc-giết-người. Đây là một khủng hoảng khá bi hùng khác với khủng hoảng thú-tính-bắn-vào-quân-thù, như vẫn thường được thấy trong các tác phẩm kinh điển chiến tranh của phương Tây. 

Ông rời Việt Nam cuối thập niên 1980 và định cư ở Vancouver Canada. Ở Hải Ngoại thời gian đầu,  thơ Lâm Hảo Dũng xuất hiện khá nhiều trên tạp chí Làng Văn (Nguyễn hữu Nghĩa), Lửa Việt (Bùi Bảo Sơn), Nhân Văn (Thượng Văn, Tưởng Năng Tiến, Lâm Văn Sang) … trong các thập niên 1980, 1990 .Sau đấy ông vắng mặt trên các tạp chí văn học hải ngoại khá lâu. Mới đây ông gởi thơ trở lại cho trang Gió O . Điều độc đáo là tuy vắng thơ cho các diễn đàn văn chương trên hàng chục năm, nhưng khi trở lại Lâm Hảo Dũng vẫn làm thơ hay. Vẫn cuốn hút người đọc với những bài thơ dễ tuồn cảm xúc và chữ nghĩa vào hồn. Cứ như thời gian không mảy may làm suy suyển một tài thơ thân thiện với đời là chàng thơ hồn nhiên Lâm Hảo Dũng.  

Gió O hân hạnh giới thiệu cuộc phỏng vấn với nhà thơ Lâm Hảo Dũng. (04/2017)



Lê thị Huệ: Những bài thơ của anh dạo gần đây trên Gió O, có hơi hướm quờn trở lại mùi chiến tranh . Theo anh, "mùi chiến tranh" ở lại trong con người anh là mùi như thế nào ?

Lâm Hảo Dũng: Tôi cũng khó giải bày và dường như mỗi con người (về tôi) cái chất “lính”  như vết xâm khó tẩy xóa và có thể nó cũng chiếm một khoảng không gian và thời gian to rộng của đời tôi. Tôi cũng bắt gặp một người rất đồng cảm đó là nhà thơ Trần Hoài Thư , không chỉ riêng về thơ, ngay cả văn anh viết cũng thế : lính và chiến tranh.

“Quờn trở lại mùi chiến tranh”, thưa cô đó là một hình thức tìm về kỷ niệm, bởi chưng trong đời sống thường nhật, những giao tiếp bên lề xã hội ,làm sao có được những giây phút nguy nan,gian khổ được căng phồng qua tình chiến hữu, dù binh chủng chúng tôi khiêm nhượng là lính “tài tử”, tức là không mặt đối mặt với đối phương.

Dư vị chiến tranh, tôi nghĩ không chỉ riêng chúng tôi mà là sự hiện hữu trường tồn cho mỗi người cầm súng miền Nam.

Vâng, chắc cô thỉnh thoảng được vang dội mãi điệp khúc của “ mùi chiến tranh “ trong thơ tôi :

“ Những người tôi biết còn đi mãi
Vẽ tiếp đường hoa tận cuối mồ
Những người kiêu dũng tôi không biết
Nằm chết muôn đời ở Dakto…

Một ngày để thấy tôi còn sống
Còn nhớ Long Tân, Tết Mậu Thân”

(Gió-O- Trong bảo tàng viện chiến tranh ở Canberra-NSW-Úc Châu- 2015- )
hoặc:

“ Những người lính ấy không không chết
Ở với nhân gian, ở giữ mồ…”
(Đứng Bên Cầu Sông Kwai ở Kanchanaburi-TháiLan-2015)

Tháng Tư Oan Nghiệt của 1975+  Một Tháng Tư Máu Lửa 1972 :

dường như ta mới về Tân Cảnh
lên dốc trung đòan số bốn hai
dường như ta đứng nhìn bên suối
còn thấy lung linh tấm thẻ bài

sáu lăm năm không không sáu hai ba
đời lính trận tuổi ghi bằng con số
thương ngọn núi thương rừng sâu thác đổ
và đôi khi ta thấy nhớ quê nhà…”
(Dường Như Ta Mới Về Tân Cảnh- Apr-2014 )

Trong dịp qua Úc thăm người thân, may mắn bất ngờ gặp lại người bạn cùng chung đơn vị cũ. Anh này có người em trai ở một chi đoàn thiết giáp đóng tại căn cứ Phương Hoàng, mất tích trong mặt trận Tân Cảnh vào mùa hè 1972 . Cảm xúc ấy đã gợi cho tôi những hình ảnh ngày xưa khó nhạt nhòa.

“ quanh năm anh ở ven rừng
đôi khi về phép đồi lần bâng khuâng
có người cho mượn trái tim
ngủ quên lại thấy buồn thêm bất ngờ
bước vòng trong ngọn kẻm khô
giày vương bụi đỏ bao giờ mới thôi ?
…………………………………….
bạn anh một sớm về xuôi
mang cây súng gãy của người bại binh
Củng Sơn đêm tối một mình
ngó ra mây trắng đổi hình máu tươi
nghe trong sương khói em cười
các anh là cánh chim trời ngao du
buồn chi cánh cửa lao tù….
(39 Năm Gặp Lại Bạn Ở Đơn Vị Cũ - 2013)

Nỗi ao ước được đi thăm vị trí của QLVNCH ở đồi 30-31 thôi thúc tôi rất nhiều. ( một người bạn Pháo Binh Dù mất tích ở đây) .Tôi nhớ không lầm lúc cuộc hành quân Hạ Lào ở Vùng I thì tại vùng II chúng tôi cũng có một cuộc hành quân tương tự, dọc theo vùng Tam Biên .Trong năm 2015, qua Lào tôi đánh mất một cơ hội vì không chuẩn bị trước; năm 2016, tôi quyết định đến đó. Từ thành phố Savannakhet (gần biên giới Thái Lan) đến Bandong khoảng 275 km, có đường rẽ về đồi 30-31 ( từ đường số 9 vào đến trận địa khoảng 20-30 km, vì không đủ thời gian , không ai hướng dẫn và lý do an ninh nên ý định đành bỏ dỡ ). Chỉ thăm được Viện bảo tàng chiến tranh Lam Sơn 719 nằm ngay trục lộ hướng về đèo Lao Bảo, Đông Hà -Quảng Trị của Việt Nam).

“Đứng bên đường chín ,nhìn Lao Bảo
Một ngã xuôi về chiến địa xưa
Cây vẫn xanh đường luôn sắc đỏ
Thời gian chết đứng giữa hư vô

Ngày đi đốt nắng thiêu thân xác
Tôi đổi trao tôi chữ thập sầu
Tôi vẽ chân dung người mũ đỏ
Gậy đường xuôi Bắc hay về đâu ?

Thấy trong màu áo, trong hình dáng
Đã thuộc từng tên, mỗi địa danh
Họ chính là tôi trong thuở ấy
Một thời, nhưng chẳng thể nào quên…”
(Trong Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Lam Sơn 719 ở Bandong- Savan-Lào-2016)


Lê thị Huệ: "Tôi nhớ khoảng ba hay bốn giờ chiều, trời hôm ấy dầy đặc sương mù, nhìn thấy những anh em Nghĩa quân đang thu mình đứng gác giữ cầu Dakmot, một cây cầu được xem như là cây cầu biên giới từ khu vực Tam Biên, tâm hồn tôi đầy những rung cảm xót xa.

“ Cũng là lính người Nghĩa quân Dakmot
Ngắm hàng cây trơ trụi khóc trên đồi
Những đêm vắng nghe suối rừng tuôn chảy
Như nỗi buồn đất nước mãi chia đôi

Anh vẫn đứng bên cầu sương lạnh xuống
Vẫn âm thầm giữ đất nở hoa thơm
………………………………………..
Xin được gởi đến anh chùm trái sáng
Những hoa đèn quên phố thị về đêm
Để anh ngủ trong yên lành thanh thản
Giữa những ngày bom đạn của Tam Biên.”
Anh Lâm Hảo Dũng, anh cũng biết lính ra trận, nếu mình không bắn địch, địch sẽ lấy mất mạng mình. Anh đã hoá giải chất "giết người", chất "tàn ác" của chiến tranh như thế nào ?  Làm sao anh có thể "rung cảm xót xa" khi anh là một người lính ra mặt trận, nhiệm vụ là phải "bắn vào quân địch" . Tôi muốn hỏi anh như thế, vì trong tôi nổi lên một sự rung đùi sung sướng va ngưỡng mộ, khi có những người lính thi sĩ như Lâm Hảo Dũng của Miền Nam đã không bị thủ tiêu qua cuộc chiến ấy . Thi sĩ đã sống sót! Đã sống sót để nói lên được tính hùng tráng của một tâm hồn Miền Nam nhạy cảm yêu đời chiến thắng được sự tàn ác của chiến tranh.  Đã cất lên được một tiếng lòng, tiếng thơ rất đúng với một bộ phận tâm hồn đáng yêu của thế hệ chúng ta lớn lên trong Miền Nam trước 1975!.

Lâm Hảo Dũng: Xin lỗi ,chắc cô hiểu lầm chăng?. Tôi rung cảm xót xa là cho chính những anh em Nghĩa quân, họ chiến đấu cô đơn, còn chúng tôi đi hành quân yểm trợ thường từ cấp tiểu đòan BB trở lên, đông vẫn thấy “ấm” hơn. Tuy nhiên, như  cô đã cảm nhận, những người lính hay cầm bút miền Nam luôn đầy ắp tình người  và  tính người.


Lê thị Huệ: Anh có nghĩ là Miền Nam thua cuộc chiến Chống Cọng Sản Miền Bắc là vì chúng ta đã không tàn ác đủ, không "giết người" đủ ?

Lâm Hảo Dũng: Câu này tôi khó trả lời vì vượt tầm tay mình. (Tôi không bàn rộng vấn đề này, mà chỉ thu hẹp trong phạm vi những người cầm bút quân đội của miền Nam). Họ cầm súng với trái tim thật thà , (nhiều người vẫn gọi là nhân bản) để bảo vệ đất nước. Sự đối đải nhân hậu có thể bắt gặp trong thơ của Phan Xuân Sinh, Trần Hoài Thư…

Khoảng tháng 1-1973, vài tuần trước khi ký kết hiệp định Paris :28-1-1973, tôi là SQLL/PB cho một Thiết đòan kỵ binh hành quân lục sóat gần Trại BĐQ Biên phòng Đức Cơ-Pleiku. Ngồi trên chiếc M-113, về phía trái, bỗng dưng tôi thấy một bộ xương người nằm trơ trụi… Và tôi viết:
…………………………………..
“Đây điếu thuốc tôi còn đang hút dở
Xin tặng ông phút sơ ngộ đầu tiên
Hãy thật tình đừng e dè dấu diếm
Vì chúng ta đều lính chiến như nhau

Thôi tạm biệt, tôi còn đang lục soát
Gặp bạn ông tôi sẽ bắn tin dùm
Nếu chẳng may bạn ông về với đất
Chắc là vui đấy nhé ! hết cô đơn

Nhưng bất chợt tôi rơi gần ông đó
Vì bạn ông tay xạ thủ nhà nghề
Tôi sẽ kể chuyện miền Nam mưa nắng
Rượu đế nồng mời ông hãy cụng ly “
(Người Chết Ở Tây Nguyên)



Lê thị Huệ: Tính tàn ác của chiến tranh  là một tính hấp dẫn của con người. Và đó là đầu mối để nhân loại tiếp tục gây chiến triền miên không bao giờ chấm dứt . Nhưng hình như tính này vắng mặt trong thơ Lâm Hảo Dũng. Có bao giờ anh cảm thấy đáng lẽ mình nên viết về cái tàn ác của con người. Hay có bao giờ anh cảm thấy mình đã chưa nói đủ về chiến tranh mà mình đã nhìn thấy bộ mặt khủng khiếp của nó.

Lâm Hảo Dũng: Thưa cô điều đó còn tùy vào bản chất con người, tùy môi trường sống. Chúng ta, lớn lên , như cô biết, đi học vẫn là câu:” Nhân chi sơ tánh bản thiện”, “ Ngọc bất trác bất thành khí”, tôi thêm câu này là bởi chưng Cọng Sản vào họ rất dị ứng . 

(...) - tạm lược một số dòng (Bt)


Lê thị Huệ:  Những tờ báo nào của Miền Nam đã đăng thơ anh và đã trả nhuận bút ?  Nhuận bút đầu tiên anh nhận là bao nhiêu . Anh nhớ là đã dùng nó vào việc gì ?

Lâm Hảo Dũng: Cô hỏi tôi chỉ biết cười làm vui. Tôi đâu có nhận tiền nhuận bút cho thơ bao giờ. Tôi đăng thơ ở Văn , Khởi Hành và một số tạp chí khác.



Lê thị Huệ: Hình như anh là người Việt gốc Hoa . Anh có thể cho biết anh có học tiếng Hoa không ? Thuở nhỏ gia đình anh có giữ gốc gác Trung Hoa nhiều không .

Lâm Hảo Dũng: Thưa,tôi cũng như nhiều người Việt ở miền Tây đa số là người Minh Hương. Riêng chúng tôi lớn lên đã mang bản sắc Việt Nam nhiều. Học chữ Việt, không biết tiếng Trung Hoa.



Lê thị Huệ: Anh có thích nấu ăn không ? Anh thích ăn món nào . Anh bảo là anh không thích uống rựợu.

Lâm Hảo Dũng: Xin thú thật tôi nấu ăn rất tệ vì huyết áp cao, cholesterol và đang chờ đón thêm một người đồng hành mới để tạo thành tam giác đều, đó là bệnh tiểu đường. Do đó, nêm nếm rất dở. Món ăn quê nhà vẫn là bánh xèo, gỏi cuốn,” bún nước lèo “, phở. Tôi uống rượu không được , dù có cố gắng. (bác sĩ bảo bao tử thiếu chất enzyme để tiêu hóa rượu).


Lê thị Huệ: Anh có thuộc thơ anh không ?  Anh nói là anh ít đọc lại thơ sau khi sáng tác nhưng anh có yêu thích việc đọc một câu thơ để nghe âm vang của chúng . 

Lâm Hảo Dũng: Thưa cô đã hẳn có, nếu những bài nào ưng ý và không dài qúa!. Đọc lại thơ sau khi sáng tác là điều cần thiết và dĩ nhiên đó là giây phút thú vị để nghe âm vang của từng câu chữ bỗng trầm theo nhịp điệu của thơ.


Lê thị Huệ: Anh thích nghe loại nhạc gì ?

 Lâm Hảo Dũng: Thưa tôi thích nghe bất cứ thể loại nhạc gì nếu tiết điệu êm dịu, nhẹ nhàng.


Lê Thị Huệ: Anh nói ít hay nói nhiều ?

Lâm Hảo Dũng: Tôi cũng nói lai rai , nói nhiều khi có bạn thơ, bạn lính.

Lê thị Huệ: Bài thơ nào của anh, theo anh biết, được nhiều người nhắc đến nhất

Lâm Hảo Dũng: Tôi cũng không rõ, chỉ có tình cờ vào “Văn Chương Việt”, thấy trang web này có đăng  “ Bài Gợi Nhớ Về Châu Đốc”. Và một hôm tự đánh tên mình tìm bài cũ trên web , bỗng thấy có bài “Sương Khói Tây Nguyên” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc vào năm 1980, hay 81 trong phần thơ phổ nhạc của ông. Một người bạn thơ, anh NĐBN cho hay, thơ ông tôi thấy “ Những Bài Ca Dao “ là đặc biệt, diễn tả trọn vẹn những tâm tình, cây cỏ, sinh hoạt, nếp nghĩ của con người và sông nước miền Tây…Hoặc một số bài viết về lính như “ Bên Đồi Chư Pao” mà tôi thỉnh thoảng thấy một số bài viết trích dẫn
 Chư Pao một dãy mồ chôn xác
Những chiến binh sầu đêm cuối thu
Ai muốn qua vùng Tân Phú ngắm
Những hầm than máu chảy về đâu?
Chư Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường…,
 “Ngày về Benhét”:
Sáng nay về tới rừng Benhét
Còn nhớ đồi cao dốc Tử thần
Ta đã một thời đi chiến đấu
Một thời lữ khách rất cô đơn…


Lê thị Huệ:  Có người gọi anh là nhà thơ Lính (lính Miền Nam trước 1975). Hỏi thật hồi đó anh nghĩ sao về đời lính ? Có “yêu đời lính chiến” như nhạc Tâm Lý Chiến của Nhật Trường không ?

Lâm Hảo Dũng: Xin thưa ,yêu hay không tôi chẳng rõ, chỉ biết thích hợp với cá tánh “ nhàng nhàng” của mình.


Lê thị Huệ: Ngoài nhóm thơ Miệt Hậu Giang mà anh đã kể trên, còn những nhà thơ nào ngoài nhóm anh, gốc Miệt Nam Kỳ, có thơ hay mà ít được nhắc tới ?

Lâm Hảo Dũng: Đồng thời với tôi có Hoài Diễm Từ quê Cà Mau, Yên Uyên Sa ( Long Xuyên), Nguyễn Thành Xuân (Châu Đốc).Trước tôi có Lan Sơn Đài, Trần Như Liên Phượng (đã mất). Tôi còn nhớ vài câu trong bài “Đó Em” của anh đăng ở Tiểu Thuyết Tuần San :
Em chưa đầy mười bốn
Hồn trẻ thơ đâu rồi
Những bước dài bão tố
Vũng nước mặn trên môi
Em chợt nhìn đến tuổi
Em ngó lại sau lưng
Người ta khen qúa lắm!
Những đường cong nở vội…


Lê thị Huệ: Anh thích thơ của ai nhất ?  Anh có thể kể tên vài tác giả thơ mà anh yêu mến

Lâm Hảo Dũng: Tôi thích Viên Linh với Thủy Mộ Quan và một số ở “ Hóa thân”, thơ ông, đọc như những tiếng ru nhẹ nhàng của một thời cố lý thanh bình, âm hưởng hương quê rất mực. Một số bài lục bát của Du Tử Lê, Cung Trầm Tưởng, Thành Tôn. Ngoài ra, vẫn yêu những dòng thơ của Hà Thúc Sinh, Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Phù Thế, Triều Uyên Phượng, Trần Hoài Thư, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Hoài Ziang Duy, Ngu Yên,  Bắc Phong (thời 80)….Mới đây ở Gió-O có Nguyễn Thùy Song Thanh,  Nguyễn Đức Nhân…    (còn tiếp)

lê thị huệ 
thực hiện


                               http://www.gio-o.com/LamHaoDung.html

              lê thị huệ phỏng vấn nhà thơ lâm hảo dũng  (phần 2  -- gio-o.com)
                                           (ảnh in kèm bài)


© gio-o.com 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét