nhà văn hậu chiến 1950- 1956 -kỳ thứ 39-
đại nam văn hiến xb, saigon 1959, 1970.
nhà văn hậu chiến 1950- 1956
thế phong
5. diên nghị
Tên thật Dương diên Nghị. Sinh 1933 ở Huế, bạn học, làm thơ, cùng đợt với Thế Viên Thanh Thuyền, Tạ Ký, Kiêm Đạt ... Đã xuất bản : Xác lá rừng thu ( thơ, Saigon 1957)... Ban đấu đăng thơ trên các tạp chí Đời mới, Thẩm mỹ , Văn nghệ tiền phong v.v... Tựa hồ thơ Thế Viên, Diên Nghị khai thác hình tượng lứa tuổi thanh niên nam nữ trong thơ. Thơ tranh đấu, công thức, tầm thường- trong thi phẩm Xác lá rừng thu, chỉ một bài thơ Rừng thu là khá hay, đa số nhạt nhẽo, giả tạo, ít rung cảm, xúc động thật. Chẳng hạn, bài Hoa cà lá mướp, thì, tác giả sao chép tho Trần hữu Thung, qua bài Thăm đường. Vậy thì, thơ Diên Nghị chưa thể có được một bản sắc riêng. Nếu nói chịu ảnh hưởng người đi trước, thì, có 2 cách - trường hợp Quách Thoại chịu ảnh hường bài Trở về/ Xuân Diệu, để, có bài thơ Cờ Dân chủ thật hay. Hoặc, một chàng trẻ tuổi khác, Tô hà Vân ( bút hiệu đầu đời văn Nguyễn đình Toàn) chịu ảnh hưởng bài thơ Những người đi qua làng/ Hữu Loan, để từ đó, Tô hà Vân- NđToàn , viết dược bài thơ Ngày em về thăm quê, có thể nói là khá hay - không giống trường hợp Diên Nghị sao chép bài thơ Thăm đồng/ Trần hữu Thung, để có bài thơ Hoa cà lá mướp.
Hình ảnh buổi đầu, bài thơ trích dẫn dưới đấy, một bài thơ hay của thi sĩ Diên Nghị.
trích thơ:
HÌNH ẢNH BUỔI ĐẦU
Em giữ bên anh một ảnh hình
Một hồn thi sĩ lứa đầu xanh
Một đàn bướm trắng đùa trong giò
Một sớm hoa xoan nở đỏ cành
Bởi một ngày mai anh sẽ xa
Mộng xây lên mộng cũng phai nhòa
Duyên xưa cũng tắt hoàng hôn tím
Tình cũng bạo tàn số kiếp hoa
Đôi nẻo đường về ngại nắng mưa
Song thu khép kín tự bao giờ
Nến gầy, canh lụn, đau lòng sách
Chữ cũng như người dáng ngẩn ngơ
Em giở từng trang đọc từng tên
Từng đêm hè quanh lại từng đêm
Bài thơ tâm sự càng héo hắt
Người ấy năm năm em đã quên?
Hoa phương rưng rưng rụng trước thềm
Mà nghìn năm nữa vạn năm sau
Thời gian chùi sạch mầu son trẻ
Em cũng không quên được buổi đầu..
TRÍCH BÁO 'VĂN NGHỆ TIẾN PHONG'
diên nghị
6. huyền viêm
Sinh 1930 ở miền Trung. Đã xuất bàn: Thơ mùa chinh chiến (Saigon 1956) và nhiều thơ đăng tải rác trên các tạp chí Đời mới, Nguồn sống mới, Văn nghệ tiền phong v.v.. Lớp nhà thơ đồng lứa với Phong Sơn, Tường Phong, Duy Năng ... cùng hoạt động văn nghệ một thời. Huyền Viêm, thi sĩ của thơ tình cảm lứa đôi, hầu hết những bài trong thi tập, kỹ thuật già dặn, ẩn giấu tình cảm, ít tỏ bày cảm nghĩ sống với suy cảm mới. Giọng, hơi thơ Huyền Viêm, đâu đó như còn rơi rớt cách diễn đạt suy nghĩ của người thơ thời tiền chiến, nếu, đem so sánh thơ với thời gian trước đó 25 năm, cũng chẳng thấy gì mới .
trích thơ:
VÂN VƯƠNG
Rồi một chiều nao chẳng hẹn về
Có chàng trai trẻ vội ra đi
Nắng vàng dệt mộng trên hoa lá
Như mộng nàng tiên buổi dậy thì
Tơ liễu Hồ Gươm vẫn rủ buông
Những dòng tơ lệ khóc trăng suông
Chao ôi! thăm thẳm là đôi nẻo
Có kẻ với trông đến mỏi mòn
Ngày tháng chôn dưới bóng chiều
Bao mùa hoa bướm bấy cô liêu
Trăng xưa thắm đọng dòng tâm sự
Nẻo hoang đường mơ bóng dáng yêu
Đây một bồ sông, kia bên sông
Nước xanh khôn nối lại đôi dòng
Người xa ví biết buồn ly cách
Soi thấu tâm tình giết mắt trong
Nhớ một hoàng hôn, hai hoàng hôn
Sương sa giá buốt cả tâm hồn
Chiều nay trở gió về phương bắc
Nghe nhạc ai hoài vong cuối thôn.
1957- TRÍCH BÁO 'VĂN NGHỆ TIỀN PHONG
huyền viêm
( kỳ sau: Khái quát về các nhà văn biên khảo:
Nguyễn hiến Lê, Duy Sinh [Nguyễn đức Phúc Khôi.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét