Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013
nhớ nơi kỳ ngộ / lãng nhân 6
nhớ nơi kỳ ngộ
hồi ức : lãng nhân
báo duy tân
Một buổi chúng tôi ngồi chuyện gẫu quanh khay đèn của Đỗ Văn, bỗng phía ngoài có tiếng giầy lộp cộp đi vào. (...) Nhìn ra là Nguyễn Đình, một công tử từng du học bên Pháp 4 năm, thi đậu bằng lái xe hơi, đương ẩn cư ở Hà Đông, chờ có trớn để thả ga phóng nước đại, dù chửa biết là sẽ đi đâu?
Thấy áo sơ-mi Đình đã sờn cổ tay, anh [ Đỗ ] Văn hỏi:
- Dạo này khá chứ ?
Đình lắc đầu đáp:
- Chả làm gì cả, nên mới tìm đến các anh đây. Tớ xin được cái giấy phép ra một tờ báo lấy tên vớ vẩn là Duy Tân, các anh nghĩ xem có cách nào xuất bản được , thì làm giùm, chứ chẳng nói thì ai cũng thừa biết, tớ thạo võ hơn văn.
[ Đỗ ] Văn hỏi ngay:
- Có tiền không đã ?
- Nếu có đã chẳng phải nhờ đến các bố?
- Không cần chi nhiều, cứ nói có bao nhiêu mới tính toán được chứ ?
- Tôi chỉ có 10 đồng thôi, mà đi hỏi [ vay] quanh, chắc cũng chẳng thêm được bao nhiêu, bấy lâu vay mượn các nơi đã nhiều.
- Mười đồng cũng được đi. Để thử đặt con toán xem thế nào. Ngần ấy tiền thời ra thế nào được báo hàng ngày, cái đó đã hẳn. Phải ra tuần báo, lấy cỡ nhỏ 21x 27, tờ giấy lớn gập làm 8 thành 10 trang. Anh Chí, phỏng xem ngàn đầu hết bao nhiêu tiền giấy in ?
Chí nguyên là kế toán nhà [ in ] Trung Bắc, cầm bút chì ngý ngoáy rồi ngẩng lên, nói :
- Mát 27 đồng.
-Vậy thì vốn có 10 đồng, hãy đưa trước, còn 17, ta sẽ nói với quản lý cho trả hết sau. Bây giờ in số đầu 1000 tờ, bán 5 xu một số, thành 50 đồng, hoa hồng cho trẻ bán báo 10 đồng, còn 4 chục, trả nốt 17 tiền in, lấy về vốn còn lời 13 đồng, con ơi ! Lãi gần rưỡi vốn, làm được đấy chứ ? Ấy là chưa kể những ngàn sau in giá in nhẹ hơn, lời còn nhiều hơn nữa chứ bộ!
Đình mắt sáng lên, nhưng lại ngần ngừ:
-Ngộ ế thì sao ?
- Thì mình phải tìm cách nào không cho phép ế chứ ! Không được ế lấy 1 tờ. Muốn thế, tất phải sáng chế ra 1 phương cách làm báo thật mới toanh, phải không ? Anh em thử nghĩ xem có cách nào thật hữu hiệu. Theo tôi, thì nên đặt mấy nguyên tắc: một là chỉ có chửi người thì ai cũng thích nghe; hai là gọi những người tai mắt toàn bằng tên trống không, không ông, không cụ [ gì ] hết. Cho nó lạ tai.
Xét ra, không còn nguyên tắc nào hơn, tôi [ Lãng Nhân ] bị chỉ định viết những bài ngăn ngắn và truyện ngắn sẽ do TCHYA * đảm trách.
------
* bản chính viết TchyA ( BT ).
Tôi miễn cưỡng ưng thuận, trù trừ 1 lát , quay sang hỏi TCHYA:
- Đành rằng chửi, nhưng chửi ai bây giờ chứ ? Mình chẳng thù hằn ai, biết chửi ai, chửi về cái gì ?
[Đỗ ]Văn đỡ lời :
- Thì hãy cứ lôi những người bị thiên hạ rủa thầm mà nói túa thêm vào , dù không mới mẻ gì, nhưng thiếu gì người xem ... Rồi chờ xem có ai lên tiếng trả lời, bấy giờ sẽ có đầu đề để đối thoại, tha hồ mà ra chuyện.
Thế là bao nhiêu nhân vật tai tiếng nhiều hơn tiếng tăm của Hà thành được đem ra trưng bày.
Khi tôi đến nhà in sửa bài, thấy cụ Bảng Bí đứng bên cánh cửa, tay cầm tập bản vỗ giơ ngang ra, nói bâng quơ:
- Bây giờ người ta viết lách thế này đây !
Tôi biết là trong bài ấy có vài dòng nói đến lối văn tứ thời bát tiết của cụ , ắt cụ bực lắm, vì đã bị gọi trống không là Bí không có tên là Cụ Bảng như thường lệ. Sau cụ Bảng đến ông Nguyễn văn Vĩnh.
Ông Vĩnh là chủ nhà in này, nên ông quản lý thấy có bài nhạo rằng : văn của Vĩn viết dài lê thê, cứ chừng 30 dòng mới ' oong-poăng' không dám cho thợ xếp chữ' - [ nên quản lý ] phải mời chủ nhân lại, xem có cho in hay không ? Thì ông Vĩnh tới nơi, đọc qua, phì cười, bảo :
- Có sao đâu! Cứ in cho người ta !
Đến lúc tôi lên sở Kiểm duyệt ( tôi phải đích thân lên, vì cụ Bảng Nông sơn là thầy học cũ, dễ nói hơn là với người khác ). Cụ Bảng lật lật xem qua, hất hàm hỏi:
- Bài xã thuyết đâu ?
- Thưa thầy, chúng con xin đưa sau. Hãy xin trình thày chỗ này để đem về [ sắp ] chữ cho kịp thời giờ ...
Cụ Bảng duyệt ngay, đinh ninh rằng còn có những bài đứng đắn khác đưa sau. Ai ngờ lúc phát hành chỉ vỏn vẹn có bấy nhiêu, thật chẳng giống các báo khác: báo nào cũng có bài xã thuyết làm cốt, mà ty Kiểm duyệt cũng chỉ chú ý riêng đến xã thuyết mà thôi.
Ngày báo phát hành là cả một sự sôi nổi trong các giới Hà thành. Một ngàn tờ bao bán hết vèo trong buổi sáng.
Được trớn, số 2 in 2 ngàn, số 3 ba ngàn, cứ thế leo lên số 6 ngàn, mới đứng ở mức này, là mức bán cao nhất trong làng báo hồi ấy.
Sở dĩ có đề tài viết tiếp những số sau, chính là vì, như[ Đỗ] Văn đã đoán trước, hông báo nào muốn dây với Duy Tân, biết rằng sẽ như dây với hủi. Riêng có báo Đông phương có ông Đồ Tố sau máu trả lời , khiến cho có cuộc bút chiến kéo dài tới 11 số liền- phần nhiều là Duy Tân cãi cối và nói xược để trêu tức nhà nho.
Tới số 12, tôi [ Lãng Nhân ] bận việc nhà phải rời Hànội, Khái Hưng ở quê lện viết thay, và cũng từ đấy tờ báo thiên về đả kích chuyện dâm bôn và thủ đoạn lừa bịp hay bỉ ổi, gây ra trong đám nạn nhân những phản ứng dữ dội.
Một chủ ngựa thì dẫn dăm chú nài đến định hành hung, nhưng lúc ấy Đình không
[ có mặt ợ tòa ] báo. Nhiều người cũng viết thư dọa dẫm, khiến Đình đâm hoảng, liền trang trí văn phòng bằng gươm, bằng mã tấu, treo la liệt trên tường.,
Đình vốn có tiếng là du côn, nên những lời đe dọa tuy bay đến tời tấp, nhưng không thấy lời nào thực hiện cả. Báo vẫn thản nhiên tiếp tục theo đường lối của[ Đỗ] Văn đã hoạch đỊnh.
Song, bị bới móc mãi , ai mà chịu nổi. Không trả lời bằng cách này, người ta cũng trả lời bằng cách khác. Quả nhiện sau ít lâu, hàng chục lá thư bảo đảm gửi đến hàng ngày ới địa chỉ thân phụ của Đình- một vị hưu quan bị mắng là không biết dạy con. Ông cụ bực mình lên phủ thống sứ yêu cầu rút giấy phép báo.
Tính ra Duy Tân ra được 22 số, Khái Hưng cảm khái làm đôi câu đối giã từ độc giả :
' Sống cách anh hùng
hăm hai số chẳng là ngắn quá
Chết đi lũ nhái
hàng chục năm kể đã dài rồi ''
KHÁI HƯNG
Lý do Duy Tân bán chạy gấp đôi ba báo khác không hẳn là có nhiều độc giả hơn, mà tại phần lớn trường hợp cha mua không dám cho con xem, em mua không dám cho anh biết; thành ra mua đến 3, 4 tờ, trong khi báo hác chỉ mua 1 tờ là đủ cho cả nhà xem chung.
Ngày báo đóng cửa, Đình tổ chức một đám ma rềnh rang, xe đòn 2 ngựa, phường dẫn trước cử bài Marche Funèbre, do ông Louis Chức đài thọ. Đi diễu trong vài phố lớn , rồi đám quay về , đến ngay trước cửa lầu Đông-Hưng-Viên * phố hàng Buồm làm tụi phổ ky nhớn nhác chạy ra xem, trong khi anh em ký giả và tân khách niềm nở dắt tay nhau thủng thỉnh lên lầu, dự bữa tiệc lớn, ăn uống vui vẻ không khác gì mấy anh đô tùy chính cống .
( kỳ sau: Khái Hưng, Ch. Mau's, Nguyễn Triệu Luật, Vũ ngọc Phan... )
----
* còn có tên khác Escalier d' Or. (BT)
lãng nhân
( Nhớ nơi kỳ ngộ / Lãng Nhân - Ziên Hồng xuất bản, USA 1997 - tr. 62- 66 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét