Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013
một mình một ngựa / nguyên sa - 18 -1
một mình một ngựa / thư gửi kiều phong * -18 -1
bài viết : nguyên sa
1
- nguyễn quang lục là ai? tác giả 'Mổ xẻ nhà văn hiện sinh Jean-Paul Sartre' ( in ở Saigon) bị nguyễn nhật duật chê : dốt, dịch sai , quái thai, học vấn lăng nhăng, dở thầy dở thợ, học chưa đến ban trung học, đòi viết sách triết học ?...
- đông mai (chị ruột xuân quỳnh) viết: '... khi viết văn, làm báo, cha tôi ký tên nguyễn quang lục ...'
- nguyên sa hóa thân sinh viên văn khoa Saigon đả kích
nguyễn nhật duật ra sao ...
Vụ Nguyên Vũ ** và Hoàng Vĩnh Lộc vừa tạm yên thì Kiều Phong lại nhận được thư của một ' sinh viên văn khoa' , nêu một số thắc mắc về Nguyễn nhật Duật . Xin đăng tải nguyên văn lá thư và cũng sẵn sàng để anh Duật [ phản hồi ].
-----
* Kiều Phong, bút danh khác của Lê tất Điều, hiện ở Mỹ ).
** sau 1975 định cư ở Hoa Kỳ, Nguyên Vũ ký tên thật Vũ ngự Chiêu. ( BT)
Kính gởi bác Kiều Phong,
Thưa bác,
Chúng cháu là một [ nhóm ] sinh viên văn khoa . [ Riêng ] cháu có vài thắc mắc văn chương, xin gửi bác, để xin bác và các vị cao minh trong văn học giới vui lòng chỉ giáo.
Trong tuần báo' Khởi hành ' số 48, có bài phê bình nhan đề' Một cuốn sách quái đản' ký tên Nguyễn quang Lục *. Bài viết [ của] Nguyễn nhật Duật ** .
----
* Nguyên Sa không nói rõ tựa cuốn sách quái đản kia , có thể là ' Mổ xẻ nhà văn hiện sinh Jean Paul Sartre ' / Nguyễn quang Lục' . Nhờ đọc cuốn ' Xuân Quỳnh / một nửa đời tôi / Đông Mai '
( Nxb Khoa học xã hội, Hànội 1995), tôi đoán chừng Nguyễn quang Lục có tên thật Nguyễn quang Thường, cha đẻ nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và Đông Mai :
"... Tên cha tôi là Nguyễn quang Thường, nhưng mọi người vẫn gọi cha tôi là ông giáo Lục, vì khi đi cầu tự chùa Hương, ông tôi nằm mơ thấy có 6 người con trai đến, ông tôi xoa đầu người thứ 6, nên [ đặt tên Lục ] . Khi viết văn , làm báo , cha tôi cũng còn ký tên là Nguyễn quang Lục . (...) Nghề dạy học đối với ông chỉ là phụ. ông viết báo, viết tiểu thuyết sách nghiên cứu, dịch sách, làm rất nhiều thơ. Những tác phẩm đã in : ' Lịch sử Hànội '( 1953), ' Mổ xẻ nhà văn hiện sinh Jean Paul Sartre ' ( 1970 ) (...)
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước chia làm 2 miền (... ). Trong những năm tháng ấy, cha tôi lận đận ở miền Nam, viết báo, viết văn, dịch sách, làm thơ, giữ thư viện...' (tr. 16- 17 ...)
** Nguyễn nhật Duật qua đời ở quận 11, tp. HCM năm 2000.
( BT chú thích )
--------
Bài phê bình, như cái tựa đã nói rõ, lên án gắt gao cuốn sách ông Lục là 'dốt' , là
' quái thai'. Ộng Lục được ông Duật gọi là người ' học vấn lăng nhăng, dở thầy, dở thợ, 'nói chẳng nên lời' , cũng là tình nghi ông [ ta] ' chưa học hết bậc trung học '.
Ít lâu nay trong văn giới của các bác, có nhiều vị viết ra những lời chúng cháu được đọc, ít thấy trong văn thơ các bậc tiền bối. Như ông Phổ Đức và bà Hoàng Hương Trang luận bàn về hội Văn bút [ chẳng hạn ]. Nay, đến vụ 2 ông Duật và Lục. Ngôn [ từ ] mới lạ, bút pháp đặc biệt nặng nề, như vậy phản ảnh sự tiến bộ của văn chương , hay là nói lên một khả năng văn nghệ và tư cách nào đó cửa kẻ sử dụng ngôn từ như thế, cháu xin bậc cao minh chỉ giáo.
Dù sao, đó chỉ là vấn đề phụ thuộc.
- vấn đề chính yếu là ông Duật chê ông Lục quái thai mà trong bài gọi là phê bình của ông Duật, cháu thấy có nhiều điểm làm cho người ta khó phân biệt ông [ này ] và ông kia. Cháu xin nêu ra đây, nếu chính ông Duật chi giao cho thì càng hay .
1.- Trong bài của ông Duật, có đoạn :
' Những điều kiện lịch sử ( 2 cuộc chiến ) xã hội cảnh suy tàn của chế độ phong kiến trên thế giới , kinh tế ( những cơn khủng hoảng kinh tế định kỳ, nhất là cơn khủng hoảng 1929 làm sụp đổ chính sách kinh tế tự do ) cộng với quá trình diễn tiến của triết học khơi từ cảnh phân hóa các ý thức hệ sau Hégel làm bừng dậy tự trào hiện sinh như 1 hậu quả không thể tránh được của các thành kiến vừa kể...'
Đoạn văn làm cháu kinh ngạc lắm, vì những không định mà nó đưa ra hoàn toàn trái ngược với sách vở mà chúng cháu học ở trường và tham khảo ở thư viện. Có lẽ cháu học còn dốt. Nhưng cứ đánh bạo nêu ra đây để xin các nhà văn hóa và ông Duật giảng cho .
Ông Duật xác nhận : ' Điều kiện lịch sử 2 cuộc đại chiến ' làm bừng dậy tư trào hiện sinh .'
Cái mà ông Duật gọi là ' tư trào hiện sinh', xin được gọi là ' những thuyết hiện sinh' có những nguồn gốc và diễn tiến sau đây :
a .- nguồn gốc xa xôi của thuyết này, với 1 số người là Pascal và Nietzsche, người khác lại cho rằng nguồn gốc của nó xa hơn nữa, khởi từ triết học Hy Lạp.
b.- thuyết này ' bừng dậy' với các triết gia Kierkegaard, Heidegger, Jaspers,
G. Marcel và Sartre. Đó là chỉ kể ra những người được nhắc đến nhiều nhất.
Tìm hiểu về tiểu sử & tác phẩm các nhà tư tưởng nói trên, cháu ghi nhận được .
- triết gia Kierkegaard sinh 1813, chết 1855, tức là trước 2 cuộc thế chiến và trước cả cái gọi là cuộc khủng hoảng kinh tế 1929. Cuốn ' Qu' est ce que la métaphysique'
( Was ist Mephaphysik) vốn là bài giảng của Heidegger tại đại học Fribourg-en-Brisgau ngày 24- 7- 1929 . Tức là trước cuộc đệ nhị thế chiến. Và cùng thời gian với cái gọi là cuộc khủng hoảng kinh tế 1929. Còn' L' Être et temps' một tác phẩm khác của triết gia này được in từ 1927, tức là trước 1929 và trước đệ nhị thế chiến . Cuốn' Kant et le problème métaphysique' viết xong năm 1929.
Một phần đáng kể những tác phẩm nổi tiếng của Sartre được in trước và trong thời gian đệ nhị thế chiến, không phải sau đệ nhị thế chiến : ' Le mur',1937, ' La Nausée',1938, ' L' Être & le Néant' , 1943. Bộ ' Philosophie' của K. Jaspers được in từ 1932.
Sau cùng với G. Marcel ' Journal métaphysique' được in bởi nhà Gallimard từ 1927.
Thế mà ông Duật lại cho rằng:' sau 2 cuộc đại chiến và sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929, ' tư trào hiện sinh mới được bừng dậy' . Cháu e rằng hơi trễ.
Cháu không rõ ông Duật muốn nói đên ' tư trào hiện sinh ' nào, chớ còn nếu định nói đến các tác giả vừa kể thì ông đã sai nặng.
Từ sự sai biệt về ngày tháng, phản ảnh sự mơ hồ về triết sử, nhà phê bình đưa ra cắt nghĩa lạ lùng không thể tránh được : ông cho rằng thuyết hiện sinh là hậu quả không thể tránh được của những thành tố là 2 cuộc đại chiến [ và ] khủng hoảng kinh tế 1929. Cháu e rằng chỉ có sự sai lầm của ông đã ' không thể tránh được' , chớ thuyết hiện sinh khó lòng là hậu quả không thể tránh được cùa cuộc đại chiến và cuộc khủng hoảng kinh tê 1929 - bởi vì các triết gia thuộc môn phái này và tác phẩm của họ đều có mặt vào khoảng thời gian trước cuộc đệ nhị thế chiến và trước năm 1929 - đó là chưa kể cái quan niệm cho rằng triết học, cũng như văn chương nghệ thuật chỉ là hậu quả tất yếu của 1 số yếu tố, trong đó có lịch sử và kinh tế, vốn là 1 quan niệm, ở đây, ít người chứng nhận và ở trong lịch sử triết học đã bị vượt quá từ lâu.
2.- Ông [ Nguyễn nhật] Duật viết :
' Không nên hiểu ông { Nguyễn quang ] Lục căn cứ vào đâu bảo rằng Sartre viết về phân tâm học [ là] những bài báo của Sartre ?'
Ông Duật tỏ ý không tin có việc này. Cháu không biết ông Lục có bằng chứng gì
không ? Nhưng cháu biết có sự việc này, ông F. Jeanson viết trong cuốn ' Sartre par lui même' ( trang 5) như sau :
' ... Sartre đã đọc Freud, Adler Jung, và đã suy nghĩ kỹ lưỡng ( 50 bản văn chứng minh điều đó) về giá trị và giới hạn của phân tâm học cổ điển ...'
Nhà chuyên khảo về Sartre là Jeanson tìm thấy có 50 lần Sartre đã viết thành bài văn về ' giá trị và giới hạn của phân tâm học ' mà ông Duật không đọc thấy lần nào, lại còn hỏi ông Lục kể cũng lạ '. Cháu không bênh ông [ Nguyễn quang ] Lục, vì thực sự cũng không biết ông ấy đã đọc chưa ? Dù vậy, nếu ông Duật cũng lại không biết ' bài nào của Sartre viết về phân tâm học ' thì ông phải đọc sách, hoặc viết thư hỏi ông Jeanson, đừng tỏ ý không tin, khi chưa tham khảo. Khẳng định như thế trong việc phê bình thì kẹt ! Riêng cháu, tuy chỉ là ' sinh viên ' , chưa làm việc to lớn là phê bình, cháu cũng có thể kể lể được nhiều bài văn liên hệ đến trường hợp đó. Nếu không đi thi, cháu sẽ trượt, trừ phi đi xin điểm như ai kia. Khi ông Duật hỏi, cháu sẽ kể, kẻo mang tiếng còn ít tuổi mà khoe chữ, trong khi thực ra còn dốt.
Ông Duật lại viết :
' ... Sartre phỉ báng Freud một cách quyết liệt, phủ nhận vô ý thức ...'
Chỗ này, ông Duật lại tỏ ra chưa đọc kỹ sách của Sartre.
- trang 88 - 89 của' L' Être & le Neánt ' , Sartre bày tỏ 1 quan niệm khác với quan niệm về vô ý thức của Freud. Nhưng đó có là sự phủ nhận hoàn toàn không ? Ông
Jean C. Filioux trong cuốn ' L' Inconscient ' ( trang 125 ) cho rằng : ' ... Sartre chỉ nhằm bác bỏ một vô ý thức biện chứng. ' Cháu không cắt nghĩa thêm về điểm này. Xin để ông Duật suy nghĩ và tìm hiểu , chịu khó tìm kiếm, ông sẽ hiểu .
4.- Ông Duật xác nhận :
' ... hầu hết các nhà tâm lý học hiện đại đều cho rằng cảm xúc là một phản ứng vô thức ...'.
- xin ông cho biết hầu hết là những ai ? Tâm lý học co bao nhiêu nhà khảo cứu hiện nay ? Bao nhiêu người nói như thế, để có thể viết là ' hầu hết '. Triết lý khác với chính trị. Chính khách, khi nói ' toàn dân ' , có thể chỉ có một mình ông [ ta thôi ]. Triết lý không làm thế được. Vì số đông không làm thành chân lý và sự viện dẫn số đông để khống chế một phương sách thấp kém, sự thấp kém rơi xuống một mức thấp hơn nữa, khi số đông đó chỉ là con số không có thực.
[ còn tiếp ]
nguyên sa
( 1932 - Hoa kỳ 1998 )
( Một mình một ngựa / Nguyên Sa - Nhân văn xuất bản, Saigon 1970 - tr. 109 - 114 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét