Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

nhà văn tác phẩm cuộc đời - thế phong - 5



                                       nhà văn tác phẩm cuộc đời  -  5 
                                                     tư-sự-kể :   thế phong


      Văn Quang  bị đổi lên Pleiku. tôi đến xóm đao Bắc Hà tìm  nhà thuê.   Chưa biết rằng mình sẽ làm gì để có tiền sống, tôi lo xoay sở có một số tiền nhỏ để thuê một căn nhà lá - nhưng cũng không  có  đủ - nên chỉ thuê nửa căn thôi.   Và lo có mấy trăm tiền trả cơm tháng cho  chủ nhà 321 A  Lý Thái Tổ nhận nấu  đưa  tới nhà trọ .  Kể cả thư từ , tôi cũng nhờ địa chỉ này , không sợ thư từ  thất lạc.    

     Hàng ngày vẫn nhận  được tin Linh Bảo qua thư từ.  Mỗi bữa cơm  đưa  lại kèm thư của  Diệu Viên ,  tôi như là  sung sướng vô vàn.   Ít lâu sau, Diệu Viên báo tin nàng sẽ về nước và sẽ ở hẳn bên này cùng  2 con.   Diệu Viên đã sang Hong Kong từ trên 10 năm rồi, nhớ quê hương lắm; nhất là cái nắng ở quê hương sẽ sưởi ấm tâm hồn và bệnh tật của nàng.   Diệu Viên bị mắc bệnh xuyễn, không thể chịu cảnh mưa dầm lạnh buốt.   Tôi vừa sung sướng vừa lo.  Thế có nghĩa là Diệu sẽ  bỏ chồng, anh  chàng đã làm khổ đời nàng bằng một câu văn ngọt ngào mà Diệu đã phải trả bằng một giá rất đắt, cuộc đời sau này  phản ảnh trong tiểu thuyết 
Gió Bấc.  Cùng những tấm ảnh thật đẹp , chụp ở  phi trường Kai Tak, phái sau nền ảnh  là tấm lưới..  Đúng là  cái lưới tình.   Cả ngày, tôi chỉ  ngắm anh và nuôi mộng đẹp.   Giả thử, nếu Diệu  Viên về, câu chuyện làm lại cuộc đời sẽ không khó, song, sự bảo đảm đời sống của nhau mới là điều cần.   
    
       Tôi  lại phải về Bà Rịa ít ngáy tác túc nơi nhà bà cô ruột, năm ấy đúng dịp  Tết cổ truyền.   Tôi mang theo người lá thư  Diệu Viên , thư đề ngày  30  tháng 11 năm 1957 :

       " ... Đựơc thư anh báo tin đã dọn nhà và sách vở sắp xuất bản.   Tại sao anh lại không đóng đô một nơi vĩnh viễn có phải dễ chịu hơn không   ?   Trước có gửi về cho anh một khăn tay kèm theo lá thư, địa chỉ Sư Vạn Hạnh ( nhà của Văn Quang ).    Giấy về nước   tôi chưa nhận được nên vẫn còn ở đây.   Dù sao tôi định đến  Janvier mà không có tin thì cũng cứ về. Cũng chả đến nỗi phải tiếc rẻ.   Nếu anh có rảnh, chú ý tìm hộ tôi một căn nhà.   Có vườn và điện nước, giá  cả  độ  bẩy chục ngàn  Việtnam thôi  .  Tôi muốn có  một chỗ ở, về sau, chứ phải chạy gạo, chứ nếu phải chạy cả tiền nhà nữa thì khổ quá, chắc chạy không nổi ?
     Độ này tinh thần xuống qúa.   Buồn, bận và ốm.  Tôi cũng không rỗi để đánh bài.   Mơ mộng cũng được nhưng nện chừ một chỗ  lùi, kẻo thất vọng mất công, khi gặp phải sự thực trái ngược hẳn ..."

     Tôi đã viết  ý nghĩ riêng trong tự truyện Nửa đường đi xuống.   Nhớ rằng, tôi  viết thư tỏ tình với nàng, thư cũng đề ngày 30 tháng 9 - nhưng lá thư kia đã đánh rơi ở ngoài đường .   Tự nhủ, thế là sự tỏ tình  mang dấu hiệu thất bại.   Nhưng thât  may mắn, có một người vô danh nào đó lượm được rồi bỏ vào thùng thư cho.   Ít lâu sau Diệu  Viên nhận được lá thư ấy .

     Phía ngoài trước mắt tôi, bây giờ, là biển , trong tay đang cầm thư  nàng - vậy là Diệu bằng lòng yêu tôi? .    Nhưng tôi phải có tiền và lương đều đặn  hàng tháng .  Hạnh phúc chỉ có thể nắm được khi có tiền đi kèm,  nhưng ở đất này  thiếu tiền thì hạnh phúc sẽ chết đi.   Giá lúc ấy  mà phải đổi mạng cướp tiền, tôi không  mảy may nề hà .  Nhưng tạo cơ hội thì tôi không làm.  

     Bấy giờ là tháng giêng 1958, Diệu Viên sắp về nước , tội lại càng luống cuống.   Mấy hôm nay, sáng nào tôi cũng ra bờ biển Vũng Tàu, rồi buổi chiều về lại  Bà Rịa, nhà bà cô .   Cơm nước, không khí gia đình ấm cúng ở đây càng khiến tôii phải về lại  Saigon thôi, rồi  ra  quán La Pagode ngồi uống cà phê.   

      Thì gặp ngay nhạc sĩ Phạm Duy  báo tin, Linh Bảo về  Saigon bằng máy bay , nàng  đang đi kiếm tôi.   Tôi vừa sung sướng lại vừa bực rọc , bán tin bán nghi về người cho tin kia.   Tôi rất quí tài Phạm Duy, song không nhiều lắm, mà dành cho Đoàn Chuẩn   toàn diện hơn - bởi vì -  tôi không bao giờ chịu được cái lãng mạn phiêu du tình ái  kiểu Phạm Duy.  Khi  nhìn thấy anh, là tôi thấy sự trâng tráo vô ý thức về tình ái,  tình ái phiêu lưu và sa lầy.    Không hiểu sao tôi lại ghét cay độc bọn đưa gái, ma cô, mà nếu cuộc đời này, không có bọn họ cũng không được.   Cũng như chuyện về bọn mật vụ vậy.  Tôi cũng không phán xét về Phạm Duy, như Nguyễn Đức Quỳnh nhận định, mỗi lần Phạm Duy đến thăm lãnh tụ,  chủ soái nhóm Hàn Thuyên ,  thì Nguyễn Đức Quỳnh  thường căn cứ vào sự trâng tráo của Phạm Duy, để  định mức độ cynique   anh này, có hay không, nhiều  hay ít ? . " Ai, chứ hắn, thì dám " tán "  cả chị ấy  ( vợ anh Quỳnh)  cũng không chừng ?"  . Câu nói đây là của anh Quỳnh.  

     Nên,  Phạm Duy  quen với Linh Bảo khiến tôi thấy khó chịu, mà điều này, tôi không biết rằng mức độ quen và thân kia đến độ khắc biệt nào ? Tôi nấn ná, định tâm, chưa  tìm gặp Diệu Viên  vì lý do ấy.   Sau, tôi cho làm vậy là oan uổng cách phi lý cho  nàng và cả cho tôi.   Và tô nhất định  đi tìm Diệu Viên, theo như địa chỉ Phạm Duy cung cấp.   

     Gặp nhau  rồi, sung sướng lắm.   Lần đầu đi chơi với Diệu  Viên + 2 con nàng, ở Sở Thú. và Tết nguyên đán năm ấy, Diệu Viên về Huế thăm bà cụ.  Vì thế, trong những bài Độc hành, Chiếc áo xuân in trong tập thơ Nếu anh có em là vợ sau này là  để tặng nàng.   Diệu Viên đón bà cụ  về  Saigon , ít lâu sau cụ mất.   

     Tôi mừng lắm, vì cơ hội tang tóc này, nếu có chuyện cưới xin đi nữa chưa thể hé môi.   Tôi có đủ cơ  hội và thời gian lo liệu để có tiền và lương tháng, rồi sẽ nói đến việc ăn ỏ với nhau.   Chẳng bao giờ tôi quên dược kỷ niệm đọc văn  nàng ở nhà nàng và lần cùng 2 đứa cùng di xem phim Niagara ở rạp Đại Nam.    Nữ diễn viên Marilyn Monroe   đẹp gợi cảm  trên màn hình tối hôm ấy còn gợi lại kỷ niệm xưa lưu tích.   

     Tháng 3 năm ấy,   tôi đi Rạch Giá dạy học tư để kiếm tiền, ngoải việc trả nợ lặt vặt nhà trọ, mà hiện nay tôi phải tạm lánh mặt vì thiếu nợ - hơn nữa - để có  thời gian xa Diệu viên dần dần.  Tôi viết thư cho Cao Mỵ Nhân  (CMN  và Huỳnh Thị Xuân , 2 cô bạn gái biết làm thơ từ  đấy.   Sau này giữa tôi và Huỳnh thị Xuân  cũng trở thành dang dở , cuối cùng trở thành thù địch. 

                                                                 

     Cho tôi mở một dấu ngoặc nơi đây, nếu trong thiên tự-sự-kể này có quen ai khác lá đàn bà, con gái đã từng liên hệ với tôi.   Nhớ lần đầu làm quen với  CMN , cách  đó chừng đâu vài ba tháng.    Đó là một buổi tới cuối năm,  chúng tôi ăn cơm ở Câu lạc bộ sĩ quan An Đông, có Nguyễn Ái Lữ, Thế Viên , Diên Nghị và Huy Sơn.    Trung úy Dương Diên Nghị hỏi tôi, có quen  CMN không? Còn  con bé làm thơ  nói  có quen tôi.  Tôi bảo  biết , nhưng chưa quen , thì Diên Nghị cho là nói dối.   
  
     Sau này  gặp trung úy Hoàng Ngọc Liên  rủ lên nhà CMN chơi , tôi theo ngay, lại vào giữa lúc mặt trời đã lặn, áng chứng đâu đó 8 giờ tối.   Gần đến nhà CMN , Hoàng Ngọc Liên  đứng chờ ở  ngoài bảo tôi:

      "  Mày vào bấm chuông  đi, tao sợ  lắm ; vì tao chưa gặp nàng bao giờ.   Hơn nữa, tao chỉ mới biên thư cho nàng thôi .  Mày cứ vào đi, tao ngại hơn cả những lần nhẩy dù từ trên trời xuống ."

    Tọi đành liều, bấm chuông.  Người ra mở cổng là ông thân sinh nàng.  Tôi khai, đến gặp cô CaoTam Nương  *  xin  đôi bài thơ  đăng báo
-----
* một bút hiệu khác của Cao Mỵ Nhân .   

     Chúng tôi  cùng vào nhà, tiếp chuyện chủ nhà, hình như  tôi chỉ nói chuyện  thời cuộc, chính
 trị - còn Hoàng Ngọc Liên  có tài nựng trẻ con, anh  ta ôm  Đức vào lòng; thì ra  trung úy thi sĩ có tài bao bọc trẻ con thật !  Đến khuya chúng tôi mới ra về.    Lần ấy, không  được nói chuyện trực tiếp với Cao Mỵ Nhân , mà chỉ được nhìn qua khuôn mặt thấp thoáng  và qua vài câu nói vọng từ trong nhà ra . 

     Còn với Diệu Viên , khi tôi bỏ dạy học ở Rạch Giá về , coi như hết.   Vì tôi không có  phương tiện nào làm ra tiền , thì không thể lập gia đình được .  Lần chót, gặp nàng, tôi được tặng  một chiếc áo sơ-mi mới.   Bây giờ áo rách rồi, kỷ niệm chỉ còn lại trong bài thơ  
Chiếc áo xuân , như là tôi đang mặc nó, cùng nàng đi  tắc xi  tới rạp Đại Nam xem phim.  

        Diệu Viên thủ thỉ :

     " Tôi tin là anh nói đúng.  bạn bè toàn là bon lưu manh chỉ biết lợi dụng.   Đủ hết loại.  Anh xem, một bọn văn nghệ sĩ con buôn  ( nói về  Mặc Thu, chủ báo Người Việt Tự Do  mà  Linh Bảo  đăng truyện ngắn trong đó ) , tôi tưởng họ khá, nhưng chẳng ra gì ?    Đăng bài của t6i xong  rồi trốn nợ, hàng chục truyện ngắn, chứ có ít gì cho cam !   Còn một số bạn thì định độc quyền tôi , tôi nói ra là anh  biết rồi ! ( ám chỉ nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh ) .  Chị ta bảo tôi phải biết giữ giá, làm cao vào, đừng bậy bạ, coi ai cũng gọi là bạn  , cũng  đứng đăng bài lăng nhăng sẽ mất tiếng đi !   Nhưng tôi thì cần tiền .  Hơn nữa, tôi có làm dâu trong gia đình họ đâu mà họ cấm tôi.   Tôi hỏi ý kiến anh ra sao về vấn đề đó ? " 

    Khi tôi viết tời đoạn này , trong tự truyện Nửa đường đi xuống, tôi không nói rõ tên người  Bây giờ thì chả có gì để giấu diếm, thực ra  văn sĩ - chủ báo  Mặc Thu  lúc ấy túng - thượng sách vi tẩu -   chứ ở ngoài đời, anh ta không hoàn toàn tệ hại như vậy !
-----
*      một số tác giả tới tòa soạn đòi tiền bài, chủ báo  Lưu Đức Sinh ( Mặc Thu ) ký  trên "  giấy nhận tiền".  Vài ba  tác giả cầm " giấy nhận tiền" xuống  nhà , tới bàn quản lý   nhận  hiện kim.  
       Anh X 1 ... . chìa giấy ra , ký nhận tiền, đi ra ngoài.  Anh X 2 ... tới lượt, chìa giấy ra,  quản lý xem chữ ký  chủ báo , lắc đầu .
       Anh X2 tức giận hỏi : " tại sao chị không phát tiền cho tôi ?"   "  - ngày mai anh trở lại ". 
      Anh X2 cầm" giấy  nhận tiền"  đi ra ngoài. 
      Tới lượt một anh bạn khác, chìa giấy ra, quản lý lại phát tiền, anh X 2 bèn quay phắt lại , tức giận chất vấn quản lý .  
        Nữ quản lý  ( vợ chủ báo )  cầm "  giấy biên nhận  " từ anh X2 trao, chỉ vào chữ ký  chủ báo , thì, chữ  ký SINH ,  nét ngoặc  sau cùng hướng lên mới  được lãnh tiền ngay   -  còn chữ ký của anh ( X2),   nét ngoặc sau cùng  cụp xuống thì  chưa  được ưu tiên lãnh trong ngày   )
     (  TP chú thích  : 2 /  2013. ) 

     Ít lâu sau,  Linh Bảo -Võ Thị Diệu Viên  trở lại Hong Kong,  về lại Saigon,  cuối cùng qua Paris.   Tôi không còn gặp lại nàng nữa.   Hơn 1 năm sau,  tôi gửi tập thơ Nếu anh có em là vợ ( Saigon 1959)  cho nàng tại địa chỉ  49 Daguerre, Paris, 14 ème.   Nàng biên  thư trêu
 :
 "... chị  Hai phạt đó nghe hôn ?".

     Rồi sau  nàng  sang Luân Đôn, hiện nay anh chồng cũ ở Hong Kong năm xưa nằm lì ở Hoa kỳ thì phải ?   Tôi không còn liên lạc  với nàng từ đấy ! . 

     Mối tinh  đẹp như chuyện Liêu trai của Tàu,  với người tình bậc chị kia, mỗi khi tôi nhớ lại thôi, lại buồn trong ý đẹp kéo dài cho đến bao giờ ? 

                                                                   ***

    Những ngày ở Xóm Đạo Bắc Hà (  đường Lý Thái Tổ , Saigon 10)  tôi lang thang, hết tiền, nợ  chồng chất, không dám về nhà trọ.  Nên  phải đến ở nhờ nhà thuê của tay văn sĩ Thanh Thương Hoàng. (TTH) .  Thời kỳ này anh ta cùng vợ con ở Trương Minh Giảng   , giai đoạn mà tôi đang yêu Huỳnh Thị Xuân  làm thơ  ký   Hoàng Mai đấy.   Những  chương trong tự truyện, sở dĩ có, một phần  nhờ nàng.  
     
     Hai vợ chồng   Thanh Thương Hoàng cũng đói rách . Đôi khi họ đánh nhau, cãi vã cũng chỉ vì không gạo, thiếu tiền nong chi tiêu,  mỗi lần như thế,  Hoàng bỏ nhà đi, thì Thúy ( vợ Hoàng)  về nhà  bố mẹ vợ ( ông bà Lê Khải  Trạch )  ăn nhờ, ở đậu. 

       Khi ấy, chúng tôi thuê một căn nhà  ở Trương Minh Giảng, đường ray xe lửa, từ Cổng số 6 đi vào.   Tiền nhà hàng tháng chừng 600 đồng, cứ tới cuối tháng  như nhẩy trên đống lửa, tiền ăn còn thiếu lên thiếu xuống, làm gì có sẵn  tiền trả  nhà thuê.    Chúng tôi đành giao cho Thúy khất nợ , chủ nhà là một cậu trẻ tuổi nên cũng êm.   Thúy là con gái nuôi một ông đổng lý văn phòng Tổng trưởng thông tin  Trần Chánh Thành, lúc đương thời con gái  có nhan sắc - bây giờ nhan sắc kia  chỉ để khất nợ tiền nhà thuê với cậu chủ trẻ tuổi  mà thôi  -  cũng  chỉ  thiếu nợ  được  vài tháng là cùng .   Sau,  họ làm dữ quá., chắc phải tìm nhà khác thuê . 

     Tôi nhìn chiếc va-li đầy nhóc bản thảo đem từ Rạch Giá trở về mà thở dài chán ngán , vì chưa có nhà xuất bản nào nhận  in ấn . Tờ tạp chí Tiểu thuyết chủ nhật của TTH in ra , bị kiểm duyệt bỏ lên, bỏ xuống, chưa có tiền lấy báo ra.   Sau , tôi thấy Tiểu thuyết chủ nhật bán tống bán tháo ở bến xe , chắc chủ nhà in đem bán kí-lô,. lái sách  Ba Tàu thầu  thảy  cho đầu mối  mối  bán dạo ở ,  các bến xe , ga tàu hỏa . 

     Có bữa, chúng tôi không còn đủ gạo nấu cơm ,  nấu cháo,  nhưng  thiếu muối.   Lúc này chỉ 5 cắc thôi,  sao mà quí đến  vậy - nhưng không tiền mua muối đành ăn cháo nhạt.   TTH nhìn tôi và bảo, kể cả những ngày  sống trong thời kháng chiến vất vả kia, chưa bao giờ lại khổ đến vậy.   Hẳn như vậy rồi, vì ở xã hội này tự do thật, phải kể cả tự do chết đói.  Kẻ nào nhiều tiền vẫn thừa thãi, kẻ  chết vẫn là kẻ nghèo, vẩn chẳng  đủ tiền mua hòm để chôn.   
  
       Rồi  vợ chồng TTH lại tiếp tục cãi nhau, bắt đầy từ câu chuyện ở nhà in báo Tiểu  thuyết chủ nhật ,  Hoàng lo bài vở, giấy phép, tiền in; còn tôi lo công việc sửa mo-rát.   Một buổi tôi đến nhà in  , ông chủ bảo  cho biết: có một bà  trẻ lắm tới đây hỏi thăm tôi, nhưng  nói với giọng châm biến :

     "...  Có lẽ cố nhân   của ông tới thăm .  Chẳng hạn, bây giờ cọ ta đã có chồng mà vẫn nhớ cố nhân chăng ?  dáng ngưới ấy thon thả, có nét mặt buồn đau chưa chan ! "

      Tôi không đáp, cũng chẳng dám cười  thành tiếng ma chỉ cười thầm , qua câu nói của ông chủ như lời ca bài vọng cổ.    Thực ra, câu chuyện này tôi biết từ đêm qua, TTH kể lại, rồi mắng vợ như tát nước vào mặt.   Bởi Thúy ghé qua nhà in  tìm tôi , hỏi xem có tiền không ? Bề ngoải nhìn thấy chúng tôi  vương giả lắm, nếu  mấy ai hiểu được chúng tôi sống trong thiếu thốn, túng đói.  

     Nhắc lại chuyện này, khi  bỏ dạy học ở Rạch Giá về , trong túi chưa  có tới 1000  đồng, thì tôi đã tiêu hết số tiền kia vào cuộc đi chơi vời Diệu Viên  và chưa về nhà trọ thuê ở gần Nhà thờ Bắc Hà.   Nên bước chân xuống Saigon, tôi  đến ở nhờ, Hoàng bảo tôi:

     - Mày xem đấy, mới có mấy ngày thôi nhà tao chưa có tiền mà đã như thế, chứ với người khác làm sao tao dám nói ra bây giờ ?   Chủ nhà in Nguyễn Bá hỏi cô ấy là người nhà tao hay mày, cô ấy bảo :  " Tôi là người nhà ông Nguyên " * .  Phải rồi, bây giờ  nghèo khổ rồi, chẳng ai thèm nhìn mặt nữa .  Sao tôi khổ đến thế ? Vì tôi không  có tiền trả in báo, có tiền đưa vợ tôi đi chợ, sắm sửa quần áo, nên tất cả đều khinh tôi.  Trời ơi , đất hỡi, khổ như con vật, cả tinh thần lẫn thể xác.  Tôi làm sao sống nổi đây ? " 
----
 * Nguyên :  là  tôi trong văn chương tự truyện  " Nửa đường đi xuống " , Đại Nam văn hiến xuất bản, Saigon 1960.

     Nghe xong, tôi dắt xe đạp  cùng đi lang thang  độ nhật.  Đã 2 ngày đói, mắt hoa lên, đang lang thang trên đường Lê Lợi, gặp ngay Huy Sơn , một văn sĩ đồng hoá trong quân ngũ, trước kia anh ta  cùng làm ở văn phòng Tổng trưởng thông tin với tôi. Anh ta  gặp tôi , rất mùng rỡ, rủ tôi đi uống cà phê.   Có một dạo, tôi  và anh cùng ở chung với nhau, nên Huy Sơn  biết tính tốt, xấu, cả món ăn, thức uống mà tôi ưa thích .  Huy Sơn bảo :

     " Chưa bao giờ tao thấy mày uống cà phê sữa, sao hôm nay lạ vậy ? 

      Anh bạn  cũng ngạc nhiên, ngay cả  anh bồi Nhà hàng Kim Sơn cũng thấy vậy; vì tôi chẳng uống cà phê sữa bao giờ ,  trong mấy năm trời đến quán này.   Huy Sơn nhìn tôi im lặng suy nghĩ.  Tôi không muốn cho bạn biết, tôi đói từ 2 hôm nay, và không cho biết gỉ về đời sống ra sao  , chỉ giải thích bâng quơ :

    - Uống cà phê nhiều háo lắm, dạo này tao gầy đi, mày có thấy vậy không ?  
     Huy Sơn gật đầu.    Giã từ Huy Sơn, tôi lại lang thang ra bến tàu.  Để nghĩ xem có nơi nào bạn bè có thể tặng 1 bữa  ăn không, sau đó nghĩ ra,  tôi bèn đến nhà chị Mai Thị Điểu.   Và pha đói bụng kia, tôi đã viết trong tự  truyện . Như  thế này :

      Gặp chị Điểu ở nhà, mừng sao cho xiết !  Điểu hỏi anh:
     - Chán chuyện đời chi đó, hở Nguyên ?
    - Bà cô tôi mới vừa mất.
      Nguyên buông 1 tiếng thở dài não nuột, Điểu như sửng sốt :
     - Thiệt buồn ta !  Ông bà chết đi ( chị tập nói theo giọng người miền bắc ) bây giờ lại đến bà cô . Bà chết vì bệnh gì hở Nguyên ?
      Nguyên ấp úng mãi , chẳng bết là bệnh gì , vì thật ra bà cô anh có chết đâu ?   
      Vừa lúc đến nhà chị, viết thư để lại, Nguyên chẳng hiểu rằng bây giờ báo tin chuyện buồn là chuyện gì .  Cho nên, anh  đã bịa chuyện buồn kia như đang đau khổ lắm, đó là bà cô ruột vừa mất .   Nguyên trả lời :
     - Tôi cũng không rõ chị ạ, Chẳng là bữa nay nhận được điện tín của chú dượng cho hay bà cô đã mất từ mấy bữa nay. 
      - Anh về Bà Rịa rồi mới lên đây sao ?
      - Không về nữa chị ạ, vì đã chôn cất xong rồi.
      Nguyên đành giữ bộ mặt đưa đám , đầu cúi xuống, nhìn xuống, của một trạng thái thật chán buồn cực điểm .  Cố tạo ra vẻ buồn  như nhà có tang chế.  Chị Điểu rủ Nguyên  đi chơi, Nguyên gật đầu theo sau, lên xe chỉ im lặng.  Nguyên lên xe hơi của Điểu lái ra phố.   Ánh sáng đèn đã lên màu trên các đại lộ, ngạc nhiên, khi thấy Điểu đưa anh tới rạp hát Majestic , rồi Điểu nói :
    - Chúng mình coi phim Cette nuit ou jamais   nhé.
     Nguyên gật đầu, Điểu vui vẻ gợi chuyện.    Nàng tưởng rằng Nguyên  vẫn còn đau buồn, cần được bạn bè an ủi. 
       Nàng gợi chuyện bâng quơ :
      - Jean Simmons đóng hay quá ta ! 
      - Vâng .
      Bụng đói như cào, lại 8n thêm mấy chiếc kẹo, hút thuốc lá 555, nên đòn quân  giunt rong bụng lại đòi hơi cơm thì phải ?  Nguyên đóng kịch rất khéo, không để lộ.  Hơn nữa, làm sao mà người đời tin được; một kẻ như anh đã  chết đó 2 đêm 1 ngày. 
     Điểu hỏi anh về sinh hoạt đới sống ở  Rạch Giá, quê mẹ nàng, từ lâu nàng chưa có dịp về thăm.  Nguyên rút ví, dáng ngẩn ngơ :
     - Chết rồi, chán  quá !  Nhận được tin buồn, tôi nằm dài ở nhà thằng bạn nên quên ví ở đó rồi.  Tôi biên địa chị tôi vào mảnh giấy này cho chị cũng được, bao giờ chị xuống đó thì ghé qua chơi.  
    Nguyên tả lại cho Điểu nghe như một " pha giật gân" , khiến Điểu lo ngại:
     - Hay là tôi lái xe cho anh về đấy lấy bốp nhé.  Đi đêm thiếu giấy tờ phiền lắm đó ! 
     - Thôi không cần lắm đâu , trong ví chỉ có mấy chục bạc,  và căn cước thì tôi để ở túi quần rồi.  Tôi chưa được lĩnh lương, nên ví mới bỏ lung tung  như thế.  Chợt bây giờ cần ví mới nhớ bỏ quên ở nhà bạn.
    Phong thái khinh bạc, chán chường của anh khiến Điểu mủi lòng :
    - Anh bao nhiêu tuổi rồi nhỉ ?
    - 26 chị ạ.
    - Thôi ấy vợ đi thôi.   Cuộc đời anh buồn nhiều rồi   , sống mãi sao mà chịu nổi cảnh cô đơn ?
     Nguyên im lặng.  vẻ bề ngoài, anh đã đóng vai kịch trước  một  nữ soạn giả  tuồng kiêm ca sĩ cổ nhạc  phụ trách một chương trình vọng cổ trên Đài Saigon , giọng hát   làm cho nhiều thính giả cảm động bật  khóc.  Nhưng với anh, diễn kịch, nàng đang nghĩ ra sao bây giờ ?

     Sau khi ở rạp chiếu bóng ra, chẳng cần  nhìn đồng hồ, khán giả đều biết xuất tan vào lúc 8 giờ 30 tối.   

    Điểu đưa Nguyên đến  tiệm ăn Bẩy  Hổ trên đường Testard .  Những đĩa thịt nai còn tươi máu, giỏ những giọt mỡ, bơ và muối chanh đã gợi cho anh ao ước thèm muốn nhõ dãi.  Chưa bao giờ miếng thịt nai ngon hơn lần ấy.  Một phút nuốt trôi, lại gắp liên tiếp đưa lên miệng.  Nguyên vẫn là kẻ nói ít nhất trong bữa ăn.  Điểu bảo :
     - Chừng nào anh còn ở Saigon, anh  lại nhà tôi ăn , ở.  Việc gì qua cho nó qua đi anh ơi , càng nghĩ nhiều càng  làm khổ mình.   Anh lấy vợ thì tôi làm mai cho , tôi sẽ lo tiền cưới cho anh nữa.   Được hôn ? 

    Nguyên chỉ còn biết  " vâng" gióng một.   Điểu lái xe hơi đưa anh về.  Anh vẫn giữ bộ mặt đưa ma.  Đến ngõ, anh mới cười với chính mình.  Cười sặc sụa, chua chát  nạo tới óc và cảm ơn một bữa  ăn  đáng nhớ nhất trong đời * ..."
------
* Nửa đường đi xuống, trang 153- 154
                     
                                                                  ( còn tiếp ) 

          thế phong 
      



      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét