HÀ NỘI 40 NĂM XA / 10:10 .. chủ nhật sau cùng ở...
Chương 7
ngày 10 tháng 10 năm 1995
2 ngày 9 và 10 tháng 10 năm nay - kỷ niệm 41 năm tiếp quản Hà Nội, cờ rực đỏ khắp phố phường từ lúc còn mờ sương. Cũng là lúc vợ chồng Kiều Liên Sơn bận bịu với đám tang em rể qua đời. Cô Ninh, đứa em gái duy nhất của Kiều - gia đinh chỉ có hai anh em, khi chồng cô buông xuôi hai tay, gây cho cô nhức nhối, đớn đau cao độ. Kiều kể lại câu chuyện đám cưới Ninh- ông bà cụ và ca Kiều Liên Sơn không mấy đồng tình cho lập gia đình, sau đành chấp nhận, tình yêu thắng tất cả.
Tôi liếc mắt vào chương trình hội nghị ở Trung tâm- thứ 2: một buổi nói chuyện duy nhất nhà văn -đạo diễn điện ảnh Jean-Philippe Toussaint- có phim chiếu minh họa buổi nói chuyện văn chương, hình ảnh mờ ảo, lúc rõ, lúc không. Thật tẻ ngắt !
Tuy vậy cũng giúp cho nhà văn Tahar Ben Jelloun có giấc ngủ say sưa, đầu lắc lư như chiếc đèn đêm ngoẹo cổ.
Tôi trở về nhà trông cháu Trung cho vợ chồng Kiêu tiếp tục trực ở đám tang.
Nói với cháu nhỏ như lời ru:
-.. hãy nhìn vào gương soi, nếu cháu thấy đẹp thì khóc tiếp; nếu thấy miệng méo xệch thì cháu không nên khóc nữa. Nhớ bố mẹ ư, đúng thế rồi, cháu hãy nhìn lên cửa sổ, nghe tiếng mẹ cháu gõ cạch cạch, thì bác cháu mình ra mở cử cho bố mẹ.
Cậu bé nhiều lần mếu máo, gọi mẹ hoài, sau buồn ngủ chịu ôm gối nhắm mắt và tôi cũng chợp mắt theo ít phút.
12 giờ đêm, vợ chồng Kiều về, thấy con đã ngủ, hài lòng về nghề trông trẻ của tôi. Nhớ lại hơn 20 năm trước, mỗi lần bế con, con khóc ré lên - tôi đẩy miệng bé áp vào bộ ngực nở nang của mình. Con bé mút chùn chụt, tôi cảm thấy nhột quá không chịu được, lôi miệng bé ra - thế là bé khóc ré thật to và đúng lúc ấy vợ tôi kịp pha sữa mang lên .
Lý Lan cùng tôi đến hiệu ảnh Đạm trên phố Trần Hưng Đạo nhận ảnh chụp lại - từ nơi nhà văn Băng Sơn cho mượn - khi cô nhìn bộ ngực nở nang, phê ngay" đúng bộ ngực được chích silicone!"
Một số nhà văn thành phố ( tp. H.C.M ) trở lại Saigon sớm hơn chương trình: Huỳnh Như Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan.
Buổi thứ 2, Nguyễn Thị Minh Ngọc đi lãnh giải A văn chương thiếu nhi / Nxb Kim Đồng. Còn tham dự hội nghị chỉ còn mấy người: Hoàng Như Mai, Cao Xuân Hạo, Minh Ngọc, Ngô Thị Kim Cúc và tôi. Rồi ngày thứ 2 cũng qua đi thật chậm, nhưng cũng qua đi rồi !
Còn 1 buổi duyện chiều 10 / 10 , ông Hữu Ngọc Nxb Thế giói nói về Phác họa chân dung văn hóa Việtnam . Nói tiếng tây trôi chẩy, không dàn bài- một số lục tục bỏ ra về nửa chừng. Ông đã cao tuổi từng là bạn bè họa sĩ Phạm Tăng, Trần Lê Văn... nhóm viết báo, vẽ tranh ở Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống tây.
1954, Phạm Tăng di cư vào Nam vẽ tranh, trình bầy báo Tự Do / Phạm Việt Tuyền - ít lâu sau được học bổng sang Rome, có một lần tranh chiếm giải 1 thì phải ?
Một trung niên bên cạnh tôi, lắng nghe bài nói chuyệ n rất kỹ, - xong, chia sẻ cùng tôi :
-... Je crois qu'il parle très courammennt, mais il me semble qu'il a mal conjugué.." ( Tôi nghĩ rằng ông ấy nói tiếng pháp trôi chẩy, theo tôi, hình như ông ta chia động từ tồi !).
Có thể bạn ngồi cạnh không ngủ gà ngủ gật như tôi- ông nghe chăm chú, phân biệt được sự khác nhau qua câu nói ở thời quá khứ xác định ( passé défini) , cả quá khứ không xác định ( passé indéfini) - phê rất chính xác !
Một điều rất quí, đợi tới lúc kết thúc nói chuyện, ông bạn mới phát biểu riêng với tôi thì phải !
***
Nhớ lại buổi gíáo sư Hoàng Ngọc Hiến lên bục đọc bài nói chuyện bác sĩ Nguyễn Khắc Viện . ( mới nói vài câu, bị choáng, bỏ về nửa chừng ) . Và ông Hiến ,diễn giả đọc - giọng nói lên bổng, xuống trầm, không ngắt đoạn đúng cách, khiến nữ thông dịch phải hơn 1 lần yêu cầu - xin diễn giả đọc câu có dấu phẩy, chấm phẩy, chấm câu rành mạch, thì người dịch mới có thể hoàn thành công tác dịch trọn vẹn. Bởi lẽ, cứ mỗi khi ông Hiến nghe dịch xong một thuật ngữ nào đó- lập túc ngưng lại, rỉ rả to nhỏ- là một lần nữ thông dịch phải bỏ ngang câu dịch dang dở để sửa đúng như ông yêu cầu - điều này khiến cô phản ứng . Có thể đó còn là cách làm mất mặt nữ thông dịch chăng ? Theo tôi, cô dịch vào hạng cừ khôi, chỉ vì chưa mấy quen với thuật ngữ văn chương, triết lý.. khiến có giây phút lúng túng mà thôi ! Tránh điều này chẳng có gì khó, nên đưa một bản tham luận trước khi dịch, và cũng nên phân phối luôn thể cho mọi đại biểu tham dự hội nghị.
***
Chủ nhật sau cùng ở Hà Nội dây sớm, chuẩn bị tới Ngõ Trạm- cả thủ đô hình như chỉ có một hội thánh Tin lành duy nhất cho Cơ đốc nhân. Buổi nhóm khá đông, chừng trên trăm người- gồm khách vãng lai, đa số người trẻ, da trắng, đen- ba lô khóc trên vai, vào băng ghế ngồi, mở kính thánh dò. Có thể, họ tiếp bước chân ngoại trưởng Huê Kỳ đến đây, hoặc là viên chưc tòa đại sứ 10 tầng ở Láng Hạ không chừng ? Là ai cũng tốt, có lòng phượng Chúa cách kỉnh kiềng, không bỏ nhóm như kẻ quen làm !
Từ Nhà thờ Tin lành, tôi rẽ sang phố Yên Thái, gặp ngay quán nem rán. Nhìn thỏi nem rán xinh xinh trong chảo bốc hương thơm ngào ngạt, đáp ứng ngay bụng lép kẹp- tôi bước vào quán không chút do dự. Như lần vào chợ Gia Ngư, cứ tưởng ăn hết đĩa cốm ; lần này chắc mẩm ăn hết cả chục cái chứ không chơi. Cô hàng tính tiền 3000 đồng / 6 thỏi- cho biết thêm nem rán có thêm cua biển đấy. Ăn xong tạt vào quán bên đường làm 2 chung trà tráng miệng tốn 200 đồng.
Quay ngược xe đạp trở lại, rẽ vào ngõ Tạm Thương , có lối ra Hàng Bông - tìm lại 1 nhà in nổi tiếng xưa kia Imprimerie Lê Văn Tân. Vẫn là nhà in , máy chạy ầm ầm, giấy báo chất đầy phòng ngoài- khác hẳn một nhà in lâu đời khác củng tuổi Lê Văn Tân- đó là Nhà In Lê Cường 75 Hàng Bồ -chỉ còn chữ IMPRIMERIE trên tâng cao, dưới nhà thay đổi hoàn toàn.
Phố Hàng Bông còn 3 căn nhà 2 tầng thuộc loại cổ xưa còn lại - tuy 1 căn đang bị phá đi xây mới. Qua Nhà Hát Lớn- đôi lần tôi muốn ghé vào ngồi ở một cửa bên hông có mái che - hồi tưởng lại đã nhiều lần, tôi ngồi bó gối, ngẫm nghĩ chuyện đời, thương thân trách phận nhỏ nhoi không ít ?! Bấy giờ, khu này đã bị rào lại, cạnh bên nhà thờ Tin lành dành riêng người phương tây ( hình như ) đang bị phá đi để xây cất một công trình gi gì đó ?!
***
Kiều Liên Sơn giắt tôi lai thăm khu Trường Bưởi ( nay Chu Văn An) , đến thăm chị Bội Trâm- vợ nhà thơ Phúng Quán- nằm ở phía sau trường.
Chị niềm nở tiếp đón, hỏi thăm vợ con Kiều, hỏi : " con mèo đem về nuôi, còn không ?"
Hiểu được ngay, gia đình Kiều Liên Sơn và gia đình Phúng Quán có sự thân tình !
Trên bàn thờ, có chưng khung ảnh Phùng Quán, lủng lẳng treo thêm chiếc áo vét-tông , đầy chữ ký bằng hữu thân thuộc, và khói nhang nghi ngút như không bao giờ tắt ! Kiều Liên Sơn lấy hương đốt, vái lạy bạn đã rửa chân sạch sẽ chễm chệ trên ban thờ ! Tôi có lời thưa:
-...tôi xin lỗi, vì không thể vái lậy- bởi người Tin lành phải làm theo lời Kinh thánh chỉ dạy !
Nhìn cột gỗ lim nổi vân gỗ lên nước bóng lóang, chứng tỏ cột gỗ rất lâu năm còn tồn tại hằng 5, 7 chục năm ! Thấy ngắm nghía mải mê, chị kể : cột nhà này được tháo gỡ từ nhà ông bà ngoại ở Hàng Cân đưa về đây dựng nhà cho rể. Chị ngỏ ý muốn đưa chúng tôi lên thăm căn gác xép buổi sinh thời anh Quán thường lên đây làm việc.
Gác xép gọi là chòi - tên chủ nhân đặt - nơi bạn Tào Mạt cùng ngắm Hồ Tây, trò chuyện với Phùng Quán ngày qua ngày - có khi ở lại đêm. Chị đi lại phía cửa sổ dài, hẹp, bốn cánh ( persienne) mở toang cả 6 cửa sổ, như chị giới thiệu:
".... - cho các anh thỏa thích ngắm cảnh sông, nước mênh mang hồ Lãng Bạc mà xưa kia anh Phùng Quán ngày, đêm mở đón gió lùa, vừa uống rượu vừa ngâm thơ cho vợ nghe..
Phía vách trong treo chân dung Phùng Quán do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ, cạnh ,chân dung thi sĩ Essénine- không nhớ ai vẽ - có cả một tấm liễn Trường ca Võ Thị Sáu viết tay lủng lẳng, đong đưa tận cuối vách .
Hiển nhiên , sinh thời Phùng Quán lấy rượu làm bạn; rất có thể uống nhiều, quá độ - qua đời vì hậu quả từ rượu gây ra.
Cô đơn lẻ loi như Phùng Quán, cạnh bên còn bạn thân Tào Mạt; cùng vợ con. Nhưng một chàng rất cô đơn không bạn-người, chỉ còn bạn-vật-người-"... chính là thi sĩ nước Nga Essénine đang ngồi trên tấm vách tường nhà Phùng Quán- khi chàng uống rượu thì chẳng còn ai bên cạnh, nên gọi:" hỡi con chó cái kia ơi ! mi hãy đến đây cùng ta uống rượu. đi nào !."
Chị Bội Trâm đưa chúng tôi xuống gác, lấy 2 tập thơ vừa xuất bản, bìa màu vàng:
THƠ PHÙNG QUÁN
TÊN TÁC GIẢ- CHỮ VIẾT TAY- PHỦ NHŨ VÀNG.
Chúng tôi vừa uống nước vừa nghe chuyện kể - đám tang Phúng Quán chưa bao giờ đông đến vậy - hằng hà anh em văn nghệ sĩ, bạn bè, kể cả người có quyền chức đều ghi tên vào Sổ tang lưu niệm -người cuối cùng , tính đến giờ phút này- chị ngưng lại - đó là đương kim Trưởng ban văn hóa tư tưởng Trung ương đảng: Hà Đăng.
Tào Mạt thường ghé CHÒI( viết hoa) cùng Phùng Quán ngắm sóng hồ Tây, gió lăn tăn thổi- ngược lại sóng lòng 2 bạn kia cũng đang cuồn cuộn -, khi cao hứng thì Trời chỉ là cái vung úp lên bình rượu nồng ! Quá chén chẳng cần che chắn nói năng lúc bình thường, bẩy lần uốn lưỡi hãy ra lời, hoặc tai họa từ miệng - tất cả là hư ảo - cứ nói thẳng thừng ra" đếch sợ đứa nào !"
Đại tá Nguyễn Đăng Thục- tên cúng cơm nghệ sĩ Tào Mạt , ước ao:
"...- một là - sẽ giới thiệu Phùng Quán vào đảng Cộng sản Việtnam -hai là - một bài thơ Tào Mạt phải được dùng LỜI TỰA in trên đầu tập thơ Phùng Quán sẽ in .
Nhưng không là ý mình, mà ý Trời - Phùng Quán qua đời sau Tào Mạt- đại tá Quân đội nhân dân không thể đứng tên 1 trong 2 người bảo lĩnh Phùng Quán được mang thẻ đỏ. Riêng bài thơ đề tựa mà Tào Mạt ao ước xưa kia đã thành sự thật rồi !
Một câu thơ tư bạch Phúng Quán:
"... may thay, bước vào tuổi 64 ( tính theo âm lịch), nhờ tình ưu ái của ban chấp hành Hội nhà văn ( trung ương , TP ghi) tôi đã thực hiện được 1 trong 2 điều ước của Tào Mạt đối với tôi...."
Bài thơ xuôi Tào Mạt- viết chữ hán- chính tác giả tự dịch xuôi nghĩa:
TẶNG PHÙNG QUÁN
Tuổi trẻ đã có nhiều công tích vẻ vang
Như chim nhạn vượt qua mây thành
Ý thành nhưng vì lời chưa chín chắn
Tai họa kết là lính quay giáo
Chất ngọc bị bắn bởi ghét bụi
Lòng trong sạch tự chiết xuất ra văn
Râu bạc trắng thì phúc cũng đến
Cả văn lẫn chất ngây càng dày dặn.
TÀO MẠT
Thơ đối với Phùng Quán không chỉ giải thoát tâm linh -mà động lực tinh thần nâng đỡ tâm linh xuống thấp. Bút tích anh ghi trên đầu thi tập :
" Thơ đề trên thơ, có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy".
Chị Bội Trâm rót nước trà mời lần 2. Bây giờ chị bắt đầu lấy bút ra ghi tặng.
Với tôi, chị là người chưa hề gặp mặt. Vốn nhà giáo, nét chữ rất chân phương viết đủ nét uốn lượn như học trò tập viết chữ đẹp -trước khi viết, chị đã kẻ hàng qua nét bút chì :
Thơ là mạng sống
là lý lịch đời tôi
Một đời lưu lạc
một đời cay cực
một đời thơ
Phùng Quán
Kính tặng anh THẾ PHƯƠNG
Hồ Tây, thu 1995
Vũ Bội Trâm
vợ anh Phúng Quán.
Kiều Liên Sơn thấy viết sai , đề nghị chỉnh sửa PHƯƠNG thành PHONG. Hai âm U, Ơ được chị sửa nắn nót tô thành O.
-.....Thưa lại, không hề gì - vì anh Kiều đây mới giới thiệu tôi bắt tay một ông tướng văn nghệ tên PHƯƠNG , ngay trước cửa báo Văn nghệ quân đội , khi chúng tôi tới thăm trung tá viết văn Ngô Vĩnh Bình. Chị biết không, đời thường tôi trong lính Không quân Saigon chỉ mang lon trung sĩ, rất hào phóng được thay tên này sang tên kia !
Cảm ơn vợ Phùng Quán một lần nữa, vì đã tặng tập thơ mà buổi sinh thời - tác giả Phúng Quán hằng ấp ủ thấy đứa con tinh thần chào đời- đến nay thực sự nó đã ra đời, thì kẻ ký tặng lại không là chủ nó ?!
Tôi nói lời cảm ơn thật lớn giọng, như muốn nếu linh hồn tác giả quẩn quanh đâu đây cũng nghe được !
Thằng bạn Kiều Liên Sơn ngồi cạnh , mắt lom lom xem tới lượt được ký tặng - mà chẳng hiểu sao chị Bội Trâm cầm cuốn còn lại đặt lên ban thờ tác giả , lông mày nhíu lại , có đôi chút bực mình thì phải ?
Tôi thắc mắc trong lòng - sao lấy ra 2 cuốn, lại chỉ ký tặng 1- có thể chị chợt nhớ ra đã ký tặng Kiều ?! Chị tâm sự, Nxb Hội nhà văn in ra chỉ tặng 10 tập- thủ tục hành chính thời bao cấp chưa được xóa bỏ, chị giốc tiến túi in thêm 300 cuốn tặng bạn bè.
Tôi chưa tiện hỏi Kiều Liên Sơn đa được tặng tập thơ Phùng Quán chưa ? - mãi hôm sau lục lọi chồng sách bầy trên bàn viết của nó trên gác xép- chẳng thấy mặt mũi tập thơ nào mang tên Phùng Quán cả. Bởi lẽ, gia tài sách, báo rất nghèo nàn, ai tặng cuốn nào đều bầy hết trên chiếc bàn gỗ nhỏ- thằng này ít khi chịu bỏ tiền mua sách, báo.
-.. Có lẽ bà ấy quên cho tao, có khi lại tưởng đã tặng rồi ! - Kiều nói vậy.
***
Phúng Quán là cháu gọi Tố Hữu bằng cậu . Khi cậu ruột đang nắm quyền cao chức trọng thì rất nhiều kẻ săn đón, riêng thằng cháu bốn biển, ba trời lại không biết là có. Tới một ngày, đứa cháu nhìn vào một biệt thự khổng lồ nằm trên đường Phan Đình Phùng - bây giờ không còn lính gác bồng súng đi đi, lại lại - một lính canh đi từ đầu này sang đầu kia, rồi một lính khác từ đầu kia đi lại - hình như chỉ nháy mắt nhìn nhau gặp ở điểm giữa - thì Phùng Quán và vợ tới thăm cậu mợ nhân dịp tết cổ truyền. Trong bài báo đăng trên Cửa Việt ( không nhớ năm ) ngòai vợ chồng Phùng Quán, chỉ có một người khách duy nhất tới thăm cậu mợ anh, và được giới thiệu chị Nê .( phu nhân ông Võ Chí Công ) Không nói ra, Phùng Quán nghĩ trong lòng, vị khách nữ này thật có tình có nghĩa rất đáng khâm phục, nể trọng ! Sau khi trò chuyện tới phút ra về, người cậu giang 2 tay khoác hai vợ chồng đứa cháu, thủ thỉ - ...sao cháu không tới gặp cậu trong lúc khó khăn, khi bị quan điểm chính trị qui chụp - dầu bỏ hết những thứ linh tinh kia đi, thì vẫn còn tình máu mủ cậu cháu ruột kia mà ! Người cậu phê đứa cháu dại dột, không biết cách ứng xử, thật vụng về khi cần phải lên tiếng xin cưu mang .
Ra tới cổng, đứa cháu đọc khẽ 2 câu thơ mà cậu là tác giả từ vài chục năm xưa :
Ai nên khôn chẳng dại đôi lần !
( thơ Tố Hữu)
***
Chiều chủ nhật sau cùng ở Hà Nội, dành trọn buổi sáng thăm vườn Bách Thảo- bao kỷ niệm thời học sinh trung học tràn đấy trong trí tôi !
Cầm theo tờ tuần báo của Saigon mới mua nơi quầy báo bên đường, người giữ xe đòi mượn. Anh ta chưa vội để mắt vao tờ báo, đã phát biểu cảm tưởng:
- Ông bác ơi ! báo Saigon ở đấy bán rất ế !
Người dân thủ đô không thích đọc - đây chỉ là nhỡn quan một anh giữ xe. Có thể, không thích đọc báo người khác mua; hoặc không mua đọc báo này thường xuyên, thi cách nào biết chính mình thích hay không ? Và khi nào anh ta thường xuyên mua tờ báo ấy mới có thể biết khẩu vi tinh thần thích đọc tờ báo nào ?!
Hôm qua tôi tìm mua tờ C.A Saigon, báo chạy hàng đầu, chuyên đăng tin hình sự, cướp bóc, lừa đảo tình, tiền, tai nạn giao thông đường sông, bộ. hàng không - từ trí thức tới giới bình dân đều đọc được cả, thì chẳng sạp nào bán, kể cả quầy bán chạy, đù tựa báo nhất ở trước Bưu điện trung ương ?
Người chủ sạp đánh giá- báo trong Nam ngoài mình ít người mua, kể cả sách văn học, thi ca, tiểu thuyết cũng thế. Có một cuốn thôi, gây xì-căng-đan như cuốn phải gió căn răng T.T.KH., nàng là ai ? hay Ai là nàng ?- mở báo trong nam, ngoài bắc đều xì xào, bàn bạc , ý kiến, ý cò này nọ. Kẻ khen thì rất ít đôi ba đứa thất tình, rửng mỡ ngâm nga: " nếu biết rằng tôi đã có chồng.. ( than trời ỏm tỏi !) người ấy có buồn không ? Bác có đọc cuốn này không nhỉ ?
Cuối cùng, chủ sạp bán lại cho tôi tờ báo C.A cũ mèm kia, mà chắc đã qua tay rất nhiều người đọc - tôi tự hỏi, liệu bà chủ sạp có đọc không ? Một chủ sạp báo khác kêu bán bao rất ế - phát hành ngoài bắc thì trong nam không có mua; phát hành trong nam ngoài bắc hiếm thấy- dân số gần 7, 8 mươi triệu, sách báo so với khu vực báo rẻ mạt - chẳng hiếu sao ít người chịu mua đọc ?
Một bà còn trẻ, chủ một sạp khác kể, bà ta mới bỏ cái nghề chết tiệt này- ấy là nói về bán báo, sách - nay chuyển sang bán maxi váy, mini- váy chạy nhiều- còn món ăn tinh thần tinh thiếc thí không đọc đã thấy bà đầm, ông tây nào chết đâu ? các cụ dạy chẳng sai, chỉ không cơm, không gạo mới dễ toi thôi !
Thôi cũng đành, biết đâu đây chẳng là bức tường ngăn cách văn chương, báo chí tư bản xâm nhập hủy hoại văn chương truyền thống đậm đả bản sắc dân tộc chăng ?
Thơ phú lại càng ế ẩm, thơ mộng ai cũng cần; nhưng thơ in ra chẳng ai thèm bỏ tiền mua, kể cả
thơ" không là điểm tựa / thơ vịn lên mà đứng dậy " lời Phùng Quán lại còn ế ẩm hơn hơn nữa là điều chắc chắn ?!
***
Vườn Bách Thảo chỉ còn lại cây, đất, đồi, không còn thú vật nữa rồi - đã từ lâu thú chuyển về Thủ Lệ.
Ở đây cũng còn thú - khi nhìn thấy từng cặp ngồi bên hồ tâm tình - xe gắn máy Dream dựng sát cạnh, khóa nhiều vòng, gần đó một tấm poncho lớn giăng lên thành một cái lều, và nhất định che chắn mắt khách bộ hành tò mò .
Ngẫm maxi-jean-váy công dụng đa năng, vừa không mất nếp, tha hồ lăn lóc - hẳn rằng ý nghĩa thức dụng sâu xa, áp dụng nhiều động tác nhanh, gọn, vẫn không hề xuy xuyển ! Người ngoại quốc mở áo choàng, măng-tô, áo pardessus cho đôi tình nhân tha hồ làm động tác đắm đuối- chuyện bên tây được phép làm - nhưng không thể nào thực hiện đúng, nhanh, gọn như cặp tình nhân bên bờ vườn thú bách thảo hôm nay !
Tôi đi lên dốc gò núi Nùng- nơi thờ Huyền Thiên đế - tương truyền cậu bé từng giúp Nhà Lý đánh giặc ngoại xâm. Bây giờ nơi này chỉ còn bầy cái bàn nhỏ - ông già mặc sơ mi, quần tây, đôi mắt sắc láo liên dòm chừng phía tôi như người theo dõi - ai có ai xem bói toán hay kẻ nào giải quẻ lậu ?!
Xuống gò, bước qua một cây cầu- vào thăm môt đảo trồng hoa - giữa là trụ điện bằng cây sắt - hình như được chôn khá lâu đời tại đây- ngọn uốn cong lủng lẳng một bóng đèn cũ kỹ, một chiếc loa còn mới phát nhạc thính phòng. Nhìn kỹ, cột điện không còn nằm ở trung tâm điểm vươn hoa, lại ở gần bìa, chứng tỏ đã sang sửa lại- vòng tròn kia được nối rộng ra nhiều so với trước.
Trở lại, vòng sang phía bên kia đảo, rất đông người đang theo dõi cuộc chọi gà, thú vui đại chúng của người dân vào ngày nghỉ thăm vườn Bách Thảo- cây và cỏ đúng nghĩa !
Và tôi lên tiếng thầm: " cảm ơn Vườn Bách Thảo" có một toa-lét công cộng, thật đúng lúc cho khách nặng bụng cần tống ra chất thải kịp thời !
Cũng từng bâng quơ "cảm ơn đê Yên Phụ" - không chỉ ngăn lũ sông Hồng- còn sắm sẵn một toa-lét lộ thiên cho những ai thích câu:" nhất ị đồng, nhì chồng quan!".
Vì đã có một cán bộ bảo tàng vô danh nào đó - rất tình cờ - lên bờ đê làm công việc nhất ị đồng kia; và trong phút thăng hoa nhất, tự nhiên đôi mắt sáng lóe, ông ta nhìn ra tấm bia đã chìm vùi ở nơi này đã từ rất lâu lắm ! Ông ta vội xốc quần, đi tới bới tìm- đó là môt tấm bia lịch sử, tạc dáng kẻ có công với chữ quốc ngữ hàng đầu : Alexandre de Rhodes .
Thuê thêm người đào bới đem về nhà, giữ như một bửu bối. Chẳng chờ đợi gì, cho tới một ngày, người ta định lại gíai trị kẻ có công , uống nước phải nhớ nguồn - ấy thế là ông Alexandre de Rhodes không còn bị coi nhu" tên cố đạo Bồ đào nha làm mật thám cho thực dân" - hẳn tấm bia kia sẽ được tái dựng tại nơi xứng đáng của chữ nghĩa thánh hiền cổ kim - Thư viện quôc gia trung ương chẳng hạn !
Tôi khâm phục cán bộ đã giữ tấm bia ấy - lại bùi ngùi nghĩ tới môt di tích lịch sử lâu đời cả trăm năm như Lăng Cha Cả ( trước cổng Phi Long / Không quân VNCH xưa kia) bị phá rỡ. Nào xe cơ giới ầm ầm bứng tượng đi, thay vào đó xây dựng một công viên chết tiệt - vòng xoay dành cho xe- rẽ theo hướng tên chỉ dẫn.
Thật ra, cũng nên choàng một vòng hoa ( để thắt cổ y) đã có công lớn, phá di tích lịch sử quốc giá quí giá như Lăng Cha Cả, từ trăm năm xưa, dựng trước cửa đường vào sân bay Tân Sơn Nhất .
Trở lại vườn Bách Thảo Hà Nội - tôi đang đứng cạnh bức tường thiên cổ xây bao quanh, tựa bức tường năm trong khuôn viên chùa Quán Thánh - còn y nguyên sợi rêu ngàn năm bám chặt tường chùa chiền, miếu mạo, đền thờ xứ bắc hà !
Buổi sáng nay muộn- 10 giờ - tôi và thi sĩ Vân Long ( 1934- ) chở nhau trên chiếc xe đạp Phượng hoàng tới tìm nhà văn Băng Sơn- chàng thi sĩ viết báo rất hăng được xếp Ngũ hổ Bắc Hà - đã leo lên ngựa sắt phi tới tòa soạn các báo nhận nhuận bút - phu nhân nhà văn, chị Mai Phương tiết lô vậy.
Tiện thể, chúng tôi chở nhau đến phố Lò Đúc - với tôi để chào từ biệt giám đốc nhà xuất bản Quang Huy , trước khi về lại Saigon . Thi sĩ Vân Long là bạn thân ông, thuộc làu phổ trạng, kể cả cá tính thường ngày ra sao ? Chẳng hạn, ít ai có thể rủ rê ông ta đi chơi vào buổi chiều tan sở - con đường duy nhất trực chỉ về cùng vợ ở Láng. Còn trưa, ông ta thích cơm bụi cùng bè bạn, bù khú chuyện văn chương, thi phú thì vẫn ít hơn chuyện xuất bản hoặc làm ăn khác.
Vân Long bấm chuông liên hồi, cửa vẫn chưa mở, chẳng ai lên tiếng. Mãi sau, giám đốc Quang Huy đi ra, mắt như nhíp lại, vừa xốc quần đi ra tiếp khách.
Giám đốc tiếp đãi niềm nở, chỉ vào hàng ghế mời ngồi. Chiếc bàn xa lông nhỏ xíu đầy ắp lịch 1996, dưới bàn la liệt tác phẩm đủ chủng loại tác giả ký tặng giám đốc kiêm giám đốc nhà bảo sanh tác phẩm của văn nghệ sĩ đương thời. Thí dụ, tập thơ Kinh Bắc của Hoàng Cầm, với lời đề tặng Quang Huy :" bà đỡ đẻ những đứa con khó sinh..!" Rất chí lý, nếu ông này không là giám đốc Văn hóa -thông tin , thì có mấy tác phẩm lên dàn báo động đỏ số 1 lên đoạn đầu đài rồi ( một cuốn thơ Lê Minh Quốc, một cuốn biên khảo gì đó vể đất đai ở Hàng Buồm ? )- chẳng những bà bầu mắc nạn mà cả bà đỡ cũng được đưa lên băng-ca cùng
về" phường Dạ Lạc lâu rồi ! ( Chiếc xe đi qua phường Dạ Lạc / thơ Văn Cao,nói về nạn nhân chết đói năm Ất dậu, 1945). .Rất may thời kỳ này, ông giám đốc Quang Huy có chỗ dựa rất vững- thời kỳ tổng bí thư Đỗ Mười .
Bỗng giám đốc hững hờ cầm điện thoại gọi một ai đó -, sau nói với hai chúng tôi:
- Ông Bùi Vợi sắp tới đây, tôi nói có 2 nhà văn dỏm là Thế Phong và Vân Long đang ngồi chờ.
Liếc qua nhìn, hình như chàng Vân Long khó chịu- " nhà văn dỏm bị áp đặt này " - bẻn cự Quang Huy:
" sao lại dỏm ?!
-Các anh không là nhà văn dỏm thì tôi mới dám đùa là dỏm ?
Tay gíám đốcphản pháo tuyệt chiêu, cú rờ-ve làm bạn tôi hơi choáng !
-Nhưng không sao, tôi thưa lại. Chúng tôi rất hân hạnh được đàm đạo cùng một vị gíam đốc dỏm - không, ít ra chỉ mình tôi dỏm vậy - bởi lẽ rất dễ hiểu, nếu một vị gíam đốc đúng đắn, đàng hoàng thì không thể nói chuyện với đối tác là nhà văn dỏm? Cả hai đều dỏm mới là bạn của nhau, " buôn theo ban, bán theo phường" các cụ dậy chớ có sai ! . Chỉ một gíám đốc dỏm cỡ ông Quang Huy đây mới dám ký khống giấy phép dỏm cho Trần Nhật Thu in T.T.KH., nàng là ai ? . Thưa có gì sai không , ông giám đốc ?!
Bỗng nhiên, gíam đốc ôm bụng,- cơn đau bao tử tái phát ? - vừa lúc ấy- một nữ nhân viên gõ cửa bước vào phòng khách như có điều gì tường trình ? Gặp hai vị khách, nữ nhân viên xin lỗi, khép cửa, bước ra ngoài.
Vẫn chưa thấy ông Nguyễn Bùi Vợi nào đó tới, giám đốc bèn quay sang hỏi chuyện tôi họp hành cùng một số nhà văn Pháp ở Trung tâm văn hóa Pháp ở Yết Kiêu ?
- Anh Thế Phong được quan Đại Pháp mời ra dự hội nghị. chắc không phải xin phép ai, bởi anh có làm ở cơ quan nào đâu nhỉ ? Còn nhà thơ Hoàng Hưng phải xin phép tới, xin phép lui vv... Thứ 5 vừa rồi, tôi đại diện Hội nhà văn tới tham dự - thực ra tùy viên văn hóa Robert Lacombe năn nỉ mãi tôi mới nhận lời. Đến nơi, lập tức họ săn đón, trịnh trọng mời lên phát biểu. Và tôi có nhìn thấy anh ngồi ở hàng ghế sau cùng, bên cạnh là Lý Lan.
Nghe xong, tôi gật đầu - bởi đang nghĩ chuyện giám đốc Huy về quê ở Hưng Yên mới đây. Làng quê Quang Huy có một ngôi đình xây từ xa xưa, ông ta lấy tay chỉ vào đình làng kia- găp ngay một chức sắc trọng tuổi bắt gặp, bèn đặt ngay câu hỏi- thì giám đốc khẳng định:
- Chính ông nội tôi xấy cái đình này đấy !
Một vị trưởng thượng thưa lại:
-... như vậy cụ nội gíám đốc là tổng đốc Nguyễn Đình Quang ?
-.. đúngvậy, chắc gíám đốc trả lời như thế !
Bây giờ tôi định hỏi tiếp giám đốc câu này:
"...-Bữa nọ ngồi trong quán cà phê báo Giác Ngộ ở Saigon, anh muốn biết về lai lịch nhà thơ nữ Thư Linh ,một tác giả mà anh đã cấp 2 giấy phép thơ. Hình như anh muốn biết phổ trạng bà này thì phải, vậy cứ gộp 2 phổ trạng, một là tác giả ,hai gíam đốc cấp phép - thì sẽ đếm được đâu đó gần 30 quận công kia đấy !... Nói đùa, anh đừng giận - không biết quận công nhà quan tổng đốc thì ai phong chức cho cụ đây ? ....
( ... không nói tiếp nữa - câu mà tôi định nói - "phong " chức khác hẳn" mời" tham dự hội nghị. Ở Hà Nội bây giờ rất nhiều cánh chuồn lên bàn thờ, khá phổ biến là khác ! Như tôi từng nhìn thấy một ban thờ nhà một bạn ở phố Thụy Khê cũng cánh chuồn - vậy thì anh Quang Huy ơi, - khi anh nghe 2 gia đình có tới 30 quận công, hẳn sẽ gạn tại sao phải ghép chung vậy?" - Có sao đâu ? - đòan kết đấy thôi - gíam đốc Nxb Văn hóa thông tin không ký phép, làm sao" Những dòng thơ hoa"" Phạm Thái-Quỳnh Như" của Thư Linh xuất bản được ? ..."
Tôi còn nhớ nụ cười rất duyên pha chút lẳng lơ gíám đốc Nguyễn Quang Huy!
***
Trở lại tác giả Nguyễn Bùi Vợi - chàng này rất gần gụi Quang Huy. lại thêm ông đồ Nghệ nữa ở thủ đô - tôi nói ngay về " 101 truyện vui - Nhà văn Việtnam hiện đại"- cuốn này khá độc đáo
, vừa dí dỏm vừa châm biếm, cay thật cay - anh chàng nào đó đ ược đề cập, đọc xong chỉ còn cách xít xoa nhu ăn ớt hiểm, đã thì có đã mà lưỡi như bị phỏng rộp ?!
Nói chuyện với nhau chưa mấy tí - nhân viên Nxb đưa lên một bó bạc lớn- toàn tờ mệnh giá 2 nghìn. Đoán biên- tập- phí nhà xuất bản bạn bè trao trả biên- tập -viên -nhà -Nguyễn- Bùi -Vợi không chừng ?
Giám đốc lên tiếng mời ăn trưa -tôi cáo từ - chót hẹn trước nhà văn Nguyễn Minh Lang và Kiều Liên Sơn gặp nhau tại 42 phố Lê Duẩn trưa nay rồi.
Còn nữa, buổi chiều cuối cùng ở Hà Nội, tôi còn đến vài nơi nhận thư từ, quà cáp bạn bè gửi người thân mà tôi có nhiệm vụ cầm về.
Bắt tay giám đốc Quang Huy thật chặt, lời hẹn bâng quơ:
-... hẹn nhau vào một sáng nào đó, đi ăn phở bò quán bá Sáu đầu đường Ngô Thời Nhiệm, qua 15 Lê Quý Đôn uống cà phê do chính cô chủ quán pha như mọi lần. OK ?
Văn chương và nghĩa lý / có ra gì hay là chẳng ra gì ? tùy theo mỗi người ấp ủ, suy luận mà thôi !!! Một khi đã mắc nợ văn chương, thi phú một cách đúng nghĩa - nghiện như người tình thuở ban đầu lưu luyến ấy
- rất khó bỏ , nợ vương vấn chịt chằng !!!
Chẳng vậy mà chàng Phùng Quán qua đời chắc còn thấp thỏm điều gì chưa mãn nguyện - ấy là qua đời chưa nhìn thấy tập thơ ấp ủ có lời tựa Tào Mạt ra mắt. Còn Tào Mạt chỉ mong 2 điều ước, một bài tựa phải được in ngay ở trang đầu tập thơ Phùng Quán - mà cà hai vị ra đi , chẳng ai nhìn thấy thi tập ra đời - có vuông vức hay méo mó, in đẹp hoặc chưa , ai nói lời ra, kẻ nói vào vv và vv.. . Và thi tập PHÙNG QUÁN ra đời, chàng thi sĩ Vân Long biên tập, Nxb Hội Nhà văn cấp phép, Ban Chấp hành Hội Nhà văn trung ương - thời kỳ này chẳng biết vị nào đứng mũi chịu sào- dám gạn ra một phần ngân quỹ làm chi phí in thi tập Phùng Quán.- tác giả có lởi cảm ơn Ban chấp hành - nhưng muộn rồi - bố đẻ không nhìn thấy đứa -con chào đời ?!
Buổi sinh thời, tác giả đối với bạn bè ( Nguyễn Hữu Đang ) hết tình, hết nghĩa - chàng ta dám chiết một phần lương hưu còm cõi về Thái Bình tìm bằng được bạn-người-vật kia đang sống-vất- vưởng cùng lũ chó hoang, mèo mả ,mà không gà đồng !!!
Thơ viết cho vợ- chẳng cần ai đồng tình - thôi thì rủ vợ ra ngồi dưới gốc cây nghe chồng đọc thơ vịnh vợ.
Còn bạn thân tặng lý-lịch-thơ : ..ý thành, lời xanh, họa tai, trơ giáo mác, vượt thành, văn chiết xuất, lòng sạch, ơời bôi bẩn, phước bất trùng lai, họa vô đơn chí, râu bạc phơ, phước thoảng, công tích vẻ vang vv...
Ấy vậy, cũng có phút ngã lòng / vịn câu thơ mà đứng dậy - tác giả qua đời , liệu đứng dậy nổi trong mồ thì đầu tiên vẫn nhìn thấy chàng mỉm cười nửa miệng ? !
***
Có người cho văn là văn dĩ tải đạo - như Hoài Đồng Vọng ( Nguyễn Đức Quỳnh) với ai có qua cầu.... ( không viết chữ hoa / bdc) mới hay nỗi truân chuyên kiếp người:
".. càng biết nhiều, suy nghĩ rộng, càng thêm đau khổ chất chồng ! cũng đúng với cách nói le malheur d'avoir de l'esprit ! ".
***
Có một nhà văn trẻ tên Cao Trường Hồng ở Trung Hoa vào thập niên 20 ( thế kỷ trước) - tay này phản bạn, hại thầy . Nổi danh , anh ta không thích dư luận cho anh : cái đuôi- nên bầy đặt nói xấu, bôi nhọ nhân cách văn chương bậc thầy Lỗ Tấn.
Và ông thầy kia cũng không dằn được nóng giận, cả sự khoan dung cần có, đối với tay học trò - nên ông thầy viết một truyện lấy tên Bôn Nguyệt ( Lên trăng) kể câu chuyện tên học trò Bàng Mộng bắn lén thầy Hậu Nghệ đã dạy dỗ mình . Khi ấy, Bàng Mộng đã nổi danh tay thiện xạ đệ nhất nhân .
Khi mũi tên Bàng Mộng vụt khỏi tầm tay, lao trúng điểm huyệt yết hầu Hậu Nghệ - học trò thấy thầy mình bị trúng tên, ngã lăn ra chết. Bàng Mộng lại gần, cười đắc thắng, hả dạ. Bỗng Bàng Mộng ngạc nhiên thấy xác chết kia vùng dậy, cười hà hà, mắt mở chừng chừng, lấy tay rút mũi tên khỏi vết thương - chỉ thẳng mặt học trò Bàng Mộng mắng nhiếc :"-...con đến nhà ta cả nghìn lần nữa cũng vô ích thôi. Bởi ta chưa dậy con phép" cắn tên" nên khi con bắn ta, tuy trúng yếu huyệt mà ta không chết, vẫn sống sờ sờ là vậy ! Từ nay, ta cấm con đến gặp ta ..."
Có một người , tên Huỳnh Như Phương - mới đây tranh luận về sự tráo trở của phương pháp tư duy với Trần Mạnh Hảo, thì văn chương là chuyện rất dễ chết người !...
Và sau cùng - chuyện nhà văn Ba Kim- mới đây bàn về văn chương, ông ta nói với Lê Bầu - một nhà văn Việtnam sang thăm Trung Quốc :
"-.... Khổng Minh dùng văn chương ( lời bình phẩm) mắng chết Vương Lãng - tác phẩm dầu bị mắng nhiếc mấy thì đã có tác phẩm văn chương nào chết đâu ....?"
[]
( trích HÀ NỘI 40 NĂM XA - Nxb Thanh niên tái bản - Hà Nội 2006 , trang 113-154).
( rất nhớ một số bạn đã qua đời: Kiều Liên Sơn ( 1936-2006), Băng Sơn ( 1932- 2009), Nguyễn Đăng Khải ( 1936-2006) : ".... đã đọc rồi, phải không - đăng lại - còn là cách nhớ chúng mày da diết đấy !"
Sài Gòn, 10 tháng 12 - Nô-En 1995.
-đọc lại , sửa xong tại phường Tân Định tháng 9/2005.
THẾPHONG.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ