Tưởng nhớ nhà báo Tam Lang ( 1900-1986)
... " Đã mang lấy nghiệp vào thân*...
LÊ MINH QUỐC.
" Tôi kéo xe" là một quyển phóng sự giá trị, người ta có thể coi nó là một quyển mở đầu cho lối văn phóng sự trong văn chương Việtnam : - người viết lời nhận định sắc bén và chính xác trên chính là Vũ Ngọc Phan - tác giả Nhà văn hiện đại. Thế mà ròng rã mấy mươi năm, trong các sách ghi nhận về tiến trình văn học VN người ta quên đi Tam Lang. (?) May thay, năm 1995, nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn đã suu tầm và biên soạn tập Phóng sự chọn lọc ( NXB Hội Nhà Văn ) - trong đó có in lại Tôi kéo xe. Đó là một dấu hiệu đổi mới - nhằm nỗ lực trả lại đúng vị trí vốn có của những tên tuổi trong lịch sử văn học. Và trong dịp 21/ 6 này NXB Văn Hóa đã in tập Cuộc đời viết văn làm báo Tam Lang- Tôi kéo xe do nhà thơ Thế Phong biên soạn.
Tập sách này đã khiến tôi sung sướng và vui mừng như gặp được một người bạn tri âm. Nhà thơ Thế Phong đã bỏ nhiều công sức để sưu tập lại những bài viết đánh giá về đóng góp của Tam Lang trên lãnh vực văn học và báo chí. Trong đó, nhà báo lão thành Thượng Sỹ - năm nay ngoài 90 tuổi, còn sống tại TP.HCM - đã viết về thân thế sự nghiệp của tác giả Tôi kéo xe. Gs Thanh Lãng và các bạn SV Văn khoa Sài Gòn phỏng vấn Tam Lang. Ngoài ra là những bài nhận định của Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Hoài Thanh, Tam Ich... Theo hiểu biêt của tôi thì sưu tập này vẫn chưa thật đầy đủ về Tam Lang - nhưng cũng đã giúp ích rất nhiều cho bạn đọc trẻ hôm nay.
Tam Lang tên thật Vũ Đình Chí, sinh ngày 26/3/1900 tại Hà Nội. Năm 18 tuổi ông chính thức bước chân vào làng báo, và qua đời vào ngày 7/1/1986 tại TP.HCM. Với Tôi kéo xe, Tam Lang cho biết :" Tôi đọc phóng sự của bà Maryse Choisi, thấy bà tự cải trang làm gái điếm để viết phóng sự về mại dâm. Tôi bắt chước xin làm nghề kéo xe để viết về kiếp người ngựa khốn nạn này ". Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng tập phóng sự trên vẫn còn hấp dẫn và quyến rũ bạn đọc vì giá trị văn học của nó. Các nhà viết phóng sự đầy tài năng của chúng ta đang hiện diện ở cuối thế kỷ XX nghĩ gì về điều này ! Và đây cũng là bài học chung cho những nhà phê bình, đâu có phải cứ được quyền làm nhàphê bình là có quyền vùi giập một tác giả - tác phẩm. Nếu tác phẩm ấy có giá trị thật sự thì nó vẫn tồn tại qua mọi khắc nghiệt của thời gian và quyền lực áp đặt của bất cứ ai. Điều đáng khâm phục ở Tam Lang là suốt đời ông chỉ chọn và yêu nghề báo. Hầu hết báo chí xuất bản ở miền Bắc tứước 1945 đều có sự góp sức tích cực của ông. Với những người chuyên viết phóng sự như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Trọng Lang, Hoàng Đạo... đã góp phần thúc đẩy thể lọai này có một bước tiến lớn trong lịch sử báo chí Việtnam.
Nếu nhìn lại không khí chính trị, xã hội của một thời đại thì không thể không tham khảo báo chí thời đó. Tôi biết ơn những tác giả này đã giúp cho thế hệ chúng tôi hiểu được một thời đại đã qua. Khi viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thái Học ( NXB Văn Học, 1995) thì những bài báo của Tam Lang viết trên các tờ Thực Nghiệp, Trung Bắc Tân Văn, Ngọ Báo... đã giúp cho tôi nhiều lắm. Xin được bày tỏ lòng biết ơn các thế hệ đàn anh. Và Tam Lang suốt một đời gắn bó với nghề, ông từng nói: " Nghề viết văn viết báo ở xã hội VN là nghề bạc bẽo và bấp bênh nhất. Đâm đầu vào nghề mà không có được người vợ đảm đang tháo vát, tần tảo nuôi nổi gia đình trong thời gian mình thất nghiệp vì bất mãn, vì báo bị đình bản có giới hạn hoặc thu hồi giấy phép thì chuyện treo niêu gác bếp là chuyện rất thường " ( tr. 84) . Lời cảnh báo ấy của ông đã cho thấy được nỗi nhục-vinh của nghề báo.
Cuối cùng, cảm ơn nhà thơ Thế Phong và NXB Văn Hóa đã kịp thời cho ra mắt tập sách này. Qua một nhà báo - nhà văn Tam Lang, những bạn đọc trẻ chúng tôi được nhìn lại nghề của mình. Dù vợ của Tam Lang từng dặn dò con mình:" Con làm nghề gì cũng được nhưng đừng làm nghề báo như cha con. Làm báo khổ lắm, ăn ngủ không có giấc, đi không ai hay về không ai biết, quần áo ít thay, dơ bẩn, người lúc nào cũng phờ phạc như kẻ mất hồn ". ( tr.85). Biết thế, và hơn nữa thê nữa, nhưng noi gương đàn anh đi trước yêu nghề, sống chết vì nghề, tôi cũng xin chọn lấy nghề này; vì : " Đã mang lấy nghiệp vào thân".[] LMQ.
----
* - trích báo "Phụ Nữ tp. HCM"ngày 22-6-1996). - in kèm bìa sách "... TAM LANG- TÔI KÉO XE".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét