Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013
nhà văn tác phẩm cuộc đời - thế phong - 9
nhà văn tác phầm cuộc đời 9
tự-sự-kể : thế phong
4
Tuy là thi phẩm đầu tay của tôi in rô-nê-ô không giấy phép; nhưng là phụ bản đặc biệt tạp chí Sinh lực ( bộ mới, số 10, ngày 25 tháng 10 năm 1959) - tôi đem nộp phụ bản và sau đó phát hành. Hẳn rằng bộ Thông tin chưa bao giờ gặp trường hợp này. In ra rồi, tôi đem nộp bản và đếm số lần lả thì cả 3 lần bị nhân viên kiểm nhận của Nha thông tin báo chí * từ chối ; chỉ có bộ Nội vụ và Biện lý cuộc nhận nộp bản mà thôi. Nên sau mới có công văn thượng khẩn gửi tới, và theo chủ nhiệm Võ Văn Trưng, cựu dân biểu
khóa 1 , cựu thanh tra trung, tiểu học gì đó, đương kim chủ nhiệm - và khi tôi viết sách này, thì ông ta đã qua đời. Chủ nhiệm cho biết đây là bức công văn thượng khẩn được gửi tới 3 lần , ban đầu chủ nhiệm tưởng lả tập thơ nói về tình yêu dậy thì tác giả mà thôi . Ông Trưng không mấy lưu ý, và giả dụ có lưu tâm thì cũng chẳng giải quyết được gì ? Bởi, công việc tòa soạn, ông Trưng đã giao cho tổng thư ký tòa soạn, vai trò chủ nhiệm bị coi như chủ nhiệm danh dự. Quản lý tiền bạc là người của tổng thư ký tòa soạn. Nên chủ nhiệm gần như không có quyền hành với tòa soạn, trừ 1 bài xã thuyết chính trị lăng nhăng - vậy thì, đối với tôi, ông ta chẳng có chút quyền hành gì hạch hỏi.
Tổng thư ký tòa soạn đã đồng ý với tôi trên nguyên tắc, tập thơ là phụ bản của báo. Khi anh thấy chủ nhiệm và Nha báo chí làm gắt quá, đành đưa công văn cho tôi xem, thúc giục ,nhắn nhủ quyết liệt : " đi thu ở hiệu sách về ".
------
* Nha thông tin báo chí không nhận nộp bản, tôi đành ra Bưu điện Saigon gửi bảo đảm .
( R. 084 ngày 25 / 11/ 1959 , hồi 18 giờ ).
------
Anh còn nói thêm : "... rồi ra trên ấy sẽ cấp giấy phép , đóng dấu cho bán thôi ". Tôi cho lời nói ấy là lời dụ trẻ em, tôi trả lời anh ta vậy. Tôi quyết tâm không thu về, cứ để bầy bán . Nha thông tin báo chí thấy rằng tập thơ phát hành trái luật lệ hiện hành, thì họ tự ý thu về rồi chuyển sự vụ sang tòa án. Còn giám đốc Nha thông tin báo chí mời chủ nhiệm + tác giả, thì tôi, với tư cách tác giả sẽ không lên, cho dù " thượng khẩn, hỏa tốc " cũng làm gì được nhau ?! Và hậu quả, tạp chí Sinh lực bộ mới chỉ xuất bản được 1 số duy nhất mang tên : Uyên Thao, tổng thư ký tòa soạn - và một phụ bản thơ độc nhất , sau khi phát hành, làm náo loạn dư luận trừ trí thức văn nghệ ở đây, bởi nó sẽ trở thành tiền lệ .
Hồi ấy, Bộ trưởng thông tin Trần Chánh Thành kiêm chủ tịch Phong trào cách mạng Quốc gia ( thật khôi hài, công chức làm việc hành chánh mà lại nhân danh quốc gia làm cách mạng ?) - chủ nhiệm Võ Văn Trưng, cựu dân biểu, đảng viên Phong trào cách mạng Quốc gia - vì thế, tạp chí Sinh lực trước đó, bài vở tồi mấy chăng nữa vẫn được Phong trào mua ủng hộ 500 số / tháng / 18 đồng / tờ , ruột báo mỏng teng , khoảng 20 trang - khác hẳn từ số 10 trở đi ruột 100 trang. Lần này, ông chủ nhiệm bắt đầu hiểu thế nào là làm báo tự do, và được tỏ bầy quan niệm công luận , ( tự do văn nghệ ) , sử dụng quyền hạn thứ 4
( cũng vẫn là văn nghệ thôi ).
Riêng ở bình diện văn nghệ, phụ bản 1 tập thơ có vi phạm chính trị gì to tát đâu, ông Trần Chánh Thành chẳng dại gì ra lệnh tịch thu tập thờ và câu chuyện báo Sinh lực bộ mới số 10 dường như được xếp lại. Chỉ cần thay tổng thư ký toà soạn và bộ biên tập cũ là được. Tất nhiên , chủ nhiệm kiêm đảng viên Phong trào bị" nạo " ( nói theo danh từ báo chí ) sau , chủ nhiệm " nạo" lại quản lý , người của tổng thư ký tòa soạn vốn được chủ nhiệm tin cậy, tình đồng hương Thanh Hóa . Tay quản lý Nguyễn Sĩ Hưng gặp tôi, là trách móc chuyện tập thơ Nếu anh có em là vợ , phụ bản tạp chí Sinh lực số 10 đổi mới gây chuyện chẳng lành !
4 năm qua rồi ,100 quyển thơ kia đến nay không còn tìm thấy 1 cuốn, kể cả nơi bán
" sách xon ". Nói là " sách xon" , nhưng sách Đại Nam văn hiến xuất bản chỉ trừ 6, 7 chục phần trăm , bán ra khoảng 30 đồng / cuốn - Nửa đường đi xuống bán với giá
50 đồng .
Anh bạn làm báo già đời Trần Việt Sơn kể cho tôi nghe chuyện này : chính anh từng nhìn thấy 2, 3 học sinh chung tiền góp mua 1 cuốn Lược sử văn nghệ Việtnam giá 60 đồng. Không chỉ cảm động thôi đâu, đọc giả của tôi , ở đây, còn là thanh thiếu nữ; ít ra, họ mua truyện, thơ, sách biên khảo của tôi, họ tìm thấy sự nhiệt thành người đi
trước chưa bán rẻ lương tâm, hèn nhát; hoặc, nói như một bạn từng tranh luận với
" trùm đạo văn Hoàng Trọng Miên ", thì : "... thời đại kim tiền này , lương tâm đâu có đáng giá giá " một xèng" ".
Thái độ những người trẻ tuổi kia khiến tôi phải suy nghĩ; hơn cả lần bà Thanh My, một nữ viên chức làm cho nhà sách Portail ( Xuân Thu ) gặp, kể cho nghe chuyện:
" Ông phó tổng thống mua sách của anh đó * ". Tôi hỏi sách gì, bà đáp:" Nếu anh có em là vợ " . Lần thứ 2, tôi lại cảm động ( lần trước bạn già làm báo Trần Việt Sơn kể , lần này bà Thanh My ở hiệu sách Portail ). Sách in rô-nê-ô mà được đọc giả mua đọc, giá đắt , cộng thêm lòng nhiệt tình tuổi thanh xuân có lòng yêu mến tác giả. Sách rô-nê-ô in bán lần đầu giữa thanh thiên bạch nhật tại Saigon, khiến nhiều người ngỡ ngàng, đến cà ông Phạm Xuân Ninh, giám đốc Nha vô tuyến truyền thanh Saigon , cũng chẳng khác hơn!
-----
* khi bài nay in trong " Mười năm văn nghệ " , xuất bản trước ngày đảo chính, tôi không nhắc tên ông phó tổng thống mua " Nếu anh có em là vợ ' ở nhà sách Portail - tôi chỉ nói là " đệ nhị , đệ tam công dân". Bây giờ, nói rõ , đó là phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ trong nội các Ngô Đinh Diệm.
-------
Một buổi, ở Câu lạc bộ Văn Hóa khai mạc, ộng Phạm Xuân Ninh ngồi chung bàn vợ chồng Trương Bảo Sơn+ Nguyễn Thị Vinh, nhìn thẳng vào mặt tôi, phát biểu :
"... chúng ta có ở trong thời kỳ kháng chiến đâu mà in rô-nê-ô ? "
Đại khái câu nói là vậy. Rồi ít lâu sau, trên báo Bách khoa , tôi đọc bài giới thiệu sách mới, thi tập Tiếng hát tự do ký tên Hoàng Trinh, in rô-nê-ô, sách tặng, không bán ra ngoài . In thì lem luốc hơn của tôi nhiều. Tôi chẳng biết nói gì hơn là im lặng, nhìn cuốn thơ đặt trên bàn một công sở. Lần ấy, tôi đến thăm ông Ninh và đòi cuốn sách ông mượn, khi tôi còn ở nhà đại úy Triều Lương Chế . Tôi chẳng nhắc lại câu chuyện xưa kia ông đả kích việc tôi in sách rô-nê-ô , và bây giờ chính ông xuất bản thơ cũng in rô-nê-ô ?
Hôm nay, xuất-bản-cục chúng tôi đã in được gần 20 tựa sách của nhiều tác giả * , cũng vẫn in rô-nê-ô, kể cả tập thơ Trước mắt nhìn thi sĩ mới nhất, ruột in rô-nê-ô, bìa ty-pô hoặc offset.
Tôi mong rằng bạn văn , nhất là bạn đọc, hiểu được tại sao ? Không trả lời ai đã cho tôi lập dị, kiêu kỳ, khinh bạc, cố ý làm khác người. Tôi chỉ là người bình thường với mức sống thấp nhất, có ngày ăn hai bữa cơm gạo đỏ ** + cá khô , nhưng tinh thần được tự do. Từ Nếu anh có em là vợ đến Trước mắt nhìn thi sĩ , vẫn là những trang thơ quay rô-nê-ô :
" ...đời sống lao tù quần quật chảy mồ hôi
anh giang tay đỡ những buồn vui biết bao ngày ... ! "
( TRƯỚC MẮT NHÌN THI SĨ )
-------
* các tác giả : Cao Mỵ Nhân ( nữ) , Liên Hoàn, Thiết Tố, Cao Đan Hồ ( Cao Thế Dung ) , Triều Đẩu, Đỗ Ngọc Trâm, Ninh Chữ, Sao Trên Rừng ( Nguyễn Đức Sơn ) , Khải Triều, Phạm Xuân Dương , Thế Nguyên, Tạ Quang Trung , Lý Dũng Tâm, Vương Miện ( Chu Vương Miện ), Bùi Khải Nguyên, Thạch Trung Giả, Đinh Xuân Cầu , Đàm Xuân Cận, Mai Lâm-Nguyễn Đắc Lộc ...
** gạo rẻ tiền nhất .
-----
Trở lại những ngày tôi hì hục đánh stăng-xin tập Nhà văn tiến chiến 1930- 1945, thì gặp lại người tình cũ từ Hànội, đó là cô Đặng Ngọc Oanh . Chẳng là, nàng vừa tự tử
hụt , sau khi ly dị chồng, nhà ở cùng phố Lý Thái Tổ ( Saigon 10 ) với tôi. Khi nàng biết nhà , Oanh tới nơi tôi trọ, khóc lóc, nước mắt nhòa trên trang giấy xáp. Tình cảm quá vãng vẫn còn rơi rớt, mủi lòng, bỏ dở trang đánh máy, tôi đi chơi với Oanh. Những đêm đêm chúng tôi gặp nhau, Oanh nói phen này nhất định làm lại cuộc đời với tôi.
Một đêm, Oanh rủ tôi đi Vũng Tàu, ban đầ từ chối, vì tôi cho rằng sẽ khó tránh được nhiều lôi thôi sẽ ập đến . Chẳng hạn, câu chuyện chồng trước của nàng khi chưa ly dị, đã 1 lần bắt gặp tôi đi với vợ anh ta, may sao lần ấy không xảy ra chuyện .
Lần này, Oanh nhất định bám chặt , tôi đành viết thư cho Cao Mỵ Nhân kể rõ sự việc xảy ra như vậy, và thôi thì , đành cắt mối tình với Mỵ vậy. Ít hôm say, Cao Mỵ Nhân trả lời , mối tình được gọi là có, giữa tôi và nàng,. có nghĩa lý gì đâu mà goi là tình đẹp, tình thơ mộng? Riêng nàng, nhiều chàng si tình viết thư khẩn cầu mà nàng chưa thèm hồi âm đấy thôi ! Tôi biết Mỵ giận , lẽ, tôi tự đặt vào tình trạng mà nàng suy diễn , thì khổ tâm không ít, lại bị tổn thương nữa là khác !
Tôi và Oanh ra Vũng Tàu vào sáng thứ 7. Chiều hôm ấy, 2 đứa nằm dài ngoài bãi biển - Oanh kể cho nghe những nỗi đau đớn của nàng và mối tình tha thiết mà nàng dành cho tôi gần 10 năm. Buổi tới, chúng tôi về khách sạn, tất nhiên chung chăn, gối.
Chiều chủ nhật , chúng tôi về lại Saigon. Biết rằng khó có thể lấy nàng làm vợ. Ít lâu sau, tôi trốn nàng, lấy cớ được mời đi dạy học ở Mỹ Tho. Đồng thời, thuê nhà ở đường Trương Minh Giảng, tôi âm thầm dọn tới đó ( Saigon 3), và viết thư báocho Cao Mỵ Nhân cùng kể hết sự tình, không giấu diếm.
Thế là, vì đàn bà mà tôi đổi chỗ ở bao nhiêu ần như vâty rồi. Tết Nguyên đán năm ấy , tôi tìm gặp Đặng Ngọc Oanh, nàng cho biết , có thai với tôi, sau đêm chung chăn gối ở Vũng Tàu. Tôi vẫn sẵn định kiến, cho rằng Oanh không mấy đứng đắn + tính tiêu hoang không thể khiến gia đình hạnh phúc được ! Chúng tôi cãi nhau, sau khi nàng từ nhà trọ của tôi ở đường Trương Minh Giảng về - tôi tức giận - đã xô nàng xuống xe tắc xi ở ngã tư Sư Vạn Hạnh + Lý Thái Tổ.
Còn Cao Mỵ Nhân, nàng đã xin vào học lớp Nữ trợ tá quân đội. Biết tin này, tôi khổ tâm, lại bực mình nữa, vì tôi có kinh nghiệm qua nữ trợ tá Quân đội viễn chinh Pháp xưa kia - chúng tôi thường đùa, nữ trợ tá loại phụ nữ ba vạ, yêu dễ nhất - " POUVOIR AIMER FACILMENT ", giải nghĩa 3 chữ đầu nữ trợ tá , viết tắt là PAF. Nhưng, tôi đành chịu đựng, tự an ủi, đợi khi Mỵ ra trường sẽ tính toán sau chưa muộn. Song nỗi giận hờn từ vô thức lắm khi phát hiện thành cử chỉ, lời nói; nên chúng tôi thường giận nhau, cãi nhau luôn.
Ở nhà trọ 359 / 15 đường Trương Minh Giảng này, tôi đã thoát được một chuyện tình nữa, mà trước đây tôi đã viết trong truyện ngắn Đêm dài tình ái * . Tự khen mình đã rút được kinh nghiệm về đàn bà, đáng được ghi nhận một điểm son. Nên tránh được một lần, không bị ân hận nữa, khi viết xong truyện ngắn này, thì không hẳn được khuây khỏa mà tại sao vẫn buồn da diết. Hoặc, đôi khi tới thăm họ, nhìn trong đôi mắt u uẩn nàng thiếu phụ, vợ bạn tôi, nay đã 3, 4 con , tôi không thể quên một thời đoạn dĩ vãng tâm sự với nàng ở nhà kế bên 351/15 Trương Minh Giảng !
Khi còn làm trong báo Văn hóa Á châu, tôi thường tới tòa soạn đánh máy stăng-xin toàn bộ Lược sử văn nghệ Việtnam . Đến đây từ 7 giờ sáng tới 2 giờ chiều mới về, cô thứ ký này tính tình rất " văn nghệ " ( cũng tên Oanh, cháu của kịch sĩ Hoàng Như Mai , tác giả vở kịch "Tiếng trống Hà Hồi " , hiện ở bên kia giới tuyến ) , cô ta bảo: "... ông đánh máy liên tục như vậy môt tuần lễ thôi sẽ bị ho lao mất ! " . Tôi tiếp tục công việc này hàng tháng ròng, cô Oanh nhìn tôi , chỉ còn biết lắc đầu.
Cho tới 1 sáng chủ nhật, tôi mặc quần áo chỉnh tề xuống phố ăn sáng, như để tự thưởng công việc đánh máy hàng tháng ròng rã kia, nay hoàn tất mà vẫn bị ho lao . Thì tôi lại gặp 1 người đàn bà chặn giữa đườngi, hỏi có lửa không , tay bà cầm điếu thuốc lá. Dáng dấp quí phái, bây giờ lại có chút gì cần thiết mong được giúp đỡ. Cho lửa xong, từ đấy bắt chuyện qua lại, tôi bằng lòng theo bà ta lên Thủ Đức để xin 1 quẻ bói của 1 thầy bói nổi tiếng xem hay . Lúc đi đường, tôi nhận thấy bà ta rất đứng đắn, hình như bị lỡ độ đường. Khi ở cánh đồng ngoại ô Biên Hòa đi ra, bà tỏ ý muốn tơi thăm chỗ ở trọ của tôi.
-----
* trong tập truyện ngắn " Con chó liêm sỉ " ( Đại Nam văn hiến, Saigon 1963 ) sau , nhà xuất bản Trình Bày / Thế Nguyên , tái bản ( 1966), đổi tựa " Khu rác ngoại thành " .
-----
Ngồi trên xe từ núi Châu Thới về Saigon, tôi nghĩ cách nào đó để nói dối chủ nhà , bởi lẽ, họ biết tôi không có gia đình, chưa vợ, con - nay có người đàn ba lù lù theo tới gác trọ, thì hẳn là chuyện trăng hoa rồi. Nghĩ ra cách nói dối , tôi bảo bà, cứ nhận là người nhà bà cô tôi ở Bà Rịa về Saigon mua máy khâu. Trước mắt, phải mua hoa quả đựng trong 1 cái giỏ, để cho họ thấy rằng bà là kẻ ở xa về. Bà khai tên Nguyên , họ Cao, gốc Nghệ An, góa chồng, có 1 đứa con gái đã lớn khôn - thế là tốt rồi - vậy cứ nhận đại là cháu ruột Cao Xuân Vỹ , một công chức bự trong đảng Cần Lao / Ngô Đình Nhu, tất nhiên chủ nhà tôi sẽ tin thôi.
Bà Cao thị Nguyên làm đúng theo lời dặn, đóng tròn vai kịch tôi giao phó. Buổi
tối , chúng tôi ra quán cơm lao động trên đường Trương Tấn Bửu * ăn cơm, nơi này, tôi thường gặp vợ chồng nữ ca sĩ Kim Vui dẫn nhau lui tới . Nghĩ cảnh đời nghệ sĩ, khi còn hàn vi, nghèo túng, ẩn mình trong quán ăn rẻ, tôi thấy thương thân người và thương thân mình hơn. Chắc hẳn nữ ca sĩ Kim Vui không biết ,cùng ăn cơm trongq uán lao động rẻ tiền này , cũng có 1 văn sĩ nghèo chung số phận hẩm hiu như nàng !
----
* nay đổi tên đường Trần Quang Diệu ( Saigon 3 ).
----
( còn tiếp )
thếphong
( Nhà văn tác phẩm cuộc đời / Thế Phong / Đại Ngã tái bản, Saigon 1970 - tr. 121-130. )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét