Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012
nhà văn hậu chiến 1950- 1956 - thế phong - kỳ 5
nhà văn hậu chiến 1950 - 1956 5
thế phong
CHƯƠNG HAI
SƠ LƯỢC CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP
Tiết 1.- Viết sơ lược về các nhà văn độc lập:
1. Lãng mạn buông lỏng
2. Tâm tình
3. Lãng mạn tranh đấu
4. Nhà văn phóng sự
Tiết 2 .- Tiểu mục :
a. Nhà văn tiền chiến :
BẠCH DIỆN - Mai Lâm- NGUYỄN ĐẮC LỘC- NGUYỄN TỐ- VĂN THUẬT.
b. Nhà văn tâm tình tiến bộ :
MẶC THU - NGUYỄN ÁI LỮ - KỲ VĂN NGUYÊN- NHỊ LANG- THANH NAM-
HUY QUANG- NGUYỄN THIỆU GIANG - THY THY TỐNG NGỌC-
NGUYỄN HOÀNG QUÂN.
c. Lãng mạn buông lỏng:
HIỆP NHÂN - THÙY LINH - THANH BÌNH - VĨNH LỘC- NGUYỄN THẠCH KIÊN -
HÀ BỈNH TRUNG - Hoàng Lan- NGUYỄN XUÂN HUY - QUỐC ẤN - HOÀI LINH -
KIM DUNG.
d. Nhà văn phóng sự :
HIỀN NHÂN - ĐOÀN THU .
Tiết 3 : Kết luận viết về các nhà văn viết sơ lược
Tiết 1.
SƠ LƯỢC VỀ CÁC NHÀ VĂN ĐỘC LẬP.
Bình diện văn nghệ thời kỳ này chia ra làm 2 :
- vùng kháng chiến ( Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ) ở ngoài khu.
- miền còn lại trong các thành phố, gọi là Quốc gia Việtnam ( trong lồng son Liên hiệp Pháp ).
Giai đoạn từ 1946 đến 1950, một số nhà văn kháng chiến tham gia kháng chiến ở về Thành được nhắc tới trong chương này.
Phải xác nhận một điều, đa số những nhà văn nổi tiếng từ tiền chiến, hoặc tiền-kháng-chiến còn ở ngoài.
Thêm một số nhà văn khởi nghiệp từ cuối thập niên 40, 50, hoặc mới vào nghề - như :
Triều Đẩu, Nguyễn Minh Lang, Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Huy Quang, Nguyễn Thiệu Giang, Hiệp Nhân, Thanh Hữu, Thanh Bình, Thùy Linh, Nguyễn Hoàng Quân v. v. ...
Gọi là nhà văn buông lỏng tâm tình, còn có ý nghĩa , lấy nghề cầm bút kiếm sống và danh vọng - nhưng tác phẩm chỉ là giải trí cho đọc giả đô thị. Họ là nhà văn viết không có chủ đích, chí hướng, lập trường - loại này, văn học Pháp gọi là tiểu thuyết hồng( roman rose ) .
Trong đống rác văn chương son trẻ ( hoặc tiểu thuyết hồng) - cũng lựa được một số là đóa hoa đẹp, tươi thắm hương sắc, tạo cho bình diện văn nghệ ở giai đoạn 1950 - 1954 khởi sắc.
Lãng mạn buông lỏng .
Nhà văn tâm tình nặng về tình cảm , tâm lý chung chung, sao chép hình tượng, cảm xúc - cốt tạo sao cho gây cấn, ăn khách - hoặc cũng có thể dùng mánh khóe của kiểu viết lách kích thích dục vọng để tác phẩm trở thành ly kỳ, hấp dẫn. Đó, hẳn không phải là sáng tác văn học có hình tượng mới của thời đại.
Tâm tình tiến bộ .
Là nhà văn có tác phẩm mà sáng tác khai thác hình tượng sống mới, nhưng không có chủ đề nghệ thuật. Tác phẩm hòa nhịp tình cảm cá nhân cùng xã hội, tuy họ sống trong đô thị, nhưng tư tưởng hướng về kháng chiến có chính nghĩa.
Lãng mạn đấu tranh.
Tác phẩm các nhà văn này, ở đó, mới hòa nhịp , có tình cảm tiến bộ cá nhân với xã hội. Lối văn này, Maxime Gorki định nghĩa: biến thể ở văn học tả chân xã hội.
Như chúng tôi phân tích trong tập 2 :
- Nhà văn kháng chiến chủ lực 1945- 1950 và Nhà văn miền Nam 1945- 1950 - bàn về các nhà văn chuyên nghiệp tiền chiến, tiền-kháng-chiến, chiến sĩ văn không chuyên và các nhà văn kháng chiến Nam Bộ, như :
Lý Văn Sâm , Vũ Anh Khanh, Hoàng Tấn, Bình Nguyên Lộc, Thẩm Thệ Hà, Hoàng Tố Nguyên, Dương Tử Giang v. v. ...
Trong chương này , dành riêng từng tiết để bàn về nhà văn điển hình, như :
Nguyễn Minh Lang, Hoàng Công Khanh, Văn An, Thanh Hữu, Huy Sơn ...
Tiết 2
TIỂU MỤC
Trong tiết viết sơ lược nhà văn, nhà thơ thuộc 3 chủng loại
- trước hết là nhà văn tiền chiến còn sót lại, mà chưa được nói đến trong tập 1
" Nhà văn tiền chiến 1930- 1945 " -- hoặc đang sống trong Thành ( Hànội), hoặc trong vùng kháng chiến.
- rồi đến các nhà văn mới nổi, từ 1948, 1949, 1950 ; hiện sống ở miền Bắc.
( Quốc gia Việtnam ).
a. Nhà văn tiền chiến còn sót lại :
- nhà văn, thơ đã được nhắc ở tiểu mục này là:
Bạch Diện, Văn Thuật, Mai Lâm-Nguyễn Đắc Lộc, Nguyễn Tố .
1. BẠCH DIỆN
Tên thật Nguyễn Văn Cư. Không rõ năm sinh. Tác giả nhiều truyện đã đăng trên nhật báo Liên hiệp ( chủ nhiệm: Soubrier- Văn Tuyên ), Giang sơn ( Cn: Hoàng Cơ Bình ), .. xuất bản ở Hànội từ 1950.
Đã in: Việt nam Quốc Dân Đảng ( Hànội, 1951) , sách biên khảo nói về Nguyễn Thái Học , Phó Đức Chính, Xứ Nhu ... đảng quốc gia bị xử tử hình ở Yên Bái vào 1930.
Tác giả là đảng viên VNQDĐ, nhờ am hiểu cơ chế, tổ chúc, giá trị cao về tư liệu lịch sử xác thực về một đảng phái quốc gia tiên phong chống thực dân Pháp. Tuy là truyện dã sử, viết đăng trên báo hàng ngày ( feuilleton ) , nhưng rất thu hút đọc giả. Cùng thời với Bạch Diện có Trương Linh Tử, Nguyễn Quỳnh, những cây viết feuilleton ăn khách một thời ở Hànội vào thập niên 50 trở đi.
2. MAI-LÂM- NGUYỄN ĐẮC LỘC
( 1897- 1975 Saigon )
Sinh 1897 ở Hà Nam ( Bắc Việt) . Tự vẫn trưa 30 - 4- 1975 tại tư thất ở đường Lê Đại Hành, Saigon 11 ) Học ở Trường Trung Học Bảo Hộ ( tên khác : Trường Bưởi, Lycée du [Protectorat) khóa 1915- 1918. Sang Pháp năm 1926, viết báo Việtnam Hồn, ký bút hiệu Nguyễn Càn Khôn . Về nước, viết cho báo L' Argus Indochinois ( 1927), L'Ami du Peuple ( 1930), L' Union Indochinois ( 1934)...
Sau 1950 viết cho báo Cải Tạo ( cn: Phạm văn Thụ ) và sau làm chủ nhiệm báo Tân Dân
( Hànội, Saigon) .
Tác phẩm : Mộng Xuân hay Bông sen trong ao bùn ( truyện dái, Hànội 1954), Sau 20 năm ( Saigon, 1964, hồi ký lịch sử ). Thẩm Công truyên ( truyện thơ, Saigon 1967 ) ...
Bối cảnh truyện Mộng Xuân ..., tác giả lên án xã hội bị thống trị, thanh niên sống không lý tưởng, thả lỏng mục đích đấu tranh dân tộc tồn vong, sông vì cơm áo, vợ đẹp con khôn. Theo tác giả, muốn đạt mục đích này, thanh niên chỉ còn cách vùi đầu trong đường cam chịu nô lệ. Tác giả đưa ra một nhân vật có lý tưởng trong đám thanh niên- Việt Hồng - nêu gương dấn thân tranh đấu độc lập .
Tác giả, một nhà cách mạng chuyên nghiệp , nhưng chưa thể là một nhà văn đúng nghĩa , bút pháp , văn phong, kỹ thuật dàn dựng nhân vật chưa đạt chuẩn. Phải nói cho đúng, Mộng Xuân ..., cuốn biên khảo đường lối đấu tranh, cách diễn tả qua văn chương tiểu tuyết chưa đúng nghĩa, Có thể gọi ông , nhà văn bất đắc dĩ, là đúng nhất.
3. NGUYỄN TỐ
( 19 ? - 1958 )
Nhà thơ tiền chiến còn sót lại, chủ nhiệm tuần báo Giác ngộ ( Hànội 1948) , tư trước 1945, chuyên viết báo, nhưng không mấy nổi danh. Sau 1950, ông cho đăng nhiều bài
thơ tình cảm hoài vọng : Người nổi gió, Phóng đãng .. trên báo nhà.
Tác phẩm xuất bản : Cuộc tình duyên ngang trái ( truyện, Nxb Anh Phương, Hànội 1954), một truyện tình cảm có tích cách giải trí, không thể coi là một tác phẩm văn học . Ông qua đời âm thầm ở Saigon vào 1958.
4. VĂN THUẬT
( 19 ? -1959 Dalat)
Qua đời ở Dalat vào 1959, không rõ năm sinh. Tác phẩm xuất bản sau tiền chiến: Tôi mất con ( Hànội 1952), Đời cô Nhung ( Hànội 1952 )...
Tôi mất con, viết về đời sống một gia đình lao động; tác giả chưa chứng tỏ được ông là người viết sống sâu sắc về giai cấp này - lối diễn đạt của một giai cấp cao hơn nhìn xuống thấp, chưa hòa đồng. Khác hơn, văn phong có giọng ve vãn, mị lao động.
Văn Thuật là một kịch tác gia , tác giả nhiều vở kịch ngắn, dài được công diễn. Vở kích mới đăng báo, qua bút danh Bao Công, trên nhật báo Giang sơn ( Hànội) - Đời cô Nhung chưa chứng tỏ được là một nhà văn viết kịch sắc sảo. Nhiều chi tiết khôi hài, nhân vật trong truyện theo lối diễn, rất hề, hạ cấp. Văn Thụật viết truyện dài chưa thành công , như Triều Đẩu viết truyện dài Tranh tối tranh sáng .
Nhân định về Đời cô Nhung, được đánh giá qua bài viết của Duy Sinh:
"... Tác giả mang ra những hành động ô uế khốn nạn nhất của xã hội, đưa ra những bằng những hình ảnh thật khiêu dâm để không giáo dục, không tìm cho họ một lối thoát. Tác giả kéo đến năm, sáu lần ván bài tam cúc lục sở, do tá giả tổ chức .."
( tuần báo Đời Mới, Saigon ).
b. Nhà văn tâm tình tiến bộ.
1. MẶC THU
( 1920 - 2002 Saigon )
Tên thật Lưu Đức Sinh . Sinh 1920 ở Bắc Việt. Còn ký bút danh Chu Băng Lĩnh trên sách Đảng Cần Lao . Khởi sự viết văn từ ngày đầu kháng chiến .
Cộng tác với báo Đây Saigon xuất bản ở Hànội trước 1954, Là một trong nhóm chủ trương nhật báo Tự do ( Saigon sau 1954, đợt đấu )- sau làm chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ Tụ do ( Saigon).
Tác phẩm xuất bản : Thằng bé thợ rèn ( Hànội 1953), Bão biển ( 1951), Đêm trừ tịch
( Saigon 1955), Người chép sử ( 1956 ) ...
Tập truyện Bão biển phản ảnh đời sống dân lao động, hầu hết nhân vật lao động chưa bộc lộ cá tính điển hình, kể cả đả phá và ý hướng xây dựng. Tác phẩm nặng chính trị tính , thiếu nghệ thuật , có thể được gọi đúng danh là tác phẩm văn học. Cũng không thể tin vào dư luận văn chương viết về Bão biển - tâng bốc quá đáng, xu phụ vô lối :
"... một đóa hồng đột khởi trên những núi sách tầm thường đang là chướng ngại vật .." .
Tập kịch thơ Người chép sử trước khi in sách, đã đăng tải trên Văn nghệ Tự do. Tác giả dùng tích truyện Kinh Kha sang Tần, nhưng chưa đạt ý thức của người chép sử trung thực. Thơ thiếu chất thơ, kịch thiếu tác động kịch trình diễn. Động tác kịch cần thết
( coup de théâtre ) chưa được tác giả vận dụng cho vở kịch cần có, để là vở kịch diễn.
Viết truyện ngắn. Mặc Thu chúng tỏ tài năng hơn, so với các loại văn khác của ông.
Đêm trừ tịch. tả chuyện một nhà văn nghèo không tiền tiêu tết, chỉ còn giải pháp đốt thật nhiều thuốc lá cho khói bốc, làm tan tù túng vây hãm. Tình tiết thật cảm động, khiến người đọc mủi lòng với nhân vật tác giả tạo ra. Ở truyện Tết con chó, văn phong chua chát, đau xót, hơi văn mạnh, có sắc thái riêng.
Qua đời ở Saigon năm 2002, sau khi đã được bảo lãnh sang Mỹ sống một thời gian, rồi trở về tp. HCM và qua đời tại đây .
2. NGUYỄN ÁI LỮ
( 1933 - )
Tên thật Nguyễn Duy Nhâm. Sinh 1933 ở Hànội. Viết văn vào những năm 1950, khi đang theo học Trung học chuyên khoa Chu Văn An. Tác phẩm đăng rải rắc trên các báo xuất bản ở Hànội : Cải tạo, Thế kỷ, Thanh niên ...
Tác phẩm xuất bản : Sóng gió ( Hànội 1952 ), Đường Tự Do ( Saigon 1956) , đa số là tập truyện, tản văn.
Sóng gió gồm 8 truyện, nổi bật nhất là Vắng bóng hoa đào, Mong đợi, Chân trời mới.
Tác giả tả một cặp vợ chồng, dầu vợ rất thương yêu chồng, trái lại, chồng rất bạc đãi vợ. Hoàng đối với Nhân , vẩn là một hình ảnh đẹp, lột tả vai nhân vật đàn bà trong một gia đình hồi cư.
Ông sở trường về truyện ngắn tâm tình tiến bộ. Nhưng tập truyện Đường Tự Do mới sau này chuyển sang viết văn học chính trị , thiếu thuyết phục người đọc . Cũng như Huy Sơn, viết truyện tình cảm hấp dẫn, nhưng chuyển qua tiểu thuyết Trường Ca , gọi là tiểu thuyết chính trị thì thất bại. Muốn làm nhà văn chính trị , ít nhất phải là người am hiểu chính trị, hoặc là nhà chính trị kiêm tiểu thuyết gia viết, mới hy vọng có tác phẩm hay - không vậy - tác phẩm chỉ là sách tuyên truyền cho một ý hướng nào được lồng vào nhân vật hề chính trị, ít giá trị văn chương.
Không khác mấy với tiểu thuyết gia Kỳ Văn Nguyên, với tác phẩm, được gọi là tiểu thuyết chính trị mang tựa Tìm về sinh lộ vậy ( mặc dầu tác phẩm này được Giải văn chương Quốc gia ).
3. KỲ VĂN NGUYÊN
( 1923 - )
Tên thật Nguyễn Văn Thúy . Sinh 1923 ở Hànội, viết văn từ 1945.
Tác phẩm đã xuất bản : Những kẻ sống sót( Hànội 1950) ... Bài đăng tải trên báo :
Hồ Gươm, Cải tạo .. như Trên đường chạy loạn, Trăng đẹp ngoài song, Xa cách muôn trùng, Xưa nay, Chuyện một cánh tay , Xa cách muôn trùng , Xưa nay, Tìm về Sinh lộ ... Tác giả tự nhận, muốn trở thành nhà văn viết tác phẩm chỉ nói về văn chương Quốc gia và Cộng sản.
Về chính nghĩa, theo tác giả, phải thắng - nhưng tác phẩm chưa thuyết phục được người đọc, với văn giới đích thực chỉ là con số không.
Về mặt đúng lập trường , tiểu thuyết Tìm về sinh lộ được Ban Giám khảo đặt vấn đề chính trị đứng trên giá trị văn chương, được trao giải ngay đợt đầu Đệ I Cộng Hòa năm 1957, Giải thưởng văn chương toàn quốc .
Thực ra , đó là một tiểu thuyết dài kém giá trị văn chương .
Tác giả viết truyện ngắn tâm tình rất hay, như Trăng đẹp ngoài song và một số truyện ngắn khác, viết vào thời kỳ trước 1954 , đăng trên các báo xuất bản ở Hànội.
4. NHỊ LANG
( 1921 - đã qua đời ở Mỹ 19 ? )
Tên thật Thái Lãng. Sinh 1921, từng làm con rể nhà văn Nhất Linh, ký bút danh Nhị Lang. ( Và Nhất Linh khi ấy, còn một bút hiệu khác, ít phổ biến: Nhị Linh ).
Nhị Lang, tác giả tiểu thuyết Tương tàn , truyện dài đăng trên nhật báo
Quốc gia ( Saigon 1955) mà chính ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút ( báo Quốc gia, cơ quan Cao đài Liên minh Trịnh Minh Thế ) .
Tương tàn, tiểu thuyết tranh đấu, mô tả xung đột sâu xa giữa 2 chủ nghĩa đối lập
nhau : Quốc gia & Cộng sản.
Tác phẩm của nhà văn chính trị có bút pháp một nhà văn tài năng vừa phải.
5. THANH NAM
( 1931 - 1985 Hoa Kỳ )
Tên thật Trần Đại Việt. Sinh năm 1931 ở Nam Định.
Tác phẩm : Cuộc đời một thiếu nữ, Lỡ một đời hoa, Biết nhau quá muộn, Sau cơn binh lửa, Em ơi, đợi anh về ...
Tác giả một số tiểu thuyết được ấn hành, khoảng 30 cuốn. Ông còn làm thơ, viết báo, từng chủ trương tuần báo Thẩm Mỹ ở Saigon cùng Tô Kiều Ngân trong những năm 1952 - 54.
Tiểu thuyết của ông thuộc loại tiểu thuyết khuê phòng , lãng mạn hạ cấp , đối tượng là độc giả nữ. Thanh Nam từng viết chung với Nguyễn Minh Lang một tập truyện ngắn xuất bản ở Hànội trước 1954, cả hai nhà văn viết truyện để kích thích tình dục, tình tiết gây cấn, éo le câu khách.
Tả mối tình tay ba, tay tư- chương một - anh gặp em bất ngờ - chương hai - quen rồi yêu - chương ba - yêu tha thiết nhưng vì hoàn cảnh gia đình, đới sống, hoặc giai cấp thiếu mon đăng hộ đối đành chia tay, hoặc người tình thứ ba dẫn đến kết cục thảm khốc.
Ở thể loại này, Nguyễn Minh Lang với Tỉnh tuyệt vọng hoặc Nước mắt trong đêm mưa có phần hay, trội hơn, lãng mạn, văn phong hấp dẫn hơn Thanh Nam.
Sau 1954 , ở Saigon, Thanh Nam thay đổi cách viết truyện, thành công hơn, qua truyện ngắn đặc sắc, hình tượng nhân vật , tâm lý sắc sảo, có cá tình -- nhất là truyện ngắn viết từ chất liệu tự sự tác giả.
Đó là truyện Sau 18 năm , tả cuộc sống thiếu thời chịu nhiều oan khiên, khổ lụy -- mẹ đi lấy chồng -- sống với người thân đùm bọc, không tình mẫu tử thiêng liêng - truyện này chứng tỏ văn phòng của một nhà văn có kinh nghiệm trong nghề.
Truyện dài Trăng về Sáng đăng dở dang trên báo, qua những kỳ đã đăng, chưa lên tay -- Thanh Nam, nhà văn đồng thời với Nguyễn Minh Lang, Vĩnh Lộc, Nguyễn Thiệu Giang, Huy Quang . Ông qua đời ở Hoa Kỳ năm 1985.
6. HUY QUANG
( 1930 - 2005 Hoa Kỳ )
Tên thật Vũ Đức Vinh. Sinh 1930 ở Hải Phòng.*
Tác phẩm: Ngày mai anh trở lại ( Cộng Lực, Hànội 1951) , Đôi ngả ( Thế giới, Hànội 1952), Những mái đầu xanh ( Thế Giới, Hànội 1954 ) ...
Bút pháp viết tiểu thuyết của Huy Quang khô khan, thiếu hấp dẫn, đối thoại nhân vật trong Những mái đầu xanh bi gò bó, kém tự nhiên, đôi khi kịch cỡm. Cách xây dựng nhân vật của huy Quang, với người mẫu lờ đờ, mệt mỏi, như thiếu hơi thở đời sống. Nhân vật chiến binh, phản ánh đời sống quân ngũ, từ đời học sinh tới khi nhập ngũ, hẳn là chưa có gì nổi bật, sôi động.
Trong Đôi ngả tuy viết có lên tay, khi so sánh với tác phẩm đầu tay.
Những mái đầu xanh , tiểu thuyết dài chưa đủ tạo cho Huy Quang bản sắc văn chương , nhà văn bình thường đúng nghĩa . Văn phong một tiểu thuyết gia, cho dầu muốn xây dựng nội dung thế nào đi nữa, đầu tiên viết tiểu thuyết, phải có ma lực thu hút người đọc.
Với Huy Quang, thì điều này ngược lại, viết khô khan, văn phong tẻ nhạt - khiến, nhớ đến một tiểu thuyết gia tiền chiến, Nguyễn Đức Quỳnh, có tác phẩm giống hệt Huy Quang .
------
* y có bản chép, ông sinh 1931.
7. NGUYỄN THIỆU GIANG
( 1933 - )
Tên thật Nguyễn Văn Bột. Sinh 1933.
Tác phẩm : Nắng cuối thôn ( Hànội, 1954) , Nụ cười đô thị ( Hànội 1954). bạn học cùng lớp với Hoàng Song Liêm, Tạ Quang Khôi... , sau này cùng viết văn, làm thơ . Văn phong tiểu thuyết Nguyễn Thiệu Giang hấp dẫn, song tình tiết, bố cục truyện chưa hẳn đạt bút phàp, có triển vọng trở thành nhà văn có cá tính -- nếu chỉ căn cứ qua 2 cuốn tiểu thuyết đã ra đời . Sau 1954 ở lại Hànội, làm công nhân, không có tác phẩm nào được xuất bản.
8. THY THY TỐNG NGỌC
( THY NGỌC)
( 1925 - 2012 )
Tên thật Nguyễn Ngọc. Sinh 1925 ở Hòn Gay.
Tác phẩm : Khúc ca thơ ấu ( Hànội 1952), Cy Tý ( Hànội, 1953)...
Truyện viết về thiếu nhi, ông phụ trách trang Học sinh nhật báo Giang sơn
( cn Hoàng Cơ Bình ) . Bài báo đăng tải trên các báo ở Hànội, ngoài Giang sơn , nhật báo Tia sáng ...
Truyện thiếu nhi mang tính chất giáo dục thiếu niên, nhi đồng, chưa có ưu điểm nổi trội đáng ghi nhận.
Ông còn viết điểm sách , nhận định tác phẩm của Nguyễn Minh Lang, Thanh Nam, viết theo lối viết phê bình quảng cáo , ít giá trị văn học ( critique spontannée ) - như hầu hết đa số các bài điểm sách văn chương ở Hànội thời bấy giờ giống hệt nhau .
Xưa kia, Trần Trung Phương từng chủ trương Trang Hoc sinh dành cho thiếu niên, học sinh; sau trở thành nhà văn tiếng tăm viết về truyện tuổi thơ -- thì Thy Thy Tống Ngọc hậu chiến phụ trách trang Học sinh nhật báo Giang sơn mới chỉ thành một Trần Trung Phương viết về thiếu nhi một cách non nớt, yếu kém.
Ở lại Hànội sau 1954, đổi bút danh đến cuối đời là THY NGOC.
9. NGUYỄN HOÀNG QUÂN
( 1930 - 197 ? )
Tên thật Nguyễn Kiêm Quát .
Sinh 1930 ở Sơn Tây.
Tác phẩm: Khi hoàng hôn xuống ( Hànội 1954), truyện dài Ly Sao ( đăng tải trên nhật báo Liên hiệp , Hànội ) , Hoàng ca ( thơ, 1951), Chồng em tòng quân , Hương cỏ vàng, Kiều Thu đã xuất bản thành sách .
Truyện dài Khi hoàng hôn xuống , Ly Sao - bối cảnh nói về dân tản cư váo 1946, khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ ở mạn Hòa Bình.
Chàng trai Thủ đô Hànội gặp nàng sơn nữ yêu nhau ( Ly Sao ) dưới ngọn bút tài hoa của nhà văn, lột tả nhân vật có nhiều cá tính, khám phá hình tượng sống rất mới, qua Noọng Hà ( noọng: tiếng Thái là em ) . Nhân vật lấy bối cảnh ở miền sơn cước này không giống như thời đoạn sống, cảm nghĩ của nhân vật đường rừng như Lan Khai, TCHYA, Thế Lữ ...
Từ Nẻo về, qua Ly Sao, hay Khi hoàng hôn xuống,nhân vật tiểu thuyết Nguyễn Hoàng Quân viết từa tựa giống nhau, người đọc có cảm tưởng như đã đọc ở đâu rồi.
Nguyễn Hoàng còn làm thơ, tập Hoàng ca xuất bản trước các tiểu thuyết . Thơ ông gây xúc động, tâm hồn tế nhị khôn hàn, nếu phải so sánh, để chọn giữa Nguyễn Hoàng Quân nhà văn hay là nhà thơ -- thì Nguyễn Hoàng Quân quả là chân tài một thi nhân , làm giầu cho thi ca hậu chiến không phải nhỏ !
Trích thơ :
BỮA GẠO CHIỀU
Chân đã mỏi rời lê mấy phố
Bạn bè tình nghĩa có bao nhiêu ?
Em tôi mắt nhỏ bên song cửa
Trông đợi tiền nong bữa gạo chiều.
Bụng lép ra đi từ sáng sớm
Mấy thằng bạn kiết kéo chơi rong
Chè tầu thuốc lá la ca sĩ
Bấm bụng cho qua phút đói lòng .
Thiên hạ có đi thì có lại
Kiếp nghèo tình nghĩa cũng bằng không
Bao giờ bẻ bút xoay nghề khác
Em khỏi bên thềm đứng ngóng trông .
Trở về cát bụi đầy hai túi
Em bảo: Chiều nay hết gạo rồi
Chớp chớp hàng mi tôi nói nhỏ
Kinh thành đen bạc lắm em ơi !
Thăm thẳm trời xanh như mắt em
Thơ tôi vàng úa mộng in lìm
Thơ vàng mắt thắm không ra gạo
Gạo hết em ơi vũ trụ chìm !
NGUYỄN HOÀNG QUÂN
( trích Hoàng ca )
c. Lãng mạn buông lỏng .
1. HIỆP NHÂN
( 1832 - )
Tên thật Nguyễn Quý Đôn. Sinh 1932 ở Hànội, Khi còn ngồi trên ghế trường Trung học Dũng Lạc, Văn Hóa ( Hànội ) đã tập viết văn- và được sự khích lệ của thấy dạy môn văn , Nguyễn Uyển Diễm.
Tác phẩm : Linh hồn Ngọc ( Hànội, 1953) , ông viết cho các báo Tia sáng ( cn : Ngô Vân), tạp chí Thẩm Mỹ ( Saigon ) .
Linh hồn Ngọc , truyện dài đầu tay, chưa là tác phẩm xuất sắc, nổi rội -- nhưng có văn phong một nhà văn lãng mạn diễm tình có hạng.
Ở lại Hànội sau Hiệp định Genève 1954.
2. THÙY LINH
( 1935 ? - )
Chưa rõ tên thật và năm sinh đích xác : 1935 hay 1936 .
Tác phẩm: Trăng chờ ( Hànội 1954) , Mưa bóng mây ( Nxb Tia sáng, Hànội 1954) . Thùy Linh còn bút hiệu khác: Minh Đức, viết chung với Hồng Anh tập thơ Hương mùa chinh chiến ( Hànội 1952) .
Truyện dài của Thùy Linh thuộc loại tiểu thuyết tâm tình tiến bộ, có hình tượng sống thời đại, phản ánh xã hội người Hànội hồi cư về Thủ đô vào thập niên 50.
Văn phong nhẹ nhàng, lả lướt, mượt mà, như tiểu thuyết trong lành Nắng Đào / Nguyễn Xuân Huy thời tiền chiến .
Cũng ở lại Hànội, sau hiệp định Genève 1954 . ( đất nước chia 2) .
3. THANH BÌNH
( 1931 - )
Tên thật Nguyễn Ngọc Minh. Sinh 1931 ở bắc Việt.
Tác phẩm xuất bản : Gió Sài Gòn, Gió dập mưa vùi ( Nxb Tia sáng ,Hànội, 1953) ,
Mình còn trẻ lắm ( Tia sáng 1953 ).
Sau 1954 ở Saigon, ông sáng tác những ca khúc : Những nẻo đường Việtnam
( An Phú xb), Tiếng hát bên ni, Cung đàn Tự do, Gặp gỡ duyên nhau .
Nội dung truyện của Thanh Bình cùng nằm trong thể loại tiểu thuyết tâm tình xã hội, văn chương giải trí vô hại dành cho lớp độc giả trung lưu ở thành thị.
Ca khúc Những nẻo đường Việtnam của văn sĩ kiêm nhạc sĩ Thanh Bình rất nổi tiếng.
4. VĨNH LỘC
( 1928 - )
Tên thật Lê Vĩnh Lộc. Sinh 1928 ở Hànội, nhưng nhiều năm sống ở Hải Phòng. Chính ở miền duyên hải này đã đưa ông vào đường viết văn. Sau vào Nam, ngoài đời, ông là công nhân nhà máy.
Tác phẩm : Hừng nắng ( Phổ thông xb, 1950) , Trôi giạt ( truyện dài đăng trọn trên tuần báo Đời Mới, Saigon - cn: Trần Văn Ân ).
Truyện dài Niềm tin đăng trọn truyện trên tuần báo Đời Mới và viết feuilleton đăng trên các nhật báo, tuần báo, tạp chí ở Saigon.
Trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy ( Hànội, khoảng 1948- 50 ) , ông cho đăng nhiều truyện ngắn : Áo rách , Dì Hạnh, Biển chiều .. .
Một số bài thơ của Vĩnh Lộc, truyện ngắn đăng trên tuần báo Đời Mới truyền cảm , xúc động,.
Truyện dài Hương đắng chưa lấy gì là nổi trội, bố cục lỏng lẻo -- bối cảnh: thời gian không gian ở vùng kháng chiến, viết về thân phận nhửng kẻ tàn tật, thương tích chiến tranh, dầu vậy vẫn cần phải sống hữu ích cho xã hội.
Truyện dài Niềm tin ( đăng feuilleton ) , tác giả chuyển hướng qua đề tài xã hội - nhưng- giải quyết cho nhân vật sống cách chiết trung, nhiều bối rối, hoang mang, nếu không muốn nói , cho nhân vật với lối sống mị dân.
5. NGUYỄN THẠCH KIÊN
( 1926 - 200 Hoa Kỳ )
Tên thật Nguyễn Văn Khánh . Sinh 1926 , từ thập niên 50 viết cho các báo Thời sự, Thời Báo trong nhóm Trần Trung Dung .
Tác phẩm : Hương lan ( Hànội, 1951 ), Mầu hoa phượng , truyện đăng feuilleton trên báo Thời luận vào 1956 ( cn: Nghiêm Xuân Thiện (Saigon).
Hương lan là tập truyện ngắn gồm 15 đoản truyện, được xây dựng trong bối cảnh dân
thị thành hồi cư về Hànội trong khoảng thập niên 50. Chỉ là ghi chép mẩu đời sinh hoạt rất bình thường, không có gì nổi bật, nhân vật thiếu cá tính, tâm lý chung chung, ít khám phá hình tượng sống mới.
Truyện dài Mầu hoa phượng - nhân vật sinh hoạt trong một đảng phái ( VNQDĐ) hội đoàn, để tranh đấu cho lý tưởng Quốc gi. Gía trị văn chương chưa có gì gọi là mới và tác giả làm một số bài thơ đượm mầu sắc tôn giáo.
Trích dẫn Chim trắng, một bài thơ coi như để tham khảo - có thơ hay, ở tiểu thuyết gia Nguyễn Hoàng Quân , thì có thơ loại tầm tầm, ở nhà viết tiểu thuyết tầm tầm Nguyễn Thạch Kiên .
Qua đời ở Hoa Kỳ năm 2008.
Trích thơ :
CHIM TRẮNG
Hỡi sứ giả người từ đâu bay lại
Mộng nõn nà trên đôi cánh êm tơ
Vừa trông ngươi cả lòng ta điên dại
Vượt tươi lên như thuở trăng thơ .
Đời ta lạnh đã nhờ người ấm lại
Hào quang trong chiếu rạng trán ươn hèn
Đường xa thẳm những chiều đau thất bại
Đã quên vì linh cảm bóng đêm đen.
Hỡi chim trắng mông triều thiên sáng chói
Dừng nơi đâu dòng đất mung lung
Đây trần gian nhớp nhơ đời tăm tối
Ngàn năm còn vương chuyển áng sao rung.
Sao vương mắc như rừng chiều hối lỗi
Ngửng nhìn lên non nước tuyệt mù xa
Buồn thăm thẳm trông về bao giông tố
Lệ nhân lành thương cảm bỗng tuôn ra .
Hỡi chim trắng vội bay về nước biếc
Bãi trần gian vừa một thoáng mong manh
Ta còn đứng suy tìm bao luyến tiếc
Xót xa chiều nắng quái áo phai xanh .
NGUYỄN THẠCH KIÊN
6. HÀ BỈNH TRUNG
( 1922- 2012 Hoa Kỳ )
Sinh 1922 tại Cao Bằng. Có thời làm chủ bút tạp chí văn nghệ Quê hương ở Hànội trước 1954 ( cn: Bùi Đức Thịnh ) sau bị gọi động viên, vào Trường Bộ Binh Thủ đức, rồi sống trong mội trường quân đội miền Nam một thời gian khá dài.
Tác phẩm: Răng đen ai nhuộm cho mình ( tiểu thuyết, Hànội 1953) , Hoa thơm ( dịch thơ Pháp, Hànội, 1952) , Anh hoa ( dịch thơ Anh, Hànội 1956, Saigon )..
Luận đề trong tiểu thuyết, tác giả muốn lý giải, đó là sự sâu xé giữa cũ và mới. Một thanh niên bị 2 cô gái cám dỗ, một tỉnh, một quê. Sau Tuân có vợ răng đen là Thi và có tình nhân răng trắng Thiên Hương. Tuân bị Thiên Hương quyến rũ nên ở lại thành thị. Sau hối cải, Tuân trở về cùng vợ cũ là Thi răng đen, cho trọn tình nghĩa vợ chồng.
Truyện không có gì đặc sắc, bố cục chưa hợp tình, hợp lý, mất phần thăng bằng. Phần đầu truyện, viết rất hấp dẫn, phần sau cạn vốn, viết nhạt nhẽo. Ông làm thơ và dịch thơ từ Pháp sang việt, và một cuốn thơ dịch khác, từ Anh sang việt.
Thơ Hà Bỉnh Trung nhẹ nhàng, rung cảm, bén nhậy, hồn thơ tế nhị, rung động ngọt ngào.
Qua đời ở Hoa kỳ năm 2012.
Trích thơ :
LẠC LOÀI
Lành lạnh mùa thu đã đến
Là vàng lác đác rơi khô
Ai về đất Việt xin ghi nhớ
Ta vẫn quay nhìn hướng cố đô.
Thân ở đây mà mộng gửi người
Buồn thu sơ sác lá vàng rơi
Mang mang nhớ tiếc không bờ bến
Những cái hư vô đến lạc loài.
Thân ở đây mà mộng gửi tình
Chim trời khao khát bóng mây xanh
Cây buồn lạnh lẽo phơi sương xám
Đứng tựa ven sông ủ rũ cành.
Giá như mặt sóng êm gợn sóng
Tơi bời đường phố lá rơi khô
Vui xa xôi lạc loài không hướng
Mộng gửi mây về chốn cố đô .
HÀ BỈNH TRUNG
( 1952 )
7. HOÀNG LAN
( 1914 - 1989 Saigon )
Tên thật Nguyễn Xuân Huy * . Sinh 1914, mất 1989 ở Saigon. Viết cho các báo Giang sơn ( Hànội, trước 1954 ), Tự do ( Saigon, sau 1954 ). Phóng sự đăng trên báo Giang sơn : Cốc và Cốc, Những hạt máu rơi, Tắc- Xình ( viết chung với Búa Đanh), Những cô gái muộn chồng
( viết chung với Nguyễn Minh Lang & Thanh Nam ) , Bí mật sân khấu, Tình vương ý nhạc
( phỏng dịch)...
Tác phẩm Tình vương ý nhạc phóng tác, tâm lý xã hội được việt hoá rất gần gũi không khí Á đông. Từ danh xưng nhân vật đối thoại, cảm tưởng câu chuyện xảy ra đâu đó trên đất nước Trung hoa hoặc Nhật bản. Chính câu chuyện éo le, lãng mạn này, một soạn giả kịch trường đã biên kịch, đưa lên sân khấu diễn ròng hàng tháng trời, trên sân khấu kịch Kim Chung, Tiếng chuông vàng Thủ đô ( Hànội ) vào những năm 1952- 1953.
----
* trùng tên thật với Nguyễn Xuân Huy ( tiền chiến), tác giả tiểu thuyết Nắng đào.
8. QUỐC ẤN
Trên báo Tiểu thuyết thứ bảy ở Hànội vào 1948- 49 , Quốc Ấn xuất hiện , qua nhiều truyện ngắn tình cảm xã hội -- thì ở miền Nam ( Saigon ) một Quốc Ấn khác, tác giả tập truyện Vĩ tuyến XI xuất bản ; khiến đọc giả có thể lầm lẫn 2 tác giả chỉ là một.
Quốc Ấn Hànội, với các truyện ngắn tâm lý xã hội: Hương quê, Người đi, Trai Hànội, Sóng triều, Cây đa, Bến cũ ... đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, qua văn phong và bối cảnh khác hẳn tác giả Vĩ tuyến XI ( Saigon ).
Theo nhà văn Hồ Nam cho biết, tác giả Quốc Ấn Hànội bị công an tra tấn đến chết ở Hưng Yên vào năm 1953 (?) .
9. HOÀI LINH
Có 2 tác giả xùng xuất hiện trên văn đàn Hànội , khoảng thời gian 1950- 54, đều mang bút hiệu Hoài Linh.
Tác giả Hoài Linh trong tiết này không là Hoài Linh (B - tên thật Lê Trọng Duật, 1936 - ) viết đôi ba truyện ngắn , Con gi đá, đăng trên tạp chí văn nghệ Quê hương ( cn : Bùi Đức Thịnh ) ở Hànội trước năm 1954 và sau này có ít bài đăng trên tuần báo Việt Chính ở Saigon 1955. ( cn: Hồ Hán Sơn )
Hãy cứ tạm gọi tác giả này: Hoài Linh (A) có những bài thơ như : Gợi nhớ đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy ( 1948-49) , truyện dài Tiếng đàn trong đêm vắng, truyện ngắn
Sau trận bão - nội dung tình cảm xã hội tiến bộ, chứng tỏ là một nhà văn có chân tài. Thơ ông đọc lên, đầy xúc động, chân thành lại xót xa :
Có ai sống tha phương lận đận
Quên cuộc đời say thép súng muộn phương
Và hiên ngang cười giữa bãi chiến trường
Hồn theo gió lộng trên đường nghĩa vụ ...
Tiếng đàn trong đêm vắng tả về cuộc đời của đôi thanh niên thiếu nữ yệu nhau, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhân vật nam: Đông, nữ : Lan giỏi đàn, hát hay . Bỗng một ngày, quê hương nổi cơn gió bụi, chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Việt, dân chúng thị thành tản cư. Đông và Lan gặp lại nhau ở Cống Thần, vào phiên chợ Chuông. Khi ấy, Đông là chiến sĩ, và trong một trận giao tranh , bị thương -- nhưng Lan không hề bỏ rơi, săn sóc và tình yêu giữa 2 người càng khắng khít. Tác giả đề cao mối tình thủy chung, giữa một xã hội lọc lừa, họ vẫn yêu nhau trong tình yêu đại nghĩa , ngoài danh lợi. Họ yêu nhau từ sự gắn bó tình và nghĩa thủy chung, bền chặt, dái lâu. Nhân vật Lan được mô tả, qua một đoạn văn :
"... Hai người ngồi yên lặng giây lát cùng nhau thả hồn vào hai ý nghĩ riêng biệt. Một lát sau, Lê Đông nắm chặt bàn tay xinh xắn của Tuyết Lan, rồi dần dần sờ lên mặt nàng, mắt nàng, mũi nàng. Chàng âu yếm :
- Mắt em độ này còn đen không em ?
Khuôn mặt trái soan lộ dưới ánh đèn tranh tối tranh sáng. Đôi mắt đen nhánh va hai hàm răng trắng xinh xinh, Lan nhìn chồng âu yếm như chờ đợi câu trả lời. Đông vẫn dẫm bước theo Lan :
- Tùy đấy em ạ. Thế nào cũng được.
Nhưng chàng đổi giọng ngay :
- Nào sắp tới phố rồi, anh bỏ đàn xuống nhé.
Không chờ Lan đáp, Đông bỏ chiếc giầy đen trên cổ, hạ cây đàn xuống và ngón tay cái như thường lệ, đã quen thuộc với công việc hàng ngày rồi lướt qua chiếc giây âm
điệu ..."
Tiêng đàn trong đêm vắng, tác phẩm có nội dung tiến bộ, văn phong nhẹ nhàng của nhà văn còn có tâm hồn thơ. So sánh Hoài Linh (A) với Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ,
Hiệp Nhân ... thì Hoài Linh (A) qua tiểu thuyết trên, nổi trội hơn .
10. KIM DUNG
Tác giả truyện dài Người vũ nữ ( Hànội, 1954 ) , bối cảnh truyện được xây dựng ở khung cảnh đô thị, phản ánh một loại hình người nữ làm nghề giải trí cho giới đàn ông lắm tiền, nhiều của.
Khác hẳn với những phóng sự viết về vũ nữ, chẳng han như phóng sự Tắc-Xình của Hoàng Lan-Nguyễn Xuân Huy ( viết chung với Nguyễn Minh Lang & Thanh Nam ) - thì Người vũ nữ của Kim Dung được sắp xếp thành cuốn tiểu thuyết, có lớp lang, thu vén trong xã hội cỏn con thu nhỏ, thật xúc động, đầy tính nhân bản trong văn chương, lại có tính cách giáo dục hướng về chân, thiện, mỹ.
Ngoài ra, tác giả còn tả hành động dã man, chân dung đoàn quân Phát-xít Nhật đặt chân lên mảnh đất Việtnam trong Thế chiến II, cùng bọn mại bản, tay sai cấu kết, làm băng hoại xã hội. Tất cả, được phơi bày trong tiểu thuyết, qua ngòi bút tài hoa Kim Dung -- nhà văn xã hội tiến bộ.
a . nhà văn phóng sự .
1. HIỀN NHÂN
( 1907 - 1999 Hànội)
Tên thật Đỗ Trọng Quỳnh. Sinh 1907 ở Bắc Việt, qua đời vào 1999 tại Hànội. Nhà báo chuyên nghiệp tiền chiến, trải qua 3 chế độ: thực dân Pháp, Quốc gia Việtnam,
Việtnam Dân Chủ Cộng Hòa .
Thời tiền chiến, ông làm báo Đông Pháp, thới kháng chiến tham gia báo Étincelle do Ngô Vân phụ trách, và sau về Hànội làm biên tập viên chủ lực nhật báo Tia sáng ( cn: Ngô Vân ).
Sau ngày 20 - 7- 1954 , VNDCCH tiếp quản Hànội theo hiệp định Genève ,từ Vĩ tuyến 17 ra bắc, ông là Tổng biên tập báo Thới mới ( tiền thân của báo Tia sáng ).
Hiền Nhân phụ trách Trang Học sinh & Thể thao và mục Tiếng vang của nhật báo
Tia sáng. Một số bài đã đăng trên mục Tiếng vang được lựa chọn in trong tác phẩm Tiếng vang ( Hànội 1951) .
Tiếng vang gồm 27 truyện, những câu chuyện thời sự sốt dẻo liên quan đến đời sống thường ngày, dân chúng thành thị hàng ngày phải đối mặt; nào là trí thức, lao động, chính khách, vĩ nhân, đàn bà.. đủ loại người, với bao thói hư, tật xấu.
Giọng văn cay độc, châm biếm, đả phá; nhưng xây dựng, có hướng giáo dục, cảnh tỉnh sự đi xuống của xã hội đương thời. Từ tiếng khóc, nụ cười, luận cổ suy kim, mượn trăng vẽ mây, chuyện dương đông kích tây-- như lời ông tự bạch : " .. rồi ra nhân loại liệu có thoát khỏi ..." -- thương số phận nhược tiểu quốc được đem ra làm quân cớ thí nghiệm cho nước lớn, đề cao lòng quả cảm cá nhân có ý thức như một người Nhật, trong chuyện Một ông Tướng khi đầu hàng Đồng Minh xin chết cùng đồng bạn ...
Qua tác phẩm Tiếng vang, chứng tỏ, ông được xếp hạng vào loại nhà báo giầu kinh nghiệm , còn là nhà văn châm biếm hoạt kê của loại phúng thích chính trị sâu sắc.
2. ĐOÀN THU
Tác giả tập phóng sự tạp bút Phồn hoa giả dối ( Hànội, 1952) , Đời ( truyện dài, Sàigòn 1954) .
Có Triều Đầu qua Trên vỉa hè Hànội, rồi Trên vỉa hè Saigon, đột tả tác phong hỗn loạn, xô bồ của người dân thành thị di cư về Hànôi, và di cư từ Hànội vào Saigon và sau 20- 7- 1954, cuộc sống xáo trộn tinh thần giao động -- thì dưới mắt Đoàn Thu, sự bịp bợm, giả dối, lừa lọc mất nhân tính được tác giả đưa vào Phồn hoa giả dối.
Đoàn Thu với Phồn hoa giả dối và Trên vỉa hè Hànội, Trên vỉa hè Saigon / Triều Đẩu, thật linh động, giúp cho độc giả hiểu được tâm tình con người vào một thời kỳ hồi cư, tản cư thật sống dộng, có 1 không 2 của thế kỷ XX.
Bàn về truyện dài, nếu Triều Đẩu chưa thành công , qua Tranh tối trang sáng , thì Đoàn Thu không khác hơn với truyện dài, có tựa Đời, xuất bản ở Saigon vào cuối năm 1954.
Tiết 3
KẾT LUẬN VỀ CÁC NHÀ VĂN VIẾT SƠ LƯỢC
Một số nhà văn viết sơ lược trong chương này, tất nhiên, theo tôi, họ không là điển hình.
Do đó, viết sơ lược, tóm tắt để độc giả có đủ khái niệm về từng nhà văn.
Qua chương sau, bàn đến số nhà văn điển hình, tất nhiên vẫn theo chủ quan người viết xếp đặt.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954 , hiệp định Genève ký kết giữa Pháp và Quốc Gia
Việtnam + Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa , chia Việtnam thành 2 nước.
Từ giới tuyến 17 ra ngoài là miền Bắc và từ vĩ tuyến 17 trở vào là miền Nam ( Việt Nam Cộng Hòa ) .
Do đó, một số nhà văn của giai đoạn 1950-1954 ở lại miền Bắc và một số vào Nam. Các tác giả vào Nam vẫn tiếp tục xuất bản tác phẩm -- khi nhắc họ -- chúng tôi có ghi sau tác phẩm : tên, nơi, và năm xuất bản -- như vậy, người đọc biết rằng tác giả có mặt miền Nam.
Những nhà văn này sẽ đề cập ở Phần thứ ba :
MIỀN NAM 1954- 1956. []
( Còn tiếp )
thếphong
( Nhà văn hậu chiến 1950- 1956, Đại Nam văn hiến, Saigon 1959- 1973 )
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét